Anh em nhà Karamazov - Phần 5 - Chương 5 - P2

Đấy là điểm chủ chốt ông già cần nói. Quỷ ác độc và tinh ranh, quỷ của sự tự hủy diệt và hư vô, - ông già nói tiếp, - quỷ vĩ đại đã nói với ông trong sa mạc, theo các sách còn truyền lại cho chúng tôi thì tuồng như quỷ đã “cám dỗ” ông. Có phải thế không? Liệu có thể nói được điều gì chân thực hơn những điều quỷ nêu ra trong ba câu hỏi mà ông đã bác bỏ và các sách gọi là “ba sự cám dỗ” không? Thế nhưng trên đời này, nếu có phép lạ nào đích thực và vang dội thì chính là vào ngày hôm ấy, ngày xảy ra ba sự cám dỗ đó. Chính việc đặt ra ba câu hỏi ấy đã là phép lạ. Nếu như có thể tưởng tượng, dù chỉ là đề thử và ví dụ, rằng ba câu hỏi của quỷ ác độc sẽ biến mất trong các sách và cần phải khôi phục lại, một lần nữa phải vắt óc sáng tác ra để lại đưa vào sách, vì vậy phải hội họp tất cả các nhà thông thái trên trái đất này lại - các nhà cầm quyền, các đại chủ giáo, các nhà bác học, các nhà triết học, các nhà thờ - và đặt ra cho họ một nhiệm vụ: hãy nghĩ ra, soạn ra ba câu hỏi không chỉ phù hợp với quy mô của sự biến, mà chỉ bằng mấy lời, chỉ ba câu thôi, diễn đạt đủ toàn bộ lịch sử sau này của thế giới và nhân loại, thì ông có cho rằng tất cả sự anh minh của trái đất chung đúc lại có thể nghĩ ra điều gì mạnh mẽ và sâu sắc như ba câu hỏi ma quỷ đầy uy lực và tinh khôn quả thật đã đề ra với ông không? Chỉ xét ba câu hỏi ấy, chỉ xem việc chúng xuất hiện ra như một phép lạ là đủ hiểu rằng đấy không phải lả trí tuệ thông thường của con người, mà trí tuệ vĩnh hằng và tuyệt đối, lần vì ba câu hỏi ấy dường như đúc kết và tiên tri toàn bộ lịch sử nhân loại sau này, đấy là ba hình ảnh hội tụ mâu thuẫn lịch sử không thể giải quyết được của bản chất con người trên toàn trái đất. Lúc bấy giờ chưa thể thấy rõ được điều đó bởi vì không thể biết được tương lai, nhưng bây giờ, sau mười lăm thế kỉ, chúng ta thấy trong ba câu hỏi ấy mọi điều đã được đoán nhận và tiên tri, và tất cả đều đã hành sự thực, đến độ không thể thêm bớt gì vào đấy được nữa. Ông, hãy quyết định xem ai đúng: ông hay kẻ đã hỏi ông hồi ấy? Ông hãy nhớ lại câu hỏi thứ nhất; tuy không đúng từng lời, nhưng ý nghĩa của câu hỏi ấy là: “Chúa muốn tay không bước vào đời hứa hẹn với người đời thứ tự do mà người đời chất phác và bẩm tính càn rỡ không thể hiểu nổi, đâm ra khiếp sợ nó, bởi vì đối với con người và xã hội loài người, không bao giờ có cái gì khó chịu đựng hơn tự do. Chúa thấy những hòn đá trong sa mạc nóng bỏng, trơ trụi kia chứ? Hãy biến đã thành bánh mì đi, khi ấy loài người sẽ chạy theo Chúa như một đàn cừu, biết ơn và ngoan ngoãn, tuy luôn luôn run sợ Chúa sẽ rút tay về thì sẽ không còn