Thời đại kết hôn mới - Chương 03 phần 1

Chương 3

Bố Quốc về quê.

Quốc chuẩn bị cho bố hai túi xách đầy, chủ yếu là quần áo cũ, mà phần lớn là quần áo Tây thu dọn từ nhà mẹ đẻ về. Thực ra quần áo cũ bên nhà mẹ đẻ thì cũng gửi về quê gần hết rồi. Những bộ quần áo đó nói là cũ nhưng cũng không hoàn toàn là cũ, có bộ còn chưa giặt quá hai lần, thế nhưng nếu không cho thì biết làm như thế nào? Mua cái mới đưa bố mang về quê thực không tiện. Ngoài ra còn có một thùng nước ngọt Spite mẹ được bệnh viện cho từ dịp Tết, Tây cũng đem về nhà. Cả nhà không quen uống loại nước này nên cứ nhận về là để ở đó, nếu quá hạn dùng thì bỏ đi. Có hôm Tây nói với mẹ là nếu không ai uống hay là cho đi, nhưng mẹ bảo loại nước này ai người ta thèm lấy? Đã vậy, nếu không cho ai được hay cho bố chồng Tây.

“Bố à? Thùng nước này có mang về không”. Quốc hỏi mà lòng vẫn hy vọng bố sẽ nói không, như vậy Quốc có thể vứt đi, vứt đi một cách nhẹ nhõm, vứt đi ngay trước mặt Tiểu Tây.

“Mang, sao mà không mang? Mang về chia cho mọi người ở quê.”

“Nặng lắm!”

“Nặng gì? Chúng ta cái gì cũng không có, chỉ có mỗi sức khỏe thôi! Đưa bố một cuộn dây thừng bó lại vài vòng là xong!”

Quốc kiếm sợi dây bó thùng nước lại mà trong lòng không khỏi xót xa: Thế này gọi là người nghèo thì tham vọng ít đây.

Còn chuyện sáu mươi nghìn tệ kia đến giờ vẫn chưa thể nói rõ ràng. Quốc vẫn chỉ nói với bố là sẽ bàn cùng vợ; rồi lại nói với vợ rằng sẽ bàn với bố, cả hai bên đều ậm ờ thế. Nhưng cả hai người ấy đều cho Quốc thời hạn cuối cùng là phải nói trước khi bố Quốc về quê, quả thật Quốc không thể làm nổi. Chỉ còn cách để hai người đó gặp nhau, ấy nhưng gặp nhau rồi ắt sẽ đả động tới chuyện này, mà khi đã nói tới chuyện này thì tất yếu là “ba mặt một lời” rồi. Còn Quốc lại rất sợ kiểu “ba mặt một lời” này nên cứ đành mập mờ nước đôi, Quốc bảo Tây không cần đi tiễn bố, Quốc đi một mình là được; rồi lại bảo bố là Tây bận công việc nên không thể đi tiễn bố được.

Thế nhưng Tây quyết tới, định sẽ từ cơ quan về nhà với lý do hết sức hợp lý rằng: bố về quê, con dâu không thể không về tiễn bố. Bố Quốc thấy con dâu vội vàng về tiễn mình thì cũng lấy làm vui lắm, cười tít cả mắt khiến Quốc càng thêm phần lo lắng. Quốc biết, Tây cố ý quay về tiễn bố là vì sao, và càng hiểu niềm vui của bố khi gặp con dâu trước khi về không chỉ vì con dâu tới tiễn mà còn có lý do khác. Cả hai đều không nghĩ đơn giản vậy, cả hai đều đợi đến giây phút cuối này để nói rõ với nhau về câu chuyện sáu mươi nghìn tệ kia.

