Con Nhân Mã ở trong vườn - Phần 10 chương 2

Tôi không muốn những bộ móng vĩnh viễn, tôi giải thích. Tôi muốn chúng tạm thời thôi, cứ một thời gian ngắn là chúng lại khô và rụng đi. Điều quan trọng là tôi cần phải trở thành một con nhân mã trong một ít ngày.

Tôi nói và nói, còn anh ta không hề mở miệng, chỉ chăm chú nhìn toi với vẻ không hề bối rối chút nào. Quả là một anh chàng lạ lùng, cái anh tá điền ấy. Nếu anh ta có nghĩ tôi điên, có ái ngại cho tôi, có cho rằng những điều tôi nói chỉ là chuyện đùa, thì anh ta cũng chẳng bộc lộ gì hết. Anh có vẻ như đang nhìn để đánh giá tôi, giống một người có một bí mật và đang lưỡng lự không biết có nên chia sẻ nó hay không. Thật khó chịu.

“Thế nào, Peri ? Có muốn giúp tôi không ? Nếu không, hãy thu xếp đồ rồi đi khỏi nông trại này ngay đi”

“Tôi có thể thử xem” cuối cùng anh ta mới nói. Tôi không thể không để ý rằng anh ta đã không nói “ông chủ” với tôi nữa. Bấy giờ chúng tôi đã thành hai đối tác trong một công chuyện mới. Bằng cách huy động cái năng lượng ma thuật mà anh nhận được từ các vị thần linh tiên tổ, anh có thể khiến cho bốn cái chân ngựa mọc ra từ thân thể tôi.

“Tôi có thể thử xem” , anh nhắc lại, hai mắt long lanh và xa xăm. Những bánh xe trong tâm trí anh đã đang quay rồi, đang lần theo những kế hoạch, đang quyết định xem phải dùng những cây cỏ gì, những bùa phép gì cho việc này.

“Cho tôi ít lâu”, anh nói. Anh đứng lên rồi ra chỗ chuồng bò. Tôi ngồi đó, uống tiếp. Cuối cùng tôi ngủ thiếp đi, đầu gục trên bàn.

Tôi cho anh khối thời gian, chủ yếu là vì chúng tôi có rất nhiều việc phải làm. Đậu tương, vụ mùa chính của chúng tôi, đang bị hạn hán đe dọa suốt từ tháng Chạp và bấy giờ đã sang đến tháng Giêng. Con sông thường đầy nước bấy giờ đã cạn đến mức trơ cả đáy ở nhiều khúc. Tôi quyết định làm một con đập và thu vét chút nước hiếp hoi còn lại của nó.

Hàng xóm họ không thích đâu, Peri nói. Mặc kệ họ, hàng với chả xóm, tôi phát cáu.

Chúng tôi làm việc đó mất nhiều ngày. Cuối cùng thì cũng xong và nước bắt đầu chảy qua một con lạch thẳng vào cánh đồng đậu tương.

“Thành công rồi, Peri !” Tôi hào hứng hét lên.

Anh ta không đáp, đang mải nhìn một vật bị vùi dưới lạch bấy giờ đang lộ dần ra vì có nước chảy vào. Tôi nhìn theo anh, và lập tức im mồm. Rồi tôi từ từ bước đến chỗ ấy và nhặt chiếc vĩ cầm của mình lên.

Tôi treo cây vĩ cầm hoặc di hài của nó bên cạnh bàn chân của Lolah. Đó là một đêm buồn. Ngồi trong phòng mình, nhìn cây vĩ cầm và bàn chân của con sư tử cái, tôi vỡ nhẽ rằng có lẽ mình đang sắp tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi mà mình vẫn cật vấn bản thân. Tôi có thể nhìn những vật ấy mà không thấy đau lòng, thật là sự ngạc nhiên và phấn khởi. Niềm phấn khích của tôi cứ tăng lên mãi, cho đến một lúc vào nửa đêm, tôi tưởng như nghe thấy tiếng vỗ của những cái cánh lớn lao. Tôi chạy ù ra ngoài, nỗi mong mỏi của tôi bay vút lên cao. Những đám mây tối trôi ngang qua bầu trời và thỉnh thoảng che khuất cả mặt trăng, nhưng không có gì khác nữa.

