Ngày xưa có một con bò - Chương 3 - Phần 2

Tất cả điều bắt đầu khi ta đưa ra những kết luận sai lầm dựa trên những tiền đề sai lầm mà ta chấp nhận như chân lý. Hãy xem những tiền đề này có ảnh hưởng như thế nào:

  • Tiền đề thứ nhất: Cha mẹ tôi chưa từng được đi học
  • Tiền đề thứ hai: Cha mẹ tôi chẳng mấy thành công trong cuộc sống
  • Kết luận: Vì tôi cũng không được đi học, nên có thể tôi cũng sẽ không thành công trong cuộc sống.

Bạn đã nhận thấy những âm hưởng tai hại của kết luận này chưa? Người ta có thể tạo ra những vòng luẩn quẩn có tính phá hoại bằng trí tưởng tượng thông qua những đoạn “tự thoại”.

Nếu ai đó tự nhận thấy rằng họ là người không có năng lực, thế giới xung quanh cũng sẽ đánh giá họ như vậy. Khi họ phản chiếu ra ngoài sự bất tài hiển nhiên của mình cho người khác thấy thì họ cũng sẽ được đối xử như những người bất tài, điều này xác nhận cái mà họ đã biết. Và họ thất vọng.

Thật ra, cái sự kiện cha mẹ bạn không mấy thành công trong cuộc sống chẳng mấy liên quan đến chuyện học vấn của họ. Hãy nhớ là học có thể cũng có những con bò mà bạn không biết đấy thôi. Và thậm chí nếu như sự thiếu thành công của cha mẹ bạn là kết quả của việc ít được học hành, điều đó cũng chẳng hề có nghĩa là bạn cũng sẽ có cùng kết cuộc. Vậy nên hãy cẩn thận với những đoạn “tự thoại” của mình.

Khi Joseph đến Úc để khởi đầu một cuộc sống mới, mặc dù ở đây nhu cầu tuyển dụng đối với chuyên môn của anh ta không nhiều, cứ nghĩ đến viễn cảnh phải làm bất cứ công việc nào khác với chuyên môn mà mình đã được đào tạo là anh thấy hoảng sợ. Dù sao, anh ta đã phải bỏ ra nhiều năm để học ngành chuyên môn đã chọn cơ mà!

Về mặt chuyên môn, sau một thời gian dài, nỗi sợ đó làm anh ta nhụt chí không muốn kiếm bất cứ ngành nghề nào khác. Hẳn nhiên là anh ta có thích những công việc khác, nhưng gia đình và bạn bè sẽ nghĩ gì khi biết anh ta phải từ bỏ nghề nghiệp của mình?

Mối lo âu của anh ta càng tăng thêm khi nghĩ rằng nếu chuyển sang ngành nghề khác thì công ăn học bao lâu nay chẳng phải phí hoài sao? Nếu chuyển ngành không thành công thì sao? Trong nhiều năm, niềm tin rằng mọi người nên theo đuổi chuyên môn của mình làm tê liệt Joseph, làm cho anh ta không thể quyết định chuyện gì cả. Mãi cho đến khi nhận ra những ảnh hưởng tai hại của thái độ này - dựa trên một tiền đề sai lầm khác - anh ta mới có quyết định dấn tới tạo lập cuộc sống theo hướng khác.

Vào kỷ nguyên của kinh tế thị trường, suy thoái và lực lượng lao động có tính di động cao mang tính toàn cầu như hiện nay, đây là một sự chọn lựa mà ngày càng có nhiều người phải đối mặt. Nhiều người, cũng như Joseph, cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ đến việc mình phải chuyển sang làm bất cứ một công việc gì khác với chuyên môn mà mình đã được đào tạo. Sự sợ hãi này là đặc biệt nguy hiểm, mặc dù một số nghiên cứu đã cho thấy rằng nhiều người trong lực lượng lao động sẽ phải chuyển đổi công việc bình quân 7 lần trong đời mình.

