Con Nhân Mã ở trong vườn - Phần 10 chương 1

MỘT NÔNG TRẠI NHỎ TRONG NỘI ĐỊA HẠT QUATRO IRMAOS

MIỀN NAM RIO GRANDE

THÁNG 10, 1972 - THÁNG 3, 1973

Tôi không muốn quay về Sao Paulo một chút nào. Tôi chỉ đợi chuyển máy bay ở đó rồi tiếp tục bay luôn về Porto Alegre. Đến nơi, tôi đi thẳng về nhà cha mẹ tôi.

Tôi rung chuông. Mẹ tôi ra mở cửa. Khi bà nhìn thấy tôi, bà đánh rơi cái chổi trong tay, đưa cả hai bàn tay lên mặt và kêu rú Clên một tiếng. Cha tôi chạy ù ra: Có chuyện gì thế, Rosa? Chuyện gì thế? Rồi ngay sau đó cả hai người ôm chầm lấy tôi, vỗ thật mạnh lên người tôi, hò hét, khóc lóc, cười phá lên; ngạt cả thở, tôi không thể chạy đi đâu được. Cuối cùng họ đưa tôi vào nhà và ấn tôi xuống ngồi vào giữa họ trên ghế sôpha. Mẹ tôi, người đã ôm cứng lấy tôi và cười như một bà già điên, thình lình nghiêm chỉnh lại.

"Chẳng đẹp đẽ gì, Guedali ạ, cái việc con làm ấy. Bỏ vợ bỏ con! Con phải biết xấu hổ chứ! Tí nữa thì mẹ đã từ con rồi. Tita nó tuyệt vọng quá, tội nghiệp con bé. Cứ ba ngày một lần nó lại gọi đến đây. Mẹ bảo nó, Tita, nếu nó không về, nó sẽ không còn là con trai mẹ nữa. Nếu muốn, con có thể đến sống với chúng ta ở đây."

Ngay cả một người ngoại đạo như cô ấy ư? Tôi hỏi, thật là một hành vi bệnh hoạn của tôi. Mẹ tôi nhìn tôi, vừa đau vừa giận: Những người ngoại đạo chẳng chứa chấp chúng ta đó sao? Con sao vậy, Guedali? Rồi mẹ tôi lại quay lại chủ đề kia: Nhưng sao con lại chất vấn mẹ như vậy? Con không thể như thế được! Thằng bé vô liêm sỉ này, mày hãy nói cho chúng ta biết mày đã đi đâu, đã làm gì đi nào! Hãy để cho thằng Guedali được yên đã nào! Cha tôi nói, nó vừa đi về còn mệt đấy. Bà cứ đi sửa soạn bữa tối đi và trải cho nó cái giường. Ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện.

Tôi có thật nhiều chuyện phải bàn với cha tôi. Không phải, như cha tôi cũng biết thế, là về những gì đã xảy đến với tôi, điều đó là không thể được. Làm sao tôi có thể giải thích chuyến đi sang Morocco cho ông hiểu? Làm sao tôi có thể kể cho nghe về Lolah? Chẳng nhẽ tôi cho ông xem cái bàn chân của con nhân sư tội nghiệp rồi nói, "Cha ơi, đây là tất cả những gì còn lại của một người đàn bà đã yêu con hơn ai hết"? Cha tôi sẽ không thể tin được.