bánh mì do Chúa hóa phép ra nữa.” Nhưng ông không muốn tước bỏ tự do của ông, nên đã khước từ đề nghị đó, vì ông lập luận rằng sự vâng lời mua chuộc được bằng bánh mì thì còn gì là tự do nữa? Ông bác lại rằng con người không phải, chỉ sống bằng bánh mì, nhưng ông có biết đâu rằng chính vì bánh mì trần thế ấy mà thần linh của trái đất sẽ nổi lên chống lại ông, sẽ giao tranh với ông và thắng ông, và tất cả sẽ chạy theo vị thần ấy mà kêu lên: “Kẻ nào giống như con thú này, nó đã đem lửa trời xuống cho chúng ta.” Ông có biết hay không rằng nhiều thế kỉ qua đi, rồi nhân loại qua miệng các nhà hiền triết và bác học của mình, sẽ tuyên bố rằng không có tội ác, vì vậy cũng không có tội lỗi, mà chỉ có những người đói mà thôi. “Hãy cho người ta ăn no, khi ấy hãy đòi hỏi người ta phải có đạo đức!” - Đấy là khẩu hiệu người ta sẽ viết trên lá cờ giương lên để chống lại ông và là lá cờ sẽ làm cho đền thờ ông sập đổ. Ở chỗ đền thờ ông sẽ dựng nên một tòa nhà mới, lại một tháp Baben khủng khiếp nữa, và tuy tháp này cũng bị bỏ dở như tháp thứ nhất, nhưng lẽ ra Chúa có thể tránh được cái tháp mới này và rút bớt cho loài người một ngàn năm đau khổ, bởi vì sau một ngàn năm khổ sở với cái tháp ấy, họ sẽ đến với chúng tôi! Họ sẽ đi tìm chúng tôi ở dưới mặt đất, trong các hầm mộ nơi chúng tôi ẩn trốn bởi vì chúng tôi sẽ bị truy bức và hành hạ, họ tìm thấy và kêu lên: “Hãy cho chúng tôi ăn, vì những người đã hứa cho chúng tôi, lửa trời lại chẳng cho gì cả.” Khi ấy chúng tôi sẽ xây nốt tháp cho họ, bởi vì cho họ ăn tức là xây xong tháp, và chỉ có chúng tôi sẽ cho họ ăn nhân danh Chúa, chúng tôi nói dối là nhân danh Chúa. Ồ, không có chúng tôi thì họ không tự nuôi thân được! Không có khoa học nào có thể cho họ bánh mì chừng nào họ còn tự do, nhưng cuối cùng họ sẽ mang tự do của họ đặt dưới chân chúng tôi và nói với chúng tôi: “Chẳng thà biến chúng tôi thành nô lệ, nhưng cho chúng tôi ăn còn hơn.” Cuối cùng chính họ sẽ hiểu rằng tự do và bánh mì trần thế thỏa thuê cho mỗi người là điều không thể có được, bởi vì không bao giờ họ có thể phân phối với nhau cho ổn thỏa được! Họ cũng sẽ thấy rõ ràng không bao giờ họ có thể tự do, bởi vì họ yếu đuối, đốn mạt, hèn mọn và là những kẻ nổi loạn. Ông hứa cho họ bánh mì trời nhưng tôi nhắc lại lần nữa, trong con mắt của loài người yếu đuối, vĩnh viễn đốn mạt và vĩnh viễn vô ơn, bánh mì trời sao bằng bánh mì trần thế? Và nếu như có mấy ngàn, mấy chục ngàn người theo Chúa vì bánh mì trời thì sự thể sẽ ra sao với hàng triệu và hàng chục ngàn triệu người không đủ can đảm coi rẻ bánh mì trần thế để trông mong bánh mì trời? Hay Chúa chỉ quý trọng mấy chục ngàn người vĩ đại và hùng