Quá khứ là miền đất lạ - Phần II - Chương 19 - 20

Mười chín

Không một cô gái nào nhận ra khuôn mặt trong bức vẽ. Những buổi tối xảy ra sự việc mỗi cô ở một nơi khác về. Không ai kể được thêm điều gì so với bản khai báo đầu tiên.

Bức vẽ được đưa đến các quán bar, các tụ điểm vui chơi ban đêm; một chủ quán nói hình như ông ta đã nhìn thấy cái tay trong bức vẽ này ở đâu đấy. Có thể là ở quán bar, nhưng ông ta không chắc. Bọn họ cố nài nỉ hàng giờ nhưng ông ta không nhớ thêm được điều gì khác. Ông ta có cảm tưởng đã nhìn thấy gương mặt đó, nhưng không nhớ ở đâu và bao giờ. Chỉ mỗi thế thôi.

Vài ngày sau vụ hiếp dâm thứ bảy xảy ra.

Đó là một buổi tối thứ Bảy, đội cơ động đã được cử từ trung tâm đến khu vực gần Đại học Bách khoa. Một cuộc gọi vô danh báo có một cô gái đang ngồi khóc trên ô tô, quần áo tả tơi và có vẻ rất hoảng loạn.

Đội cơ động quân cảnh đến trước xe của cảnh sát vài giây. Bên đấy cũng nhận được một cú điện thoại vô danh. Cả hai cú có do cùng một người gọi hay không thì không xác định được.

Bên quân cảnh đưa cô gái đi cấp cứu. Chiti cũng đến nơi gần như cùng lúc với họ, cùng với một người trong đội lấy từ nhóm trực đêm trong phòng tổng đài.

Tất cả nhanh chóng nhận định phương thức hành động vẫn theo một kiểu như thế. Nhưng Chiti nghĩ lần này bạo lực hơn nhiều, và thiếu kiểm soát hơn. Như thể tên tội phạm đang có chuyển biến - một chuyển biến theo hướng tăng dần - khiến cho việc chỉ hãm hiếp nạn nhân không thôi không còn là đủ nữa.

Cô gái đã bị đánh đập khá lâu trước khi bị xâm hại, và rồi lại bị đánh tiếp sau đó. Còn lại thì trình tự cũng giống như các vụ trước. Tấn công từ đằng sau, đập vào đầu, lôi nạn nhân gần như ngất xỉu đến tiền sảnh một tòa nhà cũ, đánh tiếp, bắt quan hệ bằng miệng nhưng ra lệnh cho nạn nhân không được nhìn lên, rồi lại đánh, ra lệnh ở yên tại chỗ trong năm phút và đếm to từng giây trong lúc hắn biến khỏi đấy.

Cô gái này cũng giống như các nạn nhân khác, không hề xinh. Khá gầy, gần như khô đét, tóc ngắn và có một vẻ khô cứng đàn ông. Trong khi mọi người lấy lời khai ở phòng vị bác sĩ trực khoa cấp cứu đêm ấy, cô gái vừa trả lời vừa khép hờ mắt, tay xoay đi xoay lại cặp kính dày kiểu lỗi thời đã vỡ trong lúc bị nạn.

Cô không nói được gì về vẻ ngoài của tên tội phạm. Giọng nói thì có, cũng giống như các nạn nhân khác. Cái giọng nói kim khí ngắt từng âm, vang lên như thể đến từ một nơi khác. Cô gái nói chính xác từng từ như thế: như thể đến từ một nơi khác, và Chiti cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

Điểm mới là cô gái không ra về từ một tụ điểm ban đêm nào, không từ quán bar, không từ sàn nhảy, hoàn toàn không. Cô học ở nhà một người bạn rồi về nhà một mình, như thường lệ. Vẫn con đường cô hay đi mà chưa từng gặp chuyện gì bao giờ. Cho đến tối hôm ấy.

