Anh em nhà Karamazov - Phần 5 - Chương 5 - P3

Chúng tôi đã nhận lấy thanh gươm của Cezar và như thế chúng tôi đã từ bỏ Chúa để đi theo hắn. Ôi, trí tuệ tự do, khoa học và thói ăn thịt người của họ còn hoành hành nhiều thế kỉ nữa, bởi vì sau khi đã bắt đầu dựng tháp Baben không có chúng tôi, rốt cuộc họ sẽ trở lại thói ăn thịt người. Nhưng khi ấy con thú sẽ bò đến liếm chân chúng tôi, nước mắt lẫn máu túa xuống chân chúng tôi. Chúng tôi sẽ cưỡi lên nó, nâng cao cái chén có khắc chữ “Bí nhiệm!” Nhưng chỉ khi ấy bình yên và hạnh phúc mới ngự trị trên cõi đời. Chúa tự hào về những người được Chúa lựa chọn, nhưng Chúa chỉ có những người được lựa chọn, còn chúng tôi lại đem sự bình yên cho tất cả mọi người. Lại còn thế này nữa: trong số những người được Chúa lựa chọn, trong số những người mạnh mẽ có thể được lựa chọn, rốt cuộc rất nhiều người mệt mỏi vì chờ đợi Chúa, họ đã và sẽ đem sức mạnh tinh thần và nhiệt tâm sang lĩnh vực hoạt động khác và sau hết, họ sẽ dựng lên ngọn cờ tự do của mình chống lại Chúa. Nhưng chính Chúa đã dựng lên ngọn cờ ấy. Đi với chúng tôi, tất cả mọi người sẽ hạnh phúc, khắp nơi nơi sẽ không còn nổi loạn nữa, người ta không tiêu diệt lẫn nhau nữa, những cái đó chỉ có trong tự do của Chúa. Ồ, chúng tôi sẽ thuyết phục được họ rằng chỉ tự do khi rời bỏ tự do của mình vì chúng tôi và phục tùng chúng tôi. Thế nào, chúng tôi có lí hay là nói dối? Chính họ sẽ thấy rằng chúng tôi có lí, vì họ sẽ nhớ lại rằng tự do của Chúa đã đưa họ đến kiếp nô lệ khủng khiếp và sự hoang mang như thế nào. Tự do, trí tuệ tự do và khoa học sẽ đẩy họ vào những mê lộ và đặt họ trước những phép lạ và những bí nhiệm không thể giải đáp được khiến cho một số trong bọn họ, những kẻ bất khuất và hung dữ, sẽ tiêu diệt chính bản thân mình, những kẻ khác bất khuất nhưng suy yếu thì sẽ tiêu diệt lẫn nhau, còn loại thứ ba yếu đuối và bất hạnh sẽ bò đến dưới chân chúng tôi mà kêu van: “Vâng, các ngài có lí - chỉ có các ngài nắm được bí nhiệm của Chúa, chúng con trở lại với các ngài, xin các ngài cứu vớt chúng con khỏi chính bản thân chúng con.” Khi nhận bánh mì từ tay chúng tôi, cố nhiên họ biết rõ ràng đấy là bánh mì của họ, do tay họ làm ra, chúng tôi lấy của họ để phân phối cho họ, chẳng có phép lạ nào cả, họ sẽ thấy chúng tôi không biến đá thành bánh mì, nhưng họ sẽ vui sướng khi nhận bánh mì từ tay chúng tôi hơn cả vui sướng vì có bánh mì! Bởi vì họ sẽ nhớ rằng trước kia, không có chúng tôi, chính bánh mì do họ làm ra lại chỉ biến thành đá trong tay họ, còn khi họ trở lại với chúng tôi thì trong tay họ đã lại biến thành bánh mì. Họ sẽ hiểu rất rõ giá trị của việc vĩnh viễn phục tùng! Chừng nào người đời chưa hiểu điều đó thì họ vẫn còn bất hạnh. Ai góp phần nhiều nhất tạo nên sự thiếu hiểu biết ấy, Chúa nói đi? Ai đã xé lẻ đàn cừu và lùa nó tản tác vào những nẻo đường chưa từng biết? Những đàn cừu sẽ tụ họp lại và lại ngoan ngoãn vâng lời, lần này thì vĩnh viễn. Khi ấy chúng tôi sẽ đem lại cho họ hạnh phúc êm đềm và khiêm nhường, hạnh phúc của những sinh vật yếu đuối mà tạo hóa sinh ra vốn đã như vậy: ồ, cuối cùng chúng tôi sẽ thuyết phục được họ đừng kiêu ngạo, bởi vì Chúa đã tâng bốc họ quá, như vậy là dạy cho họ kiêu ngạo. Chúng tôi sẽ chứng tỏ cho họ lấy rằng họ yếu đuối họ chỉ là những đứa trẻ đáng thương, những hạnh phúc của trẻ thơ ngọt ngào hơn bất cứ thứ hạnh phúc nào. Họ sẽ trở nên nhút nhát, sẽ ngước mắt nhìn chúng tôi và nép vào chúng tôi như gà con nép dưới cánh gà mẹ. Họ sẽ ngạc nhiên về chúng tôi; khiếp sợ chúng tôi, tự hào vì chúng tôi hùng mạnh và thông minh đến độ dẹp yên cả một bầy súc vật cuồng loạn hàng bao nhiêu triệu như thế. Họ sẽ bủn nhủn run sợ trước cơn giận của chúng tôi, trí tuệ họ đâm ra nhút nhát, mắt họ sẽ đẫm lệ như đàn bà trẻ con, nhưng chỉ cần chúng tôi vẫy tay một cái là cũng dễ dàng như thế, họ trở nên vui vẻ tươi cười, vui sướng hớn hở và hát bài ca hạnh phúc của trẻ con. Phải, chúng tôi sẽ bắt họ làm việc, nhưng những lúc rảnh rang, chúng tôi sẽ làm cho cuộc sống của họ như một trò chơi trẻ con, hát hỏng, đồng ca, nhảy những điệu vũ hồn nhiên. Ồ, chúng tôi cũng cho phép họ phạm tội nữa, họ yếu đuối và bất lực, và họ sẽ yêu mến chúng tôi như con trẻ yêu cha mẹ, vì chúng tôi cho phép họ phạm tội. Chúng tôi sẽ nói với họ rằng mọi tội lỗi đều chuộc được, miễn là nó được chúng tôi cho phép. Chúng tôi cho phép họ phạm tội vì chúng tôi yêu họ, và chúng ta sẽ gánh chịu sự đừng phạt thay cho họ. Chúng tôi sẽ gánh chịu và họ sẽ tôn sùng chúng tôi như những ân nhân đã gánh lấy tội lỗi cho họ trước Chúa Trời. Họ sẽ không có điều gì giữ bí mật với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho phép hay cấm họ sống với vợ và người tình, có con hay không có con, - tất cả tùy theo sự vâng lời họ, - và họ sẽ vui vẻ và sung sướng tuân phục chúng tôi. Những bí mật khiến cho lương tâm họ bị giày vò ghê gớm nhất, họ sẽ thổ lộ hết với chúng tôi, và chúng tôi sẽ giải quyết cho họ, họ sẽ vui sướng tin theo quyết định của chúng tôi, bởi vì nó sẽ giải thoát họ khỏi nỗi lo âu vô cùng lớn lao và những dằn vặt ghê gớm hiện nay khi mỗi cá nhân tự do quyết định vận mệnh của mình. Và tất cả sẽ hạnh phúc, hàng triệu người, trừ một trăm ngàn người quản lí họ. Chỉ vì chỉ có chúng tôi nắm giữ điều bí nhiệm, chỉ có chúng tôi sẽ bất hạnh. Sẽ có hàng trăm triệu người thơ ngây sung sướng và một trăm ngàn người đau khổ phải chịu sự trừng phạt vì biết thiện ác. Họ sẽ chết êm ả, nhân danh Chúa họ sẽ tắt nghỉ êm ả, và ở thế giới bên kia họ sẽ chỉ tìm thấy cái chết. Nhưng chúng tôi nắm giữ điều bí mật và vì hạnh phúc của họ, chúng tôi sẽ cám dỗ họ bằng phần thưởng vĩnh cửu trên trời. Chỉ vì nếu có cái gì ở thế giới bên kia thì tất nhiên không phải là dành cho những người như họ.