May thay, Joseph quyết định chiến thắng nỗi sợ - tiêu diệt con bò của anh ta - và dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Kết quả là không những anh ta tìm thấy đam mê trong nghề nghiệp mới mà còn gặt hái được thành công to lớn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, và giờ đây anh ta đang tận hưởng cuộc sống với nghề nghiệp mới này hơn bao giờ hết.

Nhiều người sợ những gì mới mẻ hoặc những thứ họ không biết. Đôi khi nỗi sợ những điều còn xa lạ này ngăn cản họ tìm thấy những niềm vui mới thậm chí trong những điều nhỏ nhặt nhất. Chúng ta thường không nếm thử món ăn lạ, hoặc tìm hiểu những nền văn hoá khác, hoặc thử những sở thích khác. “An toàn là trên hết” đã trở thành một lối sống và thu hẹp khả năng tiến bộ của chúng ta, đồng thời tạo ra những nỗi lo sợ phi lý.

“Tốt hơn là chỉ nên bám vào những gì mình biết”, “Coi chừng chữa lợn lành thành lợn què”, hay như câu mà tôi đã đề cập ở trên, “Ma quen hơn quỉ lạ”.

Tất cả đều làm chúng ta nản lòng không còn muốn bước ra khỏi khu vực an toàn nhàn hạ của mình nữa. Nhưng sự thật là tính an toàn và bảo đảm hiển nhiên của những điều đã biết sẽ có thể ngăn cản chúng ta tạo những thay đổi quan trọng trong sự nghiệp, vốn đã quá chậm trễ, hoặc ngăn cản ta rời bỏ những mối quan hệ lừa lọc vì sợ lâm vào những hoàn cảnh còn bi đát hơn thế nữa.

Charles Dubois, Hannes, một giám đốc doanh nghiệp quốc tế, đã viết cho tôi: “Hẳn vậy… điều quan trọng là bất cứ lúc nào cái hiện tại cũng có thể hy sinh để đạt được cái bạn mong muốn. Nghe có vẻ dễ dàng và hiển nhiên, tuy nhiên việc thực hiện điều này trong những tình huống nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của chúng ta lại thường rất khó khăn. Trong thế giới làm ăn, chúng ta cần phải biết thích nghi với những thử thách mới trong công việc hàng ngày. Cũng như những nhà quản lý khác, tôi nhận thấy những người trong đội ngũ của tôi thường khó chấp nhận sự thay đổi. Ta vẫn nghe họ nói “Chúng ta vẫn thường làm vậy mà. Việc gì bây giờ lại thay đổi?”, “Nếu nó không hư thì khỏi sửa”. Nhưng sự thật là nếu chúng ta không chấp nhận thay đổi như một phần của đẳng thức, nếu chúng ta không tiến lên và thích nghi, chúng ta có nguy cơ bị lỗi thời. Khi sẵn sàng loại bỏ nhữngcon bò trong tổ chức của mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng hầu hết các nỗi lo sợ đó đều là chuyện dở hơi”.

Bài học là gì? Chúng ta cần đặt ra câu hỏi liệu những nỗi sợ, những âu lo, và những bấp bênh mà chúng ta gặp có phải là kết quả của những niềm tin sai lầm mà chúng ta tạo ra trong cuộc sống. Bạn không nên chấp nhận những hạn chế trước khi tự hỏi liệu đó có thật là hạn chế hay không. Hãy nhớ rằng bạn luôn luôn là những gì bạn tự gán cho mình. Nếu tin mình sẽ thành công, bạn rất có thể sẽ thành công. Nếu tin mình sẽ thất bại, thật sự bạn đã thất bại rồi. Tất cả tuỳ thuộc vào quyết định của bạn.

Khi bạn nhất định thoả hiệp Thông thường, nếu chúng ta có thể bênh vực hay bào chữa cho một thói quen xấu hoặc một thái độ kém cỏi của mình, có lẽ chúng ta chẳng cần phải thay đổi nó làm gì. Lý do cũng thật đơn giản. Nếu ta có thể xem chúng là “chuyện đương nhiên” hoặc “ngoài tầm kiểm soát”, thì chẳng cần thiết phải sửa chữa.

