Tửu quốc - Chương 06 phần 2

- Em lạnh không? - Anh hỏi một câu có hỏi cũng bằng thừa - Hay là ta về nhà, đợi khi ấm áp hãy tiến hành điều tra.

Hai hàm răng va nhau lập cập, cô kiên quyết:

- Không!

- Tôi sợ em ốm.

- Không!

Thám tử kì tài Đoilơ khoác tay chiến hữu thân thiết Maicơn lặng lẽ bước trên phố Lừa trong một đêm thu lạnh giá, mưa dầm lê thê… Trong đầu anh trinh sát hiện ra rất rõ câu chữ nói trên, y hệt những chữ trên băng Karaoke. Anh oai hùng vũ dũng, nàng là con ngựa bất kham nhưng đôi lúc rất tình cảm. Phố Lừa vắng tanh, về Tửu quốc đã lâu nhưng anh vẫn loay hoay ở vùng ven, sự bí ẩn của thành phố, nhất là thành phố về đêm càng bí ẩn, cuối cùng anh đã đặt chân lên thành phố đầy bí ẩn. Khu phố Lừa cổ lỗ khiến anh liên tưởng đến âm đạo đầy bí ẩn giữa hai chân nữ xế. Anh tự trách mình có những liên tưởng quái đản. Như một thiếu niên mới lớn, anh không sao gạt bỏ được những gì đã bám trong đầu. Anh lờ mờ cảm thấy rằng, nữ xế là oan gia mà số phận đã đem đến cho anh, anh và cô đã cột chặt với nhau bằng sợi xích nặng chịch, anh cảm thấy hình như đã có lúc anh thích, anh ghét, anh thương, anh sợ cô. Đó là tình yêu.

Đèn đường thưa thớt, nhiều cửa hàng hai bên đường đã đóng cửa, nhưng phía trong sân thì đèn đuốc sáng trưng, tiếng ồn ào rộ lên từ nhà này sang nhà khác, anh không đoán ra họ đang làm gì. Nữ xế nói:

- Họ thịt lừa trong đêm!

Chỉ trong một giây mà mặt đường trở nên trơn tuột. Nữ xế ngã bệt xuống đất. Anh đỡ cô dậy, cũng ngã theo. Họ đè gãy gọng ô, nữ xế vứt cái ô xuống rãnh. Không khí vừa ẩm vừa lạnh, gió rét luồn qua kẽ răng anh. Anh giục cô đi nhanh. Phố Lừa nhiều bóng cây đáng ngại, là sào huyệt của bọn tội phạm. Anh trinh sát khoác tay người tình vào hang cọp, tiếng chân nghe rõ mồn một. Phía trước có một đàn lừa đi tới choán hết cả lối đi của hai người đúng lúc nhìn thấy cái biển hiệu to đùng của quán rượu Một Thước dưới ánh đèn nê ông.

