Thời đại kết hôn mới - Chương 02 phần 2

Sàn nhà được làm từ gỗ tự nhiên, bây giờ đều ngập nước, nếu biết thế này trước đây lát gạch cho xong. Lúc đầu là do Tiểu Tây nằng nặc đòi lát sàn gỗ, vì sàn gỗ có thể thoải mái ngồi, nằm hay vứt đồ linh tinh, có thể tha hồ đi đất, đó chính là giấc mơ về căn nhà của Tiểu Tây. 

Quốc không đấu tranh được với Tây đành đề nghị hay lát sàn gỗ tấm, loại này vẫn đáp ứng được nhu cầu của Tây mà giá cả lại rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên, nhưng Tây không đồng ý. Phải chăng những yêu cầu của con người đối với vật chất không chỉ đơn thuần là sự thỏa mãn về cảm giác da thịt mà còn là sự thỏa mãn về khía cạnh tinh thần nào đó? Cái cảm giác ấm áp, thiên nhiên và hoa lệ ấy thì gỗ tấm làm sao đem lại được chứ? Và thế là với sự quả quyết của mình, sàn gỗ tự nhiên được lát. Gỗ được mua từ “nơi sản xuất”, ở đó giá rẻ hơn. Cho dù là rẻ thì cũng đã tiêu hết một phần ba số tiền dùng để sửa nhà. Nhưng Tây cũng chẳng hề hối tiếc vì đều này, dù là đi tới đâu, ngồi đâu, nằm đâu, cảm giác đem lại thật thoải mái. Đêm đầu tiên về nhà mới, chính hai vợ chồng đã cùng ân ái trên mặt sàn đó. Sau đó, họ không ân ái như vậy thêm lần nào nữa, đó là đêm đầu tiên, lần đó, cả hai vợ chồng không bận tâm tới điều gì, cảm xúc tự nhiên, hòa với thiên nhiên, cảm giác thật tuyệt vời. Nhưng sau lần ngập nước này em rằng sàn sẽ bị hư hại không thể khắc phục như xưa được nữa. Nếu vậy, họ thực sự không đủ dũng cảm, mà cái chính là không đủ năng lực để làm lại lần nữa. Tiền mua nhà là đi vay ngân hàng, mỗi tháng trả lãi cũng đến năm ngàn. Nói như vậy, với số lương của Quốc hàng tháng trả lãi ngân hàng, cộng với số tiền gửi về quê hàng năm thì chỉ còn lại khoảng bốn mươi ngàn tệ, con số này cũng tương đương với số tiền lương của Tây. Có đôi lúc làm được cuốn sách hay, tiền lương cuối năm cộng thêm tiền thưởng của Tây cũng được đến năm mươi, sáu mươi ngàn tệ, còn nhiều hơn số tiền Quốc kiếm được. Vì Quốc còn lo trả tiền lãi ngân hàng, nên tiền tiêu hàng ngày do Tiểu Tây chi trả, nếu phải chi việc lớn thì cả hai cùng đóng góp. Bây giờ làm lại sàn gỗ, một khoản chi lớn thế, Quốc chắc chắn không chi rồi. Mà nếu không phải vì tiền thì cũng vì sợ những sự cố như việc ngập nước này xảy ra. Tiểu Tây nghĩ kỹ rồi, nếu người nhà Quốc còn tới đây ở nhờ, những việc như thế này chắc chắn còn xảy ra; mà người nhà của Quốc thì khẳng định sẽ còn tới đây ở nhiều!

