Con Nhân Mã ở trong vườn - Phần 9 chương 1

MOROCCO

18 THÁNG 7 – 18 THÁNG 9, 1972

Tôi thấy bệnh viện trong cảnh điêu tàn. Những bức tường, trước đây đã bẩn thỉu, bây giờ đã đang sụp lở rồi; thậm chí cổng vào cũng không còn nữa. Một con chó hoang đang nằm ngủ dưới nắng, khi tôi đến gần nó bắt đầu nhe nanh gầm gừ. Tôi vỗ tay thật kêu và lên tiếng gọi. Mãi mới thấy người giúp việc của ông bác sĩ, đã thành một ông già buồn thảm, ra đưa tôi vào. Trả lời những câu hỏi của tôi từng tiếng một, lão đưa tôi đi qua vườn, nơi vẫn còn sống sót vài bụi hồng giữa một rừng cỏ dại. Thằn lằn tắm nắng trên cái đài phun nước đổ nát. Không thấy một bóng người. Rõ ràng là bệnh viện đã không còn bệnh nhân nào nữa.

Ông bác sĩ Morocco đã lụ khụ hẳn đi, cái đầu hói nhẵn nay lại tương phản với bộ râu cằm xám xịt rối bù, rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Cơn gió lành nào đưa ông tới đây vậy, Guedali? Ông đi công việc hay là đi chơi thế? Cũng có chút công việc, tôi nói, cũng mới chỉ là vài ý tưởng thôi. Ông ta biết chưa phải là lúc gặng hỏi, bèn hỏi thăm Tita và bọn trẻ con. Chúng tôi chuyện trò một lát, rồi tôi bảo ông là tôi hơi mệt, liệu ông có thu xếp một phòng cho tôi được không? Tôi nói thêm: tôi sẽ trả tiền theo ngày, tất nhiên rồi. Mặt ông ta sáng lên: sao lại không, Guedali, tôi rất vui mừng là đằng khác! Tôi nghĩ có lẽ ông sẽ ưa dùng một trong những phòng hạng nhất của chúng tôi. (Rõ ràng là ông ta đang rất cần tiền)

Ông đưa tôi vào phòng. Đó là căn phòng mà tôi và Tita đã ở sau khi mổ. Cũng như những nơi khác trong bệnh viện, trông nó hoàn toàn hoang tàn: mạng nhện chăng đầy trần nhà, tường phòng rạn nứt hết, màn cửa bạc phếch. Chính ông bác sĩ cũng phải nói: phòng này phải dọn dẹp sạch sẽ lại đã. Người của tôi sẽ lo việc đó. Nhưng ngày mai kia. Còn giờ thì ông phải nghỉ ngơi đi đã.

Tôi qua một đêm mất ngủ, đi tới đi lui, lúc đầu còn trong phòng, sau thì ra ngoài vườn. Khi trời sáng thì ông bác sĩ xuất hiện.

“Thế nào, mình nói chuyện công việc được chưa?”. Mặc dù đã lấy giọng nhẹ nhàng tự nhiên, ông ta vẫn có vẻ lo lắng, nhưng không nhiều lắm: Ông là một người từng trải và biết rõ những rủi ro của chúng tôi (chẳng hạn chỉ cần một động mạch nhỏ trong não đứt một cái là có thể gây tử vong ngay lập tức) và có lẽ còn hơi có tư tưởng định mệnh nữa vì sống gần các bộ lạc cuồng tín thường tin vào số phận định sẵn. Ông là người sẽ không ngạc nhiên trước bất kỳ điều gì mà tôi sắp nói với ông, cho dù chúng có bất thường và kịch tính đến mấy.

“Tôi muốn có một cuộc giải phẫu nữa. Tôi muốn lại trở về làm một con nhân mã”.

Ông ta không chỉ ngạc nhiên, mà còn chết lặng. Tất cả những biểu hiện của một trạng thái kinh ngạc đến cực điểm, hai mắt ông lồi hẳn ra ngoài, miệng há hốc, mặt tái ngắt (không rõ lắm vì da ông ngăm đen), tất cả đều hằn rõ trên khuôn mặt ông. “Nhưng mà”, ông ngắc ngứ “Nhưng mà”, ông ta nắm chặt lấy chỗ đầu giường để khỏi ngã. Quả thật ông không hề nghĩ trước đến khả năng này.

“Ông muốn làm gì cơ, ông Guedali?”

“Tôi muốn có một cuộc giải phẫu nữa. Tôi muốn lại trở về làm một con nhân mã”.

