Thời đại kết hôn mới - Chương 09 phần 1

Chương 9

Còn hai ngày nữa mới được nghỉ tết nhưng nhà xuất bản đã vắng tanh. Tây tiễn một cộng tác viên vừa tới bàn về bản thảo ra cầu thang, do dự ở cửa cầu thang một lúc Tây quyết định không quay về phòng làm việc của mình ở phía Đông mà hướng sang phía đầu ngược lại. Ban biên tập số 3 nằm ở đầu phía Tây. Quốc gọi điện thoại nói tối nay muốn mời Tây ăn cơm ở nhà, xem ra là muốn bù đắp cho Tây chút vết thương lòng. Thế là Tây nghĩ tới Giai. Tây rất muốn nói chuyện cùng Giai, nhưng chưa có lý do. Lần này có thể có lý do rồi, mời Giai tới ăn cơm do Quốc nấu.

Tây vừa đi sang bên phòng Giai vừa nghĩ nên nói gì. Giai rất thích ăn món ăn do Quốc nấu, nhưng chắc chắn sẽ không vì bữa cơm này mà đi với Tây, mà hóa giải những hiểu lầm trước đó. Chuyện diễn tiến tới mức này có phần không ngờ tới, Tây không ngờ vì chuyện này Giai lại có hành động mạnh mẽ đến thế, xin chuyển sang ban biên tập số 3, bỏ cả chức phó ban đang làm. Thử nghĩ cho Giai mà xem, người ta phản đối mình là em dâu người ta, thì phải tránh chứ, bạn tránh người ta, người ta vẫn muốn nhòm tới bạn, thật khó chịu. Thế nhưng Giai có thể nói chuyện với Tây không, nói xong Tây có đi cũng chỉ là lính, không quyền chức, tới đâu vẫn chỉ là một biên tập viên, chẳng thiệt thòi gì, còn Giai thì sao, đi rồi từ một phó trưởng ban giờ thành biên tập viên thường, mỗi tháng mất đi hơn 1.000 tệ tiền lương! Nói một cách công bằng thì Tây đã khiến người ta thiệt hại về kinh tế, nhưng sự tổn thất về tình cảm còn lớn hơn cả tổn thất về tiền bạc. Đó là kể từ lúc ấy Tây đã mất đi một người bạn thân là Giai. Trước kia, mỗi khi có chuyện gì Tây đều muốn tâm sự cùng Giai, dù là chuyện không thể giải quyết được, cứ nói ra cũng thấy thoải mái hơn. Hay ví như chuyện Quốc bắt Tây cùng về quê ăn tết, mà nếu về thật, thì chí ít Giai cũng sẽ cùng Tây đi siêu thị mua đồ, và thế là chuyện buồn lại thành chuyện vui. Hai người cùng nhau đi siêu thị không những rất có ý nghĩa mà còn rất tiện nữa chứ, tranh thủ than thở về Quốc và gia đình Quốc luôn. Giờ thì không thể thế nữa rồi. Tây không có nhiều bạn, mà thực tế thì nếu xét một cách nghiêm ngặt ra có mấy ai là có nhiều bạn đâu. Đó không phải là những người bạn mà có thể giao tiếp trong cuộc sống, mà là những người có thể hiểu lòng nhau, có thể đáp ứng được nhu cầu chia sẻ ở mức cao, những người bạn như vậy không nhiều, và không thể có nhiều. Có thể nói là cả đời khó có được một người như thế cũng nên. Tây và Giai là những người bạn ở “tầm cao” như vậy đó. Tình bạn của họ đã hơn chục năm, từ khi còn là thiếu nữ cho tới bây giờ. Tất nhiên trong suốt thời gian ấy có không ít hiểu lầm cần được làm rõ. Khi 2 người có mâu thuẫn với nhau, ai ít đau khổ hơn, người đó nên chủ động làm lành hơn. Mâu thuẫn lần này giữa họ, xét về công việc, Giai mất đi vị trí phó trưởng ban, xét về tình cảm mất đi người mình thích, mà lại sắp đến tết rồi, đơn côi lẻ chiếc, rõ ràng là đau khổ hơn Tây rất nhiều. Thế nên việc Tây chủ động đi làm lành là cần thiết và nên làm. Thế nên Tây quyết định đi, trước khi về quê nhà Quốc, Tây muốn tâm sự với Giai. Tây đi lần này cũng tự nhiên có lý do là Quốc chuẩn bị bữa cơm mời Giai tới ăn. Người ta có ý chẩn bị cơm mời Giai chẳng nhẽ Giai lại không đi, thế khác nào không nể tình. Còn Giai chắc chắn không thế. Nghĩ là vậy, Tây lập tức quyết định đi nhanh tới ban biên tập số 3.

