Quá khứ là miền đất lạ - Phần I - Chương 06 - 07

Sáu

Chúng tôi đến một quán bar piano tên là Dirty Moon, ở đấy chơi nhạc sống và mở cửa đến sáng. Hai thằng ngồi ở cái bàn tít trong góc, gọi cappuccino và ăn bánh sừng bò nhân bơ lạc lấy thẳng từ lò làm bánh.

“Đêm nay đúng là của cậu, nhỉ?” Francesco bảo tôi, giọng cậu ta có một âm sắc không diễn giải được là gì.

“Đúng thế thật. Chắc không bao giờ tớ gặp lại chuyện nào như thế. Cậu tin được không? Hai tứ quý trong một ván telesina. Và tớ thì được tứ quý mạnh hơn.”

“Sao lại không thể gặp lại nữa?”

“Thì vận may như thế không thể lặp lại được, tớ cho là thế.”

“Cậu biết không, đời nhiều bất ngờ lắm,” cậu ta buông câu đấy ra bằng cái giọng bâng quơ và một vẻ mặt rất lạ. Sau đó cậu ta đứng dậy, ra quầy bar rồi quay lại với một cỗ bài Pháp trong tay. Cậu ta bỏ đi sáu quân, tráo bài rồi bắt đầu chia như thể đang có đủ bốn người và chúng tôi đang chơi. Một ván poker. Khi tôi được chia đủ năm quân bài, cậu ta bảo tôi lật xem.

“Thế là thế nào?”

“Xem bài cậu đi. Cứ coi như mình chơi ván nữa.”

Tôi xem bài. Bốn quân Q và một quân át cơ. Tôi sững sờ bất động trong khi cậu ta lật nốt bài của những tay chơi tưởng tượng kia. Một bài có tứ quý mười.

“Thế... thế là cái chó gì?” tôi lắp bắp sau khi đã cố hạ thật thấp giọng, vừa nói vừa liếc nhìn xung quanh.

“May mắn là một điều có thể thay đổi. Rất co giãn. Nó chấp nhận ưu ái nếu như cậu biết cách xin.”

“Ý cậu là cậu vừa chơi gian tối nay?”

“Tớ không thích cái từ chơi ăn gian. Cứ cho là...”

“Cho là cái chó gì? Cậu nói cái chó gì thế? Cậu chơi gian và cậu cho tớ thắng cả đống tiền đấy.”

“Tớ chỉ giúp cậu thôi. Cậu đã dám chơi tiếp, mặc dù lúc ấy thế là liều. Vừa rồi chỉ là một phép thử nghiệm.”

“Cậu đang bảo tớ cậu làm một phép thử ăn gian và giờ đây tớ đang ních túi bốn triệu tiền cờ gian bạc lận? Cậu đang bảo tớ như thế đấy hả? Cậu điên rồi. Cậu lôi tớ vào cái trò lừa đảo này. Chết tiệt, cậu lôi tớ vào cái trò lừa đảo chó chết này. Không thèm cho tớ biết tí gì. Mẹ kiếp, nếu quả thật tớ muốn trở thành một thằng chơi bạc gian thì chính tớ phải là thằng quyết định điều ấy.”

Tôi thực sự tức giận khi tuôn ra những lời ấy, dù luôn cố giữ thấp giọng. Cậu ta không phản ứng, cũng không mất bình tĩnh. Nhưng nét cười châm biếm vẫn phảng phất trên môi cậu ta từ đầu tới giờ đã biến mất, vẻ mặt cậu ta trở nên rất nghiêm túc. Và chân thật. Tôi biết nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lúc ấy tôi đã cảm thấy đúng như thế.

“Tớ xin lỗi. Tớ nghĩ cậu cần phải biết nguồn gốc chỗ tiền đó. Ý tớ là vì sao cậu kiếm được chỗ ấy. Nếu cậu nghĩ chuyện đó không đạo đức thì chỉ việc đem trả tờ séc, hoặc đơn giản hơn là không đi đổi ra tiền. Tấm séc đó do lừa đảo mà có, đúng vậy, thế nên nếu cậu không muốn dây dưa với một trò lừa đảo thì mở ví ra, lấy séc xé đi. Chỉ cậu mới có quyền quyết định.”