Người ta nói và tiên tri rằng Chúa sẽ đến và sẽ lại chiếm phần thắng. Chúa sẽ đến cùng với những người được lựa chọn, với những người kiêu hãnh và uy quyền nhưng chúng tôi sẽ nói rằng, những người ấy chỉ cứu chính bản thân họ thôi, còn chúng tôi cứu vớt tất cả mọi người. Người ta nói rằng người đàn bà tà dâm, ngồi trên mình con thú, hai tay cầm cái chén “Bí nhiệm” sẽ bị bêu nhục, những kẻ yếu đuối sẽ lại nổi loạn, sẽ xé tan tấm áo đỏ tía của ả và phơi lõa lồ tấm thân “ghê tởm” của ả ra(8). Nhưng khi ấy tôi sẽ đứng lên và trỏ cho Chúa thấy hàng nghìn triệu người thơ ngây, hạnh phúc không biết thế nào là tội lỗi. Còn chúng tôi, những người đã vì hạnh phúc của họ và gánh lấy tội lỗi của họ. Chúng tôi sẽ đến đứng trước mặt Chúa và nói: “Hãy phán xử chúng tôi, nếu Chúa có thể và dám làm việc đó.” Nên biết rằng tôi không sợ Chúa đâu. Nên biết rằng tôi đã từng ở trong sa mạc, tôi đã từng sống bằng châu chấu và rễ cây, tôi đã từng cảm tạ cái tự do mà Chúa đã xuống ơn cho loài người: tôi sẵn sàng xung vào số người được Chúa lựa chọn, những người đấy uy quyền và mạnh mẽ, vì nóng lòng muốn “bổ sung cho đủ số”. Nhưng tôi đã tỉnh ngộ và không muốn phục vụ một công việc điên rồ. Tôi đã quay trở lại và nhập với những người đã sửa chữa sự nghiệp của Chúa. Tôi lìa bỏ những người kiêu hãnh và trở lại với những người khiêm nhường vì hạnh phúc, của những người khiêm nhường ấy. Điều tôi nói với Chúa bây giờ sẽ thành sự thật, vương quốc của chúng tôi sẽ được dựng nên. Tôi nhắc lại, ngày mai Chúa sẽ thấy chúng tôi chỉ vẫy tay một cái là đàn cừu ngoan ngoan ấy sẽ đâm bổ đến hất thêm than hồng vào đống lửa thiêu Chúa, tôi sẽ thiêu Chúa vì Chúa đã đến gây phiền rầy cho chúng tôi. Bởi vì nếu có người nào đáng lên giàn hỏa thiêu hơn ai hết thì đó là Chúa. Ngày mai tôi sẽ thiêu Chúa. Dixi(9).