Ông bác sĩ giải phẫu phải nhanh chóng trấn tĩnh khỏi cơn choáng. Và chỉ ngay sau đấy, ông ta đã bình tĩnh lại, mỉm cười và thần sắc bình thường. Ông chớp nhoáng đánh giá tình hình và chọn giải pháp phớt lờ điều tôi vừa nói, chí ít cũng là trong lúc này.

“Thế này nhá”, ông nói, “mình ăn sáng cái đã, rồi nói chuyện sau”.

Bữa điểm tâm được dọn trên cái bàn nhỏ trong vườn. Cốc chén vẫn là đồ sứ, nhưng đã sứt mẻ cả; còn khăn ăn thì ố vàng, những cái đó cũng chẳng có nghĩa gì với tôi. Tôi muốn lại được là một con nhân mã, tôi đã nói vậy, và sau khi nói thế tôi mới phát hiện ra điều gì đã đem tôi sang Morocco. Về một mặt nào đó thì tôi thấy ngạc nhiên, nhưng cũng không nhiều lắm. Tôi vừa nói ra lời nỗi dằn vặt đau đớn của mình, và chính cái việc nói thành lời ấy đã khiến tôi bình tĩnh lại một cách rất lạ lùng. Mặc dù không hẳn thật hoan hỉ, nhưng tôi cảm thấy ít nhất thì mình cũng vui vẻ một cách khiêm nhường. Hóa ra đấy chính là điều tôi muốn! Phi nước đại một lần nữa qua thảo nguyên, làm chủ cả bốn bộ móng ngựa của mình. Tôi không còn muốn có Tita nữa, và cả con cái, công việc, bạn bè, khu nhà biệt thự; chẳng còn thiết gì hết nữa. Ông bác sĩ Morroco (một nghệ sĩ thực thụ) đang bình thản tán gẫu về sự siêu việt của cà phê Thổ Nhĩ Kỳ. Cứ như thể tôi chưa hề nói gì với ông ta. Nhưng tôi nào có để ý gì đến cà phê.

“Thế nào ông bác sĩ, ông nghĩ sao?”

Ông ta nhìn tôi, bớt ngạc nhiên hơn trước, nhưng hãi hùng hơn. Vậy là tôi nói chuyện nghiêm chỉnh thật rồi. Vậy là những điều tôi nói không phải chỉ là sản phẩm của một đầu óc còn đang lẫn lộn vì đi đường mệt mỏi, vì thay đổi múi giờ, vì khó ngủ. Cái từ “nhân mã” không phải là cái gì bị đêm tối bỏ sót lại, không phải là một cơn ác mộng đang xen vào thế giới đang thức tỉnh. Tôi có thể đọc được trong mắt ông rằng ông đã bắt đầu cảm thấy lòng quyết tâm của tôi, có thể chưa được vững chắc lắm, nhưng đang mỗi phút một vững chắc thêm.

“Thế nào?”

“Nhưng ông đang nói chuyện gì vậy Guedali?”. Bây giờ thì ông ta chau mày, mặt mũi khổ sở. Cặp môi ông ta hình như run lên. “Ông đang nói với tôi cái gì cơ?”

“Ông đã nghe rồi mà, bác sĩ. Tôi muốn làm một con nhân mã một lần nữa.”

“Ồ, cái này nghiêm trọng đây” ông lẩm nhẩm, “thực sự là rất nghiêm trọng đây”. Ông để mặc chiếc khăn ăn rơi sang một bên và ngả mình vào lưng ghế.

“Tôi đã giả định có chuyện hệ trọng, Guedali. Chẳng hạn một biến chứng do vụ mổ trước của ông. Nhưng tôi không hề nghĩ đến chuyện này. Tôi xin thề đấy.”

“Nhưng chuyện là vậy thật mà.”

“Vậy tôi có được phép biết”, ông hỏi, hai mắt ươn ướt “điều gì đã khiến ông muốn từ bỏ thân phận người, sau tất cả những nỗ lực của ông, và cả của tôi nữa, để có được nó? Tôi có được phép biết đìêu đó không, Guedali? Tại sao ông lại đến yêu cầu tôi làm việc này? Tôi nghĩ mình cũng có quyền được biết, ông bạn ạ. Dù sao thì…”

“Phải rồi,” tôi ngắt lời ông “ Dù sao thì ông đã cho chúng tôi, Tita và tôi, nhân dạng. Tôi rất biết ơn ông. Nhưng…” Tôi lưỡng lự “Ông nghe tôi nhé, ông bác sĩ, tôi không thích ông hỏi tôi quá nhiều thế đâu. Hãy cứ cho tôi biết ông có sẵn lòng giúp tôi hay không đã.”

