Xác Chết Dưới Nước - Chương 08 - Phần 2
Tôi nhìn đôi gò má ửng hồng của Cleta.
- Tất nhiên anh ấy không có ý như vậy đâu. Anh ấy vẫn luôn nói như vậy mà, chị biết rồi còn gì, lúc nào mà chẳng “Khi nào thì chúng ta sẽ gặp nhau đây?” nhưng anh ấy không có ý vậy đâu. - Cô nhắc lại.
- Nếu cậu ta làm vậy thì cũng không sao mà. - Tôi nhẹ nhàng nói.
- Nhưng anh ấy đã có bạn gái rồi.
- Sao cô biết? - Tôi hỏi.
- Anh ấy nói sẽ có dịp đưa bạn gái đến chơi, và tôi rất ấn tượng vì Eddings khá nghiêm túc khi nói về cô ấy. Tôi nhớ cô ấy tên là Loren, nhưng tôi không biết gì về cô ta cả.
Tôi nghĩ đến những câu chuyện riêng tư giữa Eddings và các nhân viên của tôi, nhưng thậm chí còn không ngạc nhiên bằng việc dường như cậu ta tiếp cận tôi dễ hơn hầu hết các phóng viên khác. Tôi không thể không liên tưởng đến cái điều rằng liệu có phải chính cái tài này của Eddings đã khiến cho cậu ta phải kết thúc cuộc sống hay không.
- Cậu ấy có nói gì với cô cái việc mà cậu ta đang muốn trao đổi với tiến sĩ Fielding không? - Tôi đứng dậy.
Cô ta suy nghĩ một lát, lơ đễnh hồi tưởng lại những hình ảnh mà cả thế giới chưa bao giờ được thấy.
- Chờ một chút. À tôi biết. Đó là chuyện gì đó về phóng xạ. Về những hệ lụy của nó nếu có ai đó chết vì phóng xạ.
- Loại phóng xạ gì? - Tôi nói.
- Tôi nghĩ anh ấy đang thực hiện phóng sự về máy sử dụng tia X-quang. Chị biết đấy, gần đây tin tức tràn ngập vì ai cũng sợ mấy thứ như bom thư.
Tôi không nhớ đã nhìn thấy bất cứ thứ gì trong nhà Eddings có thể cho thấy việc cậu ta đang nghiên cứu một phóng sự. Tôi quay lại phòng làm việc và bắt đầu với các loại giấy tờ và những cuộc điện thoại. Vài tiếng đồng hồ sau tôi mới ăn trưa ngay tại bàn làm việc. Đúng lúc ấy thì Marino bước vào.
- Ngoài đó thế nào? - Tôi hỏi, không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy anh. - Anh có muốn tôi chia cho anh nửa cái sandwich cá hồi không?
Đóng cả hai cửa, anh ngồi xuống mà vẫn mặc áo khoác, và vẻ mặt của anh khiến tôi sợ hãi.
- Cô đã nói chuyện với Lucy chưa?
- Từ lúc đi đến giờ thì chưa. - Tôi đặt bánh xuống. - Sao vậy?
- Con bé gọi cho tôi. - Anh nhìn đồng hồ. - Khoảng một tiếng trước. Muốn biết làm sao để có thể liên lạc được với Danny. Nó muốn hỏi về cái xe. Con bé có vẻ đang say.
Tôi im lặng nhìn anh một lát. Sau đó nhìn đi chỗ khác. Tôi không cần hỏi liệu anh có chắc chắn không vì Marino luôn hiểu vấn đề, và anh cũng biết khá rõ quá khứ của Lucy.
- Tôi có cần phải về nhà bây giờ không? - Tôi khẽ hỏi.
- Không. Tôi nghĩ con bé chỉ hơi lo lắng và sẽ gạt bỏ được nhanh thôi, ít nhất thì nó cũng không có xe để đi đâu được.
Tôi hít một hơi thật sâu.