Không có con ngựa bay có cánh nào (mà một số nhà mặc khải [xli] coi là thiên thầm hộ vệ của loài nhân mã). Tôi trở vào trong nhà, thất vọng nhưng bình thản, rồi lên giường ngủ.

[xli] Nguyên văn : “mystics” - những người hòa đồng được với thần linh một cách bí hiểm và nhờ đó ngộ được chân lí. Kinh sách cổ thường dịch là mặc khải, chữ Hán có nghĩa là giác ngộ một cách bí hiểm.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Tôi không ngủ được lâu : một tiếng nổ lớn khiến tôi bật dậy. Tôi hốt hoảng chạy ra ngoài. Peri đã đứng đó, quần áo hẳn hoi.

“Ở dưới sông kìa !” Anh hét lên.

Chúng tôi chạy đến chỗ cái đập. Dưới ánh bình minh, chúng tôi không thấy nó đâu nữa; thuốc nổ đã phá tan nó rồi. Con sông lại lờ đờ trôi. Đám hàng xóm của tôi đã làm chuyện ấy thật gọn ghẽ.

Peri quay sang tôi.

“Tôi sẵn sàng rồi, ông chủ ạ.”

Sẵn sàng ? sẵn sàng cái gì mới được chứ ? Lúc đầu tôi không thể hiểu anh ta đang nói chuyện gì. Thế rồi tôi nhớ ra: anh đã sẵn sàng biến tôi thành một con nhân mã.

Còn tôi , tôi đã sẵn sàng chưa ? Tôi đã từng sẵn sàng hơn trong nhiều trường hợp khác. Thực tế là tôi đã quên cả cuộc đối thoại của chúng tôi. Nhân mã ư ? Hầu như tôi đã không nghĩ đến chuyện ấy nữa. Câu nói nhắc nhở của Peri vang lên trong đầu tôi như một lời trách cứ, thậm chí như một lời đe doạ.

Dù sao, tôi phải trả lời anh ta. Anh đang quan sát tôi, chờ đợi. Bỗng nhiên tôi thấy rất hăng hái. Một mặt, Peri không thể nào biến tôi thành nhân mã được. Mà ngay cả nếu anh ta làm được điều đó, thì nó cũng chỉ chốc lát thôi, hai mươi tư giờ là cùng, có lẽ thế. Câu trả lời của tôi rất cụ thể : Được rồi, tôi đã sẵn sàng để trở thành nhân mã một lần nữa, nhưng chỉ trong một ngày là nhiều nhất thôi. Có được không nào ? Tất nhiên, anh ta nói, ông là ông chủ, ông chỉ huy mà. Tôi sướng điên lên. Làm nhân mã trong một ngày, còn gì tuyệt diệu hơn thế !

Để cẩn thận, tôi hỏi anh liệu anh có nhớ thật chính xác một con nhân mã trông thế nào không (cốt sao anh ta không làm cho chân ngựa mọc ra từ đầu hoặc từ lưng tôi). Anh nói có, anh biết rất rõ phải làm gì.

Khi trời tối, tôi đi ra ngoài cánh đồng. Theo lời chỉ dẫn của anh, tôi nằm ngửa, hai tay dang ra hai bên thành hình một cây thập tự. Một lúc sau, anh xuất hiện, sơn vẽ đầy người và quấn một cái khố như một thầy phù thủy Indian chính hiệu. Anh không nói gì, nhưng bắt đầu nhảy múa xung quanh tôi, miệng ư ử một bài hát đơn điệu.

Tôi nhìn lên trời. Những đám mây đen đang tụ lại với nhau. Thình lình người Indian ngừng hát. Anh đến gần hơn và ném những mẩu đất khô lên ngực tôi, đập câ gậy anh đang cầm trên tay vào hai chân tôi.

