Những bí quyết giao tiếp tốt - Chương 03 phần 2

+ Trò chuyện với người khác phái

Việc trò chuyện với người bạn khác phái, nhất là giữa hai người vừa mới quen nhau, từ xưa đến nay vẫn được thừa nhận là không phải dễ. Ngay tôi cũng cho rằng việc này rất dễ… thất bại.

Thời xưa, trong những buổi dạ tiệc, một chàng trai đến bên một cô gái chỉ dám bắt chuyện nhẹ nhàng như thế này: “Trông cô thật xinh đẹp!” hay “Anh đã từng gặp em trước đây chưa nhỉ?” Giờ đây khoảng cách “giữ kẽ” được thu ngắn lại ít nhiều. Chúng ta có thể bắt đầu với vẻ bớt e ngại hơn, dạn dĩ hơn. Xã hội ngày càng văn minh, ranh giới và sự phân biệt nam nữ ngày càng ít đi. Nhưng dù sao thì bạn cũng nên cẩn trọng. Và điều này còn tùy thuộc vào sự khác biệt giữa các nền văn hóa, quan niệm đạo đức ở mỗi nơi nữa.

Bắt chuyện với người khác phái sao cho không nhút nhát mà vẫn giữ được sự lịch lãm quả không dễ dàng. Vấn đề này không chỉ riêng ở phái nam. Phái nữ cũng bận tâm về nó. Ở nữ giới còn khó khăn hơn bởi họ có những điều kiêng kỵ đặc trưng.

Nếu bạn là một cô gái, bạn vẫn có thể tha hồ trò chuyện với các anh bạn ở một bữa tiệc thân mật. Nhưng ở nơi công cộng, nếu quý cô bỗng dưng ngẫu hứng, đơn thương độc mã đến bên một chàng bảnh trai (chưa hề quen biết) để bắt chuyện thì phải hết sức khéo léo, nếu không muốn bị chê là “mất duyên con gái”.

Khi tôi còn ở lứa đôi mươi ở trường trung học, con gái bị cấm đoán gọi điện thoại cho bạn trai là điều đương nhiên. Các bậc cha mẹ quan niệm rằng con gái của họ không được phép gọi cho bọn con trai mà phải đợi “phe kia” gọi trước mới phải đạo. Việc làm quen hay hỏi chuyện đều ưu tiên cho nam giới. Cho dù ở bất cứ tình huống nào đi nữa, phái nữ cũng không được phép “đi trước” phái nam. Bên cạnh đó, còn có những luật lệ hà khắc bất thành văn nhưng lan rộng trong xã hội. Chẳng hạn như việc tặng quà. Hồi đó tôi chẳng bao giờ dám tặng một chiếc ví tay cho bạn gái! Một quyển sách hay cũng không dám nốt! Nói chi đến chuyện tặng một chiếc ví đầm… Nghe có vẻ vô lý, nhưng quả thật dạo ấy những món quà như thế này được coi là riêng tư và kém tế nhị nếu mang đi tặng. Vậy, người ta thường tặng nhau cái gì? Một chiếc cà vạt, một đôi găng tay, hay một cành hoa violet… thì cũng chấp nhận được. Thật là khó khăn và rắc rối.

Ngày nay tất cả những điều cấm kỵ đó đã đi vào dĩ vãng. Những món quà tặng người yêu thì luôn luôn không có giới hạn và thậm chí còn… bay cao ngoài sức tưởng tượng. Việc cô gái gọi điện cho chàng trai thì quá bình thường. Có gái hỏi chuyện trước cũng vô cùng bình thường. Vì vậy hãy trở lại vấn đề chính của chúng ta: Làm thế nào để trò chuyện ăn ý với người bạn khác giới

Bạn biết không, Arthur Godfrey đã khuyên tôi chỉ duy nhất mấy chữ: “Tự nhiên mà nói!”. Một lời khuyên chí lý! “Tự nhiên” bao giờ cũng giúp ta tự tin và thoải mái, có vậy mới nói năng trôi chảy, không ấp úng ngượng nghịu. Thế là trong lần đầu gặp nàng, tôi đã “tự nhiên mà nói” rằng: “Chào cô, tôi thực sự chẳng giỏi giang gì về việc này. Cái việc trò chuyện với quý bà quý cô ấy mà… Nhưng không hiểu sao tôi cứ muốn được trò chuyện với cô trong giây lát. Tên của tôi là Larry King, rất hân hạnh được làm quen với cô!”

