Kiếp đi ở - Chương 01 - Phần 2

Ông nhìn tôi một cách ngộ nghĩnh, vừa có vẻ nhân hậu, vừa tỏ ra hài lòng, lại vừa có ý ngạc nhiên. Nét nhìn của ông có vẻ tếu táo, nhưng không trơ tráo, không tàn ác. Rõ ràng là ông không quen với những người hầu phòng như tôi. Tôi đã làm ông phải sững sờ và ngay từ phút đầu gây cho ông một ấn tượng mạnh.

Giọng nói có vẻ lúng túng, ông hỏi tôi:

- Cô là người hầu phòng mới à?

Tôi khẽ ngả đầu về đằng trước và hoi cúp mắt xuống trả lời một cách dịu dàng, ngắn gọn:

- Vâng, thưa ông.

Nghe tôi trả lời vậy, ông lẩm nhẩm:

- Vậy là cô đến rồi đấy... Tốt lắm... Tốt lắm.

Ông còn muốn nói thêm gì nữa, nhưng vốn không phải là người hoạt bát và không tháo vát nên ông chẳng tìm ra được câu nào. Trông ông lúc ấy thật buồn cười. Sau một lúc mới thấy ông hỏi:

- Cô đến từ Paris à?

- Thưa ông vâng.

- Tốt lắm... Tốt lắm...

Rồi mạnh dạn hơn, ông hỏi:

- Cô tên gì?

- Célestine, thưa ông.

Ông xoa tay và nói:

- Célestine!... Tốt lắm! Một cái tên hay lắm, đẹp lắm! Bà chủ phải đừng đổi tên khác kia. Bà ấy cứ hay như thế đấy.

- Việc ấy xin để tuỳ bà chủ ạ, - tôi lễ phép trả lời.

- Có thế! Có thế! Nhưng cái tên đẹp lắm.

Tôi suýt bật cười. Ông chủ ngồi phịch xuống ghế, sau khi đã đi đi lại lại mấy vòng trong nhà. Rồi ông duỗi thẳng hai chân, với ánh mắt như xin lỗi, với giọng nói như van lơn, ông bảo tôi:

- Cô Célestine, từ nay trở đi tôi cứ gọi cô là Célestine, cô giúp tôi cởi đôi giày ra. Cô có thấy điều ấy làm cô bực không?

- Thưa ông, không ạ.

- Đôi giầy này khó cởi lắm, cô ạ, nó cứ giữ chặt lấy chân.

Trong một động tác vừa uyển chuyển, mềm mại, lại vừa khêu gợi, tôi quì xuống trước mặt ông. Trong lúc tôi giúp ông rút giầy ở chân ra, tôi thấy ông hít mùi nước hoa ở gáy tôi, mắt ông theo dõi những đường cong trên yếm tôi và tất cả những gì trong cơ thể tôi lộ qua tấm áo. Bỗng ông thì thào:

- Célestine! Cô thơm ghê!

Không ngửng lên nhìn, tôi làm ra vẻ ngây ngô hỏi:

- Tôi ấy ạ, thưa ông?

- Cô ấy, Célestine ạ, chứ chả nhẽ chân tôi à?

- Ôi chao, thưa ông!

Mấy tiếng "Ôi chao, thưa ông" vừa là lời phản kháng hộ cho đôi chân của ông, lại vừa là lời mắng yêu đối với thái độ sỗ sàng của ông (mắng nhưng lại là xúi giục ông làm thêm). Chắc ông hiểu như vậy nên bằng một giọng mạnh mẽ hơn và run run tình tứ, ông nhắc lại:

- Célestine!... Cô thơm ghê... thơm ghê!

Tôi im lặng, giả vờ như bất bình với mấy tiếng ông vừa nhắc lại. Vốn thiếu tự tin, lại không hiểu gì về mánh lới của phụ nữ, ông chủ tôi bối rối. Ông sợ mình đã đi quá xa, ông bỗng lảng sang chuyện khác:

- Célestine, ở đây cô có quen không?