“Được rồi thưa cô, cảm ơn cô. Tối nay chúng tôi không muốn làm cô mệt mỏi thêm nữa. Ngày mai chúng tôi sẽ gọi điện đến nhà, nếu thấy đỡ hơn mời cô đến đồn để làm tờ trình chính thức. Cô cố nghỉ ngơi, nếu nhớ thêm được điều gì mà vừa rồi chưa kịp nói cho chúng tôi thì làm ơn ghi ngay lại. Đôi khi một chi tiết nhỏ cũng có thể thành quan trọng với người điều tra, ngay cả khi với người bị hại nó có vẻ không có ý nghĩa gì. Chào cô nhé.”

Vớ vẩn. Anh nghĩ thế khi ngồi im lặng trên ô tô quay về đồn.

Toàn những điều vớ vẩn sách giáo khoa dạy cho những điều tra viên trẻ. Anh đã học rất kỹ tất cả, ở trường và cả sau đó nữa. Anh đã nghiền ngẫm sách, cẩm nang, các tạp chí chuyên môn. Nhưng đời thực lại khác. Lẩn tránh và tàn nhẫn như cái tên thối tha mà họ đang hoài công vô ích gắng tới gần.

Họ đã có ý tưởng - hay nói đúng hơn là Cardinale đã có được một ý tưởng - rồi cái tên khốn ấy có vẻ như hiểu ra, hoặc biết. Và hắn thay đổi phương thức hành động. Không còn các tụ điểm ban đêm nữa, mà rình trên đường, nơi hắn không thể bị tóm, như người ta không thể tóm một làn khói. Tại sao? Sao hắn lại đoán được bọn họ đang theo vết hắn?

Hoặc cũng có thể tất cả những điều họ đang làm đều ngớ ngẩn. Cái tên ấy có lẽ chỉ tình cờ làm thế, còn bọn họ thì vẫn chẳng hiểu gì sau hàng tháng điều tra. Chẳng hiểu bất cứ điều gì hết.

Anh chầm chậm nắm tay lại rồi gõ mạnh các đốt tay lên trán. Một, hai, ba lần, thật đau.

Viên quân cảnh lái chiếc Alfa 33 liếc anh qua đuôi mắt trong khi vẫn nhìn con đường.

Hai mươi

Lúc bấy giờ là tháng Tám, từng ngày một trôi đi y hệt như nhau, cuộn trong cái nóng đậm đặc và bất an. Đêm về không khí vẫn nặng nề như thể chạm vào được, cuốn mọi người vào lớp chăn nóng nực, ẩm ướt không gỡ ra nổi.

Một buổi chiều chúng tôi đi dạo trên bờ biển, gần mấy con thuyền đánh cá đang phơi trên cạn. Chỉ còn khoảng một tuần nữa là đến rằm tháng Tám. Như thường lệ Francesco là người nói, thỉnh thoảng cậu dừng lời và cho tôi chen vào điều gì đó, nhưng không nghe lấy một lời. Khi cậu tiếp tục thì cậu chỉ nói tiếp câu chuyện lúc nãy cậu bỏ ngỏ, hoặc là đổi chủ đề.

Đến một lúc cậu đột nhiên bảo chúng tôi phải đi nghỉ thôi. Chúng tôi có thể đi xe - lấy xe của tôi vì nó hợp hơn - rồi lên đường. Có thể là đi Tây Ban Nha. Không chuẩn bị trước gì hết.

Chúng tôi có thể dừng chân hai ba lần trên đường, hoặc nếu thích thì nhiều hơn nữa cũng được. Và nếu thích chúng tôi có thể dừng ở những nơi khác, như ở Pháp chẳng hạn. Tóm lại là thích làm gì thì làm.

Tôi ừ ngay lập tức. Cảm thấy một cơn phởn phơ mơ hồ đột ngột đến với mình, tôi chợt nghĩ kỳ nghỉ này sẽ là một màn kết ngoạn mục.