Bạn hãy thử hỏi chuyện theo cách của Godfrey xem. Nếu cô ấy đáp lại lời bạn thì bạn sẽ có một cuộc nói chuyện thú vị. Nếu không thì xem như bạn bị “lạc quẻ”. Bởi nếu không có sự hưởng ứng từ đối phương thì dù cố gắng cuộc trò chuyện cũng chẳng đi đến đâu cả.

Nhưng ngược lại, nếu người ấy tỏ vẻ cũng muốn tán gẫu với bạn thì bạn sẽ nói về những việc gì?

- “Này, mọi người hình như ai cũng thắc mắc Mike Tyson có được cấp giấy phép lên võ đài nữa hay không, em thì nghĩ sao?”

- “Tôi vừa biết tin giá vàng giảm, anh có nghĩ là nó sẽ giảm nữa hay không?”

Những câu hỏi như vậy có hai mục đích: giúp cho các bạn làm quen với nhau, hiểu biết về nhau rõ hơn so với những lời giới thiệu sơ lược ban đầu; và đây cũng là dịp để “đo thử” kiến thức của đối phương, bạn sẽ bắt đầu biết họ thuộc trình độ nào, có quan tâm thời sự hay không…

Nếu cô gái mà bạn hỏi câu thứ nhất lập tức trả lời bạn rằng, “Tôi tiếc khi Mike Tyson không được cấp phép”, chứng tỏ cô ấy rất quan tâm sự kiện trên. Nhưng nếu cô ấy nói: “Ồ, tôi chẳng biết gì về Mike Tyson cả, sao hắn không được đấu nữa vậy?”, điều này có nghĩa là bạn cần kể qua loa sự việc, nói đôi chút suy nghĩ của mình rồi nhanh chóng bắt sang một đề tài khác là vừa.

Tương tự, với câu hỏi thứ hai, nếu nhận được câu trả lời: “Sáng nay tôi có đọc một bài báo phân tích giá vàng giảm…” thì bạn có thể thoải mái kết nối đề tài giá vàng với anh ấy.

Lời khuyên của tôi là, khi nói chuyện với người khác phái bạn phải nhanh chóng biết về đối phương càng nhiều càng tốt. Hãy thu hút sự chú ý của họ bằng cách nói đến những vấn đề thuộc lĩnh vực sở trường của bạn. Và phải nói về nó một cách thật tự nhiên. Nếu bạn là người hóm hỉnh có khiếu pha trò, hãy xem cô ta có thích sự vui nhộn hay không. Nếu bạn là người nghiêm nghị thì hãy xem anh ấy có nghiêm nghị hay không. Nếu bạn thích thể thao hay điện ảnh, cũng nhất thiết phải xem đối phương có thích như bạn hay không.Trong trường hợp người ấy tỏ ra không thích thú hoặc lưu tâm gì tới những lời nói của bạn, tốt nhất là nên rút lui một cách tế nhị. Nhất định sẽ có một ai đó trong nhóm đông thích hợp để chuyện trò cùng bạn.

NHỮNG BỮA ĂN TỐI THÂN MẬT

Trò chuyện trong những bữa ăn tối thân mật đối với tôi dễ dàng hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng các bạn cũng cảm thấy như vậy. Vì trong dịp này hầu hết mọi người đã quen biết nhau cả nên việc trò chuyện sẽ thuận lợi và ăn ý hơn.

Tạo một không khí rôm rả trên bàn ăn ư? Không khó! Chỉ cần ta đề cập đến những sự kiện nóng bỏng mà ai cũng có thể bàn luận, đóng góp ý kiến. Đôi khi có những việc ngoài ý muốn, chẳng hạn một người nào đó vừa trải qua một ngày làm việc thất bại, hay có chuyện riêng tư chán nản…Lúc ấy nên tế nhị và đừng đề cập đến chuyện không vui của cá nhân họ, hãy nói về những đề tài thoải mái và hào hứng hơn.