“Tất nhiên là tôi sẵn lòng chứ!” Ông ta đáp, giọng bất mãn “Ông không có quyền hỏi một câu như thế. Nhưng ông nói tôi giúp ông nghĩa là thế nào? Nếu ông muốn tự tử, Guedali, tôi sẽ không đưa súng cho ông đâu.”

“Nó chẳng dính dáng gì đến tự tử. Nó chỉ là…”

Là cái gì nhỉ? Tôi cũng không biết nữa. Chúng tôi nhìn nhau như hai anh ngốc. Chúng tôi đang nói chuyện gì vậy? Chúng tôi là ai chứ? Tất cả chuyện này có nghĩa gì?

Mặt ông ta bỗng thay đổi hẳn đi. Trong nháy mắt ông đã thành ra rất bình thản, cứ như thể chúng tôi đang nói chuyện bóng đá hoặc thời tiết vậy. Ông cúi về phía tôi.

“Thôi được rồi, Guedali. Nếu ông không muốn nói cho tôi biết thì thôi, ông không cần phải nói đâu”

Lại ngả người vào lưng ghế, ông nhoẻn miệng cười. Tôi vỡ lẽ: ông đã thôi không thắc mắc về tính logic của điều tôi đã nói. Ông đã đặt cái ý tưởng ấy vào bối cảnh của chúng tôi lúc ấy, vốn thực là đầy rẫy phi lí: khu bệnh viện hoang tàn, người giúp việc lặng câm đang dọn cốc chén và thìa dĩa, những loài cây hiếm lạ trong khu vườn bị bỏ hoang, những con chim đang sột soạt vẫy cánh trên đầu chúng tôi. Và những người Maghrib, người Berbe, những con lạc đà và cái trống bộ lạc.

“Tôi sẽ chỉ hỏi ông thêm một lần nữa thôi: ông thực sự muốn làm điều đó?”

“Vâng, đúng thế”

“Vậy nếu tôi bảo ông rằng việc đó là không thể thực hiện được về mặt kỹ thuật?”

A, ra thế. Ông ta đang tấn công từ phía khác. Ông đang lý luận với tôi về mặt y khoa, sử dụng những khó khăn kỹ thuật để phản bác lại tôi. Những bộ phận đã cắt bỏ không còn nữa, và thậm chí có còn, thậm chí chúng được bảo quản trong những điều kiện đặc biệt trong môi trường nhiệt độ cực thấp, như thi thể của các triệu phú Mỹ vẫn mong có ngày sống lại, thì vẫn còn có những khó khăn của việc tái ghép chúng. Thế rồi những bộ phận còn lại, tức chính là thân thể tôi bây giờ, chúng cũng đã biến dạng đi nhiều rồi chứ. Tôi không còn là nửa trước của một con nhân mã nữa, tôi đã là một con người hoàn chỉnh.

Tôi đáp rằng mình sẵn sàng chịu mọi rủi ro. Tôi sẽ vui lòng ký giấy cam đoan để tránh cho ông ta mọi thứ trách nhiệm đối với bất kỳ hậu quả nào của ca mổ ghép này.

“Nhưng mà là ghép cái gì chứ Guedali?”

“Một cái thân ngựa”, tôi nói “Một cái thân ngựa còn sống”

Lần này thì ông ta thực sự kinh hoàng. Một con ngựa ư, Guedali? Rồi ông cười phá lên: phi lý! Cơ thể còn sống của ông sẽ không tiếp nhận tế bào lạ. Nhưng rồi ông thôi cười, suy nghĩ một lúc, rồi ngập ngừng: “Quả thật, đã có những ca ghép gan lợn vào cho người, cho người da đen. Và ghép tim khỉ…”

“Đấy” tôi nói.

Ông có vẻ vẫn chưa bị thuyết phục. Liều lĩnh khủng khiếp đấy, Guedali ơi, một phần triệu cơ hội thành công, hoặc còn ít hơn nữa. Ngoài ra, ông ngậm ngùi, còn một vấn đề nữa. Ông giơ hai bàn tay run rẩy cho tôi xem.

