Kiếp đi ở - Chương 10

Chương 10

10 tháng Mười

Bây giờ không ai nói đến con bé Clarie nữa. Đúng như dự đoán, vụ việc đã bị bỏ qua. Cánh rừng Raillon và anh Joseph giữ yên bí mật của mình mãi mãi.

Người ta nói đến xác một người xấu số chỉ như nói đến xác một con chim chết rục ở trong rừng rậm. Bố con bé coi như không có vấn đề gì tiếp tục đập đá trên đường, và thành phố xôn xao vì vụ giết người sau một thời gian đã trở lại hoạt động như bình thường. Không khí có vẻ u buồn do mùa đông đến, mọi người ở tịt trong nhà, qua cửa kính thoáng thấy những bộ mặt xanh xao, ngủ gà ngủ gật, còn ở ngoài phố chỉ lác đác một vài người rách rưới và những con chó rét run.

Bà chủ sai tôi đến cửa hàng thịt. Tôi đã gọi hai con chó đi theo. Trong lúc tôi đang ở đấy thì thấy một bà già vào mua ít thịt để nấu canh cho đứa con trai đang ốm… Người nhà hàng nhặt cho mấy miếng vụn nửa mỡ, nửa xương, cân rồi nói:

- Mười lăm xu.

- Mười lăm xu kia à! – bà già kêu lên – Sao đắt thế.

- Tùy bà, người nhà hàng nói và nhặt lại mấy miếng thịt.

- Thôi, đưa đây vậy! – bà vội giữ chỗ thịt lại.

Bà già đi rồi, ông hàng thịt quay lại bảo tôi.

- Phải có những người nghèo như thế mới đẩy được những miếng thịt loại xấu đi… Nhưng bây giờ họ cũng canh lắm rồi.

Ở lâu đài Prieuré cuộc sống vẫn chảy trôi. Hết chuyện buồn lại đến chuyện vui. Bực với ông đại úy hay gây sự, ông chủ đã theo lời bà chủ mang sự việc đi kiện. Ông chủ đòi ông đại úy bồi thường kính vỡ, rau nát. Tất nhiên là ông đại úy chối, nói không bao giờ ném đá sang nhà ông Lanlaire bao giờ, và còn khẳng định chính ông Lanlaire ném vào vườn nhà mình.

- Ông có chứng cớ gì không? Người làm chứng đâu? – Ông đại úy hỏi.

- Chứng cớ à? Những hòn đá là chứng cớ. Ông không ngớt ném sang nhà tôi… rồi mũ củ, giày cũ, ai cũng biết là của ông.

- Ông bịa đặt.

- Ông là đồ đê tiện…

Vì không có chứng cớ cụ thể, ông thẩm phán, vốn là chỗ quen thân với ông đại úy, khuyên ông Lanlaire rút đơn kiện.

- Hơn nữa, - ông thẩm phán nói – chả có lẽ ông Manger là một quân nhân đã có nhiều chiến tích, đã được phong quân hàm ngoài mặt trận lại làm chuyện trẻ con ném đất đá sang nhà ông.

- Ông ấy đã vu khống, đã bịa đặt bôi nhọ, nói xấu quân đội.

- Tôi hả…

- Ông ấy! Đồ Do Thái bẩn thỉu. Ông đã mạt sát quân đội… Quân đội vạn tuế…

Họ đã túm tóc nhau. Ông phẩm phán phải vất vả lắm mới gỡ họ ra được… Từ đấy, ông chủ tôi đặt ở ngoài vườn một bốt gác ghép bằng ván cao ngang đầu người trỗ bốn lỗ đứng trong nhìn ra để rình. Nhưng ông đại úy biết thế nên thôi ném, thành ra ông chủ tốn tiền thêm.

Nhiều lần nhìn qua hàng rào, tôi thấy ông đại úy, bất kể giá rét, lúc nào cũng ở ngoài vườn. Ông làm quần quật suốt ngày… Cô Rose hen suyễn, ho suốt đêm… Bourbaki chết rồi, bị sưng phổi do uống nhiều rượu cô-nhắc. Cũng không may cho nó.

- Cô phải kiện, cô Célestine ạ. Cô trình tòa là lão Lanlaire bờm xờm cô. Làm cho ra nhẽ.

- Nhưng ông ấy có làm gì tôi đâu!

- Lão lại không làm gì cô à!

