Con Nhân Mã ở trong vườn - Phần 7 chương 2

Nàng lại im lặng. Tôi biết rằng nhắc đến mẹ sẽ làm nàng đau đớn. Mẹ ư? Cái con người vô tình tàn bạo ấy mà Dona Cotinha đã nói với tôi, lẽ nào lại có thể là hình ảnh của một người mẹ? Nhưng thế đấy, Tita vẫn thường ú ớ gọi "Mẹ" trong những giấc mơ của nàng. Có những lần nàng còn gọi cả "Cha ơi!" Phải, nhưng ai có thể là cha nàng? Zeca Fagundes chăng? Hoặc người đốc công chăng? Hoặc cái người tá điền to khoẻ và lầm lì vẫn thường lởn vởn quanh nhà trại kia chăng?

Nàng lau nước mắt và gượng nở một nụ cười can đảm. Càng ngày em càng đẹp ra, tôi nói, và đó là sự thật. Nàng đã mất cái vẻ trẻ con con gái và đã biến thành một người đàn bà, một người đàn bà đáng yêu có một sắc đẹp hiếm lạ. Về mặt thể chất, chúng tôi rất khác nhau.

Nàng sửa lại một chút tư thế ngồi, và mũi ủng nàng động vào đầu gối tôi. Đó giống như một thông điệp, một lời cảnh báo của cặp chân và bộ móng ngựa: chớ có quên chúng tôi, chúng tôi bị che đậy, bị nguỵ trang, nhưng chúng tôi vẫn ở đây.

Trên bàn, Guedali và Tita đang ăn tối tại một quán ăn đáng yêu; họ chuyện trò, được người hầu bàn phục vụ tận tình. Nhưng gầm bàn là thuộc quyền của những bộ móng ngựa, những bộ móng bồn chồn, thèm khát được phi nước đại, thậm chí ngay trong hiên quán Lạc Viên ấy, nhưng phải kìm mình nằm yên trong một thước vuông chặt hẹp dành cho chúng lúc đó.

Trên đường về chúng tôi bàn chuyện đám cưới. Nghi lễ dân sự thì chẳng có vấn đề gì. Tất nhiên, chúng tôi sẽ kiếm cho nàng giấy tờ tuỳ thân; của tôi thì đã làm rồi vì tôi phải dùng chúng để thành lập công ty. Tita vẫn chỉ có cái hộ chiếu giả mà ông bác sĩ Morocco đã kiếm cho nàng để ra khỏi biên giới.

Nhưng còn nghi lễ tôn giáo, tôi nói (thận trọng từng lời) thì sẽ khó khăn hơn một chút đấy, vì em sẽ phải cải đạo. Nàng phản đối, nói nàng không muốn thành người Do Thái, rằng nàng chẳng theo đạo nào bao giờ, thậm chí đã quên sạch những bài kinh cầu nguyện mà Dona Cotinha đã dạy nàng. Nhưng tôi lý luận rằng cha mẹ tôi sẽ chỉ thực sự chấp nhận nàng nếu nàng nhập đạo Do Thái. Việc đó sẽ làm đơn giản tất cả mọi chuyện, tôi nói. Hơn nữa, nó có khó gì đâu.

Thôi được, nàng nói lúc đang cởi quần áo. Thế em phải làm gì? Tôi bắt đầu giải thích quá trình cải đạo cho nàng nghe, nhưng lại ngừng bặt. Tôi đã sắp nói đến buổi tắm nghi lễ thì nhìn thấy nàng khoả thân và lập tức nghĩ đến chuyện làm cách nào để nàng thụ buổi lễ tắm rửa này mà không để cho đám phụ nữ có mặt ở đó nhìn thấy. Làm cách nào để nàng vào tắm mà họ không thấy cặp móng ngựa của nàng?

Cứ để anh lo việc ấy, tôi nói, thể nào anh cũng có cách giải quyết việc này.

