Nghệ thuật đua xe trong mưa - Chương 53 - 54 - 55 - 56

53

Tôi mà biết mình gặp cha mẹ của Denny thì đã xử sự niềm nở với mấy người lạ này hơn rồi. Tôi chẳng được báo trước gì cả, không báo động, nên việc tôi bị bất ngờ là hoàn toàn bào chữa được. Dẫu gì tôi cũng muốn chào đón họ như gia đình hơn.

Họ ở lại với chúng tôi ba hôm, và hầu như chẳng bước chân ra khỏi căn hộ. Vào một buổi chiều trong mấy ngày đó, Denny đi đón Zoë, xinh xắn với mái tóc thắt nơ và chiếc váy dễ thương, và rõ ràng là được Denny dặn dò rồi, vì cô bé sẵn lòng ngồi khá lâu trên ghế dài và để mẹ của Denny đưa hai tay lần dò trên mặt mình. Nước mắt giàn giụa trên hai má mẹ của Denny suốt buổi gặp gỡ, những giọt thánh thót lấm tấm trên chiếc váy in hoa của Zoë.

Denny lo các bữa ăn cho chúng tôi, và cơ bản là đạm bạc: thịt nướng, quả đậu tây hấp, khoai tây luộc. Họ lẳng lặng ăn. Chuyện ba con người có thể ở trong một căn hộ bé như vậy và nói rất ít như thế thì hết sức lạ đối với tôi.

Cha của Denny bớt đi vẻ cộc lốc khi ở cùng chúng tôi, thậm chí ông còn mỉm cười với Denny vài bận. Có lần, trong căn hộ vắng lặng, khi tôi đang ngồi trong góc của mình mà quan sát mấy cái thang máy ở cao ốc Space Needle, ông đi lại đứng sau lưng tôi.

“Mày thấy gì, anh bạn?” ông hỏi khẽ, rồi sờ đỉnh đầu tôi, mấy ngón tay ông gãi gãi trên tai tôi y như Denny vẫn làm. Cái cách sờ của một đứa con trai mới giống cách sờ của người cha làm sao.

Tôi ngoái lui nhìn ông.

“Chăm sóc nó cẩn thận,” ông nói.

Còn tôi chẳng thể định được là ông đang nói với tôi hay với Denny. Và nếu ông đang nói với tôi thì ông nói vậy với ý là một yêu cầu hay một lời cảm ơn? Ngôn ngữ con người, dù chính xác với cả ngàn ngàn chữ thì cũng vẫn có thể mơ hồ một cách tuyệt vời như vậy đấy.

Đêm cuối chuyến viếng thăm của họ, bố Denny đưa cho Denny một cái phong bì.

“Mở ra đi,” ông nói.

Denny làm y lời, nhìn vào bên trong.

“Nó ở đâu ra thế này vậy trời?” ông hỏi.

“Từ bố mẹ mà ra,” bố ông đáp.

“Bố mẹ làm gì có tiền đâu.”

“Bố mẹ có một căn nhà. Bố mẹ có nông trại.”

“Bố mẹ không thể bán nhà mình đi như thế được!” Denny thốt lên.

“Bố mẹ không bán,” bố ông nói. “Họ gọi đó là thế chấp đối lưu. Ngân hàng sẽ lấy nhà khi bố mẹ chết đi, mà bố mẹ thì nghĩ con cần tiền bây giờ hơn là sau này, thế nên.”

Denny ngước nhìn cha, rất cao và quá gầy; áo quần trên người ông như đang khoác trên con bù nhìn.

“Bố...” Denny định nói, nhưng mắt ông nhòa lệ và ông chỉ còn biết lắc đầu. Cha ông đưa tay ra ôm lấy ông, kéo ông lại gần rồi vuốt tóc ông bằng những ngón tay dài và các móng tay cong hình lưỡi liềm to bè, xanh xao gần chỗ thịt mềm.

“Bố mẹ chưa hề làm gì cho phải với con,” bố ông nói. “Bố mẹ chưa hề làm điều đúng. Cái này sẽ bù đắp lại điều đó.”

Sáng hôm sau họ đi. Như làn gió mạnh mẽ cuối thu khua xào xạc cây cối cho đến khi những chiếc lá cuối cùng rụng xuống, chuyến viếng thăm của họ, ngắn ngủi nhưng mạnh mẽ, báo hiệu mùa đã chuyển, và chẳng bao lâu nữa, sự sống sẽ lại bắt đầu.