- Vấn đề là, tôi nghĩ hiện giờ con bé được an toàn. Nhưng tôi nghĩ cô nên biết điều đó, bác sĩ ạ.
- Cảm ơn. - Tôi nói một cách nghiêm trang.
Tôi hy vọng xu hướng lạm dụng chất cồn của cô cháu gái là vấn đề mà con bé đã vượt qua được, vì tôi còn không thấy những dấu hiệu đáng lo ngại kể từ giai đoạn nó tự hủy hoại bản thân mình bằng cách lái xe trong tình trạng say khướt đến gần như ngã gục. Nếu không phải vậy thì qua thái độ kỳ lạ của con bé ở nhà sáng nay và theo như những gì Marino vừa nói, tôi cảm thấy đang có điều gì đó rất không ổn. Tôi không biết phải làm sao nữa.
- Còn nữa! - Anh nói thêm khi đứng dậy. - Cô không muốn con bé quay lại học viện trong tình trạng này chứ?
- Không, tất nhiên là không rồi.
Anh ra về, còn tôi đứng lặng sau cánh cửa đóng im ỉm. Tất cả mọi ý nghĩ đều như dòng sông vẫn lờ đờ chảy phía sau khu nhà tôi ở. Tôi không biết mình đang tức giận hay sợ hãi nữa, nhưng khi nhớ lại những lần đưa rượu hay bia lon cho Lucy, tôi cảm thấy như bị phản bội. Tôi gần như tuyệt vọng khi nghĩ đến những thành quả mà con bé đạt được, và những gì mà nó sẽ đánh mất. Đột nhiên hình ảnh kia choáng đầy tâm trí tôi. Tôi mường tượng tất cả những hình ảnh kinh khủng do một gã đàn ông muốn trở thành thần thánh vẽ ra, và tôi biết cháu gái tôi cùng với tất cả tài năng của mình cũng không thể hiểu được sự đen tối của sức mạnh đó. Nó không hiểu được sự độc hại của cuốn sách đó.
Tôi mặc áo khoác, đeo găng vì biết mình cần phải đi đâu. Tôi định báo cho trực ban biết rằng tôi có công chuyện phải đi thì chuông điện thoại vang lên. Tôi nhấc máy, đoán chắc là Lucy. Nhưng lại là giám đốc Sở Cảnh sát Chesapeake. Ông ta tự giới thiệu tên mình là Steels vừa từ Chicago đến đây.
- Tôi rất tiếc chúng ta phải nói chuyện với nhau theo cách này. - Ông ta nói với vẻ chân thành. - Nhưng tôi cần nói chuyện với cô về một thám tử của chúng tôi là Roche.
- Tôi cũng đang cần nói chuyện với ông về anh ta. - Tôi nói. - Có lẽ ông có thể giải thích chính xác cho tôi vấn đề của anh ta là gì.
- Theo như anh ta nói thì vấn đề là ở cô.
- Thật nực cười. - Tôi nói, không thể kiềm chế sự tức giận được nữa. - Nói thẳng nhé, ngài Steels, thám tử của ông không ổn, anh ta thiếu chuyên nghiệp và là một vật cản trong vụ điều tra này. Anh ta sẽ bị cấm lai vãng đến phòng giám định của tôi.
- Cô biết Sở Nội vụ sẽ điều tra vụ này sát sao. - Ông ta nói. - Và tôi cần cô có mặt để giải trình thêm một số vấn đề trước khi chúng tôi có thể nói chuyện với cô.
- Chính xác là tôi bị buộc tội gì?
- Quấy rối tình dục.
- Vụ này lỗi thời rồi. - Tôi mỉa mai. - Tuy nhiên, tôi không thấy là tôi có quyền lực gì với anh ta vì anh ta làm việc cho ông, chứ không phải tôi, và theo định nghĩa thì quấy rối tình dục liên quan đến việc lạm dụng quyền lực. Nhưng vấn đề cần bàn cãi ở đây là vai trò đã bị đảo ngược trong trường hợp này. Thám tử của ông mới chính là người quấy rối tôi, và khi không được đáp ứng thì anh ta lại trở thành kẻ bị quấy rối.
