Dấu vết của mẹ - Chương 05 - 06
Chương 5: Ái nam ái nữ
Lại bắt đầu cái tháng mười một điên rồ này. Lễ Người Âm lẽ ra phải kéo dài cả tháng. Cho đến tận tháng mười hai. Hoặc là đến cuối năm. Lá đã tàn úa. Trời khóc. Chân vướng vào nhau trong các vũng nước. Milena bỏ học. Nhưng không phải vì nó không thích học. Một thằng nào đó đã dọa nó khi nó muốn ra khỏi lớp. Chỉ để đùa.
Có thể với thằng kia là buồn cười, nhưng Milena thì hoảng sợ.
Nó nhớ lại tất cả. Nó nghĩ là thằng kia muốn làm chuyện gì xấu với nó. Thế là nó khóc và không thể kiềm chế nổi. Thằng kia chạy đi gọi y tá, và cô này cho Milena một loại thuốc an thần gì đó. Sau đó họ đưa nó về nhà. Nó đến nhà tôi. Tôi làm kem rắc bột dừa cho nó, nhưng nó thậm chí không cả đụng đến. Nó chỉ hỏi nó có gọi điện được không. Nó gọi và hai mươi phút sau đó nó ra ngoài một lúc. Khi quay lại, nó có vẻ khang khác thế nào ấy. Bình tĩnh một cách khác thường. Nó ngồi xuống giường, hai mí mắt tự động khép lại. Nó bảo nó sợ ánh sáng kinh khủng, rồi nó rơi vào trạng thái nửa thức nửa ngủ.
Tôi hầu như không ngủ. Tôi sút xuống chỉ còn bốn mươi tư ký. Đã hai tháng không có kinh. Tôi thử. Kết quả là âm tính.
- Tại ma túy đấy - Milena bảo.
- Mình sao thế… người ta bị ái nam ái nữ rồi: chẳng ra đàn ông cũng chẳng ra đàn bà, mình hiểu không… Người ta đã thành thiên thần.
Ngực tôi biến mất. Tôi cắt tóc ngắn. Để làm mới mình.
Để cắt đứt với quá khứ. Tôi thôi không trang điểm nữa. Chỉ có thỉnh thoảng để giấu mẹ những cái bọng dưới mắt.
Tóm lại thì không có kinh lại tốt hơn. Tiện hơn. Bao giờ nhìn thấy máu tôi cũng muốn xỉu. Kể cũng hơi ghê khi thấy máu chảy giữa hai chân.
Phải lót băng vệ sinh hoặc là bông. Ai mà biết được nó lại chẳng tan vào bên trong?
Lần đầu tiên nhìn thấy máu ở đồ lót tôi đã phát hoảng. Biết rằng rồi cái thời điểm ấy thể nào cũng đến, nhưng tôi không nghĩ là nó lại thế. Tôi chạy đến chỗ mẹ bảo rằng tôi bị bệnh và tôi bị chảy máu kiểu gì ấy. Tôi sợ, cảm thấy mình yếu hẳn đi. Chuyện ấy thật kinh khủng. Mẹ cười và chúc mừng tôi đã bước vào tuổi đàn bà.
Sau này tôi cứ phân vân, liệu có thể loại bỏ được kinh nguyệt hay không.
Chỉ đơn giản thôi. Uống thuốc và không có kinh cho đến hết đời. Trở nên sạch sẽ.
Không kinh nguyệt. Không con cái. Và đã đúng như thế.
Tôi với Milena lên một danh sách những việc cần phải làm trong Năm Mới, trong Thiên Niên Kỉ Mới:
Mục đầu tiên và quan trọng nhất: Chấm dứt.
Thứ hai: Nghỉ ngơi.
Thứ ba: Quên.
Thứ tư: Bất ngờ đi đâu đó vài ngày hoặc vài tuần.
Thứ năm: Vui với những trò vớ vẩn.
Thứ sáu: Làm cho ai đó một món quà dễ thương.
