Quá khứ là miền đất lạ - Phần III - Chương 01 - 02 - 03

PHẦN BA

Một

Đêm. Ghế bành. Cái nóng. Những ký ức lộn xộn trong cơn đau nửa đầu như một màn sương mù nhức nhối.

Mọi chuyện tất nhiên đã được bố anh, ông tướng, quyết định sẵn. Giorgio sẽ trở thành một sĩ quan quân cảnh. Như bố anh, quả là phải thế rồi, và như ông nội anh. Chuyện ấy chưa bao giờ được đưa ra tranh cãi làm gì.

Anh đã trải qua hàng bao nhiêu năm trời ở trường quân sự, rồi đến học viện sĩ quan, hàng bao năm trời như bơi ngầm dưới nước. Nín thở, thấy những người xung quanh mình đều câm lặng và lạ lẫm. Như bọn cá trong bể.

Anh không gặp khó khăn gì với chuyện tuân thủ kỷ luật. Chỉ cần xa lánh mọi người, ở đấy mà không ở đấy. Một chiến lược anh đã luyện được rất siêu, từ hồi còn bé.

Năm cuối ở trường sĩ quan anh có quen một cô gái. Anh qua lại với cô vài tuần rồi thôi. Sau đó Giorgio khó mà nhớ ra được mặt cô như thế nào, giọng cô ra sao. Anh thậm chí khó nhớ được cả tên cô.

Sau đó không có cô nào khác.

Một nhà tâm lý học chắc sẽ kết luận là chàng trai trẻ Giorgio gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trong việc tạo dựng quan hệ với giới nữ. Sự thiếu thốn, những tổn thương tự kỷ từ khi còn nhỏ, những chấn động xa xưa và ngấm sâu.

Một ca phức cảm Oedipus không chữa nổi.

Việc mẹ anh tự tử khi anh chưa đầy chín tuổi liệu có đủ để giải thích một ca Oedipus không chữa nổi không? Và chuyện mẹ tự tử khi anh chưa đầy chín tuổi ấy có liên quan gì đến cái nhu cầu vô vọng và đau đớn đối với những thứ mà anh thậm chí không gọi tên được, vì chúng làm anh sợ cũng nhiều như khiến anh khao khát?

Sợ hãi và khao khát trộn lẫn với nhau thành nguy hiểm.

Giorgio cảm nhận được điều đó, một cách lộn xộn không rõ ràng. Trong những đêm mất ngủ, trong những cú dội không thương tiếc của cơn đau nửa đầu. Trong những quãng ngưng khi tâm hồn được gây tê mà anh học được từ quá sớm. Để sống sót qua khỏi sự câm lặng.

Sợ hãi và khao khát trộn cùng câm lặng trở thành nguy hiểm.

Có thể khiến ta lạc lối.

Có thể khiến ta phát điên.

Hai

Cánh cổng tự động lùi từng nhịp vào bên trong. Khi nó mở ra hết cỡ tôi cho xe tiến thẳng vào lối dẫn xuống ga ra bên dưới tầng hầm. Có một chỗ để xe dành riêng cho khách và tôi ngoan ngoãn đưa xe vào đấy.

Chúng tôi về Bari đã được một tuần. Khi tôi bắt đầu lo lắng nghĩ Francesco có lẽ đã tự đi giao hàng và giữ hết tiền thì cậu ấy điện thoại đến.

“Sáng nay đi. Hai tiếng nữa đến đón tớ.”

Cậu ấy đã đi nhận cái gói và bây giờ đang đưa tôi đến một khu chung cư có vườn hoa và ga-ra, khu của người có tiền.

“Chỉ mình tớ lên thôi, cậu chờ dưới xe. Không cần để tay kia nhìn thấy cậu. Tay đấy tớ tin, nhưng không biết thế nào được.” Tôi thoáng thất vọng. Tôi muốn được có mặt thực sự trong lúc giao hàng, nhưng Francesco có lý. Rủi ro như thế vô ích. Mà khách hàng có lẽ cũng không thích thú gì chuyện để cho ai nhìn thấy.

