Quá khứ là miền đất lạ - Phần I - Chương 01 - 02 - 03

PHẦN MỘT

Một

Cô ấy chỉ có một mình, đang tựa vào quầy uống cốc nước quả. Chiếc túi da đen đặt dưới đất cạnh chân. Không hiểu sao chính cái chi tiết ấy lại thu hút tôi.

Cô ấy nhìn tôi chăm chú đến phát ngượng. Nhưng khi ánh mắt chúng tôi gặp nhau thì cô quay đi, rồi vài giây sau lại nhìn tôi tiếp. Cảnh ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Tôi không biết cô, thậm chí lúc đầu tôi còn băn khoăn không biết có đúng là cô nhìn mình không. Cái cảm giác thôi thúc quay lại xem có ai đằng sau mình không cứ gợn lên nhưng tôi cố kìm. Tôi biết rõ đằng sau bàn mình chỉ có mỗi bức tường, hầu như ngày nào tôi chẳng ngồi ở đấy.

Giờ thì cô đã uống xong. Cô đặt cái cốc rỗng lên quầy, nhấc túi lên và đi về phía tôi. Tóc cô ngắn, sẫm màu, cử chỉ cương quyết nhưng không mấy tự nhiên của kiểu người đã phải mất rất nhiều thời gian để chiến thắng tính nhút nhát, hay cái gì đó còn tệ hơn cả nhút nhát.

Cô đứng trước bàn tôi, im lặng không nói gì vài giây. Trong khi ấy tôi cố tìm vẻ mặt thích hợp, nhưng chắc không thành công cho lắm.

“Anh không nhận ra em.”

Đấy không phải một câu hỏi, và cô đúng: tôi không nhận ra cô. Tôi không biết cô.

Thế là cô nói ra một cái tên, rồi một vài điều nữa. Sau khi ngưng một lát, cô hỏi tôi xem có thể ngồi xuống được không. Tôi cũng không biết mình bảo được, gật đầu hay giơ tay chỉ cái ghế nữa.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.] Chắc chắn là sau đó tôi im không nói gì một lúc lâu. Với lại nói cũng chẳng dễ dàng gì. Mới vài phút trước tôi còn đang ăn sáng, như mọi sáng khác, chuẩn bị cho một ngày tầm thường nữa sẽ đến. Vậy mà giờ đây bất ngờ một cơn lốc cuốn tôi đi, và tôi thấy mình đang ở một nơi khác.

Một nơi bí ẩn, lạ lẫm.

Ở xa.

Hai

Bàn chúng tôi có bốn người. Một tay trông gầy còm buồn bã, làm nghề địa chính. Rồi đến Francesco, tôi và chủ nhà. Chủ nhà tên là Nicola, tầm trên dưới ba mươi tuổi, béo ú, hút thuốc nhiều, thở nặng nhọc và đều đặn phát ra những âm thanh nặng nề từ cái mũi nghẹt.

Đến lượt gã tráo và chia bài. Gã lặp lại trò xáo bài bằng cách chia thành hai phần rồi giữ bằng ngón cái và ngón trỏ, nhưng gã mệt rồi. Và căng thẳng nữa. Cách đấy nửa tiếng gã đang thắng đến gần triệu bạc, nhưng rồi lại đốt gần hết chỗ được chỉ trong ba bốn ván. Francesco đang thắng, tôi hòa, tay địa chính thua nặng. Bốn chúng tôi đang bắt đầu ván telesina.

“Poker năm cây nhé,” gã béo nói sau khi chia bài. Vẫn bằng cái giọng gã đã dùng cả buổi tối. Cái giọng gã nghĩ là chuyên nghiệp. Một trong những cách nhận biết mấy con gà béo ở chiếu bạc là xem xem lũ ấy có cái giọng chuyên nghiệp hay không.

Gã đưa ra một quân úp và một quân mở. Cũng là một cử chỉ chuyên nghiệp. Chứ còn gì nữa.

Tay địa chính quân mười, Francesco con Q, tôi con K, còn gã con át.