Sao ông chủ tôi lại hỏi thế nhỉ? Ở đây có quen không? Tôi mới đến đây được ba tiếng đồng hồ... Tôi phải cắn môi để khỏi bật ra tiếng cười... Ông già cũng ngộ thật... và có phần lẩn thẩn.

Nhưng không sao. Tôi không vì thế mà bất mãn. Trái lại tôi thấy ông có khí thế, đầy vẻ hùng dũng của giống đực, một hơi thở hoang dã, sâu thẳm và nồng ấm. Tôi không hề khó chịu.

Rút được đôi giầy ra khỏi chân ông rồi, để ông có ấn tượng tốt về tôi, tôi hỏi ông:

- Ông chủ đi săn ạ? Hôm nay có bắn được nhiều không?

- Tôi săn chẳng bao giờ tốt cả, Célestine ạ, - ông lắc đầu nói, - tôi đi để mà đi, để mà dạo chơi, để khỏi phải ở nhà, ở nhà tôi thấy buồn...

- Sao ở nhà ông chủ lại thấy buồn?

- Trước đây thì thế, còn bây giờ thì...

Rồi ông mỉm cười ngốc nghếch, thiểu não và nói tiếp:

- Célestine...

- Thưa ông.

- Làm ơn đưa tôi đôi giầy vải. Tôi xin lỗi cô.

- Thưa ông, đấy là việc của tôi...

- Nhất trí. Giầy ở dưới gầm cầu thang, trong phòng nhỏ bên trái...

Tôi cho là rồi ra tôi muốn cái gì là ông ấy sẽ phải chiều. Ông ấy không láu, mới đầu đã nộp mình ngay. Tôi sẽ dắt ông ấy đi xa...

Bữa ăn đạm bạc, gồm toàn những món còn thừa để lại từ hôm trước, lặng lẽ đi qua. Hai ông bà mỗi người có một kiểu ăn, ông ăn nghiến ngấu, bà ăn nhỏ nhẹ, nhưng cả hai cử chỉ đều buồn, nét mặt đều chán, người nào cũng khinh khỉnh... Trên bàn, trước mặt bà, để sẵn bốn năm loại thuốc, vừa thuốc viên, vừa thuốc nước. Thứ thì uống trước lúc ăn, thứ thì sau lúc ăn, lại có thứ đang lúc ăn, bữa nào cũng vậy. Hai ông bà ít nói, cả bữa chỉ vài câu, mà toàn những chuyện về người và việc ở địa phương, tôi nghe chẳng hiểu gì cả.

Qua những câu chuyện của hai ông bà thì biết được gia đình ít có khách khứa qua lại. Ông bà mỗi người đối với tôi một khác. Bà thì nghiêm khắc, cứng rắn, khinh khi, mỗi ngày một thù nghịch, đã nghĩ đến những trò ác đối với tôi. Còn ông thì nháy mắt rất ý nghĩa, mặc dầu che giấu song lộ rõ nét nhìn vụng trộm nơi bàn tay tôi: qua việc ngắm nhìn đôi bàn tay phụ nữ tự kích thích mình... Nhưng tôi giả vờ như không nhận thấy trò của ông. Tôi cứ chạy đi chạy lại, giữ vẻ kín đáo, khôn khéo như không quan tâm gì đến hiện trạng đương diễn ra trước mắt tôi trên bàn ăn của hai ông bà. Chẳng hiểu ông bà có thấu suốt được tâm trạng của tôi lúc ấy không? Còn tôi, tôi cũng phần nào thấy được, nghe được, tâm trạng của ông bà qua buổi phục vụ trong bữa ăn của ông bà hôm ấy.