mạnh, còn hàng triệu người khác nhiều như cát biển, yếu đuối nhưng yêu Chúa, thì chỉ đáng là vật liệu cho những người vĩ đại và hùng mạnh? Không, chúng tôi quý cả những người yếu. Họ đốn mạt và là những kẻ nổi loạn, nhưng rốt cuộc họ sẽ trở nên ngoan ngoãn. Họ sẽ ngạc nhiên về chúng tôi và sẽ coi chúng tôi là những ông trời vì một khi đã lên cầm đầu họ, chúng tôi ưng chịu gánh lấy gánh nặng tự do và cai trị họ - rốt cuộc họ sẽ khiếp sợ tự do đến mức ấy đấy! Nhưng chúng tôi sẽ bảo họ rằng chúng tôi vâng mệnh Chúa và cai trị nhân danh Chúa. Chúng tôi lại đánh lừa họ, bởi vì chúng tôi sẽ không cho Chúa đến gần chúng tôi. Chính sự lừa dối ấy là nỗi đau khổ của chúng tôi, bởi vì chúng tôi sẽ phải nói dối. Đấy là ý nghĩa câu hỏi thứ nhất trong sa mạc, đấy là điều Chúa đã bác bỏ nhân danh tự do mà Chúa coi là cao hơn tất thảy. Thế nhưng câu hỏi đó chứa đựng một bí nhiệm vĩ đại của thế giới này. Nếu ưng thuận hóa phép ra “bánh mì”, Chúa sẽ giải tỏa được nỗi ưu tư muôn đời của con người - từng con người: riêng biệt cũng như toàn thể nhân loại - đó là: “Phải cúi đầu hàng phục ai?” Đối với con người đã được tự do, không có mối bận tâm nào triền miên hơn, đau khổ hơn là mau mau tìm lấy một nhân vật để sùng phục. Nhưng người ta chỉ muốn sùng phục một uy quyền hiển nhiên, không phải bàn cái gì nữa, một uy quyền mà tất cả mọi người đều nhất tề sùng phục. Bởi vì mối bận tâm của những con người thảm hại ấy không phải là tìm một đối tượng mà tôi hay người khác sùng phục, mà tìm một đối tượng được tất cả mọi người tin tưởng và sùng phục, nhất định là tất thảy mọi người kia. Chính nhu cầu về tính cộng đồng trong sự sùng phục ấy là mối khổ tâm chính yếu nhất của mối cá nhân riêng biệt cũng như của toàn thể loài người từ thuở khai thiên lập địa đến nay. Để thực hiện sự cộng đồng sùng phục ấy, họ tàn sát nhau bằng đao kiếm. Họ sáng tạo, ra các đấng Chúa Trời và kêu gọi lẫn nhau: “Hãy vứt bỏ Chúa Trời của các người đi và đến cúi đầu tôn thờ Chúa Trời của chúng tôi, không thì cả các người và Chúa Trời của các người đều phải chết!” Và sẽ như vậy cho đến ngày tận thế, ngay cả khi các Chúa Trời sẽ biến mất trên thế gian thì người ta cũng vẫn quỳ gối trước các thần tượng. Chúa biết, Chúa không thể không biết điều bí nhiệm cơ bản của bản chất loài người, nhưng Chúa đã gạt bỏ ngọn cờ duy nhất có uy lực tuyệt đối mà người ta đã mới Chúa nắm lấy và nó sẽ làm cho tất cả mọi người phải sùng phục. Chúa không chút hồ nghi - ngọn cờ bánh mì trần thế, vậy mà Chúa đã gạt bỏ, nhân danh tự do và bánh mì trời. Hãy nhìn lại xem sau đó Chúa đã làm gì. Vẫn lại nhân danh tự do! Tôi nói với Chúa rằng con người không có mối lo âu nào