Thời đại kết hôn mới - Chương 14 phần 2

Hàng chẳng buồn nghe cũng chẳng buồn giải thích gì, cầm theo điện thoại định đi ra ngoài, nhưng nghĩ một lúc lại đặt điện thoại xuống, trước khi đó đã kịp tắt máy. Bước ra ngoài thấy bố con Quốc chỉ gật đầu chào, sau đó đi thẳng ra phía cửa đi tất đi giày, mở cửa và ra ngoài!

Bố Tây xấu hổ vô cùng, nhìn bố Quốc lắc đầu cười gượng: “Tuổi trẻ là vậy đấy, đều thế cả, chả làm thế nào được!”

Quốc không nhịn được nữa bèn lên tiếng: “Tuổi trẻ của cậu ấy cũng dài quá ạ.” Trước mặt mọi người, ngoài bố Tây ra, Quốc cũng thấy xấu hổ vì Hàng.

Thành vội chen vào: “Bố, mở chai rượu này ra được chưa?”

Thái độ Thành rất nhã nhặn, kính cẩn như thể việc mở chai rượu này ra hay không là việc cực kỳ quan trọng, như thế tự nhiên câu chuyện được chuyển sang một chủ đề khác, không khí căng thẳng cũng vì thế được dịu đi.

Bố Tây lúc ấy không thể không nhìn Thành một cái và nghĩ, thằng bé này, đúng là rất tinh tế, rất hiểu chuyện! Bố Quốc nghe con hỏi vậy, liền bỏ chuyện về Hàng sang một bên, ra lệnh cho Hạ: “Con dâu Bảo An, đi lấy chén ra đây, ta mở rượu nào!”

Hạ nhìn bố Tây, bố Tây thầm nghĩ và hiểu rằng bữa rượu ngày hôm nay là không thể tránh được rồi. Đành nhượng bộ thôi, thế nên gật đầu ra hiệu với Hạ. Hạ nghe lệnh mang rượu vào phòng ăn, nhân đó, bố Tây mời mọi người vào phòng ăn dùng bữa. Mọi người đều đã ngồi xuống. Bố Quốc lấy chai rượu trong tay Hạ quay sang nói với bố Tây: “Chai rượu này nhất định phải uống, nếu không uống nghĩa là ông coi thường chúng tôi rồi…”

Nhìn vẻ khó xử của bố Tây, có vẻ ông thực sự không muốn uống, Thành vội đỡ lời: “Bố, nếu bác không thể uống thì thôi đi, rượu cũng không tốt mà.” Quốc nhìn anh một cái thể hiện sự cảm ơn, trong tình hình thế này, với danh phận của mình, Quốc cũng không tiện nói đỡ cho bố vợ.

Bố Quốc tự ái đặt chai rượu xuống. Bố Tây thầm nghĩ, mình sẽ cầm chai rượu và rót nửa chén, rồi nâng cốc: “Nào! Chào đón mọi người tới thăm! Có gì chưa được chu đáo, mong bỏ qua cho!” nói xong uống một hơi hết chén rượu “Tôi xin uống trước để thể hiện tấm lòng!”

Nét mặt bố Quốc tự nhiên dịu xuống, rót đầy ly rượu rồi một hơi uống cạn: “Ông thông gia, ông không coi tôi là người ngoài, không coi thường tôi, tôi hiểu chứ. Nếu ông không biết uống rượu thì đừng uống, ông có lòng như vậy là đủ rồi.”

“Thôi, ăn cơm đi!” Bố Tây khua tay mời cả nhà đồng thời gọi Hạ “Hạ, cháu không còn việc gì nữa chứ?... Nếu không còn cũng ngồi xuống ăn luôn!”

Bố Quốc bỗng mở to mắt, nói: “Nó không làm thế được!”

“Cũng chỉ là tiện ăn luôn thôi mà. Lát nữa mới ăn, thức ăn nguội mất.” Bố Tây giải thích.

Bố Quốc lắc đầu: “Không được!” Sau đó, nhẫn nại giảng giải cho Hạ: “Con dâu Bảo An à, không được! Người ta đối với mình tốt mình nhận thành ý, nhưng chúng ta không thể không biết đến một chút lễ giáo được, chủ vẫn là chủ mà!”

“Có gì mà chủ với cả không chủ chứ. Hạ, cháu phải tới đây giúp gia đình bác, chẳng qua là vì hoàn cảnh, người với người bình đẳng với nhau mà.”

“Người với người bình đẳng sao?” Bố Quốc hỏi lại một câu.

“Bình đẳng.” Bố Tây gật đầu.