Tôi chết đứng. Trong cơn giận dữ đầy đạo đức của mình, tôi không hề tính đến khả năng trả lại số tiền ấy. Hay đơn giản là chỉ việc hủy tấm séc đi và cùng với nó là cả cái chuỗi sai lầm này. Tôi quả thật có thể làm như cậu ta nói. Nhưng mà, chó chết thật, chỗ tiền ấy giờ là của tôi. Tình thế giờ đây đã hoàn toàn đảo ngược. Tôi điên cuồng tìm cách nói lại, nhưng không nghĩ ra cái gì, trong khi cậu ta lại tiếp tục.

“Để có đủ thông tin trước khi quyết định, cậu nên biết thêm một việc nữa. Hai thằng đấy, Roberto và Massaro, chính là bọn cờ bạc bịp.”

“Bạc bịp... nghĩa là sao?”

“Bạc bịp hạng vớ vẩn. Thằng tóc vàng chỉ biết đúng một trò, vì thế khi đến lượt nó chia bài telesina thì nó biết quân úp là quân nào. Để làm trò đấy thì không được tách đôi cỗ bài. Massaro ngồi ở bên phải thằng kia, đôi khi nó không tách bài, đôi khi nó chỉ nhấc một tập nhỏ lên rồi sau đó thằng Roberto sẽ đặt tập bài đó vào đúng chỗ cũ.”

Tôi điếng người. Tôi đã không mảy may nhận ra. Francesco giải thích tiếp.

“Bọn ấy có cả một loạt cách ra dấu hiệu với nhau trong ván. Cậu hiểu ý tớ không?”

Hiểu chứ. Hiểu quá đi chứ.

“Hai thằng đó là dân hạ lưu, nhưng với cái kiểu lừa ấy bọn nó cũng làm tàn đời khối thằng. Giờ thì cậu biết hết rồi, cậu có thể toàn quyền quyết định.”

Nhưng nếu đặt trong tình cảnh này thì câu chuyện hoàn toàn thay đổi rồi, tôi nghĩ. Không phải tôi đã bịp bợm cướp tiền của hai con người ngây thơ, chân thật, hai bạn chơi tình cờ gặp, mà đây đã trở thành một kiểu trừng phạt công lý. Tôi không còn là đồng phạm trong một vụ lừa đảo nữa, mà thành đồng đảng của Robin Hood.

Và thế nghĩa là tôi có thể giữ lại cho mình số tiền này.

Thế rồi một ý nghĩ lướt qua đầu tôi, có lẽ tôi phải chia số tiền ấy cho Francesco.

“Nếu tớ quyết định giữ tiền thì,” tôi cẩn thận lựa lời, “mình chia nhau chứ?”

Cậu ta cười phá lên. Thích thú.

“Tớ thấy đúng quá rồi. Cậu đang làm đúng đấy, bạn ạ. Bọn mình lột tiền của hai con lợn. Cũng giống như trấn lại của một thằng cướp thôi.”

Lúc ấy tôi nghĩ thầm, theo những gì tôi biết thì Francesco chắc đã từng trấn của vài thằng cướp rồi.

“Cậu làm thế nào vậy?”

“Tớ biết chơi vài trò với mấy con bài thôi.”

“Điều ấy thì tớ cũng thấy rồi. Ý tớ là như thế nào?”

“Cậu đã thấy nhà ảo thuật nào nói về các thủ thuật của mình chưa? Không ai nói ra cả, đấy là quy tắc nghề nghiệp.”

Cậu ta cười khoái chí, ngừng một lúc rồi lại nói.

“Một nhà ảo thuật đã dạy cho tớ. Ông ấy là bạn bố tớ. Hồi tớ bé những dịp liên hoan ông ấy hay làm cho tớ xem những trò không thể tin được, tất nhiên là sau khi bắt tớ xin xỏ chán chê. Tớ đã bị ám ảnh từ hồi ấy là sẽ phải học được những trò đó, và khi mọi người hỏi lớn lên tớ sẽ làm gì, tớ bảo tớ sẽ làm nhà ảo thuật. Năm mười tuổi tớ dùng tiền tiết kiệm để mua một quyển hướng dẫn và bắt đầu luyện tập. Tớ đã mất rất nhiều thời gian. Đến năm mười lăm tuổi - tớ vẫn nhớ như in hồi ấy, bố tớ mới mất được ít lâu - tớ đến chỗ nhà ảo thuật bảo rằng tớ muốn ông ấy dạy cho mình. Tớ cũng diễn thử những gì mình đã tự học được, và ông ấy rất ấn tượng, bảo là tớ có năng khiếu. Thế là trong vòng hơn một năm, tuần nào tớ cũng đến nhà ông ấy hai ba buổi để học. Ông ấy bảo tớ sẽ thành một nhà ảo thuật vĩ đại. Một nhà ảo thuật đúng kiểu, chuyên biểu diễn trên sân khấu lớn.”