Gió bắt đầu thổi. Rồi thình lình một trận mưa nặng hạt đổ như trút xuống chúng tôi.

“Mưa rồi !” Peri hét lên, rất phấn khích.

“Mưa rồi đấy ! Chúng ta thoát rồi ! Điệu múa của tôi có phép rồi !”

“Có phép rồi !” Tôi ngồi dậy, kéo một ống quần lên. Vẫn thấy da người. Da trắng và lông đen. “Còn những cái chân ngựa của tôi thì sao, Peri ?”

Chân ngựa nào ? Anh nói, quan trọng là phải có mưa, ông chủ ạ ! Nếu trời mưa nghĩa là điệu múa của tôi có phép rồi !

Tôi nhìn anh, không thể hiểu nổi.

“Dậy đi, ông chủ ! Về nhà thôi. Ông chủ ướt hết rồi, ông chủ ốm mát. Nào, ta về nhà thôi.”

Tôi đứng dậy, bã cả người. Thế rồi, hai mắt nhoè nhoẹt vì nước mưa đang rơi xối xả xuống mặt, tôi nhìn thấy một bóng dáng từ đằng xa đang phi nước đại về phía chúng tôi. Tim tôi nhảy dựng lên.

“Nhìn kìa, Peri ! Nhìn kìa !”

Một con nhân mã chăng ? Chính là tôi, Guedali nhân mã, đang chạy đến gặp Guedali hai chân hay sao ?

Không phải. Đó là một người cưỡi ngựa. Một người đàn bà. Chính là Tita ! Nàng ghìm cương cách chúng tôi vài thước, nhảy xuống, và chạy thẳng vào tay tôi. Nhiều phút đồng hồ liền, chúng tôi đứng đó, ôm nhau, giàn giụa nước mắt. Mình về nhà đi, tôi nói. Tôi đặt nàng lên lưng ngựa rồi nhảy lên ngồi đằng sau. Peri đứng như trời trồng, kinh ngạc nhìn hai chúng tôi.

“Nhảy lên đây , Peri !” Tôi vừa cười, vừa hét, trong khi mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn. Không do dự một giây, và nhanh như một con khỉ, anh ta nhảy phóc lên mông ngựa phía sau tôi, và chúng tôi cùng phóng về nhà.

Tôi bế Tita vào trong, đặt nàng lên giường. Nàng nhìn tôi, mỉm cười, trong khi tôi cởi bỏ quần áo nàng. Tôi nằm xuống cạnh nàng, hôn lên miệng nàng, vú nàng, bụng nàng, đùi nàng, hai bàn chân nàng. Tôi đã nhớ nhung tấm thân ấy biết bao nhiêu. Nói có bộ ngực Abraham làm chứng, tôi đã nhớ nhung nó biết bao !

Những ngày tốt đẹp nhất trong cuộc đời chúng tôi chăng ? đúng thế. Hầu như là thế. Như những ngày chúng tôi cùng nhau phi nước đại qua thảo nguyên.

Chúng tôi đi bộ qua khắp vùng quê ấy, Tita với tôi, ngắm nhìn ruộng đậu tương, bấy giờ chúng đã sống dậy sau nhiều trận mưa. điều đáng ngạc nhiên là chính nàng lại là người nói nhiều hơn. Nàng kể cho tôi nghe về những ngày sau khi tôi ra đi, nàng đã giam mình trong phòng ra sao, không chịu gặp một ai thế nào, kể cả hai đứa con. Những bà vợ kia – Bela, Tania, Beatrice, Fernanda, đập cửa thình thình, nài xin nàng để họ vào. Nàng không trả lời, cũng không động đến thức ăn học để ngoài cửa phòng.

“Nhưng em phải thú nhận “ nàng nói trong khi nhìn sâu vào mắt tôi, “rằng em rơi vào tình trạng ấy không phải chỉ vì anh. Còn có những lí do khác nữa. Anh biết đấy, những thứ mà em đã thấy trong quá trình điều trị tâm thần.”

