Ngày xưa có một con bò - Chương 3 - Phần 1

3. BÒ NÀO CŨNG TỪNG LÀ BÊ

Ngay từ trước khi chọn nghề phi công, tôi đã rất muốn thử sức trong lĩnh vực mua bán trái phiếu và cổ phiếu. Điều này luôn hấp dẫn tôi. Nhưng rồi hết gia đình lại đến bạn bè cứ nói làm vậy là quá liều và tôi phải khung tới nơi mới tính chuyện từ bỏ công việc và lương bổng ổn định như vậy. Có lẽ tôi đã nghe lời người khác quá lâu rồi, cho nên vào năm ba mươi sáu tuổi, tôi quyết định không sống trong sự sợ hãi của người khác nữa, tôi lấy hết cảm đảm và chuyển nghề. Giờ đây, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết và tin rằng đây mới chính là cuộc đời đã định sẵn của mình. Tôi tự mình làm chủ. Lịch làm việc của tôi linh động và tôi là động lực của chính bản thân. Điều này có nghĩa là tôi tự lèo lái để vượt ra khỏi những điều mà người khác nói tôi có thể đạt được. Cảm giác này rất nhẹ nhõm và tôi thấy hào hứng với tương lai hơn bất cứ khi nào.

- William, Hallandale Beach, Foridal

Trong chương trước, tôi đã nói là các thái độ hạn chế - dù rất ngớ ngẩn và phi lý - lại đều mang vẻ thực tế quá mức đối với chúng ta. Vậy thì chúng thực tế đến đâu?

Hãy lấy nỗi sợ làm ví dụ. Sợ hãi là một trong những thái độ hạn chế mạnh mẽ nhất. SỢ HÃI - đôi khi được hiểu như từ viết tắt của Bằng Chứng Giả Xuất Hiện Như Thật (FAIR= False Evidence Appearing Real). Bất cứ điều gì làm chúng ta sợ đều có vẻ như rất thật, và nỗi sợ làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta không thể làm gì hơn là đứng bất động khi thấy nó.

Ví dụ như phát biểu trước đám đông. Sự sợ hãi khi phát biểu trước đám đông đối với một số người là thật đến mức độ nào? Nó thật đến nỗi trong danh sách những nỗi sợ, sợ nói trước đám đông xếp thứ hạng cao hơn hẳn so với sợ chết. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng đối với một số người, việc phát biểu trước đám đông tạo ra sự lo âu và sợ hãi nhiều hơn cả viễn cảnh của cái chết.

Bạn cho là tôi phóng đại lên chăng? Cứ thử đây những người này ra trước một đám đông và bắt họ phát biểu vài lời, rồi xem chuyện gì xảy ra nào. Tình trạng tinh thần và thể chất của họ sẽ lập tức biến đổi. Họ bắt đầu vã mồ hôi, tim đập thình thịch, và hai chân nhũn ra cơ hồ muốn sụn. Đó là điều mà một số người cảm thấy khi nghĩ đến chuyện phải phát biểu trước đám đông. Bạn thử nới với họ rằng cái sự sợ hãi đó rất vô lý, và rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với họ, khi đó bạn sẽ biết được nỗi sợ đó là thật đến mức độ nào.

Không còn nghi ngờ gì nữa, sợ hãi là một trong những con bò tệ hại nhất. Sợ hãi sẽ kiểm soát thân trí ta, làm tê liệt đầu óc và thân xác chúng ta theo đúng nghĩa của nó. Giải pháp duy nhất là hãy học cách hành động bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp cảm giác rằng mình chưa đủ giỏi, hoặc sự lo lắng bồn chồn mà mình có thể cảm nhận. Hành động là cách chữa trị duy nhất.

Những sự hợp lý hóa - một hình thức khác của thái độ hạn chế - thường được sử dụng một cách tiêu biểu trong nỗ lực thuyết phục người khác và thuyết phục chính mình rằng chuyện không qua tệ như vậy, mặc dù trong thâm tâm, bạn biết rất rõ điều đó tệ hại như thế nào. Rắc rối lớn nhất của sự hợp lý hóa là, nếu đủ thời gian, chúng ta sẽ dần dần tin rằng nó thật sự đúng, và chúng ta sẽ không có hành động nào để cải thiện tình huống của mình.

Thường thì chúng ta mất quá nhiều thời gian tự vấn vì sao mình lại cứ phải sống trong tình trạng mà mình chẳng hề muốn, chẳng hạn như phải mất cái công việc chán phèo. Thay vì làm điều hiển nhiên - đi tìm việc khác - chúng ta mất thời giờ cố gắng giải thích vì sao ở lại là lựa chọn tốt nhất.