54

Một tay đua phải có niềm tin. Vào tài năng của mình, sự phán đoán của mình, sự phán đoán của những kẻ quanh y, vào vật lí. Một tay đua phải có niềm tin vào đội của mình, xe của mình, lốp xe của mình, phanh của mình, chính bản thân mình.

Mấy cái đỉnh được dựng không đúng cách. Y buộc phải ra khỏi làn chạy quen thuộc của mình. Y chạy nhanh quá. Lốp xe của y mất độ bám. Đường đua đã trơn đi. Và thế là y bỗng thấy mình tại góc cua lối ra, đường đua không còn nữa mà xe lại đang phóng quá nhanh.

Khi đoạn vỉa sỏi ập tới trước mặt, tay đua phải có những quyết định sẽ ảnh hưởng đến cuộc đua của y, tương lai của y. Quặt vào sẽ là tai họa: bẻ bánh trước trái với ý muốn tự nhiên của nó sẽ chỉ làm xe quay thôi. Nhấc chân ga thì cũng tệ như vậy, sẽ làm cho phần sau xe mất khả năng bám đường. Cần phải làm gì đây?

Tay đua phải chấp nhận số phận mình. Y phải chấp nhận sự thật là đã phạm sai lầm. Phán đoán sai. Quyết định sai. Một sự hội tụ các tình huống đã đưa y vào tình thế này. Tay đua phải chấp nhận tất cả và sẵn lòng trả giá cho điều đó. Y phải đi ngoài đường đua.

Phải bỏ đi hai bánh. Thậm chí là bốn. Thật là một cảm giác tồi tệ cả với tư cách là một tay đua lẫn một kẻ thi tài. Sỏi bắn lên gầm xe. Cảm giác chới với trong bùn. Trong khi bánh xe của y trật ngoài đường đua, mấy tay đua khác vượt qua y. Họ chiếm chỗ của y, tiếp tục phóng nhanh. Chỉ có y là chậm lại.

Lúc này, tay đua cảm thấy một cơn khủng hoảng ghê gớm. Y phải nhấn ga trở lại. Y phải trở lại đường đua.

Ồ! Thật điên rồ!

Hãy nghĩ đến những tay đua đã bị loại khỏi cuộc đua do bẻ bánh lái, do phản ứng quá trớn và trượt xe ngay trước mặt các đối thủ của mình. Một tình thế thật khủng khiếp nếu ta rơi vào...

Một kẻ chiến thắng, một nhà vô địch sẽ chấp nhận số phận mình. Y sẽ tiếp tục lăn bánh xe trong bụi đất. Y sẽ cố hết mình duy trì đường đi của mình và dần dần đưa mình trở lại đường đua khi đã an toàn để làm như vậy. Đúng, y sẽ sụt vài bậc trong cuộc đua. Phải, y đang thất thế. Nhưng y vẫn đang còn đua. Y vẫn còn sống.

Cuộc đua thì dài. Thà lái vừa sức và đến đích cuộc đua sau những kẻ khác còn hơn là chạy quá sức để rồi tan nát.

55

Những ngày sau đó rất nhiều thông tin đã được tiết lộ, nhờ Mike, ông ta cứ bám theo Denny mà hỏi cho đến khi ông trả lời mới thôi. Về bệnh mù của mẹ ông, nó xảy ra từ hồi ông còn nhỏ; ông chăm sóc bà cho đến khi xong trung học thì bỏ nhà đi. Về việc bố Denny đã bảo, nếu không ở lại phụ giúp việc nông trại và chăm nom mẹ ông thì bố ông sẽ chẳng màng liên lạc nữa. Về chuyện Denny suốt nhiều năm trời, Giáng sinh nào cũng gọi điện về cho đến khi cuối cùng mẹ ông cũng chịu nghe máy, chỉ lắng nghe mà không nói gì. Nhiều năm trời, cho đến khi cuối cùng bà cũng hỏi ông ra sao và ông có hạnh phúc không.

Tôi biết ra là bố mẹ Denny không chi tiền cho chương trình lái thử ở Pháp, như ông nói; ông đã trả cho chương trình đó bằng khoản vay thế chấp nhà. Tôi biết được rằng bố mẹ Denny không góp phần vào khoản tài trợ mùa xe con, như ông đã nói; ông đã trả bằng một khoản thế chấp thứ hai, điều Eve khuyến khích.