Đàn lừa đông nghẹt, anh đếm vội, có đến hai mươi bốn hoặc hai mươi lăm con, nhất loạt màu đen, không một sợi tạp. Con nào con nấy đẫm nước mưa, bóng loáng. Con nào cũng béo tốt, cơ bắp cuồn cuộn, xinh đẹp, hình như đều là lừa choai. Hình như chúng không sợ lạnh, hoặc giả cái không khí của phố Lừa khiến chúng đâm hoảng, dồn cục lại với nhau, con nào cũng cố len vào giữa, khi con phía sau chen được vào giữa thì có nghĩa lã một con ở giữa bật ra ngoài. Tiếng da lừa cọ vào nhau khiến anh gai cả người. Anh trông thấy con chúi đầu xuống, con nghếch mõm lên, hầu hết ve vẩy cặp tai dài và to như có bàn bạc trước. Cứ như vậy, chúng chen nhau mà tiến lên, móng gõ hoặc trượt trên mặt đường đá xanh như tiếng vỗ tay của quần chúng. Đàn lừa như một gò đất di động, trườn qua trước mặt anh. Anh trông thấy một thiếu niên mặc đồ đen nhảy chân sếu đi sau cùng. Anh cảm thấy cậu ta hao hao giống thằng vảy cá đánh cắp đồ dùng của anh. Anh định mở miệng hỏi thì cậu ta đã đút ngón tay vào miệng rít lên tiếng còi lanh lảnh. Tiếng còi xé rách màn đêm dày đặc, kích thích đàn lừa kêu ầm ĩ. Anh trinh sát nghiệm rằng, con lừa bao giờ cũng đứng chụm chân ngẩng đầu lên mà kêu, đằng này đàn lừa lại kêu trong khi chạy, hiện tượng kì quặc khiến tim anh thắt lại, anh buông tay bỏ nữ xế lại, chạy vụt lên, mục tiêu là cậu thiếu niên mặc đồ đen. Anh định tóm cậu ta, nhưng anh bị trượt ngã, đập gáy vào đá lát đường, một tiếng “bộp” quái gở vang lên trong tai, trước mắt hai quầng lửa nhấp nháy.

Lúc anh trinh sát hồi phục được thị giác, thì đàn lừa đã mất tích, còn lại là phố Lừa yên tĩnh chắn ngang trước mặt. Nữ xế nắm chặt tay anh, lo lắng hỏi:

- Anh có đau lắm không?

- Không đau lắm.

- Đâu phải, anh ngã rất đau - Cô vừa khóc vừa nói - Gáy anh đập vào đá…

Cô gợi chuyện, anh trinh sát cảm thấy đầu như muốn vỡ, hình ảnh trước mắt như bản âm của cuốn phim, tóc, mắt, môi miệng cô xế trắng như thủy ngân.

- Em sợ anh chết…

- Tôi không chết được đâu - Anh nói - Công việc điều tra mới bắt đầu, sao cô lại rủa tôi!

- Em rủa anh hồi nào? - Cô giận - Em nói là sợ anh chết!…

Đầu nhức như búa bổ khiến anh mất hứng, không muốn trêu cô nữa. Anh giơ tay vuốt má cô tỏ ý hòa giải, sau đó đặt tay lên vai cô. Như ngoài mặt trận, cô dìu anh đi ngang phố Lừa. Một xe du lịch cao cấp dài ngoẵng đột nhiên bật đèn, nhăn nhở chạy qua, ánh đèn pha trùm lên hai người. Anh cảm thấy cuộc mưu sát sắp sửa xảy ra. Anh gạt cô xế, nhưng cô càng ôm anh chặt hơn. Chẳng có giết chóc gì hết, chiếc xe sau khi quành ra đường lớn, liền phóng như bay như biến, đèn đỏ sau xe soi rõ đám khí thải màu trắng, đẹp không thể tả.

Quán rượu Một Thước đã ở trước mặt. Trong quán đèn đuốc sáng trưng, hình như đang có lễ hội gì đấy.

Hai cô tiếp viên cao chưa đến một mét đứng hai bên cửa xếp đầy hoa tươi. cả hai mặc chế phục màu hồng tươi, tóc búi cao, khuôn mặt giống nhau như lột, ngay đến nụ cười cũng giống. Giống quá hóa rởm. Anh trinh sát tưởng là hai manơcanh bằng chất dẻo hoặc bằng thạch cao. Những lẵng hoa sau lưng họ cũng quá đẹp nên cũng tưởng là hoa rởm. Đẹp quá mất đi cảm giác sống.

- Kính chào quý khách!

Cánh cửa pha lê màu bã chè mở ra. Anh trinh sát trông thấy chiếc cột vuông bốn bề gắn gương ở giữa sảnh lớn, hình ảnh một phụ nữ bẩn thỉu đang dìu một người đàn ông mặt mũi hốc hác. Khi biết rằng đó là anh và nữ xế thì anh nản quá, định rút khỏi sảnh lớn, thì một đứa trẻ mặc bộ đồ màu hồng, dáng đi uyển chuyển nhưng tốc độ thì thật nhanh đã lướt tới bên cạnh. Anh nghe một giọng nhỏ mà sắc hỏi:

- Tiên sinh và phu nhân dùng cơm hay dùng trả? Nhảy đầm hay hát karaoke?

