Thời đại kết hôn mới - Chương 09 phần 2

Ba người cùng ngồi vào bàn ăn.

Thức ăn thừa dù có khéo làm đến đâu vẫn nhận ra là thức ăn thừa. Tây đã nhịn không nói ra, nhưng giờ không thể nhịn nổi nữa, đập đũa xuống bàn quát: “Anh Quốc, anh có ý gì đấy hả?”

“Anh không biết Giai đến… em không nói mà…”

Giai nghe vậy quay sang nhìn Tây, chẳng phải Tây nói Quốc mời Giai đến sao? Tây không dám quay sang nhìn bạn, càng giận Quốc hơn. “Trong điện thoại anh nói là mời em ăn một bữa thịnh soạn cơ mà?”

“Thế này chẳng nhẽ chưa đủ thịnh soạn sao? Tôm cua cá thịt cái gì cũng có.”

“Còn dặn em không phải mua gì nữa. Anh định nhờ em ăn thức ăn thừa hộ anh hả!”

Tây chẳng còn mặt mũi nào nhìn Giai đành trút giận sang Quốc coi như cách để xin lỗi Giai: “Đây toàn là do anh đi ăn hàng thừa mang về đúng không? Không biết đã dính nước bọt của bao nhiêu người nữa, đấy là không biết có ai mắc bệnh viêm gan B không nữa!”

“Đều được giải độc qua lò vi song hết rồi.”

Giai vội can: “Tây à, anh Quốc không sai, báo chí vẫn khuyên thức ăn thừa nên gói vào đấy thôi.”

Tây càng chẳng dám nhìn Giai, chỉ ước lúc này có cái lỗ nào để chui xuống. Nếu ở nhà có tiệc thật thì coi như Tây nói dối trót lọt, coi như là bữa ăn đó chuẩn bị cho Giai, đó sẽ là lời nói dối vô hại. Giờ thì hay rồi, mãi mới mời được người ta đến nhà, thế mà trên bàn lại toàn đồ ăn thừa. Ăn đồ ăn thừa là thói quen của Quốc. Bình thường có thừa một thìa canh cũng không đổ đi, phải để lại cho bữa sau. Nếu không để lại thì húp hết luôn lúc đó, dù căng bụng vẫn cứ húp vì sợ lãng phí. Nói ra thì Quốc lại khăng khăng rằng sợ lãng phí có gì là sai đâu? Vấn đề là ở chỗ, Quốc đã ăn no rồi, nếu ăn tiếp thì thở cũng chẳng nổi, không khéo còn đau bụng. Có lần ăn no quá Quốc còn bị nôn hết ra, phải tới bệnh viện khám hết 500 tệ! Tây chán chẳng buồn nói với Quốc nữa liền cầm đĩa thức ăn thừa dồn vào một góc và nói: “Đồ ăn thừa không ăn được. Bây giờ báo chí nói rồi không nên ăn đồ ăn thừa, có rất nhiều chất Nitrite trong đó…”

Quốc lập tức phản đối: “Không thể cái gì cũng tin ở báo chí. Hôm nay thì nói ngủ quay đầu về hướng Đông là tốt, mai lại bảo hướng Tây tốt hơn, hôm sau nữa lại nói hướng Bắc, đến ít hôm nữa em xem xem thể nào cũng bảo hướng Nam là tốt nhất! Nếu cứ nghe báo nói, chúng ta nên lắp cái giường xoay tròn!”

Tây quay sang cười nhạt với Giai: “Bạn thấy chưa? Cái con người này thật chẳng hiểu biết gì.”

Giai nói với Quốc: “Rau thừa thì không nên ăn vì thực sự có chất Nitrite trong đó.” Để dàn hòa, Giai lại quay sang nói với Tây “nhưng thức ăn có Protein thì không sao mà…”

Quốc vẫn chưa chịu thôi “Rau cũng không sao! Ở quê anh xóm nào, nhà nào cũng vậy, đời này qua đời khác ăn thế có sao đâu, trưa ăn thừa tối ăn lại, tối ăn thừa sáng sau ăn lại cũng chẳng thấy ai chết vì ngộ độc cả.”