Và tôi làm được: tôi nói chuyện với một thầy cả đang sắp rời Brazil sau khi li khai với cộng đồng Do Thái. Ông ta dạy Tita một vài bài, lấy rất nhiều tiền, và trước khi đi, ông ta cấp cho nàng một cái giấy chứng chỉ cải đạo.

Chúng tôi cưới ở Porto Alegre. Chỉ có người trong nhà và một vài bạn bè của cha mẹ tôi có mặt, nhưng thực sự là một ngày hội. Tita thật đẹp, mặc bộ đồ cô dâu của Deborah trước đây, dài lướt thướt quét đất và che hết được cả đôi ủng. Mẹ tôi và hai chị tôi muốn giúp nàng mặc áo và trang điểm, nhưng nàng ngượng nghịu từ chối. Nàng không muốn ai thấy cặp móng ngựa của mình. Ở quê nhà con, nàng nói, tục lệ là cô dâu phải tự mặc áo một mình. Mẹ tôi lắc đầu vẻ không bằng lòng, nhưng rồi cũng bảo thôi được rồi, con cứ làm theo ý con, và họ để nàng được tự ý. Tuy nhiên, sau đám cưới, mẹ tôi đã ôm nàng, hôn nàng, và thú thực rằng ngày trước bà đã từng không thích cho Tita cặp đôi với con trai bà.

"Nhưng bây giờ mọi việc ổn cả rồi," bà nói. "Mẹ tin rằng các con sẽ hạnh phúc."

Trở lại Sao Paulo, tôi tiếp tục việc làm ăn, và có tiến triển rất tốt đẹp. Còn Tita, nàng ở nhà cả ngày. Nàng lo liệu mọi việc trong nhà. Chúng tôi không muốn có người giúp việc thọc mạch khắp nơi trong nhà, nhưng Tita vẫn có rất nhiều thì giờ rảnh rỗi. Nàng xem TV, ngồi trong ghế bành, gác hai chân ủng lên một cái ghế đẩu, bên cạnh có một hộp bánh kẹo (kết quả là nàng bắt đầu béo ra.) Nàng khó ngủ; ban đêm nàng thường đi đi lại lại, không quần áo gì trừ đôi ủng trên người. Tôi không thích thấy nàng như thế; cặp chân ngựa với vết sẹo mổ khổng lồ. "Có chuyện gì thế, Guedali?" Nàng sẽ hỏi, giọng đầy cay đắng và giễu cợt. "Anh đã quên rằng mình đã từng là nhân mã hay sao? Chỉ vừa mới đây, mình còn thường phi nước đại bên nhau."

Nàng sẽ ngồi xuống, thở dài. "Chao ôi, Guedali, em nhớ khu trại biết bao. Ở đó, ít nhất thì chúng ta cũng có chỗ để chạy và vui với những tấm thảm tranh của Dona Cotinha."

Tôi thuê một thầy giáo cho nàng. Nàng chưa biết đọc biết viết, và tôi muốn nàng có chút ít giáo dục; biết đâu sau này chúng tôi lại chẳng cùng vào một trường đại học với nhau. Hơn nữa, tôi đã phải buộc lòng từ chối nhiều cuộc rượu và ăn tối vì Tita chẳng biết nói chuyện gì với ai: nói thẳng ra thì nàng vẫn chỉ là một cô gái quê thô thiển. Thô thiển, nhưng thông minh. Nàng tiến bộ rõ rệt trong học tập. Thầy giáo của nàng, một mệnh phụ kín đáo ít lời, đã phải ngạc nhiên. Vợ ông rất có khả năng, thưa ông Guedali.

