Thời đại kết hôn mới - Chương 05 phần 2

Tây đang định đi về, bởi nơi đây hình như không cần đến Tây nữa. Ban đầu định nhờ độc giả để gây tiếng vang, nhưng nay thì không cần nữa rồi vì hiệu quả còn lớn hơn, nhân viên bảo vệ cũng vất vả giữ gìn trật tự hàng lối. Nhìn lại không khí sôi động của buổi ký bán sách một lân nữa, Tây quay gót ra về mà trong lòng vừa trĩu nặng vừa nhẹ nhõm khó tả.

Hôm đó, đúng là ngày hội của phòng phát hành. Trưởng phòng phát hành lật giở tờ báo sáng trên tay, giở tới đúng trang tin liên quan thì cười phá lên. Tin tức về buổi ký bán sách của nhà văn Trần quả thực rất nhiều, trong một buổi chiều chỉ có thể đọc được tiêu đề không thể đọc xuể nội dung bên trong, nào là: Một doanh nhân thành đạt đã mua cuốn “Ba năm tôi được trai bao” một cách thần bí…”Ba năm tôi được trai bao” cháy hàng…Lưu Khải Đoạn thầm yêu Trần Lãm trong nhiều năm…Một cuốn tự truyện thành công…Hai lần được lợi…Thời đại của “bao”… Đọc đến đoạn Trần Lãm được thầm yêu mọi người lại cười phá lên. Chỉ có một người không thể cười, đó là Giản Giai. Giai tới phòng phát hành để bàn chuyện với nhân viên PR. Trong tràng cười vang rộn ấy, có kẻ đột nhiên hỏi rằng chuyện như vậy có thực không nhỉ? Nếu không vì sao Khải Đoạn lại làm thế? Nghe vậy, trưởng phòng phát hành phản đối đầy châm biếm.

“Trần Lãm, một phụ nữ bốn mươi tuổi, thế mà cậu bảo Khải Đoạn yêu cô ta, vô lý!... Nói cho các cậu biết, Khải Đoạn làm vậy là vì chính anh ta!” Nói tới đây, anh ta bỗng dưng lại nhằm đẩy câu chuyện tới cao trào. Giản Giai chợt bất an. Chuyện giữa Giai và Khải Đoạn trong nhà xuất bản này chỉ có Tây biết thôi, Giai cũng đã dặn Tây đừng kể với ai, nhưng bây giờ vẫn thấy lo. Vì Tây đã kể với em trai, chẳng nhẽ lại không kể với người khác. Anh trưởng phòng chờ cho không khí im lặng mới tiếp tục nói: “Tôi đã tính qua rồi, anh ta mua 300 cuốn, mỗi cuốn 28 đồng, tổng cộng chưa đến mười ngàn tệ, thế mà được đăng trên các tờ báo văn hoá, kinh tế còn được chụp ảnh nữa, các cậu bảo thế có đáng không? Nghe vậy, Giai mới thở phào nhẹ nhõm. Mọi người đồng thanh hô “Đáng”, nhưng trưởng phòng vẫn chưa thoả mãn, nói tiếp: “Không phải là đáng mà là RẤT ĐÁNG! Một hành động nhỏ, mà kết quả là, lợi ích gấp đôi.” Nói một cách chính xác thì là gấp ba. Vì Khải Đoạn như vậy còn thể hiện đươc trước mặt người yêu. Đương nhiên là trưởng phòng không biết được điều này. Bình tâm hơn, Giai tiếp tục bàn chuyện với đồng nghiệp, nhưng trưởng phòng lại quay về phía Giai trêu đùa: “này, Giai ơi, ban đầu cả em và Tây đều không đồng ý để anh “BAO”, nếu không BAO có thể bán được nhiều sách thế không? Số lượng bán mới là cái quyết định.”

“Trưởng phòng ơi, không nghe cái người tên Khải Đoạn ấy nói hả, tên sách và nội dung không phù hợp.”

“Đây gọi là kỹ năng bán hàng. Anh ta nói không hợp, em nói hợp, hai bên cùng tranh cãi, mà tranh cãi càng quyết liệt càng tốt. Người mua đương nhiên muốn biết hợp hay không hợp? Và sẽ phải mua một cuốn để xem.”

Mọi người lại phá lên cười, huýt sáo đòi Tiểu Tây và Giản Giai phải khao. Đúng lúc ấy, trưởng phòng chợt nghĩ ra một chuyện, hai tay khua lên hỏi: “Nào nào!.. Ngày hôm qua mỗi người các cậu rủ được mấy người đi, mau báo cáo xem!”