Steels nói sau khi ngừng một lát.
- Có vẻ những lời cô nói đều nhằm chống lại anh ta.
- Những gì anh ta nói là đều là thứ rác rưởi, và nếu anh ta còn động vào tôi thêm một lần nữa, tôi sẽ xin lệnh bắt giữ.
Đầu dây bên kia im lặng.
- Giám đốc Steels! - Tôi nói tiếp. - Tôi nghĩ vấn đề quan trọng bây giờ là tình trạng đáng báo động đang diễn ra ở khu vực kiểm soát của ông. Có lẽ chúng ta nên nói về Ted Eddings một chút chứ?
Ông ta hắng giọng.
- Tất nhiên rồi.
- Ông có vẻ biết rõ vụ này?
- Chắc chắn rồi. Tôi đã lập hồ sơ rất tỉ mỉ và biết rõ vụ đó.
- Tốt. Vậy tôi chắc ông cũng sẽ đồng ý rằng chúng ta nên điều tra vụ này với tất cả khả năng của mình.
- Tôi nghĩ ta nên nghiêm túc với tất cả những người đã chết, nhưng trong vụ Eddings, câu trả lời đã quá rõ đối với tôi.
Tôi nghe mà chỉ thấy tức giận.
- Có thể cô biết hoặc không biết việc cậu ta đang sưu tầm những di vật liên quan đến cuộc nội chiến. Rõ ràng đã từng có vài cuộc chiến không xa chỗ cậu ta lặn, và có thể người này đang tìm vài thứ gì đó như đạn đại bác.
Tôi biết Roche chắc hẳn đã nói chuyện với bà Eddings, hay tay giám đốc này cũng từng đọc những bài báo Eddings viết về các cuộc truy tìm kho báu dưới nước. Tôi không phải là nhà sử học, nhưng đủ trí khôn để phân biệt được một vấn đề hiển nhiên với cái điều đang trở thành một giả thuyết nực cười. Tôi bảo Steels:
- Trận đánh lớn nhất trên mặt nước ở khu vực của ông là giữa chiến thuyền Merrimac và Monitor. Và trận đó ở Hampton, cách xa đấy hàng dặm. Tôi chưa từng nghe thấy có vụ khiêu chiến nào ở đó hoặc gần khúc sông Elizabeth nơi có bến tàu cả.
- Nhưng thưa tiến sĩ Scarpetta, thực sự chúng ta không biết hết tất cả, có phải không? - Ông ta nói một cách thận trọng. - Có thể con tàu nào đó bị cháy, rồi rất nhiều rác rưởi được tống xuống đây, hay bất kỳ vụ giết người nào có thể xảy ra trước đó. Chỗ đó không giống những nơi luôn được đặt máy quay hay hàng triệu phóng viên có thể xuất hiện. Chỉ có Mathew Brady[10] mới biết được chính xác mà thôi. Thêm nữa, tôi là một fan cuồng lịch sử và cũng đã đọc rất nhiều về cuộc nội chiến. Cá nhân tôi tin rằng Eddings đã lặn xuống đó để cào cả đáy sông lên mà tìm di vật. Cậu ta đã hít phải khí độc xuất phát từ máy móc của chính mình và cho dù có mang thêm gì trong tay, như máy dò kim loại chẳng hạn, thì trước sau rồi cũng sẽ lạc trong đám bùn lầy.
[10] Mathew Brady (1822-1896): Là một trong những phóng viên ảnh người Mỹ nổi tiếng nhất thế kỷ XIX. Ông được biết đến với những tấm chân dung chụp người nổi tiếng và ảnh tư liệu tường thuật cuộc nội chiến của Mỹ. Ông cũng được coi là cha đẻ của khái niệm ảnh báo chí - ND.
