Xác Chết Dưới Nước - Chương 08 - Phần 1
Chương 8
Khi anh đến, Lucy vẫn còn đang ngủ và tôi thì đang pha cà phê. Tôi mở cửa cho
anh vào, hoảng hồn khi nhìn ra phố. Qua một đêm, Richmond như biến thành kính
hết cả. Tôi nghe tin tức trên đài nói rằng những cành cây gãy đã làm đứt đường
điện ở một số vùng trong thành phố.
- Có gặp vấn đề rắc rối gì không? - Tôi hỏi khi đóng cửa lại.
- Phụ thuộc cô muốn hỏi việc gì. - Marino để túi đồ tạp phẩm xuống bàn, cởi áo
khoác và đưa nó cho tôi.
- Đường sá ấy.
- Tôi xử lý được, nhưng vẫn phải lang thang ngoài đường tới tận nửa đêm. Mệt
chết đi được.
- Được rồi. Tôi lấy cho anh ít cà phê nhé.
- Cô cháu gái đâu rồi?
- Đang ngủ.
- Yo! Chắc đang ngủ ngon lắm. - Anh lại ngáp.
Tôi bắt đầu làm món salát hoa quả trong căn bếp rất nhiều cửa sổ. Ngoài kia,
dòng sông ánh lên lững lờ. Những mỏm đá cũng rực sáng. Trên các cành cây, tất
cả bắt đầu lấp lánh trong nắng sớm, Marino tự rót một ly cà phê, thêm chút
đường và kem.
- Cô cũng dùng một chút chứ? - Anh hỏi.
- Cà phê đen thôi.
- Giờ phút này thì đừng có kể cho tôi cái gì vội nhé.
- Tôi chưa bao giờ đưa ra bất cứ giả thuyết nào cả. - Tôi nói và lấy đĩa trong
ngăn kéo. - Đặc biệt là về đàn ông, những kẻ dường như luôn có chung một đặc
điểm di truyền theo thuyết Menden khiến họ không thể nhớ những chi tiết quan
trọng đối với phụ nữ.
- Thôi được rồi, tôi sẽ cho cô một danh sách những điều mà Doris không bao giờ
nhớ tới, bắt đầu bằng việc cô nàng luôn sử dụng các dụng cụ của tôi và không
bao giờ trả về chỗ cũ. - Anh bắt đầu nói về vợ cũ của mình.
Anh nhìn quanh như thể đang muốn hút thuốc. Tôi sẽ không để anh hút ở đây.
- Tôi đoán Tony chưa bao giờ pha cà phê cho cô. - Anh nói.
- Tony gần như chưa bao giờ làm cho tôi điều gì trừ việc thử khiến tôi mang
bầu.
- Anh ta đã làm không tốt lắm trừ phi cô không muốn sinh con.
- Tôi không muốn có con với anh ta.
- Còn bây giờ thì sao?
- Tôi vẫn không muốn có con với anh ta. Đây! - Tôi đưa cho Marino một cái đĩa.
- Ngồi xuống đi.
- Đợi một phút. Đây sao?
- Anh còn muốn gì nữa?
- Chết tiệt, đây không phải đồ ăn. Còn mấy lát xanh xanh cùng với mấy hạt đen
đen kia là cái quái gì thế?
- Quả kiwi tôi nhờ anh mua về mà. Tôi dám chắc là anh đã từng ăn rồi. - Tôi
kiên nhẫn nói. - Tôi còn có bánh vòng trong tủ lạnh đấy.
- Được, tuyệt thật. Cùng với pho mát kem. Cô có ít hạt thuốc phiện không?
- Nếu hôm nay anh phải kiểm tra chất gây nghiện thì sẽ dương tính với moóc phin
đấy.
- Đừng có cho tôi thêm món gì không béo nữa. Cứ như ăn bột vậy.
- Bột tốt quá chứ sao.
Tôi nhân nhượng cho anh thêm ít bơ, để anh có cảm giác được sống một lát. Tôi
và Marino còn hơn cả đồng nghiệp hay bạn bè. Chúng tôi dựa vào nhau theo cách
mà không ai có thể giải thích được.
- Nào, giờ thì hãy kể cho tôi nghe cô đã làm được những gì. - Anh nói khi chúng
tôi ngồi vào bàn ăn được làm bằng một tấm kính lớn. - Tôi biết cô đã thức cả
đêm để làm gì đó.