Thứ bảy: Vẫy xe đi nhờ đến Bồ Đào Nha.
Thứ tám: Yêu nhau với người mà mình yêu.
Thứ chín: Không nói dối.
Thứ mười: Không sợ.
Mười một: Là bạn của một người nào đó.
Mười hai: Ăn bữa tối trong một nhà hàng sang trọng.
Mười ba: Viết sách…
Mười bốn: Nhìn vào mắt một người nào đó và nhìn mắt mình trong mắt họ.
Mười lăm: Học hét.
Mười sáu: Làm một việc gì đó ngược lại với mình.
Mười bảy: Để tóc dài và tết làm ba đuôi sam.
Lúc này tôi thấy thiếu mẹ. Tôi muốn kể với mẹ tất cả mọi chuyện. Mẹ là người duy nhất gần gũi với tôi trên trái đất này.
Tôi muốn được nghe mẹ bảo: “Con thôi đi. Đừng có làm thế. Làm theo kiểu ấy không được đâu”. Muốn mẹ đưa tôi đến chỗ mẹ. Nếu tôi muốn, mẹ sẽ sai tôi việc gì đó. Tôi đồng ý tất cả. Chỉ cốt mẹ không ở đây.
Giao thừa 2000 phải mang tính chuyển giao …
Tôi với Milena chờ đến mười hai giờ. Pavel và Jacek bạn của hắn đến. Milena mời hai con bé, nhưng tôi đuổi vì chúng quá lẳng lơ.
Với tôi, giao thừa là lễ buồn nhất… Buổi sáng thường mang đến sự thất vọng. Mẹ vừa gọi điện. Mẹ với chú Albert ở đâu đó vùng Puszcz Bialowieska. Trong yên tĩnh hoang dã… Họ thật sướng. Tôi ngồi một góc, uống cốc-tai. Tôi thèm lúc này có ai đó vén cho tôi những sợi tóc xòa trên mặt. Ôm trọn tôi trong vòng tay.
Cứ như thế mãi mãi.
Tôi vuốt ve tóc Milena.
Tôi im lặng. Milena đếm thầm đến một trăm. Cả hai chúng tôi đều biết rất rõ, đếm đến một trăm để làm gì…
Một…
Một vết to trên thảm, bởi cái ly được rót đầy thêm chính cái giọt ấy, cái giọt đủ để các thiên thần lẩn tránh trên sông.
Hai…
Dòng lạnh chia không gian ra làm hai phần.
Ba…
Những ngôi sao đổi ngôi. Chết chóc. Như những trái bom. Như trăng…
Bốn…
Đoàn tàu trốn chạy dưới chân đang lăn bánh…
Năm…
Tất cả những lúc thiu thiu ngủ đều thơm mùi Năm Mới. Có màu của quả dâu tây nát trên bụng giống như trên tấm bia mộ của đứa trẻ chưa được sinh ra…
Sáu…
Chẳng có gì phải sợ bụi, đằng nào thì bụi cũng sống trong sợ hãi…
Bảy…
Cứ mãi là mình, đó là điều không thể chấp nhận…
Tám…
Có lẽ tôi không đủ sức để chơi tiếp trò chơi này…
Chín…
Tôi không biết phải làm gì, vậy nên tôi chẳng làm gì.
Mười…
Vẻ mặt bị nướng của thằng nhóc vô tội…
Chúng tôi biết đếm đến một trăm để làm gì. Để không khóc. Vậy thì Milena ơi, đừng khóc. Hãy đếm đi. Một, hai… Hãy đếm và hãy hôn người ta. Để chúc mừng Năm Mới.
Có đúng là nét môi của chúng mình khớp nhau không?
Chương 6: Cánh cổng đầu tiên
Tháng giêng. Sắp đến sinh nhật tôi. Lần thứ hai mươi.