(Đúng vậy. Thế nàng có thực sự yêu con nhân mã ấy không ? Có. Tại sao không ? Chẳng đã có những người đàn bà, tôi tự nhủ, bỗng nhiên phải lòng một diễn viên truyền hình, hoặc một trang thiếu niên mà họ gặp ngoài phố đấy sao ?)

Lúc đầu, nàng chẳng mấy quan tâm đến sự vắng mặt của tôi. Thì Guedali đã bỏ chạy chứ gì ? Thì đã sau, mặc xác hắn. Tuy nhiên, dần dần, nàng bắt đầu nhận ra rằng nàng nhớ tôi. Nàng cũng trằn trọc trăn trở trên giường vào ban đêm, không ngủ được. Nàng cũng thì thầm gọi tên tôi. Và rồi một buổi tối, chuông điện thoại bỗng reo lên : đó là Mina, mách với nàng rằng tôi đã về ở nông trại xưa tại hạt Quatro Irmaos.

“Em lấy chuyến máy bay sớm nhất đi Porto ALegre,” nàng nói, “rồi sau đó lấy xe buýt về Quatro Irmaos. Nhưng không có cái taxi nào chịu chở em về đây, vì có một cái cầu trên đường vừa bị đổ. Cách duy nhất là thuê một con ngựa. May mà em vẫn còn nhớ phi nước đại như thế nào.” Nàng kết thúc câu chuyện, cười phá lên.

Chúng tôi đi bộ rất nhiều, nói chuyện rất nhiều, và cười với nhau vì những cái không đâu. Cũng có những lúc chúng tôi im lặng, nhưng chẳng được bao lâu. Chẳng mấy chốc chúng tôi lại bắt đầu nói, hai đứa mở mồm cùng một lúc, thật nhiều chuyện muốn nói với nhau. Peri quan sát chúng tôi từ xa. Ai cũng có thể thấy rằng Tita đã làm anh ta lóa mắt. Người vợ đẹp thế mà ông có được, ông chủ à, anh ta thường nói với giọng ghen tị công khai và cả hơi tức tối nữa. Tôi còn tìm thấy cả những con búp bê bằng bẹ ngô bị đóng đanh gần quanh nhà : phép chài mà anh ta dùng để hại tôi. Anh chàng tá điền này đang cố hết sức chinh phục em đây, Tita vừa nói vừa cười.

Cuối tuần đó, hai đứa con chúng tôi cũng đến nơi, và cả cha mẹ tôi, hai chị và gia đình họ nữa. Tất cả chúng ta lại đoàn tụ, chính ở nơi mà chúng ta đã bẳt đầu, cha tôi nói, giọng đầy xúc động. Chúng tôi kỉ niệm ngày đoàn tụ ấy bằng một bữa ăn nướng thịt ở ngoài trời, Peri trổ tài nấu nướng. Hai thằng nhỏ sinh đôi phụ giúp anh. Chúng hầu như không rời anh lấy một phút, mê mệt vì những câu chuyện mà anh chàng Indian kể cho chúng nghe.

Tôi có những cuộc đi bộ dài với cha tôi qua khắp khu nông trại. Những cái cây, những tảng đá khiến ông nhớ lại bao kỉ niệm xưa. Chỗ này đã có lần ta giết một con rắn ... Mina và Deborah vẫn thường chơi đùa ở kia. Ông rất phấn khởi vì những cây đậu tương : thời trước họ chưa trồng loại này, cha nghe nói trồng nó lãi lắm đấy. Rồi ông lại thở dài : A .. nếu Nam tước Hirsch thấy cái trại này của con, ông ta sẽ vui lắm đấy. Chúng tôi không đả động gì đến bản thân tôi, thậm chí ông còn không hỏi tôi có khỏe không nữa. Rõ ràng là ông sợ tôi lại bắt đầu nói đến móng ngựa và phi nước đại qua thảo nguyên.

