Đêm trắng - Chương 2 - Phần 3

Hai tuần lễ trôi qua, anh khách mới sai Fecla đến nói rằng anh ta có nhiều sách Pháp và đều là sách hay, có thể đọc được, bà có muốn để em đọc bà nghe không cho đỡ buồn? Bà cám ơn và đồng ý nhưng cứ hỏi đi hỏi lại là sách có đứng đắn không.

- Và nếu sách không đứng đắn, - bà nói, - thì Naxtenca ạ, cháu không thể nào đọc được, vì cháu sẽ học phải những điều xấu.”

- Cháu học phải điều gì hả bà? Ở đấy viết cái gì thế ạ?

- À, - bà nói, - trong những sách ấy viết về chuyện những gã trẻ tuổi chuyên quyến rũ các cô gái nhà lành, lấy cớ muốn lấy các cô ấy để đưa họ đi khỏi nhà cha mẹ, rồi sau đó bỏ mặc những cô gái khốn khổ đó cho số phận và họ phải chết một cách thảm thương nhất. Bà nói, bà đã đọc nhiều những cuốn sách như thế, mọi chuyện được viết hay đến nỗi ngồi đọc lặng lẽ suốt đêm. Nên cháu, Naxtenca ạ, hãy coi chừng, đừng đọc những cuốn sách đó. Bà hỏi, anh ta gửi đến những cuốn sách gì?

- Toàn tiểu thuyết của Walter Scott bà ạ.

- Tiểu thuyết của Walter Scott? Được rồi, mà ở đấy có trò lăng nhăng gì không? Cháu xem anh ta có giấu lá thư tình nào vào đấy không?

- Không, - em nói, - không có thư bà ạ.

- Coi ở dưới tờ bìa lót ấy, bọn họ nhiều khi nhét vào dưới lớp bìa lót đấy, cái lũ kẻ cướp này!

- Không bà ạ, cả dưới bìa lót cũng không có gì.

- À, vậy đấy!

Thế là bà cháu chúng em bắt đầu đọc Walter Scott, và sau một tháng đã đọc được non nửa. Rồi anh ấy còn gửi đến thêm. Gửi cả Puskin, thành thử rốt cuộc em không thể sống thiếu sách và không còn nghĩ đến chuyện lấy chồng là hoàng tử Trung Hoa nữa.

Ấy thế rồi có một lần em tình cờ gặp anh khách trọ trên cầu thang. Bà sai em đi đâu đó. Anh ấy dừng lại, em đỏ mặt lên, anh ấy cũng đỏ mặt; nhưng anh ấy cười, chào em, hỏi thăm về sức khỏe của bà và nói: “Thế nào, cô đọc hết sách rồi chứ?” Em đáp: “Đọc rồi!” “Thế cô thích cuốn nào nhất?” - anh ấy hỏi. Em đáp: “Thích nhất là Aivanho và Puskin.” Lần ấy câu chuyện chỉ có vậy.

Sau một tuần em lại gặp anh ấy ở cầu thang. Lần này không phải bà sai đi, mà em cần đi lấy một cái gì đấy. Lúc đó hơn hai giờ chiều, anh khách trọ thường về nhà vào khoảng ấy. “Chào cô!” - anh ấy nói. Em đáp: “Chào anh!”

- Thế cô không buồn khi ngồi cả ngày với bà à? - Anh ấy hỏi.

Nghe anh ấy hỏi, em không biết tại sao đỏ bừng mặt lên, xấu hổ, và lại cảm thấy tủi nhục, có lẽ vì rằng người ta đã bắt đầu hỏi về chuyện đó. Em đã toan không trả lời và bỏ đi, nhưng không đủ sức.

- Cô là một cô gái thật tốt, - anh ấy nói. - Xin lỗi là tôi nói với cô như vậy, nhưng tôi cam đoan là tôi mong muốn điều tốt cho cô còn hơn cả bà cô nữa. Cô không có bạn gái nào để đến chơi nhà nhau à?

- Em nói là không có ai cả, chỉ mỗi Masenca nhưng cô ta cũng đi Pxcov mất rồi.

- Này, cô có muốn đi xem hát với tôi không?

- Đi xem hát? Thế còn bà thì sao?

- Thì cô lặng lẽ mà đi, - anh ấy nói.

- Không, - em đáp, - tôi không muốn lừa bà đâu. Chào anh!