(8) Đây là theo sách “Khái huyền” của Jăng, XVII. 1-18. Người đàn bà tà dâm ngồi trên mình con thú bảy đầu mười sừng, ả mặc tấm áo đó tía, tay cầm cái chén chứa đầy sự dâm đãng ghê tởm của mình. Ả sẽ bị lột hết xiêm áo và bị con thú ăn thịt (N.D).

(9) Tôi nói thế đấy. (Tiếng Latin, thường dùng để kết thúc một lập luận gì đó) (N.D).

Ivan dừng lại. Chàng bừng bừng trong lúc nói, chàng nói một cách hăng say. Khi dứt lời, chàng bỗng mỉm cười.

Aliosa vẫn lặng im nghe anh nói, gần về cuối trong lòng xúc động vô cùng, nhiều lần toan ngắt lời anh, nhưng rõ ràng tự ghìm mình, giờ đây bỗng lên tiếng, như thế bật khỏi chỗ.

- Nhưng… đấy là chuyện phi lí! - Anh đỏ mặt kêu lên. - Bản trường ca của anh ngợi khen Chúa Kito, chứ không phải là báng bổ… như anh muốn. Ai sẽ tin những điều anh nói về tự do? Có nên hiểu tự do như thế không? Quan niệm của đạo chính thống có thế đâu, đấy là La Mã, mà không phải là toàn bộ La Mã, sự thật không phải thế, đấy là những gì tồi tệ nhất của đạo Thiên Chúa, của các pháp quan tôn giáo, các tu sĩ dòng Tên… Và cũng không thể có nhân vật nào quái dị như viên pháp quan tôn giáo của anh. Tội lỗi của người khác mà ông ta nhận lấy vào mình là tội lỗi gì? Ai là người nắm giữ bí nhiệm và vì hạnh phúc của mọi người mà nhận lấy sự trừng phạt của trời? Đã ai từng thấy những người như thế? Chúng tôi biết những tu sĩ dòng Tên, người ta vẫn nói nhiều điều xấu về họ, nhưng họ có phải là những người như anh nói không? Họ hoàn toàn không như thế… Họ chỉ là quân đội La Mã, để mưu đồ sự trị vì toàn thế giới sau này, đứng đầu là một vị hoàng đế - tức là giáo hoàng La Mã… đấy là lí tưởng của họ, nhưng không có những bí nhiệm và nỗi buồn cao cả nào hết… Chỉ đơn giản là ham muốn quyền hành, những phúc lợi trần tục bẩn thỉu, sự nô dịch… tựa như chế độ nông nô sau này mà họ sẽ là địa chủ… chỉ có thế thôi. Có lẽ họ không tin Chúa Trời. Vị pháp quan tôn giáo đau khổ của anh chỉ là do ai tưởng tượng ngông cuồng của anh sản sinh ra…

- Hãy khoan, khoan, - Ivan cười, - chú nổi nóng quá đấy. Chú bảo là trí tưởng tượng ngông cuồng cũng được thôi! Cố nhiên là tưởng tượng ngông cuồng. Nhưng xin hỏi: chẳng lẽ quả thật chú cho rằng toàn bộ phong trào Thiên Chúa giáo những thế kỉ gần đây đích thị chỉ là sự ham muốn quyền hành để mưu cầu toàn những lợi ích bẩn thỉu thôi ư? Có phải Cha Paixi dạy chú thế không?

- Không, không. Cha Paixi có lần đã nói điều gì đại loại như anh nói… nhưng cố nhiên không hẳn thế, hoàn toàn không phải thế! - Aliosa chợt nghĩ ra.

- Vậy mà điều chú vừa nói ra thật là quý giá, mặc dù chú bảo là “hoàn toàn không phải thế”. Thì tôi hỏi chú tại sao các tu sĩ dòng Tên của chú và các pháp quan tôn giáo lại cụm với nhau để mưu cầu toàn những lợi ích vật chất nhơ nhuốc? Tại sao trong bọn họ không có lấy một người đau khổ, mang trong lòng nỗi đau xót vĩ đại và yêu nhân loại? Chú thấy đấy: giả sử trong số tất cả những người chỉ thèm muốn những lợi ích vật chất bẩn thỉu, có lấy một người như vị pháp quan già của tôi, bản thân ông ta đã sống bằng rễ cây trong sa mạc và phát rồ phát dại, cố vượt thắng xác thịt của mình thành người tự do và toàn thiện, tuy nhiên suốt đời ông vẫn yêu nhân loại, đột nhiên ông tỉnh ngộ và thấy rằng lạc thú tinh thần đạt tới ý chí hoàn thiện chẳng lớn lao gì lắm khi thấy rõ ràng hàng triệu con dân còn lại của Chúa vẫn chỉ là vật bày đặt ra để giễu cợt, không bao giờ họ kham nổi tự do của mình, và từ những kẻ nổi loạn đáng thương không bao giờ nảy sinh ra những người khổng lồ để xây dựng xong tháp, nhà duy tâm vĩ đại mơ ước hài hòa không phải để cho những con ngỗng như thế. Hiểu được tất cả những điều đó, ông đã quay trở lại và nhập vào… với những người thông minh. Chẳng lẽ điều ấy không thể xảy ra được ư?

- Nhập với ai, với những người thông minh nào? - Aliosa kêu lên, gần như hăng máu. - Họ chẳng có trí tuệ gì, chẳng có những điều bí nhiệm và bí mật nào cả… Chỉ có đầu óc vô thần, tất cả bí mật của họ chỉ là thế. Viên pháp quan của anh không tin Chúa Trời, tất cả bí mật của ông ta chỉ có thế thôi!