Đương nhiên trưởng phòng không thể hỏi trực tiếp hôm qua ai đã huy động bốn năm chục người đến. Cũng giống như khi nhặt được một khoản tiền, bạn không thể hỏi khoản tiền đó do ai đánh rơi, nếu lỡ ai đó cố tình nhận là của mình, mà bạn lại không chứng minh được nó không phải là của anh ta đánh rơi thì… Nhân viên cấp dưới lần lượt báo cáo số người dẫn tới, người ít nhất là dẫn theo một người, không đạt tới mức quy định tối thiểu của anh ta; còn người dẫn nhiều nhất là tám người, trưởng phòng cũng biểu dương cá nhân đó. Sau đó nghĩ lại anh ta thấy rằng có hỏi thẳng cũng chưa chắc ai đó dám đứng ra nhận. Việc tập hợp người với việc mất tiền là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, vì tiền thì ai cũng có thể đánh mất, không mất cũng có thể nói là mất, chứ tập hợp một lúc bốn năm chục người thì cần phải cực kỳ nhẫn nại mới làm được. Mà suốt cả ngày làm việc cùng nhau, ai có tính nhẫn nại ai không lại chẳng quá rõ. Ở phòng này thực sự không thể tìm nổi ai có khả năng huy động một lúc bốn năm chục người như vậy, kể cả trưởng phòng phát hành cũng chẳng có cái năng lực ấy. Điều duy nhất có thể khẳng định vào lúc này đó là người ấy chắc chắn là người của cơ quan, nếu không anh ta chẳng điên mà đi làm cái việc này. Nhưng anh ta làm mà lại chẳng nói ra, kể cũng kỳ lạ. Có những việc có thể học tập Lôi Phong (Nhân vật thời kỳ trước Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc, một điển hình về cần cù tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội và là tấm gương mình vì mọi người. Lôi Phong đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ và được phong anh hùng), nhưng việc này đâu cần phải thế. Sự việc này luôn nằm trong suy nghĩ của trưởng phòng phát hành, anh tìm mọi cách để tìm cho ra người đó là ai, một người hiếm có ở thế kỷ 21 này, một nhân tài!

Mẹ và Tiểu Hàng đều đã đi làm, bố thì xuống lầu mua báo theo yêu cầu của Tiểu Tây. Báo ngày hôm nay nhất định sẽ có thông tin về buổi họp báo ngày hôm qua, và đó cũng là tin tức mà Tây quan tâm nhất. Trong nhà thật yên tĩnh, một mình Tây ngồi chán chường đợi bố, lâu quá bèn lấy tạm cuốn sách cẩm nang cho người mang thai đọc. Đợi mãi bố mới về, thế nhưng không những không làm Tây thấy vui mà bố còn liên tục lắc đầu than thở: “Cái loại sách này làm sao mà bán chạy được nhỉ.” Rõ ràng bố đã đọc qua tờ báo. “Tây à, nhà xuất bản chỗ con luôn là một đơn vị lớn, là đơn vị cuối cùng rất có uy tín về văn học, sao lại có thể xuất bản loại sách “Ba năm tôi được trai bao” này chứ…”

“Ba ơi! Đừng chỉ nhìn vào cái tiêu đề đó, thực ra nội dung cuốn sách cũng rất hay, bút pháp khá được, có thể nói là một tác phẩm hay, rất cảm động.” Tiểu Tây thiết nghĩ “Đây là cuốn sách hấp dẫn, sách của nhà văn Trần Lãm thì khỏi phải bàn về chất lượng, đợi lát nữa thể nào Giai cũng mang đến đây.”

Chưa dứt lời thì Giản Giai đến mang theo một bó hoa, tay bên kia ôm một túi sách, Giai đến mang theo lời hỏi thăm của lãnh đạo ban: trong trận chiến với Trần Lãm, Tiểu Tây là lính chủ lực không thể thiếu. Khi đôi bạn gặp nhau, tay bắt mặt mừng cùng nói “chúc mừng”, cười cười nói nói, bố Tây đứng bên nhăn mặt nhìn. Tây rất vui khi Giai tới thăm, vì mấy ngày nay Tây ở nhà dưỡng thai thực sự buồn lắm. Tin tức về cuốn “Ba năm tôi được trai bao” lan tràn khắp nơi càng khiến Tây bồn chồn không yên, nhưng lại chẳng dám nói chuyện với bố, Tây và bố không cùng quan điểm đối với vấn đề này. Bố Tây là nhà trí thức sinh ra từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước mà. Giai đến để báo tin vui cho Tây, nhưng khi nghe được tin hôm qua Tây cũng bí mật tới cuộc họp báo, tin vui cũng chẳng cần báo nữa nhưng lại có niềm vui khác: đó là cảm giác cùng nhau chung vui, cùng nhau tận hưởng, rồi lại cùng động viên, chia sẻ với nhau. Khi Tây nói tới Khải Đoạn, một chi tiết quan trọng không thể thiếu trong cuộc họp báo hôm qua, Giai lại không muốn nói, nhất quyết không nói, vì thế từ Khải Đoạn, câu chuyện chuyển sang đội quân cứu hộ hôm trước. Có thể thấy, đây không chỉ là điều trưởng phòng phát hành quan tâm, mà còn là điều cả nhà xuất bản trong đó có Tây và Giai cũng quan tâm: vị đại anh hùng ấy là thần tiên nào nhỉ? Đúng giờ phút quan trọng thì ra tay trợ giúp, không để lại dấu vết, biến mất tăm, đến tên họ cũng chẳng cần để lại. Hia người cùng ngồi phân tích tỉ mỉ, phân tích từ tổng biên tập trở đi, xem xét đi xem xét lại mà chẳng thấy ai có khả năng đó. 