- Vâng. Như vậy tôi không thể…

- Có khó gì, cô! Cô cứ làm đơn, trong đơn viết rằng có tôi và cô Rose làm chứng. Chúng tôi sẽ đến xác nhận là có trông thấy… Lời nói của một quân nhân người ta sẽ tin ngay… Lúc ấy sấm sét, búa rìu sẽ giáng xuống đầu lão Lanlaire ngay. Cứ làm đi cô ạ.

Lúc này tôi có nhiều việc phải suy nghĩ… Anh Joseph giục tôi phải quyết định ngay, không chần chừ được nữa… Anh ấy đã được tin tuần sau người ta bán các quán rượu. Tôi cứ lưỡng lự, vừa muốn lại vừa không muốn… Hôm nay thì thấy thích… mai lại không thích nữa. Tôi chỉ sợ Joseph dẫn tôi đến chỗ nguy hiểm, nên không quyết định được. Anh ấy hứa hẹn cho tôi được hoàn toàn tự do ăn mặc, sinh sống, sung sướng bảo đảm…

- Thế nào tôi cũng phải mua cái quán ấy. Không thể bỏ lỡ… Lợi lắm cô Célestine ạ… Nếu cách mạng nổ ra cái quán ấy là nhất đấy…

- Vậy thì anh cứ mua đi. Không tôi thì có người khác…

- Không được. Chỉ có cô thôi. Tôi khoái cô lắm. Ngoài cô, không thể ai được… Cô ngại tôi à?

- Không phải thế đâu.

- Nếu cô có ý nghĩ không tốt về tôi thì…

Không biết sao lúc ấy tôi lại dám liều hỏi anh:

- Có phải đúng anh đã hại con bé Claire ở trong rừng không?

Joseph nghe hỏi vậy mà vẫn giữ được bình tĩnh. Anh chỉ hơi nhún vai, lúc lắc cái đầu, trả lời một cách tự nhiên:

- Cô hỏi là tôi đã biết cô đang nghĩ gì rồi…

Anh ấy nói dịu dàng nhưng đôi mắt ghê sợ lắm, làm tôi không nói được gì.

- Cô hỏi không phải là muốn biết về con bé Claire mà hỏi vì cô đấy.

Rồi cũng như hôm trước, Joseph ôm chặt lấy tôi, hỏi:

- Cô đi với tôi nhé… Đến cái quán nhỏ nhé!

- Tôi sợ anh lắm, anh Joseph ạ… Sợ lắm.

Anh ấy đu đưa tôi trong tay như người đưa võng. Và như dỗ dành, anh ấy nói:

- Đi nhé, Célestine! Đi với tôi…

Trong thành phố đang lan truyền một tin đăng trên báo Rouen. Bài báo nói về một chuyện có thật, rất kỳ lạ, xảy ra ở Port-Lancon, cách đây 3 kilomét, có phong cảnh đẹp. Nhân vật trong truyện ai cũng biết rành rọt. Người thành phố lại được mấy ngày bàn tán xôn xao… Marianne đã mang tờ báo ngoài phố về. Sau bữa ăn tối, tôi đem ra đọc. Mới được mấy dòng, anh Joseph nhỏm dật quát:

- Có thôi không nào! Đọc làm gì những chuyện rởm tai ấy! Những chuyện ấy phạm đến Chúa. Làm vậy không hay đâu, cô Célestine ạ…

Nói rồi Joseph bỏ đi ngủ.

Tôi tóm tắt dưới đây nội dung bài báo để giữ lại vì thấy câu chuyện cũng có ý nghĩa.

Câu chuyện thế này.

Giáo trưởng khu Port-Lancon là một linh mục năng động có tiếng hoạt bát ở quanh vùng. Nhiều người chủ nhật đến nhà thờ chỉ cốt để nghe ông ấy thuyết giáo. Có người nói thật:

- Tôi không đồng tình với quan điểm của ông ấy nhưng nghe cũng thấy hay.

Giáo trưởng hay can thiệp vào công việc nội bộ của thành phố làm ông Thị Trưởng khó chịu nhưng giáo trưởng dùng lời lẽ bóng bẩy nên cũng muốn nghe. Một vấn đề ông hay đề cập là trường học không dạy được gì cho trẻ con. Khi hỏi chúng, chúng chả hiểu gì cả. Ông quy trách nhiệm cho Voltaire, cho cách mạng, cho chính phủ. Tất nhiên là ông chỉ nói trong những người thân cận, vì ông biết cách ứng xử. Cứ thứ ba và thứ năm hàng tuần, ông tập trung bọn trẻ trong làng lại nhà thờ truyền thụ cho những kiến thức kỳ lạ mà các trường bên ngoài không dạy.