khắc khoải hơn là tìm cho được một người để mau mau trao lại cái tự do mà tạo hóa phú cho kẻ bất hạnh từ lúc mới ra đời. Nhưng chỉ có người nào làm cho lương tâm mọi người yên ổn thì mới chiếm hữu được tự do của họ. Có bánh mì là nắm được Ngọn cờ thành công chắc chắn: cho bánh mì của Chúa và đi theo kẻ dụ dỗ được lương tâm mình. Về điểm này Chúa có lí, bởi vì bí nhiệm của sự hiện hữu của con người không phải chỉ là sống, mà là sống để làm gì. Không có quan niệm vững chắc về việc sống để làm gì, con người không muốn sống, chẳng thà tự hủy diệt mình còn hơn là lưu lại trên cõi trần, mặc dù xung quanh thừa thãi bánh mì. Đúng là như thế, những chuyện gì đã xảy ra: đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người thì Chúa lại cứ mở rộng tự do thêm mãi! Hay Chúa quên rằng con người quý trọng sự yên ổn và thậm chí cả cái chết hơn là tự do lựa chọn trong sự nhận thức thiện ác? Đối với con người không có gì hấp dẫn hơn tự do cho lương tâm(7) nhưng cũng không có gì khổ ái hơn. Thế mà thay cho những nguyên tắc nền tảng vững chắc để làm cho lương tâm con người mãi mãi yên ổn, Chúa lại chọn tất cả những gì là phi thường, bí ẩn và vu vơ, tất cả những cái không vừa sức con người, vì vậy Chúa hành động như thể hoàn toàn không yêu họ, thế mà Chúa đã hiến cả sinh mạng của mình cho họ đấy! Đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người, Chúa lại cứ tăng thêm mãi lên và làm cho thế giới tinh thần của họ chồng chất thêm những dằn vặt vì tự do. Chúa muốn con người yêu tự do, để họ tự do đi theo Chúa, bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của Chúa. Thay cho luật pháp cứng rắn thời cổ, con người từ nay với trái tim tự do của mình, phải tự quyết định cái gì là thiện, cái gì là ác, mà chỉ lấy hình ảnh của Chúa trước mắt để định hướng cho mình. Nhưng chẳng lẽ Chúa không nghĩ rằng con người rốt cuộc sẽ chối bỏ và thậm chí bài bác cả hình ảnh của Chúa và sự thật của Chúa, nếu như họ bị đè ép dưới một sức nặng khủng khiếp là sự tự do lựa chọn? Cuối cùng họ sẽ la lên rằng sự thật không phải ở nơi Chúa, vì không thể nào đẩy họ vào tình cảnh bối rối và dằn vặt hơn là Chúa đã làm, Chúa đã để lại cho họ biết bao nhiêu lo âu và những nhiệm vụ không thể giải quyết nổi. Như vậy chính bản thân Chúa đã sắp đặt cho nước Chúa sụp đổ và đừng đổ lỗi cho ai nữa. Thế nhưng người ta có đề nghị với Chúa thế không? Có ba sức mạnh, trên đời chỉ có ba sức mạnh có thể thu phục được lương tâm những kẻ nổi loạn yếu ớt để đem lại hạnh phúc cho họ: ba sức mạnh ấy là: phép lạ, bí nhiệm và quyền uy.

(7) Xvoboda xovietsky còn có nghĩa là tự do tín ngưỡng, nhưng ở đây tác giả không nói cái ý hẹp đó (N.D).