Khi những trận mưa đã qua, trời lại nắng đẹp huy hoàng. Đó là những ngày hội : chúng tôi đi chơi và ăn ngoài trời, vào rừng, bầy các trò vui và thi đấu, hoặc bơi lội dưới sông. Mẹ tôi như trẻ lại, vui vẻ hơn bao giờ hết. Bà chỉ than thở là không có mặt Bernardo. Có trời biết là anh đang lang thang ở đâu, ở xó xỉnh nào trên mảnh đất Brazil này. Biết đâu anh ấy lại đến thì sao nào, Mina nói.

Bernardo không đến, nhưng Paulo, Fernanda, Julio và Bela đến thăm chúng tôi. Paulo có tin vui. Anh đã vạch một kế hoạch để chúng tôi cùng đi vào lĩnh vực xuất khẩu, bấy giờ đang rất có lãi. Chúng tôi sẽ lập một công ty có văn phòng ở Sao Paulo, Rio và Porto Alegre.

“Tớ đang tính, “ anh nói, vừa nhìn vào mặt tôi vừa lựa lời, “cậu có thể phụ trách chi nhánh ở Rio. Hoặc tốt hơn cả là ở Porto Alegre, gần gia đình cậu hơn.”

Anh sợ, cũng như cha mẹ tôi, hai chị tôi, và có thể cả Tita và hai đứa con tôi, rằng tôi có thể lại bỏ chạy lần nữa. Nhưng tôi không lấy thế làm phật lòng.

“Ý tưởng hay đấy, Paulo. Rất hay. Tớ sẽ nghĩ xem chúng tớ sẽ ổn định ở đâu. Nhưng trước hết là cho phép tớ nói rằng tớ chấp nhận lời đề nghị cộng tác của cậu.”

”Tuyệt vời ! “ Anh khoan khoái kêu lên, và lập tức nói sang chuyện khác. Anh nói chuyện anh thấy khoan khoái ra sao khi được ở một nông trại như thế này. “Cậu tha hồ mà chạy nhé, Guedali !” Anh kêu lên, hơi có giọng ghen tị.

“Cậu có còn chạy nữa không ?”

“Tối nào cũng như tối nào. Bọn bảo vệ khu nhà đã quen với tớ rồi, họ nghĩ tớ hơi lẩn thẩn. Nói chuyện chạy, tớ đã đặt mua mấy đôi giày chạy rất đặc biệt ở Mỹ. Chúng có những cái lót chân hình cánh cung và đế giày thì rỗng, với những cái lò xo nhỏ xíu ở bên trong. Thiết kế rất hay, Guedali. Đi giày ấy thì có không muốn cũng vẫn cứ phải chạy.”

Anh mỉm cười như thể đang hoài niệm điều gì đó.

“Tớ nhớ cậu, Guedali. Chạy một mình khác lắm. Thực tình, tớ biết chạy cũng là việc lạ đời đấy. Nhẽ ra tớ phải chơi tennis, cái đó đang thịnh hành, ai cũng chơi tennis cả. Nhưng tớ thích chạy, Guedali ạ. Đó là một trong những thứ mà tớ tin tưởng được.”

Anh không vui lắm với tình hình chính trị, anh thổ lộ thế, mặc dù những triển vọng của công ty mới.

“Chủ nghĩa xã hội sắp đến rồi, Guedali. Sớm muộn gì nó cũng tới, cậu cứ nhớ lời tớ nhé. Nhìn châu Phi mà xem. Không có ngày nào là không có nước chuyển theo chủ nghĩa xã hội. Châu Á cũng vậy. Ở đây thì mấy gã ấy nói chúng ta đang có một hệ thống tư bản chủ nghĩa ... vâng, nhưng được bao lâu ? Đã có nhiều chuyện lạm dụng lắm rồi. Một người bạn tớ có những hai cái du thuyền, một người khác thì tháng nào cũng đi Paris. Tình hình này không thể kéo dài được. Rồi sẽ có ngày một viên tướng hoặc một viên đại tá, thậm chí một tay thiếu tá thôi, bất cứ thứ gì, nhưng sẽ có một gã thầy quyền nổi khùng lên vì cái thứ tình hình này, và thế là a lê hấp, chủ nghĩa xã hội sẽ được công bố thiết lập. Thế là lúc ấy chúng mình sẽ chỉ có ngần ấy thước vuông nhà ở mỗi người, ngần ấy điếu thuốc lá một ngày. Ô tô không còn là để cho tất cả mọi người nữa. Đừng có nói đến chuyện đi chơi nước ngoài nữa. Có nghĩa là gì ? Có nghĩa là chúng ta phải tập ân hưởng những thứ giản dị, Guedali ạ. Chạy chẳng hạn.”