Tôi thực hiện một số ghi chép trong vội vã, chẳng suy nghĩ gì. Tôi đã giảm bớt phần nào dùng “tăng tốc” và thực tế lại túm được tôi, quá chặt. Tháng tiếp theo bị treo.
Tốt nghiệp đã xong. Ma túy trong ngăn kéo. Buổi sáng kéo dài thêm một tách trà. Lại đánh răng, kẻ mắt, chải mi hoặc là không, hoặc là khác đi.
Điện thoại im lặng, tôi im lặng. Không có Milena. Tuyết cũng không.
Thay vì thế thì bùn trên vỉa hè, trên giầy, trên quần và trên má.
Và trong mắt.
Trong mắt là nhiều nhất.
Mùa đông tẻ nhạt. Tôi ra phố. Đến khu sinh viên Krakow. Căng thẳng. Ngạo mạn.
Trong nhà vệ sinh một chàng sinh viên nào đó đang cắt thuốc kích thích. Nó đã chạy trong huyết quản.
Bột trắng thay cho tuyết. Một chàng trai giỏi giang thế, theo ba ngành đại học. Đang hít…
Các bậc phụ huynh tự hào vì cục cưng của mình. Họ chăm sóc cục cưng. Và giờ thì cục cưng tự chăm sóc mình. Chỉ có điều là trong các nhà vệ sinh.
Tôi nhổ toẹt vào cái thành phố này. Tôi muốn đi đâu đó.
Nhưng tôi lại không nhặt nhạnh được đủ tiền để mua vé.
Những gương mặt quen trên phố Chmielna.
- Cậu thế nào?
- Còn cậu?
- Cậu đang xài gì thế?
- Chẳng gì hết. Mình không dùng. - Tôi trả lời.
- Ý mình không phải thế. Cậu đang học trường nào?
- À…
- Được rồi, cậu biết không, mình phải biến đây, mình có giờ mà bị muộn mất năm phút rồi. Gặp nhau sau nhé.
- Có thể…
Tôi muốn đi đâu đó trong ngày sinh nhật. Một mình tổ chức sinh nhật với chính mình và với hai mươi tuổi của mình.
Tôi đến Amatorska. Moi móc trong túi những xu lẻ cuối cùng và gọi cà phê. Với kem. Tôi quan sát mọi người phản chiếu trong gương.
Hoặc là viết.
Tôi chẳng nghĩ về chuyện gì và chẳng nghĩ về ai.
Đơn giản là tôi viết.
Và im lặng.
Tôi đếm từ trên xuống.
Milena quên. Nó vờ như quên. Những khi tỉnh, nó nhớ lại từng cử chỉ, từng đụng chạm, tất cả lần lượt… và khi đó nó nói gì đó, một câu chẳng ăn nhập gì với bối cảnh, một đoạn của cuốn tiểu thuyết lại một lần nữa chạy qua đầu nó:
- Tụi nó có dao, mình biết không…
Mấy ngày sau tôi lại nghe:
- … Người ta thậm chí không cả tự vệ… người ta sợ… tự vệ…
Có thể vài tháng nữa tôi sẽ biết đủ nhiều để có thể sắp xếp trong đầu mình toàn bộ câu chuyện này. Có thể nếu nói hết, Milena sẽ thấy dễ chịu hơn. Nó thích giữ trong mình chuyện này. Đậy lại, giấu đi, vờ như không có.
Như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Nó nghĩ nếu không nói ra, thì chuyện đó sẽ biến mất.
Trong mơ, những con kiến rơi lên người nó. Hết con này đến con khác. Thẳng vào mặt. Hàng trăm tạo vật bé tí ấy lượn quanh mặt nó. Chúng chui vào mắt Milena. Và thế là chỉ còn bóng tối. Không nhìn thấy gì hết. Vì đôi khi không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, không cảm thấy gì lại tốt hơn. Nhắm mắt lại sẽ dễ sống hơn.
Gió rú rít ngoài cửa sổ. Tự tôi không còn biết đang là tháng mười một hay tháng hai nữa.