“Ông thấy chưa? Tôi đã già rồi, Guedali, đã bao năm qua tôi không mổ một vụ nào. Tôi không biết mình có còn sức nữa không…”

Tôi ngắt lời: “Cái đó tuyệt đối chẳng sao hết, thưa bác sĩ. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở ông”

Ông đứng lên: “Có thật thế không Guedali? Có thật là ông tin tưởng ở tôi?”

Tôi cũng đứng lên theo: “Cho dù kết quả ra sao cũng mặc, bác sĩ ạ”. Ông không ghìm được mình nữa. Ông ôm chầm lấy tôi.

“Cám ơn ông, Guedali”, ông nói, hai tay lau nước mắt. “Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe những lời như thế. Tôi đang cần có ai nói với tôi như thế”

Ông mỉm cười.

“Ta có thể làm được Guedali. Cần gì ai! Chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu. Tôi không biết lý do ông muốn làm nhân mã là gì, nhưng thế thì đã sao! Tôi là một bác sĩ, ông là thân chủ của tôi, và tôi sẽ thực hiện những mong muốn của ông. Hơn nữa, tôi sẽ dồn hết tâm lực vào ca mổ này, ông cứ yên tâm về chuyện đó. Với ông, nó có ý nghĩa ra sao thì với tôi cũng vậy. Nó sẽ là cuộc cải tạo của tôi Guedali. Ông có tưởng tượng được không? Không những tôi đã là người bác sĩ đầu tiên cải dạng nhân mã thành người, mà tôi cũng sẽ là người đầu tiên cải dạng một người thành nhân mã trở lại! Thế giới y học sẽ phải rung động vì chuyện này”

Ông ngừng lời, chờ cho cơn phấn khích qua đi.

“Xin lỗi, Guedali. Tôi nghĩ mình vừa hơi hăng hái quá”

Không sao, tôi nói. Nhưng ông ta hầu như đã không chú ý gì đến tôi nữa; ông đã hoàn toàn bị cuốn hút vào ý tưởng của ca mổ. Ông bắt đầu đi đi lại lại.

“Muốn lại thành nhân mã… hừm… muốn lại thành nhân mã. Để xem nào…”

Ông dừng lại, đặt một tay lên vai tôi.

“Không phải dễ đâu, Guedali. Một ca mổ rất tinh vi, rất tinh vi đấy. Chúng ta phải thận trọng hết sức. Con ngựa chẳng hạn, bắt buộc phải là một con vật khỏe mạnh, trẻ và lành mạnh mọi bề. Ta sẽ chuẩn bị nó thật cẩn thận. Còn ông, Guedali, sẽ phải qua những trị liệu tiền giải phẫu rất khắt khe đấy. Ông sẽ phải dùng các thứ thuốc để loại trừ hết các kháng thể của mình. Cơ thể ông phải chấp nhận những tố chất của con ngựa như thể chúng là bạn bè với nhau chứ không phải kẻ thù. Sẽ phải mất nhiều thời gian đấy”

 

Ông lưỡng lự một giây rồi nói thêm “mà tôi cũng phải nói ngay với ông rằng sẽ không rẻ đâu”

“Tôi đã sẵn sàng hy sinh tất cả”, tôi đáp. “Tiền là thứ không đáng lo đến nhất”

“Tuyệt vời!” Ông nói. “Tôi biết ông là người có tư chất, Guedali ạ”

Ông lại tò mò nhìn tôi.

“Tha lỗi cho tôi tọc mạch vào việc riêng của ông… nhưng tôi phải hỏi lại ông lần nữa, tại sao ông lại muốn trở về thành nhân mã?”

(Tôi có biết không nhỉ?)

“Tôi không muốn nói chuyện ấy” tôi đáp. “Nhưng tôi có những lý do rất nghiêm chỉnh, rất… những lý do rất sâu sắc. Cứ tin tôi đi”

Ông mỉm cười thông cảm.

“Tất nhiên rồi, Guedali. Phi nước đại qua thảo nguyên… tôi biết, đó là một thôi thúc tiền sử. Ngay cả tôi, chỉ mới được cưỡi ngựa tý chút hồi còn bé, mà cũng nhiều lúc có cảm giác thôi thúc ấy”

Ông im lặng một chút, như thể đang suy nghĩ. Rồi mặt ông bỗng sáng bừng lên.

“Tôi có một đề xuất với ông. Nếu ông ứng cho tôi ít tiền, chúng ta sẽ làm một bữa tối ra trò đêm nay. Ông bảo sao? Một món mỳ ống Bắc Phi với rượu vang Pháp tuyệt hảo chứ?”