Giai ngồi một mình trong phòng biên tập, miên man nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Trước mặt là một trung tâm mua bán rất lớn. Vào dịp Giáng sinh có căng biển quảng cáo thật to “Giáng sinh giảm giá hơn 20%”, bây giờ hai chữ “Giáng sinh” đã được thay bằng ba chữ “Tết nguyên đán”, sau chữ “giảm 20%” còn thêm một dấu chấm than rất to và ấn tượng, như một lời chào đón “Tết nguyên đán vui vẻ”. Tết nguyên đán không đặc biệt bằng Giáng sinh. Tiếp sau đó, khi Tết nguyên đán qua đi, lại thay bằng “chào đón Tết nguyên tiêu”, dấu chấm than cũng được thay bằng một chuỗi chữ lặp đi lặp lại. Có thể ông chủ cửa hàng cho rằng dấu chấm than không ấn tượng bằng niềm vui mà chuỗi này liên tiếp chuỗi kia tạo ra.

Đối với Giai mà nói, Tết là những ngày tháng chán nản. Đó là chuỗi ngày tô đậm thêm sự cô đơn, lẻ chiếc của Giai, khiến cho Giai muốn trốn mà chẳng có chỗ nào để trốn. Không thể về nhà, vì đó đâu còn là nhà của bố nữa mà là nhà của bố với người phụ nữ khác và những đứa con của hai người. Bây giờ, những đứa em đó đang ở trong căn phòng Giai ở khi xưa. Nếu Giai về nhà sẽ phải ở phòng khách. Làm thế Giai thấy phiền mà cả nhà cũng phiền. Những Tết trước, dù sao Giai cũng có Khải Đoạn, dù anh không ở bên nhưng ít ra Giai cũng có chốn về của tình thân, đấy là chưa nói tới việc Đoạn chi tiền cho Giai đi du lịch nước ngoài coi như một sự bù đắp. Khoảng thời gian trước Giai cũng háo hức chờ đón năm mới lắm chứ, Giai cùng Hàng đều háo hức chờ đón, cũng bàn nhau sẽ đón tết như thế nào. Bảy ngày nghỉ, cả hai bàn rất nhiều kế hoạch chi tiết. Nói ra mới biết, Hàng có nhiều cảm nhận rất giống Giai về dịp tết, tuy rằng bố mẹ Hàng rất hoàn mỹ nhưng xét một cách nghiêm ngặt thì đối với một thanh niên 26 tuổi như Hàng , nhà của bố mẹ đâu có thể coi là nhà của mình. Hàng nên có mái ấm của riêng mình. Bình thường trong công việc có bạn bè đồng nghiệp, nhưng tết đến, công việc, bạn bè đều chẳng còn khiến Hàng cảm nhận được nỗi đau của sự cô đơn trên đời. Giai và Hàng rất giống nhau ở điểm này, chỉ tiếc hai người không thể…