- Thì chào cô, - anh ấy đáp, và không nói thêm lời nào nữa. Nhưng sau bữa ăn anh ấy đến chỗ chúng em, ngồi nói chuyện rất lâu với bà, hỏi bà có hay đi đâu ra ngoài không, có người quen ở đâu không, - rồi bỗng nói: “Còn cháu hôm nay đã mua vé nghe opera, người ta đang trình diễn vở “Người thợ cạo thành Xevile”, mấy người quen định đi nhưng sau lại thôi, cháu còn dư vé.

- “Người thợ cạo thành Xevile?” - bà kêu lên. - Đấy chính là vở “Người thợ cạo” mà ngày xưa người ta vẫn diễn phải không?

- Vâng, - anh ấy nói, - đúng “Người thợ cạo” ấy đấy ạ, - và anh ấy liếc nhìn em. Em đã hiểu tất cả và mặt đột nhiên đỏ bừng, trái tim nhảy rộn lên chờ đợi!

- À thế, - bà nói, - thế thì tôi biết quá đi chứ! Thời xưa chính tôi đã đóng vai Rozina trong sân khấu gia đình mà!

- Thế bà hôm nay có muốn đi xem không ạ? - Người khách trọ hỏi. - Không thì vé của cháu bỏ phí mất.

- Ừ, đi cũng được, - bà nói, - sao lại không nhỉ? Đây, cô Naxtenca này chưa bao giờ được đi xem hát cả.

Lạy Chúa, em sướng quá! Lập tức chúng em sửa soạn, thay quần áo và lên xe đi. Bà tuy mù nhưng vẫn muốn nghe nhạc, thêm vào đó bà là một người tốt bụng, bà muốn làm cho em vui, còn tự mình thì bà cháu chúng em không bao giờ đi được... Em sẽ không nói với ông về ấn tượng của vở “Người thợ cạo thành Xevile”, nhưng suốt buổi tối hôm đó người khách trọ của chúng em nhìn em rất trân trọng, nói năng rất lịch sự khiến em cảm thấy rằng lúc sáng anh ấy chỉ thử em khi đề nghị em đi một mình với anh ấy. Trời, vui sướng biết bao! Em đi ngủ hết sức vui vẻ, hãnh diện, tim đập loạn đến mức lên cơn sốt nhẹ, và suốt đêm cứ mơ về “Người thợ cạo thành Xevile”.

Em cứ nghĩ sau lần đó anh ấy sẽ năng ghé đến thăm hai bà cháu em hơn, nhưng không phải thế. Anh ấy gần như không đến nữa. Chỉ chừng một tháng một lần, và cũng chỉ đến để mời đi nhà hát. Sau đó chúng em còn đi xem hai lần nữa. Em cảm thấy không hài lòng với điều ấy. Em thấy là anh ấy chỉ thương hại em phải sống giam hãm với bà, ngoài ra không có gì hơn. Cứ thế ít lâu sau em không chịu nổi nữa: ngồi cũng không yên, đọc sách cũng không nổi, làm việc cũng không được, đôi khi em cười và trêu chọc bà, có khi chỉ ngồi khóc. Cuối cùng thì em gầy rộc đi và thiếu chút nữa thì lăn ra ốm. Mùa diễn opera đã hết, và anh khách trọ thôi không ghé vào chỗ chúng em nữa; khi em và anh ta gặp nhau, - tất nhiên, vẫn trên chiếc cầu thang ấy, - anh ấy im lặng gật đầu chào một cách nghiêm nghị, dường như không muốn nói gì với em cả, và khi anh ấy đã xuống đến bậc thềm thì em vẫn đứng ở lưng chừng cầu thang, mặt đỏ như mận chín, vì rằng mỗi khi gặp anh ấy máu em dồn cả lên đầu.

Bây giờ đến đoạn kết. Đúng cách đây một năm, vào tháng Năm, người khách trọ lại ghé vào và nói với bà rằng anh ấy đã làm xong việc ở đây và sắp tới phải đi Moxcva một năm. Em nghe thấy thế choáng váng cả người, ngã phịch xuống ghế như xác chết. Bà em không nhìn thấy gì cả, còn anh ấy sau khi thông báo sẽ rời khỏi chúng em liền chào và đi ra.