“Người ở thôn anh hả? Đừng lấy mấy người ở thôn anh ra mà nói còn tốt hơn! Cả thôn anh đều là ví dụ điển hình của sự phản khoa học! Không phải bệnh này thì lại bệnh khác, tuổi thọ trung bình mới khoảng năm mươi mà cũng khoe.”

“Được, vậy anh không nói thôn anh nữa, thôn anh nghèo, lạc hậu, người nghèo thì không có quyền ăn quyền nói. Chúng ta lấy người giàu làm ví dụ nhé, Hàn Quốc, người Hàn Quốc giàu có đúng không? Thức ăn của người Hàn Quốc thì sao? Kim chi. Kim chi là món gì? Đều là các thành phần lên men, so với rau thừa thì có gì khác hả?”

Lúc đó, Tây không nghĩ ra được lời nào để bác lại, Quốc thấy vậy cười đắc ý, cầm đũa gắp một miếng thật to cho vào mồm. Tây bèn kéo Giai đi, nói là đi ra ngoài ăn. Đứng giữa hai vợ chồng Giai thực sự rất khó xử, đi không được mà ở lại cũng không xong.

“Cô ấy bảo em đi, em cứ đi đi! Quốc liếc nhìn Tây một cái rồi quay sang nói với Giai.

Giai cố dàn hoà thêm: “Anh cũng đừng bực quá! Nói thật trong chuyện này em thấy anh cũng không đúng mà.”

“Anh có gì không đúng?”

“Anh có thói quen sống của anh, Tây cũng có thói quen sống của Tây. Nếu quả thực kinh tế không mạnh, chúng ta cũng nên tiết kiệm chút, nhưng tình hình hiện nay của hai người đâu đến mức đó.”

“Vì thế nên cần lãng phí hả?”

Tây nói với Giai: “Anh ấy là thế đây, nói không lại là quay sang chủ đề khác.” Rồi quay sang nói với Quốc: “Nếu anh muốn biến dạ dày mình thành thùng rác thì cứ việc, còn em không thích!”

Giai lại khuyên: “Thôi, bạn nhịn một câu đi!”, rồi lại quay sang Quốc nói: “ Không phải em bảo anh nên lãng phí, anh nghĩ xem một người cả đời được ăn bao nhiêu bữa cơm chứ? Ăn một bữa bớt một bữa, vậy vì sao không tự hưởng thụ chút đi. Em nghĩ rằng nếu có điều kiện con người nên học cách hưởng thụ cuộc sống.” 

Quốc vẫn cố nhét đầy mồm thức ăn thừa: “Hưởng thụ cuộc sống cần gì phải học? Đợi khi nào anh có nhiều tiền tiêu không xuể đã…”

Tây bực mình quá nói luôn: “… Đi ăn tào phớ đi, mua hai bát, ăn một bát đổ một bát!” Quốc tức quá chẳng nói nên lời. Giai nhân cơ hội này đứng dậy xin phép về, Tây vội đuổi theo sau. 

“Giai à, bạn cho mình giải thích…”

“Không sao, không sao mà, chỉ là bữa cơm thôi mà.”

Giai vốn không định để Tây giải thích. Vì nếu để Tây giải thích, Tây sẽ phải nói sao đây? Về đến nhà, Tây lại quát ầm lên với Quốc: “Anh biết không, khó khăn lắm em mới mời được Giai đến đây ăn cơm. Em định nhân cơ hội này làm lành với nó, kết quả thì sao, đều là tại anh đấy!...”

Quốc chẳng nói gì, mặc cho Tây quát tháo. Trong lòng Quốc cũng thấy buồn vô cùng vì bộn bề hiểu lầm trong quan hệ giữa hai người đó. 