TIỆC CƯỚI, SINH NHẬT, LỄ TANG…

Tiệc cưới, tiệc sinh nhật… là dịp để những người quen thân tụ tập lại và chung vui với nhau. Ở những nơi này bạn có thể trò chuyện với mọi người một cách thoải mái nhất, dù cho bạn có quen thân với họ hay không.

- “Anh có quen cô dâu không? Tôi là bạn thân của cô ấy. Nhưng đến bây giờ tôi mới biết mặt chú rể đấy. Cô ấy rất dễ thương, gia đình cũng đàng hoàng lắm…”

Bạn có thể tha hồ tán gẫu với người mới quen về cô dâu, về chú rể, về những việc đang diễn ra trong bữa tiệc… “Anh có biết họ sẽ đi nghỉ tuần trăng mật ở đâu không? Anh quen với bên đàng trai như thế nào?” Có rất nhiều, rất nhiều đề tài để bạn trò chuyện.

Trái lại, việc phân ưu sẽ nhiều hơn nơi tang lễ. Một nguyên tắc cơ bản khi nói chuyện với những thành viên trong gia quyến người mất là: “Lựa lời mà nói”. Đừng nói những gì không thích hợp hay những gì thừa thãi. Không nên chia buồn bằng câu nói: “Tôi biết anh rất buồn, rất đau khổ…” Vì câu nói này là thừa. Lời chia buồn quá thống thiết càng làm cho gia quyến đau đớn hơn mà thôi. Càng tệ hại hơn khi ai đó chia buồn rằng: “Bi kịch làm sao, đau đớn làm sao”, hay “Đây quả là một mất mát khủng khiếp”. Trước khi nói những lời như vậy, tại sao bạn không nghĩ rằng khi nghe nó tang chủ còn xốn xang đến chừng nào.

Nên nói những gì? Hãy kể về những kỷ niệm, những ký ức còn đọng lại về người quá cố. Tôi còn nhớ ở lễ tang của John, tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không bao giờ quên được buổi tối thứ sáu hôm ấy, lúc tôi ở bệnh viện bên John trong những giây phút cuối cùng. Rồi chúng ta đưa anh về nhà giữa một cơn mưa tầm tã…”

Nếu bạn quen thân với gia quyến thì hãy gợi lại những điều vui vẻ: “Anh có nhớ Fritz kể chuyện hài làm bạn bè thích như thế nào không? Những chuyện cậu ấy kể là những chuyện khôi hài nhất mà tôi từng được nghe”. Có thể khi nói về những điều đó, bạn đã thắp nên một ngọn nến giữa không gian u buồn ảm đạm nơi lễ tang. Đặc biệt là những chuyện mà gia quyến không hề biết về người đã mất, thì đây là dịp để bạn có thể chia sẻ với họ những kỷ niệm quý báu ấy.

Nếu không biết rõ về người quá cố thì bạn có thể nói về những thành tựu mà ông ấy (hay bà ấy) đã đạt được. Như họ đã từng là những “viên ngọc sáng chói” ra sao, con cái của họ thành đạt thế nào… Ở tang lễ, bạn không cần quá băn khoăn trăn trở mình nên nói những gì. Hãy thử đặt mình là thành viên trong gia quyến, lúc ấy bạn muốn nghe những gì? Những điều càng đơn giản, càng thành thật càng tốt. Bởi suy cho cùng trong hoàn cảnh này mọi người sẽ chẳng để ý xem bạn ăn nói có tài hoa không, bạn có là một nhà diễn thuyết sắc sảo không. Chỉ cần nói một cách chân thành rằng: “Tôi xin chia buồn. Chúng ta đã thật sự mất cô ấy” thì cũng đã đủ.