- Tôi đang nghi ngờ rằng đây có thể là một vụ ám sát. - Tôi quả quyết nói.
- Còn tôi thì không đồng ý với cô, dựa trên những điều tôi đã được báo cáo.
- Tôi đoán công tố viên sẽ đồng ý với tôi khi tôi nói chuyện với cô ấy.
Vị giám đốc không bình luận gì về điều đó.
- Tôi đoán là ông không định mời những người bên ủy ban Phân tích Điều tra Tội phạm tham gia vụ này chứ? - Tôi nói tiếp. - Bởi vì ông đã cho rằng chúng ta đang xử lý một vụ tai nạn mà.
- Về điểm này, tôi không thấy có lý do gì để phải phiền đến FBI. Tôi cũng đã nói với họ như vậy.
- Vậy à, tôi thì lại thấy có quá nhiều lý do đấy. - Tôi trả lời, và đó là tất cả những gì tôi có thể làm để không gác máy luôn.
- Mẹ kiếp! - Tôi lầm bầm khi giật mạnh lấy túi đồ và đi thẳng ra cửa. Xuống đến phòng giám định, tôi với chùm chìa khóa treo trên tường và đi bộ ra bãi đậu xe, mở khóa cửa chiếc xe tải màu xanh sẫm thường được dùng để chở thi thể. Nó không hoàn toàn giống xe tang, nhưng cũng không phải loại xe mà mọi người muốn nhìn thấy đậu bên lối vào nhà hàng xóm. To kềnh càng, cửa sổ kính đen, lại còn được che thêm bằng những tấm mành kiểu vẫn được dùng trong nhà tang lễ, và thay vì có ghế ngồi phía sau thì chỉ có một lớp gỗ dán với các chốt để giữ cáng không bị trượt khi di chuyển. Giám sát phòng giám định còn treo vài túi thơm trên kính chiếu hậu, và mùi bách hương ngọt ngào lan tỏa khắp xe.
Tôi hạ cửa sổ một chút và lái xe vào phố Main. Thật dễ chịu khi lúc này đường sá chỉ còn hơi ướt át chút thôi, và đang vào giờ cao điểm nhưng cũng không quá tệ. Cảm giác không khí lạnh ẩm ướt phả lên mặt thật tuyệt và tôi biết mình sẽ phải làm gì. Đã quá lâu rồi tôi không bước vào khu nhà thờ nằm trên đường về. Bởi vì tôi chỉ nghĩ đến nó vào những lúc bị hoảng loạn như thế này, khi đời đã đẩy tôi đi xa đến tận cùng. Đến ngã tư đường Three Chopt và đại lộ Grove, tôi rẽ vào bãi đậu xe của nhà thờ Thánh Bridget, được xây bằng gạch và đá phiến. Giờ thì người ta không còn dám để cửa không khóa vào ban đêm nữa vì thế giới này đang biến thành một thứ luôn nguy hiểm như vậy. Giờ này những kẻ nghiện rượu lang thang có thể chui vào đây nhưng tôi biết mình sẽ không bao giờ bị quấy rầy gì.
Bước qua cửa ngách, tôi tự chúc phúc bằng cách nhúng tay vào nước thánh rồi đi vào gian thờ bày biện những bức tượng thánh đang canh giữ thập giá và hình ảnh Chúa Jesu đóng đinh hiển hiện trên ô kính màu rực rỡ. Tôi chọn hàng ghế cuối cùng và cầu cho những ngọn nến được thắp sáng, cho dù lễ nghi này đã lâu rồi không còn ai nhớ đến nữa. Quỳ gối trên băng ghế, tôi cầu nguyện cho Eddings và mẹ cậu ta. Tôi cầu nguyện cho cả Marino và Wesley nữa. Còn cá nhân tôi, từ sâu thẳm nhất, tôi cầu nguyện cho cháu gái mình. Sau đó tôi nhắm mắt ngồi yên lặng và cảm thấy sự căng thẳng dần dịu lại.