Chị gái phải về quê ăn tết khiến Hàng thấy hơi tiếc. Không phải là vì Hàng xót chị, Hàng với Tây vẫn chưa làm lành từ chuyện của Giai. Điều khiến Hàng thấy tiếc là, họ, mà chủ yếu là Quốc, nếu không về quê ăn tết mà về nhà, thì ít nhất vấn đề cơm nước của cả nhà tết này đã được giải quyết, anh rể rất giỏi chuyện này mà. Nhà ăn ngày tết đâu có làm việc, bố mẹ Tây cũng đang đau đầu vì chuyện này, và cũng vì thế mà cãi nhau. Dù là tết, hàng ngày mẹ vẫn phải tới bệnh viện khám bệnh, về nhà chỉ mong được nghỉ ngơi. Còn bố thì không biết nấu nướng gì. Không phải bố không thử học, nhưng kết quả là thành công một nửa, mà không, đến “một nửa” cũng không nổi. Món ăn bố nấu thực sự rất khó ăn, lại còn làm loạn hết nhà bếp lên nữa, nồi niêu dao dĩa la liệt khắp bếp. Khắp mặt đất chẳng còn chỗ để đi, nấu cơm xong thì Hàng với mẹ lại phải đi theo dọn dẹp. Về khoản này Hàng phục anh rể vô cùng, cùng là đàn ông sao anh rể lại có thể làm được thế không biết? Nói ngay như chiều nay, hai vợ chồng anh chị về chào cả nhà, lúc về đã hơn 5 giờ, thế mà một mình anh vào bếp loáng cái 6 giờ đã xong đúng giờ cơm. Cơm canh đúng bốn món. Vào bếp xem không những không lộn xộn đồ nấu mà thậm chí còn gọn gàng hơn cả lúc trước khi anh rể vào. Hàng không biết nấu nướng và cũng không thích nấu, có lẽ đây là gen di truyền từ bố mẹ. Nhưng Hàng lại thích ăn ngon, có vẻ cũng được một nửa trình độ của chuyên gia ẩm thực. Đi ăn với bạn bè toàn do Hàng thử món ăn, Hàng thử món thì đúng là tiền nào của nấy. Cũng vì để thử nên Hàng được ăn vô số món ăn mà lẽ ra không dễ được ăn. Biết thử món kể ra cũng là cái tài.

Lúc này, anh rể đang rửa bát trong bếp để cả nhà ngồi nói chuyện ở phòng khách. Chị sắp đi rồi mà. Cho dù ở ngoài mẹ là một chuyên gia rất có uy, lời nói đầy trọng lượng, nhưng khi về đến nhà, bản năng “người mẹ” lại hiện hữu, mẹ tất bật suốt vì chuyện chị phải về quê. Tìm mua cả đống thuốc, dặn dò tỉ mỉ: Berberine, rất cần thiết, ăn uống cũng phải cẩn thận, phải giữ gìn vệ sinh. Viên sủi Vitamin C dùng khi mới bị cảm, nhưng nếu sốt thì phải tới bệnh viện, nếu không có bệnh viện thì phải tới trạm xá, xét nghiệm máu, truyền dịch. Dầu gió cũng cần mang theo, đến nhà chồng chẳng nhẽ không làm gì, điều kiện còn thiếu thốn, nếu tay bị lạnh thì bôi vào…

Hàng nghe mẹ dặn gạt đi: “Mẹ, chị về nhà chồng ăn tết mà, nghe mẹ nói như tiễn con đi trường chinh ý.”

Tây liếc nhìn vào bếp rồi khẽ dặn: “Nói bé thôi, đừng để anh rể nghe được!”

Mẹ Tây lại thở dài: “Đúng rồi. Họ quanh năm ngày tháng vất vả ở đó, con cũng nên về ăn tết, có vấn đề gì đâu. Chuẩn bị là chuẩn bị vậy, chứ cũng đừng có mà tiểu thư quá.”