Bố Quốc lại rót đầy chén rượu rồi uống cạn, lắc đầu cười: “Cũng chỉ là nói thế thôi. Người với người có thật bình đẳng không? Lấy ví dụ nhé, khi đi trên đường, có người cưỡi ngựa, có người cưỡi lừa, có người lại phải gánh nặng, bình đẳng, bình đẳng ở chỗ nào? Nếu bình đẳng thì phải cùng cưỡi ngựa chứ… Ông thông gia à, ông là giáo sư, học vấn cao hơn tôi nhiều, rất nhiều, nhưng với vấn đề này, tôi không thể đồng tình với ông được. Tôi nói cho ông biết: người này với người này là bình đẳng! Chẳng nói đâu xa, hai đứa con tôi đây. Cùng một mẹ sinh ra, cùng lớn lên một nhà, một đứa được học đại học, một đứa không, kết quả thì sao chứ? Đứa đỗ đại học, cả năm ngồi trong văn phòng làm việc, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, mùa đông lạnh có điều hòa ấm áp, tiền kiếm được nhiều; còn đứa không được học đại học, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, mệt nhọc vô cùng, mà kiếm cũng chả được bao nhiêu. Muốn lên thành phố tìm việc nào đó kiếm nhiều tiền hơn, nhưng phải làm cái việc mà đến con lừa cũng chẳng làm nổi.” Đôi mắt ông vẩn đỏ, đưa tay với ly rượu, nhưng trong ly không còn rượu, bố Quốc liền trừng mắt nhìn Hạ: “Con dâu Bảo An, rót rượu đi!” Rượu rót rồi, ông lại uống một hơi cạn ly, và nói tiếp: “Nơi ở cũng thật tồi tệ, chẳng khác nào cái chuồng!”

Thành không nhịn được nữa đành ngắt lời bố: “Bố, lúc đến chẳng phải đã bảo không nói về chuyện này mà! Chúng ta đã làm phiền mọi người nhiều rồi, Quốc và Tây cũng đã cãi nhau vì chuyện này tới giờ chưa lành đấy thôi!”

Bố Tây lại ngước nhìn Thành, quả thật ấn tượng với người này càng lúc càng tốt. Đồng thời cũng thấy thông cảm và hiểu cho tấm lòng của bố Quốc. Đúng vậy, một đứa con thông minh như vậy, chỉ vì gia đình không có tiền cho ăn học, mà số mệnh đã hoàn toàn thay đổi, không thể không khiến người khác phải đau lòng. Đến một người ngoài như ông còn thấy thương xót nữa là bố Quốc.

Bố Quốc thấy con trai nhắc liền nói ngay chuyện trên đường định nói. “Ông thông gia à, tối nay chúng tôi tới đây, một là tới cho biết nhà biết cửa, hai là cũng muốn nói chuyện của bọn trẻ. Tôi biết, Tây gả cho Quốc cũng phải chịu thiệt thòi, vì chúng tôi chỉ là một gia đình nông dân…”

“Đâu có!” Bố Tây phảy tay: “Ông xem trên bảng xếp hạng những người giàu có ngày nay xem, nửa là xuất thân từ gia đình nông dân đấy!”

Bố Quốc cũng phảy tay: “Những người đó là ai chúng tôi không biết. Chúng tôi chỉ biết điều kiện nhà chúng tôi không tốt, khiến con dâu phải chịu nhiều thiệt thòi. Năm hết tết đến, ở nhà chúng tôi rất lạnh, trong phòng lại không có máy sưởi, đầu năm Quốc có nói dẫn vợ về ăn tết, vợ Quốc và chị dâu cả đêm có ngủ được đâu, chúng tôi may cho chúng nó cái chăn, dùng toàn bông mới, trong ngoài balớp, khâu ba cái vỏ với ruột”, vừa nói ông vừa nhét một ngón tay vào giữa ba ngón tay để miêu tả.”

“Chúng tôi biết. Tây về cũng có kể chuyện. Con bé Tây từ bé sống cùng bố mẹ, công việc của tôi và nhà tôi rất bận, nên cũng không dạy dỗ được nó, làm nó hư,tính tình quá quắt, kiêu ngạo.”

“Vấn đề vẫn là vì nhà chúng tôi nghèo, điều kiện không tốt, Quốc nói năng hành xử cũng có nhiều chỗ chưa được chu đáo, làm mất lòng Tây, ông xem, tôi vừa đến, là gây chuyện với Tây, vừa đến là cãi nhau, chúng cãi nhau đến mức tôi cũng không thể chịu được. Vì thế, tối nay tôi tới đây, coi như là chuộc lỗi với gia đình. Mong ông nói với Tây.”