- Cho dù là thế đi nữa! Rốt cuộc chú đã đoán ra. Quả là thế, quả thật tất cả bí mật chỉ là thế, nhưng chẳng lẽ đấy không phải là đau khổ, ít ra là với một người như ông ấy, người đã hủy hoại cả đời mình trong sa mạc vì sự đạo và không bỏ được tình yêu nhân loại? Lúc tuổi già xế bóng, ông ta thấy rõ ràng chỉ có những lời khuyên của quỷ ghê gớm và sự vĩ đại mới có thể thu xếp cuộc sống tạm ổn cho những kẻ nổi loạn yếu ớt; “những sinh vật làm thử, tạo tác dở dang, chỉ để giễu cợt”. Thế là, khi hiểu rõ như vậy, ông ta thấy cần đi theo con đường ma quỷ tinh khôn, quỷ ghê gớm gieo rắc chết chóc và tàn phá đã vạch cho, muốn vậy phải chấp nhận sự dối trá và lừa lọc, chủ tâm đưa người ta đến chết chóc và tàn phá, và phải lừa dối họ suốt dọc đường, để họ không nhận thấy họ được dẫn đi đâu, để ít ra trên đường đi những kẻ mù quáng thảm hại ấy tự cho là mình hạnh phúc. Và chú hãy lưu ý sự lừa dối nhân danh đấng đã đề ra cái lí tưởng mà suốt đời ông già say mê tin tưởng! Thế không phải là bất hạnh sao? Và nếu như có lấy một người như thế đứng đầu cả đạo quân “khao khát quyền hành cốt để giành lấy những lợi ích bẩn thỉu” thì chẳng phải là cũng đủ để sinh ra bi kịch rồi không? Hơn thế nữa: chỉ cần một người như thế đứng đầu là rốt cuộc sẽ tìm được tư tưởng chỉ đạo thực sự cho toàn bộ sự nghiệp của La Mã với tất cả các đạo quân và các tu sĩ dòng Tên của họ, một tư tưởng tối cao chỉ đạo sự nghiệp ấy. Tôi nói thẳng với chú nhé: tôi tin chắc rằng không bao giờ thiếu vắng con người độc đáo ấy trong số những người đứng đầu phong trào. Biết đâu lại có thể có cả một số người độc đáo như thế trong các giáo hoàng La Mã. Mà biết đâu đấy, có thể ông già đáng nguyền rủa đó, kẻ yêu nhân loại bền bỉ dường ấy theo cách riêng của mình, ngay cả bây giờ vẫn tồn tại dưới hình thức một tập đoàn đông đảo những ông già độc đáo như thế, và không phải do ngẫu nhiên, mà tồn tại theo sự thỏa thuận, như một hội kín đã được tổ chức từ lâu để giữ bí mật đối với những người bất hạnh và yếu đuối, nhằm đem lại hạnh phúc cho họ.

Điều đó nhất định là có, chắc là phải có. Tôi có cảm giác là các hội viên hội Tam điểm cũng có một cái gì đại loại như điều bí nhiệm đó, làm cơ sở cho họ, vì vậy những người theo đạo Thiên Chúa căm thù các hội viên Tam điểm đến thế, coi họ là những kẻ cạnh tranh, phá vỡ sự thống nhất tư tưởng, trong khi cần phải có một đàn cừu thống nhất và một người chăn duy nhất… Tuy nhiên, khi bảo vệ tư tưởng của mình, tôi có vẻ là một nhà sáng tác không chịu nổi sự phê phán của chú. Chuyện này nói thế đủ rồi!

- Có lẽ anh chính là hội viên hội Tam điểm! - Aliosa buột thốt lên. - Anh không tin có Chúa Trời. - Aliosa nói thêm, lần này có vẻ cực kì đau xót. Thêm nữa, anh có cảm giác rằng Ivan nhìn anh ra ý giễu cợt. - Bản trường ca của anh kết thúc thế nào? - Anh bỗng hỏi, mắt nhìn xuống đất. - Hay nó đã kết thúc rồi?

- Tôi muốn kết thúc nó như sau: viên pháp quan tôn giáo im tiếng một lát, chờ xem kẻ bị giam trả lời ra sao. Sự im lặng của Chúa thật nặng nề đối với ông ta. Ông ta thấy người này vẫn lẳng lặng nghe ông ta với vẻ hết sức thấm thía, và xem ra không muốn bắt bẻ gì hết. Ông già muốn Chúa nói với ông ta điều gì, dù là cay đắng, đáng sợ. Nhưng Chúa bỗng lẳng lặng đến gần ông già và dịu dàng hôn lên cặp môi tái nhợt của ông lão chín mươi. Đấy là tất cả câu trả lời. Ông già rùng mình. Khóe môi ông rung động. Ông ta mở cửa, nói với Chúa: “Chúa đi đi và đừng đến nữa… đừng bao giờ đến nữa… đừng bao giờ, đừng bao giờ.” Ông ta thả cho Chúa đi vào “những phố phường tăm tối của đô thành”. Người bị giam ra đi.