Anh cắn một miếng bánh lớn và với tay lấy nước hoa quả. Tôi kể cho anh nghe về
chuyến thăm bà Edddings và những dòng tôi đã viết rồi gửi fax cho những số mà
tôi còn chẳng biết là ở đâu.
- Thật kỳ lạ là cậu ta đã gửi fax đến mọi nơi trừ văn phòng của mình.
- Anh ta có gửi hai cái fax tới văn phòng. - Tôi nhắc.
- Tôi cần phải nói chuyện với những người đó.
- Chúc may mắn. Hãy nhớ, họ đều là nhà báo cả.
- Đó chính là điều khiến tôi lo lắng. Với những kẻ rỗi hơi đó thì Eddings chỉ
là một câu chuyện khác nữa mà thôi. Điều duy nhất bọn chúng quan tâm là chúng
sẽ làm gì với những thông tin có được. Cái chết của cậu ta càng tồi tệ thì
chúng càng thích thú.
- Vậy à, tôi không biết. Nhưng tôi e rằng những kẻ quen biết cậu ta ở đó sẽ rất
cẩn trọng về những điều sẽ nói. Tôi không dám buộc tội họ, nhưng việc điều tra
về một cái chết là điều mà nhiều người không muốn liên can đâu.
- Tình trạng cậu ta thế nào? - Marino hỏi.
- Hy vọng là hôm nay có kết quả. - Tôi nói.
- Tốt. Cô đã có xác nhận đó là chất cyanide, sau đó chúng ta có thể tìm hiểu nó
được sử dụng như thế nào. Như vậy, tôi sẽ phải cố giải thích với chỉ huy của
Đội A và tôi đang chưa biết mình sẽ làm cái quái gì với tụi Keystone Kops[9] ở
Chesapeake. Tôi sẽ phải nói với Wesley đó là một vụ giết người và anh ta sẽ
cuống lên tìm bằng chứng vì anh ta cũng như đang ngồi trên đống lửa.
[9] Keystone
Kops: Một nhóm cảnh sát bất tài trong loạt phim câm hài hước hồi đầu thế kỷ XX.
Tác giả ám chỉ “những cảnh sát bất tài” - ND.
Tôi lơ đễnh khi nghe nhắc đến tên Wesley. Tôi nhìn qua cửa sổ xuống dòng nước
đang cuộn lên xô ào ạt vào những tảng đá lớn sẫm màu. Mặt trời khiến những đám
mây xám rạng lên phía đằng đông. Tôi nghe thấy tiếng vòi nước chảy phía phòng
của Lucy ngủ.
- Có vẻ công chúa ngủ trong rừng đã dậy rồi. - Marino nói. - Con bé có cần đi
nhờ xe không?
- Tôi nghĩ hôm nay con bé sẽ chạy qua văn phòng đại diện. Chúng ta đi đi thôi.
- Tôi nói thêm vì cuộc họp giao ban ở văn phòng tôi luôn bắt đầu lúc tám rưỡi.
Anh giúp tôi thu dọn bát đĩa và cho vào bồn rửa. Vài phút sau, tôi đã mặc áo
khoác sẵn sàng, đeo túi y tế và túi xách cầm tay. Cô cháu tôi xuất hiện ở phòng
khách với mái tóc ướt và áo khoác quấn chặt.
- Cháu vừa trải qua một cơn ác mộng. - Con bé nói với giọng mệt mỏi. - Ai đó đã
bắn chúng ta khi đang ngủ. Một viên đạn chín li vào gáy. Kiểu như một vụ cướp
vậy.
- Ồ, thật sao? - Marino hỏi khi xỏ vào tay chiếc găng da thỏ. - Thế súng của
cháu để đâu? Vì điều đó sẽ không xảy ra nếu chú ở trong nhà.
- Lúc đó lại không có chú ở đấy.
Anh nhìn con bé một cách băn khoăn khi chợt nhận ra rằng nó thực sự nghiêm túc.
- Tối qua cháu đã ăn cái quái gì thế?
- Như một bộ phim vậy. Chắc hẳn đã kéo dài hàng tiếng.
Con bé nhìn tôi bằng đôi mắt thâm quầng và mất hết thần sắc.
- Cháu có muốn đến văn phòng với dì không? - Tôi hỏi.
- Không sao, cháu ổn mà. Điều cuối cùng mà cháu cảm thấy bây giờ là cứ như thể
đang có hàng tá xác chết xung quanh mình.