Chúng tôi bắt đầu đến nhà hát và hộp đêm, bấy giờ chúng tôi đã có bạn: những doanh nhân trẻ và vợ họ, phần lớn là Do Thái. Đúng như tôi nghĩ, họ chấp nhận chúng tôi không khó khăn gì. Có thể họ cũng lấy làm lạ thấy chúng tôi không bao giờ ra bãi biển hoặc đến bể bơi, thấy Tita lúc nào cũng mặc quần dài. Nhưng trong nhóm bạn ấy có một kĩ sư người Argentina hay viết những bài thơ quái dị và một giám đốc từ Rio tới sống chung với hai người đàn bà cùng một lúc. Như vậy rõ ràng là chúng tôi không phải là lạ lùng nhất.

Nhưng Tita vẫn không thấy hạnh phúc, tôi có thể thấy điều đó. Có lẽ em nên tham vấn một bác sĩ tâm lý, tôi gợi ý. Nhưng ý tưởng ấy chỉ làm nàng nổi cáu: Một bác sĩ tâm lý! Bác sĩ tâm lý nào có thể hiểu nổi câu chuyện của chúng ta? Đừng có khó chịu thế, Guedali! Tôi ngồi im và lẳng lặng đọc báo.

Năm 1962 thật lắm sự kiện: những cuộc đình công, những bài thuyết giáo chính trị, rồi đồng đôla lên giá vùn vụt. Tình hình này không thể kéo dài được, Paulo thường nói, miệng nhai một trái ôliu. Là giám đốc tại một công ty lớn, Paulo là bạn tốt nhất của tôi. (Peri thì sao?) Chúng tôi có thói quen gặp nhau sau giờ làm việc tại một quầy bar yên tĩnh trong nội thành. Chúng tôi sẽ uống bia và nói chuyện dông dài về công việc làm ăn và tình hình đất nước lúc bấy giờ, tất nhiên rồi, nhưng cũng còn về nhiều chủ đề khác nữa. Paulo sẽ bộc bạch hết với tôi: những rắc rối của anh với vợ, một người đàn bà rất phức tạp, thông minh và xinh đẹp, nhưng đầy những bức xúc tình dục; và những khó khăn của hai vợ chồng trong việc nuôi dạy đứa con gái chậm phát triển trí tuệ của họ. Khi anh hỏi về cuộc sống của tôi, tôi chỉ trả lời chung chung, một chút về gia đình tôi, cái trại ở Quatro Irmaos, ngôi nhà ở Teresopolis. Nếu kể thêm nữa, thể nào tôi cũng bị rơi vào tâm trạng thảng thốt nhớ lại thời còn là nhân mã. Quả thật là quan hệ thân mật ở mức ấy của chúng tôi cũng đã nguy hiểm rồi, vì Paulo có thói cứ nhớ đến chuyện gì buồn cười là lại vừa cười phá lên vừa lấy tay vỗ vào đùi tôi. Có thể anh không cảm thấy được lớp da ngựa bên dưới lần vải quần của tôi, nhưng vẫn cứ có một nguy cơ trong việc đó. Mà đó chỉ là một trong nhiều nguy cơ khác mà thôi. Ngộ có ngày tôi phải mổ cấp cứu thì sao? Hay là bị xe cán phải trên đường phố? Hoặc giả có người dùng ống nhòm nhìn trộm vào trong nhà chúng tôi? (Về chuyện đó, tôi đã cẩn thận dùng toàn màn cửa vải rất dày.) Thế ngộ nhỡ quần tôi bị rách toạc thì sao? Nhiều nguy cơ lắm. Không tránh được, nếu tôi chấp nhận sống một cuộc sống bình thường với mọi người.

Em bé này sắp nổ tung rồi, Paulo đang lẩm bẩm, đã nửa say nửa tỉnh. "Em bé này" có nghĩa là nước Brazil. Paulo tin rằng sắp sửa có một cuộc cách mạng bạo lực với những thay đổi dữ dội trong chính quyền. Thằng cha ở Rio Grande, cái thằng Brizola ấy, quả là điên, đất nước này chưa thể trở thành một nước xã hội chủ nghĩa được. Sẽ có đánh nhau, và chỉ có bọn Do Thái chúng ta là ăn đòn đủ thôi. Nhẽ ra tớ phải về Israel, Guedali ạ. Được thế thì bây giờ tớ đã đang ở một nông trang tập thể, yên trí vắt sữa bò. Nhưng mà không, tớ lại phải làm một thằng khôn ngoan kia, phải quyết chí làm tiền và khi giàu rồi mới về Israel được.