Francesco dừng lời để châm thuốc. Mắt cậu như đang dõi về xa xăm, với một nét nhớ nhung.

“Rồi ông ấy bị đột quỵ.”

Cậu nín lặng. Như thể chính cậu là người đang được ai đó khác báo cho cái tin dữ ấy. Rằng thầy cậu ấy bị đột quỵ. Tôi cũng châm một điếu thuốc và không nói năng gì, đợi cậu kể tiếp.

“Ông ấy không chết, nhưng không còn làm ảo thuật được nữa. Thế là lớp ảo thuật của tớ kết thúc. Vài tháng sau đó tớ đã lần đầu tiên làm trò khi chơi bài.”

“Sao lại thế?”

“Sao lại làm trò ư? Hay vì sao tớ lại bịp cái lần đầu tiên ấy?”

“Cả hai.”

“Tớ cũng tự hỏi mình nhiều lần và không chắc tớ có được câu trả lời đúng. Có thể tớ giận dữ vì không thể học thành nhà ảo thuật được nữa. Có thể tớ giận ông ấy, vì ông ấy lại lăn ra đột quỵ trước khi xong việc với tớ. Hoặc có thể tớ giận chính bản thân mình, vì tớ không có đủ can đảm bỏ đi, theo một hướng khác hoặc tìm một thầy khác. Nhưng dù sao thì hồi ấy tớ còn chưa được mười bảy tuổi.”

Francesco lại ngừng một lúc, dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn.

“Hoặc có thể số tớ đơn giản là như thế. Ý tớ là: bịp bợm ở bàn đánh bài là một thú tiêu khiển. Nó là một thứ nghệ thuật cũng gần như khi cậu diễn trò trên sân khấu.”

“Cậu bỏ qua một chi tiết nhỏ rồi. Nếu mình đi xem chương trình biểu diễn của một nhà ảo thuật, mình trả tiền để bị qua mặt. Chính việc bị lừa là thứ được xác nhận trên hợp đồng giữa mình và nhà ảo thuật. Mình mua vé còn ông ấy bán cho mình một trò, và với mình chuyện ấy thế là ổn. Nhưng nếu mình ngồi vào bàn chơi, nghĩ rằng ván bài là nghiêm chỉnh trong khi lại có một tên bịp...”

“Đúng thế. Nhưng đời luôn phức tạp hơn những quy tắc đơn giản của chúng ta. Để làm rõ tớ lấy luôn ví dụ tối nay. Hai thằng ấy cũng giống như hai con nhện giăng bẫy chờ để đánh chén con mồi nào mắc vào, không cựa quậy gì được nữa. Nghĩa là chúng đáng bị những gì chúng vừa hưởng. Và làm thế không có gì là phi đạo đức cả.”

“Nhưng mà là phi pháp,” tôi nói thế nhưng tôi không thực sự muốn tranh cãi với cậu ấy. Giọng tôi không còn giận dữ hay hùng hổ nữa.

“Đấy là phạm pháp, đúng. Nhưng bản thân tớ chỉ thấy mình không được vi phạm quy chuẩn luật pháp nếu những điều ấy trùng với nguyên tắc của riêng tớ. Tối hôm trước ở nhà Alessandra, cậu đã đập vỡ mặt thằng du côn ấy. Cậu đã có một hành động vi phạm pháp luật...”

“Không đúng. Đấy là hành động tự vệ chính đáng.”