Chúa đã bác bỏ cái thứ nhất, thứ hai, thứ ba và chính Chúa đã tự nêu gương. Khi quỷ ghê gớm và cực tinh ranh đưa Chúa lên nóc đền thờ và bảo với Chúa: “Nếu Chúa muốn biết Chúa có phải là con Chúa Trời không thì hãy lao mình xuống, vì có lời chép rằng các thiên thần sẽ đỡ lấy Chúa và nâng Chúa trên tay. Chúa sẽ không rơi xuống và không bị thương, khi ấy Chúa sẽ biết Chúa có phải là con Chúa Trời hay không và sẽ chứng tỏ được đức tin của Chúa vào Chúa cha.” Nhưng Chúa đã không nghe lời xúi bảo ấy và không gieo mình xuống. Ồ, cố nhiên Chúa xử sự như thế thật là tự hào và cao cả tuyệt vời, xưng đáng là Chúa Trời, nhưng con người ta, giống người yếu ớt nổi loạn có phải là những ông trời đâu? Ôi, khi Chúa hiểu rằng chỉ cần bước một bước, chỉ cần có một cử chỉ toan gieo mình xuống là lập tức Chúa đã thử Đức Chúa cha và mất lòng tin vào Chúa cha, Chúa sẽ tan xương nát đùi vì vập vào trái đất mà Chúa đã đến để cứu vớt nó, và quỷ tinh ranh đã cám dỗ Chúa sẽ vui mừng. Nhưng, tôi nhắc lại, có nhiều người như Chúa không? Chẳng lẽ có giây lát nào Chúa quả thật đã cho rằng người đời đủ sức kham nổi sự cám dỗ như thế chăng? Bản chất con người phải chăng là gạt bỏ phép lạ và trong những lúc ghê gớm của cuộc đời, lúc phải giải đáp những câu hỏi cơ bản, đau khổ, ghê gớm nhất của tâm hồn thì vẫn chỉ theo quyết định tự do của con tim? Ôi, Chúa biết rằng công ích của Chúa sẽ được ghi lại trong sử sách, sẽ lưu truyền muôn thuở và sẽ dội đến cả những nơi cùng trời cuối đất, và Chúa hi vọng rằng theo gương Chúa, con người sẽ vẫn tin ở Chúa Trời mà không cần đến phép lạ. Nhưng Chúa không biết rằng hễ con người chối bỏ phép lạ thì cũng chối bỏ luôn cả Chúa Trời, bởi vì con người tìm kiếm phép lạ hơn là tìm kiếm Chúa Trời. Bởi vì con người không thể không cần đến phép lạ, nên họ sẽ tạo ra cho mình những phép lạ mới, bây giờ là phép lạ của chính họ, và họ cúi đầu sùng bái phép lạ của thầy pháp chữa bệnh, phép phù thủy của bà đồng, mặc dù họ đã một trăm lần là kẻ nổi loạn, kẻ tà giáo và vô thần. Chúa không bứt khỏi cây thập giá mà bước xuống khi người ta la gào, chế nhạo và trêu chọc Chúa: “Hãy rời khỏi cây thập giá bước xuống đi thì chúng ta sẽ tin mi là Chúa.” Chúa không bước xuống vì Chúa lại vẫn không muốn dùng phép lạ nô dịch con người. Chúa tha thiết mong muốn tín ngưỡng tự do chứ không phải là tin vì phép lạ. Chúa khao khát tình yêu của con người tự do, chứ không phải là sự hân hoan của kẻ nô lệ trước một uy lực đã làm nó khiếp đảm mãi mãi. Nhưng như thể Chúa đánh giá con người quá cao, bởi vì dĩ nhiên họ là nô lệ, mặc dù bẩm sinh họ là kẻ nổi loạn. Chúa hãy nhìn cho khắp mà phán xét, đã mười lăm thế kỉ trôi qua, Chúa