Gió qua rặng liễu - Chương 09 part 1

CHƯƠNG IX: TẤT CẢ CÙNG ĐI DU LỊCH

Đánh máy: anhngocle (Blog homnayvangaymai.wordpress.com)

Chuột Nước thấy bồn chồn mà không biết chính xác vì sao. Theo các biểu hiện bề ngoài thì vẻ tráng lệ của mùa hè vẫn đang hồi cực thịnh, và tuy màu xanh của những cánh đồng trồng trọt đã nhường chỗ cho sắc vàng kim, những quả thanh hương trà đang dần ửng đỏ và đây đó khu rừng đã thoáng màu hung hung dữ dội, ánh sáng, hơi ấm cùng sắc màu vẫn hiện hữu trên một phạm vi không hề giảm bớt, không bợn chút dự cảm lạnh nhạt nào về những ngày tháng vội trôi qua. Những bản hợp xướng triền miên của các vườn cây ăn quả và các bờ giậu đã rút lại chỉ còn là một bài cầu kinh buổi tối không thường xuyên của số ít những nghệ sĩ không biết mệt mỏi; chú chim cổ đỏ lại đang bắt đầu tự khẳng định mình một lần nữa; và người ta dường như cảm thấy một sự đổi thay khang khác. Loài chim cu cu, cố nhiên, đã lặng tiếng từ lâu; nhưng cả biết bao bè bạn có lông vũ của chúng, suốt mấy tháng đã từng là một phần của phong cảnh quen thuộc ở vùng này cùng cái xã hội nhỏ bé của nó, cũng chẳng thấy đâu, và dường như những loài chim bình thường cũng cứ ngày một giảm bớt. Chuột Nước luôn quan sát tất cả mọi di chuyển của các loài có cánh; và thậm chí khi nằm trên giường vào ban đêm, nó nghĩ, nó cũng có thể nhận biết được nhịp điệu và độ rung của những đôi cánh hối hả bay qua khoảng không đen tối ở trên đầu, vâng theo một tiếng gọi kiên quyết.

Đại khách sạn của Thiên nhiên cũng có mùa của mình như bao khách sạn khác. Khi mà những người khách cứ lần lượt đóng gói, trả tiền rồi ra đi, số ghế tại bàn ăn cơm tháng giảm bớt đến thảm hại trong mỗi bữa ăn kế tiếp; khi mà các dãy phòng phải đóng cửa, các tấm thảm phải nhấc đi và các bồi bàn bị nghỉ việc, những khách trọ còn tiếp tục ở lại tại nhà ký túc cho tới khi khách sạn hoàn toàn mở cửa trở lại vào năm sau không thể không bị tác động đôi chút bởi những sự ra đi cùng những lời chào tạm biệt này, bởi cuộc tranh luận sôi nổi về các kế hoạch, các tuyến đường và các miền đất mới, bởi sự cạn kiệt dần hàng ngày của dòng suối tình bạn. Người ta bắt đầu cảm thấy bối rối, chán nản và đâm ra hay càu nhàu. Cớ sao mà phải thèm khát sự thay đổi như thế này? Sao không cứ tiếp tục lặng lẽ lưu lại nơi đây, như chúng tôi, để mà vui chơi? Các bạn không biết cái khách sạn này vào mùa nghỉ cùng những trò vui mà chúng tôi có cùng nhau đâu. Chúng tôi còn ở lại cho đến hết cả cái năm thú vị này. Hiển nhiên là tất cả những điều đó đúng là như vậy, những kẻ khác bao giờ cũng trả lời thế; chúng tôi rất ghen tị các bạn – thôi để một năm nào khác vậy – còn ngay lúc này chúng tôi đã có những cuộc hẹn – mà xe buýt đã chờ ở cửa – chúng tôi đã hết thời gian rồi! Thế là bọn họ ra đi, với một nụ cười và một cái gật đầu, còn chúng ta thì nhớ họ và cảm thấy bực bội trong lòng. Chuột Nước là loại động vật tự túc được đầy đủ cho mình, và cho dù bất kỳ ai ra đi thì nó vẫn ở lại; vậy mà nó vẫn không khỏi để ý đến những gì đang xảy ra trên không trung và cảm thấy một phần ảnh hưởng của chuyện đó ngấm sâu vào tận xương tủy mình.

Thật khó mà nghiêm túc tập trung vào bất kỳ công việc gì khi mà tất cả những sự di dời này đang diễn ra. Ngay khi rời khỏi ven sông, nơi có các đám cói mọc cao và dày trong một dòng nước đang bắt đầu cạn đi và chảy lững lờ, nó lang thang về phía vùng quê, vượt qua một hai đồng cỏ chăn thả súc vật nom đã xỉn màu và khô héo, rồi tạt vào vương quốc của lúa mỳ chín vàng rập rờn và lao xao, đầy những chuyển động lặng lẽ và những tiếng thì thầm khe khẽ. Nó vẫn thường thích lang thang tại vùng này, qua khu rừng có những thân thảo cứng khỏe chở đi cả cái bầu trời vàng rực của riêng mình phía trên đầu nó – một bầu trời luôn nhảy múa, lung linh, khe khẽ truyện trò hoặc đu đưa mạnh mẽ theo trận gió thổi qua rồi lại đứng thẳng dậy với một cái hất đầu khinh khỉnh và một tiếng cười vui vẻ. Cũng tại nơi đây, nó có nhiều bạn bè nhỏ thó, một xã hội riêng và trọn vẹn, sống những cuộc đời sung túc và bận rộn nhưng bao giờ cũng có một khoảnh khắc rảnh rỗi để chuyện phiếm và trao đổi tin tức với một người khách đến thăm. Tuy vậy, hôm nay, dù rất lịch sự, bọn chuột đồng và lũ chuột đến làm ăn vào vụ gặt cũng có vẻ lơ đãng. Nhiều đứa đang bận rộn đào bới và đục đường hầm; những đứa khác tập hợp thành từng nhóm nhỏ, xem xét bản đồ và bản vẽ các căn hộ nhỏ được công nhận là thích hợp và chắc chắn và có vị trí thuận tiện gần các cửa hàng bách hóa. Vài đứa đang lôi ra những cái rương đầy bụi bặm cùng những thùng đựng quần áo, những đứa khác thì đã đang mải miết đóng gói đồ đạc của mình; trong khi đó những đống và những bó lúa mì, yến mạch, đại mạch, quả sồi và quả hạch nằm la liệt khắp nơi sẵn sàng cho việc chuyên chở.

“Anh bạn Chuột Nước đây rồi!” vừa thoáng thấy bóng nó, chúng đã kêu to lên. “Đến giúp một tay nào, Chuột Nước, đừng quanh quẩn hoài ở đây nữa!”

“Các cậu đang chơi trò gì đấy?” Chuột Nước nghiêm giọng nói. “Các cậu cũng biết là bây giờ chưa phải lúc nghĩ đến các vùng nghỉ đông cơ mà, còn lâu.”

“Ồ phải, chúng tớ biết điều đó,” một chú chuột đồng ngượng ngùng phân bua, “nhưng chuẩn bị sớm thì bao giờ chẳng tốt, phải không? Chúng tớ thật sự phải chuyển tất cả đồ đạc cùng các thứ lương thực dự trữ ra khỏi nơi này trước khi những cỗ máy khủng khiếp kia bắt đầu phành phạch khắp cánh đồng; và sau đó, cậu biết đấy, ngày nay người ta giành địa điểm xây các căn hộ đẹp nhất rất nhanh, nếu chậm chân là phải chịu đủ mọi thiệt thòi. Mà còn phải tốn nhiều công trang trí trước khi những căn nhà đó đủ điều kiện để vào ở nữa chứ. Cố nhiên là bọn tớ chuẩn bị sớm, chúng tớ biết là thế; nhưng bọn tớ mới chỉ bắt đầu thôi mà.”