“Chính thế đấy, theo nghĩa rộng thì đó là hành động tự vệ chính đáng, mặc dù xét theo nghĩa hẹp của người thực thi pháp luật thì kẻ gây sự chính là cậu. Thằng kia chưa nhấc chân nhấc tay gì. Nhưng về mặt đạo đức thì hành động của cậu là đúng đắn, cũng đúng đắn như việc lấy lại của bọn trộm. Và không để bị lừa cũng là một hành động đúng đắn về mặt đạo đức, không chỉ thế mà nó còn là trách nhiệm với chính bản thân mình.”

“Tức là những lần cậu lừa đều là với những tay cờ bạc bịp khác, nếu như tớ hiểu đúng ý cậu.”

“Tớ không nói thế. Nhưng khoản trừng phạt sẽ liên quan đến một việc vô đạo đức nào đấy của bọn họ. Tớ xin lỗi vì nghe có vẻ ghê gớm. Nhưng tóm lại tớ không lừa những người nghèo khổ, không bịp những kẻ chỉ ngồi bên chiếu bạc giải khuây vài giờ, và tớ không bịp bạn bè.”

“Thế cậu lừa ai?”

“Bọn xấu. Với tớ, lột tiền - tráo các quân bài - của những kẻ có vấn đề về đạo đức là một cách thực thi công lý.”

Đến đấy thì cậu ta dừng lời, nhìn tôi với vẻ nghiêm nghị rồi lại phá lên cười.

“Được rồi, tớ hơi ra vẻ quá. Một trong những điều thú vị của cái trò này chính là cái thú đi cướp. Như cậu thử rồi đấy, một trò cực vui.”

Chỉ trong vài phút mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, những điều mà chỉ một tiếng trước thôi có lẽ tôi đã buộc tội một cách nặng nề thì giờ đây chí ít cũng đã trở thành những điểm có thể tranh luận và đánh giá khác đi. Với một nỗi băn khoăn thích thú, tôi cũng tự nhận ra cái cách tôi kiếm được chỗ tiền ấy quả là vui thật.

Các câu hỏi lặng lẽ trăn trở trong đầu tôi, tựa như những ánh sáng đèn pin chiếu vào một vùng tăm tối chưa hề được biết đến trong tâm trí.

Nếu có thể quay ngược lại bốn năm tiếng, trước mấy ván bài, liệu khi đã biết tất cả những điều này rồi tôi có chơi nữa hay không? Và không chỉ thế: giờ đã biết nguồn gốc phi pháp của cái số tiền ấy rồi, tôi nên làm gì đây? Tất nhiên tôi không còn nghĩ đến chuyện trả lại tấm séc hay không đi đổi nó thành tiền nữa rồi. Tôi đã qua cái ngưỡng ấy, đi xa hơn nhiều rồi. Tôi tự trả lời mình rằng thế cũng được; tôi sẽ vẫn cứ chơi, kể cả khi biết chuyện sẽ như thế nào. Và tiền đến từ trò khéo tay ấy - nói cách khác là từ một kỹ năng hơn người và sự chủ tâm hợp lý - quả là vui hơn nhiều so với khi nó đến từ nụ cười chậm chạp của may mắn.

Rồi tôi nhận ra một điều kinh hoàng, kinh hoàng hơn tất cả những điều khác.

Tôi muốn tiếp tục.

Francesco như đọc được suy nghĩ của tôi.

“Cậu có muốn chơi một lần nữa không, khoảng vài ngày nữa? Năm mươi phần trăm.”

“Nhưng tại sao? Sao cậu lại cần tớ?”

Cậu ấy giải thích cho tôi tại sao. Không thể một mình chơi bịp được, nhất là khi đánh poker. Ở một bàn bạc nghiêm túc, nếu cậu cứ liên tục thắng - và thắng lớn - khi cậu chia bài thì chẳng mấy chốc những kẻ khác sẽ nhận ra và nghi ngờ. Đồng bọn cũng quan trọng không kém người biết làm trò. Một người tráo bài, người kia thắng, thế là tất cả đều vui. Đúng ra thì không phải là vui nhưng sẽ chỉ nghĩ mình đen, đen một cách điên rồ. Giống như Roberto và Massaro ấy.