Về đến văn phòng, trưởng phòng phát hành đang chờ sẵn hai người. Vì đi vội quá nên cả hai quên không mang theo điện thoại. Không đợi anh nói, Tây liền thông báo luôn việc tác giả không đồng ý đổi tên sách, Tây đoán rằng anh cũng tới đây vì vấn đề này. Bởi con người này thường ngày không có việc gì lớn thì cũng chẳng tới đây bao giờ, mà trước mắt thì việc lớn duy nhất chính là cuốn sách của Trần Lãm. Mọi người đều cho rằng đây sẽ là cuốn sách bán chạy, mà sách bán chạy vào thời điểm này chính là nguồn sống của các nhà xuất bản. Quả nhiên, Tây đoán không sai, trưởng phòng phát hành đến chính là vì việc này. Khi biết tác giả không đồng ý, anh ta trợn trừng mắt nói: “Bảo với cô ta là cùng nội dung nhưng nếu lấy tên là “Ba năm tôi được trai bao” thì bán được bảy mươi nghìn bản, nếu là “Nhân tỉ hoàng hoa” chỉ được năm nghìn bản thôi!” Nghe đến đó, hai mắt Tây cũng trợn tròn lên, thậm chí còn tròn to hơn cả mắt của trưởng phòng. Bảy mươi nghìn và năm nghìn, sao lại có sự khác biệt đến thế chứ? Trưởng phòng bồi thêm: “Thử nghĩ xem, bảy mươi nghìn bản - thậm chí còn hơn thế - và năm nghìn bản, tiền thưởng cuối năm của hai em sẽ được bao nhiêu. Thuyết phục chị ta chẳng phải cũng vì hai em sao!” Câu nói hết sức thuyết phục và hấp dẫn ấy vừa thốt ra, anh ta liền đi khỏi, để mặc Tây và Giai hai người cùng gặm nhấm dư âm còn lại.

Trưởng phòng phát hành đi khỏi, Giai liền ngồi trước máy tính tiếp tục làm việc như người chẳng liên quan khiến cho Tây thấy không bằng lòng. “Cho dù bạn không để ý tới những gì trưởng phòng nói thì cũng không thể thờ ơ với tiền thế chứ, đằng sau bạn là cả một ngân hàng tài trợ hả.” Bỏ qua các vấn đề khác, cứ cho là lần này Giai và Đoạn thực sự chấm hết thì Giai vẫn còn có nhà, có xe, có bao nhiêu vàng bạc mà Đoạn tặng Giai suốt sáu năm yêu nhau, so với một người có tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành đang “hot”, mỗi năm số tiền kiếm được cũng chỉ mua đủ cái vô lăng chiếc xe Giai lái. Lúc này, Tây vẫn chưa biết rằng, Giai đã trả hết nhà cửa và xe cho Đoạn, trả ngay trong ngày Valentine ấy. Khi biết Đoạn không hề có ý định kết hôn với mình, Giai đã trả hết.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác Quốc dắt hai đứa con về quê. Bệnh xơ gan, nói chung không cần chữa trị gì, cứ về nhà điều dưỡng dần. Bố Quốc không về cùng với họ. Mà cũng đúng, khó khăn lắm mới tới đây được, muốn ở lại với con trai thêm mấy ngày cũng có gì là sai. Nhưng điều khiến cả Quốc và Tây bất ngờ là, lần này bố lên không chỉ vì việc bác trai đi khám bệnh mà còn vì muốn bàn bạc với con trai một việc quan trọng hơn thế. Đại khái là bố Quốc thấy việc này cũng hơi quá đáng, khi có mặt bác trai ở đó không tiện nói với con trai, vì sợ nhỡ may bố con có gì đó bất đồng mà lỡ họ nhìn được thì không hay, bố Quốc là người rất trọng sĩ diện. 

Chuyện cụ thể là, ở nhà muốn xây nhà. Tổng số tiền hết khoảng tám mươi nghìn tệ, bố bảo Quốc chi ra sáu mươi nghìn. Trước tiên bố nói rằng: “Quốc à, sau này con cũng có con, bố muốn xây thêm một gian nữa, để sau con có dắt vợ con về cũng có chỗ ăn chỗ ngủ.” Sau đó đề nghị cụ thể. Lần này, Quốc không dám lập tức nói “vâng”. Sáu mươi ngàn, trừ khoản tiền trả nợ ngân hàng và số tiền gửi về quê hàng tháng, phải nửa năm làm việc Quốc mới có được số tiền đó. Thực ra, lâu nay Quốc rất muốn mua một chiếc ô tô nhưng vẫn chưa mua được, vì sao ư? Không có tiền. Nhìn người khác xem, làm gì có ai lương một năm khoảng hai mươi nghìn tệ mà không mua nổi chiếc ô tô chứ? Đương nhiên những lời này làm sao mà nói với bố được. Đạo lý này giống như người không ăn được nói chuyện với người ăn không biết no vậy. Nếu Quốc nói mình không có tiền, chắc chắn bố sẽ hỏi không có tiền mà sống ở nơi tốt thế này ư? Không có tiền mà sao tủ quần áo treo đầy đồ thế? Không có tiền thế tủ lạnh, ti vi, đàn piano không phải là tiền chắc? Quốc biết rất rõ những suy lý trong đầu bố, và càng hiểu rằng bố không thể hiểu nổi nỗi lòng của Quốc. Thực tế thì đây chính là khó khăn lớn nhất của Quốc. 