- Thế còn ông già?

- Cái hôn nung đốt trái tim ông ta, nhưng ông già vẫn giữ nguyên ý mình.

- Và anh cũng cùng một ý với ông ấy, cả anh nữa chứ? - Aliosa đau buồn kêu lên.

Ivan bật cười:

- Nhưng đấy là chuyện nhảm nhí thôi mà. Aliosa ạ, đấy chỉ là bản trường ca ngờ nghệch của một chàng sinh viên ngờ nghệch chưa từng làm thơ bao giờ. Tại sao chú lại bận tâm đến thế? Hay chú nghĩ rằng tôi sẽ đi thẳng đến với các tu sĩ dòng Tên để nhập với những người sửa chữa sự nghiệp của Chúa? Trời ơi, tôi thiết gì kia chứ! Tôi đã nói với chú rồi mà: tôi chỉ muốn sống đến ba mươi tuổi thôi, rồi sau đó thì đập tan chén rượu đời!

- Thế còn những lộc non vừa hé nở, còn mồ mả của những, người thân thương, còn người phụ nữ anh yêu! Anh sẽ sống thế nào, anh sẽ thương yêu họ như thế nào? - Aliosa chua xót thốt lên. - Có thể mang cái địa ngục như thế trong tim óc được ư? Không, chính anh đang tới nhập bọn với họ… nếu không thì anh sẽ tự vẫn chứ không chịu đựng nổi!

- Có một sức mạnh chịu đựng hết thảy! - Ivan nói với một nụ cười lạnh lùng như thế!

- Sức mạnh nào?

Sức mạnh của dòng họ Karamazov… sức mạnh sinh ra từ sự ti tiện của dòng họ Karamazov.

- Tức là ngụp mình trong phóng đãng, đè nghẹt tâm hồn trong sự đồi bại, phải không?

- Có thể lắm… có lẽ tôi sẽ tránh được cho đến năm ba mươi tuổi rồi sau…

- Làm thế nào mà tránh được? Dừng cách gì mà tránh? Ý nghĩ của anh như thế thì không sao tránh được.

- Vẫn lại theo kiểu Karamazov thôi.

- Tức là “mọi việc đều được phép” chứ gì? Mọi việc đều được phép làm, phải thế không?

Ivan cau mày và mặt bỗng tái đi một cách lạ lùng.

- A, chú lại nắm lấy điều tôi nói hôm qua đã khiến cho Miuxov rất bực… Còn anh Dmitri thì bật lên một cách thơ ngây và nhắc lại chứ gì? - Ivan cười gằn. - Phải, có lẽ là “mọi việc đều được phép làm”, một khi đã nói ra mồm. Tôi không chối. Vả lại cách diễn đạt của Mitia không đến nỗi dở đâu.

Aliosa lẳng lặng nhìn Ivan.

- Này, chú ạ, trước khi ra đi, tôi nghĩ rằng trên đời này ít ra tôi cũng còn có chú, - Ivan bỗng thốt lên với một tình cảm bất ngờ, - còn bây giờ tôi thấy rằng tôi không có chỗ trong tim chú, nhà khổ tu của tôi ạ. Tôi sẽ không từ bỏ công thức “mọi việc đều được phép làm” đâu, thế thì chú từ tôi chứ hả?

Aliosa đứng lên, đến gần và chẳng nói chẳng rằng, dịu dàng hôn vào môi anh.

- Trò ăn cắp văn! - Ivan la lên, đột nhiên trở nên hoan hỉ không rõ vì sao. - Đấy là chú thuổng trong bản trường ca của tôi! Nhưng cảm ơn chú. Đứng lên, Aliosa, ta đi đi, đến lúc cả hai ta đều phải đi rồi.

Hai anh em đi ra, nhưng họ dừng lại ở bậc thêm quán ăn.