Francesco giải thích ngắn gọn cho tôi biết chơi như thế nào. Ở chiếu bài, tay đồng bọn sẽ phải cư xử như một thằng ngu, hoặc như một thằng tinh tướng, mà trong cờ bạc thì thằng tinh tướng cũng chính là thằng ngu. Có thể thắng một ván lớn hoặc chia ra thắng nhiều ván nhỏ. Nhưng quan trọng là tay làm trò phải thua tí chút, và thằng ngu kia thắng phải đúng kiểu cờ bạc đãi kẻ ngu ngơ. Vân vân và vân vân.

Khi cậu ta nói xong thì tôi bật ra câu hỏi đang nung nấu trong lòng lúc ấy.

“Sao cậu lại chọn tớ?”

Cậu ta im lặng nhìn tôi. Rồi cậu ta quay đi, lấy một điếu thuốc, gõ gõ xuống bàn trước khi châm. Rồi lại quay nhìn tôi mà vẫn không nói gì. Cuối cùng cậu ta cũng cất lời, có vẻ hơi lúng túng.

“Thường thì tớ không tin vào trực giác của mình và cố nén nó. Nhưng trong trường hợp này tớ cảm thấy cậu là người phù hợp, cậu có thể hiểu được. Cậu đã đọc Demian chưa?”

Tôi gật đầu. Tôi đã đọc, và nếu cậu ta muốn thuyết phục tôi thì cậu ta đã động vào đúng tử huyệt. Francesco tiếp tục trong khi tôi không nói lời nào.

“Tóm lại là tớ đã làm cái việc mà theo nguyên tắc không được làm. Đánh cược dựa trên trực giác. Cậu hiểu ý tớ chứ?”

Ý cậu ta là cậu ta tin tưởng tôi. Vì một điều gì đó đặc biệt mà tôi có.

Thế là đủ.

Dĩ nhiên rõ ràng là trước tôi đã có một người khác đóng vai đồng bọn. Tôi đang thế chỗ cho một ai đấy. Nhưng Francesco không nói gì về chuyện ấy, còn tôi thì không hỏi gì đêm đó.

Bọn tôi ra khỏi Dirty Moon khi tay đứng quầy bar và người phục vụ duy nhất bắt đầu xếp ghế lên trên bàn.

Bên ngoài là một bình minh nhợt nhạt của tháng Giêng.

Bảy

Hầu như tối nào tôi cũng đến nhà Giulia. Sau khi học xong, hay khi tôi chẳng làm được trò trống gì trong cả ngày. Cũng có những hôm như thế. Những lúc ấy tôi cảm thấy một cơn bứt rứt nhẹ nhưng khó chịu. Một cảm giác thực, như kiểu bị tê trên cánh tay, trên vai. Cảm thấy khó chịu vì bộ quần áo trên người, vì hơi thở của mình, vì nhịp tim đập hơi nhanh hơn.

Tôi thường ra khỏi nhà, rảo bước qua thành phố đến một nơi nào đó giúp tôi xoa dịu cái căng thẳng ấy.

Giulia lúc nào cũng ở nhà học bài với cô bạn Alessia. Hai người giống hệt nhau, Giulia và Alessia. Cả hai đều chăm học và ngoan ngoãn. Đều con nhà gia giáo khá giả, cùng một lối sống ổn định, thoải mái. Nhà ở khu trung tâm Bari, trang hoàng đồ nội thất đắt tiền từ thập niên bảy mươi, biệt thự ở Rosa Marina, các kỳ nghỉ trượt tuyết, câu lạc bộ tennis và tất cả những thứ khác nữa. Vào cái thế giới ấy tôi giống như một người khách lạ, lạc lõng nhưng tò mò. Gia đình tôi thuộc về một thế giới khác. Đảng phái, cuộc sống chính trị, coi thường cái góc Bari sống thừa mứa và ăn bám kia. Kiêu hãnh và hơi trịch thượng vì thuộc về số ít, và muốn giữ như thế mãi. Chị tôi cũng theo đúng như thế.

Nhưng tôi thì lại luôn tò mò về cái thế giới kia. Sự tò mò xen lẫn ghen tị với một cuộc sống có vẻ như dễ dàng hơn nhiều, ít vấn đề hơn, không thường trực cái thói phê phán mà đôi khi trở thành ám ảnh.

Thế nên khi bắt đầu cặp với Giulia tôi cũng đồng thời bắt đầu một quá trình khám phá thực sự.