Quốc không trả lời, mà bố cũng chẳng giục, chỉ từ từ hút thuốc và đợi. Sáu mươi nghìn tệ đâu phải số tiền nhỏ, thế nên Quốc phải suy nghĩ kỹ. Tuy nhiên bất luận Quốc nghĩ như thế nào thì số tiền này nhất định phải chi ra. Trên danh nghĩa là xây nhà cho cả gia đình, nhưng qua lời của bố thì chính là xây nhà cho anh cả. Năm đó cả Quốc và anh cả cùng thi đỗ đại học, nhưng bố mẹ chỉ đủ tiền để nuôi một đứa ăn học, và Quốc được đi học. Ai đi học ai ở nhà được lựa chọn qua bốc thăm, anh cả bốc phải thăm đề “không đi học”, nên đành bỏ dở học hành, cùng cả nhà kiếm tiền cho Quốc ăn học. Khi kết hôn cũng chẳng được ở phòng mới, chỉ sống trong căn nhà cũ cùng vợ con, hai đứa con gái cũng được sinh ra ở đó, thấm thoắt đã gần mười năm. Từ trước tới giờ anh cả chưa một lần than phiền về điều đó, nhưng càng không than phiền thì lòng bố càng nặng trĩu, mu bàn tay hay lòng bàn tay cũng đều là ruột thịt mà!

“Bố - cuối cùng Quốc cũng trả lời một cách chậm rãi - hai năm nữa mới xây nhà có được không?”

“Không được. Đất xây nhà đã lấy rồi, năm nay không xây người ta thu lại đất. Sau này, liệu có xây được không cũng không rõ.”

“Bố, chúng con không cần phòng, chúng con cũng không thể về đó sống.”

“Về hay không là chuyện của cậu, còn xây nhà hay không là chuyện của chúng tôi. Cậu về hỏi mọi người ở thôn xem, có nhà nào không xây nhà cho con trai không?” Sau đó, bố ra lệnh cho Quốc tối nay phải về nói chuyện với vợ và phải quyết định ngay trong đêm nay. Con dâu cũng nói tối nay sẽ về nhà ngủ.

Quốc đợi tới đêm khuya vắng lặng, khi tiếng ngáy của bố đã vang lên mới dám nói chuyện với Tiểu Tây. Quốc sợ rằng sau khi nói, nhỡ may, à không phải nói là chắc chắn chứ, hai vợ chồng sẽ cãi nhau, lúc đó lại phải đứng giữa bố và vợ, Thực sự Quốc còn chẳng dám nghĩ đến tình huống đó. Quốc bắt đầu nói: “Anh có chuyện muốn bàn với em.” Quốc cảm thấy Tây co người lại ra điều không muốn nghe, nhưng vẫn cố tình nói tiếp: “Bố nói, bố muốn xây nhà cho chúng ta.”

“Xây nhà? Cho chúng ta?” Tây không tin nổi vào tai mình nữa, Quốc ôm bờ vai Tây và nói đó là sự thật. 

“Xây ở đâu?”

“Còn ở đâu được nữa.”

Quốc trả lời vu vơ nhưng Tây thì lại nghe rất rõ: “Ở quê hả?… Quá tốt! Như vậy thì từ giờ trở đi, chúng ta sẽ có hai căn nhà, khi nào làm việc thì ở thành phố, lúc rỗi rãi lại về quê…”

“Nhưng nhà xây xong không phải cho mình hết, chỉ cho chúng ta một gian thôi, ở chung với bố, mẹ, anh trai và chị dâu.” Quốc không nỡ để Tây mơ tưởng thêm nữa.

“Một gian cũng tốt, còn hơn là không. Đến mùa hè, chúng ta có thể dẫn các con về quê, ở đó chẳng phải rất mát mẻ sao? Cho bọn trẻ được tiếp xúc với nông thôn, tiếp xúc với thiên nhiên, đừng có giống em, đến củ cải đường cũng không biết là gì.”