- Các con có biết, - ông hỏi – ngày xưa Thiên đường trên mặt đất ở đâu không? Con nào biết giơ tay nào!

Không một bàn tay nào giơ lên. Thắc mắc trên mọi khuôn mặt. Ông giáo trưởng nhún vai kêu lên:

- Gay thật! Không biết thầy giáo các con dạy dỗ thế nào. Ta sẽ nói để các con biết Thiên đường trên mặt đất ở đâu.

Và ông nói:

- Thiên đường trên mặt đất không có ở làng Port-Lancon, không có ở Tổng Saine Inférieure, cũng không có ở Paris, không ở nước Pháp. Ở Châu Âu cũng không. Cả Châu Phi, Châu Mỹ cũng không. Và Châu Úc cũng không nốt. Đã có người bảo thiên đường mặt đất ở Ý, ở Tây Ban Nha, vì ở các nước này có trồng cam…, sai. Rất sai! Ở các nước ấy ngày trước chỉ có táo thôi. Vậy ở đâu, ai biết giơ tay!

Vẫn không ai giơ tay, ông nói tiếp:

- Ở Châu Á nhé! Vì ở Châu Á ngày trước không có mưa đá, không có sấm sét, ở Châu Á ngày trước chỉ có hoa. Hoa cao như cái cây to. Nhưng ngày nay ở Châu Á không có gì. Vì chúng ta phạm nhiều sai lầm ở đấy, nên ở đấy những con người giết các giáo sĩ và xuống địa ngục. Thế còn đức tin là gì? – ông lại hỏi

Một trẻ em nói:

- Đức tin là một trong ba đạo đức của nhà thờ dạy cho người ta ạ.

- Tôi không hỏi vậy. Tôi hỏi Đức tin là thế nào? Các con cũng không biết à? – Và ông giải thích:

- Đức tin là chỉ tin lời linh mục nói, không tin lời thầy giáo. Thầy giáo chỉ biết gì cả.

Nhà thờ Port-Lancon được các nhà khảo cổ và khách du lịch biết tiếng. Đấy là một trong những nhà thờ đẹp nhất ở phần đất Normandie này… Ở mặt phía tây của nhà thờ dưới vòm cửa chính có đắp một bông hồng đang nở… Bông hồng mảnh mai, diêm dúa. Đầu phía bắc của giáo đường cây cối um tùm. Ở đấy có nhiều bức trạm nổi các nhân vật kỳ dị, mặt quỉ. Nhưng nhiều bức tượng bị chặt đầu hay mất tay chân. Nhiều bức đã rêu phong và sắp đổ. Công trình chia làm hai phần, phần nào cũng sáng sủa, rực rỡ dưới ánh chiều mùa thu. Phòng của giáo trưởng ăn thông với con đường rợp bóng cây đi vào cửa chính giáo đường. Cạnh đấy là phòng của bà xơ Angèle. Bà vừa là chị vừa là cố vấn của giáo trưởng. Hai người vẫn hàng ngày trao đổi những việc cơ mật của thành phố và bàn bạc những chuyện của giáo khu.

Thứ năm trước giáo trưởng truyền thụ cho bọn trẻ những kiến thức về sấm sét, mưa đá, gió.

- Các con có biết mưa là gì không? – Giáo trưởng hỏi – Mưa từ đâu ra? Ai làm ra mưa? Các nhà bác học sẽ bảo mưa là do hơi nước đọng lại… Vậy là họ nói dối… Mưa là do Chúa giận, các con ạ… Chúa bất mãn với cha mẹ các con! Cha mẹ các con không vâng theo lời dạy của Chúa. Chúa bảo: các người đã bỏ mặc linh mục, coi thường linh mục, không tôn kính, không nghe lời linh mục. Các người coi chừng, hãy xem mùa màng của các người sẽ ra sao… Chúa đã ra lệnh cho mưa… Mưa là như thế… Nếu cha mẹ các con biết nghe lời Chúa, trung thành với Chúa thì Chúa không làm mưa nữa.

Giữa lúc ấy bà xơ Angèle xuất hiện ở cửa xép giáo đường. Bà xanh lướt hơn mọi lúc và có vẻ bối rối. Mũ lệch đi một bên, quần áo xộc xệch. Thoáng thấy lũ trẻ quây chung quanh giáo trưởng, bà vội lùi xuống mấy bậc thềm và đóng vội cánh cửa. Nhưng thấy diện mạo bà khác thường, giáo trưởng đã chạy vội ra đón.