Họ bắt taxi tới bến xe Bắc Kinh. Tây đề nghị vậy và chủ động trả tiền. Suốt chặng đường, Quốc không khỏi hồi hộp, căng tai lên nghe hai người nói chuyện hệt như lính cứu hỏa đang sốt ruột chờ tin cấp báo. May thay dọc đường đi không có chuyện gì xảy ra. Taxi đỗ ngay trước bến xe, nhưng vẫn phải đi bộ một đoạn, trên đoạn đường đó phải đi qua chiếc cầu vượt ngoài trời dành cho người đi bộ. Lúc qua cầu, Quốc vác trên vai hai bao đồ to cùng với một thùng nước ngọt lại cộng với việc phải leo bậc thang nên mệt lử cả người. Hồi trẻ, mấy thứ đồ này và đoạn đường từng ấy chẳng là gì với Quốc. Giờ thì khác rồi, tim cứ đập thình thịch trong lồng ngực, đúng là ngồi bàn giấy quá lâu rồi nên thế. Bố cũng thương Quốc lắm, bảo Quốc dừng lại uống chút nước, Quốc liền đồng ý. Giá mà biết trước hậu quả của việc dừng lại này, có đánh chết Quốc cũng quyết không dừng lại “một lúc”. Vì trong một lúc ấy, bố chồng nàng dâu đã va chạm với nhau, “chạm mặt chính diện”.

Tây quyết làm rõ cái “chính sách hồ đồ” của bố chồng, bởi Tây hiểu chồng mình nên cố tình tới đây, nếu không Tây đã chẳng bỏ cả công việc từ cơ quan về để tiễn bố chồng, Tây đâu được “thảo hiền” đến thế. Tây đến chính là vì những giây phút cuối này, chính là để nói rõ với bố chồng về khoản tiền sáu mươi ngàn tệ. Trên đường không tiện nói là vì còn người lái xe, Tây chẳng muốn vạch áo cho người xem lưng, suy cho cùng đó là người lạ mà. Nhưng trong lòng vẫn đang ấp ủ chờ cơ hội, đang nghĩ xem bao giờ nên nói và nói như thế nào. Cuối cùng Tây quyết định sẽ nói toàn bộ sự thực. Bước xuống xe taxi Tây đã tìm cơ hội để nói, hai bố con cứ dính lấy nhau như hai đứa trẻ nên Tây chẳng có cơ hội; thêm vào đó là tiếng ô tô rầm rầm bên đường nên càng chẳng tiện nói chuyện. Sau đó lên cầu, bố lại bảo dừng lại nghỉ “một lúc”. Tây cho rằng cơ hội đã đến, đợi Quốc đặt đồ đạc xuống, còn bố ngồi tạm lên thùng nước ngọt nghỉ ngơi cho bớt nóng. Tây tiến tới trước mặt bố, đứng lại và gọi: “Bố!”. Vừa nghe vậy, Quốc biết chuyện lớn sắp xảy ra, bởi đó là tiếng gọi sâu lắng của suy tư, tiếng gọi trịnh trọng nghiêm túc, một tiếng gọi đầy cương quyết. Trước tình thế đó, Quốc bèn níu tay Tây lại, dùng tay ra hiệu cho Tây đừng nói. Nhưng Tây giằng tay Quốc ra, nhìn thẳng vào mắt bố và nói: “Bố, chúng con cảm ơn bố đã xây nhà cho chúng con, nhưng chúng con không cần dùng, xây lên thật lãng phí, chúng con không muốn thế.”

Bố không muốn nói chuyện trực tiếp với con dâu nên quay người lại. Ánh mắt ấy ngập tràn giận dữ khiến mặt Quốc tái mét mặt. Quốc đành nói đỡ lời: “Nói gì vậy, bố mẹ xây nhà sao lại không muốn?”

Bố Quốc gật đầu đồng ý, nhưng Tây chẳng buồn để ý, chỉ liếc Quốc một cái, rồi quay đầu đi thẳng. Những gì cần nói Tây đều đã nói cả, những gì không nói cũng đã kìm nén lại. Quốc đuổi theo Tây, bố thì không quên với theo dặn dò: “Về nhớ dạy dỗ nó. Vợ không dạy là không được, cứ chiều đâm quen, sau lại sinh ra tật xấu, rồi không khéo nó ngồi lên đầu đấy!” Quốc dạ vâng rồi vội chạy mất.

Quốc đuổi kịp Tây ở đầu cầu. Chỗ này cách xa nơi bố đang đứng, không thể nghe được gì nên Quốc mới yên tâm nói với Tây: “Em à, anh xin lỗi… việc này bỏ qua đi, coi như em giữ thể diện cho anh, được không?”.

“Em giữ thể diện cho anh đủ rồi! Dẫn cả một đoàn quân lên tìm mẹ em, không buồn nói trước tiếng nào, mẹ em cũng chẳng nói gì, chạy tới chạy lui dẫn họ đi; thích ở nhà chúng ta, em lập tức dọn đi!”. Quốc liên tục đáp: “Anh biết rồi mà.” Tây vẫn cứ nói: “Anh còn muốn em làm gì nữa?”