Tôi thích thâm nhập vào những căn nhà ấy, xem cuộc sống của những con người ấy; tham gia vào những lề thói của họ, nhưng không bao giờ để mình thực sự hòa nhập. Giống như một trò đóng kịch, bắt chước. Cái trò đó cũng vui vẻ được trong vài tháng, thời gian đủ để tôi hiểu thế giới ấy.

Đến thời điểm diễn ra câu chuyện này, tôi cũng đã chán rồi mặc dù tôi chưa nhận ra.

Tôi đến nhà Giulia thường vào lúc cô ấy và Alessia học xong. Chúng tôi ngồi tán chuyện trong căn bếp lớn. Bà mẹ sau những chuyến du hí buổi chiều đến các cửa hàng, cửa hiệu, tiệm làm tóc, spa làm đẹp cũng ló mặt vào và thường ngồi lại với bọn tôi cho đến khi nhận ra mình bị muộn giờ đi đâu đấy. Đi chơi bài, đi ăn tối, đi xem hát, vân vân. Hầu như tối nào bà ấy cũng đi chơi, còn ông bố thì làm việc đến khuya ở văn phòng ngay căn hộ bên cạnh, ông ấy dành toàn bộ thời gian của mình ở đó. Hầu như chẳng nhìn thấy ông ấy bao giờ.

Bọn tôi thường ở nhà. Thỉnh thoảng chỉ có hai đứa, tôi và Giulia. Những lần khác thì bạn bè cô ấy đến và chúng tôi chuẩn bị món gì đấy, mì ống hoặc xa lát. Thường chỉ đến cuối tuần chúng tôi mới ra ngoài, đi xem phim hoặc đến quán pizza nào đó.

Tôi cũng không nhớ chúng tôi nói về cái gì, từng ấy buổi tối trong căn bếp nhà De Cesare, giữa những hàng xoong nồi xếp kiểu trưng bày, chìm ngập trong sự bóng loáng và cái mùi sạch sẽ tiện nghi, của căn nhà, của thức ăn tươi, của xà phòng đắt tiền và mùi da thuộc.

Điều tôi thích nhất khi đến ngôi nhà ấy là thứ mùi hỗn hợp thơm tho và an tâm ấy. Đôi khi tôi tự hỏi khi đến nhà tôi thì người ta ngửi thấy mùi gì, và cái mùi mà tôi không thể ngửi thấy ấy mang đến thông điệp gì cho người khác.

Buổi tối sau ván bài poker với Roberto và Massaro tôi đến nhà Giulia sớm hơn thường lệ. Sáng hôm ấy tôi đã đổi ra tiền mặt phần thắng bạc của mình và mua cho cô ấy một cái túi. Để xin lỗi trận cãi nhau hôm trước, và để chặn họng cái cảm giác tội lỗi lờ mờ có trong tôi.

Tôi đưa quà cho cô ấy, Giulia mở ra và hơi có vẻ ngạc nhiên. Đến khi thấy cái túi thì cô ấy cực kỳ ngạc nhiên, vì nó là hàng đắt tiền và chẳng có lý do gì cho một món quà lớn như thế.

“Mình cũng muốn có người yêu như thế,” Alessia thở dài lúc ra về.

Khi chỉ còn hai đứa với nhau, tôi kể cho Giulia nghe chuyện đã xảy ra. Tất nhiên là chỉ phần có thể kể ra được: Tôi đã đi chơi poker, tôi đã may mắn không thể tin nổi và tôi đã thắng được một đống tiền. Đại khái là thế.

“Anh thắng bao nhiêu?” Giulia tròn mắt, vươn cổ về phía tôi hỏi, như thể để chắc chắn là hiểu đúng lời tôi.

“Vài triệu, anh nói rồi còn gì.” Tôi nhận thức được một cách bản năng rằng chỉ nên nói chung chung.

“Vài triệu. Anh điên rồi sao? Anh chơi ở đâu thế?”

Cô ấy không giận dữ mà chỉ sửng sốt và không tin.

“Anh đến nhà một... một người bạn của Francesco Carducci.”