Luôn cố gắng tới cùng. Thấy mình khánh kiệt. Và thấy mình nói chuyện điện thoại với người mẹ mù của mình, xin bà một giúp đỡ nào đó, bất kì giúp đỡ nào, để ông có thể giữ lại đứa con gái của mình; và câu trả lời của bà là bà sẽ cho ông mọi thứ giá được gặp cháu gái bà. Vậy là hai bàn tay bà đã được vuốt ve gương mặt Zoë đầy hi vọng; nước mắt bà rơi trên váy áo Zoë.

“Câu chuyện buồn quá,” Mike nói, rót cho mình một phần tequila nữa.

“Thực ra,” Denny nói, nhìn đăm đăm lon Diet Coke của mình, “tớ tin nó có một kết thúc có hậu.”

56

“Xin mời tất cả đứng lên,” viên thừa phát lại hô to, đúng là thủ tục thời xưa trong một khung cảnh thời nay như vậy. Tòa án mới của Seattle: những bức tường kính và xà lim loại đâm ra từ mọi góc, sàn bê tông và cầu thang lót cao su, và tất cả phủ một ánh đèn xanh xanh, lạ lùng.

“Ngài thẩm phán Van Tighem.”

Một người đàn ông lớn tuổi, mặc áo thụng đen, sải bước vào phòng. Ông thấp và to bè, chải một dải tóc bạc vắt qua một bên đầu. Cặp lông mày ông đen rậm treo trên đôi mắt ti hí như hai con sâu róm xù xì; ông nói bằng giọng Ireland trầm bổng.

“Mời ngồi,” ông ra lệnh. “Ta bắt đầu.”

* * *

Thế là, phiên tòa bắt đầu. Ít ra cũng là trong trí tôi. Tôi sẽ không kể cặn kẽ cho các anh đâu vì tôi không biết các tình tiết đó. Tôi không có ở đó vì tôi là một con chó, mà chó thì không được phép vào dự phiên tòa. Ấn tượng duy nhất tôi có về phiên tòa là những hình ảnh và khung cảnh tuyệt vời mà tôi nghĩ ra trong các giấc mơ của mình. Sự thực duy nhất tôi biết là những cái tôi góp nhặt khi nghe Denny kể lại; ý niệm duy nhất của tôi về phòng xử án, như tôi đã nói trước đây, là những điều tôi học được khi xem mấy cuốn phim ưa thích và các chương trình truyền hình. Tôi xâu chuỗi những ngày ấy lại với nhau như một người ráp một trò chơi xếp hình mới chỉ xong vài phần - cái khung đã xong, các góc đã ghép rồi, nhưng còn vài mảnh ghép ở giữa thì vẫn còn thiếu.

Ngày xử đầu tiên dành cho các kiến nghị trước khi xét xử, ngày thứ hai là để chọn bồi thẩm đoàn. Denny và Mike chẳng nói gì nhiều về các sự kiện đó nên tôi cho là mọi thứ diễn ra như mong muốn. Cả hai ngày, Tony và Mike đều đến căn hộ của chúng tôi lúc sáng sớm; Mike tháp tùng Denny tới tòa còn Tony ở lại để chăm sóc tôi.

Tony và tôi chẳng làm gì nhiều lúc ở với nhau. Chúng tôi ngồi đọc báo, hay đi dạo một lát, hay liều tới Bauhaus để y kiểm tra email bằng wi-fi miễn phí của quán. Tôi thích Tony cho dù mấy năm trước y đã giặt con chó của tôi. Cũng có thể là vì y đã làm vậy. Con chó ấy, thật tội nghiệp, cuối cùng đã rách hết thịt xương chỉ còn là một mớ chỉ và bị quẳng vào thùng rác mà không được làm lễ gì cả, không có bài điếu. “Con chó của mình,” là tất cả những gì tôi nghĩ ra được mà nói. Con chó của mình. Và tôi nhìn Denny thả nó vào thùng rồi đóng hộc lại, và thế là hết.

Sáng ngày thứ ba, có một sự thay đổi rõ rệt trong bầu không khí khi Tony và Mike tới. Căng thẳng nhiều hơn, ít đi những câu đùa tếu vô vị, không có câu pha trò. Đó là ngày vụ kiện sắp được bắt đầu thật sự, vậy nên tất cả chúng tôi hết sức lo lắng. Tương lai của Denny đang lâm nguy, và đó chẳng phải là chuyện đùa.