“Hay xây căn nhà đó nhé!”

“Tiền đâu ra?”

Quốc chẳng nói lời nào…

Bố Quốc vẫn ngồi trên thùng nước, hai bao đồ dựng bên cạnh, ung dung hút thuốc đợi. Thời gian còn nhiều mà, ban đầu họ định đi xe buýt, sau đó lại đi taxi nên còn nhiều thời gian, cũng đủ để hai bố con nói chuyện. Hút hết điếu thuốc, con trai và con dâu cuối cùng cũng quay lại. Sắc mặt con dâu có vẻ khá hơn, thậm chí là khá tốt. Bố cho rằng như vậy thì tốt rồi nên cũng chẳng nói thêm gì nữa. Thanh niên mà, phạm lỗi là chuyện bình thường. Hai vợ chồng tiến tới trước mặt bố. “Bố”, Tiểu Tây vui vẻ nói “Con và anh Quốc đã bàn với nhau rồi, chúng con không cần xây nhà đó.”

Bố không dám tin vào tai mình nữa, quay sang nhìn con trai, nhưng Quốc chỉ gật đầu. Bố Quốc chuyển từ ngạc nhiên sang giận dữ: “Phòng không cần vẫn phải đóng tiền.”

Tiểu Tây cũng giận dữ: “Sao lại thế ạ.”

“Vì sao hả?” Bố Quốc nhấn mạnh từng chữ: “Vì chúng ta sinh ra và nuôi lớn nó! Nó và anh trai cùng thi đỗ đại học nhưng chỉ mình nó được đi học! Cả nhà phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi nó đấy! Giờ nó thành đạt, vào thành phố sống, có tiền có thể bỏ rơi cha mẹ đẻ không?”

“Anh ý đâu có ý bỏ rơi bố mẹ, bố mẹ muốn anh ý báo đáp thế nào nữa… Bố, bố mẹ yêu cầu quá nhiều, thực sự vượt quá khả năng của bọn con!”

Bố Quốc chẳng buồn nói chuyện với con dâu nữa, không đáng để nói chuyện với con dâu, như thế là hạ thấp mình. Ông quay sang nói chuyện với con trai. “Bố”, Quốc nói với bố đầy khó khăn nhưng cũng rất rành mạch: “Bố, con, chúng con hiện giờ thực sự rất khó khăn…”

Bố Quốc giận run người: “Mày, thằng con này, đúng là phí công nuôi dưỡng rồi.”

“Thế nuôi anh ý xong là để ăn thịt anh ấy chắc, anh Quốc là lợn hay là gà chứ?”. Tiểu Tây ngang nhiên nói. Nếu cần phải nói chính là lúc ấy, nếu không nói sẽ không bao giờ nói rõ được nữa. “Bố, bố đừng lúc nào cũng lôi chuyện nuôi anh Quốc thế nào, chu cấp cho anh ăn học ra sao, đó chẳng phải là nghĩa vụ tối thiểu của bố mẹ với con cái sao, lẽ ra bố mẹ cũng nên nuôi anh cả ăn học, bố mẹ không thể chu cấp cho anh cả ăn học thì phải tự cảm thấy có lỗi chứ!...”.

Nói về điểm này thì từ trước Quốc có quan điểm giống Tây. Khi nhắc tới anh cả, trong phút chốc ấy, Quốc lại tự thấy lòng mình trĩu nặng cùng một cảm giác áy náy, đồng thời, hình ảnh rõ nét xưa kia lại hiện về trước mắt: trong căn nhà đất, trước cái bếp đất, bố ngồi giữa, hai anh em ngồi hai bên, bên trong là hai mẩu giấy bốc thăm. Bố bảo hai anh em cùng bốc thăm để quyết định ai được đi học đại học, anh trai Quốc bốc trước. Khi anh thò tay ra phía cái bếp để bốc thăm, ánh mắt Quốc dõi theo không rời, bàn tay ấy đang run. Cũng đúng thôi, bởi thăm bốc này quyết định cả cuộc đời mà, còn có gì tàn khốc hơn thế chứ? Anh trai bốc một thăm, cầm một lúc mới dám mở ra, xem xong bèn đưa cho bố, sau đó, anh đi khỏi, chẳng nói lời nào chỉ lẳng lặng cầm cái cuốc ra đồng làm việc. Trên chiếc thăm đó viết hai chữ: “không học”…

