Đêm trắng - Chương 2 - Phần 2

Chỉ cần nhìn anh ta là sẽ thấy ngay điều đó! Nhìn anh ta, cô có tin không, ôi Naxtenca yêu quý, cô sẽ không tin là trong thực tế anh ta không hề biết người đàn bà mà anh ta yêu đến vậy trong các mộng tưởng cuồng dại của mình? Chẳng lẽ anh ta chỉ nhìn thấy nàng trong những ảo ảnh đầy mê hoặc và niềm đam mê ấy chỉ là một giấc mơ thôi sao? Chẳng lẽ quả thực họ đã không cùng nhau đi, tay trong tay, trong suốt bao nhiêu năm tháng của cuộc đời mình, - chỉ riêng họ với nhau, hai người, tách xa toàn thế giới, mỗi người đem gắn thế giới của mình, cuộc đời của mình với cuộc đời của bạn tình? Chẳng lẽ không phải nàng, vào giờ khuya muộn phải chia tay, đã gục đầu buồn bã nức nở trên ngực anh ta, không nghe tiếng giông bão rít gào dưới bầu trời khắc nghiệt, không nghe cơn gió thổi bạt đi và mang theo những giọt nước mắt trên hàng mi đen của nàng? Chẳng lẽ tất cả những cái đó chỉ là mơ ước - cả khu vườn thê lương, vắng ngắt và hoang dại này với những lối đi phủ đầy rêu, hiu quạnh và âm u, nơi họ thường dẫn nhau đến, hi vọng, sầu thương, và yêu, yêu nhau rất lâu “rất lâu và nồng thắm”! Và ngôi nhà kì quái kia, của cha ông để lại, nơi nàng đã bao năm sống cô quạnh và buồn chán với người chồng già cau có, suốt đời lầm lì, cáu kỉnh, khiến họ - hai kẻ nhút nhát như trẻ thơ, rụt rè và rầu rĩ giấu nhau tình yêu của mình - phải sợ sệt? Họ khổ sở biết bao, họ hãi hùng biết bao, mối tình của họ trong sáng, vô tội biết bao, và người đời (ồ tất nhiên thôi, Naxtenca ạ) mới độc ác làm sao! Và, lạy Chúa tôi, chẳng lẽ không phải sau đó anh ta đã gặp nàng ở một nơi xa bến bờ tổ quốc, dưới một bầu trời xa lạ, giữa trưa nóng bỏng, trong một thành phố vĩnh cửu tuyệt vời giữa khung cảnh lộng lẫy của vũ hội, tiếng nhạc vang lừng, trong một lâu đài (nhất định phải là trong một lâu đài) chìm ngập trong ánh lửa đèn, trên ban công mọc đầy đào kim nương và hoa hồng, vừa nhận ra anh ta nàng đã vội gỡ mặt nạ hóa trang và thì thào “Em đã được tự do” rồi run rẩy lao vào vòng tay anh ta; hai người kêu lên vui sướng, ghì chặt nhau, trong khoảnh khắc quên đi cả những nỗi khổ đau, cả sự chia li, cả mọi day dứt, cả căn nhà ảm đạm, cả người chồng già, cả mảnh vườn hoang tối ở quê hương xa xôi, cả chiếc ghế dài nơi nàng đã vùng thoát ra khỏi vòng tay đờ đẫn trong nỗi đau tuyệt vọng của anh ta sau nụ hôn nồng nàn cuối cùng...

Ô, Naxtenca, cô hãy đồng ý rằng cô sẽ hoảng hốt, sẽ bối rối, đỏ mặt như một cậu học trò vừa nhét vào túi quả táo ăn cắp ở vườn bên, khi một anh chàng cao kều khỏe mạnh, vui vẻ, lắm mồm, người bạn không mời mà đến của cô, bỗng mở cửa phòng cô và hét lên như không có chuyện gì xảy ra: “Còn tôi, bạn ạ, vừa từ Pavlovxc đến!” Lạy Chúa tôi! Lão bá tước già vừa chết, hạnh phúc vô tả sắp đến - vậy mà lại người từ Pavlovxc đến!

Tôi hùng hồn im lặng sau những lời diễn thuyết hùng hồn. Tôi nhớ, lúc đó tôi rất muốn bằng một cách nào đó phá lên cười hô hố vì tôi đã cảm thấy một con quỷ thù địch bắt đầu cựa quậy trong tôi, vì rằng cổ họng tôi bắt đầu tắc nghẹn, cằm co giật, hai mắt mỗi lúc một thêm nhòa ướt...