Em phải làm gì đây? Em nghĩ, nghĩ mãi, buồn rũ rượi, và cuối cùng quyết định. Ngày mai anh ấy đi, và em quyết định ngay tối hôm nay ấy sẽ kết thúc mọi chuyện, sau khi bà đi ngủ. Và đã xảy ra đúng như vậy. Em gói một bọc gồm tất cả áo váy, đồ lót, và ôm bọc, nửa sống nửa chết, đi lên tầng lầu gặp người khách trọ của chúng em. Em nghĩ là mình đã đi cả tiếng đồng hồ trên cầu thang. Khi em mở cửa vào phòng, anh ấy nhìn em và kêu thốt lên một tiếng. Anh ấy nghĩ em là một bóng ma, đâm bổ đi lấy nước vì em đứng không còn vững nữa. Tim em đập đến nghe nhức váng cả đầu, trí óc mụ đi.

Khi tỉnh lại, em bắt đầu ngay bằng việc đặt cái gói lên giường của anh ấy, tự mình ngồi xuống bên cạnh, hai tay ôm mặt và khóc như mưa như gió. Anh ấy hình như đã hiểu ngay mọi chuyện, đứng trước mặt em, người tái nhợt và buồn bã nhìn em khiến tim em như tan ra thành từng mảnh.

- Này, Naxtenca, cô hãy nghe tôi nói, - anh ấy cất tiếng. - Tôi không thể làm gì được cả, tôi là một kẻ nghèo túng, hiện nay tôi chẳng có gì hết, dù chỉ là một chỗ tàm tạm tử tế; chúng ta sẽ sống ra sao nếu như tôi lấy cô?

Chúng em nói với nhau rất lâu, cuối cùng em như phát điên lên, nói rằng em không thể sống với bà em nữa, rằng em sẽ trốn nhà đi, rằng em không muốn bị đính kim găm vào áo bà, rằng em, nếu như anh ấy muốn, sẽ theo anh ấy đi Moxcva, vì rằng em không thể sống thiếu anh ấy. Cả cảm giác nhục nhã, cả tình yêu, cả lòng tự trọng - tất cả cùng một lúc gào thét trong em, và em thiếu chút nữa thì lên cơn động kinh ngã vật xuống giường. Em quá sợ bị từ chối!

Anh ấy ngồi im lặng mấy phút, rồi đứng dậy, bước đến bên em và cầm lấy tay em.

- Nghe anh đây, Naxtenca tốt bụng và yêu quý của anh! - Anh ấy nói qua nước mắt. - Hãy nghe anh nói. Anh thề với em là nếu như đến lúc nào có thể lấy vợ thì nhất định em sẽ là hạnh phúc của anh; anh cam đoan bây giờ chỉ có em mới có thể mang lại hạnh phúc cho anh. Em nghe đây: anh sẽ đi Moxcva và ở đó đúng một năm. Anh hi vọng là sẽ thu xếp xong việc của mình. Khi anh quay lại, nếu em còn chưa hết yêu anh, anh thề là chúng ta sẽ hạnh phúc bên nhau. Còn bây giờ thì không thể được, anh không thể, anh không có quyền dù chỉ là hứa hẹn một cái gì đấy. Nhưng, anh nhắc lại, nếu như sau một năm chuyện đó không thành, thì đến một lúc nào đó nhất định sẽ thành, tất nhiên trong trường hợp em không bỏ anh mà yêu người khác, vì rằng ràng buộc em bằng một lời nào đó thì anh không thể và cũng không được phép.

Anh ấy đã nói với em như vậy rồi ngày hôm sau ra đi. Chúng em quyết định không nói gì với bà cả. Anh ấy muốn vậy. Đấy, bây giờ câu chuyện của em đã gần như kết thúc. Đã trôi qua đúng một năm. Anh ấy đã trở về, anh ấy đã ở đây cả ba ngày, và, và...

- Và sao? - Tôi kêu lên, nóng lòng muốn nghe kết cục.

- Và vẫn không thấy đến! - Naxtenca đáp, dường như phải gắng hết sức lực của mình. - Chẳng thấy tăm hơi đâu cả.

Nàng dừng lại, im lặng một lúc, cúi thấp đầu và bỗng nhiên hai tay ôm mặt, òa khóc nức nở khiến tim tôi như nghẹn lại vì tiếng khóc ấy...

Tôi hoàn toàn không đợi một kết cục như vậy.

- Naxtenca! - Tôi cất lời bằng một giọng rụt rè, nghẹn ngào. - Naxtenca! Vì Chúa, cô đừng khóc nữa! Tại sao cô biết? Có thể anh ấy chưa về...