“Được quá đi” tôi nói, lấy tiền từ trong túi ra. Mắt ông sáng lên khi thấy những tờ đô la Mỹ và franc Thụy Sỹ.

“Ngoại tệ mạnh đây” ông nói, cố giấu vẻ khích động của mình, hay quá, Guedali.

Chúng tôi ăn trong phòng ăn của bệnh viện, có lão già lầm lì phục vụ. Món mỳ ống Bắc Phi rất ngon; rượu vang nặng và chúng tôi đều vui vẻ. Ông bác sĩ kể chuyện đời mình cho tôi nghe. Là con trai một người thợ giầy tại một làng quê Morocco nhỏ bé, ông đã luôn mơ ước trở thành bác sĩ. May mắn làm sao, có một vị triệu phú người Mỹ thích ông và cho ông đủ tiền để theo học y khoa tại Paris. Ông nháy mắt: để đổi lấy một vài chiếu cố khác, tất nhiên rồi.

“Tôi đi chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Sau khi tốt nghiệp một thời gian, tôi bắt đầu quan tâm đến giải phẫu chuyển giới tính”

Ông cười khúc khích. “Thật ra cũng là một cách tạ ơn người đỡ đầu của tôi. Nhưng cả ông ta và tôi đều không thể ngờ rằng rồi tôi sẽ giải phẫu cả những con vật thần thoại. Phải thú thật với ông là việc ấy thích thú hơn nhiều so với việc mổ các khối u não”

Ông ta lại cười khi vét sạch đĩa thức ăn, ợ một cái. “Xin lỗi, Guedali” rồi thở dài thoả mãn

“Lâu lắm rồi tôi mới được một bữa ăn ngon lành, Guedali. Quả thực là đã từ lâu lắm rồi”

Chúng tôi châm xì gà và im lặng hút trong vài phút. Ông ngả người về phía tôi như một kẻ tòng phạm: “Nói chuyện các con vật thần thoại, ông có bí mật của ông, Guedali, nhưng tôi cũng có bí mật của tôi… chỉ khác là tôi không ích kỷ, tôi muốn chia xẻ điều bí mật của mình ấy với ông. Nếu ông thích thế, nghĩa là… ông có muốn biết điều bí mật của tôi không, Guedali?”

Tôi nói có, mặc dù cũng không mấy quan tâm đến những điều bí mật của ông ta.

“Vậy thì ông đi với tôi.”

Chúng tôi đến một gian phòng biệt lập nhất. Ông mở cửa và ra hiệu cho tôi vào. Khi tôi đã vào phòng, ông mới bật đèn. Cái tôi nhìn thấy khiến tôi khủng khiếp. Ở đó, trong một cái cũi sắt rất to và nặng, là một con vật kỳ lạ tuyệt vời, ngay cả đối với tôi: một cựu nhân mã. Đó là một người đàn bà, hoặc đúng hơn, cái đầu và bộ ngực là của một người đàn bà, nối liền với một thân mình mà sau một lúc lúng túng tôi mới nhận định được là thân mình của một con sư tử cái. Nó đang nằm, hai chân trước duỗi dài, và đang nhìn xoáy vào chúng tôi. Cảm giác lúc ấy của tôi là một mớ hỗn độn giữa căng thẳng và khó chịu, thương cảm và kinh tởm. Tôi cảm được cái đồng cảm mà những người tàn phế, dị dạng, và bệnh tật vẫn có đối với nhau; nhưng cũng thấy được cả nỗi căm giận mà những người tàn phế, dị dạng, và bệnh tật vẫn có đối với nhau. Tôi bỗng như muốn vừa cười vừa khóc cùng một lúc. Cuối cùng thì tôi thấy mình đỏ bừng mặt. Vì xấu hổ chăng? Nhưng xấu hổ vì cái gì chứ? Còn với nó, hình như nó không để ý gì đến sự có mặt của chúng tôi.

“Đây là Lolah” ông bác sĩ nói, và cái giọng tự hào của ông khiến con vật kia càng thêm phi lý. Ông ta nói với nó bằng tiếng Pháp: “Chào anh bạn Guedali của chúng ta đi chứ, Lolah. Ông ta từ Brazil tới đó”

“Merde!” [xxxviii]. Con vật gào lên, và quay mặt vào tường.

[xxxviii] Tiếng Pháp, là một câu chửi đổng, như tiếng “Shit!” của tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt có thể dùng chữ “Cứt!”, nhưng chúng tôi để tiếng Pháp như trong nguyên tác (ND)

“Nhưng nó là cái gì thế?” Tôi nói khi đã hơi hoàn hồn và tìm thấy giọng mình. Ông bác sĩ cười ngất.