Quốc không muốn Tây cứ mơ mộng như vậy nữa vì em rằng “trèo cao thì ngã đau”, nên đành nghiến răng nói thẳng, không vòng vo nữa: “Tiểu Tây, nhưng chúng ta phải bỏ tiền xây nhà.”

Lúc này, Tiểu Tây mới giật mình nhận ra thế nào gọi là nằm mơ giữa ban ngày. Đặc biệt khi biết được tổng số tiền xây nhà hết tám mươi nghìn tệ và hai vợ chồng phải chi sáu mươi nghìn tệ, Tây cảm thấy vô cùng tức giận. “Anh về nói với bố, chúng ta không cần nhà!” Quốc chỉ im lặng bởi sự thực là cần phải nói những gì anh đều đã nói cả nhưng có ích gì đâu. “Không cần cũng không thể! Bố mẹ dựa vào đâu mà yêu cầu thế chứ! Ở Bắc Kinh chúng ta có nhà cửa có công việc, chúng ta có thừa hơi đâu mà về quê xây nhà gì đó chứ? Ăn no dửng mỡ chắc! Hay nhiều tiền quá chẳng biết tiêu đâu cho hết! Xây cái nhà to vật cho cả nhà, hết tám mươi nghìn, bắt chúng ta bỏ ra những sáu mươi nghìn, như thế khác nào bóc lột!” 

“Thì bố mẹ cũng có ý tốt thôi mà, muốn con cháu tụ tập đông vui…” Quốc cố biện minh cho bố mình, nhưng bản thân cũng thấy lời nói không có hiệu lực.

“Đâu chỉ có bố mẹ muốn là được. Cũng cần có ý kiến của chúng ta nữa chứ.”

Quốc cố dùng lại chính lời của Tiểu Tây để thuyết phục “Chúng ta chẳng vừa bàn đấy thôi, đến mùa hè, dẫn các con về đó ở…”

“Anh Quốc!” Tây dằn họng nói “Anh nói mà không nghĩ hả? Tặng với mua khác hẳn nhau đấy! Cái gì được tặng thì dù tốt dù xấu cũng chẳng sao, không tốt vứt quách đi là xong, chẳng tiếc rẻ gì! Còn đồ đi mua thì, xin lỗi, đều phải chính tay mình lựa chọn đến vừa ý mới thôi!”

“Nhưng cả nhà đã tiêu rất nhiều tiền để nuôi anh học đại học. Khi anh học đại học phải xa nhà, mọi việc trong nhà đều do anh trai chị dâu quán xuyến…” Quốc cố năn nỉ.

Những câu như vậy Tây không chỉ nghe một lần. Đúng thế, năm ấy nhận vào, bây giờ phải trả. Được thôi, nếu muốn tính toán, vậy phải tính cho rõ ràng. “Quốc, anh nghe em nói đây, tiền anh cung cấp cho mọi người giờ đã vượt quá số tiền mọi người chu cấp cho anh ăn học. Ngay khi anh mới xin được việc, tháng nào cũng phải gửi tiền về, phải mua đồ về cho mọi người. Anh thử xem lại xem, trong gia đình anh, có đồ điện tử nào mà không phải do anh mua không? Điện thoại cũng do chúng ta lắp!” 

Quốc vẫn nằm im nghe Tây nói, còn Tây cứ tiếp tục nói trong ấm ức: “Bình thường cũng biết nói khoác lắm cơ, kiếm được một đồng thì nói thành mười. Đau đúng không? Cũng sĩ diện phải không? Anh đúng là đứa con làm rạng rỡ mẹ cha mà. Anh cho rằng nói khoác không bị đánh thuế chắc. Thưa ngài, bây giờ thì sáng mắt ra chưa, trên đời này cái gì cũng có cái giá của nó, nói khoác cũng thế thôi! Đi! Anh đi ra nói với bố anh, nói hết sự thật, nói rằng anh kiếm cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nói rằng anh cũng cần tiền để tiêu, anh cũng đang rất khó khăn! Hiện giờ anh vẫn đang nợ ngân hàng mấy trăm nghìn tệ chưa trả được đấy!”