Mà có gì khác nhau đâu nhỉ. Đêm kéo dài suốt đêm và cả nửa ngày nữa. Còn ngày thì xám xịt như chiều tà. Bầu trời trông giống như tấm ga mới giặt mà người ta dùng để đậy xác chết.
Tất cả giống như thể cả thế giới chết chóc đang được đưa vào nhà xác.
Cùng với đứa bé là một phân tử nào đó trong tôi cũng chết đi. Không phải phân tử. Đúng hơn là một phần lớn. Tất cả cảm xúc của tôi, niềm vui và những dự định của tôi, hy vọng của tôi. Toàn bộ năng lượng đã bị nạo đi bằng cái dụng cụ phá thai ấy.
Tôi đang sống ở đây, còn con tôi đã ở Đằng Kia…
Tôi không biết nói chung có một Đằng Kia nào đấy không, hay ở một nơi nào khác. “Đó chưa phải là đứa trẻ, đó là thạch” - bố đẻ của mẹ tôi đã nói với mẹ như vậy. Song mới khó tin làm sao, rằng một năm nữa, cái thứ thạch ấy sẽ khóc thút thít: “Mẹ ơi…”.
Có những người đàn bà mà việc nạo thai không để lại nơi họ một dấu vết nào. Họ nạo thai, thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục đi.
Nhưng với những phụ nữ không thể sống với cái bụng bỗng nhiên trống rỗng của mình thì sao? Với họ, cùng với cái thai bị nạo đi là cả trái tim nữa?
Sẽ ra sao với những phụ nữ mà bên cạnh việc nạo thai, tâm lý của họ cũng bị nạo sạch trơn?
Đã ba giờ sáng. Hai mươi năm trước đây. Cơn đau đánh thức mẹ dậy. Nó lẩn lút đâu đó phía dưới bụng. Mẹ dậy và nhìn thấy ga trải giường bị ướt. Mẹ biết là đã vỡ ối. Bà rất bình tĩnh.
Mẹ thay áo váy, gói ghém tất cả những thứ cần thiết và xuống tầng dưới. Mẹ gõ cửa nhà hàng xóm. Một phụ nữ ngái ngủ ra mở cửa.
- Ôi, đã sắp rồi à? Chờ một lát nhé… Chị đánh thức ông xã ngay đây… Em vào đi… Stefan, dậy, đến bệnh viện.
Stefan là người đàn ông duy nhất trong số nhà có ôtô. Một chiếc Trabant. Ông đội mũ, khoác áo và cùng mẹ ra ngoài. Vợ ông gọi với theo mẹ:
- Chị hi vọng sẽ là con trai. Chị linh cảm thế…
Bệnh viện rất gần. Từ Karmielicka đến Inflancka họ đi chỉ mất mươi phút. Là một đêm tháng giêng rất đẹp của mùa đông giá lạnh năm 1981.
Ngay trong ôtô của bác Stefan mẹ đã gập người lại vì đau. Mẹ cắn cái khăn quàng để khỏi bật lên tiếng hét. Những cơn co mỗi lúc một dữ dội.
- Halina đẻ thằng Mark nhà tôi mất mười bảy tiếng, - Bác Stefan kể với mẹ - hình như nó không chịu ra, và rồi Agnieska thì phải mổ… Lúc đẻ ra nó chưa đầy hai cân, vì mới tháng thứ tám… Còn con em dâu tôi thì cả hai đứa đều đẻ trong taxi, chúng tọt ra nhanh quá, như một cơn giông, cô ấy thậm chí không cả kịp đến bệnh viện… Nào, chúng ta đến nơi rồi…
Bác Stefan dẫn mẹ đến phòng tiếp bệnh nhân rồi về nhà. Bà đỡ bảo mẹ cởi váy và lên bàn. Đã mở được năm phân.
- Chồng em đấy à? - Cô hộ lý hỏi mẹ.
- Không, hàng xóm.