 

Tôi rất khoái được phục vụ trong bữa ăn. Chính lúc ấy, mà tôi thấy được những nét xấu xa, thấp hèn trong tính cách của họ. Lúc đầu, họ cũng giữ gìn, cũng dè dặt, nhưng sớm muộn họ sẽ phơi bày những khuyết tật những cái bướu, ung nhọt của đời họ, những mong ước nhỏ nhen, những mơ tưởng ti tiện mà những tâm hồn cao thượng không nên có. Nhặt nhạnh lấy những điều tự thú của họ, sắp xếp lại, ghi khắc vào trí nhớ chúng ta, chờ khi cần thiết sẽ đem ra sử dụng như một vũ khí lợi hại để đấu tranh, để phục thù, để tính sổ. Đó là cái thú của nghề hầu phòng.

Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên ấy, tôi chưa thu lượm được gì thật chính xác... Nhưng tôi cảm thấy rằng gia đình này không mấy êm ấm, ông chủ không là gì ở nhà này, bà chủ là tất cả, trước mặt bà, ông run sợ như một đứa trẻ. Con người tội nghiệp ấy ít khi được cười. Ông đã phải nghe, phải thấy, phải chịu đựng đủ mọi thứ. Tôi đã biết trước rồi đây sẽ có lúc được thấy những cái đó.

Đến lúc ăn tráng miệng, bà chủ từ đầu bữa, đã luôn hít hơi bàn tay, cánh tay, áo sống của tôi, đã nói một câu rành mạch sắc lẹm:

- Tôi không thích người ta xức nước hoa.

Tôi không trả lời, vờ như không biết là câu ấy bà nói với tôi.

Thấy vậy, bà gặng hỏi tôi:

- Cô có nghe thấy tôi nói không, Célestine?

- Có, thưa bà.

Bấy giờ tôi mới nhìn trộm ông chủ, xem ông thế nào, vì ông lại ưa mùi nước hoa mà. Tôi thấy ông để hai cùi tay trên bàn, bề ngoài như có vẻ bàng quan nhưng thâm tâm ông xấu hổ và ngao ngán, ông nhìn theo một con ruồi còn vo ve trên đĩa món ăn đã hết. Phòng ăn lúc này âm u trong bóng tối của hoàng hôn, có dáng buồn khó hiểu và cái gì thật khó nói đè nặng lên hai con người đang trong đó. Tôi tự hỏi sự có mặt của họ trên trái đất này là để làm gì, có ích gi.

- Thắp đèn lên, Célestine! Tiếng bà chủ chua loét phát từ trong bóng tối làm tôi giật mình.

- Cô không thấy giờ tối rồi à? Thấy tối thì phải thắp đèn lên chứ! Lần sau đừng để tôi phải bảo nhé, cô nhớ chưa?

Tôi thắp đèn, cái đèn mà hỏng phải đem sang nước Anh mới chữa được, tôi muốn quát lên với ông chủ nhà:

- Đợi đã ông chủ, đừng sợ gì... Ông khỏi lo. Tôi sẽ cho ông ăn và uống nước hoa đến thoải mái, không còn sợ thiếu thốn, vì tôi biết ông rất khoái nước hoa... ông sẽ được hít thở nước hoa một cách đầy đủ trên mái tóc tôi, trong miệng tôi, họng tôi, trên khắp da thịt tôi. Hai chúng ta sẽ làm cho con người ngu đần ấy biết tay. Tôi bảo đảm với ông, như thế.

Để vật chất hoá lời nói của tôi, khi tôi để cái đèn lên bàn, tôi khẽ chạm tay tôi vào cánh tay ông rồi tôi đi khỏi.