Để ngăn cản Giai và Hàng, mẹ Tây thậm chí đã giới thiệu bạn trai cho Giai trước mặt Hàng. Cũng vì lý do này mà nhất nhất mời Giai tới nhà. Nhưng đúng là phí công vô ích. Giới thiệu bạn trai cho Giai trước mặt Hàng tức là cắt đứt hy vọng của Giai, mà cắt đứt hy vọng của Giai tức là cắt luôn đường rút cho Hàng. Trong buổi hẹn sắp đặt hôm ấy, mỗi chi tiết, mỗi câu nói đều có ngụ ý riêng. Ví dụ, mẹ Tây hỏi Giai năm nay bao nhiêu tuổi, khi Giai trả lời, Tây liền tiếp lời nhắc nhở: vậy nên nhanh lấy chồng thôi, tuổi tác rất quan trọng. Giai hơn tuổi Hàng đó cũng là thực tế. Người mẹ Tây giới thiệu là bác sỹ khoa xương trong bệnh viện, khi ấy mọi người cùng ngồi ở phòng khách, ti vi đang mở bài hát của nhóm S.H.E “Anh là ánh sang, là nguồn điện, là câu thần thoại duy nhất… YOU ARE MY SUPERSTAR… Anh là ngôi sao sáng nhất trong cuộc đời em, anh là người duy nhất em yêu, em tôn thờ và em sẵn sàng hi sinh tất thảy…” Lúc đó, Tây khua tay với chiếc điều khiển và tắt ti vi đi, rồi nói: “Ai là duy nhất của ai chứ? Đó chỉ là những lời nói dối khi còn yêu đương!” Đó cũng là câu nói Tây muốn nhắc nhở Giai với ý rằng: đừng cho rằng tình yêu có thể chiến thắng mọi thứ. Sau đó, mẹ Tây bắt đầu giới thiệu về bác sỹ khoa xương. Giai chỉ dám khẽ liếc nhìn Hàng cái. Còn Hàng chẳng dám nhìn ai, tập trung gọt lê khiến Giai thất vọng vô cùng. Vị bác sỹ này hiện là tiến sỹ, lớn hơn Giai 15 tuổi, đã ly hôn nhưng chưa có con. Tây như sợ Giai không vui nên hỏi lại: không tìm được ai chưa kết hôn hả mẹ?

Giai lễ phép nói: “Cháu đã lớn tuổi thế này, người nhiều tuổi hơn cháu mà chưa kết hôn thì hiếm lắm”.

Lúc đó Hàng cố kìm nén mãi cũng đành thốt lên: “Sao cứ phải là người hơn tuổi?”.

Tây lườm Hàng nói: “Chẳng sao cả, xưa nay vẫn thế thôi. Mẹ nói tiếp đi!” Mẹ Tây nói tiếp: “Anh chàng đó rất giỏi nghiệp vụ, làm việc lại cần mẫn, có trách nhiệm…” 

Tây lại chen lời, đây cũng là lời nói thật lòng: “Mẹ, Giai tìm chồng chứ không tìm bác sỹ! Trước tiên mẹ phải hỏi xem thu nhập của anh ta là bao nhiêu, có nhà có xe chưa, bố mẹ tính cách thế nào chứ!...” 

Giai ngắt lời nói giả vờ chân thật ấy: “Cháu muốn người lớn hơn tuổi một chút thôi!”

Tây nói: “Đàn ông nhiều tuổi hơn đàn bà có vấn đề gì đâu. Có người cũng hơn tới năm mươi tuổi nữa đấy!” 

Hàng cố tranh luận: “Thực tế là thế, giống như Rosaline (1) Marguerite Duras (2), hay phu nhân của John Moses Browning (3), họ hơn chồng đâu phải là chút ít, mà có khi hơn tới mười mấy, hai mấy tuổi liền!” 

Tây nói: “Mấy người em nói đều là người nước ngoài. Chúng ta là người Trung Quốc, người Trung Quốc có cái lý của người Trung Quốc, theo tập tục thường là nam hơn tuổi nữ, đàn ông tám mươi tuổi vẫn có thể cưới vợ hơn hai mươi, nhưng ngược lại thì em thử nghĩ xem. Nước dãi nhấn chìm em luôn!”