“Cái gì ư? Chẳng lẽ ông lại không biết, Guedali? Ông, một con vật thần thoại, mà lại không nhận ra bạn đồng hành từ trong cõi vô thức tập thể [xxxix] của mình hay sao? Đó là một con nhân sư mà, Guedali”

[xxxix] “Vô thức tập thể” – một khái niệm trong phân tâm học, do Freud khởi xướng và được Yung phát triển thêm về sau này. Theo khái niệm này, cõi vô thức của mỗi cá nhân chứa đựng cả những trải nghiệm của tổ tiên và cộng đồng chứ không chỉ có những trải nghiệm của chính mình từ thuở hài nhỉ (ND)

Nhân sư, tất nhiên rồi. Nửa đàn bà, nửa sư tử cái. Tôi đã không nghĩ ra điều này vì khái niệm nhân sư của tôi chỉ gắn liền với hình ảnh bức tượng nhân sư Ai Cập. Còn trước mắt tôi đây đâu có phải là một bức tượng đá khổng lồ với bộ mặt long lở. Bộ mặt này đáng yêu là khác; da dẻ như màu đồng đỏ, đôi mắt to xanh lá cây, cặp môi đầy đặn, mái tóc hung hung, cặp vú chắc lẳn đẹp đẽ. Những bộ móng chân và thân hình sư tử cái, cái đuôi đang quật bên này bên kia. Một con nhân sư, rõ ràng rồi. Vậy là nhân sư có thật.

“Nó cũng thật như ông vậy, Guedali” ông bác sĩ nói, như thể đang đọc được những ý nghĩ của tôi. “N’est - ce pas [xl], Lolah? Và nó rất thông minh, muốn xem không?”

Ông đi đến gần cái cũi.

[xl] Tiếng Pháp, có nghĩa là “Có phải không nhỉ?” (ND)

“Nào, Lolah. Hãy bảo cho quý ông đây biết cái gì buổi sáng thì đi bốn chân, buổi chiều đi hai chân và buổi tối đi ba chân, nào”

Con vật không đáp. Nó vẫn quay mặt vào tường. Ông bác sĩ lén thò tay qua chấn song và giật mạnh một cái vào đuôi nó. Con nhân sư nhảy vọt lên.

“Merde!” Nó giận dữ gầm lên. “Merde!Merde!”

Nó quăng mình vào chấn song cũi, đập vào đó thình thình những cái tát khủng khiếp. Tôi sợ hãi lùi lại.Nhưng cái cũi rất chắc. Ông bác sĩ thấy tôi sợ thì cười phá lên.

“Thôi được rồi Lolah” ông nói “cô gây ấn tượng với vị khách của chúng ta thế là đủ rồi. Chúng ta sẽ để cô yên bây giờ đây, cô em yêu quý ạ. Ngủ ngon nhé, em sẽ tha thứ cho chúng ta chứ?”

Con nhân sư không trả lời. Nằm phục xuống, giấu đầu vào chân trước, nó có vẻ đang khóc nức nở. Ông bác sĩ tắt đèn và chúng tôi đi ra.

Chúng tôi ngồi ngoài vườn, lão giúp việc đem rượu vang tới.

“Con vật đó ở đâu ra vậy?” Tôi hỏi, vẫn còn chưa hoàn hồn, rồi yếu ớt đùa một câu “Có phải từ Ai Cập không?”

Ông ta tặc lưỡi: “Không, không phải từ Ai Cập. Từ Tunisia đấy. Một người bạn tôi, cũng là bác sĩ, rất thích săn bắn mãnh thú, đã tìm thấy cô ấy. Từ lâu rồi ông ta đã nghe người dân bản địa kháo nhau về một con vật có mình sư tử và vú đàn bà; và mặc dù ông ta có nghe chuyện nhân sư, ông ta vẫn không tin lời đồn đại kia. Nhưng đến khi họ chỉ cho ông ta thấy vết chân của nó thì ông ta quyết định theo vết nó ngay. Sau bốn ngày lặn lội, họ đến một thung lũng sâu xung quanh toàn vách đá dựng đứng, một nơi mà con mồi không thể trốn đi đâu được nữa. Đám tùy tùng của ông ta chặn một đầu thung, còn ông ta từ đầu kia tiến vào. Cuối cùng khi nhìn thấy cô ấy, ông ta xúc động thích thú đến mức lập tức quyết định phải bắt sống cô ấy. Lolah xé tan xác ba con chó và hai người Tunisia trước khi bọn họ tung lưới bắt được cô. Bạn tôi mê mẩn vì sắc đẹp của nàng. Biết tôi đã từng giải phẫu cho nhân mã, ông ta đem nàng đến đây với hy vọng tôi có thể biến nàng thành một người đàn bà bình thường. Tôi nghĩ ông ấy yêu nàng thực sự”

Ông bác sĩ nhấp một ngụm rượu. “Vang ngon đấy, cái này này” Ông thở dài. “Biết bao nhiêu năm rồi, Guedali, tôi mới lại được uống vang tử tế”

Một chiếc máy bay lướt qua ngay trên đầu chúng tôi với một tiếng động điếc tai.

“Máy bay của nhà vua đấy” ông nói “nó bay qua đây luôn. Nhiều khi tôi cứ nghĩ...”

Tôi ngắt lời ông.

“Vâng, thế rồi sao nữa? Đã xảy ra chuyện gì?”

“Chuyện gì ư? Ồ vâng. Còn sao nữa, tôi thấy ngay lập tức là sẽ không thể có một kết quả nào có thể chấp nhận được. Ông bà thì khác, ông và Tita ấy, cả hai đều có một nửa gần như là thân thể người bình thường, với cặp chân trước có thể dùng như chân người. Còn Lolah thì chỉ có mỗi cái đầu và cặp vú là của con người. Có mổ thành công đi nữa, cô ấy cũng sẽ chỉ thành một quái vật lạ lùng hơn nữa mà thôi, một thứ quỷ lùn với móng vuốt sư tử. Tôi nói tất cả những điều này cho ông bạn kia. Ông ta buồn khổ đến nỗi bỏ đi luôn, để lại con nhân sư cho tôi. Chỉ vài ngày sau đấy, ông ấy chết vì một cơn đau tim. Ông ấy là một người rất dễ bị kích động, ông ấy tin cả bùa chú và phép thuật, và có thể đã vì vậy mà chết. Thế là tôi giữ Lolah. Lúc đầu, nàng không muốn dây dưa gì đến tôi, và vẫn có những lúc tấn công tôi, như ông đã thấy. Nhưng dần dần tôi đã làm cho nàng tin mình. Tôi đã dạy nàng tiếng Pháp... nàng rất thông minh, học gì cũng dễ dàng nhanh chóng. Nàng đọc nhiều lắm. Nhưng nói rất ít. Đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng biết tý gì về cuộc đời của nàng.”

Ông nốc cạn cốc rượu. “Tuyệt thật, cái rượu vang này. Quả thật là tuyệt… nhưng như tôi đã nói với ông: tôi kết luận rằng không thể giải phẫu cho nàng được. Vấn đề là tôi sẽ phải làm gì với nàng đây. Xin thú thực là tôi đã nghĩ đến việc trưng bày nàng cho công chúng xem. Tôi có thể bán vé rất cao tiền, lúc ấy tôi đã lâm vào nhiều rắc rối về tài chính và rất cần tiền. Tôi nói một cách bóng gió rất thận trọng với nàng. Nàng nổi giận, kêu rằng thà chết còn hơn. Tôi đã tôn trọng nàng, Guedali ạ. Ông thấy đấy, giờ đây tôi chỉ còn là một anh bác sĩ già nua, lụn bại và hành vi của tôi không phải lúc nào cũng sạch sẽ, nhưng tôi vẫn còn lại một chút nhân phẩm. Tôi giành gian phòng ấy cho Lolah, và nàng sống với tất cả những tiện nghi có thể có được. Không biết ông có để ý không, nhưng tôi còn bố trí cả một cái TV ở đó cho nàng. Còn cái cũi, nó cũng không hẳn là nhà tù đâu. Mục đích của nó chỉ là để kiềm chế những cơn giận dữ của nàng, mà như tôi đã nói, nó không phải là hiếm. Nói cho cùng thì nó cũng là biện pháp an ninh cho chính nàng. Bản thân nàng cũng biết điều đó. Tội nghiệp Lolah, nàng thường bảo: “Tận đáy lòng, tôi là một con mãnh thú”.

Ông cười. “Mãnh thú ư? Không, nàng không phải thế đâu Guedali. Nàng là một cô gái đáng thương, không hơn. Một sinh linh bí hiểm và cô độc.”