- Ở đây! Ở đây rồi! - Naxtenca cướp lời. - Anh ấy đang ở đây, em biết điều đó. Chúng em đã giao hẹn, năm ngoái, vào tối hôm ấy, trước ngày anh ấy đi, khi hai người đã nói hết những gì em vừa kể cho ông nghe, và chúng em giao hẹn, chúng em ra đây dạo chơi, chính trên bờ sông này. Lúc đó đã mười giờ đêm, chúng em ngồi trên chiếc ghế dài này, em không còn khóc nữa, em ngây ngất nghe anh ấy nói... Anh ấy nói rằng ngay lập tức sau khi về tới đây sẽ đến nhà chúng em liền, và nếu em không từ bỏ anh ấy chúng em sẽ nói hết với bà. Bây giờ anh ấy đã về, em biết như vậy, mà anh ấy không đến, không đến! Và nàng lại khóc.

- Lạy Chúa! Chẳng lẽ không thể nào làm nguôi nỗi đau khổ ư? - Tôi hét lên, nhảy bật dậy khỏi ghế trong cơn tuyệt vọng tột cùng. - Này Naxtenca, ít ra tôi có thể đến gặp anh ta được không?

- Chẳng lẽ có thể như vậy được sao? - Nàng bỗng ngửng đầu lên hỏi.

- Không, tất nhiên là không, - tôi chợt sực tỉnh. - Nhưng mà cô hãy viết một lá thư.

- Không, không thể, như thế không được! - Nàng đáp dứt khoát nhưng lại đã cúi đầu và không nhìn tôi.

- Sao lại không thể? Vì sao không thể? - Tôi nói tiếp, bám lấy ý tưởng của mình. - Nhưng, Naxtenca, cô biết không, một bức thư như thế nào! Thư cũng có ba bảy loại, và... Ôi, Naxtenca, đúng như vậy đấy! Cô hãy tin tôi, hãy tin cậy nơi tôi! Tôi không khuyên dại cho cô đâu. Tất cả chuyện này có thể thu xếp được! Cô đã bắt đầu bước đầu tiên, thì tại sao lại...

- Không được! Không được! Khi đó như là em cố bám...

- Ôi Naxtenca tốt bụng của tôi! - Tôi ngắt lời nàng, không giấu nụ cười, - không đâu, không phải thế đâu, tất nhiên cô có quyền làm như vậy, vì anh ta đã giao hẹn với cô mà. Mà theo như tôi thấy, anh ta là người lịch sự, anh ta xử sự đúng đắn... - tôi nói tiếp, mỗi lúc một hưng phấn thêm bởi tính lôgic của những lí lẽ và lời thuyết phục của mình, - anh ta đã hành động như thế nào? Anh ta đã nói rằng sẽ không lấy ai ngoài cô nếu như anh ta lấy vợ, còn cô thì anh ta để cho hoàn toàn tự do, cô có thể ngay bây giờ từ bỏ anh ta... Trong trường hợp đó cô có thể đi bước đầu tiên; cô có quyền đó, cô có ưu thế đối với anh ta, ít ra là, thí dụ, nếu như cô muốn giải thoát anh ta khỏi lời hứa...

- Nhưng mà nếu là ông thì ông sẽ viết như thế nào?

- Viết cái gì?

- Lá thư ấy mà.

- Nếu là tôi thì tôi sẽ viết: “Thưa quý ông...”

- Nhất thiết là phải “thưa quý ông” sao?

- Nhất thiết! Nhưng sao? Tôi nghĩ...

- Thôi được, ông nói tiếp đi!

- “Thưa quý ông! Xin lỗi quý ông là tôi...” Nhưng mà không, không cần xin lỗi gì hết. Bản thân sự việc sẽ nói ra tất cả, cô hãy viết đơn giản như sau: “Tôi viết cho ông đây. Hãy bỏ quá cho sự nôn nóng của tôi, nhưng suốt cả năm qua tôi được hạnh phúc là nhờ vào một niềm hi vọng, vậy tôi có lỗi gì không nếu như bây giờ không thể chịu nổi lấy một ngày nghi ngờ? Bây giờ, khi ông đã về đây, có lẽ ông đã thay đổi dự định của mình. Nếu thế thì lá thư này sẽ nói với ông rằng tôi không phàn nàn và không buộc tội ông. Tôi không buộc tội ông vì tôi không có đủ quyền lực đối với trái tim ông, số phận của tôi là như vậy!