Quốc chỉ biết nằm im, còn Tây trong lòng sục sôi ấm ức. Quả nhiên, Tây chẳng thể trông mong gì vào Quốc, mọi chuyện Tây phải tự ra mặt giải quyết. Thế là, Tây ngồi dậy, bước xuống giường. Quốc cứ tưởng rằng Tây muốn vào toilet hoặc đi uống nước nên chẳng để ý; đến khi thấy Tây mặc thêm áo khoác ngoài mới chợt nhận ra Tây đang định làm gì, hoảng quá bèn nhảy phắt khỏi giường giữ Tây lại. Tiểu Tây cố đẩy anh ra: “Nếu anh không nói với bố thì em nói! Em thà làm người ác còn hơn làm kẻ nghèo!”

“Tây! Tây!” Quốc vội ôm chặt Tây vào lòng “Cẩn thận cái thai!” Lúc này Tây mới đứng yên lại, sau đó òa khóc. Tiếng khóc làm Quốc cũng đau lòng, luống cuống khẽ an ủi trên mái tóc rối bời của vợ: “Để anh nói với bố, em đừng quá lo. Thôi được rồi, đừng quá lo mà…”

Khẽ ngước nhìn lên với khuôn mặt đẫm lệ, Tây khẽ xoa xoa khuôn mặt Quốc hằn rõ sự thống khổ, thổn thức buông lời: “Anh, anh bây giờ như cây cải chưa lớn, họ đã vội hái ăn, vậy còn gì là cải nữa chứ…”

Trưa hôm sau, Tiểu Tây hẹn nhà văn Trần Lãm tới quán trà “Great choice” tại khu Văn Liêu phía tây thành phố Bắc Kinh.

“Great choice” là một quán trà cao cấp, bước vào cửa là một khe nước nhỏ. Hai bên là hai phòng trà, một bên có cửa một bên không. Bên phòng không có cửa treo một tấm rèm bằng những hạt pha lê tạo cảm giác mờ ảo. Những ai tới nơi này đều mong có sự yên tĩnh vì thế đều chọn bên phòng có khóa, mỗi gian một khóa riêng; còn những ai muốn có quang cảnh sẽ chọn bên không cửa, từ bên trong có thể ngắm nhìn khe nước qua tấm rèm pha lê kỳ ảo, có gì đó thật giống câu thơ “Mỹ nhân quyên quyên cách thu thủy”. Trước đây, Tây đã từng tới nơi này với Giai và Khải Đoạn, vừa tới đã cảm thấy rất thích, lúc đó Tây thầm nghĩ sau này nếu có cơ hội hoặc khi cần thiết sẽ dẫn mọi người tới đây. Bởi thế nên Tây thầm để ý, tất nhiên cái mà để ý chính là giá cả ở đây. Nhưng đúng là không để ý thì thôi, chứ nếu để ý thì không thể không giật mình vì giá ở đây, ba người ngồi đây một giờ hết năm trăm tệ! Chỉ vậy thôi đã đủ để xóa tan cái ý đồ lúc nãy, chính xác hơn là xóa tan cái ý định đãi ai đó ở đây vốn có trong đầu Tây lúc nãy. Thế nhưng lần này Tây quyết tâm sẽ đãi nhà văn Trần ở đây. Bởi Tây nhất định phải cố gắng thuyết phục nhà văn về cái tên “Ba năm tôi được trai bao” hay “Nhân tỉ hoàng hoa”, đó là vấn đề giữa bảy mươi nghìn tệ hay năm nghìn tệ. Nhà văn Trần là một người giàu có độc thân, là một nữ văn sĩ, nên chị yêu cầu khá cao với giá trị của cuộc sống, vì thế không thể mời chị ấy tới nơi nào tầm thường để đàm phán được bởi như thể không thể hiện hết được sự tôn trọng và thành ý với chị. Chi tiền thì đương nhiên rồi, nhưng đúng như cái tên của quán cà phê này, Great choice, muốn có được “Choice” - cơ hội lựa chọn lớn thì phải đành lòng chi lớn - “Great”. Hôm đó, Tây phải tiêu hết năm trăm tệ, như thế mới có hy vọng thu lại năm nghìn hoặc năm mươi nghìn tệ. Cũng như người nông dân vậy, nếu không trồng cây sao có ngày hái quả? Lúc này Tây phải chi tiền là chính đáng nhất.