Tiểu Tây vẫn tiếp tục nói, nhưng Quốc không còn nghe rõ Tây nói gì nữa, tim đập loạn nhịp, huyết áp tăng, hai tai ù đi. Quốc tới trước mặt Tây, giơ tay tát “bốp” một tiếng rõ ràng vào mặt trong khi Tây vẫn đang liên hồi nói. Trong phút chốc, cả thế giới chợt như yên lặng. Tây đứng chết chân tại chỗ, đôi mắt tràn trong ngạc nhiên, đẫm mùi giận dữ và cả vị khổ đau. Đôi mắt ấy hệt như đứa trẻ luôn tin tưởng người lớn một cách vô điều kiện giờ chợt bị tổn thương. Gió xuân nơi Bắc Kinh đô thị bỗng đâu ùa về thổi bay những chiếc túi ni lông trên mặt đường, trắng, đỏ, xanh…

Hai bố con cùng tiến vào bến xe Bắc Kinh.

Quốc hệt như chú lạc đà vác nặng trên lưng, trước ngực sau lưng đeo hai túi đồ, một tay bê thùng nước, một tay xách túi thức ăn đi đường của bố. Bố Quốc thì đi người không, Quốc quyết không để bố cầm vật gì. Chẳng còn cách nào, ông đành cố đỡ cho con trai gánh nặng của thùng nước hi vọng con nhẹ bớt hơn. Đức hiếu của con khiến bố cảm động, nhưng cũng khiến ông thấy bất an, buồn lòng, ông buồn vì con trai mình. Con dâu thành phố chẳng giống với con dâu ở nông thôn, nói đánh là đánh luôn. Nếu con dâu vì chuyện này mà làm khó con trai, Quốc phải làm như thế nào đây?

Tây bị tát một cái sưng hết một bên má, đỏ ửng lên. Nhà cửa tanh bành, vi tính cũng được dỡ xuống đóng thùng. Giản Giai có khuyên Tây không cần mang theo vi tính nhưng Tây không chịu. Tây gọi điện cho em trai lát tan làm sẽ qua đón mình. Thu dọn xong xuôi, Tây thấy vẫn còn sớm bèn rủ Giai đến bệnh viện. Cái tát còn đau đến mức Tây nói không tròn tiếng. Giai hỏi Tây vì sao phải đến bệnh viện, cứ ở nhà chườm đá là đỡ ngay. Lúc đó Tây mới thú thực mình muốn đến bệnh viện để phá thai. Nghe vây, Giản Giai vô cùng ngạc nhiên, Giai có thể giúp bạn bỏ nhà đi chứ tuyệt đối không thể giúp bạn đi phá thai. Giai không lãnh được trách nhiệm này. Việc này nhất quyết phải thông báo ngay cho Quốc, nhưng trước hết phải làm thế nào đó để Tây bình tĩnh lại. Nhưng làm thế nào đây? Đột nhiên Giai nhớ tới buổi họp báo long trọng ra mắt cuốn sách mới của nhà văn Trần sắp tới. Nhà văn Trần rốt cuộc cũng chấp nhận đề nghị phía nhà xuất bản đổi tên sách và giữ tên tác giả, như thế sách sẽ bán chạy và dễ dàng hơn, trong đó công đầu là của Tây. Sau buổi gặp mặt ở quán Great Choice ấy, Tây còn đến thương lượng thêm ba lần nữa, nói hết lời hết nhẽ, đề nghị, nịnh nọt đủ cả, thậm chí rơi cả nước mắt van xin, nhà văn Trần rút cuộc vẫn là con người với trái tim máu thịt, vì thế cuối cùng đành phải nhận lời. Tây được chọn là người dẫn chương trình trong buổi họp báo ra mắt cuốn sách mới này.

“Bây giờ có muốn làm gì cũng phải nghỉ mất mấy ngày, thế buổi họp báo tính sao đây?” Giản Giai viện cớ “hay thế này, để họp báo xong tính tiếp, cũng chỉ hai ngày thôi chứ mấy.” Lúc này Tây mới thôi khăng khăng. Giai vì thế cũng thở phào nhẹ nhõm, thực tế Giai đang từng bước thực hiện dự định của mình, Giai đoán Tây cả giận mất khôn, cần có người giúp Tây bình tĩnh lại. “Tây à, sao bạn phải bỏ đứa bé đi?” Tây không trả lời. “Không muốn sống với Quốc nữa hả?” Giai tiếp tục hỏi.