Mãi gần sáu giờ tôi mới đứng dậy. Tôi dừng lại ở ngoài hành lang và nhìn thấy lối đi sáng trưng dần vào thư viện dưới sảnh. Tôi không biết tại sao mình lại bị hút theo hướng ấy nhưng tự nhiên trong đầu nảy ra ý nghĩ rằng một cuốn sách xấu xa có thể bị ngăn chặn bởi một cuốn sách linh thiêng khác, và rồi chỉ trong nháy mắt, cuốn giáo lý kia sẽ bị một thầy tu làm cho vô hiệu. Lúc bước vào, tôi nhìn thấy một phụ nữ đứng tuổi đang xếp lại mấy cuốn sách lên giá.
- Có phải tiến sĩ Scarpetta đấy không? - Bà ta hỏi, vẻ vừa ngạc nhiên vừa hài lòng.
- Chào chị. - Tôi hơi lúng túng vì không thể nhớ nổi tên của bà ta.
- Tôi là Edwards.
Tôi nhận ra người đàn bà này làm việc công ích cho nhà thờ và hướng dẫn những người mới cải đạo Công giáo, mà tôi nghĩ một ngày nào đó mình cũng phải thỉnh giáo bà vì chẳng mấy khi tôi đi lễ nhà thờ. Bà ta thấp người và hơi đẫy đà. Chưa nhìn thấy các bà phước bao giờ nhưng từ nhỏ đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ rằng một bà phước tốt bụng chắc trông giống như vậy.
- Tôi không thấy chị đến đây vào giờ này mấy. - Bà ta nói.
- Tôi chỉ vừa mới đến đây sau giờ làm. Tôi e rằng mình đã bị lỡ mất buổi cầu nguyện buổi tối.
- Chủ nhật mới có lễ cầu nguyện chứ.
- Dĩ nhiên rồi.
- Tôi rất vui vì đã nhìn thấy chị ở đây đúng vào phiên tôi làm việc.
Ánh mắt nấn ná trên khuôn mặt tôi và tôi biết bà ta đang thử đoán xem tôi cần gì. Tôi đưa mắt nhìn khắp giá sách.
- Tôi có thể giúp chị tìm thứ gì đó được không? - Bà ta hỏi.
- Một cuốn sách giáo lý. - Tôi đáp.
Bà ta đi ngang phòng và rút một cuốn sách từ trên giá rồi đưa nó cho tôi. Đây là một cuốn sách vừa dày vừa nặng và tôi tự hỏi không biết có phải mình đã quyết định đúng hay không, vì lúc này tôi đã kiệt sức rồi và nghĩ Lucy chắc cũng chẳng còn tâm trạng nào để đọc.
- Tôi còn giúp gì cho chị được nữa không? - Bà ta ân cần.
- Có lẽ tôi cần phải nói chuyện với cha cố một lúc.
- Cha O’Connor đang đến thăm bệnh viện. - Đôi mắt bà tiếp tục thăm dò. - Liệu tôi có thể giúp chị theo cách tương tự được không?
- Chắc chắn rồi.
- Chị có thể ngồi luôn ở đây. - Bà ta gợi ý.
Chúng tôi kéo ghế ra khỏi chiếc bàn gỗ mộc. Nhìn nó tôi lại liên tưởng đến quãng thời gian còn cắp sách đến trường giáo khu ở Miami. Đột nhiên tôi chợt nhớ ra cái điều tuyệt vời đang chờ đợi tôi ở những trang sách kia, vì tìm hiểu mọi thứ luôn là điều mà tôi yêu thích, và bất cứ ý nghĩ nào vượt thoát ra khỏi ngôi nhà của mình là một điều vô cùng hạnh phúc với tôi. Tôi và bà Edwards ngồi đối diện như những người bạn nhưng mãi mà tôi chưa thốt được thành lời bởi vì hiếm khi tôi lại muốn nói thẳng thế này.