Chung quy cũng giống như nói “Nếu nó không hư,…” Người ta viện nhiều lời bào chữa để lý giải cho tình hình sức khoẻ kém của mình, cho các mối quan hệ tệ hại, hoặc cho các kỹ năng nuôi nấng con cái quá sơ sài. Chúng ta khó chịu, nhưng lại chẳng hề làm gì để cải thiện tình hình. Thay vào đó, chúng ta lại đi tìm kiếm lời biện bạch để giải thích vì sao mình không thể làm gì.

“Ước gì tôi có thể chăm chút cho bản thân mình hơn, nhưng tôi bận quá.” “Đi bệnh viện quá tốn tiền.” “Tôi chẳng tin vào các ông bác sĩ.” Có vẻ những lời này đủ trở thành lý do cho những ai muốn khoả lấp tình trạng sức khoẻ èo uột của mình. Chuyện ai cũng thấy được là chẳng có lời biện bạch nào trong số đó có thể làm tiêu tan hay thuyên giảm bệnh tật cho họ cả.

Những chuyện tương tự như vậy cũng thường xảy ra trong những khía cạnh khác của cuộc sống. Chẳng hạn như lý lẽ sau đây thường được các ông bố, bà mẹ sử dụng để hợp lý hoá vấn đề họ không thể ở bên con cái nhiều hơn: “Tôi mệt lả khi về đến nhà. Ước gì tôi có thể ở bên con nhiều hơn, nhưng tôi làm việc nhiều cũng chỉ để cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hy vọng là tụi nhỏ có thể nhận thấy tôi yêu thương chúng nhiều như thế nào”. Nghe cũng hợp lý đấy chứ?

Vấn đề với hầu hết những con bò là đây. Lý lẽ nghe qua rất đáng tin và hợp lý, đến nỗi chúng ta chẳng cần phải đặt dấu hỏi làm gì.

Đôi khi, trong lúc tôi cố gắng giúp các vị phụ huynh nhìn ra sự sai lầm nằm sau ý tưởng này, họ thường đáp lại tôi với một con bò thậm chí còn to hơn: “Vấn đề không phải là số lượng, mà là chất lượng thời gian tôi ở bên chúng”. Với con bò này thì sao? Hợp lý đến nỗi chúng ta chẳng cần phải ở bên lũ con cái mình thêm lâu làm gì. Dù sao, nếu bạn thật sự chấp nhận điều này, có lẽ bạn dễ dàng tin rằng năm phút mà bạn dành cho con mỗi ngày là một khoảng “thời gian có chất lượng”. Bạn có nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn ở đây chưa? Sự thật là khoảng thời gian chúng ta dành cho con cái cũng quan trọng như chất lượng của nó. Hơn nữa, nếu phải chọn giữa chất lượng và số lượng, tôi sẽ chọn cái thứ hai.

Có những lĩnh vực mà chất lượng không thôi thì không đủ. Nếu nghi ngờ về điều này, hãy tưởng tượng cảnh bạn đến nhà hàng với một người bạn. Cả hai đều gọi beefsteak. Người phục vụ mang ra cho người kia một miếng thịt rõ to, dày và mềm mại. Còn trên đĩa của bạn thì chỉ bằng khẩu phần của một đứa trẻ.

Và khi bạn phàn nàn về sự khác biệt này với người phục vụ - mà chắc chắn là bạn sẽ phàn nàn, anh ta trả lời: “Ồ, thưa ông, lý do rất đơn giản: Miếng thịt dành cho ông có chất lượng cao hơn hẳn”. Có lẽ trong tình huống như vậy, bạn sẽ là người giải thích cho anh bồi bàn biết là số lượng cũng quan trọng như chất lượng vậy.