“Một trăm,” gã nói luôn rồi tung ra giữa bàn một phỉnh bầu dục xanh lét. Ngay sau đó gã liếm đầu lưỡi lên môi trên. Tầt cả đều theo. Tay địa chính châm một điếu thuốc trong khi gã béo chia bài tiếp.

Quân tám, một con Q nữa, quân tám, quân bảy.

“Hai trăm,” Francesco nói. Gã béo liếc xéo cậu ta đầy thù ghét rồi cũng đặt hai trăm vào đĩa. Tay địa chính bỏ đi, tay này đã thua cả tối, giờ chỉ chờ đến lúc làm cái. Tôi theo.

Mười, quân K, mười. Đến lượt tôi tuyên bố hai trăm. Những người còn lại đều theo và giờ thì đến quân bài cuối. Francesco quân tám, tôi quân chín, một quân chín nữa cho gã béo.

“Cược chót,” tôi bảo. Gã béo lập tức cược bằng chỗ có trong đĩa. Đã có ba con tám lật, hay là gã có dây sảnh nhỉ. Tôi nhìn vào mặt gã, thấy môi gã căng ra khô khốc. Trong lúc ấy Francesco cụp bài lại, tuyên bố cậu ta không theo nữa rồi nhỏm dậy như để duỗi chân cẳng một chút.

Điều ấy nghĩa là nếu có nhiều hơn một bộ đôi thì tôi cứ yên tâm mà chơi, vì gã béo không có dây sảnh. Gã không thể có vì con tám cuối cùng chính là quân bài úp của Francesco. Vậy nên tôi bảo chờ tí. Để tôi còn nghĩ, tôi nói vậy, nhưng thật ra tôi chỉ muốn nhấm nháp cái cảm giác say sưa có được khi bài đã định và chắc thắng.

“Đành phải lật thôi,” sau một phút tôi buông thõng câu ấy với cái giọng cam chịu của kẻ cảm thấy mình đuối tay, lại không may gặp phải đối thủ ma lanh và may mắn hơn. Gã béo có hai con át, nhưng tôi lại có ba con K. Nghĩa là tôi thắng, một canh bạc gần ba triệu. Nhiều hơn cả tháng lương của bố tôi lúc ấy.

Đến lúc đó thì gã béo nổi khùng thực sự. Thua đã khiến gã cáu tiết rồi, nhưng điên nhất là thua một thằng dở hơi. Như tôi.

Ván tiếp theo tay địa chính thắng, nhưng trong đĩa chỉ còn vài đồng lẻ. Rồi đến lượt Francesco chia bài. Cậu tráo bài một cách nhạt nhẽo như thường lệ, rồi chia.

Đầu tiên quân úp, rồi quân ngửa. Quân Q cho tôi, quân K cho gã béo, quân bảy cho tay địa chính, Francesco quân át.

“Hai trăm. Ván này tôi gỡ.”

Gã béo nhìn cậu ta với vẻ kinh tởm. Cái kiểu nhìn như muốn nói, “thằng nghiệp dư khốn nạn”. Gã đặt hai trăm vào đĩa, tôi cũng chơi tiếp, tay địa chính thì dừng.

Các quân bài rải tiếp trong khi tôi cố không nhìn bàn tay Francesco, dù tôi biết có nhìn cũng chẳng phát hiện ra điều gì lạ. Tôi hay những người khác cũng thế cả. Một quân Q nữa cho tôi, một quân K nữa cho gã béo, một át nữa cho cậu ta.

“Muốn chơi với mấy quân át này thì các ông phải trả. Ba trăm đi.”

Gã béo trả tiền không nói năng gì, vẫn cái kiểu nhìn y như lúc trước. Tôi ngẫm nghĩ một chút, rờ rẫm mấy cái phỉnh trước mặt rồi đặt tiền với vẻ không được tự tin cho lắm.

Quân bài thứ tư. Tôi quân mười, gã béo quân J, Francesco quân bảy.

“Ba trăm nữa.”