Anh có một kế hoạch : một cuộc thi chạy đường dài khổng lồ.

“Chúng ta sẽ huy động mọi người đăng ký chạy, những bọn có thể tin được ấy, tương tự như bọn mình ấy. Có thể một trăm, hai trăm người chạy. Chúng ta chạy ngang qua Brazil - thành từng chặng, tất nhiên rồi. Chúng ta chạy qua vùng Nam cực, qua châu Á, đến Jerusalem, và tiến vào thành phố qua ngả Sư Môn như những người chiến thắng. Chúng ta sẽ kết thúc cuộc chạy đường dài ấy tại chân bức tường Than Khóc.”

Mặt anh rạng rỡ.

“Và rồi, tuỳ tình hình lúc ấy, có khi chúng ta không quay về nữa, Chúng ta sẽ ở lại đó, trong Thành Cổ. Làm gì ư ? Bất cứ cái gì chúng ta muốn, làm vòng cổ bằng đồng đỏ, bán bưu thiếp. Bất kỳ việc gì có thể ra ít tiền vào ban ngày và ban đêm thì chúng ta lại chạy.”

Bela, người đã nghe thấy một phần của câu chuyện, không đồng tình.

“Chủ nghĩa tư bản đã vững mạnh ở đây rồi, Paulo. Chẳng nhẽ cậu tưởng bọn công ty đa quốc gia sẽ từ bỏ những món béo bở của chúng ở đây sao ? Đừng sợ, anh bạn ạ. Cậu có thể tiếp tục xuất khẩu ban ngày và chạy vào ban đêm mà không phải lo nghĩ gì. Tớ đã quen với ý nghĩ ấy rồi. Chúng ta có chủ nghĩa tư bản chứ gì ? Thế thì đã làm sao, tư bản thì tư bản chứ gì nữa. Đời ngắn lắm. Không nên phí đời bằng những cử chỉ kịch nghệ làm gì. Sự phản kháng của chúng ta phải có những hình thức chấp nhận được. Ta phải xây dựng nó trên cơ sở bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Ngoài kia người ta đang đổ thuốc độc vào thức ăn, đang giết chết những loài hoang dã, cậu có biết rằng loài thú mỏ vịt đã tuyệt chủng rồi không, Guedali ? Ấy thế mà chưa đâu nhé. Tớ đã thấy một bức ảnh chụp con duy nhất còn lại của loài thú ấy. Đó là một loài vật rất thú vị, có một cái mỏ vịt và hai núm vú. Đúng thế, hai núm vú hẳn hoi ! Nói cách khác, là một cái gì đó hoàn toàn độc đáo. Nào, cậu nói thử xem, Guedali, có phải chỉ vì khác biệt mà một loài vật không có quyền tồn tại hay không ? Con người có quyền gì mà đi tiêu diệt cá voi ? Và còn một cái nữa chúng ta phải nghĩ đến là phong trào nữ quyền. Lạy chúa tôi, Guedali, phụ nữ là một nửa nhân loại mà họ vẫn đang phải chịu đựng những khủng khiếp không thể có lời nào tả xiết được. Chuyện đó phải chấm dứt, Guedali ! Thật là man rợ ! Đây không phải đơn thuần là chuyện cạnh tranh với nam giới. Đốt hết nịt vú đi cũng chẳng được tích sự gì. Cái quan trọng ở đây là cực khoái, Guedali ạ. Chúng ta phải tranh đấu để đàn bà có được cực khoái khi giao phối. Và lũ đàn ông các cậu phải giúp một tay mới được, các cậu không thể tảng lờ vấn đề này. Cậu đã cư xử như bọn ngựa đực, cậu xuất thân từ cao bồi đồng quê, Guedali, cậu biết tớ đang nói gì. Bọn đàn ông các cậu cứ thế phi nước đại, giao phối thỏa thuê, rồi lại phi nước đại chạy mất. Không thế được đâu, Guedali, phải công nhận đi. Không thế được đâu !”