- Cháu sẽ đến gặp vài cộng sự quen ở đây chứ? - Tôi lo lắng nói.
- Cháu chưa biết nữa. Chúng cháu sẽ lại tiếp tục làm thí nghiệm về hệ hô hấp ôxy
tuần hoàn kín, nhưng cháu chưa chuẩn bị tinh thần để mặc một bộ đồ nhái mà chui
vào trong cái bể bốc mùi clo ấy đâu. Cháu nghĩ cháu sẽ chỉ quanh quẩn ở đâu đó
chờ xe rồi về thôi.
Tôi và Marino không nói chuyện nhiều trong lúc lái xe vào trung tâm. Những bánh
xe to tướng của anh ma sát với mặt đường đóng băng tạo ra những âm thanh nghe
phát ghê răng. Tôi biết anh cũng lo lắng cho Lucy. Lo lắng kể cả khi anh mắng
con bé, mà nếu có ai đó định làm điều tương tự thì hẳn Marino sẽ hạ gục hắn
bằng đôi bàn tay to khỏe ấy. Anh biết con bé từ khi nó mới mười tuổi. Chính
Marino đã dạy nó bắn súng và lái xe bán tải.
- Này, tôi có điều muốn hỏi cô. - Cuối cùng anh cũng cất lời khi dòng xe cộ
trên đường chạy từ từ qua trạm soát vé. - Cô nghĩ Lucy có ổn không?
- Ai cũng có thể gặp ác mộng mà.
- Chào Bonita. - Anh chào cô soát vé và chìa tấm thẻ của mình ra cửa xe. - Khi
nào thì cô sẽ làm cái gì đó để xử lý kiểu thời tiết này chứ?
- Đừng đổ lỗi cho tôi, ông đại tá. - Cô trả lại thẻ và cánh cửa nâng lên. - Anh
đã bảo tôi là anh đang làm nhiệm vụ đấy.
Giọng nói vui vẻ của cô vọng theo khi chúng tôi lái xe đi, và tôi nghĩ thật
buồn khi chúng ta đang phải sống ở cái thời đại mà ngay cả người soát vé cũng
phải đeo găng cao su vì sợ bị chạm vào da thịt của ai đó. Tôi băn khoăn liệu
rồi có đến một lúc nào đấy, tất cả chúng ta sẽ phải sống trong những cái bong
bóng miễn dịch để không phải chết vì nhiễm virus Ebola hay AIDS không.
- Tôi chỉ nghĩ con bé cư xử hơi lạ một chút thôi. - Marino nói tiếp khi kéo cửa
kính lên. Ngừng một lát, anh hỏi. - Janet đâu?
- Đang ở nhà dưới Aspen, tôi nghĩ vậy.
Anh nhìn thẳng phía trước và tiếp tục lái xe.
- Sau tất cả những chuyện đã xảy ra ở nhà tiến sĩ Mant, tôi không trách Lucy vì
cái tội nó lo lắng thái quá. - Tôi nói thêm.
- Khỉ thật, con bé luôn là người đi tìm kiếm những rắc rối. - Anh nói. - Nó
chẳng bao giờ biết than phiền cả. Đó là lý do tại sao trên Cục cứ để cho nó
kiệt sức với vụ thí nghiệm liệu pháp thay thế hormon. Nào thì là bạn không được
phép than phiền khi đối mặt với bọn phân biệt chủng tộc và khủng bố người da
trắng. Vì thế nó không thể ốm chỉ vì gặp một giấc mơ tồi tệ chết tiệt nào đó.
Ra khỏi đường cao tốc, anh rẽ vào lối ra của đường số 7, đi vào những con phố
trải đá cuội cũ kỹ ở Shockoe Slip, sau đó lái về hướng bắc vào đường 14 nơi tôi
vẫn đến làm việc hàng ngày lúc còn ở thành phố. Phòng Giám định Pháp y của
Virginia là một tòa nhà thấp được trát vữa stuco với những cửa sổ nhỏ thẫm màu,
chúng luôn khiến tôi liên tưởng đến những đôi mắt tò mò, khó ưa. Tôi ngắm những
khu nhà ổ chuột ở phía đông và khu bờ sông ở phía tây lơ lửng trên đầu là những
con đường cao tốc và đường ray cắt ngang bầu trời.