Giai vô cùng biết ơn sự bảo vệ âm thầm của Hàng, cảm ơn Hàng đã ở bên Giai đấu tranh với mẹ và chị cùng mình, nhưng Giai vẫn cảm thấy rất ngại không thể nán ngồi thêm nữa đành đứng dậy chào ra về. Hàng xung phong đi tiễn. Lúc ấy trời đã tối, lại nối gió to, mọi người không ủng hộ những cũng chẳng ai dám phản đối. Tây đành đề nghị cùng đi tiễn. Thế nên ba người cùng đi. Sau khi lên xe, Tây ngồi ở ghế phụ bên cạnh còn Giai ngồi phía sau. Suốt chằng đường chẳng ai nói gì, khắp trong xe là bầu không khí ngột ngạt khó tả. Đưa Giai về đến nhà, hai chị em lại cùng ra về, Tây bắt đầu nói chuyện. Toàn bộ câu chuyện sau này Hàng mới kể lại cho Giai nghe:

“Hàng, em có ý gì đó?” 

“Ý gì?”

“Cái gì mà đàn bà hơn tuổi đàn ông không sao…” 

“Thì có liên quan gì?” 

“Nếu em không có ngụ ý gì thì chẳng liên quan gì!” 

“Em nói đấy! Chẳng phải chị cũng vì điều này mà nhất định cùng em đi tiễn cô ấy sao?” 

“Đúng đấy.” 

“Nếu thực sự em có ý định này, chị nghĩ rằng làm như thế chị có thể cản em chắc?”

“Hàng. Đừng có mà làm liều! Chị nói cho em nghe, Giai không phải là một cô gái mới hai mấy tuổi đâu để em muốn chia tay là chia tay, em có thể không quan tâm nhưng nó không thể bị tổn thương lần nữa!”

Hàng không biện mình điều gì. Ngừng một lát, Tây nói nghiêm túc: “Giai đẹp thật, thực sự rất đẹp, đến chị đây là phụ nữ còn thích nó, thích được đi cùng nó, bên cạnh có người bạn xinh thế chị cũng tự hào lắm chứ huống hồ là em. Chị rất hiểu. Nhưng theo chị, làm bạn bè bình thường, chơi với nhau thì có thể, nhưng nếu yêu nhau thì không được!” 

Hàng vẫn im lặng. Tây đẩy Hàng một cái. “Em vẫn ngây thơ lắm!”

“Chị, chị đừng làm loạn lên, em đang lái xe đấy!” 

Tây bắt đầu bực mình: “Chị nói cho em biết, thực ra Giai vẫn chưa quên hẳn Khải Đoạn. Nếu không với điều kiện của nó hiện nay lấy ai mà chẳng được.” Hàng khẽ rùng mình, đương nhiên cái “rùng mình” này đã lọt vào mắt của Tây, Tây nói tiếp: “Em có rất nhiều thứ mà Khải Đoạn không có, tuổi trẻ, sức khoẻ, tương lai,… nhưng em có dám bảo đảm sẽ có được tương lai như Khải Đoạn không? Mà về cơ bản thì cái mà người phụ nữ coi trọng chính là sự nghiệp của đàn ông.” 

“Sao chị biết em sẽ không thành công?”

“Ý chị là, phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu có tìm thì tìm người nào sẵn sàng đồng cam cộng khổ với mình ý.”

“Em cảm thấy Giai là người có thể đồng cam cộng khổ. Nếu cô ấy chỉ thích tài sản của Khải Đoạn đã không trả lại toàn bộ nhà cửa xe cộ cho ông ta.”

 “Em đúng là ngốc mà! Điều đó chứng tỏ nó vẫn còn hi vọng ở Khải Đoạn. Vợ chồng ly hôn còn phải chia nhà chia cửa, nó thì không những không phân chia, thậm chí là chủ động trả lại hết. Vì sao?... Hôm nay chị nói cho em biết, nếu Đoạn cưới nó, nó sẽ lập tức đồng ý quay lại, hai người đó thực sự chưa hoàn toàn chia tay nhau. Nếu lúc này em xen vào, đến khi ấy người đau khổ sẽ là ai? Em tự nghĩ đi!”

“Đấy là chị tự nghĩ thế!” 