Nếu bạn là người được chọn làm đại diện để phát biểu ở tang lễ thì những điều cơ bản cũng như tôi vừa trình bày. Hãy nói một cách đơn giản nhất và chân thành nhất. Tuy không phải là chuyên gia nhưng tôi đã từng trải qua kinh nghiệm này:

Tháng 10-1993, Bob Woolf, người bạn và đồng sự thân thiết nhất của tôi đã vĩnh viễn ra đi một cách đột ngột. Tôi quen biết gia đình Bob Woolf khá lâu và luôn giữ một mối quan hệ thân thiết. Tôi đã thường xuyên cộng tác với Bob lẫn cô con gái tài giỏi của ông là Stacey Woolf. Trong ký ức của tôi, Bob luôn là một con người lịch lãm, tài ba và có óc khôi hài. Tôi rất kính nể Bob. Tất cả chúng tôi khi đón nhận tin anh qua đời đều bị sốc mạnh. Bob mất trong lúc đang ngủ vào một chiều cuối thu ở Florida, chỉ vài ngày sau khi anh đứng ra tổ chức lần sinh nhật thứ 60 của tôi ở Washington. Stacey đã mời tôi là một trong năm người phát biểu tại lễ tang. Lúc ấy tôi vừa cảm thấy vinh dự vừa cảm thấy bối rối vì tôi thật sự không biết mình phải nói gì. Tôi vẫn đang choáng váng trước sự ra đi của Bob. Trong tâm trí không tỉnh táo này, làm sao biết nên hay không nên nói những gì. Liệu tôi có nói điều gì không phải hay không? Tôi cố trấn tĩnh và tự nhủ hãy tự tin lên, cứ nói những gì mà mình nghĩ lúc đó.

Tôi là người phát biểu sau cùng. Bốn người đầu đều nói rất hay, nhất là vị giáo sĩ người Do Thái của Bob. Và tới lượt tôi… Có thể nói đây là bài phát biểu khó khăn nhất trong cuộc đời tôi.Nhưng thật ra đó cũng không phải là một bài diễn văn. Đó chỉ là những cảm xúc và hồi tưởng trong ký ức mà tôi chia sẻ với gia đình Bob Woolf, như tất cả những ai từng rơi vào hoàn cảnh bối rối này.

Tôi đứng cạnh quan tài đóng chặt của người bạn thân yêu, cảm nhận rõ giây phút chia ly đau đớn. Đột nhiên khi nhìn thấy ánh mắt buồn bã của Stacey và những người khác trong gian phòng, tôi biết rằng ai cũng đang chịu đựng nỗi đau như tôi. Tôi biết mình phải kiềm chế cảm xúc lại. Và tôi bắt đầu nói:

“Bob có hai người bạn thân trùng tên Larry, và tôi là người bạn Larry thứ hai của anh ấy. Khi tôi và Larry Bird cùng gọi điện đến thì Bob chẳng biết nên nói chuyện với người nào…”

Những lời đầu tiên này đã làm vài người tủm tỉm. Sinh thời Bob rất hài hước và vui nhộn, lúc nào cũng muốn pha trò. Thế nên tôi tiếp tục nói:

“Quý vị biết đấy, Bob rất thích chụp hình. Đi đâu anh ấy cũng hay muốn chụp chọt một cái gì đó. Nếu bạn hỏi phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử là gì thì Bob sẽ trả lời ngay về sự ra đời của cái máy ảnh…”

Thế là chúng tôi đã có được một vài phút giây thư thả trong không khí u buồn căng thẳng. Tôi cảm thấy có lẽ mình đã đi đúng hướng. Tôi đã chọn được cách thích hợp để nói về Bob. Thiết nghĩ trong những tình huống như thế này, bạn hãy lắng nghe chính bản năng của mình. Bản năng sẽ mách bảo bạn nên nói cái gì và cái gì không nên nói. Nếu như cảm thấy rằng người khác muốn nghe những ký ức, một kỷ niệm hay một câu nói trước đây của người quá cố, thì hãy kể lại. Tất nhiên, sẽ có những điều không nên đề cập tới, thì đừng nói ra. Nhất là đừng để ký ức tràn về như một thác nước rồi thao thao bất tuyệt.