Marino đã lùi xe vào bãi đậu đằng sau, ở đây có vô số xe trông rất ấn tượng,
nhìn đã biết chất lượng của đường sá thế nào rồi. Tôi ra khỏi xe rồi tiến đến
một cánh cửa xếp đóng kín. Tôi lấy chìa mở cửa, và lại tiếp tục mở một cửa khác
nữa. Đi dọc hành lang xếp kín những chiếc xe cáng, tôi vào nhà xác, nghe thấy
loáng thoáng tiếng người đang làm việc dưới sảnh. Phòng mổ tử thi ở ngay bên
phòng lạnh, giờ đang mở toang cửa. Tôi bước vào trong khi Fielding, tay phó của
tôi đang tháo các loại ống khác nhau và cả một ống dẫn nước tiểu ra khỏi xác
một phụ nữ trẻ ở chiếc bàn thứ hai.
- Cô trượt băng để tới đây đấy à? - Anh ta hỏi và dường như chẳng ngạc nhiên
khi nhìn thấy tôi.
- Gần như là thế. Có thể hôm nay tôi sẽ phải mượn tạm chiếc xe cà tàng của anh
vậy. Hiện giờ tôi không có xe.
Anh ta cúi xuống gần hơn xác nạn nhân, vẻ mặt hơi nhăn lại khi xem xét hình xăm
một con rắn chuông uốn lượn quanh ngực trái đang sệ xuống của người phụ nữ,
miệng con rắn như cố vươn đến núm vú của cô ta.
- Cô thử nói xem sao người ta lại có thể xăm cái thứ quái quỷ như thế này chứ?
- Fielding nói.
- Tôi có thể khẳng định gã thợ xăm hình lãi to đây. - Tôi nói. - Kiểm tra bên
trong môi dưới của cô ta xem. Có thể cũng có một hình xăm ở đấy.
Anh ta kéo môi dưới ra và bên trong xuất hiện những chữ cái ngoằn ngoèo: “Mẹ
mày”. Fielding nhìn tôi đầy kinh ngạc.
- Sao cô biết điều đó?
- Đây toàn là những hình xăm tự làm. Trông cô này giống như một tay đua và tôi
đoán cô ta cũng không xa lạ gì lắm với các trại giam.
- Đúng vậy. - Anh ta với một cái khăn sạch và lau mặt.
Anh bạn đồng nghiệp lực lưỡng của tôi lúc nào trông cũng như sắp xé nhỏ đối thủ
của mình vậy, và luôn mồ hôi mồ kê nhễ nhại trong khi những người khác còn chưa
thấy ấm lên một chút nào. Nhưng anh ta là một chuyên gia giỏi của tòa án. Con
người này rất dễ chịu và chu đáo, và tôi tin vào lòng trung thành của anh ta.
- Có thể cô ta đã dùng quá liều. - Anh ta giải thích trong khi vẽ lại hình xăm
trên bản báo cáo. - Tôi nghĩ năm mới của cô ta hơi quá vui vẻ.
- Jack, anh đã làm việc với cảnh sát Chesapeake bao nhiêu vụ rồi? - Tôi hỏi.
Anh ta vẫn tiếp tục vẽ.
- Cũng ít thôi.
- Không có vụ nào gần đây à?
- Tôi thực sự không nghĩ vậy. Sao, có chuyện gì vậy? - Anh ta thoáng nhìn tôi.
- Tôi đã có một cuộc gặp gỡ khá kỳ lạ với một trong những thám tử của họ.
- Trong vụ Eddings ấy à? - Anh ta bắt đầu lau qua cái xác, mái tóc dài màu đen
xõa ra trên mặt bàn sáng bóng.
- Đúng vậy.
- Cô biết không, thật kỳ lạ nhưng Eddings cũng chỉ mới gọi cho tôi. Chưa đầy
một ngày trước khi cậu ta chết. - Fielding vừa nói vừa tháo tất dài ra.
- Cậu ta muốn gì? - Tôi hỏi.
- Lúc ấy tôi đang làm việc trong này nên không đời nào lại chịu nói chuyện với
cậu ta cả. Giờ thì tôi ước gì mình đừng làm thế. - Anh ta trèo lên một cái
thang đứng và bắt đầu chụp ảnh bằng một chiếc máy Polaroid. - Cô ở lại thành
phố lâu không?
- Tôi chưa biết.