Khi nghĩ đến hậu quả tàn khốc của cái sự hợp lý hóa, tôi nhớ đến một người phụ nữ đã gặp tôi trong một buổi ký tặng sách vì cô ấy muốn tôi giúp cải thiện thái độ của bản thân đối với công việc. “Hãy cho tôi biết vài điều về công việc của chị,” tôi nói.

“Tôi ghét việc mình làm”, đó là những lời đầu tiên cô ấy thốt ra. “Sếp của tôi là người bất cần đạo lý, ông ta không thừa nhận năng lực của tôi và ông ta thẳng như ruột ngựa. Tôi cũng không được làm việc theo chuyên môn của mình. Tôi đã cố nghĩ theo chiều hướng tích cực nhưng đi làm đã trở nên nặng nề đối với tôi”. Và cô ấy tiếp tục nói một thôi một hồi về những lý do mình không thể bỏ công việc đó.

Cuối cùng, cô ta hỏi tôi có cách nào tích cực hơn trong tình cảnh của mình không. “Nghỉ đi! Tìm việc khác mà làm. Làm cái gì chị cảm thấy thích thì làm”, tôi đáp. Cô ấy sốc nặng, tôi nghĩ đó không phải là câu trả lời mà cô chờ đợi. Thật ra tôi cũng không cho đó là lựa chọn mà cô ta đã từng nghĩ đến. Tôi tiếp tục giải thích cho cô hiểu rằng chúng ta không đặt mục tiêu học cách thích nghi với một công việc chúng ta ghét mà là tìm kiếm và làm những gì chúng ta thích. Cuộc sống quá ngắn ngủi, chúng ta không có đủ thời gian để làm điều mình ghét. Bạn tôi, Brian Tracy, đã rất đúng khi nói rằng: “Bất cứ khoảng thời gian nào bạn dành cho công việc bạn ghét đều là khoảng thời gian bị lãng phí”.

Thái độ hạn chế cũng thể hiện dưới dạng các niềm tin sai lầm về năng lực của chính mình, về người khác, hoặc về thế giới mà chúng ta sống. Trong phần lớn thời gian, những niềm tin này ngăn cản chúng ta đạt được hoặc nhận ra tiềm năng thật sự của mình.

Isabel, người gần đây từng tham dự một trong các buổi nói chuyện của tôi, đã hơn sáu mươi tuổi. Bà ấy mới di cư sang đây và đang cố tìm việc, nhưng lại có một bộ sưu tập những niềm tin vì sao mình khó kiếm được việc phù hợp chuyên môn của bản thân. “Tôi không có kỹ năng giao tiếp tốt.” “Tôi quá lớn tuổi, và chẳng có công ty nào chịu thuê tôi.” “Chẳng ai muốn thuê một bà lão sáu mươi tuổi nói giọng quê rặt.” Isabel cứ tiếp tục nói và nói mãi về những lý do bà ấy chẳng bao giờ tìm được công việc nào phù hợp, đặc biệt là do tuổi tác. Khi tôi hỏi bà đã xin việc ở đâu thì mới biết được rằng thật ra bà ta chỉ mới nộp có một bộ hồ sơ cho một công ty và bị từ chối.

“Tôi phải làm sao đây, tiến sĩ Cruz?”, bà ta cầu xin một cách khẩn thiết. Linh tính cho tôi biết rằng đây không phải lần đầu tiên Isabel kể câu chuyện này. Thật sự thì bà ta đã kể đi kể lại câu chuyện đó hàng trăm lần rồi, nên tôi bảo: “Trước hết, bà hãy thôi kể lể về những điều như vừa rồi, và sau đó hãy đi nộp đơn và nhận thêm một trăm lần bị từ chối nữa trước khi chúng ta xếp bà vào nhóm hoàn toàn thất bại khi xin việc. Khi nào đạt đủ con số đó, bà hãy trở lại đây và chúng ta sẽ đề ra phương án khác.”

Ba tháng sau tôi tình cờ tổ chức một buổi hội thảo cũng tại thành phố đó, và cũng không để ý là Isabel đã đến tham dự. Vào giờ giải lao, bà ấy đến chỗ tôi và kể: “Hai lần. Tôi chỉ bị từ chối thêm hai lần nữa và rồi tôi đã được nhận công việc tuyệt vời. Tôi làm việc được hai tháng rưỡi và rất hài lòng.” Và quả thật, trông bà ấy thật rạng ngời; tôi có thể nhận thấy bà ấy đã trở thành một con người khác. Dĩ nhiên, đó là điều tất yếu một khi bạn đã giải phóng mình ra khỏi gánh nặng của quá nhiều những con bò trên vai.

Hiển nhiên, như bạn thấy, các con bò có những hình dạng và cách ngụy trang khác nhau khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm thấy và nhận ra bộ mặt thật của chúng. Một số người thích thừa nhận những con bò này như những nghiệp chướng mà số phận đã gán cho họ, những gánh nặng ngoài khả năng kiểm soát của bản thân.