hãy nhìn họ xem, có người nào đã được Chúa dìu dắt lên bằng Chúa chưa? Tôi thề rằng con người yếu đuối hơn và hèn kém hơn Chúa tưởng. Liệu họ có thể làm được như Chúa không? Tôn trọng họ dường ấy, Chúa dường như không còn thông cảm với họ nữa, vì Chúa đòi hỏi ở họ quá nhiều vậy mà Chúa yêu họ hơn cả bản thân mình kia đấy. Nếu Chúa bớt tôn trọng họ đi thì sẽ đòi hỏi họ ít hơn. Họ yếu đuối và đê hèn. Hiện nay ở khắp mọi nơi họ nổi lên chống lại quyền lực của chúng tôi và kiêu hãnh về việc họ nổi loạn, nhưng đáng kể gì chuyện ấy? Đấy là sự kiêu hãnh của đứa con nít và đứa học trò. Đấy là lũ trẻ nhỏ làm loạn trong lớp và đuổi thầy giáo đi. Nhưng sự hoan hỉ của bọn trẻ ranh rồi sẽ hết, chúng sẽ phải trả một giá đắt. Chúng sẽ phá sập các đền thờ và tưới máu trên mặt đất. Nhưng rốt cuộc nhưng đứa trẻ đần độn đoán ra rằng tuy chúng là kẻ nổi loạn, nhưng chúng yếu đuối, không kham nổi cuộc nổi loạn của chính mình. Chúng sẽ nhỏ những giọt nước mắt ngu độn mà nhận ra rằng Chúa sinh chúng ra làm kẻ nổi loạn chắc chắn là muốn chế nhạo chúng. Chúng sẽ nói lên điều đó trong nỗi tuyệt vọng, và điều chúng nói ra sẽ là sự báng bổ khiến cho chúng càng bất hạnh hơn, bởi vì bản chất con người không chịu đựng nổi sự báng bổ và cuối cùng bao giờ cũng sẽ trả thù về sự báng bổ ấy. Vậy, lo lắng, bối rối và bất hạnh là thân phận hiện nay của con người sau khi Chúa đã chịu bấy nhiêu thương khó vì tự do của họ! Đấng tiên tri vĩ đại của Chúa, do thiên cảm và với ngụ ý xa xôi, có nói rằng Ngài đã nhìn thấy tất cả những người có mặt trong lần phục sinh thứ nhất và mới chỉ có cả thảy mười hai ngàn người. Nhưng nếu như có ngần ấy thì họ dường như không phải là người nữa, mà là những Chúa Trời! Họ đã chịu mọi sự khó vì đạo của Chúa, đã hàng chục năm chịu đói rét trong sa mạc, ăn châu chấu và rễ cây, và cố nhiên Chúa có thể hãnh diện trỏ vào họ - những đứa con của tự do, của tình yêu, của lòng hi sinh tự nguyện và cao cả nhân danh Chúa. Nhưng hãy nhớ rằng họ chỉ có mấy ngàn người, mà là những đấng Chúa Trời, còn những người khác thì sao? Những người yếu đuối còn lại có lỗi gì khi họ không chịu đựng nổi cái mà người hùng chịu được? Tâm hồn yếu đuối có tội gì khi nó không đảm đương nổi món quà tặng ghê gớm như thế? Phải chăng Chúa đến chỉ với những người được lựa chọn và vì những người được lựa chọn? Nếu vậy thì đây là điều bí nhiệm và chúng tôi không hiểu nổi. Nhưng nếu là điều bí nhiệm thì chúng tôi có quyền rao giảng về nó và dạy cho họ biết rằng quyền tự do quyết định của con tim không phải là điều quan trọng và không phải là tình yêu, mà là sự bí nhiệm mà họ phải tuân theo một cách mù quáng, cho dù trái với lương tâm của họ.