Francesco cầm ba lô - vẫn cái ba lô chúng tôi mang đi Tây Ban Nha - rồi biến mất vào thang máy chuyển hàng. Tôi ở lại trên xe chờ. Có lẽ bọn họ sẽ phải cắt lớp bọc ra để thử chất lượng hàng, tôi nghĩ, rồi lại tự nhủ chuyện ấy chắc chỉ có trong phim thôi.

Khoảng mười phút trôi qua, ngọn đèn đỏ của thang máy chuyển hàng sáng lên và tôi nhìn thấy một cuốn phim nhanh diễn ra trong đầu. Cửa tự động từ từ mở nhưng không phải là Francesco chui ra. Mà là hai người đàn ông với hai khẩu súng lớn. Bọn họ là cảnh sát và họ hét lên bảo tôi chui ra khỏi xe, giơ cao tay lên để họ nhìn rõ. Họ ra lệnh cho tôi để tay lên cốp xe, bắt tôi giạng hai chân ra và lục soát tôi.

Tôi sẽ phải nói là tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Nếu bọn họ hỏi tôi về cocain tôi sẽ nói tôi không biết gì hết. Cậu bạn Francesco có nhờ tôi đưa cậu ấy đến nhà một người bạn có việc. Thế là tôi đi cùng, vậy thôi. Có chuyện gì thế? Các ông muốn gì ở tôi? Tôi giữ giọng nói cương quyết, nhưng cảm thấy mình sắp òa lên khóc đến nơi.

Cánh cửa thang máy chầm chậm mở, rồi Francesco đi ra khoác theo ba lô. Trong lúc cậu đi nhanh về phía xe, tôi chợt nhận ra mình đã lại nín thở.

“Xong rồi,” vừa leo lên xe cậu vừa bảo. Tôi khởi động xe, leo lên đoạn dốc, hạ cửa kính nhấn nút mở cổng. Khi ra đến đường Francesco kéo tay áo tôi. Tôi quay lại và nhìn thấy cái ba lô đang mở toang, đầy tiền. Đầy ắp. Tôi không biết là bao nhiêu nhưng tôi biết mình chưa nhìn thấy nhiều tiền đến thế bao giờ. Tôi chỉ muốn phá lên cười. Chỉ muốn ôm hôn cậu ấy. Cái vụ chết tiệt này dễ dàng quá đến mức mọi nỗi lo âu, sợ hãi của tôi đều trở nên điên rồ. Mà mẹ kiếp, nào chúng tôi có làm hại ai. Nếu cái tay kia - dù hắn có là ai đi chăng nữa - muốn chơi cả cân thuốc thì đấy là chuyện của hắn. Trong cơn phấn khích tôi nghĩ bọn tôi sẽ phải làm thêm cả tá vụ như thế nữa, để ra một đống tiền rồi ừ thì thôi. Ý tưởng ấy làm tôi thích thú. Phải rồi, giờ thì tôi đã có kế hoạch cho tương lai. Mọi việc bắt đầu có nghĩa và điều đó mới an ủi làm sao. Nó quét bay những mẩu mặc cảm tội lỗi còn sót lại. Một khái niệm giống như điếu thuốc cuối cùng của Zeno. Kèm theo một sự mềm dẻo nhất định. Tất nhiên tôi đã quên sạch những dự định của tôi trước chuyến đi. Kiểu như sẽ cố học lại, sẽ quay lại cuộc sống bình thường, vân vân và vân vân. Giờ đây tôi nghĩ đến cả núi tiền có thể kiếm được, mà không cần phải làm hại ai. Bọn tôi đâu có xông vào cướp ngân hàng. Mà cũng đâu có phải làm thế cả đời. Khoảng chục vụ thế này thôi - tôi nhắc đi nhắc lại như ma ám - rồi tôi sẽ nghĩ đến tương lai. Không vấn đề gì, không có bất cứ vấn đề gì. Nếu muốn tôi có thể mua cho mình một ngôi nhà. Tôi sẽ bảo bố mẹ là mình thắng trò góp hụi đánh cá hoặc một chuyện gì khác. Ai mà biết trong cái ba lô kia có chính xác bao nhiêu tiền. Tôi không quan tâm đến điều gì nữa ngoại trừ cái đống tiền ấy. Tôi chỉ muốn chạm vào chúng, thọc sâu tay vào bên trong. Tôi cũng chỉ là một thằng con trai hai hai tuổi bình thường.