Tốt, tôi tự nhủ, mình đã sống một giai đoạn điên rồ. Mình đã làm những điều không thể tin được. Những điều mà mình chưa từng nghĩ có thể làm được. Mình đã đi trên miệng vực và may mắn là chưa ngã. Bây giờ bọn mình sẽ đi nghỉ chuyến này và sau đó mình sẽ bắt đầu cuộc sống mới. Tức là cuộc sống cũ của mình trước đây, dù bây giờ sẽ khác trước. Mình đã thấy sống ở phía bên kia là thế nào. Mình đã thử. Chỉ ít lâu nữa thôi sẽ đến lúc phải quay về.

Tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Trên đường và đoạn đối thoại nổi tiếng mà vài năm trước tôi đã thuộc lòng.

“Chúng ta phải đi và không dừng lại chừng nào chưa đến nơi,” Dean bảo.

“Đi đâu hả anh bạn?” Kerouac hỏi.

“Tôi cũng không biết nữa, nhưng chúng ta phải đi.”

Phải, chúng tôi phải đi rồi sau đó, đến cuối, tôi sẽ quay về nhà. Dù điều ấy có nghĩa là gì đi chăng nữa.

Ý nghĩ ấy khiến tôi vui hẳn. Như thể tôi đã đến chặng cuối của một cuộc đua vất vả. Giờ thì sắp xong rồi. Khi quay về tôi sẽ bảo Francesco thế là đủ. Cuộc phiêu lưu cùng cậu ấy thật ngoạn mục nhưng với tôi thế là hết. Tôi sẽ mãi là bạn của cậu ấy, nhưng con đường của mỗi chúng tôi giờ sẽ tách khỏi nhau.

Lúc về, chắc chắn thế rồi, tôi sẽ tìm được cách thức và dũng khí để nói điều cần nói.

“Thế bao giờ mình lên đường?”

Francesco mỉm cười. Không phải nụ cười được kiểm soát đầy ngụ ý như mọi khi. Không phải nụ cười mà ta không bao giờ hiểu nổi nó thực sự có nghĩa gì. Tôi cảm giác lần này là một nụ cười bình thường. Và tự nhiên tôi thấy nhói buồn. Cậu ấy là bạn tôi còn tôi lại vừa quyết định bỏ cậu ấy. Tôi thấy có lỗi vì điều ấy, và vì những nghi ngờ mà tôi cảm thấy ngày một thường xuyên hơn về Francesco, và về hai chúng tôi.

“Ngày mai, sáng mai. Bây giờ mình đi chuẩn bị đồ. Tớ sẽ xem qua đường đi, sáng mai cậu đến đón tớ sớm, như thế mình lên đường luôn khi trời chưa nóng quá. Khoảng bảy giờ.”

Tôi về nhà, mấy hôm nay tôi chỉ ở nhà một mình. Bố mẹ tôi đến trang trại của mấy người bạn ở mạn Ostuni. Việc đầu tiên tôi làm là đi tìm số điện thoại của mấy bác bạn ấy. Tôi muốn nói chuyện với bố mẹ. Tự dưng tôi nóng lòng muốn nói chuyện với họ. Tảng băng ngăn giữa chúng tôi từ cái bữa ăn trưa Chủ nhật ấy dường như đang tan ra. Tôi muốn báo với bố mẹ rằng tôi sẽ làm một kỳ nghỉ ngắn, một tuần hoặc hơn một chút. Tôi cần kỳ nghỉ ấy, nhưng khi về tôi sẽ quay lại học hành. Tôi xin lỗi đã cư xử với bố mẹ như thời gian vừa rồi. Đấy là một giai đoạn khó khăn, nhưng giờ thì hết rồi. Trong một khoảnh khắc thậm chí tôi định sẽ kể hết với bố mẹ những chuyện đã xảy ra mấy tháng qua. Rồi tôi lại tự nhủ bây giờ chưa nên. Có lẽ để sau. Khi quay số tôi thấy hơi hồi hộp, nhưng nhẹ nhõm. Tôi vui. Mọi chuyện đang tốt đẹp lên.