Là cha của ba đứa trẻ, và sau khi chia sẻ với những bậc cha mẹ khác, tôi nhận ra rằng bọn trẻ luôn luôn tận dụng mọi khoảng thời gian mà chúng ta sẵn sàng chơi với chúng. Nếu chúng ta vắng mặt, chúng sẽ tìm người chơi khác, hoặc tìm trò khác để giải khuây. Nếu chúng ta không rảnh giúp con làm bài tập, chúng sẽ tự mày mò. Nếu chúng gặp khó khăn mà chúng ta lại vắng mặt, chúng sẽ tìm đến bất cứ người nào chịu lắng nghe chúng.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: thái độ, lòng tự trọng, và tính cách của bọn trẻ sẽ được định hình theo số lượng và chất lượng thời gian chúng ta dành cho chúng. Bạn có thể lưu lại ảnh hưởng tích cực cho con bạn suốt cuộc đời, hay bạn có thể giữ lại con bò “Tôi không có thì giờ”. Tuỳ bạn.

Hãy sáng tạo và sử dụng nhiều cách khác nhau để tham gia vào các hoạt động của bọn trẻ và giúp bọn trẻ tham gia vào các hoạt động của bạn. Hãy yêu thích những sở thích của chúng. Hãy hỏi han chúng nhiều hơn vào lúc ăn tối cùng nhau. Chơi với chúng một lát trước giờ đi ngủ. Giúp chúng làm bài tập và những việc được trường giao về nhà. Hãy tổ chức các hoạt động cuối tuần để tạo điều kiện gần gũi chúng. Đừng chỉ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của bọn trẻ. Những thứ cao hơn và bên ngoài các nhu cầu tối thiểu mà bạn làm cho chúng sẽ giúp hình thành nhân cách, phát triển các giá trị và những nguyên tắc hướng dẫn chúng đi suốt cuộc đời.

Qua chương này, bạn đã thấy rằng trong cuộc sống chúng ta rất dễ có những con bò. Rất dễ rơi vào cái bẫy biện bạch. Nếu chúng ta “cài đặt” bộ não của mình với những niềm tin sai lầm thì hết cả cuộc đời chúng ta cũng không biết được khả năng của mình. Chúng ta có thể vuột mất những cơ hội thành công khi thừa nhận những tư tưởng hạn hẹp như thế.

Tôi thường tự hỏi bởi cớ gì mà người ta chịu gánh cả gánh nặng trĩu những niềm tin sai lầm như thế suốt đời, thậm chí ngay cả khi mang lên người những gánh nặng đó có nghĩa là từ chối một cuộc sống đầy đủ và vui vẻ. Bám riết vào những thứ làm phương hại đến hạnh phúc của mình thì vô lý quá. Phải, thật là phi lý khi nhiều người vẫn quyết định để những niềm tin sai lầm huỷ hoại sự thành công của họ một cách có ý thức.

Kẻ Thù Mang Tên “Trung Bình”

Có lần tôi nghe một huấn luyện viên dõng dạc giáo huấn các cầu thủ của mình: “Kẻ thù của Vĩ Đại là Tốt”. Tôi suy nghĩ một lúc và lấy làm kinh ngạc trước sự minh triết ẩn trong lời nói ngắn gọn này. Khi nào chúng ta còn cảm thấy hài lòng với cái Tốt, chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến sự Vĩ Đại. Somerset Maugham, một nhà văn người Anh, đã từng cho rằng: “Ở đời có cái khôi hài là nếu bạn nhất định chỉ chọn cái tốt nhất, thì rất nhiều khả năng bạn sẽ được như ý”. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn quyết định sống một cuộc đời trung bình hay tầm thường, bạn cũng sẽ đạt được như vậy.

Trong khi một số người sống ngày này qua tháng nọ mà không hề biết rằng trên lưng mình gắn chặt những con bò đó nhưng lại tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Vì sao ư? Vì chúng mang lại cho họ khu vực an toàn mà trong đó, thật không may, sự tầm thường lại rất được hoan nghênh. Cho nên họ sẵn lòng nuôi dương đàn bò của mình vì điều đó cho phép họ giũ bỏ trách nhiệm đối với thành công của chính bản thân và đổ thừa cho số phận không may do một nơi nào khác. Họ có thể biện bạch cho mọi vấn đề, ở mọi nơi và mọi ngày trong tuần.