- Giáo trưởng hãy đuổi bọn trẻ đi chỗ khác. Tôi có chuyện muốn nói.

- Lạy Chúa! Có chuyện gì mà xơ hốt hoảng thế?

- Cứ đuổi bọn trẻ đi! Đuổi ngay! Có việc quan trọng, rất quan trọng!

Bọn trẻ học sinh đi rồi, bà xơ thả mình đánh phịch xuống ghế. Tay mân mê cây thánh giá bằng đồng treo trên bộ ngực lép xẹp. Ông giáo trưởng nóng ruột hỏi giọng đứt quãng:

- Nói, mau đi! Xơ! Có… chuyện gì?

Bấy giờ bà xơ mới nói gọn thon lỏn một câu:

- Lúc nãy tôi thấy trên nhà thờ một người cởi truồng.

Giáo trưởng há hốc mồm, mở to mắt, ấp úng:

- Một người cởi truồng? Xơ trông thấy thật à? Có chắc không?

- Chính mắt tôi trông thấy.

Thế nào mà trong giáo đường lại có một kẻ trơ tráo đến thế! Dám cởi truồng đi trong nhà thờ! Không thể tin được!

Giáo trưởng giận tím mặt lại. Ông lẩm bẩm:

- Cởi truồng trong nhà thờ! Thời nay sao lại thế được nhỉ? Mà nó như thế để làm gì chứ? Hay nó định… thông dâm? Nó…

- Giáo trưởng không hiểu rồi! – Bà xơ vội ngắt lời giáo trưởng – Tôi không nói cái người cởi truồng ấy là người thật. Đấy là người bằng đá…

- Thế nào? Bằng đá hả? – ông giáo trưởng thở phào – Thế mà xơ làm tôi sợ quá.

Bà xơ nói như gắt:

- Bằng đá cở truồng cũng vẫn là cởi truồng chứ sao!

- Nhưng có khác xơ ạ.

- Khác thế nào? Nó cũng để ra một cái to tưởng ngỏng thẳng lên kinh tởm. Sợ chết được! Bẩn!... bẩn! bẩn!...

Bà xơ đứng lên, lảo đảo muốn ngã. Ông giáo trưởng sợ hãi. Phát hiện của bà xơ làm ông khủng hoảng, đầu óc rồi bời. Ông lẩm bẩm:

- Một cái to tướng! Ngỏng thẳng lên! Kinh tởm quá! Sợ chết được! Nhưng có đúng là xơ đã nhìn thấy không chứ? Xơ có chắc không? Không đùa đấy chứ.

Bà xơ giậm chân bồ bồ.

- Đã hàng trăm năm nay nó làm ô uế giáo đường mà giáo trưởng không biết! Giáo trưởng lại để cho tôi, một nữ tu sĩ, một người muốn tránh mọi trần tục, phải nói lên điều ấy, phải kêu lên: “Giáo trưởng ơi! Ma quỷ ở trong giáo đường của ông đấy!”.

Trước lời lẽ đanh thép của bà xơ, giáo trưởng phải vội tuyên bố:

- Chúng ta không tha thứ việc bỉ ổi ấy. Chúng ta phải chôn vùi ma quỷ… Tôi lo việc này… Nửa đêm khi mọi người ngủ rồi, xơ lại đây. Xơ dẫn đường cho tôi… Tôi báo cho người giữ sách kinh để tìm một cái thang. Có cao không xơ?

- Rất cao

- Xơ tìm được chỗ ấy chứ?

- Nhắm mắt tôi cũng tìm được… Nửa đêm giáo trưởng nhé.

- Cầu Chúa giúp đỡ xơ…

Bà xơ Angèle làm dấu, bước ra cửa đi khỏi.

Đêm tối như mực, không trăng không sao. Những tia sáng cuối cùng đã tắt từ lâu. Đèn đường lờ mờ, chao đảo. Vạn vật im lìm…

- Đấy! đấy! – bà xơ nói.

Người giữ sách dựa thang vào tường, gần một khuôn cửa, bên trong le lói một ngọn đèn trên bàn thờ. Giáo trưởng tay cầm búa, đục và trèo thang lên, theo sau là bà xơ mặc áo chùng đen. Lên đến đầu thang hai người dừng lại.

- Đấy! đấy! Bên trái giáo trưởng ấy.