Tôi nghĩ rằng Naxtenca, lắng nghe tôi với cặp mắt thông minh mở to, sẽ phá lên một tràng cười trẻ thơ, vui vẻ không kìm nén của mình, và tôi hối hận là đã đi quá xa, đã hoài công kể lại tất cả những gì từ lâu sôi sục trong tim và tôi có thể nói ra như đọc, vì rằng đã từ lâu tôi chuẩn bị sẵn cho mình lời phán quyết và giờ đây không thể kìm nổi để không đọc nó lên, tự thú nhận, mà không mong người ta sẽ hiểu mình; nhưng tôi ngạc nhiên thấy nàng im lặng; lát sau nàng khẽ bóp nhẹ bàn tay tôi và hỏi bằng một giọng cảm thông rụt rè:

- Chẳng lẽ quả thực ông đã sống suốt đời mình như thế sao?

- Suốt đời, Naxtenca ạ, - tôi đáp, - suốt đời, và có lẽ sẽ như thế cho đến phút chót!

- Không, như thế không được, - nàng lo lắng nói, - sẽ không như thế đâu; và có lẽ em cũng sẽ sống suốt đời như vậy cạnh bà em. Này ông, ông có biết sống như thế là không hay không?

- Tôi biết, Naxtenca ạ, tôi biết chứ! - tôi hét to, không còn kìm giữ cảm xúc của mình nữa. - Và bây giờ tôi càng biết hơn bao giờ hết là tôi đã để phí hoài những năm tháng tốt nhất của đời mình! Bây giờ tôi biết điều đó, và tôi càng cảm thấy đau buồn hơn bởi điều nhận biết đó, vì rằng chính Đức Chúa Trời đã ban tặng cô cho tôi, hỡi thiên thần tốt bụng của tôi, để nói với tôi và chứng tỏ với tôi điều đó. Bây giờ, khi tôi ngồi cạnh cô và nói với cô, tôi lại khiếp sợ khi nghĩ đến tương lai, vì rằng trong tương lai sẽ lại là cô đơn, lại là cuộc sống mốc meo, không cần thiết; và tôi còn biết ước mơ gì nữa, khi trong đời thực tôi đã được hạnh phúc đến vậy bên cạnh cô! Ôi, Chúa sẽ ban phước cho cô, hỡi cô gái dịu hiền, vì rằng cô đã không xua đuổi tôi ngay từ lần gặp đầu tiên, vì rằng bây giờ tôi có thể nói, ít ra tôi đã được sống hai buổi tối trong đời mình!

- Ồ không, không! - Naxtenca thốt lên và mắt nàng long lanh lệ. - Không, sẽ không như vậy nữa đâu; chúng ta sẽ không xa nhau nữa! Hai buổi tối là sao!