- Tôi không thể đi sâu vào chi tiết bởi những khó khăn của tôi lại liên quan đến công việc mà tôi đang làm. - Tôi mở đầu.
- Tôi hiểu. - Bà ta gật đầu.
- Vì vậy tôi chỉ nói vắn tắt rằng vụ án của tôi đang liên quan đến một cuốn giáo lý của quỷ. Không phải thờ quỷ, nhưng là một thứ gì đó rất tội lỗi.
Bà ta không nói gì mà chỉ tiếp tục nhìn sâu vào mắt tôi.
- Mà Lucy thì… cô cháu gái hai mươi ba tuổi của tôi ấy, nó đã đọc cuốn sách đó.
- Và vấn đề chị đang gặp phải là hệ quả của cuốn sách ấy? - Bà Edwards hỏi.
Tôi hít thở sâu và tự nhiên cảm thấy mình ngốc nghếch.
- Tôi biết điều này nghe có vẻ kỳ quặc.
- Dĩ nhiên là không kỳ quặc tí nào. - Bà ta nói. - Chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp sức mạnh của tà ác và nên tránh nhồi nhét những thứ đó vào đầu bất cứ khi nào.
- Không phải lúc nào ta cũng tránh được đâu. - Tôi nói. - Nhưng hiếm khi nào tôi lại đọc được một thứ như thế. Tôi đã gặp ác mộng, còn cháu gái tôi đang trở nên bất thường sau khi đọc cái cuốn sách ấy. Chủ yếu là tôi lo lắng cho nó. Đó là lý do tại sao tôi đến đây.
- “Nhưng hãy cứ tiếp tục làm những điều mà nhà ngươi biết và nhà ngươi được đảm bảo.” - Bà ta trích dẫn một câu nào đó và mỉm cười. - Chỉ đơn giản thế thôi mà.
- Tôi không chắc là mình hiểu được câu này. - Tôi đáp.
- Tiến sĩ Scarpetta, chẳng còn cách nào khác cho những gì mà chị vừa chia sẻ với tôi đâu. Tôi không thể đặt tay lên người chị để đẩy lùi bóng tối và xua ác mộng đi được. Cha O’Connor cũng không thể làm điều đó. Chúng ta cũng không có bất cứ nghi thức nào có thể làm được điều chị muốn. Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện cho chị, và dĩ nhiên là chúng tôi sẽ làm như thế. Còn những gì chị và Lucy phải làm lúc này là lấy lại niềm tin. Chị cần phải làm bất cứ điều gì khiến chị có thể lấy lại được sức mạnh trước đây.
- Đó chính là lý do tại sao hôm nay tôi đến đây. - Tôi nhắc lại.
- Tốt. Hãy bảo Lucy trở lại với tôn giáo và cầu nguyện. Cô bé nên năng đến nhà thờ.
Rõ là cái ngày chẳng ra sao, tôi nghĩ bụng khi lái xe về nhà. Nỗi lo lắng của tôi càng dâng lên khi tôi bước vào nhà. Mới chưa đến bảy giờ tối nhưng Lucy đã lên giường rồi.
- Cháu ngủ đấy à? - Tôi ngồi xuống trong bóng tối và đặt tay lên lưng con bé. - Lucy?
Nó không trả lời và tôi cảm thấy may mắn làm sao khi xe của chúng tôi vẫn chưa sửa xong. Tôi cứ sợ nó đã quay trở lại Charlottesville rồi. Tôi sợ nó lại lặp lại tất cả những lỗi lầm kinh khủng trước đây.
- Lucy? - Tôi gọi lần nữa.
Nó chậm chạp lật mình lại.
- Gì vậy ạ?
- Dì chỉ xem cháu có sao không thôi mà? - Tôi nói giọng nghèn nghẹt.