“Không có gì mà. Con bé Tây đó, cứ hễ hơi cãi nhau chút là nổi giận. Đó là chuyện bình thường. Nghe như ông nói thì chúng tôi phải thay mặt Tây xin lỗi gia đình mới phải. Lát con bé đó về, tôi sẽ nói nó.” Sau đó, ông quay mặt sang nói với con rể: “Quốc à, Tây nó là con gái, lúc nào rỗi, con chủ động gọi điện cho nó cái, hai đứa nói chuyện, dàn hòa với nhau nhé! Bố với mẹ Tây cũng có những lúc va chạm, mỗi lần như vậy đều là bố làm lành trước. Chúng ta là đàn ông mà…”

“Đúng vậy, đàn ông không nên có cái nhìn tầm thường như đàn bà!” Bố Quốc cũng quay sang nói với con trai: “Con gọi cho Tây đi, đi luôn đi.” Nguyên nhân thực sự ông giục Quốc gọi cho Tây là vì xem tình hình nhà họ tối nay, chắc mẹ Tây chẳng còn hi vọng gì rồi, bây giờ có lẽ đã trốn ở đâu không muốn gặp họ, thái độ đó chẳng cần nói cũng biết, vậy thì chỉ còn cách mời Tây ra mặt thôi, nhờ nó nói với Hàng, đổi công việc khác cho anh trai.

Quốc không dùng điện thoại nhà mà gọi bằng di động, ra ban công gọi. Quốc không muốn mọi người nghe thấy mình nói gì. Xin lỗi có khác gì năn nỉ, tốt nhất không để người thứ ba biết, vì như thế sẽ gây trở ngại cho người đi xin lỗi, ảnh hưởng tới hiệu quả của việc xin lỗi này.

Tây bắt máy. Ban đầu cũng không định nhận điện, nhưng mẹ giục Tây nhận. Trong điện thoại, Quốc thành khẩn xin lỗi Tây, và nhờ Tây chuyển lời xin lỗi chân thành nhất tới mẹ. Tây là người ưa nói ngọt không ưa cứng rắn, khi đối phương nói ngọt thì Tây lập tức mất cảnh giác, rất dễ thành khẩn lại. Thế nên lập tức nói một loạt những gì trong lòng: “Anh, em biết anh cũng khó xử. Là người phải đứng giữa vợ và bố mẹ, rất khó. Em không phản đối anh làm đứa con có hiếu, nhưng cũng không thể tới mức chẳng còn quy tắc gì nữa chứ, anh cũng phải biết nói không với bố mẹ chứ! Cái gì có thể làm thì bảo có, cái gì không phải nói rằng không…”

Vừa hay Quốc đang không biết phải đề cập tới câu chuyện như thế nào thì bên này Tây đã mở miệng trước. Thế là Quốc tranh thủ cơ hội giáo huấn cho Tây một bài về thế nào là sự khác biệt và chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Tất nhiên trước đó phải đứng trên lập trường của Tây để nói về những lạc hậu của nông thôn – trước tiên phải “đồng tình” mà, sau đó mới có thể nói công bằng. Quốc nói: “Anh biết người nhà anh đôi khi đưa ra những yêu cầu hoang đường, quá đáng, nhưng anh là đứa con sinh ra ở nông thôn lên Bắc Kinh học, anh hiểu hơn ai hết về sự khác biệt trong quan niệm về giá trị cũng như về văn hóa giữa nông thôn và thành thị. Những khác biệt ấy đâu chỉ nói vài câu lý thuyết là có thể giải quyết được. Nói cách khác, nơi nào cũng có cái lý riêng của mình. Thế nào gọi là nhập gia tùy tục? Thế nào gọi là cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng? Chính là đây. Nói như anh đây, như thằng Quốc này, ở đây cũng được coi là người có trí thức, có văn hóa, nhưng về tới thôn quê rồi vẫn không thể chống lại thực tế được.”