Nhìn chung, mọi ý tưởng nào hạn chế năng lực của bạn và kiểm soát sự việc hoặc dọn đường cho bạn thoái thác trách nhiệm thực hiện công việc thì đó rất có thể là một con bò. Nhưng những con bò này hình thành như thế nào? Cũng giống như những lời nói dối nghiêm trọng thường bắt đầu bằng những lời nói dối vô hại, những con bò trưởng thành và to lớn cũng khởi đầu từ những chú bê con ngây thơ hiền lành.

Một Ngày Trong Cuộc Đời Của Một Người Bi Quan

Sau đây là một ví dụ cho thấy các con bò đã thành hình như thế nào. Một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của thành công là sự bi quan. Những kì vọng thấp và thái độ tiêu cực luôn luôn mang lại thất bại và thất vọng.

Người bi quan sống trong một thế giới tiêu cực và đáng chán, trong khi thế giới lạc quan tràn đầy những điều tích cực và cơ hội. Dĩ nhiên trong thực tế, cả hai loại người này đều sống trong một thế giới chung. Những trải nghiệm khác biệt của họ đơn thuần chỉ là kết quả của những tư tưởng chính trong đầu họ.

Trong một buổi hội thảo của tôi, khi đang nói chuyện với một người cực kỳ tiêu cực, tôi nhận ra một điều và tôi tin đó là điểm xuất phát cho những thái độ tiêu cực của những người bi quan. Đối với những nhận xét tôi đưa ra về cái nhìn ảm đạm của anh ta trong cuộc sống, người bi quan lập tức trả lời hầu như lúc nào cũng với một câu: “Chỉ vì tôi là người thực tế.”

Chắc hẳn bạn cũng đã tình cờ gặp những người sẵn sàng lải nhải cố bào chữa cho các thái độ tiêu cực của họ bằng cách gọi đó là “những kỳ vọng thực tế”. Sự thật là nếu bạn hỏi một người tích cực liệu anh ta có phải là người lạc quan không, chắc chắn câu trả lời bạn nhận được sẽ là “có”. Mặt khác, nếu bạn hỏi người có tính tiêu cực xem anh ta có phải là người bi quan không, thường thì bạn sẽ nghe những câu trả lời đại khái như “tôi không phải người bi quan, mà tôi là người thực tế”.

Làm thế nào mà tính cách “thực tế” lại gây hại cho chúng ta? Điều này thật dễ hiểu. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng mình đang trở nên tiêu cực và cay nghiệt thì trong chừng mực nào đó, bạn có thể quyết định thay đổi thái độ của mình. Thậm chí bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ để thay đổi quan điểm của mình về cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng mình thật ra chỉ đang trở nên thực tế và thực dụng, thì có thể chẳng bao giờ bạn cảm thấy cần phải thay đổi nhãn quang của mình. Xét cho cùng, bạn đã từng nghe người ta nói rằng để làm người thực tế thì bạn phải có lập luận rõ ràng và nhìn nhận mọi việc đúng bản chất của nó - hoặc ít ra thì đây cũng là quan điểm của người thực tế. Thế nhưng, nếu quan sát kỹ, bạn có thể nhận thấy hầu hết những “người thực tế” có xu hướng là những người bi quan và có những kỳ vọng tiêu cực. Thật ra tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy điều này ngay sau đây!

Đã bao nhiêu lần bạn nói với ai đó là hãy đạt được một mục tiêu nhất định - chẳng hạn như bạn nói với người đó là hãy cố gắng đạt điểm B trong bài thi kế tiếp - và người đó trả lời bạn “Cái gì? Thực tế đi chứ! Tôi tin mình sẽ đạt điểm A cơ?” Không khi nào có chuyện như thế! Thông thường thì những gì bạn nghe được sẽ giống thế này hơn: “Bạn nghĩ tôi sẽ được điểm B sao? Thực tế đi nào! Điểm C đã là may lắm rồi.” Điều tôi muốn nói ở đây là kinh nghiệm đã cho tôi biết “những người bi quan” thường có kỳ vọng thấp.

Con bò mang tên “Tôi là người thực tế” không chỉ ngăn cản bạn nhìn thấy sự bi quan của chính mình mà còn tác động như một lăng kính, qua đó bạn nhìn thấy và diễn dịch thế giới xung quanh. Điều này cũng dễ hiểu: Nếu đeo kính đen, mọi thứ bạn nhìn thấy đều tối hơn. Thái độ bi quan cũng giống như cái lăng kính mà qua đó bạn đánh giá thế giới.

Những người bi quan không phải được sinh ra để thành người bi quan. Bi quan được hình thành qua sự ghi nhận hay còn gọi là thái độ có điều kiện mang tính xã hội. Điều này không di truyền mà chúng ta cũng không thể ép nó vào tiềm thức nếu chúng ta không đồng ý và trực tiếp tham dự. Chúng ta tiếp thu sự bi quan và các cảm xúc tiêu cực khác, và tự động lập trình nó vào trong não bộ của mình.