Giai từ cơ quan về thẳng nhà Tây, trước khi ra về Tây mời ở lại ăn cơm nhưng Giai từ chối vì không muốn gặp em trai Tây. Cũng vì việc này mà Giai có phần trách Tiểu Tây: làm sao lại đem lập trường của mình để đánh giá chuyện của bạn, lại còn mang chuyện đó kể cho em trai nữa chứ. Tiểu Tây rõ là không hiểu cho cô. Cứ thực tế mà suy ra. Mặc dù khi Hàng và Giai nói về chuyện này ngữ điệu cũng có khác. Lần đó, Tây cùng Hàng đi giúp Giai tìm nhà khác sau khi trả lại cho Khải Đoạn toàn bộ nhà cửa xe cộ. Căn nhà đó vừa cũ vừa tồi tàn khiến Tiểu Hàng cảm kích vô cùng, cảm kích vì trong thời buổi này mà vẫn còn có cô gái dám vứt bỏ mọi vinh hoa phú quý để đổi lấy một tấm chân tình. Tiểu Hàng cũng đang đau lòng vì chuyện tương tự, người yêu vừa nói lời chia tay với Hàng đúng ngày lễ Valentine. Nguyên nhân thật quá đơn giản: tối hôm đó, bạn gái của người yêu Hàng đi ăn tiệm với người yêu cô ta ở nhà hàng “Outback” hết chín trăm chín mươi tệ, còn Hàng lại mời người yêu đi ăn ở nhà hàng “Da ya li” mà có ăn mãi cũng không hết nổi chín trăm chín mươi tệ. Cũng vì lý do này mà chia tay. Cũng chính vì thế nên hành động của Giản Giai đã khiến Hàng cảm kích vô cùng. Còn Tiểu Tây lại chẳng thể làm gì ngăn cản nổi cảm giác lệch lạc này của Hàng. Em trai Tây vốn là người tôn thờ chủ nghĩa duy mỹ hoá tình yêu, mà cũng vì quan điểm ấy, có lẽ cả đời này Hàng ế vợ mất. Về việc Giai quyết định rời xa Khải Đoạn, Tây cũng chẳng muốn tranh cãi với Giai nữa vì có cãi cũng không để làm gì, thôi thì cứ nói theo thực tế.