- Vậy à, nếu cô cần tôi giúp gì ở Tidewater, tôi sẽ cố gắng. - Đèn flash lóe
sáng và anh ta đang chờ cho ảnh ra. - Tôi không biết đã kể cho cô nghe chưa
nhưng Ginny lại có thai và có lẽ rất muốn được đi đâu đó. Cô ấy đang thích ra
biển. Hãy cho tôi biết tên của tay thám tử mà cô đang lo ngại, tôi sẽ để mắt
đến hắn ta.
- Tôi đang ước sẽ có ai đó làm như vậy. - Tôi nói.
Máy ảnh lại lóe sáng, và tôi nghĩ đến căn nhà của Mant. Thật không thể tưởng
tượng được nếu để cho Fielding và vợ anh ta ở đó, hay thậm chí là chỉ ở gần đó
thôi.
- Dù sao thì cô ở đây cũng tốt. - Anh ta nói thêm. - Chỉ hy vọng tiến sĩ Mant
không định ở lại nước Anh luôn.
- Cảm ơn. - Tôi xúc động nói. - Có thể chỉ cần anh làm thay vài lần một tuần.
- Không vấn đề gì. Cô lấy cho tôi cái máy Nikon được không?
- Cái nào?
- Cái N-50 với ống kính rời. Tôi nghĩ nó ở trong ngăn tủ đằng kia. - Anh ta chỉ
cho tôi.
- Chúng ta sẽ lên lịch sau. - Tôi nói trong khi lấy giúp anh ta chiếc máy ảnh.
- Nhưng anh và Ginny không cần phải ở nhà tiến sĩ Mant đâu. Về chuyện này anh
phải tin tôi mới được.
- Cô gặp chuyện gì à? - Anh ta kéo ra một bản in và đặt xuống.
- Marino, Lucy và tôi khởi đầu một năm mới với mấy cái bánh xe bị rạch nát.
Anh ta hạ máy ảnh xuống nhìn tôi, có vẻ bị sốc.
- Chết tiệt nhỉ. Cô nghĩ đó là sự tình cờ à?
- Không, tôi không nghĩ vậy.
Tôi vào thang máy lên tầng trên và mở khóa phòng làm việc. Hình ảnh cây ớt
Giáng sinh của Eddings khiến tôi xúc động mạnh. Tôi không thể cứ để nó trên kệ
tủ nên vội bê ra ngoài nhưng rồi cũng chẳng biết chuyển đi đâu. Tôi đi lòng
vòng một lúc, bối rối và chán nản, cuối cùng tôi đặt nó lại chỗ cũ, vì cũng
không thể quẳng nó đi hay bắt một nhân viên nào khác chịu thay ký ức về nó.
Nhìn qua ô cửa kế bên của Rose, tôi không ngạc nhiên khi cô ấy không ở đó. Thư
ký của tôi tiến bộ khá nhiều trong những năm qua và không thích lái xe vào trung
tâm ngay cả trong những ngày đẹp trời nhất. Treo áo khoác lên, tôi thận trọng
nhìn quanh, hài lòng khi thấy dường như tất cả đều theo đúng trật tự trừ công
việc lau dọn do nhóm lao công thực hiện. Có lẽ phải vài tiếng nữa họ mới đến.
Nhìn chung thì chẳng có kỹ sư giám sát vệ sinh nào muốn làm việc trong tòa nhà
này cho dù họ được sự chỉ định của chính phủ. Chỉ có vài người là làm được lâu
nhưng cũng chẳng có người nào chịu xuống khu nhà xác cả.
Tôi được thừa hưởng khu văn phòng này từ sếp cũ, nhưng ngoài mấy tấm ván ghép
ra thì chẳng có gì. Nhìn cứ ngỡ phải trở lại thời kỳ u ám khi các chuyên gia về
bệnh học của tòa án như ngài Cagney tiền nhiệm vừa nốc rượu bourbon với cảnh
sát và các giám đốc nhà tang lễ, vừa khám nghiệm tử thi bằng tay không. Người tiền
nhiệm của tôi chắc cũng không lo lắng quá nhiều về các nguồn ánh sáng thay thế
và tế bào DNA.
Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy căn phòng này sau khi ông ta qua đời, khi ấy tôi
đang được phỏng vấn cho vị trí đó. Tôi cũng đã xem những đồ lưu niệm mà ông ta
tự hào trưng ra, và khi nhìn thấy một trong số đó là bộ ngực bằng silicon đã
từng được cấy vào một người đàn bà bị cưỡng hiếp và giết chết, tôi chỉ muốn lại
trốn về Miami.