“A, ra anh đã thành bạn của Francesco Carducci thật rồi. Đầu tiên thì cùng đánh lộn, rồi cùng đánh bạc. Giờ có khi anh cũng đi cặp với các bà như cậu ta nữa chứ? Em có cần phải bảo mẹ em cẩn thận khi gặp anh không đấy?”

“Cậu ta rủ anh chơi vì thiếu người thứ tư. Anh đã bảo em hôm qua còn gì, lúc em đang cáu kỉnh ấy.”

“Nhưng anh đâu có nói ai rủ anh chơi.”

“Phải, nhưng em cũng thấy chẳng có gì phải giấu giếm cả. Mà suy cho cùng thì đấy cũng chỉ là một cuộc chơi bình thường. Rồi có cái ván không thể tưởng ấy, những hai tứ quý. Không phải anh làm cho ván bài như thế, mà nó cứ thế thôi.”

Khi kể những việc ấy, theo cái kiểu ấy, tôi cảm nhận rõ mồn một rằng cuộc đời mình đang bị bẻ làm đôi. Một nửa bình thường và nửa kia nằm trong một vùng tối mà tôi không thể nói cùng ai. Vào khoảnh khắc ấy tôi hiểu mình có một cuộc sống hai mặt.

Và tôi nghĩ mình thích nó.

“Anh giải thích xem sao hai người lại thành bạn được thế?”

“Bọn anh không thành bạn, mà có thế thì anh cũng không thấy có gì sai hay lạ lùng cả.” Tôi nghe ra sắc thái căng thẳng lạ lùng trong giọng nói của mình khi tôi thốt lên câu ấy như thể để bảo vệ Francesco trước những định kiến ngầm trong lời nói của Giulia. Và tôi nhận ra ngay cả lúc đó mình cũng không thành thật, với cô ấy. Đúng là tôi đã thành bạn của Francesco; và trong khi tiếp tục nói tôi nhận ra tôi cũng muốn cậu ấy thành bạn mình nữa.

“Tối hôm xảy ra vụ ẩu đả ở nhà Alessandra anh ra về cùng cậu ấy. Chuyện xảy ra trước đấy như thế thì về cùng nhau là phải thôi. Lúc tạm biệt bọn anh thỏa thuận là thỉnh thoảng sẽ gặp lại nhau. Rồi cậu ấy gọi anh vì thiếu tay thứ tư để chơi bài. Thế thôi.”

“Thế nhỡ anh không thắng mà lại thua cả chỗ tiền ấy thì sao?”

“Với tứ quý Q như thế thì ván ấy anh không thể thua được.” Đó là sự thật, tôi tự nhủ; tôi chỉ đang che giấu vài chi tiết. Giulia ngồi yên một lúc, rồi cầm cái túi lên, xoay đi xoay lại nó trong tay và thử đeo lên vai.

“Đẹp quá.”

Tôi gật đầu kèm theo nụ cười rất ngu.

Cuối cùng cô ấy để cái túi sang một bên và hỏi liệu tôi đỏ bạc quá như thế thì có gì phải lo lắng không nhỉ. Tôi bảo tôi hy vọng là không, chắc không có gì phải lo cả. Muốn thì bọn mình có thể kiểm tra được mà. Nếu mà được riêng tư một chút. Riêng tư thì được, chị cô ấy đi lấy chồng sáu tháng nay rồi, ông bố đang đi Hội thảo không ở Bari, còn bà mẹ thì đang dở ván burraco. Để đổi gió một tí.

Chúng tôi làm tình với nhau trong phòng cô ấy, và tôi nhận thức được một cách lạ lùng từng chuyển động, từng cử chỉ của mình. Kể cả những thứ vô nghĩa nhất. Một cảm giác chi phối bản thân khiến tôi rất bất an. Nhận thức được mình ở đó, hai cơ thể đang chuyển động cùng nhau với một nhịp điệu khác với tất cả những lần khác; và đồng thời đang ở tận nơi nào đấy.

Rồi bọn tôi nằm duỗi dài sát cạnh nhau trên giường cô ấy. Giulia bảo tôi nếu thắng bạc tác động đến tôi kiểu đó, thì cũng được, cô ấy sẵn lòng cho tôi đi vài lần nữa. Tôi không nói gì.

Tôi nhìn lên trần nhà. Cảm thấy mình chỉ có một mình trong căn phòng ấy.