Việc phát biểu ở lễ tang của Bob đối với tôi không chút dễ dàng. Và tôi biết ai ở tình huống như tôi cũng vậy. Nhưng chúng ta phải biết kiềm nén sự xúc động lại, để nói một cách chân thành, để bày tỏ tấm lòng với người bạn đã mất và chia sẻ nỗi đau này cùng người thân trong gia quyến

Sau hết, chắc tang lễ là điều không ai muốn nhưng chúng ta vẫn phải đến đó vì cùng một lý do như nhau: chúng ta yêu người bạn, người thân của chúng ta. Không ai đến đưa tang Bob Woolf để nghe Larry King nói! Chúng tôi, tất cả chúng tôi, đến đó vì Bob và vì còn nợ anh ấy một lời chào tạm biệt.

Đó là chia sẻ của tôi dành cho bạn. Nếu một ngày nào đó bạn ở vào vị trí của tôi và nói trước một lễ tang, hãy nhớ đi nhớ lại rằng người ta đến đó không phải để nghe bạn nói. Họ đến để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của một người đáng mến. Để hồi tưởng lại về lúc sinh thời của người quá cố. Hãy chia sẻ nỗi buồn, niềm cảm thông sâu sắc với tang gia. Đôi lúc bạn cũng có thể pha vào một chút khôi hài để làm vơi bớt không khí ảm đạm. Và nhớ là, nói càng ít càng tốt.

TRÒ CHUYỆN VỚI NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG

Đối với nhiều người, trò chuyện với những người nổi tiếng là một thách thức khó khăn. Nhất là khi họ “bị động” vì sự quá nổi tiếng của anh ấy (hay cô ấy).

Nếu không chuẩn bị tâm lý trước thì bạn sẽ thật sự bối rối. Ngôi sao điện ảnh, các ca sĩ hàng đầu, vận động viên lừng danh… Khi nói chuyện với họ đôi lúc bạn không biết nói cái gì, vì bạn biết quá ít về nó hay thậm chí chưa từng đặt chân vào lĩnh vực đó. Các ngôi sao vốn hay nhạy cảm, trò chuyện với họ bạn cần phải hết sức khéo léo. Nếu bạn nói từ hồi còn bé xíu đã là một fan của họ thì có thể họ sẽ nhăn mặt ngay. Họ nghĩ bạn ám chỉ họ đã già (dù ý của bạn không phải là như thế). Còn các cầu thủ sẽ xem lời nói nay của bạn thật sự là một châm chích: “Hồi xưa ba tôi dắt tôi đi xem anh đá hoài” (còn bây giờ thì không thèm xem nữa ư?!).

Nếu nói rằng: “Tôi từng luôn nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng (hay một diễn viên điện ảnh, một tuyển thủ bóng đá)” thì câu nói này sẽ giảm đi phần nào sự lẫy lừng của ngôi sao mà bạn đang trò chuyện. Họ sẽ nghĩ rằng ý bạn nói bất cứ ai cũng có thể làm được như họ.

Trong những chương trình của tôi trên truyền hình, tôi đã trò chuyện với rất nhiều người nổi tiếng ở mọi lĩnh vực. Tôi có thể khẳng định với bạn rằng, các ngôi sao cũng thích một cuộc trò chuyện bình thường như tôi với bạn mà thôi. Trò chuyện với họ tôi không đặt nặng ấn tượng rằng mình đang trò chuyện với một người nổi tiếng. Nếu như bị chi phối bởi danh tiếng lẫy lừng của họ, thì bạn sẽ thất bại ngay! Họ cũng là con người như chúng ta. Và họ cũng có những cảm xúc như chúng ta, thích hay không thích những điều gì đó như chúng ta vậy thôi. Tôi đã thành công khi trò chuyện với họ trong một không khí thoải mái.

Khi có quan điểm như vậy, bạn sẽ thấy rằng được trò chuyện với những người nổi tiếng là một dịp may thú vị. Họ là những con người đặc biệt và có ý tưởng cũng rất đặc biệt.