Mẹ đi làm về có vẻ rất mệt mỏi, nên vào đến nhà chẳng kịp rửa tay, vừa ngồi lên ghế sô pha là thở dài thườn thượt. Buổi chiều, mẹ thường xuyên khám bệnh, ba tiếng buổi chiều mẹ phải khám cho hơn hai mươi bệnh nhân, trung bình cứ chín phút một người. Thực ra thì thế cũng chưa là gì, mẹ mệt mỏi là vì ông bác và con trai mà hôm trước Quốc đưa đến, hôm nay lại tới. Mà tới cứ như người nhà vậy, đến là chạy ngay tới khu điều trị tìm gặp chị y tá trưởng, sau đó tới tìm ngay mẹ Tây theo sự chỉ dẫn của chị y tá. Đúng là ông bác đó đang bệnh rất nặng, ung thư gan giai đoạn cuối. Sau hôm khám về đã hai lần đi ngoài ra máu, xem ra sống không quá vài ngày nữa. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, hôm nay tới khám bệnh đều là những bệnh nhân mắc bệnh nặng, đều là bệnh nan y cả mà vẫn phải xếp hàng chờ tới lượt. Có bệnh nhân để được khám đã phải xếp hàng bốn, năm tiếng đồng hồ. Để có thể khám được thêm nhiều bệnh nhân hơn, mẹ Tây đã phải cố gắng tận dụng thời gian tối đa, không dám nói thêm câu nào thừa ngoài những lời chỉ dẫn bệnh. Mà bệnh nhân của bà cũng toàn người ngoại tỉnh, họ phải chi trả rất nhiều tiền cho việc ăn ở, điều này thật chẳng đơn giản với họ. Lẽ ra, bà cũng có thể nói chuyện nhiều hơn với họ, muốn được an ủi họ, nhưng bà không thể làm thế vì không có thời gian. Thế mà cái ông bác tận thôn họ Hà gì đó kia, xông thẳng vào, thậm chí còn quấy rầy bà đến gần hai mươi phút. Y tá trực cũng đã ngăn ông ta nhưng ông ta vẫn ngang nhiên tuyên bố trước mặt bao nhiêu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang đứng chật ở hành lang rằng ông ta là “người nhà của bác sỹ Lã”. Làm thế không những làm bà mất mặt mà còn ảnh hưởng tới danh dự của toàn thể nhân viên trong bệnh viện. Chưa nói tới ông ta chẳng phải là người nhà, mà cho dù là người nhà, là bố mẹ ruột thịt, khi chen ngang như vậy cũng phải cảm thấy có chút gì ngại, phải cảm thấy xấu hổ chứ? Đây,… không những không xấu hổ, thậm chí còn vô cùng tự hào, đúng là trắng đen lẫn lộn, chẳng biết lịch sự là gì! Đương nhiên bà vẫn khám bệnh cho họ, vì không thể đuổi những bệnh nhân sắp chết này ra khỏi phòng khám. Thế nhưng trong lòng cũng không tránh khỏi bực mình. Thiết nghĩ, chắc họ đã tới tìm Quốc, nếu không những người như bọn họ dựa vào cái gì mà dám trực diện tới gặp thế này. Họ dựa vào mối quan hệ khăng khít giữa Quốc và Tây, bố Quốc và người nhà thì đương nhiên không dám tới gặp mẹ Tây rồi, nhưng họ hàng của họ thì “dám quá đi chứ”, thế nên họ mới tới thẳng đây, và chắc họ cũng đoán rằng bà sẽ không đuổi họ ra khỏi phòng nên mới dám làm vậy! Càng nghĩ, mẹ Tây càng thấy bực mình, càng tức giận, nhưng bà không thể trút giận lên Tây như trước nữa. Một là lần này Tây đâu có sai, hai là Tây đang phải dưỡng thai. Thế nên đành phải nuốt cục tức này vào trong.

Mẹ vừa về đến nhà Tây đã nhận ra ngay sự mệt mỏi của mẹ. Nhưng vì không biết chuyện nên Tây vẫn chủ động tới hỏi thăm, nghĩ là làm, Tây cầm cuốn sách mới ra tới khoe mẹ: “Mẹ, mẹ xem này, sách chúng con làm đấy, mới được xuất bản!”

Mẹ Tây liếc qua bìa sách rồi chau mày: “Đây là sách các con làm hả?... Được bao ba năm mà còn dám viết ra hả, thật vô duyên, chẳng biết còn gì vô duyên hơn không?”

“Không hẳn thế, ngoại trừ cái tên vô duyên ra, nội dung cũng được lắm. Bút pháp của nhà văn Trần Lãm này rất hấp dẫn, nội dung đặc sắc, chỉ tiếc cái tên hơi dung tục quá.” Bố Tây cầm một cuốn sách trong số sách Giai mang tới và đọc từ lúc đó, giờ mới có dịp lên tiếng.

Chẳng buồn để ý lời khen của chồng, mẹ Tây vẫn không thích cuốn sách, nói chính xác là không còn sức để thích thú nữa. mẹ đứng dậy đi vào buồng tắm rồi nói vọng ra: “Nhanh rửa tay rồi ăn cơm thôi, tối nay tôi còn phải tới bệnh viện có chút việc.”

Lúc này, bố Tây mới chợt nhớ ra cơm nước chưa xong vì mải đọc sách quá. Vội vàng dặt cuốn sách xuống vào bếp nấu cơm, thấy vật, cơn giận trong lòng mẹ lại bùng lên: “Vẫn chưa nấu cơm à? Cả ngày trời ông ở nhà làm gì?”

“Nhanh thôi mà! Bà không chờ được một lúc à?” Bố Tây vừa nói vừa vội vàng nấu cơm.

“Nhưng tôi đói, tôi mệt rồi, tôi muốn về nhà là được ăn cơm, thế là quá đáng lắm hả?”