“Đấy là chị nghĩ rất khách quan! Nói thật, nếu không phải là Giai, là chị chị cũng làm vậy. Vì chị không thể chứng minh tình yêu thực sự của chị với em. Hàng à, em và Giai đang đùa với lửa đấy. Em chưa có bạn gái, vẫn độc thân. Giai thì thất tình, cô đơn lẻ chiếc. Cả hai đều muốn tìm một người tri kỷ, cái này gọi là gì? Gọi là uống thuốc độc! Cho dù có thể tạm thời giải khát, nhưng đợi độc tính phát ra, cả hai đều phải uống thuốc giải!” Hàng vẫn yên lặng không nói một lời khiến Tây càng thêm sốt ruột: “Hàng này, bệnh tim của mẹ không tốt lắm! Em thích uống gì để giải khát chị chẳng quan tâm nữa, nhưng còn mẹ nữa, em phải nghĩ đến mẹ!”

Về đến nhà, mẹ đang nghe điện thoai, hai chị em bước vào đúng lúc mẹ vừa gác máy. Mẹ nói: đúng lúc Hàng về, mẹ cũng đang có chuyện muốn nói, có một cô vừa gọi điện hẹn giới thiệu cho con một người. Chẳng đợi mẹ nói hết, Tây lạnh lùng hỏi: “Bao nhiêu tuổi hả mẹ?” “22”. “Trẻ quá! Hàng thích mẫu các chị gái cơ!”

Hàng chẳng buồn nói đi thẳng vào phòng, đóng sầm cửa lại. Mẹ chỉ thở dài ngao ngán, còn Tây lại tiếp tục nói: “ Nếu không có việc gì đừng để tâm tới nó nữa!” “Mẹ à, mẹ mau giúp Giai liên hệ với bác sỹ khoa xương này đi! À đúng rồi, đừng nói chuyện của Giai với Khải Đoạn cho ai biết mẹ nhé, nói ra người ta lại ngãng ra.”

Bố lúc ấy đang đọc báo cũng nói thêm vào: “Người đâu phải là thánh, ai cũng mắc sai lầm, sai thì phải sửa, làm sao hoàn thiện được. Quan hệ với Khải Đoạn là Giai đã sai, nếu sai thì…”

“… Nếu sai sửa saii lại thành đồng chí tốt! Nhưng bố à, nếu có người muốn giới thiệu “đồng chí tốt” với con trai bố làm con dâu bố nghĩ sao?... Có thể đồng ý không?... Bố, là người mà, cũng phải suy nghĩ chứ!”

Lúc ấy, Hàng từ trong phòng mở mạnh cửa ra, đứng trước cửa chỉ vào mặt Tây mà nói: “Chị! Em không động đến chị chị đừng có mà lắm chuyện!”

Hai chị em cãi nhau. Chẳng cần nói cũng biết hai bố mẹ đang đứng về phía Tây rồi…

Chuyện xảy ra ngày hôm ấy và những gì Hàng kể lại sau đó khiến Giai nhận ra một đạo lý từ thời xa xưa rằng: hôn nhân tuyệt đối không chỉ là việc của hai người. Tình yêu Giai dành cho Hàng không dao động cũng chẳng đổi thay, nhưng đồng thời Giai cũng nhận đồng thời Giai cũng nhận ra thái độ của gia đình Hàng với chuyện này cũng sẽ không dao động và không thay đổi. Cũng cho là Hàng sẵn sàng bỏ gia đình vì Giai, nhưng nếu vậy liệu có hạnh phúc thực sự không? Tất nhiên là không rồi. Suy nghĩ cho cùng, Giai chỉ có một lựa chọn là bỏ.

Khi quyết định chia tay với Hàng, Giai đồng thời xin chuyển sang ban biên tập số 3. Giai không thể chịu đựng được ngày ngày phải giáp mặt với chị gái Hàng - Tiểu Tây. Đối với Giai việc đó khác nào là sự giày vò khổ đau. Chức phó trưởng ban biên tập số 6 chẳng liên quan tới Giai, Giai làm biên tập là tốt rồi; trưởng ban biên tập số 3 - Mỹ Phu là một người phụ nữ nổi tiếng khó tính, điều này cũng chẳng hề chi, chỉ cần Giai làm tốt công việc của mình, chị ta có khó tính đến mấy cũng làm gì được Giai chứ?