- Ôi, Naxtenca, Naxtenca! Cô có biết cô đã khiến tôi hài lòng với bản thân mình không? Cô có biết từ bây giờ tôi sẽ không nghĩ về mình tồi tệ như trước đây nữa không? Cô có biết là bây giờ tôi có thể sẽ không buồn phiền vì đã phạm những tội ác và lỗi lầm trong đời mình, vì rằng một cuộc sống như vậy chính là tội ác và lỗi lầm? Và cô đừng nghĩ là tôi phóng đại với cô một điều gì đó, lạy Chúa, cô đừng nghĩ như vậy, Naxtenca ạ, vì rằng có những phút giây tôi cảm thấy buồn chán đến mức, đến mức... Vì rằng vào những lúc đó tôi cảm thấy tôi không bao giờ có thể bắt đầu sống một cuộc sống thật sự, vì rằng tôi cảm thấy tôi đã đánh mất mọi khả năng ứng xử, mọi cảm giác đối với hiện thực, vì rằng cuối cùng tôi đã tự nguyền rủa mình, vì rằng sau những đêm ảo tưởng tôi đã có những phút giây tỉnh táo, mà những phút giây ấy thật khủng khiếp! Mà trong lúc đó ta vẫn nghe quanh mình mọi người đang quay cuồng trong cuộc sống ồn ào náo động, vẫn nghe, vẫn thấy thiên hạ sống như thế nào - thiên hạ sống thật sự, thấy rằng cuộc sống của họ không phải được vẽ tạo ra, rằng cuộc sống của họ không bay biến như chiêm bao, như ảo ảnh, rằng cuộc sống của họ luôn luôn đổi mới, luôn luôn trẻ trung và không một giờ nào giống giờ nào, trong lúc đó trí tưởng tượng nhút nhát thì đơn điệu và tẻ nhạt đến thô thiển, nó là nô lệ của hình bóng, của ý tưởng, nô lệ của đám mây đầu tiên bất ngờ che lấp mặt trời và đem nỗi phiền muộn bóp nghẹt trái tim Peterburg chân chính vốn rất yêu quý mặt trời của mình - mà đã phiền muộn thì còn tưởng tượng nỗi gì? Và ta cảm thấy nó, cái trí tưởng tượng không cạn ấy, cuối cùng cũng tàn lụi, cạn kiệt trong sự căng thẳng thường xuyên, vì rằng ta cũng phải trưởng thành, lớn vượt khỏi những lí tưởng trước kia của mình: những lí tưởng đó sẽ bị vỡ tan ra thành bụi, thành những mảnh vỡ; và nếu như không có cuộc sống khác, thì ta buộc phải tạo dựng ra nó bằng chính những mảnh vỡ đó. Mà trong lúc đó tâm hồn lại khao khát, lại cầu xin một cái gì khác! Và kẻ mơ mộng hoài công đào bới trong những mơ ước cũ của mình như trong đống tro, mong tìm trong đống tro ấy dù chỉ một vài tia lửa nhỏ nhoi để thổi nó bùng lên thành ngọn lửa hồng sưởi ấm trái tim đã trở nên giá lạnh và làm sống lại trong nó tất cả những gì trước kia đã từng dễ thương đến vậy, đã từng làm xao động tâm hồn, đốt sôi dòng máu, khiến trào hàng lệ, đã từng lừa dối một cách huy hoàng đến vậy! Và Naxtenca, cô có biết tôi đã làm gì không? Cô có biết tôi đã buộc phải làm lễ tưởng niệm các cảm xúc của mình, tưởng niệm cái mà trước kia đã từng dễ thương đến vậy, cái mà thực ra không hề tồn tại bao giờ, - vì rằng đó chỉ là tưởng niệm những mơ ước viển vông, ngu ngốc, - và tôi làm điều đó vì rằng cả những mơ ước ngu ngốc đó cũng không còn nữa, vì rằng không có gì để nuôi sống chúng, mà ước mơ cũng phải nuôi mới sống chứ! Cô có biết không, bây giờ tôi vẫn thích vào những kì hạn nhất định nhớ lại và đến thăm những nơi trước kia tôi đã từng được hạnh phúc theo cách riêng của mình, thích xây dựng hiện tại của tôi theo cái quá khứ không bao giờ trở lại và thường lang thang như cái bóng, không mục đích, vô định, buồn bã và ngán ngẩm trên các đường phố và ngõ nhỏ Peterburg. Và những hồi ức! Chẳng hạn, tôi nhớ lại rằng chính ở đây đúng một năm về trước, đúng vào ngày này, giờ này, cũng theo đúng vỉa hè này tôi đã lang thang một mình, cũng buồn nản như bây giờ! Và nhớ lại rằng lúc đó những ước mơ cũng buồn bã, và mặc dù trước kia chẳng tốt đẹp hơn nhưng dù sao vẫn cảm thấy dường như cuộc sống dễ dàng hơn, yên ổn hơn, không có những ý nghĩ đen tối giờ đang ám ảnh, không có những dằn vặt lương tâm, những dằn vặt u ám, bực bội giờ đây không để tôi yên suốt cả ngày lẫn đêm. Và tôi tự hỏi mình: thế những mơ ước của mi đâu rồi? Và tôi lắc đầu ngao ngán nói: những năm tháng trôi đi mới nhanh làm sao! Và tôi lại tự hỏi mình: mi đã làm gì với những năm tháng đời mình? Mi đã chôn vùi khoảng thời gian đẹp nhất của mi vào đâu? Mi đã sống hay chưa? Hãy nhìn xem, tôi tự nói với mình, hãy nhìn xem, thế gian đang trở nên lạnh lẽo biết bao nhiêu. Rồi nhiều năm nữa sẽ trôi qua, và tiếp đến sẽ là sự cô đơn cằn cỗi cùng với tuổi già run rẩy, và tiếp nữa sẽ là nỗi buồn đau và chán nản. Thế giới tưởng tượng của mi sẽ trở nên nhợt nhạt, những mơ ước của mi sẽ tàn héo, chết khô và rơi rụng như lá vàng trên cây... Ôi Naxtenca! Thật là buồn khi chỉ còn lại một mình, hoàn toàn đơn độc, và thậm chí không có gì để luyến tiếc, không có gì, tuyệt nhiên không có gì cả... Vì rằng tất cả những gì đã mất, tất cả những cái đó đều chẳng là gì hết, chỉ là một con số không ngớ ngẩn, tròn trĩnh, chỉ toàn là hão huyền!