Hiển nhiên là, về sau tôi được biết, ông Lawrence đã đưa ra một bài bào chữa hùng hồn. Ông đồng tình với khẳng định của công tố rằng bản chất của gạ gẫm tình dục là sự khống chế bằng vũ lực, nhưng chỉ ra rằng các cáo buộc vô căn cứ là thứ vũ khí cũng mang tính hủy diệt tương đương, và nó cũng mang bản chất khống chế vũ lực như thế. Rồi ông cam đoan sẽ chứng minh Denny vô tội trước các cáo buộc đang nhắm vào.

Bên công tố khởi đầu vụ kiện của mình bằng một loạt nhân chứng, tất cả đều đã ở với chúng tôi trong cái tuần ở Winthrop ấy, từng người họ đều khai cung cách cợt nhả thiếu đứng đắn của Denny và kiểu ông rình mò theo Annika như dã thú. Đúng, họ thừa nhận, cô ta đã hùa theo ông, nhưng cô ta là con nít mà! (“Như Lolita vậy đó!” Spencer Tracy chắc đã phải la lên vậy.) Denny là một người đàn ông thông minh, mạnh mẽ, đẹp trai, nhân chứng nói, và đáng lẽ phải hiểu rõ hơn. Hết người này đến người khác, họ mô tả một thế giới trong đó Denny lén lút làm cách này cách khác để được cùng Annika, để chạm vào cô ta, để cầm tay cô ta một cách bất chính. Theo sau mỗi lời làm chứng thuyết phục là một lời làm chứng còn thuyết phục hơn, rồi lại lời làm chứng khác nữa. Cho đến khi, cuối cùng, chính kẻ tự cho là nạn nhân được gọi đến đứng trước bục.

Mặc một cái váy dịu dàng với áo choàng cổ cao, tóc kẹp ra sau và mắt cúi xuống, Annika bắt đầu kể lại từng cái nhìn, từng cái liếc mắt, từng hơi thở, từng cái đụng chạm vô tình mà hữu ý. Cô ả thừa nhận là mình đã sẵn lòng - thậm chí còn hăm hở - đồng lõa, nhưng lại một mực rằng, là một đứa trẻ, cô chẳng biết mình đang dấn thân vào chuyện gì. Buồn bực thấy rõ, cô ta nói toàn bộ sự việc đã dằn vặt mình ra sao kể từ hồi đó.

Dằn vặt cô ta kiểu nào chứ, tôi lẽ ra đã hỏi rồi, do sự thơ ngây của cô ta, hay tội lỗi của cô ta? Nhưng tôi đâu có ở đấy mà đặt câu hỏi. Khi xong phần thẩm vấn trực tiếp Annika thì không một ai trong phòng xử án, trừ Denny, chắc chắn tuyệt đối là trong tuần ấy ông không có thái độ sỗ sàng với cô ta. Và ngay cả sự tự tin của Denny cũng lung lay.

Đầu giờ chiều hôm ấy - hôm ấy là thứ Tư - khí trời thật ngột ngạt. Mây trĩu nặng nhưng trời chưa chịu mưa. Tony và tôi đi bộ xuống Bauhaus để y mua cà phê. Chúng tôi ngồi bên ngoài mà ngây nhìn xe cộ đi lại trên đường Thông cho đến khi tâm trí tôi ngừng hoạt động và tôi mất dấu thời gian.

“Enzo...”

Tôi ngóc đầu lên. Tony bỏ điện thoại vào túi.

“Mike đấy. Công tố viên yêu cầu thời gian nghị án đặc biệt. Đang có chuyện gì đó.”

Y dừng, chờ tôi đáp lại. Tôi chẳng nói gì.

“Ta nên làm gì đây?” y hỏi.

Tôi sủa hai tiếng. Chúng tôi nên đi.

Tony đóng máy và thu dọn túi xách. Chúng tôi vội xuôi đường Thông rồi băng qua cầu vượt trên đường cao tốc. Y đi nhanh quá, tôi phải vất vả lắm mới theo kịp. Khi cảm thấy sợi dây bị căng, y mới ngoái nhìn tôi rồi chậm lại. “Ta phải nhanh lên nếu muốn theo kịp họ,” y nói. Tôi cũng muốn bắt kịp họ mà. Nhưng hông tôi đau quá. Chúng tôi tất tả đi qua nhà hát Paramount đến đại lộ Năm. Chúng tôi hối hả về phía Nam, quanh co hết từ cái biển Đi bộ này đến biển Cấm đi bộ kia cho đến khi chúng tôi đến được quảng trường trước mặt tòa án trên đại lộ Ba.