- Em bao nhiêu tuổi rồi, cô bé?
- Mười tám.
Bà đỡ nhìn mẹ từ đầu đến chân bằng ánh mắt đe dọa.
- Ông hàng xóm ấy là bố đứa trẻ à?
- Không. - Mẹ lắp bắp, quằn quại vì đau.
Đầu tiên cô hộ lý cạo cho mẹ, sau đấy đưa cho mẹ cái áo bệnh viện rồi dẫn mẹ sang phòng đẻ. Mẹ nằm lên cái ghế dài, nhưng bà đỡ ngay lập tức nhắc mẹ.
- Không được nằm.
Khó khăn lắm mẹ mới ngồi ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Mẹ hỏi xin bà đỡ cốc nước.
Trong lúc đẻ không được uống nước.
Người mẹ căng như dây đàn. Giãn ra đến giới hạn của khả năng. Mẹ quằn quại trên ghế. Nước mắt trào ra. Đau đến không chịu nổi, nhưng mẹ vẫn cứ muốn đau nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Những cơn đau làm mẹ khổ sở và đồng thời cả sung sướng nữa.
Bà đỡ để mẹ lại một mình còn bà thì sang phòng bên cạnh. Bà uống cà phê trong một cái cốc không quai. Như người ta vẫn uống vậy vào đầu thập niên tám mươi. Khi mẹ bắt đầu gào thét thì bà ta vặn đài để át bớt tiếng kêu.
Mẹ thấy mình như con thú. Chốc chốc bác sĩ lại đến. Ông ta cho panh vào để xem đã mở được bao nhiêu. Cuối cùng ông ta bảo mẹ lên bàn. Cả người mẹ run lên. Ướt đầm mồ hôi. Mẹ có trong mình nguồn năng lượng khổng lồ. Mẹ túm tay bác sĩ và tí nữa thì bẻ gãy ngón tay ông ta. Bác sĩ bảo mẹ rặn. Ông ấy cũng dặn mẹ phải nhắm mắt lại, vì trong lúc rặn con ngươi có thể vỡ.
Mẹ rặn. Sau hơn chục phút thì đầu tôi thò ra, cả đầu bị phủ một lớp màng và lông màu đen. Họ rạch của mẹ để tôi có thể chui ra dễ dàng. Cô hộ lý ấn bụng mẹ và tôi ra đời.
Lúc đó là 13.10. Tuyết rơi dày. Ngoài trời nhiệt độ là âm mười ba. Tôi cân nặng ba cân rưỡi, dài năm hai xăngtimét. Theo thang đo Apgar mười điểm trên mười.
- Con gái. - Bà đỡ nói.
Mẹ đang nhắm mắt. Mẹ sợ bị vỡ con ngươi. Mẹ không nhìn thấy tôi. Cô hộ lý cắt rốn, còn ông bác sĩ phát vào lưng tôi và tôi khóc thét lên. Sau đấy tôi được tắm rửa, quấn khăn và đưa sang phòng sơ sinh. Mẹ muốn nhìn thấy tôi, muốn bế tôi, nhưng họ không cho phép. Cô hộ lý khâu cho mẹ và làu bàu gì đó.
- Đừng ngọ nguậy thế, tôi khâu tịt vào bây giờ.
Mẹ hoảng quá. Nước mắt chảy dài trên má.
Tôi cũng sợ và khóc. Chỉ có điều là ở đầu kia của bệnh viện.
Và thế là bắt đầu.
Khi đứa trẻ ra đời, nó phải rời bỏ bụng mẹ ấm áp và an toàn. Nó bị một lực đẩy ra khỏi cái nơi nhỏ nhoi là bụng mẹ.
Bởi mẹ đó là cánh cổng đầu tiên phải vượt qua. Còn bên kia cánh cổng là một thế giới kỳ quặc và lạnh giá. Sự ra đời đầy tiếng thét và nước mắt. Sự ra đời đó là cuộc chia ly đau đớn. Sau đó chỉ còn sự xa dần nhau, sự lìa bỏ. Cuộc chạy đua đến cái chết.