Cũng không hẳn là như vậy, Paulo mở miệng, nhưng đúng lúc ấy mẹ tôi vào : Các con, tán gẫu thế đủ rồi ! Vào bàn đi thôi, thức ăn nguội cả bây giờ.

Cái gì thế ? Một đêm nọ Tita hỏi tôi, chỉ tay vào cái xác ướp bàn chân của Lolah. Chẳng là gì hết, tôi đáp, định lẩn chuyện. Nàng chau mày: anh nói chẳng là gì hết nghĩa là sao ? Đây là một bàn chân thú vật, Guedali. Một thứ bùa may ấy mà, tôi nói, Peri cho anh đấy.

Nàng chưa tin.

“Anh giấu em chuyện gì đó, Guedali. Nào, nói đi, nó là cái gì vậy. Đã đến lúc chúng mình không được dối nhau nữa.”

Tôi chần chừ, nhưng cuối cùng nhượng bộ. Tôi kể chi tiết cho nàng nghe về cuộc tình của tôi với Lolah, không giấu một điều gì. Nàng lắng nghe, lúc đầu có vẻ như không tin, rồi về sau hình như tan nát cả cõi lòng. Khi tôi kể xong, nàng im lặng, đầu rũ xuống. Tôi nghĩ nàng ghen, và ý nghĩ ấy khiếng tôi nổi cáu. Cô đã dụ một con nhân mã, tôi tưởng như mình đang nói, còn tôi thì một con nhân sư, có gì khác nhau nào ? Có gì khác nhau giữa một cái dái ngựa với một cái hĩm sư tử ? Chúng đều là súc vật cả !

Nhưng nàng không ghen.

“Được rồi, Guedali,” nàng nói, ngước mắt lên nhìn tôi. “ Không sao đâu. Mình hãy quên mọi chuyện, hãy lấy một miếng bọt biển và lau hết sạch quá khứ ấy đi. Mình hãy sống vì tương lai, vì các con.”

Đêm đó, một đêm nóng nực, tôi ra ngoài đi dạo một mình ngoài cánh đồng. Trước cửa chuồng bò, Peri đang quì, hai tay giơ lên trời trong khi đang hát nguyện. Chào anh, tôi nói. Nhưng anh không đáp. Dạo này anh thường lảng tránh tôi.

Tôi đi tiếp xuống dưới sông. Tôi ngồi trên một tảng đá và suy nghĩ một hồi. Đúng vậy, bây giờ tôi ổn rồi. Tôi không còn cảm thấy ước vọng được phi nước đại nữa, không còn tự cật vấn mình nữa. Bằng cách này cách kia, tôi đã khỏi hẳn rồi. Tôi vùng dậy và chạy qua cánh đồng để về nhà, nhảy nhót và lăn lộn trên cỏ ướt. Tôi hạnh phúc.

Khi tôi vào phòng, Tita đã ngủ rồi. Tôi thận trọng vào gần nàng và nhấc tấm chăn lên. Đó là hai bàn chân nàng. Bàn chân người, không phải móng ngựa. Hai bàn chân nhỏ nhắn và mảnh dẻ. Cũng như hôm đoàn tụ, tôi lại nồng nàn hôn lên hai bàn chân ấy. Đã đến lúc trở về thành phố rồi đây.