Không thấy Mike và Denny ở đó. Chỉ có một nhóm vài người ở góc quảng trường, nói năng gấp gáp, điệu bộ kích động. Chúng tôi cất bước về phía họ. Chắc họ biết đang có chuyện gì. Nhưng đúng lúc đó, mưa bắt đầu rơi. Nhóm người tức thì giải tán, và tôi thấy Annika giữa họ. Mặt cô ta rầu rĩ và xanh xao; cô ta đang khóc. Khi nhìn thấy tôi, cô ta nhăn mặt, vội quay đi, rồi khuất dạng vào trong tòa nhà.

Sao cô ta lại buồn bực vậy? Tôi chẳng biết, nhưng chuyện đó khiến tôi hết sức bồn chồn. Chuyện gì có thể đang xảy ra bên trong tòa nhà đó, trong mấy phòng tòa án âm u đó? Cô ta có thể đã nói những gì để buộc tội ông thêm và hủy hoại đời ông? Tôi cầu mong có một kiểu can thiệp nào đó quá, cầu mong linh hồn của Gregory Peck hay Jimmy Stewart hay Raul Julia giáng xuống quảng trường để dẫn dắt chúng tôi đến sự thật. Cầu cho Paul Newman hay Denzel Washington sẽ bước xuống từ một chiếc xe buýt chạy ngang qua và cho một bài phát biểu hùng hồn khiến mọi chuyện đâu vào đó.

Tony và tôi nấp dưới một mái hiên; chúng tôi đứng đó căng thẳng. Có chuyện gì đó đang xảy ra, và tôi chẳng biết đó là gì. Tôi ước có thể tự cài mình vào phiên xử, lẻn vào trong phòng xử án, nhảy chồm lên bàn, và khiến mọi người nghe ý kiến của mình. Nhưng việc tôi tham gia ấy không nằm trong kế hoạch.

“Giờ thì xong rồi,” Tony nói. “Ta chẳng thể thay đổi những điều đã được định đoạt.”

Không thể sao? Tôi thắc mắc. Dù chỉ một chút thôi sao? Ta không thể bằng ý chí khiến bản thân đạt được cái bất khả sao? Ta không thể dùng uy lực của sức sống ta mà thay đổi cái gì đó: một cái nhỏ nhoi, một khoảnh khắc vô nghĩa, một hơi thở, một cử chỉ? Ta chẳng thể làm gì để thay đổi những thứ quanh mình sao?

Hai chân tôi nặng đến độ không đứng thêm được nữa; tôi nằm xuống nền bê tông ướt, và thế là tôi chìm vào một giấc ngủ chập chờn đầy những giấc mơ rất lạ.

“Thưa quý ông quý bà bồi thẩm đoàn,” ông Lawrence nói, đứng trước bục của bồi thẩm đoàn. “Điều quan trọng phải lưu ý rằng vụ kiện mà công tố đưa ra là hoàn toàn do suy diễn. Không hề có bằng chứng xâm phạm nào cả. Sự thật của cái thực sự xảy ra đêm đó chỉ có hai người biết. Hai người, và một con chó.”

“Một con chó sao?” vị thẩm phán hỏi ngờ vực.

“Phải, thưa thẩm phán Van Tighem,” ông Lawrence nói, mạnh bạo bước tới trước. “Toàn bộ sự việc đã được con chó của bị đơn làm chứng. Tôi xin gọi Enzo ra trước bục!”

“Tôi phản đối!” viên công tố quát.

“Chấp nhận,” thẩm phán nói. “Tạm thời lúc này.”

Ông lấy ra một tập sách dày cộp dưới bàn mình và lật kĩ hồi lâu, đọc hết đoạn này đến đoạn kia.

“Con chó này có nói không?” vị thẩm phán hỏi ông Lawrence, đầu vẫn còn vùi trong cuốn sách.

“Nếu có sự trợ lực của một bộ tổng hợp thoại,” ông Lawrence nói, “thì vâng, con chó nói.”

“Tôi phản đối!” viên công tố lớn tiếng chen vào.