- Ôi, ông đừng làm não lòng em nữa! - Naxtenca thốt lên, lau giọt nước mắt lăn trên má nàng. - Bây giờ đã qua rồi! Bây giờ chúng ta sẽ bên nhau; bây giờ dù có chuyện gì xảy ra với em đi nữa, chúng ta cũng sẽ không bao giờ xa nhau. Ông hãy nghe em. Em là một cô gái bình thường, em ít học, mặc dù bà em có thuê thầy dạy cho em; nhưng quả thật em hiểu ông, bởi vì tất cả những gì ông vừa kể em nghe em cũng đã trải qua khi bà đính em vào áo của bà. Tất nhiên em không thể kể hay được như ông vừa kể, em không được học mà, - nàng rụt rè nói thêm, vì rằng nàng còn cảm thấy kính trọng đối với bài hùng biện của tôi và đối với những lời hoa mĩ của tôi, - nhưng em rất vui mừng là ông đã thổ lộ hết với em. Bây giờ em đã biết ông, biết hết, biết tất cả rồi. Và ông biết sao không? Em muốn kể cho ông nghe chuyện của em, kể hết không giấu giếm gì, rồi sau đó ông cho em một lời khuyên. Ông là người rất thông minh, ông có hứa là sẽ cho em lời khuyên ấy không?

- Ôi Naxtenca, - tôi đáp, - mặc dù tôi chưa bao giờ là người khuyên bảo ai, nhất lại là người khuyên bảo thông minh, nhưng bây giờ tôi thấy là nếu chúng ta sẽ mãi sống như thế này thì điều đó sẽ là rất thông minh và mỗi người sẽ cho nhau nhiều, rất nhiều những lời khuyên thông minh! Ôi Naxtenca tuyệt vời của tôi, cô muốn tôi khuyên điều gì? Cô hãy nói thẳng ra, tôi bây giờ đang rất vui vẻ, hạnh phúc, can đảm và thông minh nên tìm lời không khó!

- Không, không! - Naxtenca cười và ngắt lời tôi, - em không cần lời khuyên thông minh, em cần lời khuyên chân tình, anh em, một lời khuyên như thể ông đã yêu em cả thế kỉ nay!

- Được, Naxtenca ạ, được! - Tôi hét lên sung sướng. - Giá như tôi đã yêu em hai mươi năm rồi, thì vẫn cứ không thể nào yêu mãnh liệt hơn bây giờ!

- Đưa tay ông đây! - Naxtenca nói.

- Nó đây! - Tôi đáp, đưa tay cho nàng.

- Vậy là ta bắt đầu câu chuyện của em!

CÂU CHUYỆN CỦA NAXTENCA

- Một nửa câu chuyện của em ông đã biết, tức là ông biết em có một người bà đã già...

- Nếu như nửa kia cũng ngắn gọn như nửa này... - tôi cười ngắt lời nàng.

- Ông hãy im lặng mà nghe. Trước hết cần giao hẹn: ông đừng ngắt lời em, nếu không em rối tung lên mất. Ông im lặng nghe em nhé!

Em có một người bà đã già. Em đến ở với bà từ khi em còn nhỏ tí, vì cha mẹ em mất sớm. Chắc trước kia bà giàu có hơn, vì bây giờ bà vẫn thường nhắc lại những ngày đẹp đẽ đã qua. Bà đã từng dạy em tiếng Pháp rồi sau đó mời thầy dạy em. Khi em mười lăm tuổi (năm nay em mười bảy rồi), thì việc học chấm dứt. Vào đúng thời gian đó em đã làm một việc dại dột; em đã làm gì thì em không nói với ông đâu, chỉ biết rằng lỗi lầm của em không lớn lắm. Nhưng một buổi sáng bà gọi em đến và nói rằng vì bà đã lòa nên không quản được em, bà lấy kim găm đính áo em vào áo bà, và bảo rằng hai bà cháu sẽ ngồi như thế suốt đời, tất nhiên là nếu như em không trở nên ngoan hơn. Tóm lại, thời gian đầu em không thể đi đâu được: làm việc, đọc sách, học bài đều phải bên cạnh bà. Em đã tìm cách đánh lừa bà và một lần dỗ Fecla ngồi thế vào chỗ em.