Sinh nở cũng như là ly hôn.
Đúng ra thì sinh nở như là cái chết.
Cái chết của một mối liên kết lý tưởng.
Milena không ngủ, tôi không ngủ. Đã ba giờ sáng. Chúng tôi hút thuốc lá.
Milena không thể bình tâm, tôi không thể tan vỡ. Khuôn mặt gầy gò của nó khiến người ta nhớ đến tam giác Béc-mút-đa. Nó như là một vực thẳm mà cơn gió xoáy tàn nhẫn kéo bạn xuống đó. Tôi không biết mặt tôi trông như thế nào. Tôi không soi gương. Không nghĩ đến con cái. Cũng như đàn ông. Có lẽ Milena cũng không.
Chúng tôi dần giống nhau. Chúng tôi trở nên những tạo vật vô tính. Không phải là người nữa. Ngực chúng tôi nhỏ dần, hông hẹp lại. Chúng tôi đang biến mất.
Bột gặm mòn tôi. Milena đi ác liệt hơn, nó cháy dần dần từ tấm lá mỏng. Một cô gái Thiếc-bạc. Với cặp mắt kim băng.
Lúc đầu nó nghĩ đây chỉ là nhất thời. Thi thoảng.
- Mai người ta sẽ thôi. - Milena nói.
- Người ta cũng thế. Từ mai.
Thật hay là có ngày mai. Ngày mai trong đường, ngày mai trong bột trắng.
Milena ở đằng ấy, tôi ở đây. Giữa hai chúng tôi là con đường trắng quanh co. Tôi đi trên con đường ấy. Milena bơi…
Lần thứ hai mươi của tôi.
- Mình muốn quà gì cho sinh nhật? - Milena hỏi. - Đừng nói, vì người ta có rồi.
Và nó lôi từ ba lô ra một cái bọc nhỏ.
- Nào, mình mở ra đi…
Tôi mở và lấy ra một lọ nước hoa.
- Mùi thơm như hoa mộc tặc dại ấy. Giống mình…
- Cám ơn mình. - Tôi ôm Milena. Không hỏi gì. Tôi biết là Milena không có tiền cho những món quà như thế này. Tôi cũng biết chắc chắn là nó đã xoáy lọ nước hoa ở Empik.
Rằng nó có thể có tiền để mua… tôi không muốn tính nó có thể có bao nhiêu… điều này không quan trọng. Hôm nay là sinh nhật tôi.
Tôi muốn gì ư? Phải xem cái đã.
Tôi có ba điều ước. Tôi muốn giống như cô gái trong một cuốn sách, có một con dao xẻo chim để trừng phạt những kẻ đã xúc phạm Milena. Nói chung là tất cả những kẻ đáng bị trừng phạt.
Tôi muốn Milena trở lại như hồi nào. Bình thường và điềm tĩnh. Muốn nó không còn vẻ mặt vô tri vô giác như thế kia, muốn nó phản ứng lại với những gì tôi nói với nó…
Và điều tôi muốn nhất, là con tôi được sinh ra. Tôi có thể một mình nuôi dạy nó. Tôi biết là nó sẽ làm thay đổi tất cả. Còn như thế này? Chẳng có gì hết.
Nếu như không có tôi, cuộc đời của mẹ tôi đã khác đi. Chắc chắn là dễ dàng hơn, thoải mái hơn, bình yên hơn. Tôi tưởng tượng ra ông bà tôi bắt mẹ phải đi phá thai. Và mẹ đồng ý rằng như thế sẽ tốt hơn.
Sau khi nạo thai, mẹ sốt suốt hai tuần vì bác sĩ bị run tay. Bà ngoại chườm khăn cho mẹ, mang cơm đến tận giường cho mẹ. Ông ngoại không nói năng gì. Từ “thạch” là từ cuối cùng mà ông nói về đề tài này.