Cùng lúc ấy, trên bàn ăn, bố Quốc và bố Tây cũng đang lý luận với nhau về vấn đề này. Bố Tây đồng ý là khi Hàng về sẽ nói chuyện với Hàng. Vừa nói dứt lời thì Hàng về. Hàng ra ngoài ăn tối, Hàng cố tình tránh mọi người trong nhà Quốc, chuyện của Thành cũng làm Hàng khó nghĩ, muốn giải thích nhưng chẳng biết phải giải thích như thế nào. Mà có giải thích chắc gì họ hiểu cho, đến chị gái còn chả hiểu cho nữa là. Thế nên, trong ba mươi sáu kế chuồn là thượng sách. Ăn cơm xong Hàng còn lái xe lòng vòng một lúc, ước chừng bố con Quốc đã đi mới về. Nhưng vừa bước vào cửa đã hối hận, lẽ ra nên gọi điện về trước. Về đến nhà chỉ khẽ nói trong miệng tiếng “xin chào” với bố con Quốc rồi tiến thẳng tới bình nước hứng nước uống, bữa tối nay hơi mặn mà. Hết nước, Hạ nói đã gọi điện người ta mang tới, chắc sắp đến rồi. Hàng gật đầu rồi đi luôn vào phòng, nhân tiện khóa chốt cửa luôn. Một lát sau lại thò đầu ra ngoài hỏi Hạ có thấy chiếc MP3 của Hàng ở đâu không, Hạ vào phòng tìm giúp. Bố Quốc tò mò hỏi mất gì, bố Tây đành trả lời rồi sau còn giải thích thêm rằng thằng con này chuyên vứt đồ bừa bãi. Sau đó, Hạ ra ngoài, bố Quốc quan tâm hỏi xem đã tìm thấy đồ chưa, khi biết tìm được rồi cũng gật đầu yên tâm. Không ngờ, khi người đưa nước mang nước tới, bố Tây bảo Hàng ra trả tiền, Hàng lại chẳng tìm thấy ví mình đâu, và lại hỏi Hạ. Hạ vào nhà vệ sinh tìm được ví tiền cho Hàng. Ví vẫn nằm nguyên trong túi quần bò, Hạ móc ra và để bên cạnh máy giặt. Khi Hàng lấy tiền trả tiền nước, bố Quốc tranh thủ hỏi: “Ông thông gia à, Hàng về rồi, ông nói với cháu nó một tiếng.”

Bố Tây khẽ thở dài trong lòng, sao người này chả biết điều gì hết vậy? Lúc đó nhận lời là để cố gắng hết sức cải thiện mối quan hệ. Ông ta nghĩ nhà nào cũng như gia đình ông ta chắc, ông cứ nói mà có ai dám cãi đâu. Con trai người ta cũng đã trưởng thành, có lập trường và tư tưởng riêng. Mà cho dù con cái chưa lớn, gia đình Tây luôn tôn trọng ý kiến và lựa chọn của các con. Khi không có ai, bố Tây có thể hỏi thăm tình hình, rồi cùng bàn bạc; giờ trước mặt đứa nóng tính như thế, bảo hỏi sao đây?

Hàng nghe được nên chủ động hỏi: “Hỏi con à? Hỏi việc gì?”

Hàng không muốn bố khó xử vì mình.

Bố Quốc yên lặng, ngay từ lúc đầu tiếp xúc với Hàng ông đã có chút nể, đây là một thanh niên cứng đầu và lạnh lùng, rất khó ứng phó, thế nên chỉ nói với bố Tây: “Ông thông gia, ông nói hay tôi nói nhỉ?” Nhưng ý thì đương nhiên là “ông nói đi”.

Hàng vừa định mở miệng nói thì bố đã phảy tay ngăn lại. Ông đã nhận ra thái độ của Hàng, bây giờ mà nói chỉ có mà làm loạn lên, nên ông quyết định dùng cách ôn hòa hơn, chứ nếu cứ kéo co thế này, chả biết bao giờ mẹ Tây mới được về nhà. Ông nói: “Thế này đi, mấy bố con cứ về trước. Việc của Thành, chúng tôi hỏi cụ thể rồi nói sau nhé.”

“Nhớ nghĩ cách giúp chúng tôi nhé!”

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mà!”

“Ý ông là, có mỗi chuyện này ông cũng không dám hứa sao?”

“Không được”.

Bố Quốc, dậm chân đứng thẳng dậy: “Được rồi, tôi hiểu rồi!... Ông thông gia à, việc cần làm chúng tôi đã làm, việc không cần làm chúng tôi cũng đã làm; điều cần xin lỗi cũng đã xin, không cần xin cũng xin rồi. Nếu con gái ông muốn sống với thằng Quốc nữa, thì phải sống cho tốt, còn nếu không muốn nữa, cứ nói một câu cho nhanh!” Sau đó ông hướng ra ban công gọi lớn: “Quốc! Chúng ta về!”

Quốc nghe tiếng gọi đi vào. Quốc vốn cũng đã gọi điện cho Tây xong chỉ là không muốn bước vào thôi, thích một mình đứng ngoài ban công ngắm trăng. Quốc không muốn nhìn thấy cha khó xử, cũng không muốn nhìn cha làm người khác khó xử, càng chẳng muốn thấy không khí gia đình Tây và thái độ của bố Tây. Không muốn nhìn cha nhìn anh lúc này, mà không, chính xác là muốn trốn tránh, để mặc bố một mình đối phó trong đó. Tự cho mình là người ở vị trí cao đặc biệt? Không buồn giao tiếp với bọn họ ư? Nói ư? Không nói đấy. Cứ không nói đấy, còn luôn miệng nói cái gì bình đẳng giữa người với người, đúng là giả tạo. Giả tạo nhất chính là Quốc, rõ ràng rất ghét gia đình này, lại còn cố dùng vẻ mặt giả tạo tươi cười, mục đích là để lợi dụng họ một chút…

*

Quốc lái xe đưa bố và anh về. Trên đường bố Quốc nói: “Bố thấy cái thằng đàn ông như con đúng là núp váy vợ rồi, chả có tý thể diện nào.” Ngừng lại giây lát, ông nói tiếp: “Mà mẹ vợ con cũng thật là lạ, quyết tâm trốn không thèm ra mặt.”

“Bố, con thấy việc này bố cũng hơi vội quá…” Quốc nói vậy thực sự cũng không có ý đổ dầu vào lửa. Nhưng không ngờ bố lại nổi cáu.

“Việc có phải của mày đâu chứ! Nếu là anh mày học đại học, còn mày làm công nhân, để xem mày có thấy tao nóng vội không?”

Thành vội vàng dàn hòa: “Bố! Thôi đi! Con cũng thấy bố hơi nóng vội mà. Việc này là chúng ta cầu xin họ, chứ đâu phải họ cầu xin ta đâu!”

Nghe con nói vậy, bố Quốc mới yên lặng. Nhưng trong lòng vẫn đầy ấm ức: “Mà con trai nhà đấy, chả hiểu cái thể loại gì nữa! Lớn tướng rồi, lúc thì tìm cái gì mà MP3, lúc lại tìm ví tiền, thế nghĩa là làm sao?” Nói xong vẫn chưa hết tức, tối nay đúng là ông đã phải chịu nhiều ấm ức. Rồi lại bực mình nhìn Quốc đang lái xe phía trước nói: “Cả tối nay chỉ có mỗi mình tao, trường cái bản mặt già này ra, đối phó với sự lạnh lùng của họ, mà cuối cùng họ cũng có chịu nhịn đâu! Còn con trai thì trốn ra ban công tìm sự yên ổn.”

Quốc chẳng nói lời nào, mặc cho cha trách giận. Trong lòng thầm nghĩ, sẽ không nhờ nhà họ nữa, sau này không nhờ nữa. Việc của anh trai, Quốc sẽ tìm cách giải quyết. Sẽ vận động mọi mối quan hệ, nhờ cậy mọi nơi, chắc cũng có thể lo được cho anh!

*

Sau khi nhận được điện thoại thông báo đã giải quyết xong chuyện, hai mẹ con Tây về nhà. Vì Quốc đã xin lỗi nên tâm trạng Tây cũng khá hơn. Vừa bước vào nhà lập tức cười nói với bố: “Bố, hôm nay làm phiền bố quá rồi.”

“Đừng có nói vậy, người ta vẫn là bố chồng con đấy. Dù là “người thô lỗ ít văn hóa”, nhưng…” Mẹ Tây phảy tay gạt cuốn sách trên tay chồng xuống, để ông tập trung vào câu chuyện. Đang nói tới chuyện sắp xếp công việc cho Thành, họ có thể bắt Quốc bỏ Tây, mẹ Tây đùng đùng nổi giận: đây là cái lý gì chứ, hại người chắc! Ly hôn thì ly hôn, xem ai sợ ai? Bố Tây giải thích rằng họ nghĩ đây là việc rất dễ làm, chứ không phải là không làm được, chẳng qua là họ chưa cho làm mà thôi.

Mẹ Tây: “Không cho làm thì sao hả?”

“Những câu này không nên nói ra. Nói ra không được. Môi trường, hoàn cảnh, quan niệm khác nhau nhiều quá.”

Cảm giác này của bố Tây là sau khi tận mắt nhìn thấy anh trai Quốc, và có ấn tượng thật sâu sắc, đồng thời cảm thấy rất thông cảm: “Bà chưa thấy đó thôi, thằng Thành anh trai Quốc là đứa rất được, thật đáng tiếc! Quốc cũng là đứa con ngoan,..,”

Mẹ Tây thở dài: “Nếu nó là người không tốt, sự việc đã dễ giải quyết.”

Vấn đề lại quay trở lại lúc ban đầu, thế nên chẳng ai nói gì nữa. Cũng chẳng biết phải nói gì.