Tây thấy mẹ có phần hơi quá đáng. Lý thuyết mà nói là nam nữ bình đẳng. Bố Tây đã nghỉ hưu cũng nên làm chút việc vặt giúp mẹ. Nhưng lý thuyết và thực tế là hoàn toàn khác nhau. Bố làm được như thế này là cố gắng lắm rồi, trước đây dù gì bố cũng là một giáo sư, bây giờ lại suốt ngày cắm mặt vào bếp, bận bịu với những việc nội trợ không tên này. Chắc trong lòng ông cũng không thoải mái. Nghĩ thế, Tây nói luôn: “Mẹ à, con nghĩ là về chuyện này mẹ cũng không đúng lắm…”

“Tôi không đúng?” Mẹ Tây quát ầm lên, và nói hết ra những chuyện bực mình ban chiều. Nói ra rồi lại càng bực mình hơn, Tây thì chẳng thể giận giữ. Bình tĩnh hơn, mẹ nói: “Tây! Chuyện của bố mẹ con đừng có can thiệp nữa. Ngoài ra, mẹ cũng hy vọng con giải quyết cho xong chuyện của con và Quốc đi.”

“Chuyện của con với Quốc thì có gì mà phải giải quyết? Chia tay là xong…”

“Linh tinh…” Bố Tây nghe thấy bèn nói.

“Sao lại “linh tinh” ạ?” Tây cố cãi. Bố chau mày chẳng buồn nói nữa. Mẹ lại hỏi “Phá mười ngôi chùa chẳng bằng huỷ một cuộc hôn nhân, đúng không?” Bố vẫn không nói thêm lời nào. Thực ra mẹ cũng phản đối Tây ly hôn, vì Tây sắp sinh con, bà không muốn đứa bé vừa sinh ra đã không có bố, nhưng bà càng phản đối hơn việc Tây lấy Quốc. Ban đầu, nếu không phải vì bố Tây ra sức ủng hộ, Tây và Quốc sẽ không có bi kịch ngày hôm nay. Bố vẫn không nói gì. Ông càng không nói, mẹ Tây càng thêm bực mình. Thế là bao nhiêu tức giận không trút được lên con gái, bà trút cả lên đầu chồng. “Ông nói gì đi chứ! Sao im lặng thế?... Lúc đầu, nếu không phải vì ông “tốt bụng” thì chúng nó đâu có ngày hôm nay, ông vẫn chẳng chịu trách nhiệm gì, vẫn đặt mọi gánh nặng trong nhà, ngoài nhà lên vai tôi. Ông nói đi, mấy năm nghỉ hưu này ở nhà ông định làm gì đây? Tận bây giờ ông cũng chưa nấu cho tôi được bữa cơm. Ông!” Đang nói chuyện hôn nhân của con gái lại móc ngay sang chuyện nấu nướng. Về nhà rồi thì phụ nữ trí thức cũng như phụ nữ bình thường khác, chẳng biết lô gic là gì nữa. “… Đợi đến lúc nghỉ hưu rồi tôi sẽ nấu cơm cho bố con ông ăn! Có lúc tôi mệt đến thở chẳng ra hơi, đêm đến thức dậy mấy lần vì lo lắng, ông có biết không? Tôi sắp chết vì mệt đây, ông có biết không?” Cổ họng nghẹn lại, mẹ chẳng nói được nữa, và cũng không muốn bật khóc trước mặt mọi người, bèn quay vào phòng đọc và đóng cửa đánh “rầm” một tiếng…

Tây quyết định về nhà. Về lúc tối khuya, Tây muốn về để nói rõ mọi chuyện với Quốc. Những cái khác Tây chẳng để ý, nhưng căn hộ thì Tây phải sở hữu. Một mình anh ngủ đâu chẳng được, nhưng Tây thì khác, Tây đang mang thai, Quốc không muốn Tây mang đứa con của anh mà cứ ở nhà bố mẹ suốt, Quốc cũng không muốn ly hôn rồi Tây về làm phiền bố mẹ đẻ!

Khi Tây về nhà, Quốc vẫn chưa về, chẳng biết Quốc làm thêm hay đang hẹn hò với ai nữa. Mà Quốc có hẹn với ai cũng chẳng liên quan đến Tây. Nhưng, thực ra lúc này đây Quốc nên về nhà, về để nói rõ mọi chuyện với Tây. Tây gọi điện cho Quốc, đúng lúc đang cầm ống nghe điện thoại đặt gần cửa trên cao mấy feet (tương đương 0,3048 mét), Tây đột nhiên nhìn thấy bên cạnh là một chồng sách xếp cao, tựa đề cuốn sách là “Ba năm tôi được trai bao”.