Bố Tây quay vào bếp gọi lớn: “Quốc, ngày mai các con phải đi tàu hôm nay tranh thủ về nghỉ sớm đi. Cứ để đấy.”

Nghe thấy vậy, Quốc cười, nói vọng từ trong bếp ra là sắp thu dọn xong rồi. Mẹ Tây đưa ra một giỏ mứt hoa quả bảo đây là Hàng mua về nhà “đem về chia cho bọn trẻ con. Nhà đấy nhiều trẻ con.” Tây lập tức nhận, kêu nhiều thế rồi đặt xuống đất chẳng buồn xem. Mẹ Tây chau mày nhìn Tây, rồi lại mang ra một túi to khác: “Đây là số quần áo ở nhà không mặc hết, đều khá mới cả đấy.” Tây luôn miệng từ chối: nhiều quá, không mang hết được! Còn Quốc vội cúi xuống nhận túi đồ: “Con cảm ơn”. Tây đần cả mặt chẳng biết nói gì. Mẹ Tây nhìn Tây rồi lại quay sang nói với con trai: “Hàng! Con tiễn anh chị đi” Hàng nói: “Không cần thế, mai con tiễn anh chị ra bến xe mang ra luôn thể. Giờ con không muốn đi, cả ngày nay bận rộn suốt ở công trường rồi.”

Quốc vội nói: “Không cần đâu, có tí đồ thế này không cần phải chở. Những đồ này tối nay con mang về luôn, còn phải đóng gói nữa.”

Tây nói: “Nhưng ngày mai em nhất định đưa anh chị đi nhé! Em phải đi đấy, nếu không anh chị không đi nổi đâu. Số đồ đạc của anh chị đủ để mở một siêu thị nhỏ đấy!”.

Taxi đỗ tại khu đô thị, Tây và Quốc dỡ đồ xuống xe, phân công Quốc dỡ đồ còn Tây đứng trông đồ, chỉ trông thôi đã khó chịu. 

“Mãi mới được nghỉ tết mà còn mệt hơn cả đi làm. Lê từng bước nặng nhọc trên chặng đường dài hết tàu hoả lại ô tô, cái này không phải là đón tết mà là qua cửa ải. Đúng là qua cửa ải nhận tội, hơn nữa là tiêu tiền để mua tội.” Quốc chẳng nói gì, mặc cho Tây lải nhải. Thực tế Quốc đã được lợi thì trong lời nói cũng phải nhường Tây chút chứ. Nếu không như vậy thì quan hệ vợ chồng sao cân bằng được. Tây vẫn tiếp tục lải nhải: “Anh nói xem, chính phủ vẫn nói nước ta đang hội nhập mọi nơi, sao không hội nhập luôn cái phong tục tết này đi. Như nước Mỹ ấy, bố mẹ nuôi con đến mười tám tuổi, sau đó bye bye, chẳng ai nợ ai nữa. Nếu nhớ thì tới thăm nhau, có việc thì ai nấy lo. Sẽ chẳng có ai vì những chuyện thế này mà trách người ta không có tình người, là bất hiếu... Ngày xưa còn tốt hơn bây giờ, ngày xưa còn tuyên dương “con có hiếu”, con cái mà có hiếu với cha mẹ được tuyên dương làm quan. Còn chúng ta bây giờ thì sao, cả hai đều không được! Bây giờ, hiện đại thì chẳng bằng Mỹ, mà truyền thống thì chẳng được như xưa…”

Quốc vẫn chẳng nói gì, nên Tây nói chỉ để mình nghe. Giờ Quốc áp dụng chính sách “không nói”.