Tháng chín mẹ quay lại trường học. Không ai biết tí gì về bí mật của mẹ.
Mẹ đạt toàn bốn với năm trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi đỗ vào trường đại học mà mẹ mơ ước. Rồi mẹ gặp người chồng tương lai của mình. Họ tổ chức một lễ cưới giản dị và chuyển đến ở với bố mẹ chồng. Mẹ có một việc làm trung bình với mức lương trung bình. Chồng của mẹ cũng thế. Họ sống như những người bình thường.
Không đam mê, không thăng hoa, không điên rồ. Và không con cái, vì bác sĩ đã bị run tay khi đó…
Và không có tôi. Không có. Không có tôi, thế thôi… Và có lẽ như vậy tốt hơn. Phải không?
Veronika cùng với con cún xuống sân chơi. Lâu rồi tôi không nhìn thấy nó. Có thể do mùa đông?
- Chào…
- Chào…
- Em đi đâu thế, lâu rồi không thấy em? - Tôi hỏi.
- Em nằm bệnh viện. Rồi đi trại an dưỡng.
- Em bị sao thế? Em bị bệnh gì à?
- Em bị hen. Và dị ứng… Với bụi, với sữa, hạt dẻ và có lẽ cả với lông chó nữa… Bây giờ bố em bảo là có lẽ nhà em phải cho con chó đi thôi, nhưng không ai nhận, vì nó có một chân bị tật…
- Nếu em muốn thì chị sẽ nhận nó. - tôi nói mà không hề suy nghĩ.
- Thật à? - Veronika phấn khởi với ý tưởng của tôi. - Để em hỏi mẹ đã, được không?
- Được…
* * *
Veronika là người mang đến chiến thắng theo một cách khác. Hoặc là người có cuộc sống hai mặt…
Milena ngủ lại nhà tôi là phần nhiều. Ban ngày nó học một thuật gì đó.
Xin xỏ, ăn cắp hay làm điếm? Tôi không biết. Tôi không quan tâm đến chuyện đó. Nó nói với bố mẹ là học tiếng Anh với tôi để thi tốt nghiệp phổ thông. Mà họ thì cái gì cũng tin nó. Chắc như vậy sẽ tiện cho họ hơn.
Càng ngày càng hay thấy nó nói “không biết” hơn.
Còn tôi thì nói nhiều hơn. Sau khi dùng amphetamine, tôi trở nên lộng lẫy, hùng biện. Tôi có thể thể hiện mình thật ngon lành.
Tôi rất khó chịu khi thấy Milena tự lừa dối mình. Nó không còn là người bạn tâm giao của tôi nữa. Cuộc sống của nó là hút hoặc là giải quyết gì đó trên phố. Thỉnh thoảng nó đi bất thình lình. Rất đột ngột. Vẻ bồn chồn lo sợ. Nó tan biến, làm cho mình trở nên trong suốt. Tôi đứng một bên mà nhìn và không biết mình phải làm gì… Tôi chẳng làm gì hết, không phản ứng, cứ mặc kệ cho mọi chuyện muốn đến đâu thì đến…
Mưa lẫn tuyết. Tôi không biết là vẫn còn sớm hay đã gần tối rồi. Tôi đứng ở một bến xe trong trung tâm. Tôi tính là sẽ gặp được một người nào đó sẽ cho tôi ít tiền lẻ. Khát nước quá. Tôi xáp lại gần một cậu:
- Sorry, bạn có ít tiền lẻ nào không, mình khát nước quá và…
- Mình có coca trong ba lô, để mình lấy cho bạn nhé…
Cậu ta lấy ra chai nước đưa cho tôi.
- Cậu thay đổi quá…
Đến lúc ấy tôi mới nhìn cậu ta…
Adam.
- Ôi, Chúa ơi…
- May quá lại được gặp cậu… Mình đi bộ một đoạn được không? - Cậu ta hỏi.
- Ừ.