Tôi không nghĩ ông sếp cũ sẽ thích căn phòng hiện tại, vì trong phòng không
được hút thuốc, và những kẻ có hành vi thiếu tôn trọng hoặc tự cao tự đại sẽ
không được phép bước qua cửa. Những đồ đạc bằng gỗ sồi này không phải của nhà
nước mà là của tôi. Tôi cũng trải một tấm thảm Ba Tư dệt máy màu sắc sáng sủa
để giấu đi cái sàn lát gạch. Có thêm mấy cây ngô đồng trang trí, còn thì tôi
không quan tâm đến vấn đề nghệ thuật, giống như một bác sĩ tâm thần học, tôi
không muốn có thứ gì khiêu khích ở trên tường cả, nói thẳng ra thì tôi cần tất
cả không gian có thể để đặt tủ lưu trữ hồ sơ và sách, về những vật trưng bày,
Cagney chắc cũng sẽ không hề ấn tượng với đám ô tô, xe tải và tàu hỏa đồ chơi
tôi sử dụng để giúp những điều tra viên tái hiện các vụ tai nạn.
Tôi mất vài phút để xem qua hộp đựng tài liệu của mình với các giấy chứng tử
dành cho những vụ cần đến giám định pháp y kẹp màu đỏ và kẹp màu xanh cho những
tài liệu khác. Những báo cáo đang chờ ký nháy của tôi, và trên màn hình máy
tính thông báo rằng tôi có thư. Tất cả những thứ này đều có thể gác lại, tôi
nghĩ vậy và quay lại sảnh lớn xem còn ai ở đó không. - Chỉ có Cleta, nhưng cô
chính là người tôi cần gặp.
- Tiến sĩ Scarpetta. - Cô hơi giật mình. - Tôi không biết chị đang ở đây.
- Tôi cho rằng trở lại Richmond vào lúc này là một ý tưởng hay. - Tôi nói và
kéo ghế lại gần bàn.
- Tôi và tiến sĩ Fielding đang cố gắng bao quát cả Tidewater nữa.
Cleta đến từ Florence, Nam Carolina. Cô trang điểm rất đậm. Váy luôn ngắn cỡn
bởi vì cô tin rằng hạnh phúc cũng đồng nghĩa với sắc đẹp, điều mà cô không bao
giờ sở hữu. Cô ngồi thẳng trên ghế, đeo cặp mắt kính hai tròng, tay cầm một
chiếc kính hiển vi và trước mặt là đống ảnh được sắp xếp theo mã số vụ án. Cạnh
đó có chiếc bánh mì kẹp xúc xích đặt trên một tờ giấy, có lẽ được mua ở quán cà
phê bên cạnh, và cả nước tăng lực Tab.
- Tôi nghĩ là băng đang tan. - Cô cho tôi biết.
- Tốt quá. - Tôi cười. - Tôi rất vui khi thấy cô ở đây.
Trông cô có vẻ hài lòng khi lấy ra một tập ảnh nữa từ trong chiếc hộp.
- Cleta, cô còn nhớ Ted Eddings chứ?
- Ồ, có chứ. - Trông cô đột nhiên như sắp khóc. - Anh ấy rất tử tế. Tôi vẫn
không thể tin được điều đó. - Cô cắn môi dưới.
- Tiến sĩ Fielding bảo rằng Eddings đã gọi đến đây vào cuối tuần trước. - Tôi
nói. - Tôi không biết cô có nhớ việc đó không.
- Có chứ, chắc chắn đấy. - Cô gật đầu. - Thực ra tôi không thể nào thôi nghĩ về
điều đó.
- Cậu ta có nói chuyện với cô không?
- Có.
- Cô nhớ cậu ấy nói gì chứ?
- À, anh ấy muốn nói chuyện với tiến sĩ Fielding, nhưng máy ông ấy bận. Tôi
cũng hỏi anh ấy có cần để lại lời nhắn không, và chúng tôi tán chuyện một chút.
Chị biết anh ấy thế nào mà. - Đôi mắt sáng bừng lên và cô hơi ngập ngừng. - Anh
ấy hỏi có phải tôi uống nhiều xiro lắm hay không mà có giọng nói như thế. Rồi
anh ấy mời tôi đi chơi.