“Chà, bắt đầu, thật phiền toái,” Chuột Nước nói. “Hôm nay trời rất đẹp. Hãy đi bơi thuyền, đi dạo dọc các bờ giậu, đi pic-nic trong rừng, hoặc chơi một trò gì đó.”

“Ồ, tớ nghĩ, hôm nay thì không được, cảm ơn cậu,” chú chuột đồng vội trả lời. “Có lẽ để một hôm nào khác – khi mà bọn tớ có nhiều thời giờ hơn – “

Chuột Nước khịt khịt mũi tỏ vẻ coi khinh, quay mình bỏ đi, vấp phải một cái hộp đựng mũ và ngã lăn ra, tai nghe thấy những lời bình phẩm bất lịch sự.

“Nếu người ta cẩn thận hơn,” một chú chuột đồng nói, giọng khá mệt nhọc, “và đi đứng thủng thỉnh thì người ta sẽ chẳng bị đau – và chẳng bị thất thố. Chú ý cái túi du lịch kia kìa, Chuột Nước! Cậu nên ngồi xuống một chỗ nào đó thì hơn. Khoảng một hai giờ nữa bọn tớ có thể rảnh tay hơn và chăm sóc cho cậu.”

“Các cậu sẽ không ‘rảnh tay’, theo cách nói của các cậu đâu, khi mà còn lâu mới đến Lễ Giáng Sinh, tớ có thể thấy rõ điều đó,” Chuột Nước vừa nhấm nhẳn đốp lại vừa rón rén từng bước ra khỏi cánh đồng.

Lòng hơi ngao ngán, nó lại quay trở về với dòng sông của mình – dòng sông thân quen thủy chung và kiên định của nó, dòng sông chẳng bao giờ đóng gói đồ đạc, di chuyển hoặc đến những vùng nghỉ đông.

Trong đám liễu gai mọc viền bờ sông, nó bỗng thấy một chú chim nhạn đang đậu. Lát sau lại thêm một chú nữa đến đậu cùng, rồi lại thêm chú thứ ba; và lũ chim vừa không ngừng cựa quậy trên cành cây vừa khẽ trò chuyện với nhau bằng một giọng nghiêm chỉnh.

“Sao, đã đến lúc rồi ư?” Chuột Nước vừa nói vừa bước lại gần bọn chúng. “Việc gì mà vội vàng thế? Tớ thấy việc đó hoàn toàn nực cười đấy.”

“Ồ, bọn tớ chưa rời đi ngay đâu,” chú nhạn đầu tiên trả lời. “Chúng tớ chỉ mới đang vạch kế hoạch và thu xếp mọi việc thôi. Đang bàn bạc, cậu biết đấy – xem năm nay chúng tớ sẽ đi tuyến đường nào, sẽ dừng lại ở đâu, vân vân. Như thế đã là một nửa trò vui rồi!”

“Trò vui ư?” Chuột Nước nói, “bây giờ thì đó lại chính là điều tớ không hiểu. Nếu các cậu buộc phải xa rời cái nơi thú vị này, xa rời bạn nè – những người sẽ nhớ các cậu – cùng những chiếc tổ ấm áp mà các cậu vừa mới dọn vào ở, thì cớ sao khi giờ phút ấy điểm, tớ biết chắc, các cậu lại sẽ dũng cảm ra đi, và đương đầu với biết bao nhọc nhằn phiền toái, đổi thay và lạ lẫm, mà cứ giả bộ như mình không bất hạnh lắm. Nhưng các cậu lại không muốn nói về nơi này hoặc thậm chí chẳng nghĩ gì đến nơi này cho tới khi các cậu thực sự cần đến…”

“Không, cậu không hiểu đâu, tất nhiên là thế,” chú nhạn thứ hai nói. “Trước hết, chúng tớ cảm thấy lòng rộn ràng, một cảm xúc bồn chồn êm ái; rồi sau đó, những kỷ niệm lần lượt trở về giống như những chú bồ câu đưa thư. Chúng cứ rập rờn suốt trong những giấc mơ của chúng tớ vào ban đêm và cùng chúng tớ bay lượn thành những vòng tròn vào ban ngày. Chúng tớ khao khát được hỏi thăm nhau, được trao đổi ý kiến và khẳng định với nhau rằng tất cả thật sự đều đúng khi mà những mùi hương, những âm thanh và những địa danh đã bị quên lãng từ lâu lại lần lượt trở về và vẫy gọi chúng tớ.”