Ông là một người đứng đắn. Ông sẽ không mỉm cười và không bực bội vì những dòng thư nôn nóng của tôi. Ông hãy nhớ rằng người viết những dòng này là một cô gái nghèo, rằng cô ta đơn độc một mình, rằng không có ai để dạy dỗ, khuyên bảo cô ta và rằng cô ta không bao giờ biết làm chủ trái tim mình. Hãy bỏ quá cho tôi nếu dù trong một thoáng sự nghi ngờ đã len vào tâm hồn tôi. Ông không thể thậm chí chỉ trong ý nghĩ xúc phạm đến người con gái đã yêu và đang yêu ông đến vậy.”

- Vâng, vâng! Điều đó đúng như em vẫn nghĩ! - Naxtenca thốt lên, và một niềm vui ánh lên trong đôi mắt nàng. - Ồ, ông đã giải thoát cho em khỏi những nghi ngờ, chính Chúa Trời đã ban ông cho em! Cám ơn, cám ơn ông!

- Vì cái gì? Vì Chúa Trời đã ban tôi cho cô? - Tôi đáp, hân hoan nhìn vẻ mặt vui sướng của nàng.

- Vâng, ít ra là như vậy.

- Ôi Naxtenca! Có những người mà ta phải cảm ơn họ chỉ vì họ sống cùng chúng ta. Tôi cám ơn cô vì tôi đã được gặp cô, vì suốt đời tôi sẽ nhớ đến cô!

- Thôi, đủ rồi, đủ rồi. Còn bây giờ ông nghe em nói đây: lúc đó chúng em giao ước là hễ anh ấy về, anh ấy sẽ báo cho em biết liền bằng cách để lại cho em một lá thư ở một chỗ đã định trước, ở nhà mấy người quen tốt bụng, chất phác và không hề biết gì về chuyện của chúng em; còn nếu như anh ấy không thể viết thư cho em, vì không phải trong thư bao giờ cũng nói hết mọi chuyện, thì anh ấy ngay trong ngày đầu tiên về tới thành phố này đúng mười giờ sẽ đến đây, nơi chúng em đã hẹn gặp nhau. Em biết anh ấy đã về rồi, nhưng cả ba ngày nay chẳng thấy thư cũng chẳng thấy mặt. Buổi sáng thì em không thể bỏ bà em đi được. Ngày mai nhờ ông đưa thư của em cho mấy người quen tốt bụng mà em đã nói với ông, họ sẽ gửi cho anh ấy. Còn nếu như có thư trả lời, ông sẽ lại mang đến cho em vào mười giờ tối.

- Nhưng thư, lá thư! Bởi vì trước hết phải viết thư đã! Cho nên phải ngày kia mới có thể làm được...

- Thư... - Naxtenca nói, vẻ hơi bối rối, - thư... nhưng...

Nàng không nói hết câu. Thoạt đầu nàng ngoảnh nhìn sang hướng khác, mặt đỏ lên như bông hồng, và bỗng nhiên tôi cảm thấy trong tay tôi một lá thư, chắc là đã viết xong từ lâu, dán kín. Một kỉ niệm quen thuộc, thân thương và duyên dáng lướt qua đầu tôi.

- R, o - Ro; s, i - si; n, a - na… - Tôi nói.

- Rosina! - cả hai chúng tôi cùng cất tiếng hát, tôi suýt nữa ôm chặt lấy nàng vì vui mừng; còn nàng, mặt đỏ lên đến mức không thể nào đỏ hơn được nữa, cười qua những giọt nước mắt như những hạt châu long lanh trên đôi hàng mi đen.

- Thôi đủ rồi, đủ rồi! Bây giờ ta chia tay nhau nhé! - Nàng nói nhanh. - Đây là thư, đây là địa chỉ nhờ ông đưa đến. Chào ông nhé! Tạm biệt! Hẹn ngày mai!

Nàng xiết chặt cả hai tay tôi, gật đầu và vút đi như một mũi tên vào con ngõ của mình. Tôi đứng tại chỗ nhìn theo một lúc lâu.

“Hẹn ngày mai! Hẹn ngày mai!” - trong đầu tôi vẫn âm vang khi nàng đã khuất hẳn khỏi tầm mắt tôi.