Tôi hỏi mình có được phép chuyện trò với nàng không. Ông nhìn chằm chằm vào tôi, hơi có ý nghi ngờ, hơi có ý ghen tuông trong cái nhìn ấy, mặc dù ông đã cố che dấu chúng.

“Được thôi, nếu ông thích thế… Tôi cũng chưa biết nàng có chịu nói chuyện với ông không. Ông có thể đem thức ăn vào cho nàng ngày mai. Nếu ông đưa tôi tiền, tôi sẽ đặt mua một ít thịt cừu quay. Đó là một trong những món nàng thích nhất”

 ***

Đêm đó, đêm thứ hai của tôi tại bệnh viện, lại là một đêm thức tỉnh nữa đối với tôi. Tôi đi lang thang ngoài vườn, bồn chồn không thể ngủ được. Những tình cảm mạnh mẽ sôi âm ỉ trong lòng tôi. Tôi đã làm gì vậy? Tôi tự hỏi mình, bởi vì bấy giờ tôi đã tỉnh táo lại và đang tự cáo buộc mình đã trót hành động theo một cơn xúc động hoang dại. Đã trót bỏ vợ, bỏ con, bỏ bạn bè để nhảy lên máy bay đi ngay sang Morocco. Đã tìm đến ông bác sĩ và nói rằng mình lại muốn trở lại làm nhân mã. Cái gì đã khởi động cả một chuỗi những hành động điên cuồng như vậy? Hình ảnh Tita và con nhân mã kia ôm ấp nhau chăng? Cái chết của hắn chăng? Đúng vậy, Tita đã ôm ấp con nhân mã ấy trong tay, con nhân mã đã cố chạy trốn và bị bắn chết. Phải chăng theo cách hành xử bình thường thì tôi sẽ nói: Nào, lại đây Tita, chúng ta hãy nói chuyện này xem, hãy cùng nhau xem lại chuyện gì đã xảy ra, hãy xác định xem cái gì là thực và cái gì là tưởng tượng trong câu chuyện ấy. Phải chăng đó mới là những gì nên làm? Nhưng không, đáng lẽ phải làm thế thì Guedali lại quay lưng lại và chạy mất. Đến tận Morocco, cứ hệt như chạy đi mua thuốc lá vậy. Nhẽ ra ít nhất thì cũng phải nói chuyện với Paolo cái đã.

Những câu hỏi có lý của một người dần tỉnh lại. Nhưng vì chưa tỉnh hẳn, vẫn còn lơ lửng giữa bầu trời và mặt đất như một con ngựa bay có cánh, tôi vẫn còn lòng vòng trên mây, tôi đã bay quá cao và quá nhanh đến nỗi chóng cả mặt. Tôi không trả lời những câu hỏi của chính mình. Tôi thà mỉm cười như một thằng ngớ ngẩn, hoặc thà khóc lóc, cũng như một thằng ngớ ngẩn. Tôi thà đầu hàng cái cảm giác lơ lửng chóng mặt ấy, nghĩa là thà không thèm biết đến chuyện gì đã đang xảy ra và rồi cái gì sẽ đến. Chủ yếu là vì tôi chóng cả mặt khi nghĩ đến Lolah. Hình ảnh Lolah làm lu mờ hết mọi thứ khác. Sau khi nhìn thấy những cái mà mình đã thấy, tôi còn tự hỏi: có đúng là mình đã từng sống trước đây hay không? Có phải đó là cuộc sống, hay chỉ là một giấc mộng? Đó quả thực là cái ấn tượng mà con vật dị thường ấy đã gây ra cho tôi, cái con nhân sư tuyệt đẹp ấy. Trước mặt nàng, tất cả mọi thứ khác, cho dù có vẻ quan trọng và đáng phải quan tâm đến mấy, tự nhiên không còn tồn tại nữa. Gia đình ư? Nhân sư thôi. Công việc ư? Nhân sư thôi. Bạn bè ư? Nhân sư thôi. Nhà cửa ư? Nhân sư thôi. Xe cộ ư? Nhân sư thôi. Quần áo ư? Nhân sư thôi. Sườn nướng ư? Nhân sư thôi. Con nhân sư vượt xa tất cả mọi thứ về mặt đáng nể, về mặt kỳ diệu. Thậm chí nó còn che khuất cả hình ảnh một con nhân mã phi nước đại trên đồng cỏ. Một con nhân mã cái phi nước đại trên đồng cỏ. Một con nhân mã đực và một con nhân mã cái cùng nhau phi nước đại trên đồng cỏ.