Ngày hôm ấy, Hàng lái xe đưa anh chị ra bến xe, cốp phía sau chất đầy hành lý, vẫn còn một ít không nhét hết nên để ở ghế sau xe. Suốt đường đèn đỏ, đi mãi mới được nửa đường, đột nhiên Tây hét to lên là quên chứng minh thư ở trong ngăn kéo bàn ở cơ quan. Hai vợ chồng mua vé giường nằm, mà vé giường nằm thì cần phải có chứng minh thư. Mà cho dù không phải kiểm tra thì cũng nên mang theo chứng minh thư bên mình để phòng nhỡ may xảy ra chuyện gì. Việc này giờ chỉ có thể nhờ Giai, vì lúc này chỉ còn có trực ban là Giai ở lại công ty. Nhưng làm sao có thể nhờ người ta đây? Trước đây cũng rất thân nhau, nếu bữa cơm mời tối hôm qua mà thành công, thì hôm nay cũng dễ mở lới. Cứ nghĩ tới là lại thấy giận Quốc.

“Đều tại anh cả.”

“Ơ, em quên chứng minh thư sao lại đổ lên đầu anh.” 

“Nếu không vì đống thức ăn thừa tối qua của anh, thì hôm nay em có thể đã nhờ Giai được.” 

“Em nghĩ là Giai xấu tính như em hả?... Mau lên, gọi cho Giai đi.”

Hàng đang ngồi lái xe phía trước nghe vậy chẳng nói câu nào, cũng không hề biểu lộ thái độ gì. Thực ra, ngoài việc Tây ngại nhờ Giai giúp còn có một lý do khác nữa là không muốn Giai gặp mặt Hàng. Đương nhiên Hàng hiểu điều này, nên mới không nói lời nào. Trong lòng không muốn gây chuyện với chị gái nữa, Hàng bây giờ cũng đã quyết định lựa chọn lại, tết này, Hàng đồng ý xem mặt con một đồng nghiệp của mẹ ở cơ quan do mẹ giới thiệu. Hàng cũng đã từng quen biết sơ sơ cô gái đó. Mẹ muốn hai người tìm hiểu nhau kỹ hơn, chủ định tết này tới nhà cô gái đó thăm bố mẹ cô.

Chẳng còn cách nào khác, Tây đành đồng ý trơ mặt ra gọi điện nhờ Giai. Giai nhận lời ngay tức khắc là sẽ mang thẳng đến bến xe cho Tây, và hẹn gặp nhau ở trạm bán vé. Lúc đến sẽ liên lạc bằng điện thoại. Bấy giờ Tây mới thở phào nhẹ nhõm.

Bến xe đông nghịt người, đâu đâu cũng thấy nhân viên an ninh đang giữ trật tự, loa phát thanh liên tục nhắc nhở mọi người bảo quản hành lý. Mọi người đi theo hàng dọc. Tây đeo ba lô của mình, tay kéo một chiếc va ly, Hàng cũng xách một chiếc va ly. Còn Quốc vác một chiếc túi rất to trên lưng, chiếc túi nặng đến mức oằn cả bên lưng, bên tay kia xách một chiếc túi khác cũng to chẳng kém, trông như bị khổ sai, còn đâu là hình ảnh của một nam tử hán đầy anh tú. Trông chẳng khác nào một dân công! Khiến Tây rất xót xa. Tây chẳng dám nhìn Quốc, mắt không nhìn nhưng lòng cũng chẳng yên.

Giai đã có mặt ở trạm bán vé, đang ngó nghiêng bốn phía. Tự nhiên mắt Giai sáng lên, Giai nhìn thấy Hàng đang đi cùng vợ chồng Tây. Giai không ngờ Hàng cũng ở đây. Giai giơ tay khua vẫy và lớn tiếng gọi, trong tiếng gọi ấy tràn đầy niềm hân hoan. Kể từ sau khi quyết định chia tay, đây là lần đầu tiên Giai và Hàng gặp nhau. Vì bản thân nghĩ chuyện này thế là kết thúc nhưng thật không ngờ gặp nhau rồi Giai mới nhận ra tất cả vẫn chưa hết, vẫn như khi xưa ấy. Giai là vậy, và cũng cảm nhận được rằng Hàng cũng như mình. Để tránh nghi ngờ, Giai chỉ nhìn Tây không nhìn sang Hàng, đồng thời cố hỏi lảng sang chuyện khác: “Mang gì mà nhiều thế!?