“Khoan đã,” thẩm phán nói. “Cho tôi biết về thiết bị này, ông Lawrence.”

“Chúng tôi đã mượn một bộ tổng hợp thoại đặc biệt thiết kế cho Stephen Hawking,” ông Lawrence tiếp. “Bằng cách đọc các xung điện bên trong não...”

“Đủ rồi! Ông lấy ‘Stephen Hawking’ ra mà bỡn cợt tôi!”

“Với thiết bị này, con chó có thể nói,” ông Lawrence tiếp tục.

Thẩm phán gập cuốn sách to sụ của ông lại.

“Phản đối vô hiệu. Thế thì, hãy cho gọi hắn, con chó này! Hãy cho gọi hắn!”

Căn phòng đầy hàng trăm người, và tôi đang ngồi trên bục nhân chứng, được buộc vào thiết bị mô phỏng thoại của Stephen Hawking; ông thẩm phán yêu cầu tôi tuyên thệ.

“Mi có thề sẽ nói sự thật, toàn bộ sự thật, và chỉ sự thật mà thôi?”

“Tôi thề,” tôi nói bằng cái giọng khào khào, kim loại chẳng giống như tôi hình dung tí nào. Tôi luôn mong giọng mình nghe có vẻ oai vệ và hữu hình hơn, như James Earl Jones.

“Ông Lawrence,” ông thẩm phán nói, kinh ngạc. “Người làm chứng của ông.”

“Enzo,” ông Lawrence nói, “có phải mi đã có mặt tại sự việc gạ gẫm bị cáo buộc?”

“Đúng vậy,” tôi nói.

Trong phòng đột nhiên im phắc. Bỗng dưng chẳng ai dám mở miệng, khúc khích, hay dù chỉ là thở. Tôi đang nói, còn họ đang lắng nghe.

“Hãy tự nói cho chúng ta biết những điều mi đã chứng kiến trong phòng ngủ của ông Swift tối hôm ấy.”

“Tôi sẽ nói cho quý vị,” tôi nói. “Nhưng trước tiên, với sự cho phép, tôi muốn nói với cử tọa phiên tòa.”

“Mi được phép,” thẩm phán nói.

“Bên trong mỗi người chúng ta có một sự thật,” tôi mở lời, “sự thật tuyệt đối. Nhưng đôi khi sự thật khuất kín trong phòng gương. Đôi khi chúng ta tin mình đang nhìn vật thật trong khi thực ra ta đang nhìn một bản sao, một sự lệch lạc. Khi nghe phiên tòa này, tôi nhớ lại cảnh cao trào trong phim James Bond, The man with the golden gun. James Bond thoát ra được phòng gương bằng cách đập vỡ gương, đập tan những ảo ảnh, cho đến khi chỉ còn sự thật trần trụi đứng trước mặt y. Chúng ta nữa, phải đập tan những tấm gương. Chúng ta phải nhìn vào bên trong bản thân mình và xóa bỏ những sai lệch cho đến khi cái mà thâm tâm ta biết là toàn hảo và chân thực, đứng trước mặt ta. Chỉ khi ấy thì công lí mới được phụng sự.”

Tôi nhìn qua mấy bộ mặt trong phòng và thấy từng người trong họ đang ngẫm nghĩ những lời tôi nói, gật đầu cảm kích.

“Giữa họ đã không có gì xảy ra cả,” cuối cùng tôi nói. “Chẳng có gì cả.”

“Nhưng chúng tôi lại nghe quá nhiều những tố cáo này,” ông Lawrence nói.

“Thưa ngài thẩm phán” - tôi cao giọng - “thưa quý ông quý bà bồi thẩm đoàn, tôi cam đoan với quý ngài là ông chủ tôi, Dennis Swift, không hề cư xử thiếu đứng đắn bên thiếu nữ đó, Annika. Tôi thấy rõ là cô ta yêu ông ấy hơn bất cứ gì trên đời, và sẵn lòng hiến dâng cho ông. Ông đã cự tuyệt sự dâng hiến của cô ta. Sau khi chở chúng tôi qua đoạn đèo khổ ải, sau khi đã làm kiệt sức mình, vắt cạn mọi sức lực để đưa chúng tôi về nhà bình an vô sự, Denny chỉ có lỗi là ngủ thiếp đi. Annika, cô gái này, người phụ nữ này, có thể không nhận thức được những hệ lụy từ hành động mình, đã tấn công Denny của tôi.”