Cảnh nhà này không mấy vui vẻ. Ngoài tôi có hai người giúp việc, một chị nấu bếp, suốt ngày kêu ca, một anh làm vườn kiêm đánh xe, suốt ngày chẳng nói một lời. Chị nấu bếp tên là Marianne, anh làm vườn tên là Joseph. Cả hai là những người nhà quê đần độn, chị nấu bếp béo tròn, nhũn nhẽo, cổ thành ba thớt, quấn trong tấm khăn bẩn chắc là nhiều lúc để lau nồi; hai vú như hai cái giỏ, chảy dài trên ngực, nhảy chồm chồm mỗi lúc chị bước đi, chiếc váy ngắn quá để hở những cái mắt cá chân to xù, những bàn chân to bè đi trong bít tất đen; chiếc áo ngắn tay, chiếc tạp dề và đôi guốc, một cái sẹo chạy dài trên má, hai chân đi khoành khoèo. Đấy là hai bạn đồng sự với tôi.

Trong nhà không có phòng ăn riêng cho những người giúp việc. Chúng tôi ăn tại nhà bếp, ngay trên cái bàn chị Marianna làm cá, thái thịt, nhặt rau, với những ngón tay to như những quả chuối mắn. Ngồi ăn như vậy không ổn. Bếp lò lửa cháy đùng đùng làm cho không khí ngột ngạt. Rồi mùi mỡ sôi, hoa quả, nước mắm dở mùi. Trong lúc chúng tôi ngồi ăn, trên bếp đang nấu nồi súp cho chó, mùi thối từ trong nồi bốc lên phát lộn mửa. Tù nhân cũng không đến nỗi phải ăn thế này.

Ăn thì có thịt thiu, phó mát hôi, và uống thì nước hoa quả đã chua. Ngoài ra, không có gì nữa. Bát đĩa bằng sành đã sứt mẻ, thìa dĩa bằng sắt tây gỉ.

Vì mới đến, nên tôi không tiện kêu ca. Nhưng ăn thì chịu. Ăn làm gì cho hại dạ dày.

- Cô không ăn à? - Chị bếp hỏi tôi.

- Tôi không đói.

Nghe tôi nói vậy, chị bếp càu nhàu:

- Để phải làm món nấm cho cô ăn.

Không tỏ ra bực mình, nhưng giữ vẻ trang nghiêm, tôi cãi lại:

- Tôi cũng đã từng ăn nấm... không ai được phép nói như thế ở đây...

Thấy tôi nói vậy, chị bếp im.

Trong khi đó, anh làm vườn cứ gắp thịt ăn từng miếng to, thỉnh thoảng liếc nhìn tôi. Không hiểu thế nào, cái nhìn của anh làm tôi khó chịu, lúc anh im lặng tôi thấy bối rối. Tuy anh không còn trẻ, nhưng mềm mại, dẻo dai, mình uốn lượn như loài rắn. Anh có bộ tóc cứng đã hoa râm, vầng trán thấp, đôi mắt xếch, lưỡng quyền cao, cằm bạnh, và khoẻ, gương mặt ngồ ngộ khó xác định... Anh ta đần độn chăng? Hay ngớ ngẩn? Cũng không biết nữa. Nhưng anh ta làm tôi phải chú ý. Nhưng rồi nỗi ám ảnh qua đi và mờ dần. Tôi cũng hiểu ra rằng do trí tưởng tượng của tôi quá lớn, quá mức, trở thành hoang đường nên tôi nhìn người và vật có lúc quá đẹp, lại có lúc quá xấu, nên tôi đã vẽ ra một Joseph cao cả hơn một chân quê cục mịch.

Sau bữa ăn Joseph lôi từ túi áo ra một quyển sách tên đề "Lời nói phóng túng" và chăm chú đọc, còn chị bếp Marianne uống hai cốc rượu đầy ngà ngà say, trở nên ngoan ngoãn. Chị nằm vắt trên ghế tựa, tay áo trễ ra, mũ lệch sang một bên để lộ bộ tóc rối bù. Chị hỏi tôi trước ở đâu? Trước làm gì? Chỗ làm có tốt không? Có phải lang thang như người Do Thái không? Chúng tôi đã trò chuyện thân mật với nhau một lúc... Tôi cũng hỏi chị về nhà này, có người ra vào luôn không. Thường là những người như thế nào? Ông chủ có quan tâm đến các chị hầu phòng không? Bà chủ có nhân tình không?...