“Theo,” tôi bảo.

“Theo luôn năm trăm,” gã béo lại giở giọng sành sỏi, liếm môi trên cố kiềm chế cơn phấn chấn. Quân úp của gã là một quân J và gã nghĩ ván này sẽ là của gã. Cả tôi lẫn Francesco đều chơi tiếp. Tôi ra cái vẻ mình chết đến nơi rồi, rằng cái trò này đang trở nên quá kinh với tôi.

Lá bài cuối. Quân mười cho tôi, một quân J khác cho gã béo, quân Q cho Francesco. Cậu ta tức giận dừng đặt cược. Rõ là cậu ta không thể chơi được và như thế sẽ mất toi một triệu chẵn. Francesco lẩm bẩm gì đó về chuyện thua này nhưng gã béo lờ tịt. Gã có một bộ cù lũ J và K nên chưa gì đã sung sướng chắc mẩm mình sắp thắng, không thèm bận tâm đến chuyện gã đang ăn của mấy thằng nghiệp dư. Gã tuyên bố theo hết chiếu rồi châm thuốc. Gã hy vọng quân bài úp của tôi là một quân mười nữa, vì như vậy tôi cũng có bộ cù lũ và sẽ chơi tiếp để gã tha hồ nghiền tôi ra cám. Còn chuyện quân bài úp là quân Q thứ tư rõ ràng chỉ là giả thuyết không đáng tính đến.

Tôi lật bài, và đó là con Q cuối cùng. Vậy là cù lũ của tôi thắng cù lũ của gã. Cái giọng sành sỏi trôi tuột đi, gã chỉ còn cay cú văng ra tại sao lại có thằng may được đến thế.

Chúng tôi ghi nợ lên mảnh giấy, gã béo thua gần sạch. Cả hội chơi tiếp thêm khoảng bốn mươi phút nhưng không còn gì hay ho nữa. Tay địa chính gỡ lại được một ít còn gã sành sỏi mất thêm vài trăm nghìn.

Đến cuối canh thì tôi là thằng duy nhất thắng. Francesco đưa tôi gần bốn trăm nghìn, tay địa chính xé một tờ séc hơn một triệu. Gã béo thì ghi trên séc của gã tám triệu hai trăm nghìn.

Ba chúng tôi ra về. Lúc đến cửa tôi an ủi là mình sẵn sàng chơi tiếp lần sau, cười lễ độ đúng kiểu một tay khù khờ thắng được một đống tiền và muốn cư xử đúng lẽ. Gã béo nhìn tôi không nói năng gì. Gã có một cửa hàng bán đồ kim khí và tôi chắc chắn lúc đấy gã chỉ muốn lấy cờ lê đập vỡ đầu tôi ra.

Ra đến bên ngoài chúng tôi chào nhau rồi đường ai nấy đi.

Mười lăm phút sau Francesco và tôi gặp nhau trước quầy báo đóng cửa ở ga. Tôi trả lại cậu ta bốn trăm nghìn rồi cả hai đi uống cappuccino ở một quán bar dành cho dân đánh cá.

“Cậu có nghe thấy tiếng gã béo đó phát ra không?”

“Tiếng gì?

“Tiếng từ mũi ấy, thật không chịu được. Tởm, thử nghĩ mình phải ngủ cùng phòng với lão ấy coi? Thể nào gã cũng ngáy như lợn.”

“Thì vợ lão lấy lão sáu tháng là bỏ mà.”

“Nhỡ lão gọi cậu chơi tiếp thì làm thế nào?”

“Thì chúng mình quay lại, cho gã thắng hai ba trăm nghìn rồi vĩnh biệt luôn. Thanh toán bàn danh dự rồi biến.”

Chúng tôi uống nốt cappuccino, rồi ra đứng trước mấy con thuyền neo bến, châm thuốc trong khi trời hửng dần lên. Chỉ lát nữa thôi chúng tôi sẽ chuồn đi ngủ, sau đó ra ngân hàng đổi séc lấy tiền. Rồi chia nhau khoản thắng.