Tây Mở cửa phòng biên tập số 3, lập tức trông thấy Giai đang thẫn thờ trước cửa sổ. Giai gầy đi nhiều, nhìn nghiêng cơ thể Giai thật mỏng manh. Tây bước lại gần, trong lòng khẽ thở dài.

“Giai à” Giai quay đầu lại, cười thật gượng gạo, không trả lời cũng chẳng hỏi điều gì. Tây đành phải trơ mặt ra hỏi trước: “Tối nay bạn có hẹn gì không?” “Bạn có việc gì hả?”

Tây nghĩ một lúc, định không vội mời Giai tới ăn cơm nên nói rằng: “Tết này tớ phải về quê với Quốc.” Giọng nói Tây trầm buồm. Cách tốt nhất để an ủi người khác chính là nói về sự bất hạnh của mình, ngờ đâu Giai chỉ gật đầu chẳng biểu lộ cảm xúc gì. Tây lại nói tiếp: “Tết này bạn định thế nào?”

“Trực ban.” 

Tây lại thở dài. Trực ban ngày tết có nghĩa là suốt bảy ngày nghỉ ấy, một mình Giai sẽ trốn trong tòa nhà trống không này. “Ừm. Cũng không dễ gì. Giai này, sau này bạn lấy chống nhớ lấy mình làm gương, điều kiện đầu tiên và tối thiểu là phải có xe và có nhà nhé!”

Tây vốn định nói mấy câu đùa làm nóng bầu không khí ngột ngạt ấy, nào ngờ mặt Giai chỉ đanh lại hơn, lạnh lùng đáp: “Tây, bạn biết mà, mình và Hàng không còn gì nữa!” Quả nhiên Giai đã hiểu câu nói của Tây sang một ý khác.

Tây thở dài lần nữa, quyết định đi thẳng vào vấn đề, nếu không cứ theo quan hệ của họ lúc này thì mỗi câu ấy nói ra lại được hiểu theo một ý khác ngay.

“Giai à, tối nay nếu bạn chưa có hẹn gì, tới nhà mình nhé.” Tây vội bổ sung ngay “Là nhà của mình ý. Quốc bảo mình mời bạn, anh ấy nói rằng sẽ tự tay vào bếp làm thức ăn mời chúng ta, ở nhà!...

Anh ấy đang chuẩn bị làm rồi.

Giai ngẩng lên nhìn Tây hỏi: “Sao anh ấy lại mời mình?”

Tây ngẩn người không biết nói sao: “Đương nhiên là vì bọn mình… Giai à, giữa chúng ta có một chút hiểu lầm…”

Giai xua tay ngắt lời: “Giữa chúng ta không có hiểu nhầm nào hết!”

Bao nhiêu điều giữ kín trong lòng bỗng Tây thốt ra hết lúc ấy. Không hiểu nhầm ư? Quá hiểu nhầm ấy chứ! Chẳng nói đâu xa, chuyện Giai và Hàng cho dù Tây không phản đối thì sao. Nếu Tây ủng hộ chuyện của họ liệu có thành không? Cái này đến phút cuối mới biết được. Bố mẹ Tây thì nhất định không đồng ý rồi. Từ khía cạnh này có thể thấy, Tây nên giúp đỡ Giai, nếu không đến lúc phải chia tay lại lãng phí thời gian, mà thời gian với một phụ nữ hơn ba mươi tuổi như Giai thì còn có thể lãng phí không chứ. Mà về tình cảm thì lại càng đau khổ hơn. Nói xa hơn chút thì cái buổi họp dạo đó, Tây làm cho Giai thật sự “khó xử”. Thực ra Tây không muốn làm vậy với Giai, chẳng qua là lần đó trong lòng Tây cũng không vui, chuyện gia đình. Lần đó, Tây vì Quốc mà mất ngủ cả đêm, lúc ấy quả thật Tây không hề tập trung vào công việc!... Khi Tây giải thích tất cả những điều này thì chuông điện thoại reo lên. Quốc gọi tới nhắc Tây lần nữa về bữa cơm tối nay, dặn Tây bất luận thế nào cũng phải về nhà ăn cơm, và không cần mua thêm gì nữa. Trong điện thoại, Tây cũng không nói là mời Giai về nhà ăn cơm, lý do là thế này: một là cho đến lúc ấy Tây vẫn chưa dám chắc Giai có nhận lời về ăn cơm hay không; hai là sao nói thế được bây giờ. Giai đang ở bên cạnh, nếu Tây nói Giai cũng về cùng khác nào tự khai mình đã nói dối chuyện Quốc mời Giai về nhà ăn cơm. Hơn nữa cũng không nhất quyết phải nói cho Quốc biết, Quốc nấu ăn thì đương nhiên ngon rồi. Dù Giai đi cùng thì cũng chỉ là thêm bát thêm đũa thôi. Nói chuyện với Quốc là Tây đã quyết định thế rồi, còn cần nói gì nữa về nhà rồi nói. Sẽ nói khi ngồi bên bàn ăn trong cái nồng nàn của hương vị thức ăn và sự ấm cúng của không khí gia đình; chứ nói những câu ấy ra ở văn phòng thế này vừa khó nói lại vừa dễ gây phản tác dụng. Dập máy xuống, Tây tươi cười nói với Giai: “Anh Quốc đấy. Lại gọi điện tới hỏi xem cậu có đi được không. Anh ấy đã chuẩn bị hết rồi dặn mình không cần mua gì nữa, còn nói bạn nhất định phải đi.”