“Các cậu không thể ở lại, chỉ năm nay thôi, được ư?” Chuột Nước bâng khuâng gợi ý. “Bọn tớ sẽ cố hết sức để các cậu cảm thấy thoải mái như ở nhà. Các cậu không biết rằng trong thời gian các cậu đi xa, bọn tớ vui chơi thoải mái thế nào đâu.”

“Có một năm, tớ đã cố thử ở lại,” chú nhạn thứ ba nói. “Vì đã ngày càng yêu mến nơi này nên khi thời hạn đó đến, tớ cứ chùng chình nán lại và để các bạn khác ra đi. Vài tuần đầu mọi việc đều khá ổn, nhưng về sau, ôi những đêm dài mới buồn chán làm sao! Những ngày lạnh đến run người và không có ánh nắng! Bầu không khí thì ẩm ướt và lạnh thấu xương, và khắp một mẫu(29) đất không đào đâu ra một con côn trùng! Không, chẳng tốt đẹp chút nào; tinh thần tớ suy sụp, và tớ bay đi vào một đêm bão tố lạnh lùng, vì có những trận gió đông rất mạnh nên tớ cứ bay sâu vào vùng nội địa. Lúc tớ vỗ cánh bay qua những ngọn đèo giữa những quả núi lớn thì tuyết rơi rất dày, và tớ đã phải chiến đấu gian khổ mới vượt qua được. Nhưng tớ sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác sung sướng khi mặt trời nóng bỏng lại chiếu vào lưng khi tớ giảm dần tốc độ, sà xuống những cái hồ trong xanh biết mấy ở phía dưới, và cái mùi vị của chú côn trùng béo ngậy đầu tiên của tớ! Quá khứ giống như một cơn ác mộng, tương lai lại là một kỳ nghỉ hoàn toàn vui vẻ khi mà tuần nọ nối tiếp tuần kia tớ cứ di chuyển về hướng nam một cách ung dung, lờ lững và nấn ná trong một thời gian có thể chấp nhận được, nhưng lúc nào tớ cũng chú ý đến tiếng gọi đó! Không, trước đó tớ đã nhận được lời cảnh báo, và tớ sẽ không bao giờ nghĩ đến việc không chấp hành mệnh lệnh nữa.”

“Chà, đúng thế, tiếng gọi của phương Nam, của phương Nam!” hai chú nhạn kia kêu líu lo, giọng mơ hồ. “Những bài ca, những sắc màu và vẻ rạng rỡ của phương ấy! Ồ, cậu có nhớ không…” và, quên bẵng sự có mặt của Chuột Nước, chúng chìm đắm vào những hồi tưởng da diết, còn Chuột Nước thì cứ mê mẩn lắng nghe, lòng nóng bỏng khát khao. Nó biết là cuối cùng thì trong lòng nó cũng ngân vang cái hợp âm bấy nay vẫn im lìm và không được để ý tới. Chỉ riêng những tiếng ríu rít của mấy chú chim sắp di trú về phía nam này, những mẩu tường thuật sơ sài và gián tiếp của chúng đã có đủ sức mạnh để khơi dậy cái cảm giác mới mẻ và cuồng nhiệt này và khiến nó rộn ràng hồi hộp; một khoảnh khắc của cái cảm xúc đích thực ấy sẽ tạo ra được những gì trong lòng nó – một cái vuốt ve nồng nàn của ánh nắng phương nam đích thực, một mùi hương chính cống thoảng qua? Nó nhắm mắt lại cố mơ màng trong một khoảng khắc hoàn toàn mê đắm và khi lại mở mắt nhìn, nó thấy dòng sông dường như xám ngắt và lạnh lẽo, những cánh đồng màu xanh lá cây trở nên buồn tẻ và u tối. Rồi trái tim chân thật của nó dường như gào to phản đối bản chất yếu đuối của nó vì đã tỏ ra bội bạc.

“Vậy cớ sao các cậu lại vẫn cứ quay trở lại?” nó gặng hỏi bầy nhạn một cách đố kỵ. “Các cậu thấy có cái gì hấp dẫn ở cái miền quê nhỏ bé, buồn tẻ và nghèo nàn này?”

“Và cậu cho rằng,” chú nhạn đầu tiên nói, “cái tiếng gọi khác cũng không phải dành cho bọn tớ, khi mùa của nó đến ư? Tiếng gọi của đồng cỏ sum suê, những vườn cây ăn quả ẩm ướt, những cái ao ấm áp côn trùng thường lui tới, của những đàm gia súc đang gặm cỏ, của việc cắt cỏ đem phơi và tất cả nhà kho, chuồng trại xúm quanh Tòa nhà Chính với Các Mái hiên Hoàn hảo ấy mà!”

“Cậu có cho rằng,” chú nhạn thứ hai hỏi, “cậu là sinh vật duy nhất mòn mỏi mong chờ và thèm khát được lại một lần nữa nghe nhạc của loài chim cúc cu không?”

“Rồi sẽ đến lúc,” chú nhạn thứ ba nói, “bọn tớ sẽ lại buồn nhớ về những cây hoa súng lặng lẽ đu đưa trên mặt nước của một dòng suối tại Anh quốc. Nhưng hôm nay tất cả những thứ đó đều mờ nhạt và còn ở mãi tít xa. Đúng lúc này máu trong mình chúng tớ nhảy múa theo điệu nhạc khác.”

Chúng lại ríu ra ríu rít với nhau một lần nữa, và lần này chúng say sưa thao thao bất tuyệt về những vùng biển tím, những bãi cát vàng nâu và những bức tường thằn lằn thường lui tới.

Cảm thấy bồn chồn, Chuột Nước lại tha thẩn rời khỏi nơi đó. Nó trèo lên con dốc thoai thoải cao dần lên từ bờ bắc của dòng sông và trải dài về phía những Đồi cỏ thấp tạo thành một vòng tròn lớn che khuất tầm nhìn của nó về hướng nam – cái chân trời bình dị của nó xưa nay, đối với nó thì đó là Những Rặng Núi của Mặt trăng(30), cái ranh giới mà nó chẳng cần nhìn hoặc biết những gì nằm ở phía bên kia. Hôm nay, đối với nó việc ngắm nhìn phương Nam lại là một nhu cầu mới mẻ đang thôi thúc trong lòng, bầu trời quang đãng phía trên hình dáng dài và thấp của những quả đồi ấy lại rộn ràng hứa hẹn; hôm nay những gì không nhìn thấy lại là tất cả, những gì chưa được biết đến lại là sự thật chính cống duy nhất về cuộc đời. Giờ đây, ở phía bên này những quả đồi kia là khoảng trống thực sự, còn ở phía bên kia là toàn cảnh nhộn nhịp và đầy màu sắc mà con mắt trong tâm hồn nó đang nhìn thấy rất rõ ràng. Những vùng biển trải ra xa tít, xanh rờn, sóng nhấp nhô tung bọt trắng mới tuyệt vời làm sao! Những bờ cát ngập nắng, dọc theo đó là những tòa biệt thự màu trắng lung linh nổi bật trên nền rừng ô-liu mới tuyệt vời làm sao! Những bến cảng yên tĩnh đầy những tàu thuyền lộng lẫy sắp sửa lên đường tới những hòn đảo đỏ tía tràn trề rượu vang và đồ gia vị, những hòn đảo lô nhô trên mặt nước lặng lờ mới tuyệt vời làm sao!