Anh nốc cạn cốc bia. Guedali, đó là cái ngốc của tớ. Tớ sẽ không bao giờ về Israel được đâu. Cậu thấy đấy, vợ tớ rất khó, một mụ tư sản mắc bệnh tâm thần. Nó chỉ muốn sống thật đắt tiền và khiêu khích lòng kiên nhẫn của tớ.

Anh ngừng lời một lúc, rồi lại hăng hái trở lại chủ đề của mình. Guedali, mọi việc tớ làm đều hỏng hết. Tớ đi tin vào chủ nghĩa xã hội trong khi tất cả bọn bạn bè cùng lớp đều đang kiếm tiền rất ác. Còn bây giờ, tớ vừa mới quyết định phải làm giàu thì lại sắp có một chính phủ xã hội chủ nghĩa lên nắm quyền. Và tớ lấy nhầm vợ, rồi lại có một đứa con tật nguyền... Tớ biết quá rồi, Guedali.

Tôi cố an ủi anh: tình hình làm gì đến nỗi ấy, Paulo. Tôi viện ra những người bạn khác để làm chứng: Joel, chủ sự một dãy các cửa hiệu; Armando, giám đốc một văn phòng chi nhánh của một công ty Mỹ; Julio, một nhà tài chính xây dựng cỡ bự, tất cả đều đang kiếm được nhiều tiền, chẳng lo gì cho tương lai, sống thoả mãn.

Trong thực tế thì không phải mọi chuyện đều mĩ mãn như thế. Joel có u xơ trong người và bị huyết áp cao; Armando thì lo cuống cuồng mỗi lần công ty mẹ cho người xuống kiểm tra công việc, cái bọn bới lông tìm vết ấy lại xuống đây làm gì không biết, tháng trước vừa mới có hai thằng rồi! Julio thì đang bị kiện vì cho xây một khu nhà cao tầng trên một lô đất không chính thức là của mình. Nhưng với Paulo đang vừa say vừa chán nản, tôi không thể nhắc đến những chuyện không vui. Tôi cố lái câu chuyện sang hướng khác. Chúng tôi nói đến môn thể thao ưa thích nhất của anh: môn chạy. Paulo tự coi mình là một vận động viên chạy đường dài xuất sắc, có khả năng giật giải trong những cuộc thi đường trường. Anh đã tình cờ tìm ra thú tiêu khiển ấy của mình.

"Tớ chưa bao giờ thích bóng đá, bóng chuyền, những môn đại loại thế."

Ngược lại, anh thuộc loại người hay để ý đến nội tâm, và đã quyết định đi vào khoa học xã hội.

"Cảm giác không thấy thoả mãn, cậu biết rồi đấy. Mình có vấn đề, cả riêng cả không riêng. Mình không ngủ được, nghĩ có lẽ mọi chuyện là do ở xã hội mà ra, thế là mình quyết định phải nghiên cứu xã hội, tưởng sẽ giải toả được nỗi bất an của mình bằng cách ấy. Nhưng mà có giải toả cái con khỉ! Học làm bác sĩ có tránh cho mình không mắc bệnh không? Tất nhiên là không! Rồi thì tớ lại còn khổ sở vì Fernanda nữa chứ, tớ đã nói với cậu rồi... nhưng cuối cùng tớ cũng lấy xong mảnh bằng và tìm được việc làm hầu như ngay lập tức, tại một cơ sở nhà nước lập ra nhằm phát triển nhà ở cho dân chúng. Lúc đó họ vừa chẩn đoán và khẳng định bệnh tật của con gái tớ, và tớ lao vào công việc như thể đó là cách điều trị cho chính mình. Cậu có hiểu không, Guedali?"