Chúng tôi về nhà Francesco và chia tiền ở đấy. Tất cả là chín mươi triệu. Chín mươi cọc tiền loại một trăm. Chín mươi cọc giấy bạc không thể tin nổi là có thật.

Francesco lấy phần của mình để riêng ra, rồi đưa cho tôi cái ba lô đựng chỗ tiền của tôi.

“Tất nhiên là đừng có gửi ngân hàng,” Francesco bảo.

“Thế bọn mình làm gì?” tôi vừa hỏi vừa hy vọng cậu sẽ đề xuất cách nào đó để khai thác số tiền này.

“Thích làm gì thì làm, nhưng đừng gây chú ý và đừng để lại dấu vết nào có thể lần ra. Nếu cậu muốn gửi ngân hàng thì gửi ít thôi, kiểu như hai triệu. Sau hai tháng nếu muốn gửi tiếp nữa thì cũng được - như lúc cậu làm với tiền thắng bạc ấy. Nhưng không được gửi cả hai lăm triệu một lần vì đến một lúc nào đó có thể sẽ có người đòi cậu giải thích số tiền ấy ở đâu ra.”

Một suy nghĩ chẳng dễ chịu gì nên tôi tống khứ nó đi ngay lập tức. Tôi cầm ba lô, đóng lại cẩn thận, xỏ tay vào hai quai đeo nhưng ngược với cách bình thường. Tôi đeo ba lô ra đằng trước như kiểu mang em bé, như thế sẽ đỡ có nguy cơ bị cướp giật. Tôi chào Francesco, cậu ấy không đáp, thế là tôi đi. Trên đường về hai tay tôi đặt lên lớp vải thô ấy, nửa đi nửa chạy.

Ở nhà không có ai, đúng như tôi hy vọng. Sau khi vuốt ve số tiền một lúc lâu, thậm chí hít hà chúng, tôi giấu hết vào trong cái thùng vốn để những quyển truyện tranh Tex và Người Nhện cũ. Thật lạ khi nhìn cả chỗ tiền ấy nằm giữa những cuốn truyện hồi nhỏ. Những cọc tiền lẫn với những năm tháng của trí tưởng tượng đã trôi đi mất. Những cọc giấy bạc trộn với những kỷ vật đã hao mòn của tuổi thơ tôi.

Một lúc sau thì cái cảnh ấy làm tôi thấy hơi chóng mặt. Và tôi phải quay đi, làm việc gì khác.

Tôi đặt băng cát xét yêu thích nhất của mình vào máy rồi tua nhanh, sau vài lần dừng thử thì đến đúng bài Born to run. Tôi ấn nút play rồi nằm ra giường đúng lúc tiếng trống dữ dội bắt đầu vang lên.

Những con đường lấp đầy các anh hùng đã quỵ

hướng theo cơ hội cuối của mình

Tất cả đêm nay đều đang trốn chạy

nhưng chẳng còn chỗ nào cho họ ẩn nấp nữa rồi.

Ba

Tiếp theo đó là những tuần lễ vô nghĩa. Cuốn phim về chúng trong ký ức của tôi chỉ có hai màu đen trắng được quay một cách lúng túng qua ống kính bấn thỉu, với vài cảnh dài bất an.

Tiền thì đã rõ là tôi không biết để làm gì. Tôi có nhiều hơn mức tôi có thể tiêu rất nhiều. Thỉnh thoảng tôi lại đổi chỗ giấu, sợ là mẹ tôi - hoặc cái bà quét dọn đến nhà chúng tôi hai lần một tuần - có thể phát hiện ra.

Francesco biến mất sau cái lần đi giao ma túy và chia tiền ấy. Như bị hút vào hư không. Cậu không gọi điện, cũng không thấy ở nhà. Tôi thử qua quán bar chúng tôi vẫn hẹn nhau và ngồi chuyện phiếm mấy lần, mong gặp cậu ấy nhưng đều không được.

Tôi không biết phải làm gì nữa. Quanh quẩn trong nhà, rồi ngoài đường, cảm giác không thỏa mãn, không yên giống như trong hồn đang lên một cơn sốt nhẹ thôi nhưng khó chịu. Thế là đôi khi tôi lấy xe chạy trên đường cao tốc. Những chỗ đường thẳng tôi chạy đến hai trăm cây số một giờ, chơi cái trò không động vào phanh xe - chỉ đi chậm lại một tí thôi - khi đến chỗ ngoặt, rồi vượt phải rồi lao dốc ở những trạm nghỉ ven đường với tốc độ điên rồ chết người.

Những lần khác tôi lại đi đường phụ ra biển. Mỗi lần tôi lại đến một bãi biển khác nhau, tắm rồi nằm lăn trên khăn trải, nghĩ là mình sẽ thiếp đi trong cái nắng dịu của tháng Chín. Nhưng tôi chẳng bao giờ ngủ được cả. Chỉ nằm khoảng mười phút là tôi lại bắt đầu bứt rứt không yên. Rồi một lúc sau thì cảm giác lo âu choán lấy, thế là tôi đành mặc quần áo và đi lấy xe.

Rồi mùa hè qua, và những chuyến đi kỳ quặc đấy của tôi cũng hết.

Một buổi sáng tôi gọi điện cho Maria. Một người đàn ông nói giọng Bari đặc sệt nghe máy, giọng thì khàn mà âm sắc thì thô bạo. Tôi dập ngay máy xuống, tự hỏi không biết bên kia có dò được ra số máy gọi đến hay không. Vài hôm sau tôi thử gọi lại, lần này là một người đàn bà trả lời. Tôi không nhận ra có phải cô không.

“Maria à?”

“Ai gọi đấy?”

Tôi lại gác máy, và đó là lần cuối cùng tôi gọi cô.

Tôi chẳng thèm bận tâm giả vờ học trước mặt bố nữa. Tôi lướt qua mặt họ như một bóng ma, một người dưng. Tôi cảm nhận được nỗi đau của họ, và việc không hiểu nổi tại sao ra nông nỗi ấy. Bố mẹ không nói gì với tôi cả. Trong sự im lặng của họ thậm chí không còn cảm giác bức bối quyết liệt. Một cảnh phim câm, một nỗi khổ não không hiểu nổi. Một cảm giác bại trận mà tôi không thể chịu đựng.

Và đúng là tôi không chịu nổi. Tôi tránh không nhìn, tôi chúi đầu vào nghe nhạc, tôi cố thủ trong phòng mình, hoặc ra ngoài đi lang thang.

Tôi thậm chí còn không đọc sách được nữa. Tôi bắt đầu lật một quyển, rồi chỉ vài trang là tôi chán và mất tập trung. Thế là tôi vứt nó sang bên rồi không cầm lại nữa. Vài ngày sau tôi lấy một quyển khác thử đọc, nhưng lại xảy ra tình trạng y như thế, thậm chí còn nhanh chán hơn. Chẳng bao lâu sau thì tôi thôi, không thử nữa.

Tôi chỉ còn đọc được báo. Chỉ loại đấy thôi, vì tôi có thể lướt từ trang này sang trang kia mà không cần theo tuần tự nào, hay phải hiểu những điều đã viết trước đấy, phải tập trung.

Rồi tôi bắt đầu hình thành mối quan tâm quái gở đối với các tin tức hình sự. Một mối quan tâm theo kiểu chuyên môn trong giới. Tôi đọc các vụ bắt giữ và các vụ án xử những tên buôn lậu ma túy. Với tâm địa hiểm độc của một số ông bà già đọc cáo phó trên báo để hỉ hả nghĩ rằng lần này vẫn đang đến lượt đứa khác.

Tôi đọc những bản án áp dụng cho việc buôn bán vài gam cocain, và tính toán xem tôi đã mạo hiểm - và thoát - được bao nhiêu cho tội danh buôn lậu một cân cocain. Mỗi lần như thế tôi lại rùng mình, vừa sợ vừa sướng. Như người đang cuộn mình trong chăn ấm áp trong khi trời bên ngoài mưa và lạnh.

Một hôm tôi đọc thấy có một vụ đâm chém trong một chiếu bạc ở khu Libertà. Tôi lo lắng tìm những cái tên trong mẩu tin báo địa phương ấy, với linh cảm gần như chắc chắn rằng Francesco có liên quan. Nhưng tôi nhầm, như vẫn thường xảy ra khi tôi linh cảm, nhưng dù sao sau khi đọc bản tin ấy một cảm giác khó chịu mơ hồ cứ đeo bám lấy tôi. Xét ở một mặt nào đó thì nó cũng liên quan đến Francesco và tôi cũng như chuyện rồi sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra.

Dù là chuyện gì thì cũng chẳng có gì là hay ho cả.

Vài lần tôi đọc được các bài cảnh báo về những vụ hiếp dâm lặp đi lặp lại từ nhiều tháng nay ở Bari. Nhân viên điều tra cho rằng các vụ ấy đều do một tên tâm thần thực hiện, họ khuyến cáo các cô gái đừng đi một mình vào buổi tối và yêu cầu dân chúng hợp tác.

Tôi lướt qua các trang báo còn lại mà không chú ý hay nhận thức được gì. Chỉ thỉnh thoảng mới có một mẩu tin nào đó lôi tôi ra khỏi cái trạng thái hôn mê triền miên ấy.

Có một mẩu tin khiến tôi đặc biệt nhớ.

Hôm ấy tôi đọc báo thấy tin Scirea qua đời. Chân hậu vệ của đội tuyển quốc gia Ý đã giành Cúp Vô địch Thế giới ở Tây Ban Nha năm 1982. Hồi đó tôi mười lăm tuổi. Tôi vẫn nhớ mình đã theo sát tiến trình không thể tin nổi và chắc sẽ không bao giờ lặp lại được nữa của họ, từ một đội bóng tầm tầm lột xác thành đội tuyển mạnh nhất thế giới. Họ đã thắng như chẻ tre Argentina, Brazil, Ba Lan và Đức. Tựa như Số phận đã biến thành người đứng trong hàng ngũ của họ. Đứng về phía chúng tôi. Đến tận bây giờ chỉ cần nhớ lại tôi cũng thấy chiến thắng ấy thật kỳ lạ và xúc động.

Scirea ba sáu tuổi, tháng 9 năm 1989 ấy, và anh đã mãi mãi dừng lại ở tuổi ba sáu. Anh đi trên một chiếc Fiat 125 cũ kỹ, trên con đường hẻo lánh đâu đó trên đất Ba Lan. Người lái xe đã vượt liều và đâm đầu vào một chiếc xe tải đang bình thản đi đúng luật trên làn đường của nó. Một người khi trở thành vô địch thế giới có bao giờ nghĩ rằng anh ấy chỉ còn sống được thêm ít năm nữa? Hay cái lúc leo lên chiếc Fiat 125 cũ kỹ đi trên con đường ngớ ngẩn ấy ở Ba Lan, anh có nghĩ rằng đời mình chỉ còn ít phút?

Tôi gọi điện đến nhà Francesco nhiều lần. Những hôm đầu mẹ cậu ấy thường trả lời ngay. Với cái giọng nặng nề vùng Bari của bà ấy, giọng của phụ nữ đã có tuổi và cau có, tỏa ra mùi băng phiến, mùi bất hạnh và mùi hận thù. Francesco không có nhà, không, không biết bao giờ nó mới về. Bác làm ơn nói với cậu ấy là cháu gọi được không ạ? Quãng nghỉ không cần thiết, tiếng thở dài rồi sau đó là được, bà ấy sẽ bảo, nhưng không biết bao giờ cậu ấy về. Tôi là ai? Thì cháu vẫn là Giorgio đây ạ. Chúc bác buổi tối - hoặc là buổi sáng - tốt lành. Cháu cảm ơn. Thường tôi chưa kịp nói xong thì bà ấy đã dập máy rồi. Thế là tôi lặp lại chữ cảm ơn một mình, cao giọng.

Bà ấy không tức tối gì riêng với tôi cả. Tôi nghĩ bà ấy ghét cả thế giới này một cách bướng bỉnh, thậm chí là có phương pháp. Tất cả thế giới bên ngoài ngôi nhà cùng lớp bụi phủ dày của nó. Một lớp bụi nhuốm mùi buồn bã.

Francesco không gọi lại cho tôi. Tôi ngờ rằng bà ấy chưa bao giờ nói lại với cậu là tôi gọi, nhưng đấy chỉ là chi tiết nhỏ. Kể cả bà ấy có nói thì mấy tuần đó Francesco cũng đang có việc khác phải làm. Việc khác ấy không bao gồm tôi.

Sau một hai tuần và năm sáu cuộc nói chuyện không ra kiểu gì với bà già ấy - bà ấy tên là gì tôi chưa bao giờ biết - không ai trả lời điện thoại nữa. Mỗi lần tôi để chuông reo đến mười, mười lăm lần. Vô ích. Giờ nào cũng vậy. Có lần tôi gọi vào lúc bảy rưỡi sáng. Một lần khác vào mười một giờ đêm. Không ai trả lời cả. Sau một thời gian tôi không gọi nữa.

Một hôm - lúc đó đã sang tháng Mười - tôi gặp cậu ấy trên đường. Trông cậu có vẻ bất thường. Francesco để râu, nhưng đó không phải thứ khiến cậu ấy trông khác lạ. Có gì đấy không ổn. Có lẽ là quần áo hay cái gì đó mà tôi không biết. Mắt cậu trợn lên, ngó tôi như thể không nhận ra tôi là ai trong một lúc. Rồi đột nhiên cậu bắt đầu nói như thể chúng tôi chỉ mới dừng chuyện vài phút trước. Cậu chạm vào vai tôi, siết chặt cánh tay tôi đến làm tôi đau.

“Cậu thấy không, anh bạn, bọn mình cần phải gặp nhau, tuyệt đối cần phải gặp nhau nói chuyện lâu và bình tĩnh. Bọn mình đã đến một ngưỡng thay đổi quan trọng trong đời. Bọn mình kiểu như đã lao vào một con đường tuyệt đối cần phải đi đến đích. Cậu và tớ. Thế nên bọn mình cần vạch ra chiến lược để đạt được mục đích thật sự.”

Cậu vừa nói vừa nắm tay tôi. Cậu đi bộ còn tôi để cậu lôi theo. Chúng tôi đi trên phố Sparano, giữa các cửa hàng thời trang, các bà lịch sự đang đi sắm đồ mùa thu, các nhóm thanh niên. Bọn tôi băng qua đám người đông đặc ấy, và tôi cảm thấy một mối đe dọa nào đó cũng đông đặc không kém đang đến với mình.

“Cậu phải hiểu nhân cách điển hình của chúng ta trong giai đoạn này đang ở một ngã ba quyết định. Chúng ta có thể để các sự việc quyết định mình sẽ trở thành thế nào. Phó mặc như đám vụn gỗ trôi sông. Cậu có muốn thế không? Tất nhiên là không rồi. Cách thứ hai là bơi trên con sông ấy. Bơi ngược dòng, với nỗ lực và quyết tâm, để đạt đến nhận thức và sự tồn tại đích thực. Cậu hiểu ý tớ, phải không?”

Tôi có cảm giác cậu ấy không nhớ cả tên tôi nữa.

Không, không hẳn. Tôi chắc chắn là lúc ấy cậu không nhớ tên tôi. Trong đầu tôi hiện lên câu ấy, đánh máy bằng các ký tự của chiếc máy chữ cũ: “Cậu ấy không nhớ tên tôi.” Rồi câu ấy nhấp nháy như chùm đèn neon. Cậu ấy không nhớ tên tôi. Vài giây như thế rồi biến mất.

“... Thế nên chúng ta có một mệnh lệnh buộc phải thực hiện, và phải tuân thủ nghiêm khắc. Phải nhận ra bản chất thực sự của chúng ta. Phải biến thành hành động những gì mà chúng ta - cậu và tớ, chính xác là thế đấy - có thế mạnh.”

Cậu ấy nói tiếp vài phút nữa, theo một nhịp đều đều điên rồ, giữ cánh tay tôi và thỉnh thoảng siết chặt ở chỗ ngay trên khuỷu tay. Rồi buông ra đột ngột cũng như lúc cậu siết chặt.

“Thế nên bạn ơi, tớ tin bọn mình đã nhất trí hết với nhau. Khi nào có thời gian bọn mình sẽ gặp lại nhau để vạch ra chiến lược phù hợp. Tớ ôm tạm biệt cậu cái nào.”

Rồi cậu ấy biến mất.