Giáo trưởng soi đèn vào các ngách tường, gương mặt ma quỷ của các bức tượng lộ ra.

Bỗng ông kêu lên. Cái vật ô uế chĩa thẳng vào mặt ông.

Bà xơ gập người trên nấc thang nhắm nghiền mắt lại.

Ông giáo trưởng nguyền rủa: Đồ con lợn!

Ông vung búa trong khi bà xơ Angèle ở bên dưới đọc kinh cầu khấn Đức mẹ, còn người thủ thư ở dưới chân thang lẩm nhẩm lời cầu nguyện. Những mẫu đá vụn bắn vào mặt người thủ thư và một vật rắn từ mái nhà lăn qua ống máng rơi đánh bịch xuống đất.

Hôm sau ở nhà thờ ra, cô Robineau, một phụ nữ thánh thiện nhìn thấy ở dưới đất một vật không có hình thù rõ rệt, đường nét kỳ quái giống như xá lị. Cô nhặt lên ngắm nghía.

- Đúng là xá lị rồi, - cô lẩm bẩm – quí giá và từ một nơi linh thiêng nào đã đến đây.

Cô định đem đến tặng giáo trưởng. Nhưng cô lại nghĩ đây là bùa hộ mệnh cho cô và gia đình, nên cô giữ lại.

Về đến nhà, cô vào phòng đóng tịt cửa. Cô trải một tấm khăn gấm thuê lên bàn, rón rén đặt thánh tích lên. Sau cùng cô úp lên trên một bóng thủy tinh trạm hoa rất đẹp. Rồi cô quỳ trước bàn thờ cô vừa tự tạo, cảm ơn vị thần nào đấy đã mang đến cho cô một vật tối thiêng.

Nhưng bỗng cô thấy trong lòng bối rối. Có đúng cái vật kia là xá lị không?

Cô tự hỏi.

Cô Robineau tội nghiệp! Người ta đã nói để cô biết cái vật bằng đá ấy tượng trưng cho cái gì. Cô xấu hổ đến chết được, lẩm bẩm một mình:

- Vậy mà ta đã hôn hít mãi chứ!

*

* *

Hôm nay ngày 10 tháng mười một, chúng tôi để cả một ngày để lau chùi các đồ dùng bằng bạc. Đây là một ngày trọng đại của mỗi năm gia đình ông bà chủ có những đồ bằng bạc rất quí. Những đồ dùng này là của bà chủ kế thừa từ ông thân sinh ra bà. Nếu bà hàng hương liệu không nói sai thì những đồ này có nguồn gốc không rõ ràng, nếu không phải là lấy cắp thì cũng là lừa đảo.

Tất nhiên là không bao giờ gia đình bà Lanlaire đem những đồ bằng bạc này ra dùng. Bà luôn cất kín trong một góc phòng, để ở ba cái hòm lớn, khóa trong khóa ngoài cẩn thận, xích vào tường. Mỗi năm cứ đến ngày 10 tháng mười một, bà lại cho đem những dụng cụ bằng bạc ấy ra để lau chùi và bà đích thân trông coi. Xong rồi lại đóng gói, cất vào hòm xích kỹ vào tường. Và đến ngày 10 tháng mười một năm sau mới lại đem ra để lau chùi. Nếu có thì giờ các bạn hãy quan sát đôi mắt bà chủ khi bà đứng trông coi người lau chùi dụng cụ bằng bạc của bà. Nó sáng rực, đảo đi đảo lại liên hồi, chỉ sợ người ta ăn trộm của bà.

Nghĩ cũng kỳ thật! Có những người thừa sức sống đầy đủ, nhưng lại chịu giấu giếm chôn vùi đồ đạc và chịu sống so đo nhếch nhác.

Xong mọi việc, các hòm đồ đạc được khóa lại cẩn thận cất vào kho rồi, bà chủ mới đi, yên trí là không còn sót gì trong tay chúng tôi. Joseph mỉm cười bảo tôi:

- Những đồ bằng bạc này là loại quý, sản xuất từ thời Louis XVI. Đắt tiền lắm đấy. Phải đến hai mươi nhăm nghìn francs là ít, cô Célestine ạ. Có khi còn hơn là khác…

Rồi nhìn tôi, Joseph nói:

- Cô đi với tôi về quán giải khát nhé.

Không biết giữa các dụng cụ bằng bạc của bà chủ và các quán rượu ở Cherbourg có liên quan gì với nhau… Phải nói thật là những câu nói của anh Joseph làm tôi run sợ.