Hôm trước đó tôi và Giulia cãi nhau, cô ấy bảo chúng tôi không thể tiếp tục như thế này nữa, rằng có lẽ bỏ nhau còn tốt hơn.

Cô ấy muốn khi nghe thế tôi sẽ có phản ứng. Như kiểu tôi sẽ bảo không, không phải thế; rằng đây chỉ là một đợt khủng hoảng mà chúng tôi phải vượt qua, mấy câu đại loại thế.

Thế nhưng tôi lại bảo có thể cô ấy đúng. Tôi có vẻ hơi đau lòng, nhưng chỉ thế thôi. Một vẻ mặt tôi nghĩ là phù hợp. Tôi đau lòng vì cô ấy buồn, tôi cảm giác mình hơi có lỗi, nhưng tất cả những gì tôi muốn chỉ là nói cho xong chuyện để còn bỏ đi. Giulia nhìn tôi không hiểu. Còn tôi nhìn cô ấy mà cảm giác mình ở tận đâu đâu.

Tôi cứ ở đâu đâu như thế một lúc lâu.

Cô ấy lặng lẽ khóc. Tôi nói vài thứ vớ vẩn cho đỡ khó xử và đỡ cái cảm giác đau khổ lạ lùng.

Cuối cùng khi cô ấy chịu leo lên xe đạp đi mất, tôi chỉ còn cảm giác nhẹ nhõm.

Tôi mới hai mươi hai tuổi, và trước đó vài tháng đời tôi chẳng có chuyện gì hết.

Ba

Có một bài hát của Eugenio Finardi kể về một thằng cha tên là Sansone. Thằng cha chơi bóng đá như thần, mắt xanh lục, da sậm. Khuôn mặt của một thằng không biết sợ bao giờ.

Đấy chính là miêu tả dành cho Francesco Carducci.

Cậu ta nổi tiếng vì đá bóng - luôn là vua phá lưới giải bóng trường - và vì là thần tượng của bọn con gái. Nói thật ra là thần tượng của cả một vài bà mẹ chán đời nữa. Dân tình bảo thế. Cậu ta hơn tôi hai tuổi và đã vượt quá số năm quy định của bằng triết học. Tôi chưa bao giờ biết cậu ta còn nợ mấy môn, cậu ta đã chọn đề tài luận văn chưa hay bất cứ chuyện gì dạng đó.

Có rất nhiều điều tôi chưa bao giờ biết về cậu ta.

Trước cái đêm trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm 1988 ấy, chúng tôi hoàn toàn chỉ biết qua quýt về nhau. Chơi chung với vài nhóm bạn, vài trận đá bóng, chào hỏi rất nhanh khi tình cờ gặp nhau trên đường.

Trước cái đêm ấy, trong kỳ nghỉ Giáng sinh 1988, chúng tôi mới chỉ lướt qua nhau.

Rồi có một bữa liên hoan gì đó ở nhà một nàng, con gái công chứng viên. Alessandra. Bố mẹ cô nàng đi nghỉ trên núi để lại căn nhà to đùng, lộng lẫy. Cả lũ uống và chuyện phiếm, vài đứa chui vào góc hút. Còn đa phần là chơi bài. Với rất nhiều người, kỳ nghỉ Giáng sinh chính là một chuỗi bất tận những ván bài.

Trong phòng lớn có một bàn chơi baccarat, còn trong phòng khách mọi người chơi chemin de fer. Trong các phòng khác thì uống và hút. Mọi thứ đều giống như mọi lần khác. Bình thường.