Tối hôm qua, Quốc đã đồng ý với Tây là sẽ nói chuyện với bố. Nhưng liệu có kết quả gì không? Nếu chẳng đem lại kết quả gì thì làm thế nào bây giờ? Chẳng nhẽ vì sáu mươi nghìn tệ này mà Tây phải ly hôn với Quốc sao? Không được, sao thế được chứ? Cho rằng quan hệ về tiền bạc giữa hai vợ chồng hết sức sòng phẳng, nhưng sự sòng phẳng ấy cũng không thể tính toán chi ly từng ly từng tí được… Đúng là một loạt vấn đề. Vấn đề thì nhiều thế đấy, nhưng tựu chung lại cũng chỉ một chữ TIỀN mà ra, à không chính xác là ba chữ KHÔNG CÓ TIỀN. Nếu có tiền thì có còn vấn đề gì đâu. Mà Quốc lúc nào cũng muốn chiều mọi ý muốn của người nhà, phải giải quyết như thế nào đây? Thôi thì đành phải “lấy thân châu chấu mà đá xe” vậy. Tuy nhiên nếu chỉ mình “châu chấu” Quốc ”đá xe” thì chẳng nói làm gì, nhưng đây, có đôi lúc, à không, mà là thường xuyên là cả “châu chấu” Tây cũng phải “đá xe” mới làm cho xe di chuyển được một chút. Có thể nói là, trước khi kết hôn, Tiểu Tây chính là một người thuộc tầng lớp trung lưu độc thân, bao nhiêu tiền kiếm được giữ hết, bố mẹ chẳng cần xu nào, vô tư vô lo, còn giờ sau khi kết hôn thì, đúng là một người nghèo. Tiền của, cuộc sống không chỉ còn là của riêng Tây nữa, sau khi lấy chồng thì đó là cuộc sống chung. Bây giờ lại sắp có con, cứ nghĩ đến tương lai ấy là Tây lạnh cả sống lưng. Tối qua, Tây đã khóc rất nhiều mới ngủ được, sáng hôm sau, Quốc hứa lại một lần nữa sẽ nói chuyện với bố, chỉ qua một đêm mà Quốc như già đi mấy tuổi, thế nên Tây cũng chẳng nỡ giục anh. Trên đường đi làm, Tây hạ quyết tâm hôm nay sẽ phải đi thuyết phục nhà văn Trần, thậm chí là phải thuyết phục cho bằng được.

Tây đặt một khoang bên phòng không có cửa vì Tây nghĩ nhà văn Trần chắc chắn sẽ thích “cảnh trí hữu tình”. Hướng đối mắt nhìn khe nước bên ngoài qua tấm rèm pha lê lấp lánh, Tiểu Tây từ từ kể cho nhà văn Trần về nỗi khổ của mình, về chồng về con - với người như nhà văn Trần thì phải dùng khổ nhục kế như thế này… Nhà văn Trần nghe chuyện lòng cũng trĩu xuống, bèn thở dài quyết định:

“Thôi được rồi, lấy tên “Ba năm tôi được trai bao” đi.”

“Cảm ơn chị!” Lúc ấy, đôi mắt Tây bỗng sáng rực lên.

Nhà văn Trần tự than thở: “Đúng là: Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình.”

“Chị à, đợi đến khi nào cuốn sách này bán được một triệu bản chị sẽ thấy rồng vàng của chị tuyệt thế nào!… Mọi thứ trên thế gian này đều có thể thay đổi, chỉ cần có một cái giá hợp lý mà thôi.”

“Tôi hiểu rồi, cần tiền chẳng cần đến thể diện, mà giữ thể diện thì sẽ chẳng có tiền.” Nhà văn Trần gật đầu than thở “Có điều, nếu đổi tên sách thì tác giả cũng phải đổi tên, cuốn sách này đừng dùng tên tôi.”

“Chị à!” Tiểu Tây thốt lên van nài.

“Đây là quyết định cuối cùng của tôi!” Nhà văn Trần kiên định nói.

“Hay để em thương lượng thêm với bên phòng phát hành”

“Không cần!”

Nước vẫn chảy trong khe bên ngoài tấm rèm đẹp tựa pha lê.