Fecla là chị giúp việc của chúng em, chị ta bị điếc. Fecla ngồi vào chỗ của em, lúc đó bà đang ngủ trong ghế bành, còn em thì chạy đi tìm một cô bạn gái ở gần đấy. Sự việc kết thúc khá tồi tệ. Bà thức dậy khi em đi vắng và hỏi một câu gì đó, nghĩ rằng em vẫn đang ngoan ngoãn ngồi bên cạnh. Fecla nhìn thấy bà hỏi nhưng không nghe biết bà hỏi gì, ngồi nghĩ, nghĩ phải làm gì, rồi cởi kim đính ra và bỏ chạy... - Naxtenca dừng lời và phá lên cười. Tôi cũng cười với nàng. Nhưng nàng lập tức thôi cười.

- Này ông, ông đừng cười bà em. Đấy là em cười vì buồn cười quá... Biết làm sao khi bà như vậy, và quả thật em có yêu quý bà ít nhiều. Thế rồi bữa đó em lãnh đủ: em lập tức bị bắt ngồi vào chỗ và không được động cựa gì nữa hết.

Mà em quên kể với ông là chúng em, tức là bà em, có nhà riêng, tức là một ngôi nhà nhỏ, chỉ có ba cửa sổ, hoàn toàn bằng gỗ và cũng già lão như bà em vậy, còn phía trên có một tầng lầu nhỏ, một người thuê nhà mới đến ở đó...

- Vậy là trước kia đã có người ở? - Tôi nói chêm vào.

- Vâng, tất nhiên, - Naxtenca đáp, - và ông ta biết im lặng tốt hơn ông. Quả thật ông ta khó khăn lắm mới mở được miệng. Đó là một ông già khô đét, vừa câm, vừa điếc, vừa què, nên cuối cùng ông ta không thể sống trên đời này nữa, lăn ra chết. Cần phải có người

thuê nhà mới, bởi vì chúng em không thể sống thiếu người thuê nhà: chỉ có khoản đó với trợ cấp của bà là toàn bộ thu nhập của hai bà cháu. Người khách trọ mới này lại là một thanh niên, không phải người vùng này, từ nơi khác đến. Vì anh ta không mặc cả nên bà cho anh ta vào ở, rồi sau đó bà hỏi: “Thế nào, Naxtenca, người khách trọ của chúng ta có trẻ không?” Em không muốn nói dối: “Vừa vừa thôi bà ạ, không hẳn thật trẻ nhưng cũng không phải ông già.” “Thế trông có dễ ưa không?” - bà hỏi. Em lại không muốn nói dối. “Vâng, trông cũng dễ ưa bà ạ!” Bà em liền nói: “Ôi, khốn khổ, khốn khổ! Đấy là bà nói với cháu, cháu ạ, để cháu đừng có ngắm nhìn anh ta. Thời buổi chẳng ra sao cả! Thế cơ đấy, một kẻ thuê nhà nhỏ mọn mà cũng trông dễ ưa, thật không như thời xưa!”

Bà em thì cứ muốn mọi cái phải như thời xưa! Và thời xưa bà trẻ hơn, và mặt trời thời xưa ấm hơn, váng sữa thời xưa cũng không chua nhanh đến thế - cái gì cũng thời xưa! Em ngồi im lặng, nhưng trong bụng nghĩ: tại sao bà lại bảo mình như thế, tại sao bà lại hỏi anh chàng khách trọ có đẹp có trẻ không? Nhưng em chỉ nghĩ thoáng qua thế thôi, rồi lại ngồi đếm mũi đan, khâu tất, và sau đó thì quên bẵng đi.

Một buổi sáng người khách trọ đến chỗ chúng em hỏi về việc trước kia bà đã hứa dán giấy bồi tường cho buồng anh ta. Nói chuyện một lúc, bà em vốn lắm lời, bảo: “Naxtenca, cháu vào buồng ngủ lấy cho bà cái bàn tính.” Em lập tức đứng vụt dậy, không hiểu vì sao đỏ cả mặt lên, quên mất là đang bị đính vào áo bà, đáng lẽ phải kín đáo gỡ kim ra để cho anh khách thuê nhà không nhận thấy, thì em lại phóng vọt đi làm cho ghế bành của bà ngồi trượt đi một quãng. Khi em thấy là anh khách trọ đã biết hết về em, em đỏ mặt đứng như trời trồng rồi òa khóc - lúc đó em cảm thấy xấu hổ và cay đắng đến mức không biết trốn đi đâu cho khuất mắt! Bà em quát: “Sao cứ đứng đấy?” - còn em thì càng khóc dữ hơn... Anh khách thuê nhà thấy em xấu hổ với anh ta, liền cáo từ và đi khỏi. Từ đó hễ nghe tiếng động ở ngoài cửa là em cứ như người chết rồi. Em nghĩ là anh ta sắp đến và để phòng xa, len lén tháo chiếc kim găm ra. Nhưng mà không phải anh ta, anh ta không đến nữa.