Nếu thình lình chúng ta chẳng tìm được lời biện bạch hay phân trần nào cho sự tầm thường của mình, chúng ta chỉ còn hai lựa chọn: Thừa nhận 100 phần trăm trách nhiệm về phần mình và bắt đầu thay đổi (thành công!), hoặc thừa nhận rằng chúng ta không thể điều khiển được cuộc đời mình và bỏ cuộc (thất bại!).

Con đường để đi tiếp thế nào đã rõ.

Rủi thay, những con bò lại đưa ra một lựa chọn thứ ba, mà ảnh hưởng của nó lại có sức tàn phá to lớn hơn sức tàn phá của thất bại: đó là sự tầm thường. Nó biến chúng ta thành những người có quyết tâm cao nhưng lại là nạn nhân của số phận nghiệt ngã. Chúng ta muốn trở nên vĩ đại, nhưng lại không thể. Chúng ta muốn đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng không thể. Vì chúng ta không có khả năng đột phá, tài năng, hay may mắn; cho nên chúng ta phải bằng lòng với bất cứ thứ gì mà mình có thể đạt được.

Lựa chọn thứ ba này - sự tầm thường - còn tệ hơn sự thất bại hoàn toàn. Chìm sâu tận đáy của sự thất bại khiến bạn phải nhìn lại các hoàn cảnh của mình và xem xét lại các lựa chọn. Khi bạn đã xuống đến đáy và nhận ra rằng mình đang ở dưới đáy của vực thẳm cuộc đời, bạn chỉ còn một cách duy nhất: leo lên. Đau khổ cùng cực, thất bại não nề, hay sự suy sụp trầm trọng tạo nên những tình huống hoặc-sống-hoặc-chết buộc chúng ta phải hành động. Nhưng sự tầm thường thì không. Mối nguy hiểm lớn nhất của sự tầm thường là chúng ta vẫn còn chịu được tình trạng đó. Chúng ta có thể sống trong sự lưng chừng và thích nghi với nó.

Tôi muốn chia sẻ với bạn một câu chuyện tôi đã được nghe trước đây, minh hoạ rất tốt quan điểm này:

Một người nọ đến thăm một nông dân già từng là một thợ săn có tiếng. Khi đến nông trại người khách nhìn thấy một trong những con chó săn của người nông dân đang nằm dài ngoài hiên nhà. Con chó có vẻ rất bức bối. Dường như nó đang khó chịu với chuyện gì đó, vì nó cứ sủa và rên rỉ không thôi. Sau vài phút nhìn thấy cảnh tượng này, người khách hỏi người nông dân con vật tội nghiệp đó bị làm sao vậy.

“Cứ mặc con chó già đó đi”, người nông dân trả lời. “Nó cứ như vậy cả mấy năm nay.”

“Vậy anh đã đưa nó đến một bác sĩ thú y hay đã tìm hiểu xem vì sao nó lại như vậy chưa?”, người khách hỏi.

“Việc gì phải thế? Tôi biết thừa nó bị làm sao. Nó làm biếng như khỉ ấy.”

“Nhưng chuyện đó thì mắc mớ gì nó phải rên rỉ?”

“Anh biết không”, người nông dân trả lời, “tình cờ cái chỗ nó nằm có một cây đinh trồi lên. Cây đinh đâm vào chân làm nó ngứa, cho nên lần nào ngồi đó, nó đều sủa váng lên và rên rỉ như vậy đấy.”

Người khách trợn mắt kinh ngạc. “Vậy sao nó không kiếm chỗ khác mà nằm?”

“Ừ,” người nông dân nói, “tôi đoán là cái cây đinh đó đâm nó không đau lắm.”

Thế đấy, chúng ta đã đi vào trọng tâm vấn đề của sự tầm thường: nó có vẻ khó chịu và cũng có lúc gây đau đớn, nhưng nó chưa bao giờ đủ làm cho ta bực mình để khiến chúng ta phải thay đổi.

Bạn có biết người nào đang trong hoàn cảnh đó không? Bạn thì sao? Bạn có cái dằm nào trong chân đã ngăn trở bạn đến một cuộc đời xứng đáng? Nếu có, hãy quyết định ngay và loại bỏ nhữngcon bò đã cướp đi của bạn khả năng sống một cuộc đời thật trọn vẹn.