- Thế này này, Aliosa ạ, - Ivan thốt lên bằng giọng cương quyết, nếu như tôi còn có thể nghĩ tới những lộc non mới hé nở và yêu chúng thì chỉ là vì nhớ đến chú. Chỉ cần biết: ở đâu đó vẫn có chú là tôi vẫn còn muốn sống. Như vậy chú đã cho là đủ chưa? Nếu muốn, chú hãy coi đó là lời tỏ tình của tôi. Còn bây giờ chú đi sang phải, tôi đi sang trái, và thế là đủ rồi, chú nghe thấy chứ, đủ rồi. Nghĩa là, nếu ngày mai tôi chưa đi (nhưng chắc là tôi sẽ đi) và chúng ta sẽ còn gặp lại nhau nữa, thì chú đừng nói với tôi một lời nào về tất cả những chuyện ấy nữa. Tôi khẩn khoản cầu xin chú đấy. Cả về anh Dmitri nữa, tôi đặc biệt cầu van chú đấy, đừng bao giờ nói với tôi về anh ấy nữa, - chàng bỗng nói thêm một cách cáu kỉnh, - hết chuyện rồi, thành tro bụi cả rồi, phải thế không? Còn về phía tôi, tôi cũng hứa với chú một điều: đến năm ba mươi tuổi, khi tôi muốn “đập tan chén rượu đời” thì mặc dù lúc ấy tôi đang ở đâu, tôi cũng sẽ tìm về nói chuyện với chú… cho dù tôi đang ở Mỹ, chú nên biết như vậy. Về chỉ để gặp chú. Lúc ấy tôi sẽ rất muốn nhìn thấy chú, xem chú ra sao. Này, lời hứa khá long trọng đấy. Chúng ta chia tay nhau lần này có lẽ đến bảy năm, mười năm. Thôi bây giờ chú về với Pater Xeraficus(10) của chú đi, ông già sắp lìa đời, ông già mất mà không có chú thì chú lại giận tôi đã cầm giữ chú. Tạm biệt, hôn tôi lần nữa đi, thế, thôi đi đi!

(10) Ám chỉ thánh Francoise Axxiz (1182-1226), nhà truyền giáo Ý, sáng lập dòng tu Thánh Frăngxoa. Có cái tên Paler Xerarlcus là do tích Frăngxoa thiên cảm thấy Chúa Kito đến thăm ông, hiện hình thành thiên thần sáu cánh (xenficus) (N.D).

Ivan bỗng quay đi, rồi đi đường mình, không hề ngoái lại.

Hôm qua anh Dmitri bỏ mặc Aliosa đấy mà đi cũng na ná như thế này, nhưng hôm qua hoàn cảnh khác hẳn. Nhận xét lạ lùng ấy thoáng qua như mũi tên trong trí óc Aliosa lúc ấy đang buồn rầu và đau xót. Anh đứng nhìn theo Ivan một lát. Chẳng rõ vì sao anh bỗng nhận thấy anh Ivan đi hơi lắc lư và nhìn từ phía sau thì vai bên phải hơi thấp hơn vai bên trái. Trước kia chưa bao giờ Aliosa để ý thấy điều đó. Đột nhiên anh cũng quay đi và gần như chạy về tu viện. Đã tối hắn, và anh gần như ghê sợ; có cái gì mới lạ cứ lớn mãi lên trong anh mà anh không thể đưa ra câu trả lời.

Gió lại nổi lên như hôm qua và những cây thông cổ thụ rì rào ảo não xung quanh anh khi anh đi vào khoảng rừng nhỏ của tu xá.

Anh gần như chạy. “Pater Xeraficus,” anh Ivan lấy cái tên ấy ở đâu ra nhỉ, ở đâu ra - một ý nghĩ thoáng qua trong óc Aliosa. - “Ivan, anh Ivan tội nghiệp, bao giờ em sẽ lại nhìn thấy anh… Tu xá đây rồi, trời ơi, phải, phải, đấy là ngài, đấy là Pater Xeraficus. Ngài sẽ cứu ta… khỏi tay anh ấy, và mãi mãi!”

Sau này, mấy lần trong đời, Aliosa hết sức băn khoăn nhớ lại rằng sau khi chia tay với Ivan, không hiểu sao anh có thể quên bẵng anh Dmitri mà sáng nay, mới mấy giờ trước, anh đã quyết phải tìm cho bằng được, cho dù đêm nay không kịp về tu viện.