Chuông điện thoại reo rất lâu, nhưng không có ai trả lời cả.

Chắc là mọi người đều nán lại trên biển. Mẹ tôi vốn thích ở lại bãi biển đọc sách khi đám đông đã tản bớt, cho đến tận hoàng hôn. Bà thích tắm lúc chiều muộn hoặc sáng sớm. Bố tôi thì không, nhưng ông chiều theo bà.

Tôi hơi buồn nhưng rồi tự nhủ sẽ gọi lại lúc muộn hơn, sau khi đã gói ghém những thứ mang theo.

Nhưng hóa ra đó không phải chuyện làm nhanh chóng được.

Tôi lấy một cái sơ mi từ tủ quần áo ra đặt lên bàn phòng khách. Tôi không biết vì sao mình lại quyết định dùng cái bàn ấy, vốn cách xa phòng tôi, để làm chỗ bày đồ. Tôi lấy thêm hai cái sơ mi nữa. Rồi hai cái nữa, sau đó lại để lại một cái đã chọn trước đấy vào tủ. Đi đi lại lại giữa phòng mình và phòng khách, tôi tự hỏi mang bao nhiêu cái quần, và mang quần nào đi bây giờ. Hai cái chắc là đủ. Quần jean nhẹ và quần kaki. Tất nhiên là thêm cả cái quần tôi đang mặc nữa. Một cái áo khoác vải bông. Hay áo nỉ có hơn không nhỉ? Hay mang cả hai? Trời đất ạ, ở Tây Ban Nha trời nóng mà, một cái áo khoác vải bông nhẹ là được. Nhưng cái nào bây giờ. Hay là mang áo vét. Nhỡ có dịp đi một nhà hàng sang trọng hay một sòng bạc thì sẽ cần áo vét. Nhưng áo vét thì làm sao nhét được vào túi. Thế thì mang va li cứng có lẽ hơn. Nhưng va li bố mẹ mang đi mất rồi. Thôi khỏi áo vét. Mà chuyện đến sòng bạc thật ngớ ngẩn. Để làm gì cơ chứ? Kể cả khi áo vét tôi có thể mang trên tay rồi treo trong ô tô. Hai đôi giày. Hay một đôi thôi, còn cả đôi đang đi nữa mà. Mười quần lót, để đỡ phải giặt giũ gì. Không, vẫn phải giặt thôi vì chắc gì sau mười ngày đã về. Thế thì phải mang theo một gói bột giặt à? Lại nói vớ vẩn rồi, nếu cần thì mua ở đấy là được, hoặc dùng luôn xà phòng của khách sạn để giặt cũng được. Còn tất thì sao? Thường thì mùa hè không cần đi tất, năm đôi là đủ. Đủ không nhỉ? Nên xếp quần dưới cùng, rồi đến sơ mi, rồi áo phông và cuối cùng là đồ lót và tất? Hay ngược lại thì tiện hơn?

Sau một giờ tôi chỉ xếp được vài thứ vào túi, trên bàn vẫn còn một đống đồ còn tôi thì mệt lử. Và cảm thấy mình như một thằng đần. Tôi đứng như phỗng trước bàn không biết phải làm gì nữa.

Cuối cùng tôi tự nhủ mình đang mụ mị đi rồi. Thế là tôi vơ bừa rồi nhét vào cho đến lúc túi gần chật căng. Trước khi đóng túi tôi nhét thêm vào đấy khoảng chục băng cát xét và hai cỗ bài Pháp mới tinh.