Chúng tôi đã làm như thế. Chúng tôi đã sửa chữa sự nghiệp của Chúa và đặt nó trên nền tảng phép lạ, bí nhiệm và quyền uy. Và người đời vui sướng vì lại được chăn dắt như đàn cừu và rốt cuộc đã cất bỏ được khỏi con tim món quà rất đỗi đáng sợ đã đem đến cho họ biết bao đau khổ. Chúng tôi làm như thế có phải lẽ không, Chúa nói đi. Lẽ nào chúng tôi không yêu nhân loại khi chúng tôi khiêm nhường nhận ra chỗ yếu kém của họ, trìu mến giảm nhẹ gánh nặng cho họ và cho phép bản chất yếu đuối của họ phạm tội, miễn là được chúng tôi cho phép? Vậy bây giờ Chúa đến gây phiền toái cho chúng tôi làm gì? Sao Chúa lẳng lặng nhìn tôi một cách thấm thía bằng cặp mắt hiền từ như vậy? Cứ nổi giận đi, tôi không mong muốn tình yêu của Chúa, vì chính tôi không yêu Chúa. Cần gì tôi phải giấu giếm Chúa? Hay tôi không biết tôi đang nói với ai? Nhưng gì tôi muốn nói với Chúa, Chúa biết hết rồi, tôi đọc thấy trong mắt Chúa. Tôi phải giấu Chúa điều bí nhiệm của chúng tôi chăng? Có lẽ Chúa muốn nghe điều đó từ miệng tôi nói ra chăng, vậy thì hãy nghe đây: chúng tôi không theo Chúa, mà theo hắn, đó là điều bí nhiệm của chúng tôi! Đã từ lâu chúng tôi không theo Chúa, mà theo hắn, đã tám thế kỉ nay.

Đúng tám thế kỉ trước, chúng tôi đã nhận lấy của hắn cái mà Chúa đã phẫn nộ gạt bỏ, món quà cuối cùng mà hắn đã dâng Chúa khi trỏ cho Chúa tất cả các vương quốc trần gian: chúng tôi đã nhận của hắn La Mã và thanh gươm của Xezar và tuyên bố chỉ có chúng tôi mới là những hoàng đế dưới trần gian, chỉ có chúng tôi mới là hoàng đế, mặc dù cho đến nay chúng tôi vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp của chúng tôi. Nhưng lỗi tại ai?

- Ôi, sự nghiệp ấy cho đến nay chỉ mới khởi sự, nhưng nó đã khởi sự. Còn lâu mới xong xuôi, và trần gian còn đau khổ nhiều, nhưng chúng tôi sẽ đạt được mục đích, chúng tôi sẽ là những Cezar, bấy giờ chúng tôi sẽ nghĩ đến hạnh phúc toàn thế giới của nhân loại. Thế nhưng hồi ấy lẽ ra Chúa vẫn có thể nhận lấy thanh kiếm của Cezar. Tại sao Chúa khước từ món quà cuối cùng ấy? Nếu Chúa chấp nhận lời khuyên thứ ba của Quỷ pháp lực cao cường thì Chúa đã thực hiện được tất cả những gì con người vẫn đi tìm ở trần gian: một đấng để sùng phục, để trao phó lương tâm của mình và nhờ đó mà rốt cuộc tất cả mọi người hợp nhất lại thành một tổ kiến hòa thuận không gì phủ nhận được, bởi vì nhu cầu liên kết toàn thế giới là nỗi dằn vặt thứ ba và cuối cùng của loài người. Bởi vì nhân loại, xét trong tổng thể, bao giờ cũng có khuynh hướng tự tổ chức trên nền tảng toàn thế giới. Đã có nhiều dân tộc vĩ đại viết nên pho sử vĩ đại, nhưng họ càng lên cao thì càng bất hạnh, bởi vì họ có ý thức mạnh mẽ hơn các dân tộc khác về nhu cầu liên kết toàn thế giới. Những nhà chinh phục vĩ đại như Timur và Thành Cát Tư Hãn đã vút qua trên trái đất như cơn lốc khao khát chinh phục cả vũ trụ, nhưng ngay cả những kẻ ấy, dù là không có ý thức, cũng biểu thị chính cái nhu cầu vĩ đại của nhân loại và thống nhất mọi dân tộc trên toàn thế giới. Nếu Chúa nhận lấy thế giới và bộ áo đỏ của Cezar thì Chúa đã tạo lập được một vương quốc toàn thế giới và sự yên ổn trên toàn thế giới. Bởi vì ai sẽ làm chủ được người đời nếu không phải là người làm chủ được lương tâm họ và nắm lấy bánh mì của họ trong tay mình?