Rồi thế giới, hay ít nhất là thế giới của tôi bỗng tăng tốc đột ngột. Giống như con tàu vũ trụ trong phim hoạt hình hay khoa học viễn tưởng, xịt khói phóng thẳng lên trời cho đến khi biến mất giữa các vì sao. Tôi đã vứt vài đồng vào baccarat, rồi đến phòng chơi chemin de fer. Francesco đang ở bàn đấy. Tôi muốn sà vào nhưng không có đủ tiền. Tối ấy, có nhiều đứa còn trẻ hơn tôi mang theo cả tập những tờ bạc cuộn tròn hay sổ séc. Tôi chỉ có ba trăm nghìn lia một tháng bố mẹ cho cộng thêm một chút kiếm được nhờ đi dạy kèm tiếng La tinh. Ý tưởng chơi lớn, và nhất là thắng lớn tất nhiên hấp dẫn tôi, nhưng tôi không đủ lực. Hoặc là không đủ dũng khí. Thế nên thường thì tôi bằng lòng với việc đứng xem.

Phải có ít nhất sáu mươi người ở đó tối hôm ấy. Thỉnh thoảng chuông lại réo và lại thêm người mới, một mình cũng có nhưng thường là đi theo nhóm. Đôi khi có những người mà chủ nhà hoàn toàn không quen. Dân tình đồn rằng những bữa liên hoan kiểu ấy hay diễn ra như vậy. Không chỉ thế, đi liên hoan từ chỗ này sang chỗ khác chính là một trong những cái thú của kỳ nghỉ Giáng sinh, có thể là đến nhà người mình chẳng hề quen, ăn uống rồi bỏ đi không cần chào hỏi. Mọi chuyện vẫn thế và thường thì không có vấn đề gì. Tôi cũng đã làm vậy nhiều lần.

Cũng vì thế mà chẳng ai để ý đến ba tên mặc nguyên áo khoác lượn quanh nhà. Một tên trong bọn vào phòng khách chỗ đang chơi chemin de fer. Hắn thấp, to con, đầu cua cực ngắn, vẻ mặt lạnh băng. Và ác.

Hắn liếc qua tôi và những người khác đứng quanh bàn không chơi. Không ai trong chúng tôi khiến hắn quan tâm, nên hắn lại gần bàn để nhìn mặt mấy người chơi. Ngay lập tức thấy người cần tìm, hắn vội vã bỏ ra khỏi phòng rồi chưa đầy một phút sau quay lại với hai tên kia.

Một tên trông y như bản sao phóng to của tên đầu tiên. Khá cao, to con, cũng đầu cua cực ngắn. Trông chả đáng yên tâm chút nào. Tên thứ ba cao, gầy, tóc vàng, kể thì cũng đẹp trai nhưng đường nét và thái độ hắn có một vẻ gì bệnh hoạn. Chính hắn lên tiếng. Và bảo thế này:

“Thằng cục cứt!”

Tất cả quay lại. Cả Francesco vốn ngồi quay lưng ra cửa và chỉ đến lúc ấy mới nhìn thấy ba tên kia. Chúng tôi nhìn nhau vài giây xem bọn chúng tìm ai. Rồi Francesco đứng dậy quay ra phía tên tóc vàng nói với giọng cực kỳ bình thản.

“Đừng giở trò vớ vẩn ở trong này. Có cả đống người.”

“Thằng cục cứt. Ra ngoài này với bọn tao, không thì bọn tao đập hết.”

“Được thôi. Để tao lấy áo khoác rồi ra.”

Tất cả bất động, tê liệt vì kinh ngạc và sợ hãi. Những người trong phòng và những người lấp ló ngoài hành lang phía sau ba tên. Tôi cũng bất động, tôi nghĩ giờ chúng sẽ lôi cậu ta ra ngoài và đánh chết cậu ta mất. Có lẽ chỉ lôi ra ngay cầu thang. Tôi cảm thấy nhục nhã. Tôi nhớ lúc ấy, trong một khoảnh khắc tỉnh táo kỳ cục, tôi đã nghĩ chắc hẳn đây là cảm giác người ta thường cảm thấy khi sắp bị cưỡng hiếp.

Francesco lại gần cái sofa nơi mọi người chất áo khoác, còn tôi nghe thấy giọng mình tự động vang lên, như thể đó là giọng ai khác.

“Ê, chúng mày muốn làm cái chó gì thế?”