Bây giờ thì đúng là tôi không biết làm gì nữa. Tôi thử gọi lại cho bố mẹ nhưng vẫn không có ai trả lời điện thoại. Tôi lấy một hộp cá ngừ ăn cùng với cái bánh mì ỉu còn thừa từ hôm trước. Tôi uống một lon bia. Tôi mang một quyển sách ra ngồi ngoài sân, nhưng không tài nào đọc được quá nửa trang. Tôi định đi ngủ nhưng rồi ngay lập tức nhận ra đó không phải ý hay. Tôi không buồn ngủ mà trời vẫn còn rất nóng. Tôi sẽ chỉ trằn trọc trên lớp ga giường ẩm dấp dính vào người, nghĩ đến đó là đủ thấy ngạt cả tâm hồn.

Thế là tôi đi chơi. Chẳng có ai ngoài đường, con phố vắng tanh có cái gì đấy bất an và gần như ác hiểm. Giống như những chỗ quá quen thuộc đôi khi có thể trở nên ác hiểm nếu thay vì việc đi qua luôn như bình thường bạn lại ngó nghiêng xung quanh.

Cái cửa lớn có hai cột gỗ bị bịt từ khi nào ấy nhỉ? Tòa nhà này vốn không an toàn nhưng trước đây tôi không để ý. Còn bà cụ sống ở bên dưới cách nhà tôi chưa đầy trăm mét đi đâu rồi nhỉ? Bà ấy thường ngồi ở bên ngoài cho thoáng, nhưng tối nay không thấy đâu cả mà nhà thì đóng cửa, cũng không biết từ bao giờ nữa. Trông cứ như một con mắt mù đáng sợ.

Tôi cảm thấy một cơn rùng mình khó chịu bắt đầu lan từ gáy ra khắp người. Tôi không thể kìm được cảm giác thôi thúc quay đầu nhìn lại đằng sau lưng mình. Không có ai cả, nhưng điều đó không khiến tôi an tâm. Tôi chỉ mong có bố mẹ ở nhà. Mà sao không ai trả lời điện thoại nhỉ? Tôi linh cảm đã xảy ra chuyện gì đấy, mà biết đâu đang xảy ra chuyện vào chính lúc này. Hàng năm sau tôi vẫn nhớ cái tối hôm ấy, nhớ những hành động ngớ ngẩn của tôi và cảm giác tai họa đang cận kề. Tai nạn giao thông. Đau tim. Mọi chuyện sẽ tan nát đúng cái lúc tôi quyết định sẽ lật đời mình sang trang mới. Tôi tự hỏi lần cuối tôi nhìn thấy bố mẹ chính xác là khi nào. Chỉ vài ngày trước thôi nhưng tôi không thể nhớ nổi. Tôi chỉ nhớ lần cuối cùng tôi nói chuyện, rồi cãi lại bố mẹ, và tôi hối hận. Tôi nghĩ nếu có chuyện gì xấu xảy ra với bố mẹ, hay với chỉ một trong hai người thôi, tôi cũng sẽ sống nốt phần đời còn lại trong cảm giác có lỗi không thể chịu đựng nổi. Tôi suýt bật khóc và đã tính đến chuyện lấy xe phi đến Ostuni. Nhưng rồi thôi, không phải vì tôi nhận ra ý tưởng ấy điên rồ đến thế nào mà vì tôi hoàn toàn không biết cái trang trại ấy ở đâu, tôi không biết phải đến đâu cả.

Tôi đi bộ như thế ít nhất cũng phải mười lăm phút, rồi tôi nhìn thấy một ông tầm bốn mươi tuổi đang dắt một con chó lai béo núc xấu kinh lên được, còn ông kia thì lại gầy nhom, mặc cái áo trắng dài tay, cổ và tay áo gài kín. Mặt ông ta không thể hiện cảm xúc gì. Đi ngang qua ông ta tôi ngửi thấy mùi mồ hôi xộc lên.