Chúng tôi đi. Tôi chẳng nói năng gì. Tôi không biết mình phải nói gì. Gió tháng hai thổi. Thẳng vào mặt chúng tôi.
- Anka, mình không có tiền để đưa cậu đi đâu đó, nhưng tụi mình có thể vào một cầu thang nào đấy nói chuyện.
Chúng tôi vào một số nhà. Leo lên tầng bốn để khỏi bị ai xoi mói.
- Cậu thế nào? - Adam hỏi.
- Không… bình tĩnh đã.
- Nhưng mình thấy… Nếu cậu không thích nói chuyện thì không bắt buộc.
- Mình muốn. Cậu thế nào?
- Ổn cả. Ba tuần nữa thì con mình ra đời.
…
Tôi ôm hắn. Nói:
- Tuyệt vời. Cậu hạnh phúc chứ?
- Ừ.
- Cuối cùng thì cũng có một ai đó thực sự hạnh phúc… Mình rất vui... Chúc mừng cậu…
“Con mình đã không được sinh ra” - tôi muốn nói nhưng kịp giữ lại.
Và bỗng nhiên tôi thấy thật khủng khiếp. Tôi cảm thấy nếu không nghĩ đến chuyện gì khác thì tôi sẽ òa khóc.
- Adam, mình phải đi đây, cậu biết không, mình bị muộn mất…
Tôi quay lưng lại Adam và chạy xuống cầu thang.
- Đợi đã.
Hắn ta đuổi kịp tôi.
- Cậu khóc à?
- Cậu buồn cười thật đấy… mưa đấy chứ.
Hắn chạm vào má tôi, chùi nước mắt rồi đưa ngón tay lên miệng.
- Mưa mặn. Tiếc là ngần ấy thời gian mà bọn mình không gặp nhau. Cậu có thể gọi điện cho mình hoặc là ghé qua nhà. Giờ mình ở trên Praha, tụi mình thuê nhà. Để mình ghi cho cậu số điện thoại.
Hắn ta dúi tờ giấy vào tay tôi.
- Tạm biệt nhé. - Hắn ta hôn má tôi rồi đi.
Sau lần gặp Adam tôi mơ thấy nghĩa trang. Một nghĩa trang mà ở đấy trên các ngôi mộ thay vì những cây thập tự là những đồ chơi bằng bông. Nghĩa trang của những đứa trẻ chưa được sinh ra và những vật phước của chúng.
Tôi hơi vướng phải khó khăn với con cún con ấy. Tôi hứa với Veronika là mang nó về nhà tôi. Đó chỉ là ý nghĩ bất chợt. Tôi thấy thương con bé và lúc đó tôi thực sự nghĩ rằng tôi thích con chó. Bây giờ tôi không biết phải thoát ra như thế nào. Tôi quyết định sẽ sang nhà nó, nói chuyện với mẹ nó và chúng tôi sẽ cùng quyết định sẽ phải làm gì với con chó. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với con vật này ở một mức độ nào đó…
Veronika mở cửa. Đúng ra là nó chỉ hé cửa, vì nó vẫn để dây xích cài.
- Chào em…
- Chào chị…
- Chị vào được không?
Nó lắc đầu dứt khoát.
- Tại sao? - Tôi hỏi.
- Nhưng chị muốn gì?
- Chị sang để nói chuyện về con Fafik.
- Có ai mang nó đi đâu rồi ấy… Bố em bảo là nó chạy đi đâu ấy, nhưng em nghĩ không phải…
- Sao lại thế, thế em đã nói với mẹ là chị muốn đưa nó về nhà chưa?
- … Em nói rồi…
- Thế sao?
- Mẹ bảo là em với chị…rằng chị… rằng… Mẹ bảo là em không được nói chuyện với chị, không bao giờ được lấy cái gì của chị và nói chung là…
- Tại sao?
- Vì chị nghiện ma túy.
- …
- Nghiện ma túy là gì? Chị bị bệnh gì à?