Thực ra, tôi không muốn kể với ông chuyện gì hết. Tôi muốn nghe. Tôi muốn tìm hiểu nhiều thứ. Thằng bé nhân mã Guedali ngày xưa có hạnh phúc không? Có hạnh phúc hơn thằng Guedali hai chân bây giờ không? Hay là không bằng? Nếu nó không hạnh phúc bằng (hay hạnh phúc hơn) thì tại sao tôi cứ ngứa ngáy muốn phi nước đại đến mức không thể chịu nổi, tại sao tôi cứ không ngừng tìm kiếm cái gì đó mà mình không biết? Nếu nó hạnh phúc hơn (hay không hạnh phúc bằng) thì tôi phải làm gì để hãm đà tăng tốc nỗi khổ sở của mình, để có thể lấy lại được niềm hạnh phúc đã mất? Và cái gì có thể là bí mật của niềm hạnh phúc nhân mã, nếu quả thật bọn nhân mã có hạnh phúc? Đến nỗi làm cho Tita đã chán tôi và thích một con nhân mã khác? (Với câu hỏi cuối cùng, cha tôi sẽ không thể trả lời trực tiếp, nhưng ông có thể cung cấp cho tôi một số yếu tố để tôi có thể tự mình tìm thấy câu trả lời.)

Để làm cho tôi hiểu, cha tôi sẽ phải đi ngược thời gian rất xa. Ông sẽ phải lần tìm về cội nguồn của mình. Ông sẽ phải kể về cuộc sống của ông ở nước Nga, những con ngựa ô của người Côdắc, chuyến di cư sang Brazil, những ngày đầu trong khu thuộc địa Do Thái, rồi cái đêm tôi ra đời. (Liệu có một con ngựa bay có cánh thật không?) Ông sẽ phải nhắc lại những bước đi chập chững đầu tiên của tôi.

Hai cha con đi dạo với nhau rất lâu, tôi hỏi, ông nhất định không trả lời. Quên hết những chuyện ấy đi, Guedali, bây giờ mọi thứ đã ổn cả rồi. Đúng là con có những vấn đề riêng của mình, nhưng ai mà chẳng thế? Con đã được chữa lành rồi, quên chúng đi. Nhưng cha ơi, trước đây con có móng ngựa thật không? Con trai ta, cái đó còn tuỳ cách con gọi cái gì là móng ngựa. Nhưng ông bác sĩ ở Morocco... Morocco cách đây xa lắm, Guedali, con không phải băn khoăn về những chuyện ấy nữa. Con cần phải về với gia đình con. Hãy quên Morocco đi.

Cha tôi đứng lại, nắm lấy cánh tay tôi.

"Đi Patagonia mà chơi, Guedali. Gọi điện cho vợ con, bảo nó đến đây, rồi đăng kí một tour du lịch. Hai đứa có thể đi tàu thuỷ đến Patagonia, đến Tierra del Fuego. Nó sẽ là cơ hội tuyệt vời để hai đứa quay lại với nhau. Đi du lịch bằng tàu thuỷ thoải mái lắm, có nhiều thời gian chuyện trò với nhau, giải quyết mọi vấn đề. Minanó có một người bạn một hôm tự dưng nghĩ rằng mình đã chán ngấy anh chồng rồi. Anh kia bèn đưa cô ta đi một chuyến như thế và thế là đúng vậy: họ làm lành với nhau. Đó là vì những núi băng trên biển đấy, Guedali. Những cái núi băng trôi tuyệt đẹp, họ bảo chúng khiến cho ai cũng phải xúc động, có nhiều người phát khóc lên đấy."

Cha tôi sẽ đột ngột chấm dứt cuộc trao đổi để khỏi phải nói dối. Nhưng tệ hơn cả việc phải nói dối và việc ông đáp lại những câu hỏi của tôi bằng những câu hỏi khác: Ý nghĩa của tồn tại là gì, Guedali? Tại sao chúng ta có mặt trên thế giới này? Có Thượng Đế không, Guedali? Đúng thế, và còn tệ hơn nữa nếu như lúc hai cha con đang uống trà sớm ngoài hiên, cha tôi bỗng giấu mặt vào hai lòng bàn tay và khóc: Lạy Chúa, tôi đã làm gì với cuộc đời của mình, đã làm gì? Lại còn tệ hơn nhiều nữa nếu ông thình lình quỳ xuống, ôm lấy chỗ hai khuỷu chân ngựa trước đây của tôi, ngay trên móng (đến khuỷu chân ngựa cũng chẳng giữ nổi một người cha sắp ngã,) và nói như hết hơi: ta không muốn chết, con trai ơi, ta không muốn chết! Hãy nhấc ta lên lưng con, hãy phi nước đại với ta, cứu lấy ta.