Tôi không biết tại sao tôi nói. Francesco không phải bạn tôi, và với những gì tôi nghe nói thì cậu ta chắc cũng đã gây ra chuyện gì nên giờ mới phải chịu cái điều sắp xảy ra này. Nhưng có lẽ vì cái cảm giác nhục nhã mà tôi cảm thấy đã trở nên không thể chịu đựng nổi, hoặc là vì một lý do nào khác. Trong nhiều năm sau tôi đã đặt cho nó không ít cái tên. Một trong những cái tên ấy là số phận.

Tất cả quay sang tôi, rồi tên lùn với bộ mặt lạnh tanh tiến lại. Hắn tới rất gần, vươn cổ ra gí mắt vào sát mặt tôi. Hắn tới quá gần. Tôi thậm chí còn ngửi thấy cả mùi kẹo cao su bạc hà trong hơi thở của hắn.

“Lo thân mày đi thằng cứt ạ, không bọn tao đập vỡ cả đít mày nữa đấy.”

Rõ ràng là không tranh cãi gì được.

Tôi hành động cũng đúng theo cái cách tôi nói. Mà theo một nghĩa nào đấy thì đó không phải là tôi. Tôi chúi mạnh đầu xuống như khi đánh đầu vào lưới, và đập vỡ mũi tên kia.

Hắn lập tức tóe máu, và sững sờ đến mức không có bất cứ phản ứng gì trong khi tôi bồi thêm một cú lên gối vào háng.

Về những gì xảy ra sau đó tôi chỉ nhớ được vài hình ảnh, hay vài đoạn phim quay chậm. Francesco lấy ghế đánh tên lớn hơn. Các quân bài bay tung tóe quanh phòng. Ai đó từ ngoài hành lang nhảy vào cuộc ẩu đả.

Lạ là tôi nhớ tất cả những điều ấy mà không kèm theo một chút tiếng động nào, giống như một bộ phim câm, siêu thực. Trong bộ phim ấy, xen lẫn các cảnh vật có cả một ngọn đèn rơi trúng bàn ăn vỡ vụn. Mà cũng chẳng gây ra tiếng động nào.

Bọn tôi vứt cả ba tên ra ngoài, rồi một sự yên lặng lúng túng trùm lên căn nhà. Có ai đó biết, hoặc tưởng là mình biết, nguyên nhân của vụ trả thù hụt ấy. Nghĩa là biết, hoặc tưởng là mình biết, Francesco đã gây chuyện gì. Điều mà mọi người không biết và không hiểu nổi là tôi thì dính gì vào chuyện này. Và nhất là tại sao tôi lại có thể xử sự như thế. Từng nhóm một bàn tán và khi tôi ở gần thì hạ thấp giọng hoặc im luôn. Tôi thì lúng túng đi từ phòng này sang phòng kia. Tôi chỉ muốn chờ thêm một chút, cho đỡ đột ngột quá rồi đi về.

Tôi cũng không hiểu nổi tôi đã làm gì và sao lại thế. Mình đập vỡ mũi hắn, tôi nghĩ. Chó chết, mình đập vỡ mũi hắn. Một phần trong tôi chết sững vì mình bạo lực đến thế, trong khi phần kia lại cảm thấy một niềm phấn khích lạ lùng, đáng hổ thẹn.

Mọi người bắt đầu lặng lẽ giải tán. Không ai tiếp tục trò chơi sau khi bị ngừng như thế. Tôi nghĩ mình cũng về được rồi. Đêm ấy tôi lại còn đi một mình nữa.

Tôi mặc áo khoác rồi đi tìm chủ nhà để chào.

Mình biết nói gì với cô nàng đây nhỉ, tôi nghĩ. Cảm ơn vì buổi tối tuyệt vời, tớ thích nhất là tiết mục ngoài chương trình đã giúp tớ thỏa mãn xả tung bản chất thú vật của mình. Nhưng nhỡ cô nàng không được vui tính cho lắm thì cô sẽ đập đầu tôi mất.