Những cộng sự của anh tại cơ quan, hầu hết thuộc phái tả và còn trẻ tuổi, coi chương trình nhà ở ấy là một bước tiến thật sự đến chủ nghĩa xã hội. Đầu tiên hãy cứ là một ngôi nhà cho tất cả mọi người, họ nói vậy, rồi đến thực phẩm cho tất cả mọi người. Việc những ngôi nhà ấy được xây cất bởi những chủ thầu tư nhân không làm họ khó chịu lắm; chân lý sẽ chiến thắng trong cơn sốc biện chứng giữa cá nhân và tập thể, giữa vị kỷ và vị tha, giữa phí tổn xây nhà và giá thành yêu cầu của chủ thầu, giữa lời cam đoan về chất lượng hàng đầu của vôi vữa và những vết nứt rạn chẳng chóng thì chầy sẽ xuất hiện trên các bức tường (những vết nứt khổng lồ, vươn ra khắp phía thành những bức vẽ chi tiết: những bộ gạc hươu, những sơ đồ quản lý, hoặc thậm chí còn giống những chữ viết mà nhà tiên tri Daniel đã phải giải nghĩa cho vua nghe.) Hơn nữa, kế hoạch phát triển nhà ấy còn bao gồm cả một ý tưởng của triết gia xã hội Pháp Louis Blanc (1811 - 1882). Trong thành phần công cộng của nền kinh tế, người ta sẽ tạo ra những "đơn vị sản xuất xã hội" theo mô hình công ty nhưng lại do chính công nhân điều khiển. Một phần lãi từ những đơn vị này sẽ được chia cho công nhân, một phần nữa dành cho các quỹ y tế và hưu trí, và một phần thì dùng để tái đầu tư. Công nhân đầu tư, đó là một việc vĩ đại: vũ khí của tư bản lại được dùng để chống lại chính tư bản!

Còn đối với những vết nứt kia thì không một ai trong nhóm, bao gồm cả kiến trúc sư, những nhà xã hội học và kinh tế học ngờ vực gì về việc thể nào rồi chúng cũng xuất hiện, và cũng không ai thắc mắc về vai trò của chúng như những dấu hiệu sơ cấp của quá trình tiến len xã hội chủ nghĩa; vấn đề còn tranh cãi chỉ là khi nào thì chúng sẽ xuất hiện. Một số người nghĩ chúng sẽ xuất hiện ngay lập tức, những người khác thì nhắc nhở rằng có thể công trình đối diện sẽ có tác dụng đối lực không biết trước được. Gì thì gì, thời hạn tối đa được họ thảo luận là khoảng một năm, một năm rưỡi. Những ấn phẩm nội bộ của cơ quan đầy rẫy những bài viết về việc này. Người ta thấy có nhiều tranh biếm hoạ và hình vẽ các biểu ngữ với nhiều khẩu hiệu như "Nhà, Bánh mỳ, và không còn các ông chủ nữa!"

Paulo thường xúc động vì tất cả những trò nhiệt tâm kiểu ấy. Có khi anh còn nổi cả da gà nữa là đằng khác.

"Còn các nông trang tập thể thì sao?" Anh sẽ hét tướng lên. "Tại sao chúng ta không thành lập một hệ thống các nông trang như vậy?"

Một số đồng sự của anh cho đó là một ý tưởng hay, một số khác lại nghi ngờ. Họ thật sự thận trọng với Israel và ngại rằng người Do Thái nào cũng có âm mưu bành trướng tư tưởng Do Thái giáo.

Cha mẹ của cả Paulo lẫn Fernanda lại cảnh cáo anh theo kiểu khác. "Đừng có dính vào cái trò đó," họ nói, "rồi sẽ chẳng ra gì đâu. Con không thể liều lĩnh thế được, Paulo, con còn phải lo cho gia đình, cho đứa con bệnh tật."

"Nhưng con không muốn nghe lời chúng. Con nghĩ đó chỉ là tư tưởng bài Do Thái mà thôi. Chúng nó nhìn đâu cũng thấy những phiên toà của giáo hội công giáo [xxxi] và các lò thiêu người cả."

[xxxi] Nguyên văn là "Inquisition tribunals" - phiên toà giáo hội Thiên Chúa giáo thời Trung Cổ và Phục Hưng dùng để đàn áp bài xích những người không theo các giáo điều của mình, nhất là người Do Thái. (ND)

Tuy nhiên, cha mẹ họ đã nói đúng. Chính phủ thay đổi, và cơ quan phát triển nhà ở ấy được đặt dưới chế độ độc tài của một người có tên là Honorio, một nhân vật bí hiểm và đáng sợ. Lạnh lùng, một bộ mặt khắc vào đá trên đó không có một vết rạn nào, chỉ có những lỗ sẹo trứng cá. Ông ta luôn vận một bộ com - lê xám, thắt cà - vạt đen, đeo một đôi kính gọng sắt kiểu cổ với cặp mắt kính màu đen. Không ai biết ông ta đang đưa mắt vào đâu. Không ai biết rõ về con người ấy ngoài việc ông ta là một kĩ sư và là một kẻ độc thân. Và người ta còn kháo nhau rằng ông có chân trong một tổ chức chống Cộng. Trong lời phát biểu nhậm chức ở cơ quan (ngắn ngủi và khô khan) ông ta nói từ nay trở đi tất cả nhân viên phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, và ông sẽ thi hành những biện pháp cứng rắn nhất để trừng phạt những ai có ý chống đối cơ quan. Tuy nhiên, ông nói, mọi người dưới quyền ông không có gì phải lo sợ, ông cũng giống như cha đẻ của họ, đúng như thế, nhưng không ác như thế. Hễ ai có lý lịch trong sạch thì không có gì phải sợ hết.

"Vấn đề là ai sạch và ai không sạch? Không ai cảm thấy mình hoàn toàn sạch cả. Ngay cả người sạch nhất cũng vẫn có cái gì đó, một tí tì vết, trong quá khứ - một câu phát biểu bất cẩn, một cái nắm tay, một lần to tiếng. Chẳng hạn tớ đã có lần viết một bài cho tờ báo của cơ quan. Bây giờ thì họ nhìn nhận bài báo ấy ra sao đây? Một vết nhọ? Hay là bùn bẩn ngập đến bụng? Tớ không thể biết được."

Biện pháp đầu tiên của vị thủ trưởng mới là cho dỡ bỏ toàn bộ các bức vách ngăn chia văn phòng, biến tầng nhà của cơ quan thành một gian phòng lớn, trong đó bàn làm việc của nhân viên được xếp lại thành hàng như kiểu một lớp học. Phần mình, ông ta cho dựng một khoanh nhỏ có vách toàn bằng kính ở ngay cạnh chiếc cửa ra vào độc nhất. Từ đó, ông có thể kiểm soát toàn bộ những người dưới quyền.

Tiếp đó ông ra một loạt các nghị quyết quy định chi tiết những gì được phép và những gì bị cấm.

"Thử nghĩ xem, những việc đó diễn ra ngay trong chính thể tương đối thoải mái của tổng thống Janio Quadro. Quả thật, chỉ toàn những thông cáo và nghị quyết, chẳng có thể chế gì rõ ràng."

Paulo chẳng có mấy việc để làm nữa. Các dự án xây dựng nhà cho dân chúng đã bị đình chỉ. Chỉ thỉnh thoảng anh mới nhận được vài tài liệu này nọ của cơ quan và có nhiệm vụ phải có ý kiến đánh giá vào đó, toàn những thứ cũ rích vẫn được phổ biến mãi rồi. Những việc ấy làm anh rất lo lắng. Anh nháp đi nháp lại những ý kiến của mình, chọn lọc từng câu chữ rất cẩn thận, tra đi tra lại từng chữ trong từ điển và hỏi dò ý kiến của đồng nghiệp, mặc dù chẳng mấy khi có ai giúp được gì anh.