Mẹ tôi thì liên tục hành hạ tôi. Bà nảy ra một ý tưởng: bà sẽ tổ chức một buổi đoàn tụ gia đình thật to. Thậm chí sẽ làm sao lôi được cả anh Bernardo về nữa: đăng báo nhắn tin, gọi anh qua chương trình nhắn tin công cộng trên đài phát thanh, hoặc (ý đồ điên cuồng nhất của bà) nhờ đến nghệ sĩ hài Chacrina kêu gọi con trai bà trở về trên chương trình TV toàn quốc.

"Mẹ biết ông ấy không từ chối mẹ đâu, Chacrina là một người rất tốt."

Theo lời mẹ, Tita và tôi sẽ hoà giải trong buổi đoàn tụ ấy.

"Thôi đi mẹ ơi, tôi giận dữ bảo bà, mẹ đừng bịa chuyện ra nữa, mẹ cứ lo việc mẹ đi."

"Nhưng chúng mày li thân hay là không li thân?"

"Vừa có vừa không, mẹ ạ. Đấy là chuyện riêng của chúng con."

"Vừa có vừa không là thế nào? Làm gì có chuyện ấy. Vừa có vừa không! Chúng bay li thân hoặc là không li thân chứ. Nếu muốn li thân thì làm hẳn hoi di, li dị đi, giấy tờ hợp pháp đi, gì cũng được. Còn không muốn thì hoà giải đi! Về với nhau, ôm ấp, hôn hít, rồi chúng bay sẽ thấy chúng bay yêu nhau lắm cho mà xem. Nghĩ đến bọn trẻ con chứ, Guedali! Nếu con với Tita tự thân không muốn hoà giải với nhau, thì cũng vì con cái mà làm thế đi chứ!"

Tôi tránh mặt mẹ. Ngay Mina cũng nhìn tôi với vẻ không đồng tình, mặc dù chị không nói năng gì. Tôi chỉ thích nói chuyện với cha tôi. Ông không trả lời những câu hỏi của tôi, nhưng cũng không giảng đạo cho tôi. Và ông còn cho tôi một tin quan trọng, ông nói cho tôi biết ai đã mua lô đất của chúng tôi ở khu thuộc địa cũ. Chính là cha của Pedro Bento. Ông ta hiện đang sống ở Porto Alegre. Tôi tìm đến ông và hỏi mua lại cái trại xưa đó.

Đây là điều mà tôi đã ấp ủ ngay sau khi về lại Porto Alegre, sau lần trò chuyện đầu tiên (và rất thất vọng) với cha tôi. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện mua đất, nếu có thể được thì gần với cái trại xưa của gia đình, gần những cánh đồng thời thơ ấu, nơi con nhân mã trẻ tuổi là tôi đã từng tự do phi nước đại. Gọi là tự do thế thôi, nhưng cũng là tự do trong hoàn cảnh cho phép. Trở lại cội nguồn, đó là điều tôi mong muốn. Một mình thôi. Tôi muốn được một mình để tập trung sức mạnh vào trải nghiệm ấy và trầm mặc về chúng. Lúc đầu tôi nghĩ bất kì một cái trại nào đủ rộng rãi một tí cũng là được rồi, nhưng lý tưởng nhất sẽ là chính cái trại xưa của chúng tôi. Tuy nhiên, lão trại chủ già không đồng ý bán.

"Không phải là tôi không muốn bán, Guedali. Tôi cần tiền, cần nhiều là khác. Nhưng tôi có trách nhiệm phải nói để cậu biết rằng vụ mua bán này không có lợi cho cậu đâu. Cái trại ấy bỏ hoang đã lâu rồi, mọc đầy cỏ dại. Thậm chí con đường đi vào đó cũng chẳng còn nữa rồi."