“Mình cùng về nhé?” Francesco đứng sau lưng tôi cất tiếng hỏi. Cậu ta cũng đã mặc áo khoác. Môi cậu hơi nhếch lên như thoáng cười, nhưng còn cả một nét gì gần như là ngưỡng mộ thoáng qua trong mắt.

Tôi gật đầu ra hiệu đồng ý. Đơn giản thế thôi. Như thể đấy là một chuyện rất tự nhiên dù hai chúng tôi mới chỉ quen nhau sơ sơ.

Có thể cậu ta sẽ giải thích cho mình biết mình đã đâm đầu vào cái gì, tôi nghĩ.

Chúng tôi cùng đi chào Alessandra, cô nàng nhìn chúng tôi rất lạ. Đôi mắt cô ấy nói rất nhiều điều. Tớ không biết hai cậu là bạn đấy. Chuyện Francesco là tay gây rối thì tớ đã rõ, ai chả biết thế, nhưng không ngờ là cả cậu, Giorgio ạ, cũng thuộc đám ấy, lại còn là cùng một loại đầu gấu như thế. Chúa ơi, máu me đầy ra đất. Máu cái thằng mà cậu húc vỡ mũi, bằng cái đầu càn quấy phá hoại của cậu.

Và ẩn ý rõ ràng nhất trong mắt cô ấy là: các cậu biến đi và đừng có quay lại cái nhà này trong vòng một thiên niên kỷ nữa.

Chúng tôi ra về cùng nhau như thế. Ra đến đường cả hai cẩn thận nhìn quanh, phòng khi bọn ba tên ấy cay cú muốn trả thù bằng được và vẫn còn khả năng gây hại sau khi ăn đòn cả đống.

“Cảm ơn nhé, phải gan lắm mới dám làm như cậu.”

Tôi không nói gì. Không phải vì tôi muốn ra vẻ cứng cỏi. Mà vì tôi thật sự không biết phải nói gì. Thế là cậu ta lại tiếp tục trong khi chúng tôi bắt đầu bước đi.

“Cậu đi bộ à?”

“Ừ, tớ sống gần đây.”

“Tớ có xe. Hay bọn mình đi chơi một vòng, uống gì đấy rồi tớ giải thích với cậu. Tớ nghĩ tớ phải nói cho cậu biết.”

“Được thôi.”

Cậu ta có một con Citroën DS màu kem với mui xe màu đỏ đun.

“Thế cậu nghĩ gì? Theo cậu thì ba thằng khốn ấy muốn gì?”

“Tớ không biết. Rõ ràng thằng tóc vàng là thằng muốn xử cậu. Hai thằng còn lại chỉ là khỉ đột đi cùng. Gái à?”

“Hừm. Phải. Thằng tóc vàng ấy là một tên thảm bại. Nhưng tớ không nghĩ hắn lại giở trò như thế.”

Cậu ta ngừng lời, như kiểu vừa nghĩ đến một điều gì rất khó chịu. Rồi lại cất lời.

“Cậu có ngại đến một chỗ này không, khoảng nửa tiếng?”

“Không. Ở đâu?”

“Tớ đang nghĩ nên tránh dính thêm mấy trò hề. Tớ muốn đến nói chuyện với thằng bạn, đến đấy bọn mình sẽ kiếm được cái gì uống, nêu cậu không sợ muộn.”

Tôi gật đầu đồng ý. Như người hiểu rõ tình cảnh và cảm thấy hoàn toàn thoải mái.

Thực ra thì tôi chẳng hiểu cậu ta đang nói gì. Tôi chỉ manh nha đoán ra, cũng manh nha như cái cách tôi cảm nhận rằng đêm ấy tôi sẽ bước qua một ngưỡng mới. Hay là đã qua rồi cũng nên.

Tôi hít một hơi sâu, tựa người thoải mái trên ghế chiếc DS đang lướt đi nhẹ nhàng trên những con phố vắng tanh, mắt khép hờ và tôi nghĩ, chó chết, tôi chẳng lo lắng gì cả. Tôi thích đi tiếp.

Tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu.