Quá khứ là miền đất lạ - Phần II - Chương 26 - 27 - 28 - 29

Hai mươi sáu

“Ma túy á?”

Cậu điên à? Tôi định nói thêm rồi lại thôi vì nghe ngớ ngẩn quá. Không xứng với sự khủng khiếp của điều cậu vừa nói với tôi. Thế nên tôi chỉ thốt lên cái từ kia, dính với dấu chấm hỏi kinh ngạc của tôi.

“Phải. Cocain chất lượng tuyệt hảo và giá cực tốt. Bọn mình có thể mua một cân giá bốn mươi triệu. Bán lại ở Bari nguyên như thế, không cần phải chia ra cũng lời được hơn gấp đôi. Tớ có một người sẵn sàng lấy tất và trả mình chín mươi hoặc có khi đến một trăm.”

“Thế cậu lấy đâu ra bốn mươi triệu?”

“Tớ có.”

“Cậu có là ý thế nào? Cậu cứ thế mang theo bốn mươi triệu để trả mấy khoản tiêu lặt vặt chuyến này à? Hay cậu định thanh toán tiền mua cocain bằng séc.”

“Tớ có tiền mặt.”

Tôi nhìn cậu một lúc. Cậu ấy có tiền mặt. Nghĩa là cậu mang theo bốn mươi triệu - ít nhất là bốn mươi triệu - từ Bari, đi ngang qua Ý, đi hết nước Pháp đến tận bờ Đông của Tây Ban Nha này. Nghĩa là cậu đã có ý định rõ ràng khi lên đường là sẽ đến Tây Ban Nha mua một cân cocain. Hoặc có thể cậu lên đường chỉ vì mục đích ấy.

“Từ lúc ở Bari cậu đã quyết định sẽ đến đây để mua ma túy hả?”

Cậu im lặng đến hai mươi giây. Rồi lấy ngón trỏ và ngón cái vuốt mũi, trả lời tôi theo kiểu cậu vẫn làm. Bằng một câu hỏi khác.

“Thế cậu có chuyện gì? Ý tớ là: cậu thực sự thấy có chuyện gì ở đây nào?”

“Tớ thấy có chuyện gì là thế nào. Một ngày đẹp trời cậu bảo tớ: bọn mình đi nghỉ đi, cứ thế lên đường, không cần đích đến chính xác. Tớ đồng ý, bọn mình đã thực hiện cái chuyến đi chết tiệt ấy và rồi khi tới nơi tớ hiểu ra mọi chuyện đã được sắp đặt hết.” Tôi ngừng lời, vì tôi thấy khó mà thốt ra những từ đang hiện lên trong đầu. Tôi nuốt ực xuống.

“Tớ phát hiện ra mọi thứ đều đã được sắp xếp để buôn ma túy. Chó chết.”

“Về chuyện ấy thì cậu có lý. Tớ đã sai khi không nói trước với cậu, nhưng tại vì tớ chắc chắn cậu sẽ không đồng ý và không muốn đi.”

“Về khoản tớ sẽ không đi thì cậu đúng rồi đấy.”

“Thôi được rồi, tớ đã sai khi không trung thực với cậu. Nhưng bây giờ thì có vấn đề gì nào? Ý tớ là: về mặt đạo đức cậu có chống lại chuyện mua thứ đấy không. Hay chỉ đơn thuần là lo vì phải mạo hiểm.”

“Tất nhiên là cả hai rồi. Mà sao cậu không chịu hiểu bọn mình đang nói về chuyện gì nhỉ? Mình đang nói tới chuyện mua ma túy để buôn nó. Bàn bạc làm một chuyện mà nếu bị bắt thì cả hai sẽ được ở trong tù một thời gian dài đến mức tớ không muốn tưởng tượng ra nữa.”

“Cậu có chống lại việc dùng ma túy không?”

“Tớ chống lại việc buôn bán ma túy. Tớ chống lại việc tớ làm chuyện đó, buôn cocain hay bất cứ thứ gì kiểu như thế.”

“Có người dùng cocain. Cũng như có người hút thuốc, người uống rượu. Bọn mình cũng hút thuốc và uống rượu đấy thôi.”

“Tớ nghe hết cái luận điệu ấy rồi nhé. Rằng thuốc lá và rượu gây hại hơn ma túy rất nhiều, rằng nếu nhìn con số thống kê thì nên để tiêu thụ ma túy tự do, vân vân và vân vân.”

“Thế cậu phản đối à?”

“Chuyện ấy không quan trọng. Nó bị cấm. Như thế là phạm pháp...”

Tôi ngừng lời. Tôi nhìn vào mặt Francesco. Cậu có vẻ mặt rất lạ. Cả hai chúng tôi đều đang nghĩ đến cùng một điều. Hay đúng hơn là tôi hiểu rõ điều cậu đang nghĩ, và cậu không cần phải nói ra nữa. Về việc phạm pháp, chúng tôi chuẩn bị phạm pháp hay đã phạm pháp rồi.

“Nghe này Giorgio, tạm thời bọn mình gác lại một bên chuyện phạm pháp và những thứ khác nhé. Thử xem xét sự việc từ một góc khác. Cậu thử nghĩ đến một người quen tiêu thụ cocain và thỉnh thoảng muốn mời bạn bè thử, anh ta có điều kiện và không muốn mỗi tuần lại phải gặp bọn bán lẻ ma túy trên đường để tránh những rủi ro và những điều không hay ho gì từ việc gặp gỡ bọn đấy. Cậu có chống lại một người như thế không? Có khi anh ta là nghệ sĩ - họa sĩ, đạo diễn sân khấu, vân vân - và cocain giúp anh ta sáng tạo hơn. Hay đơn giản vì anh ta thích cocain và muốn trữ cho mình một lượng đủ để an tâm trong... ờ, cứ tạm gọi là một năm đi. Tránh mọi rủi ro, tránh gây chuyện cho bất kỳ ai. Cậu thử tưởng tượng ra một người như thế đi.”

“Thế thì sao?”

“Thế thì việc bán một cân cocain cho một người như thế có gì là tệ đâu. Và để kiếm vài chục triệu mà không làm hại ai cả. Bọn mình không nói đến chuyện bán heroin cho mấy tên nghiện khốn khổ nhảy xổ ra từ các con ngõ bẩn thỉu ngập bùn và trấn lột người ta để kiếm vài đồng mua một cữ.”

“Cậu giải thích cho tớ một việc đã. Đây có đơn thuần là giả thuyết đưa ra để tranh luận không, hay cậu đang muốn nói với tớ là ngoài chuyện lừa tớ sắp đặt chuyến đi này để mua ma túy, cậu còn có sẵn cả người mua rồi? Làm ơn giải thích rõ cho tớ với.”

“Tớ đã bảo cậu là tớ xin lỗi rồi mà. Tớ đã sai. Cậu là bạn tớ và tớ muốn đi với cậu chuyến này, và không chỉ để mua cái thứ ấy. Nếu bọn mình muốn nói tiếp về chuyện tớ đã qua mặt cậu, được thôi. Nếu cậu bảo cậu không tin tớ nữa, cũng được thôi. Là tớ chắc tớ cũng sẽ không tin. Nếu đúng vậy thì cậu nói ra đi rồi bọn mình sẽ thôi không nói chuyện này nữa.”

Hai chúng tôi im lặng. Cậu ấy có lý. Tôi đang giận điên lên vì mình bị lừa. Đúng hơn là tôi giận điên lên vì cậu ấy đã quyết định như thế và nghiễm nhiên tin là đến lúc cần sẽ thuyết phục được tôi. Nhưng cái cách cậu ấy nói thẳng toẹt rõ ràng ra như vậy lại khiến tôi nguôi giận. Sự im lặng kéo dài đến mức tôi bắt đầu nghĩ sang những việc khác. Rằng tôi thèm cà phê. Rằng có lẽ phải kiểm tra dầu và lốp xe trước khi lên đường về.

Sao mà thèm thuốc thế nhỉ, và tôi châm luôn một điếu cho mình. Francesco cũng vơ lấy bao thuốc của tôi và rút ra một điêu.

“Chẳng có gì là xấu cả. Và cũng chẳng có gì nguy hiểm.”

“Cái này là phần hay nhất đấy. Chẳng có gì nguy hiểm. Bọn mình chỉ phải đi qua Tây Ban Nha, qua Pháp và qua cả nước Ý với những một cân cocain nguyên chất trên xe. Bọn mình chỉ phải đi qua hai cửa khẩu đầy hải quan, quân cảnh, cảnh sát và có trời mới biết còn có những ai nữa. Không nguy hiểm gì hết.” Giọng mình có vẻ mai mỉa đấy, tôi nghĩ bụng. Nhưng thực ra tôi chỉ đang đớp lấy mồi nhử thôi.

“Đơn giản thôi. Bọn mình sẽ đi, à thật ra là chỉ tớ đi lấy hàng thôi vì cái thằng hâm ấy thích chơi trò ra vẻ mình là cá lớn. Bọn mình sẽ đóng gói thật kỹ rồi đem gửi về Bari. Bọn mình gửi về một hòm thư đảm bảo, rồi khi về đến nơi sẽ lấy hàng ra, lấy tiền rồi chia nhau.”

“Sao lại phải chia nhau tiền, tiền mua là của cậu cơ mà?”

“Bọn mình chia sẻ rủi ro mà. Nếu xảy ra chuyện gì lúc gửi hàng, nếu - dù khả năng này ít khi xảy ra - bọn mình buộc phải bỏ chỗ hàng ấy, tóm lại là nếu có bất cứ chuyện gì không lường trước được thì bọn mình vẫn là bạn làm ăn. Nếu mất chỗ hàng cậu sẽ đền lại cho tớ phần của cậu, tức là hai mươi triệu. Nếu mọi chuyện tốt đẹp mà chắc chắn gần trăm phần trăm nó sẽ tốt đẹp, bọn mình sẽ chia nhau phần chênh lệch từ khoản người mua trả. Chia đôi, như thường lệ.”

“Thế nếu bọn mình bị bắt khi đi gửi cái gói đó?”

“Giống chuyện nếu có viên gạch nào từ trên mái rơi vào đầu khi mình đang đi trên phố Sparano trong một chiều xuân yên tĩnh ấy hả? Thôi đi nào, sao bọn mình lại bị bắt được cơ chứ?”

Phải rồi, làm sao bọn họ lại bắt được chúng tôi cơ chứ. Và quả thật nếu đúng như cậu nói thì chuyện này có làm hại ai đâu? Một tay giàu có nào đấy muốn một mình mua trữ cho hắn thì là chuyện riêng của hắn thôi. Tôi lấy mẩu thuốc vừa hút hết châm thêm điếu nữa, Francesco siết chặt bả vai tôi và khẽ lắc tôi như ra hiệu đồng ý.

Từ đó trở đi chúng tôi chỉ bàn về các chi tiết chuẩn bị. Cocain đến từ Venezuela. Loại ấy tốt hơn của Columbia, Francesco bảo thế. Chúng tôi sẽ cho vào một hộp đựng giày rồi phủ đầy cà phê bột xung quanh. Tôi hiểu ra làm như thế sẽ khiến bọn chó bị lẫn mùi, chỉ là để đề phòng thôi. Bọn tôi sẽ gói lại bằng thật nhiều lớp giấy bọc, dán băng dính rồi gửi đi. Dễ dàng, vô hại, sạch sẽ.

Đến lúc ấy thì tôi thấy rõ là Francesco không phải chỉ mới lần đầu làm việc này.

Hai mươi bảy

Bọn tôi cùng đi ra ngoài lúc hoàng hôn. Sức nóng mới chỉ hơi giảm. Francesco mang theo cái ba lô kiểu quân đội của cậu, bên trong có bốn mươi triệu toàn giấy bạc loại năm mươi và một trăm. Hai bọn tôi đi cùng một đoạn đường rồi tách nhau ra. Đêm nay hoặc sáng mai gặp lại nhau ở khách sạn, cậu ấy bảo tôi thế.

Chắc chắn là phải đến sáng mai rồi, tôi nghĩ trong lúc nhìn cậu biến mất giữa những căn nhà và bóng tối đang nhanh chóng sập xuống.

Tôi đi ra công viên sông Turia. Tôi thích cái ý tưởng đi dạo trên cỏ, giữa cây cối, nơi mà trước đây, không biết là bao giờ nữa, đã có dòng sông, có nước, có thuyền. Một thế giới khác hẳn.

Rất nhiều năm sau tôi có lại một cảm giác tương tự - nhưng mạnh hơn nhiều - ở Mont Saint Michel, khi đi bộ trên nền cát ướt giữa những vũng nước khi thủy triều xuống. Tôi phóng tầm mắt ra xa để tìm biển. Tôi tưởng tượng nó sẽ ập đến bất ngờ. Tôi tưởng tượng ra những con sóng thành hình phía cuối chân trời. Một con sóng bạc đầu lớn lẫn với nền trời và những đám mây, kể cả mây cũng rất lớn. Mọi người chạy mất, còn tôi thì cứ đứng đấy, giữa cát và trời, bên phải là ngọn núi và tòa pháo đài.

Tôi ngắm con sóng đến.

Tôi đi dạo trong công viên nhiều giờ đồng hồ. Ngắm mọi người - trai, gái, gia đình với bọn trẻ con - tận hưởng không khí mát lành, và thật lạ, tôi nhận thấy cảm giác của thời thơ ấu, của nỗi u sầu nhẹ nhàng, của những dịp nghỉ. Tôi quên mất Francesco, quên cocain, quên những điều đã xảy ra mấy ngày vừa qua, mấy tháng vừa qua. Tất cả đều ở rất, rất xa. Chỉ còn lại một sự uể oải ngọt ngào. Giống như cảm giác đầu hè thời còn học cấp hai. Hồi ấy mọi thứ đều có thể, thế giới là một khu vườn quyến rũ, sáng chói nhưng cũng đầy những bóng mát mời mọc. Đầy những bí mật tốt đẹp chờ khám phá.

Ai mà hiểu được vì lý do gì tôi lại sống lại da diết đến thế những cảm giác của thời thơ ấu vào cái đêm tháng Tám ấy ở một nơi xa lạ trên đất Tây Ban Nha? Giống như một hòn đảo đột nhiên nổi lên trên tất cả những điều đang xảy ra.

Tôi ăn gì đó, uống bia, hút thuốc rồi nằm xuống bãi cỏ, tay đặt sau đầu. Tôi ngắm bầu trời, cố đọc những chòm sao. Nhưng cũng như mọi khi tôi chỉ nhận ra chòm Đại Hùng.

Rồi tôi ngủ thiếp đi mà không nhận ra.

Hai mươi tám

Ngày hôm sau chúng tôi chuẩn bị hành lý, thanh toán khách sạn rồi đi lấy xe từ ga ra ra. Ba lô của Francesco nằm ở ghế sau. Vẫn cái ba lô cậu mang đi tối hôm qua, đựng tiền. Bây giờ thì đựng ma túy.

Tôi lái xe theo chỉ dẫn của Francesco. Bọn tôi đi ra bưu điện trung tâm. Từ đấy chúng tôi sẽ gửi gói hàng rồi cứ thế bình thản lên đường.

Cực kỳ dễ dàng và sạch sẽ. Nhưng tôi thì sợ đến chết đi được.

Tôi đang lái xe mà cảm thấy như mình mọc thêm hai mắt sau gáy, hai con mắt không tài nào rời được khỏi cái ba lô bé nhỏ nằm ở phía sau đang đựng mười năm tù nếu có chuyện gì không ổn trong cái vụ cực kỳ dễ dàng và sạch sẽ này. Tôi sợ đến chết đi được, còn Francesco rất vui vẻ. Cậu nói đùa, bảo rằng chỉ cần bốn ngày - có thật chúng tôi mới ở đấy có bốn ngày thôi không? - là chán Valencia đến tận cổ rồi. Rằng lần tới chúng tôi sẽ làm một chuyến đi nghỉ thực sự. Vân vân...

Tôi thì sợ đến chết đi được.

Chúng tôi đến trước một tòa nhà to, chắc là bưu điện trung tâm. Tòa nhà to và xấu, nhưng ngoài chuyện ấy thì tôi không nhớ thêm gì nữa. Chúng tôi chầm chậm lướt xe ngang qua cửa chính, Francesco bảo tôi đi vòng quanh khối nhà, và khi ra đến đằng sau cậu ra hiệu cho tôi dừng lại.

Cậu lôi ra một gói màu nâu có hình hộp đựng giày, được bao kín bằng giấy gói hàng và dán băng dính nâu nhạt. Có một địa chỉ hòm thư ở Bari viết bên trên bằng bút dạ màu đen.

Francesco đưa cái gói cho tôi.

“Giờ thì đi đi, ra xếp hàng rồi gửi, tất nhiên là đè một cái tên tưởng tượng vào chỗ người gửi thôi. Tớ đợi cậu trên xe. Cậu quay lại là đi luôn, cho quỷ tha ma bắt cái thành phố này và cái nóng của nó luôn.”

Đi đi.

Cậu ấy bảo tôi đi. Còn cậu ấy chờ ở trên xe.

Thế nếu tôi bị bắt thì sao? Nếu có cảnh sát, nếu bọn họ nghi ngờ, nếu bọn họ bắt tôi mở cái gói ra, vân vân và vân vân? Cậu ấy sẽ làm gì? Còn tôi, tôi sẽ phải làm gì?

Nỗi sợ hãi mù quáng dâng lên trong tôi, một cơn kinh hoàng thực sự. Chỉ có một lần tôi cảm thấy sợ đến thế trong đời, ấy là khi tôi ba bốn tuổi gì đó, mẹ đưa tôi đến công viên rồi để lạc mất tôi. Tôi không nhớ gì khác về cái buổi chiều tháng Tư ấy ngoài một nỗi sự hãi tuyệt đối, cảm giác hoàn toàn mất phương hướng cùng tiếng thút thít tuyệt vọng mà tôi vẫn không tài nào dừng lại được rất lâu sau khi mẹ tìm thấy tôi.

Tôi ngồi đờ ra với cái gói màu nâu để trên đầu gối trong một khoảng thời gian không rõ bao lâu nữa. Tôi tin chắc Francesco hiểu tôi đang cảm thấy như thế nào. Tôi biết thế dù cậu không nói gì, và hoàn toàn không làm gì cả.

Tôi muốn hỏi cậu sao chúng tôi không cùng đi vào bưu điện. Hoặc bảo tôi đã thay đổi ý định, tôi không muốn nhúng tay vào chuyện này nữa. Cậu ấy đi mà gửi cái gói ấy một mình và giữ lại toàn bộ số tiền kiếm được.

Nhưng tôi không tài nào mở miệng được. Không nói được gì. Bầu không khí im lặng bị lấp đầy bởi tiếng kêu ong ong của điều hòa rồi bị phá vỡ bởi giọng nói của Francesco.

“Thôi nào, nhanh đi chứ. Rồi lên đường luôn, tranh thủ trời còn tí ánh sáng.”

Giọng cậu điềm tĩnh. Cậu bảo tôi đi làm cái việc vớ vẩn ấy nhanh lên, bọn tôi phải lên đường và cứ đứng chờ thế này chẳng có ích gì.

Tôi mở cửa xe và máy móc rút chìa khóa xe ra khỏi ổ.

“Cậu làm cái gì đấy, mang chìa khóa đi à? Thế nếu có cảnh sát đến...” Giọng cậu không có gì là căng thẳng cả, bình thường, thậm chí còn hơi vui vẻ. Nhưng tôi thì cảm thấy máu trong người đông lại. Cậu ấy đang bảo là nếu cảnh sát đến thì cậu ấy sẽ phải chạy luôn.

“... Thì phải đậu xe lại chứ. Mình đang đỗ hàng ngang đây này. Nào nhanh lên, cậu làm tớ phát bực rồi đấy.” Tôi đưa chìa khóa cho cậu ấy rồi xuống xe, trong cái nóng. Tôi cứng cả người vì sợ và vì một cảm giác bất lực mà chỉ đến lúc ấy tôi mới nhận thức được.

Trong bưu điện không có điều hòa. Đằng sau quầy có một cái quạt cũ kêu ầm ĩ cố làm mát cho hai nhân viên mặt mũi mệt lử đử. Một hàng vài người xếp trước quầy gửi hàng. Có mùi người, mùi bụi và mùi gì nữa mà tôi không phân biệt nổi. Đằng trước tôi có một bà cao, đậm người, mặc cái váy hoa không tay, những sợi đen dài thò ra từ dưới nách bà ta.

Hai nhân viên bưu điện đủng đỉnh làm, mấy người xếp cùng hàng với tôi cũng có vẻ đủng đỉnh. Để thời gian trôi mau hơn tôi bắt đầu cá cược với mình xem ai sẽ vào bưu điện bây giờ, hoặc ai trong số hai người đang được tiếp ở hai quầy sẽ xong việc trước.

Nếu người tiếp theo vào bưu điện là đàn ông thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, tôi sẽ thoát. Nếu cái ông già trong hàng của tôi xong việc trước, mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Nếu người tiếp theo vào bưu điện là đàn bà thì chắc chắn tôi sẽ thoát, tôi tự nhủ khi trước mặt chỉ còn cái bà lông nách dài tướng đàn ông.

Rồi qua khóe mắt tôi nhìn thấy một bóng người mặc đồng phục. Cảnh sát!

Cảnh báo kinh hoàng này bật lên như được viết trong đầu tôi. Nó được viết to với dấu chấm than bằng bút dạ đen trên một tờ bìa trắng, trồi lên từ một chỗ nào đó trong óc tôi. Giống như một thông báo thô bạo trong một vở kịch a ma tơ.

Chính trong giây phút ấy tôi hiểu ngừng thở thật sự nghĩa là gì. Sau khi thoáng thấy bộ đồng phục đi vào bưu điện, tôi lập tức không dám nhìn nữa mà chỉ chăm chăm vào một điểm trên mặt đất, đâu đó giữa hai cái giày. Tôi muốn chạy trốn, nhưng dù hoảng sợ như vậy tôi vẫn biết như thế sẽ gây chú ý và mọi chuyện không khéo sẽ tệ hơn nhiều. Mặc dù cũng có thể cảnh sát không chỉ tình cờ mà vào đây. Anh ta ở đấy là vì tôi. Có ai đó đã chỉ điểm, họ đã theo dấu chúng tôi và đợi lúc thích hợp nhất để tóm chúng tôi. Hay là để tóm tôi thì đúng hơn, vì chắc chắn Francesco sẽ chạy thoát, với ô tô của tôi. Giờ thì bất kỳ phút nào họ cũng có thể tóm lấy cánh tay tôi và bảo tôi đi theo họ.

Người đàn ông mặc đồng phục đi vượt qua tôi, mở một cánh cửa nhỏ ở bên hông quầy rồi đi sang bên khác. Ông ta đeo một cái túi da lớn trên vai.

Một người đưa thư.

Phải mất đến mấy giây sau tôi mới nhận ra mình đang nín thở, và cuối cùng tôi cũng đã hít thở được.

Khoảng mười lăm phút sau, tôi quay ra xe, châm thuốc rít thật lực, đầu óc trống rỗng còn tay thì run bắn lên không sao kiểm soát được.

Hai mươi chín

Chuyến quay về là một hành trình không nghỉ và kiệt sức, giống như chuyến đi.

Chúng tôi phóng đi, nhấn chân ga như bọn điên, thay nhau lái mà không hề nghỉ, lặp lại con đường mấy hôm trước. Giống như một cuốn băng video được tua nhanh ngược lại, không xem nổi.

Cả chặng đường ấy - ba mươi tiếng thì phải - tôi chỉ nhớ những khúc quanh và những cây cầu treo đáng sợ trên đường cao tốc đoạn biên giới giữa Pháp và Ý. Bấy giờ là ngay trước bình minh. Đến lượt tôi lái xe, trong khi Francesco ngả kịch ghế ra đằng sau nằm ngủ. Tôi kiệt sức và nghĩ thể nào mình cũng thiếp đi, rồi chúng tôi sẽ đâm đầu vào rào chắn ven đường và nhào thẳng xuống khoảng trống đáng sợ chỉ nhìn thoáng thấy kia, phía ngoài lớp bê tông phủ đường, ngoài rào chắn và cột mốc. Francesco sẽ không hề hay biết điều gì đang xảy ra. Còn tôi thì sẽ nhìn thấy, nghe thấy tất cho đến tận giây phút cuối.

Ý nghĩ ấy không làm tôi thấy sợ, và tôi cứ đi tiếp với một tốc độ điên rồ so với con đường đó; hầu như không thèm chạm đến phanh, đôi khi tôi sang số khiến máy xe rít lên vừa vui vẻ vừa giận dữ. Rất nhiều lần tôi lướt đến sát mép vực thẳm bên dưới, khép hờ đôi mắt mỏi mệt của mình và chỉ mở ra đúng lúc để quay nhẹ tay lái đi, một khoảnh khắc trước khi quá muộn.

Chúng tôi về đến Bari vào một tối tháng Tám ngọt ngào, mát mẻ và nhói buồn một cách bất thường so với thời gian này trong năm. Một buổi tối khiến người ta nhận ra hè vẫn còn nhưng đã sắp hết rồi. Khi ta còn bé và tháng Tám mang đến những dấu hiệu mùa thu như thế, một nỗi buồn nhẹ nhàng đặc biệt sẽ xâm chiếm lấy ta.

Những ký ức, hoài niệm trộn cùng với cái cảm giác chắc chắn - hoặc là ảo giác - rằng ta vẫn còn nhiều thời gian lắm.

Thành phố vẫn nguyên như thế và tôi chợt nghĩ mọi thứ sẽ lại quay về đâu vào đấy.

Dù chẳng biết đâu vào đấy nghĩa là thế nào nữa.

Nhưng dù sao thì tôi cũng chuẩn bị đút túi một đống tiền, và bây giờ thì điều ấy đang choán gần hết đầu óc tôi, cho tôi một cảm giác đảo lộn lâng lâng. Tất nhiên tôi chưa biết mình sẽ làm gì với số tiền ấy, nhưng chuyện ấy thì tôi chưa nghĩ tới.

Tạm thời mọi thứ đều đã lùi xa, chuyến đi, nước Tây Ban Nha, Angelica, những lần đi loanh quanh có phần vô thức trong cái thành phố ảo ảnh ấy, bình minh thần thoại trên biển, chuyến gửi gói ma túy, mọi thứ mùi, mọi ánh sáng, mọi tiếng động và cả nỗi sợ của tôi. Tôi phải cố tự thuyết phục mình rằng mọi thứ đã thực sự xảy ra.

Rồi khi đi bộ về nhà, lần đầu tiên tôi chợt nhớ đến bố mẹ, đến việc chỉ lát nữa thôi tôi sẽ gặp lại họ vì họ cũng đã về đến Bari rồi. Tôi đã không hề gọi lại cho bố mẹ sau cú điện thoại trên đường cao tốc buổi sáng khởi hành ấy. Tôi nghĩ đến những điều bố mẹ sẽ nói - cũng phải thôi - rằng tôi biến đi như thế để bố mẹ lo lắng, rằng họ không nhận ra tôi nữa, thế này thế kia. Cảm giác nhẹ nhõm lúc trước giờ tan đi rất nhanh. Tôi bỗng muốn đổi hướng đi, chạy trốn đến một nơi nào khác.

Rồi tôi tự bảo mình đang mệt, quá mệt rồi, và tôi chỉ muốn đi ngủ. Trên giường mình. Tôi tự nhủ bằng cách này hay cách khác mọi chuyện sẽ đâu vào đấy cả thôi.

Bằng cách này.

Hay cách khác.