Vị thủ trưởng luôn luôn có mặt, mặc dù không phải lúc nào cũng nhìn thấy ông ta. Có những lúc ông ta kéo màn che kín căn phòng kính của mình. Có những lúc khói thuốc lá mà ông hút liên miên suốt ngày bao bọc làm mờ cả hình ảnh của ông. Khi ngồi yên, ông hình như rất xa xôi, không có mặt ở đó. Nhưng khi ông di chuyển, êm như ru và hầu như không nhận thấy được, thì ánh sáng sẽ phản chiếu nhoáng một cái trên cái gọng kính kim loại của ông. Vâng, ông vẫn ở đó. Quan sát và ghi lại mọi chuyện vào một cuốn sổ tay bìa xanh màu lá cây sẫm.

Vào khoảng thời gian đó Paulo bắt đầu để ý thấy một sự lạ: cái bàn làm việc của anh rung động. Lúc đầu anh nghĩ chắc là vì xe cộ hạng nặng đi lại dưới phố; nhưng rồi anh nhận ra rằng chính anh làm cái bàn rung.

"Cái chân tớ! Chân tớ nó cứ run lên vì lo lắng không đâu. Người tớ như bị thắt thành từng nút."

Anh quyết định đã đến lúc phải đi khỏi cơ quan. Tìm việc khác không phải dễ, và các món chi tiêu cho đứa con gái không phải là nhỏ, nhưng anh cảm thấy không thể tiếp tục như vậy nữa.

"Tớ thường nhìn qua cửa sổ thấy bọn nhóc chạy nhảy dưới vườn hoa. Chúng làm tớ ghen tị. Sao mà chúng tự do thế, vô lo thế."

Một hôm chú bé chạy giấy đưa cho anh một giấy báo của thủ trưởng, đề nghị anh đến gặp ông ta tại văn phòng vào lúc 3h chiều hôm đó. Paulo rơi vào tình trạng hoảng hốt: chắc họ đã phát hiện cái gì rồi, một lỗi lầm gì đó của anh trong quá khứ, một cái gì đó mà anh có thể không còn nhớ ra được nữa, hoặc thậm chí không biết đến.

Paulo không ăn nổi bữa trưa. Anh ngồi trên một chiếc ghế băng trong quảng trường Cộng hoà, nghĩ cách sẽ phải nói năng thế nào với thủ trưởng nếu bị cáo giác. Anh quyết định sẽ chối tất. Người khác ép tôi phải làm thế, anh sẽ nói vậy. Tôi bị bắt buộc phải tham gia.

Đúng 3h, anh gõ lên tấm cửa kính. Ông giám đốc mở cửa cho anh vào, kéo màn che. Ngồi đi, ông giám đốc nói, với một giọng nhẹ nhàng đáng kinh ngạc, rồi đưa cho Paulo một mẩu giấy đánh máy. Tôi biết anh là người có văn hoá, ông ta nói. Tôi muốn anh cho biết ý kiến về cái này.

Đó là một bài thơ. Một bài thơ mười bốn câu dở ẹc, vần không ra vần, mô tả những tai ương của một con chim bị thương.

Một người bạn của tôi đã sáng tác nó, ông giám đốc nói, chăm chú nhìn xoáy vào Paulo. Một người bạn rất thân... ông ta còn nhiều bài nữa như thế, ông ta nói có đủ để làm thành một tập. Tôi đang tính xuất bản chúng bằng tiền của cơ quan ta. Nhưng tôi muốn anh cho ý kiến. Bằng giấy trắng mực đen, tất nhiên rồi. Mà không phải ngay lập tức. Anh có thể có mười ngày làm việc để suy nghĩ cho chín.