Cậu ta đứng vừa chớm đầu gối anh trinh sát, vì vậy khi nói chuyện cậu phải ngửa mặt, còn anh thì phải cúi xuống, hai khuôn mặt một to một nhỏ nhìn nhau, khiến anh trinh sát tự coi mình là kẻ bề trên, tạm thời nén lại nỗi u uất trong lòng. Anh trông thấy trên mặt thằng nhỏ nét gian manh khiến người lạnh xương sống vẫn cứ lộ ra như mực nho thấm qua giấy bản, dù nó luôn giữ nụ cười thường trực được huấn luyện công phu của một tiếp viên nhà hàng.

Nữ xế giành quyền trả lời trước:

- Bọn ta ăn cơm uống rượu. Ta là bạn thân của Giám đốc nhà anh.

Thằng nhỏ xá một xá, nói:

- Cháu nhận ra bà, thưa bà, trên lầu còn chỗ tốt.

Hắn đi trước dẫn đường. Anh trinh sát cảm thấy hắn rất giống tiểu yêu trong “Tây du kí”, thậm chí còn cho rằng, bên trong cái quần ống túm kia có một cái đuôi hồ li hoặc đuôi sói. Nền đá Đại Lý trắng muốt càng tương phản với giày dép bẩn thỉu, anh trinh sát tự cảm thấy ngượng. Trong sảnh lớn, những phụ nữ ăn mặc lòe loẹt đang ôm những người đàn ông mặt mũi hồng hào nhảy như điên. Một nhạc công lùn áo đuôi tôm màu đen thắt nơ trắng, ngồi xổm trên ghế chân cao mà đàn dương cầm.

Hai người len lỏi theo thằng nhỏ, bước lên lầu, vào một phòng nhỏ bài trí trang nhã. Hai cô tiếp viên lùn đem thực đơn tới. Cô xế nói:

- Mời giám đốc Dư lại đây, nói là số Chín đã tới.

Trong khi chờ đợi giám đốc Dư, nữ xế tụt giày, lau bừa chân bẩn lên thảm len. Có lẽ do gian phòng quá ấm kích thích, cô nhảy mũi liên tục. Khi một cái hắt hơi bị vướng, cô ngửa mặt, mắt lim dim, miệng há ra, đợi ánh đèn kích thích. Bộ dạng của cô khiến anh không thích, vì nó rất giống điệu bộ con lừa đực hứng tình sau khi ngửi nước tiểu con lừa cái.

Khoảng trông giữa những cái hắt hơi, anh tranh thủ hỏi cô:

- Em chơi bóng rổ hả?

- Hắt xì!… Gì cơ?

- Sao lại là số Chín?

- Em là người tình thứ chín, hắt xì!…

2

Kính gửi thầy Mạc Ngôn!

Thưa thầy,

Trò đã truyền đạt ý của thầy cho tiên sinh Một Thước, lão dương dương đắc ý, nói: “Đã bảo mà, tớ nói tay ấy sẽ viết là tay ấy sẽ viết.” Lão còn bảo, quán Một Thước luôn mở rộng cửa đối với thầy. Cách đây không lâu, chính quyền đầu tư cho một khoản, nâng cấp quán rượu Một Thước, kinh doanh liên tục hai mươi bốn trên hai mươi bốn, lộng lẫy vàng son, khiêm tốn cũng đạt ba sao rưỡi. Gần đây họ tiếp đón một đoàn khách Nhật, đám khách ấy hết sức thỏa mãn, tay Trưởng đoàn còn viết bài ca ngợi đăng trên tạp chí “Nhà du lịch”, đánh giá rất cao các món ăn của Một Thước. Vì vậy, thầy về Tửu quốc ở tại quán rượu Một Thước, không những không tốn một xu, mà còn tận hưởng miếng ngon vật lạ của thế gian!