Tây nói: “Đấy, ai mà biết thì đó là áo gấm về quê, ai không biết thì bảo đây là chạy loạn.”

Hàng và Giai nghe vậy mỗi người ngoảnh mặt sang một bên, chỉ sợ cười ồ lên trước mặt mọi người. Lúc ấy mà cười thì chẳng khác nào đổ dầu vào lửa. Lúc đó, mặt Quốc đã đanh lại như đá. Hàng đặt hành lý xuống chạy đi mua vé tiễn, Giai nhờ mua thêm một chiếc nữa vì thêm người tiễn thêm vui. Khôn ngờ họ mang nhiều đồ thế, biết vậy mua vé tiễn sớm hơn không. Tết đến bến xe Bắc Kinh rất đông người, chen lấn xô đẩy. Lý do này rất xác đáng, nhưng cả Giai và Hàng đều hiểu rõ rằng nguyên nhân thực sự là cả hai đều không muốn chia tay nhau ở đây. 

Tất cả đã vào đến bến đợi, ở đây vắng hơn phòng chờ bên ngoài nhiều. Không chỉ ít người hơn mà vào trong này trong lòng cũng thấy thoải mái hơn. Nhân dịp này, Giai thông báo cho Tây là có một tác giả gọi điện tới tìm Tây, Tây phẩy tay dặn: nếu là tìm mình, bảo với họ là sau tết sẽ gặp nhau. Nghiễm nhiên là “Phong tiêu tiêu hề dịch thuỷ hàn (1)!” Giai và Hàng lại không thể nhịn nổi cười, ánh mắt bắt gặp nhau, cảm xúc cũng như khẽ giao thoa. Tây như cảm nhận được điều gì đó liền ngước lên nhìn hai người. Giai vội vờ như không có việc gì dặn dò Tây: “Nhớ là có tất cả sáu túi hành lý nhé. Kinh nghiệm của mình là ra khỏi nhà mà không nhớ mang theo những hành lý nào là không được, phải đếm từng cái, đến lúc đếm từng cái, thiếu một cái rồi mới nhớ xem thiếu cái gì, có thế mới không bị mất.”

 

Nghe Giai nói vậy, Hàng như cảm thấy cái gì đó thân thương quen thuộc bao quanh. Đó chính là sự cẩn thận và tự lập của Giai. Ngay sau đó, Hàng so sánh người con gái mà mẹ giới thiệu với mình, Hàng nhận thấy ở cô gái đó cái gì cũng tốt, đó là chỉ ngoại hình, về ngoại hình đó là “cô gái đẹp nhất”. Song càng nhiều tuổi hơn, Hàng càng hiểu rõ bản thân mình cần điều gì. Cô gái ấy ngoài ngoại hình đẹp ra, các phương diện khác đều thiếu, thậm chí có điều còn khiến người ta khó chịu. Ví dụ như, hai người mới gặp mặt nhau chưa lâu, vẫn chưa đâu vào đâu, đã bắt phải phục vụ cô ta. Nào là mua vé máy bay, mua đồ cho nhà cô ta, nghe qua thì đều bắt Hàng phải trả tiền. Cái này thật quá đáng, cô ta nghĩ mình là ai chứ, là công chúa Tarandot (2) chắc? Mọi đàn ông đều tình nguyện móc ví tiền ra dâng lên cho cô ta chắc? Loại con gái này thật phiền toái, chút thiện cảm cơ bản cũng không có, lấy đâu ra sự tự lập của một người có tri thức mà Giai có chứ. Lúc này khi nghe Giai và chị mình nói chuyện, Hàng có thể khẳng định rằng, câu nói sau đó của anh rể chính là một lời cảm ơn, một lời cảm ơn được thốt ra thật chân thành và sâu sắc: “Em xem Giai đó, cùng là phụ nữ với nhau cô ấy hơn em bao nhiêu. Em thì, ra khỏi nhà mà đến CMT cũng quên.”

Sợ Tây không vui, Giai vội nói: “Sao em so được với Tây chứ. Tây có ông xã yêu chiều thế kia.”

Tây đáp trả luôn: “Là bạn không muốn để người ta chiều thôi, chứ bạn muốn được người chiều chẳng quá dễ ý chứ.” Cũng chỉ là câu nói tốt, là câu nói tán dương hóm hỉnh, nhưng không ngờ tác dụng ngược lại, câu nói ấy đã chạm tới nỗi đau của Giai. Tất cả mọi người ở đó, kể cả Giai đều nghĩ ngay tới Khải Đoạn. Tây vội chuyển câu chuyện sang đề tài khác, nhưng đã muộn rồi, nét mặt Giai đã biến đổi. Thời gian còn lại, Giai chẳng nói câu nào nữa.

Tiễn hai vợ chồng Tây lên xe, Hàng lái xe đưa Giai về. Trên đường về, hai người hầu như chẳng nói lời nào. Những xúc cảm lúc mới gặp nhau khi nãy vẫn còn, nhưng Khải Đoạn như đám mây đen chen vào giữa họ. Về phía Hàng, nguyên nhân khiến Hàng quyết định chia tay Giai đâu phải vì bố mẹ, mà chính là vì Khải Đoạn. Bố mẹ và chị đã nói rằng: Giai bỏ Đoạn chỉ vì anh ta không chịu cưới Giai. Khi sắp về đến nhà xuất bản, Hàng mở miệng nói nhưng ánh mắt hướng về phía trước chẳng dám nhìn Giai: 

“Giai à, nếu giờ đây Khải Đoạn đã ly hôn và đề nghị kết hôn với em, em có đồng ý không?”

“Anh đoán xem?”

“Anh không biết.”

Giai mỉm cười lạnh lùng, cũng không trả lời thêm, chỉ nói hai tiếng cảm ơn khi xuống khỏi xe sau khi Hàng đã đưa Giai đến tận cơ quan. 

Giai bước về phía toà nhà, lên mấy bậc cầu thang. Cầu thang rộng thênh thang, hàng ngày nơi đây luôn tấp nập người qua lại. Vậy mà lúc này chỉ còn mỗi Giai ở đây. Bóng Giai lả dưới ánh nắng chiều nghiêng nghiêng trên bậc thang, mỗi bước Giai đi lên, cái bóng ấy cũng di chuyển lên theo. Gió thổi tóc Giai bay bay, giống như một lá cờ đang bay, lá cờ ấy như bao lá cờ khác chỉ chờ gió to lập tức bay cao mạnh mẽ trong dáng vẻ mềm mại. 

“Giai!” Lúc ấy Giai đã bước tới bậc cuối cùng của cầu thang chợt nghe tiếng Hàng gọi sau lưng. Giai quay đầu lại, Hàng nói:

“Đến giờ rồi, ăn cơm nhé!”

“Tối nay em có việc rồi.”

“Việc gì?”

“Mua đồ. Mua đồ ăn chứ. Một mình ăn tết cũng phải cho ra tết chứ. Thậm chí là một mình ăn tết càng phải hoành tráng.”

Nói xong Giai đi luôn, biến mất sau cánh cửa kính to…

(1)               Câu thơ trong bài “Dịch thuỷ tống biệt” của Lạc Tân Vương. Phong tiêu tiêu hề dịch thuỷ hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn. 

Tạm dịch là: Gió hiu hiu nước sông Dịch lạnh; Tráng sĩ ra đi không trở lại.

(2) Nhân vật công chúa trong tác phẩm kịch nổi tiếng của nhà văn Ý – Carlo Gozzi.