“Không phải là không muốn mà là không thể. Không thể sống tiếp nữa, không có cách nào sống tiếp nữa.” Tây giờ mới đáp lời: “Lúc đầu mẹ luôn nói rằng môn đăng hộ đối vô cùng quan trọng, vợ chồng nghèo sinh ra mọi chuyện. Nhưng mình chẳng nghe lời mẹ, luôn ngang ngạnh, đối đầu với mẹ, còn bảo vợ chồng ân ái đâu chỉ ban đêm – nghĩ cho cùng vẫn là ruột thịt mà! Giai à, về lý mà nói, hai người khi kết hôn với nhau thì dựa vào quan hệ của hai người là chính, đúng không? Nếu không kết hôn thì làm gì? Bố mẹ thì tính gì trong đó? Nhưng Quốc thì luôn luôn suy tính cho gia đình của anh ta, mà việc gia đình anh ta thì nhiều không kể xiết. Ban đầu, mình cũng không hiểu vì sao anh ta phải làm thế, bây giờ thì mình đã rõ. Tất cả đều vì nghèo đói, không thì đã chẳng ai bảo vợ chồng nghèo sinh ra mọi chuyện…Bạn thấy đấy, bây giờ đã bắt đầu đánh vợ rồi đấy!”

“Cũng chỉ mới một lần nhỡ tay thôi mà!”

“Đó là tất nhiên trong sự ngẫu nhiên mà thôi! Giai à, bạn biết không? Họ hàng nhà anh ta rất thích đánh vợ, treo lên để đánh, dùng roi da tẩm nước đốt! Có chị bị đánh đến mức toàn thân sần sùi như cóc, mùa hè cũng chẳng dám mặc áo cộc tay…”

Giai nghe chuyện mà nổi hết da gà.

Tiểu Hàng đến trước giờ hẹn, cho dù đã được nghe chị kể qua câu chuyện nhưng tới nơi Hàng vẫn không khỏi ngạc nhiên: trên sàn nhà là hai túi đồ to bự và một chiếc túi xách tay, không phải một chút đồ của người muốn bỏ đi như Hàng vẫn tưởng tượng. Sau đó, Hàng nhìn qua gương mặt vẫn còn sưng ửng đỏ của chị gái. Biết chuyện, Hàng chẳng nói chẳng rằng quay người đi thẳng. Tây vội bảo Giai nhanh đuổi theo giữ em trai lại vì đoán trước nó sẽ tới gặp Quốc, thế nên tuyệt đối không để cho nó đi. 

Giai nghe vậy vội đuổi theo để Tây ở trong nhà vì ban nãy Tây có bảo thấy râm rẩm trong bụng, giờ lại thấy đau hơn. Giai đuổi kịp Hàng ở cầu thang máy. “Hàng à, cậu đừng đổ dầu vào lửa nữa được không, vợ chồng cãi nhau có động tay chút cũng có gì là to tát đâu.”

“Vậy hả! Tát vợ sưng cả mặt mà bảo là “động tay chút”, là “không to tát” hả?”

“Hàng à” Giai vẫn kiên nhân thuyết phục “Cậu là đàn ông nên cậu không hiểu, chị cậu cho đến lúc này vẫn không đành lòng xa Quốc đâu.”

“Sao chị biết?”

“Phụ nữ thường hiểu nhau hơn mà…”

“Phụ nữ không phải ai cũng giống nhau.” Ngừng lại giây lát Hàng khẽ nhìn Giai “Chị tôi là người rõ ràng, đúng là đúng, sai là sai. Chị ấy không giống những cô gái khác, lúc nào cũng giả vờ này nọ, lúc nào cũng diễn kế “cự tuyệt để thử thách” hay “bỏ đi để thử thách”, bên ngoài ra vẻ yêu thương thật lòng, nhưng thực tế thì chẳng khác nào kẻ mưu mô, để có được tình yêu, người ta sẵn sàng đặt mọi áp lực lên người mình yêu, chỉ để đạt được mục đích cuối cùng nào đó.”