Về tiểu tuyết tả thực “Một Thước anh hào”, trò đùa giỡn hơi nhiều. Như đã nói trong thư gửi cho thầy, trò viết truyện này để tặng thầy tham khảo khi viết truyện kí cho Một Thước. Nhưng những lời phê bình của thầy, trò xin chân thành suy ngẫm nghiêm túc. Cái tật của trò là tưởng tượng quá phong phú, do vậy thường là phát triển văng mạng, bịa đặt tùm lum, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của tiểu thuyết. Từ nay về sau, trò luôn ghi nhớ lời phê bình của thầy, nếm mật nằm gai, đêm ngày gắng sức nhằm đạt tới quy phạm của tiểu thuyết.

Thầy ơi, trò rất rất mong thầy sớm về Tửu quốc. Không đến Tửu quốc, coi như sống uổng một đời! Tháng Mười khai mạc lễ hội Rượu Bú Dù lần thứ nhất. Đây là lễ hội cực lớn, xưa nay chưa từng tổ chức ở Tửu quốc, tưng bừng suốt một tháng trời, xin thầy đừng để lỡ. Tất nhiên sang năm có lễ hội thứ hai, nhưng không bao giờ long trọng và đầy ý nghĩa khai sáng như lễ hội lần thứ nhất. Bố vợ trò đã chung sống với lũ khỉ ba năm để nghiên cứu rượu Bú Dù, trình độ đạt tẩu hỏa nhập ma, vì rằng nếu không như thế thì không thể sản xuất được rượu Bú Dù, cũng vậy không thể viết một tác phẩm tốt về rượu Bú Dù.

Cuốn “Những chuyện lạ ở Tửu quốc”, cách đây mấy năm trò có được xem ở chỗ bố vợ, sau tìm không thấy. Trò đã điện cho bọn bạn ở Ban tuyên truyền Thị ủy, yêu cầu bằng mọi cách kiếm cho một cuốn. Trong sách có nhiều chỗ bóng gió cay độc, rõ ràng là người đương thời viết, còn như có phải là Dư Một Thước hay không thì chưa hẳn. Như thầy đã từng nhận xét, Dư Một Thước nửa thần tiên, nửa ma quỷ, lão càn quấy, nhưng lão là một anh lùn, không ai gây sự với lão, vì vậy lão làm bừa, không kiêng nể ai, đẩy tới tận cùng cái ác và cái thiện của con người. Trò kém tài, không nắm bắt được nội tâm của nhân vật này. Đây là một mỏ vàng, mong thầy về khai thác.

Mấy truyện của trò gửi “Quốc dân văn học” đã lâu rồi, cảm phiền thầy giục cho một câu. Cũng nhờ thầy mời giúp họ vê Tửu quốc dự lễ hội Rượu Bú Dù, vấn đề ăn ở đã có trò thu xếp. Trò tin rằng, họ sẽ bằng lòng về tính khảng khái của người Tửu quốc.

Gừi kèm theo thư là truyện “Giờ dạy chế biến món ăn”. Thưa thầy, sau khi đọc cẩn thận toàn bộ tác phẩm của những nhà văn theo “chủ nghĩa tả thực mới”, rút ra những tinh hoa của họ, thêm thắt đôi chút, trò viết nên truyện này. Thưa thầy, trò vẫn muốn thầy gửi tiếp nó cho Ban biên tập “Quốc dân văn học”. Trò tin tưởng chắc chắn rằng, cứ gửi tới tới là các vị Thượng đế ở lầu son gác tía, đêm đêm ngắm chị Hằng chải tóc ấy cũng phải cảm động mà cho đăng.

Kính chúc thầy bằng an!

Học trò: Lý Một Gáo.