Tiếng xì xầm dậy lên trong phòng.

“Cô Annika, chuyện này có đúng không?” ông thẩm phán hỏi.

“Điều đó đúng,” Annika đáp.

“Cô có từ bỏ những lời cáo buộc này không?” Van Tighem hỏi.

“Có,” cô ta khóc. “Tôi xin lỗi vì nỗi đau mà tôi đã bắt tất cả mọi người phải chịu. Tôi từ bỏ!”

“Đây là một tiết lộ kinh ngạc!” Van Tighem tuyên bố. “Chó Enzo đã nói! Sự thật đã rõ. Vụ án khép lại. Ông Swift được tự do đi lại, và ông ấy được trao quyền giám hộ con gái mình.”

Tôi vọt ra khỏi bục nhân chứng mà ôm chầm lấy Denny và Zoë. Cuối cùng, chúng tôi lại là một gia đình, lại bên nhau.

* * *

“Xong rồi.”

Giọng ông chủ tôi.

Tôi mở mắt. Denny đi giữa Mike và ông Lawrence, ông ta cầm một cái ô rất to. Bao lâu trôi qua rồi, tôi không biết. Nhưng cả Tony lẫn tôi đều ướt mưa.

“Kì nghị án đó là bốn mươi lăm phút dài nhất trong đời tớ,” Denny nói.

Tôi chờ câu trả lời của ông.

“Cô ta phản cung rồi,” ông nói. “Họ bỏ các cáo buộc.”

Ông đã tranh đấu, tôi biết, nhưng ông cũng thấy khó mà thở nổi.

“Họ bỏ các cáo buộc, vậy là tớ được tự do rồi.”

Denny đã có thể kìm lại nếu chúng tôi có một mình, nhưng Mike ôm ghì ông, và thế là Denny để tuôn trào hàng bao năm nước mắt đã nén lại sau lớp bùn đen, sau lòng quyết tâm và khả năng luôn tìm thấy một ngón tay nữa để bịt lỗ rò nước, cứu nguy cho con đê đời mình. Ông khóc giàn giụa.

“Cám ơn, ông Lawrence,” Tony nói, bắt tay ông Lawrence. “Ông làm tuyệt vời lắm.”

Ông Lawrence mỉm cười, có lẽ là lần đầu tiên trong đời.

“Họ chẳng có bằng chứng cụ thể nào,” ông nói. “Họ chỉ có mỗi lời khai của Annika. Tôi dám chắc, ngay lập tức, là cô ta đang dao động - còn gì đó nữa mà cô ta muốn nói - nên tôi truy riết cô ta ở phần đối chất, và thế là cô ta khuất phục. Cô ta nói là cho đến lúc này cô ta vẫn kể với mọi người điều cô ta mong xảy ra. Hôm nay, cô ta thừa nhận là chẳng có gì xảy ra cả. Không có lời khai của cô ta mà công tố cứ tiếp tục vụ án thì thật ngu ngốc.”

Cô ta khai như vậy ư? Tôi thắc mắc cô ta ở đâu, cô ta đang nghĩ gì. Tôi liếc nhìn quanh quảng trường và phát hiện thấy cô ta đang rời tòa án cùng gia đình. Không hiểu sao cô ta có vẻ mong manh.

Cô ta liếc nhìn thấy chúng tôi. Annika không phải là người xấu, tôi chợt hiểu ra. Ta không bao giờ có thể giận một tay đua khác vì một sự cố trên đường đua. Ta chỉ có thể giận bản thân mình vì bị kẹt ở sai chỗ vào sai lúc thôi.

Cô ta vẫy nhanh một cái với Denny, nhưng duy chỉ mình tôi trông thấy vì tôi là kẻ duy nhất nhìn. Nên tôi sủa để cho cô ta biết.

“Mày có một ông chủ tốt đó,” Tony nói với tôi, vẫn còn chú ý vào nhóm chúng tôi ngay đó.

Y nói đúng. Tôi có ông chủ tốt nhất.

Tôi nhìn Denny khi ông ôm chặt Mike, đu tới đu lui, cảm thấy niềm khuây khỏa, sự giải tỏa, biết rằng một con đường khác có thể đã dễ dàng hơn cho ông, nhưng có lẽ nó sẽ không đưa ra một kết cục mãn nguyện hơn.