Nhưng đấy chính là điều tôi đang mong muốn: sẽ không có ai làm phiền tôi. Tôi vẫn khăng khăng hỏi mua, thậm chí còn trả lên nữa. Cuối cùng ông ta đồng ý, và còn khuyên tôi rất nhiều điều.

"Máy móc, Guedali ạ. Cái chính là phải có máy móc. Tôi nói cậu nghe, chứ tôi lụn bại chỉ vì thiếu máy móc. Đừng quên nhé: phải có máy móc!"

Máy móc. Tôi không giấu nổi một nụ cười. Đó chính là cái mà tôi không muốn chút nào, máy với chả móc. Tay chân thì được. Máy móc thì không bao giờ.

Cái tôi muốn là được tiếp xúc với đất, một trải nghiệm mà tôi cho là rất sâu sắc, rất cật ruột. Tôi muốn được đi chân đất, muốn gót chân tôi mọc chai, khiến cho chúng cứng cáp hơn, thậm chí được như móng ngựa càng hay. Tóm lại là tôi thèm có những bộ móng ngựa. Những bộ móng mà mỗi lớp vỏ bọc đều là kết quả của những chặng đường dài trên đất, trên đá, là kết quả của những suy tư về ý nghĩa của cuộc đời. Tôi định bụng sẽ đi bộ thật nhiều. Làm việc thì đã đành rồi, nhưng còn phải đi bộ nữa. Nếu mệt mỏi, tôi sẽ ngồi xuống đất. Tôi không sợ mông mình sẽ bị gai đâm hay côn trùng cắn, đốt. Mà thực ra là tôi muốn bị thế lắm. Cứ để mặc cho vết cắn vết đốt ấy sưng vù lên. Cứ mặc cho chúng mưng tấy lên mãi, rồi xương sẽ nhú lên từ bên trong, khớp nối với xương chậu, rồi thì những cái chân sẽ mọc ra. Tóm lại, tôi muốn mình mọc ra những gì xứng với cái tên "ngựa." Tôi muốn cả một cái đuôi nữa. Bốn cái chân ngựa, một cái đuôi. Đấy, một con nhân mã.

Lạ thật. Với tư cách một con nhân mã, hình ảnh mà tôi hay nhớ nhất lại là cảnh tượng buổi lễ mitzvah. Tôi thấy mình mặc bộ com - lê sẫm màu, sơ - mi trắng, thắt cà - vạt, và mũ thóp trên đầu. Tôi thấy riềm khăn lễ rủ xuống trên hai háng sau của tấm thân ngựa của mình.

Đúng thế, tôi muốn lại được cầu nguyện. Một trong những thứ mà tôi dự định sẽ xây trong khu trại là một nhà nguyện. Không hẳn là một nhà nguyện công cộng, mà là một nơi tôi có thể ngồi một mình với mấy cây nến và lần giở những trang giấy trong cuốn sách kinh cũ kĩ của cha tôi (một món quà mà tôi chắc là ông sẽ không từ chối tôi.) Tôi muốn suy nghĩ về Thượng Đế, về thân phận con người. Tôi thấy có nhu cầu tìm đến sự thông sáng và niềm an ủi của tín ngưỡng.

Nghiên cứu những quan điểm của các nhà tiên tri và sách Nhã Ca, tôi hy vọng dần dần sẽ lên được đến bộ ngực của Abraham. Không phải dễ. Trong trí tưởng tượng của tôi bộ ngực ấy ngày càng lớn lao hơn, một quả núi bao phủ dưới lớp da người trắng trẻo, bên dưới chằng chịt những mạch ngầm chứa đầy sữa quý giá. Tôi sẽ leo lên quả núi ấy, bắt đầu từ dưới đồng bằng. Khi sườn núi cứ dốc mãi lên, tôi sẽ bám lấy từng cái lông cứng của Levantine Abraham (mỗi cái lông là một vần thơ.) Tôi sẽ lên mãi, cũng như lần tôi leo lên quả núi có pháo đài Masada ở Israel, về phía cái núm vú được bao bọc trong mây, hồng hào và ngọt ngào như kẹo bông mà các con tôi thường ưa thích đến thế.

Cha mẹ tôi không thể tin là tôi có ý định sống ở khu trại xưa. Thậm chí mẹ tôi còn nổi khùng lên nữa.

"Con điên rồi, Guedali! Có ai lại đi bỏ vợ bỏ con vào sống một mình ở trong rừng không chứ! Ở đó chỉ có rắn rết thôi, Guedali! Làm sao mà con lại ra nông nỗi này? Con là một người có văn hoá, có học hành. Làm ruộng chỉ là nghề của dân nhập cư thôi, Guedali. Con sẽ không đi đâu hết. Mẹ không cho phép con. Chúng ta đã tốn kém biết bao nhiêu để có thể đi khỏi đó. Thế mà bây giờ con lại định quay lại. Không, mẹ không muốn nghe chuyện này!"

Cha tôi xen vào: "Tôi cũng không đồng tình với ý nghĩ ấy, Rosa à, nhưng dù sao thì Guedali nó cũng là người lớn rồi. Nếu nó muốn về nông thôn..."

(Tôi tưởng cha tôi sẽ đem Nam tước Hirsch ra, nhưng không phải. Nói đúng ra thì khi về già, lòng ngưỡng mộ của ông đã biến thành lòng oán ghét, thậm chí căm thù. Nhiều lần khi ông đang độc thoại với mình, mà ông rất hay thế, ông lại chửi rủa nhân vật thần tượng ngày xưa ấy: Đừng có quấy rầy ta nữa, Nam tước! Cút mẹ ông đi, Nam tước!)

Mina cũng xin tôi đừng đi, nhưng tôi đã quyết rồi. Một buổi sáng, tôi lên xe buýt và lấy vé đi về Quatro Irmaos.

Ông lão nhà Pedro Bento đã nói đúng. Ngôi nhà xưa của chúng tôi đã thực sự hoang tàn. Cánh cửa chỉ còn treo lủng lẳng bằng một chiếc bản lề; kính cửa sổ vỡ nát và cây leo bò qua đó vào nhà. Thấy ngay là mình sẽ phải làm nhiều việc, nhưng tôi không hối hận gì hết. Tôi treo di vật của Lolah tội nghiệp, cái bàn chân xác ướp ấy, lên bức tường nơi tôi sẽ kê giường nằm, rồi bắt tay vào việc. Ngay hôm đó tôi vào thị trấn mua vật liệu sửa nhà. Một tuần sau thì ngôi nhà đã có thể ở được rồi. Cỏ dại xung quanh đã được phát quang hết cho đến tận lối vào nhà. Bây giờ thì tôi có thể tập trung vào khu vực đồng ruộng. Đậu tương và ngô sẽ là những sản phẩm chính của tôi, và tôi sẽ trồng một vườn cây ăn quả. Tôi muốn nuôi gà, lợn, một đôi bò sữa. Chỉ những thứ thiết yếu mà thôi.

Nhiều tuần lễ liền tôi hầu như không gặp một ai hết. Có vài trại chủ láng giềng đến thăm, lấy lí do xem tôi có cần gì không. Thực ra họ chỉ muốn thấy mặt thằng ngốc điên rồ đã bỏ cả nghề nghiệp béo bở ngoài thành phố để về sống trong rừng. Tôi không bạc đãi họ, nhưng cũng chẳng hồ hởi để họ lại muốn đến thăm mình nữa. Chẳng mấy chốc họ chán và không ai đến chơi nữa thật.

Một buổi chiều, tôi đang bận bịu cắt cỏ ngoài đồng. Lúc vừa quỳ xuống làm gì đó, tôi bỗng cảm thấy có người đang quan sát mình. Tôi quay lại và thấy ngay anh ấy, một nông dân không thể đoán được tuổi tác, rách rưới, cái miệng móm mém đang nở một nụ cười: chính là Peri.

Anh không nhận ra tôi, cũng chẳng có gì lạ, vì anh sẽ chỉ nhớ đến tôi dưới dạng một con nhân mã. Anh đứng đó, nhìn tôi chăm chú, không nói một lời.

"Anh đang tìm ai phải không?" Tôi hỏi.

Anh bảo không. Anh chỉ tình cờ qua đây trên đường đi tìm việc làm.

"Tôi có thể làm bất kì việc gì," anh nói thêm bằng một lối nói rất lạ. "Cắt cỏ, cưa gỗ, chăm sóc súc vật. Tôi chỉ cần được ăn và có chỗ ngủ. Tôi làm việc chăm chỉ, xin cam đoan thế."

"Tốt lắm," tôi nói, "anh có thể bắt đầu ngay."

Anh cởi bỏ chiếc áo khoác rách rưới, nhổ nước bọt vào hai lòng bàn tay, vớ lấy cái cuốc, và bắt đầu rẫy cỏ.

Anh chăm chỉ thật sự. Phát quang bụi rậm, vắt sữa bò, kéo nước giếng, và cả nấu nướng nữa. Anh nói rất ít, chỉ vừa đủ trả lời tôi. Không phải tính nết anh thô lậu; ngược lại, anh cư xử rất phải phép và rất được việc. Nhưng im lặng và giữ kẽ. Tôi xếp cho anh một phòng trong nhà, nhưng anh thích ngủ ngoài chỗ chuồng bò hơn.

"Ngoài ấy rộng chỗ lắm. Nếu ông cho phép, tôi sẽ tự dọn một chỗ cho mình ở đó."

"Được, tôi cho phép anh," tôi nói, "nhưng mấy con bò thì sao? Chúng không quấy rầy anh à?" Anh phô hết cả lợi với một nụ cười không có gì là ngây thơ.

"Ồ, tôi thích bọn bò cái, ông chủ ạ."

***

Một con người lạ lùng, anh chàng Peri ấy. Thực ra tên anh ta không phải là Peri, mà là Remiao. Nhưng anh bảo ông là người chủ, ông gọi tôi thế nào cũng được. Mặc dù nói ít, anh lại thích hát, và nhiều đêm, thường là những đêm trăng tròn,tôi thấy anh đứng ngoài sân, hai tay giơ lên cao, miệng hát một điệu hát lạ. Bùa chú đấy, một lần anh giải thích cho tôi, rồi nói thêm với một giọng tin cẩn, tôi đang tập làm một thầy phù thuỷ giống như ông nội tôi.

Đó là giấc mơ lớn nhất của anh. Phù phép, đoán tương lai, những việc đại loại thế. Một lần anh dẫn tôi vào cái phòng bé tí của anh và cho tôi xem những đồ dùng để phù phép.

Có chiếc đầu lâu đã bạc phếch của Joaquim, thầy phù thuỷ trước đây. Peri có nhiều loại chạc cây dùng để tìm mạch nước ngầm, những cái vỏ ốc sên khổng lồ, và những quả cầu pha lê kích cỡ khác nhau. Cái làm tôi chú ý nhất là mấy mẫu vật nhồi bông hoặc ướp thuốc gì đó của vài con vật kì lạ: một con cừu hai đầu, một con dê sáu sừng, một con rết khổng lồ, một con cá ngựa có mười hai cái chân bé tí xíu.

"Ông chủ thử nhìn cái này xem."

Tôi cảm thấy là lạ. Anh đang muốn tôi xem cái gì đây? Nó trông có vẻ như một nàng tiên cá, xác ướp một cô gái mình người đuôi cá nhỏ bé.

Tôi sững sờ nhìn nó. Anh ta định nói với tôi điều gì đây, con người này? Điều bí mật của anh ta là gì? Anh ta có can hệ gì đến những sinh linh huyền thoại? Những ngựa một sừng, những sư tử đầu chim, lừa không đầu, người sói? Rồi còn nhân sư nữa? Peri biết gì về nhân sư? Biết gì về Lolah?

Nhưng cái mà anh ta đang giơ ra trước mắt tôi không phải là xác ướp của một cô gái mình người đuôi cá. Sau khi xem kĩ hơn, tôi mới thấy đó là một vật còn lạ hơn nữa: thân hình một con khỉ khâu nối với phần đuôi của một con cá lớn.

"Một thí nghiệm của tôi đấy, ông chủ ạ."

Theo một bức tranh có trong một cuốn sách cũ, anh ta đã định làm một nàng tiên cá thật.

"Nhưng không thành công. Nó chết ngay sau khi tôi mổ và khâu nó lại với nhau."

Anh ta còn biết rõ tại sao vụ mổ ấy không thành công: "Tôi đã nói sai câu thần chú lúc đang mổ. Nếu tôi nói đúng, nó đã sống rồi. Phù phép mà dùng đúng thần chú thì không có gì khoẻ bằng nó đâu."

"Vậy thì anh phù phép cho có mưa đi," tôi nửa đùa nửa thật. "Chúng ta rất cần mưa đấy, khô hạn mãi thì hỏng hết."

Anh nhìn tôi, vẻ bình tĩnh và tỉnh táo.

"Ông chủ đừng đùa với những chuyện như thế. Đừng đùa."

Cày ruộng với một cái cày do ngựa kéo. Tôi nhìn mãi con ngựa ấy từ đằng sau và ngẫm nghĩ về sự bất mãn của mình. Năm tháng sau khi về trại, tôi bắt đầu tự vấn: Mình đang làm gì ở đây vậy? Mình đã tìm thấy gì?

Tôi đi chân trần qua các cánh đồng rất nhiều. Chân trần. Lòng bàn chân tôi đã thô nhám lại, nhưng tất nhiên chúng không thể dày lên thành móng ngựa. Chúng còn không thô nhám bằng hai bàn tay tôi, đã đầy chai vì cầm cuốc. Tôi đã đi bộ ròng rã qua những ngày nắng và những đêm trăng, trong mưa trong gió, nhưng những câu hỏi của tôi vẫn chưa được trả lời

Tôi còn cầu nguyện nữa, sáng nào cũng vậy. Tấm khăn lễ trên vai, sách trong tay, tôi hát những bài kinh nguyện. Chẳng có kết quả gì. Bình yên nội tại ư ? Chẳng thấy đâu. Ngay cả hình ảnh bộ ngực của Abraham cũng đang phai mờ dần trong tâm trí tôi. Và quả thật, những câu hỏi mênh mông của tôi đang dần dần bị thay thế một cách kín đáo bởi những câu hỏi khác : Sao không thuê một cái máy kéo ? Dùng phân bón thì tốn kém thế nào ? Nếu cứ không mưa thế này thì đậu tương sẽ ra sao ? Vừa nhìn con ngựa đang kéo cày phía trước, tôi vừa cố gạt những lo toan tầm thường ấy sang một bên. Mẹ kiếp, con nhân mã trong tôi đâu mất rồi ?

Dần dần, tôi quên cả Lolah. Cái bàn chân ướp thuốc ấy vẫn ở phía trên cái giường tôi nằm, nhưng nó đã thành một vật tầm thường không làm tôi chú ý nữa, cũng như những vết nứt trên tường mà thôi. Và cũng như những vết nứt kia, nó không nói với tôi điều gì nữa. Thậm chí tôi còn không thể nhớ lại được gương mặt của nàng.

Tôi nảy sinh những ước ao, đúng vậy ... về gia đình tôi. Các con tôi ... ước gì chúng ở đây với tôi, vắt sữa bò và giúp tôi làm cho đất đai sinh sôi nảy nở. Sẽ rất tốt cho chúng, rất tốt cho tôi.

Tôi cũng nhớ cả Tita, mặc dù vẫn còn cay đắng trong lòng mỗi khi nhớ lại lúc tôi đã làm nàng giật mình khi đang trong vòng tay ôm của con nhân mã trẻ tuổi. Kí ức ấy ám ảnh tôi thường xuyên, nhưng phai nhạt đi trong đêm. Khi chìm vào giấc ngủ, tôi thường sờ soạng quanh chiếc giường trống trải và thì thầm gọi tên nàng. Tita. Tôi nhớ cái miệng nàng, tấm thân nàng, biết bao. Tình yêu đó ư ? Có lẽ. Hầu như chắc thế rồi. Phải, đó là tình yêu.

Vậy thì tại sao tôi không dẹp lòng tự ái của mình lại ? Sao tôi không về luôn với Tita, với các con, với các bạn ?

Không, điều đó thì tôi không làm. Trước khi làm được việc ấy, tôi nhất định phải giải tỏa hết những ngờ vực đang hành hạ mình ; phải tìm cho ra mình là ai : phải chăng là một con nhân mã què quặt đã bị cắt mất phần ngựa của chính nó ? Hay là một con người đang cố tự giải thoát khỏi những hoang tưởng của chính mình ?

Ngồi trước cửa nhà một đêm nọ, ngắm nhìn ruộng đồng đang tắm mình dưới ánh trăng, tôi lại tự cật vấn mình bằng những câu hỏi ấy một lần nữa.

Trước cửa nhà kho, hai tay đang giơ lên về phía mặt trăng, Peri đang lên tiếng hát. Tôi nhìn anh ghen tị. Chính đó là một con người đã tìm thấy con đường của mình.

Tôi bỗng nảy ra một ý tưởng.

“Peri !”

Anh chạy đến, hơi cắm cảu vì bị đứt quãng. Tôi mời anh vào nhà. Chúng tôi ngồi bào bàn và tôi mở một chai cognac (anh không uống; anh không uống rượu khi đang trong kì cầu nguyện). Tôi nốc một hơi cạn một cốc đầy.

“Tôi cần anh giúp đỡ”, tôi nói.

“Nếu tôi có thể, thưa ông chủ”, anh nói, có vẻ ngạc nhiên.

“Tôi có một vấn đề này, Peri. Một vấn đề mà tôi phải giải quyết. Nó đã hành hạ tôi từ rất lâu rồi.”

Và tôi bắt đầu nói. Tôi nói hàng mấy giờ liền; uống hết cả chai cognac, và bộc bạch với anh tất cả mọi chuyện. Ngày tôi ra đời, cuộc sống của tôi ở trại. Tôi còn nhắc lại cả lần hai chúng tôi gặp nhau hồi còn bé (anh không phản ứng gì, chỉ ngồi nghe). Tôi nói đến thời kì chúng tôi dọn về Porto ALegre, đến cuộc chạy trốn của tôi qua thảo nguyên, những ngày trong gánh xiếc, cuộc gặp gỡ với Tita, chyến đi của chúng tôi sang Morocco, hai ca mổ, khu chung cư biệt thự, cái chết của con nhân mã trẻ tuổi, chuyến đi thứ hai của tôi sang Morocco - tất cả mọi chuyện. Anh lắng nghe, hai mắt xoáy vào tôi, gương mặt có ánh sáng của cây đèn bão rọi vào. Tôi nói với anh rằng tôi muốn trở lại thành nhân mã, vì đó là cách duy nhất, tôi nghĩ thế, để tìm lại được những chân lí đã mất. Còn anh, một thầy phù thủy (đến đây thì anh ngắt lời tôi : ông chủ, tôi chưa phải là một thầy phù thủy, tôi còn đang học mà), anh có thể giúp tôi được việc này.

“Peri, hãy làm cho tôi mọc lại những cái chân ngựa đi”

“Thưa ông chủ, ông say rồi”

“Có thể thế. Nhưng tôi muốn có chân ngựa và móng ngựa, Peri à. Anh có hiểu không ? Móng ngựa ấy mà.”