Tôi cũng muốn thăm dò xem đầu óc chị ta và anh Joseph thế nào... Nhưng xem ra họ lạc hậu lắm... Họ chả biết gì cả,... chả hiểu gì cả... Chả nghe thấy gì cả... Cả những chuyện rất bình thường họ cũng chả quan tâm gì... Dân ở tỉnh lẻ mà! Song tôi vẫn yên trí rằng cái anh có cử chỉ cục mịch và đáng kính và cái chị có tác phong luộm thuộm và đạo đức ấy, không khỏi sẽ ngủ với nhau...

- Cô đúng là một người từ Paris đến. - Chị bếp đã nói tôi như thế.

- Nhất định rồi! - anh làm vườn lúc lắc cái đầu, hưởng ứng.

Nói rồi, anh lại nằm xuống tiếp tục đọc quyển "Lời nói phóng túng" còn chị bếp thì ì ạch bê nồi xúp của chó để xuống đất. Mọi người thôi trò chuyện.

*

* *

Lúc này tôi lại nhớ đến chỗ làm việc trước, nhớ đến anh Jean của tôi, người hầu phòng, rất đặc biệt với bộ ria đen nhánh, với nước da trắng mịn như da con gái. Chà! Thật là một trang thanh niên tuấn tú. Anh vui tính, xinh trai, tế nhị, khéo tay, tối đến đọc truyện "Cuối thế kỷ" cho chúng tôi nghe, kể nhiều chuyện cảm động, nói lại cho chúng tôi biết các bức thư của ông chủ... Bây giờ thì khác rồi! Sao tôi lại sa lầy vào đây nhỉ! Giữa những con người như thế! Xa tất cả những gì tôi yêu, tôi quí! Nghĩ đến những muốn khóc được.

*

* *

Tôi viết những dòng này trong phòng của tôi, một căn phòng nhỏ tí, bẩn thỉu, dưới mái nhà, bốn mùa gió lộng, mùa đông thì rét thấu xương, mùa hè thì nắng như đổ lửa. Đồ đạc chả có gì ngoài một chiếc giường sắt gỉ và một cái tủ gỗ tạp mọt, không có cánh, để trống hoác không có chỗ xếp đồ đạc quần áo. Tôi đến chỉ có một ngọn nến leo lét. Thật là chán ngán! Nếu tôi muốn viết nhật ký hoặc đọc truyện tôi phải bỏ tiền mua nến, còn nến của bà chủ thì... như cách anh Jean nói... khoá chặt.

Ngày mai tôi sẽ sắp xếp lại... Trên đầu giường tôi sẽ đóng đinh treo cây thánh giá nhỏ bằng đồng, tôi sẽ đặt trên lò sưởi bức tượng Đức mẹ bằng sứ vẽ hoa, cùng với những tấm ảnh của anh Jean để gây cho chỗ ở có một không khí vui tươi giữa đống bề bộn ngổn ngang.

Phòng của chị Mariane ở cạnh phòng tôi. Giữa chỉ có một tấm vách mỏng, nói gì, làm gì ở bên đây, bên kia cũng biết... Tôi cứ tưởng anh đánh xe Joseph sẽ mò sang đấy với chị bếp Marianne... Nhưng không... Tôi nằm bên đây cứ thấy chị bếp ho khan, khạc nhổ, rồi kéo ghế và lôi hết cái nọ đến cái kia ra sắp xếp mãi... Lúc lâu sau thấy chị ngáy... Chắc họ làm việc ấy ban ngày rồi...

Xa xa, trong làng có tiếng chó sủa... Lúc ấy đã hai giờ đêm... Ngọn nến của tôi sắp tàn... Tôi cũng phải đi ngủ... Nhưng tôi biết trước là cũng khó mà ngủ đi được.

Chà! Như thế này thì chả mấy chốc mà già!