Tôi tự hỏi hai mươi năm trước, ở tuổi tôi bây giờ, ông ta thế nào. Ông ta chờ đợi gì ở tương lai? Có ước mơ nào không? Ông ta có tưởng tượng một đêm tháng Tám mình sẽ mặc một cái áo cài kín, đi dạo với một con chó chán ngắt giữa những căn nhà vô vị và dãy ô tô đỗ dài trên vỉa hè? Đến thời điểm nào ông ta bắt đầu nhận ra mọi thứ đang đi về đâu? Mà ông ta đã nhận ra chưa? Và gương mặt tôi, tôi trông sẽ ra sao hai mươi năm nữa?

Tôi nghe thấy tiếng ống xả ô tô ầm ĩ đến từ phía đường Manzoni trong khi tôi đang ở đường Putignani.

Tôi tự nhủ: nếu là con trai lái thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, chuyến đi và tất cả những điều khác. Tôi và chiếc xe đến ngã tư cùng một lúc. Tôi nín thở. Cái xe - một chiếc Fiat Duna loại có thùng hàng phía sau - chầm chậm rẽ vào đường Putignani.

Tôi nhìn thấy sau tay lái một bà béo, mặc áo cộc, tóc buộc lên còn khuôn mặt thì bơ phờ vì nóng. Bà ta chúi người về phía trước mà lái, như thể sắp gục xuống vô lăng bất cứ lúc nào.

Trong khi chiếc Duna chạy xa dần về phía trung tâm thành phố, tôi cố mỉm cười và kêu to lên, “Cút mẹ mày đi với mấy thứ mê tín nhảm nhí, Giorgio Cipriani.”

Chẳng có ai nghe thấy tiếng tôi cả.

Khi tôi về đến nhà thì đã quá khuya để gọi lại cho bố mẹ tôi. Tôi nghĩ thôi để sáng mai sẽ gọi từ trạm nghỉ chân nào đấy. Tôi lên giường, mở toang cửa sổ cố giảm bớt cái nóng.

Tôi trăn trở rất lâu không tài nào ngủ được. Mãi đến khi ánh bình minh bắt đầu lọt vào qua khe mành tôi mới thiếp đi, và nằm mơ.

Tôi đang lái ô tô dọc đường cao tốc, qua một vùng vắng tanh, xám xịt và buồn bã như cảnh tượng một buổi sáng mùa đông. Tôi lái xe với cảm giác bồn chồn, có cảm tưởng như mình đang để vuột mất một điều gì đó rất quan trọng. Rồi tôi thấy rất nhiều vật từ đằng xa lao về phía mình - lao vào mình - ngày một nhanh hơn. Rồi tôi hiểu ra tất cả. Những vật ấy là ô tô còn tôi đang đi sai hướng.

Sao lại có thể xảy ra như thế được? Sao tôi lại đâm đầu vào tình thế này? Mà con đường cao tốc thì không được rộng cho lắm. Không chỉ thế mà lại còn ngày càng hẹp lại trong khi những cái xe kia mỗi lúc một gần. Tôi không muốn chết: tôi còn nhiều việc để làm lắm. Không thể đến lượt tôi như thế. Chuyện này chỉ xảy ra với những người khác. Đường càng ngày càng hẹp, giờ thì không còn là đường cao tốc nữa. Hẹp lắm rồi. Chuyển động của tôi trở nên chậm chạp, ngày càng chậm, và tôi càng sợ hơn. Tiếng còi đinh tai nhức óc đang đến gần.

Tôi không muốn chết.

Vì sau đấy có thể sẽ chẳng có gì nữa cả.

Chuông đồng hồ báo thức vang lên một cách ngớ ngẩn và tôi mở choàng mắt. Trong vài giây, tôi nằm yên nhìn chằm chằm đôi giày mình vứt gần giường, vẫn còn bàng hoàng giữa thực và mơ.

Nửa tiếng sau tôi đã ở dưới nhà Francesco, chỗ chuông cửa. Chúng tôi chuẩn bị lên đường.