Giai rất cảm động. Cảm động vì tấm chân tình của Quốc với Tây. Vì sao Quốc mời Giai ăn cơm? Hẳn là vì Tây rồi. Nói không chừng đây cũng là điều kiện mà Tây đặt ra với Quốc nếu không Tây không chịu về quê Quốc. Qua đó cũng thấy được thành ý của Tây đối với Giai. Nói cách khác, Giai có đi hay không giờ không chỉ là chuyện của Giai nữa mà còn liên quan tới cả người khác. Thêm vào đó, cứ cho là bỏ qua mọi lý do mời cơm đi, bản thân Giai cũng rất mong muốn được ở nhà và ăn một bữa cơm như vậy! Tây như hiểu ý dặn thêm: “Trưa nay chúng ta không ăn gì nhé, để dành bụng tối ăn cơm!” Giai đành gật đầu, cái gật đầu này không cần đến lời rủ rê vừa nãy. Mong muốn một bữa ăn ngon của Giai thực sự mãnh liệt hơn người khác mà.

Chiều hôm ấy, cả hai cùng làm việc ở văn phòng cho tới tối, một là vì công việc quả thật quá nhiều, ai cũng muốn giải quyết xong xuôi trước tết ăn tết cho ngon, hai là vì bữa cơm không hẹn trước tối nay. Về muộn một chút, chậm một chút, nhưng về đến nhà trước mặt đã là một mâm cơm đầy!

Quốc một mình ở nhà chuẩn bị “tiệc”. Cái gọi là tiệc ấy chẳng qua là số thức ăn thừa Quốc đi đãi khách mang về. Quốc biết Tây không thích ăn đồ thừa, nhưng Quốc cũng không có ý định bắt Tây ăn, Quốc định để mình ăn dần dần. Nhưng rồi lại nghĩ sắp về quê ăn tết tới nơi, một mình ăn sao hết nên lại gọi Tây về ăn cùng. Chứ nếu ăn không hết mà đổ đi thì thật là lãng phí. Đều là đồ ăn ngon cả. Cho thức ăn vào đĩa rồi cho vào lò vi sóng. Một con cá mới ăn một bên mình, Quốc dùng đũa lật phía bên còn nguyên thịt lên nhìn qua như còn nguyên. Quốc đặt đĩa cá vào lò vi sóng, đó là món ăn cuối cùng, hiện đang trong lò quay. Vừa mở cửa lò thì Tây và Giai về đến hỏi ngay đã có thức ăn chưa. Thấy phía sau Tây có cả Giai, Quốc chợt ngớ người ra. Nhưng cả hai đều không để ý tới thái độ của Quốc, đi thẳng vào nhà vệ sinh. Cái bụng đói meo cộng với mùi thơm của thức ăn khiến họ không thể chần chừ nữa.