Những tư tưởng, suy nghĩ bi quan không những ngăn cản bạn theo đuổi ước mơ mà còn từ từ huỷ diệt cuộc sống của bạn. Nó sẽ làm phát sinh những cảm xúc tiêu cực trong lòng bạn, được ghi nhận là hết sức tai hại trong những trạng thái cảm xúc cũng như trong các bệnh tật về thể chất.

Ai cũng biết những căn bệnh như cao huyết áp, rối loạn tiêu hoá, đau nửa đầu, và những căn bệnh khác thường bị xem là do sự căng thẳng và lo âu, thực chất là do những thái độ tiêu cực mà ra. Chẳng hạn như sự thù hận và giận dữ được cho là nguyên nhân làm tăng huyết áp, trong khi sự oán giận và phiền muộn lại làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Rõ ràng sự bi quan có tác động tàn phá to lớn đối với sự mạnh khoẻ về thể xác và tinh thần của bạn.

Bạn có nhận thấy rằng những người nào hay phàn nàn hết việc này đến việc khác thường là những người thường xuyên bị bệnh không? Martin Seligman, giáo sư của trường đại học Pennsylvania, nói rằng những người bi quan có khuynh hướng bị các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính nhiều hơn người khác, và hệ thống miễn dịch của họ không hoạt động tốt như của những người tích cực và lạc quan khác. Kết quả nghiên cứu của trường đại học Harvard cho thấy rằng những người trước khi bước sang tuổi 25 đã trở nên bi quan thì khi đến tuổi từ 40 đến 50, họ mắc nhiều bệnh hơn người khác.

Bạn sẽ đạt được những hiệu quả tích cực gì nếu bạn triệt tiêu chủ nghĩa bi quan trong đời mình? Có lẽ bạn sẽ tìm thấy câu trả lời từ một khảo sát của những nhà nghiên cứu của King’s College Hospital, London. Họ tình cờ phát hiện ra những kết quả đáng kinh ngạc từ một nhóm 57 phụ nữ bị ung thư vú và đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú. Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng cứ 7 trong số 10 người có điều mà các bác sỹ gọi là “tinh thần đấu tranh” thì sống một cuộc sống bình thường trong 10 năm sau đó. Mặt khác, cứ 4 trong 5 bệnh nhân mà bác sĩ cho rằng đã “tuyệt vọng và chấp nhận điều tồi tệ nhất” thì qua đời chẳng bao lâu sau khi được chẩn đoán.

Vì vậy, bạn có thể nhận thấy rằng sự bi quan không chỉ ảnh hưởng xấu đến trạng thái cảm xúc lành mạnh của chúng ta và ngăn cản ta tạo nên những thay đổi quan trọng, mà nó còn có tiềm năng cướp đi của ta cuộc sống lâu dài và khoẻ mạnh.

Điều đáng mừng là cho dù trong quá khứ, chúng ta đã để cho môi trường và một số người xung quanh gây tác động khiến ta chấp nhận sự tầm thường, giờ đây ta vẫn luôn luôn có thể thay đổi thái độ và xây dựng lại tinh thần để đạt được những thành công trong cuộc sống.

Ngục Tù Của Những Niềm Tin Sai Lầm

Không còn nghi ngờ gì nữa, hầu hết những niềm tin làm tê liệt ý chí mà ta chứa trong đầu mình đều đang kiềm hãm khả năng của chúng ta. Những niềm tin này giam hãm chúng ta trong một thế giới mà ở đó chúng ta không thể nhìn thấy tài năng và năng lực của mình. Những niềm tin sai lầm về những gì mà chúng ta làm được hoặc không làm được trong cuộc sống có thể tước đi của chúng ta một trong những quyền tự do lớn nhất: quyền tự do đạt đến toàn bộ năng lực của mình và sử dụng hết năng lực đó.

Nếu bạn bám một cách mù quáng vào suy nghĩ là bạn sẽ không thành công trong cuộc sống vì bạn đã không may mắn được học hành đến nơi đến chốn thì suy nghĩ này chắc chắn sẽ cai quản cuộc đời, hoài bão, quyết định, mục đích và thái độ chung của bạn. Niềm tin này sẽ đóng vai trò như một kịch bản vô thức và dẫn dắt tất cả hành vi của bạn, sẽ đưa ra những kỳ vọng thấp, và phá hoại các kết quả mà bạn đạt được trong cuộc sống. Làm thế nào mà một ý tưởng như vậy lại có thể trở thành một niềm tin sai lầm bám rễ trong tư tưởng của ta? Nó đã hình thành và kiểm soát cuộc sống của ta như thế nào?