Nó đứng dậy và đi xuống phía dòng sông một lần nữa, rồi đổi ý và tìm đến ven con đường hẹp đầy bụi bặm. Tại đó, trong lúc nằm ẩn mình dưới bờ cây thấp rậm rạp và mát mẻ viền dọc con đường, nó có thể trầm ngâm suy nghĩ về con đường rải đá cùng toàn bộ cái thế giới kỳ diệu mà con đường ấy dẫn tới, về tất cả những du khách đã từng đặt chân lên đó nữa, và về cái vận may cùng những cuộc phiêu lưu mà họ đã ra đi để tìm kiếm hoặc đã gặp được mà không phải kiếm tìm – ở đằng xa, mãi tít xa – mãi tít xa!

Có tiếng những bước chân, và bóng dáng người khách bộ hành đang hơi uể oải bước đi hiện ra; và nó nhận ra rằng đó là một bác Chuột, mà là một bác Chuột mình đầy bụi bặm. Khách bộ hành, khi đến gần nó, đã chào bằng một cử chỉ nhã nhặn có vẻ hơi lạ lùng – rồi với một nụ cười vui vẻ, quay gót trở lại từ con đường mòn và ngồi xuống bên cạnh nó trên thảm cỏ mát rượi. Bác ta dường như đang mệt mỏi, và Chuột Nước để bác ta nghỉ mà không hỏi han gì cả vì hiểu được một phần những gì bác ta đang suy nghĩ, và cũng biết cái giá trị của việc tất cả các con vật đôi khi chỉ dành sự yên lặng cho tình bạn, khi mà các cơ bắp mỏi mệt chùng xuống còn đầu óc thì cứ suy nghĩ hoài.

Khách bộ hành này gầy gò, có những đường nét sắc sảo và đôi vai hơi còng xuống; hai bàn tay bác ta mỏng và dài, hai khóe mắt có nhiều nết nhăn, và bác ta đeo đôi khuyên vàng nhỏ ở đôi tai đẹp gọn ghẽ. Bác ta vận chiếc áo len dệt cổ chui màu xanh lơ đã bạc, cái quần lửng vá víu và bám bẩn trên màu xanh lơ chủ đạo, còn các món đồ dùng cá nhân nhỏ bé mà bác ta mang theo thì được gói trong một chiếc khăn tay vải bông xanh lơ.

Sau khi đã nghỉ ngơi một lát, vị khách lạ thở dài, hít hít không khí rồi nhìn quanh.

“Kia là cỏ ba lá, cái mùi hương ấm áp của nó cứ thoang thoảng trong ngọn gió hiu hiu,” bác ta nhận xét; “Còn kia là những con bò đang gặm cỏ ở phía sau chúng ta và đang phì phò thở khẽ mỗi khi mồm đầy cỏ. Có tiếng những chiếc máy gặt ở đằng xa, và xa hơn nữa là một làn khói xanh bốc lên từ những túp nhà tranh nổi bật trên nền khu rừng. Dòng sông chảy ở đâu đó không xa lắm, bởi vì tôi nghe thấy tiếng gọi của một con gà gô mái, và cứ bằng vào vóc dáng của anh thì tôi biết anh là một thủy thủ đường sông. Vạn vật dường như đang say ngủ, vậy mà lúc nào cũng cứ tiếp diễn. Anh sống một cuộc sống thật là đẹp, anh bạn ạ; rất có thể là cuộc sống đẹp nhất thế gian, nếu anh có đủ sức khỏe để mà sống cuộc sống đó!”

“Phải, đúng là cuộc sống đó, cuộc sống duy nhất để mà sống,” Chuột Nước mơ màng trả lời, thiếu hẳn niềm tin chắc chắn thường khi của mình.

“Tôi không nói hẳn như vậy,” vị khách lạ cẩn trọng đáp, “nhưng rất có thể đó là cuộc sống tốt đẹp nhất. Tôi đã thử sống rồi nên tôi biết. Và bởi đã thử sống cuộc sống đó – sáu tháng trời – và biết đó là cuộc sống tốt đẹp nhất, mà lúc này tôi ở đây, chân chồn bụng đói, lê bước rời xa nó, lặn lội về phương nam, theo tiếng gọi thân quen, trở về với cuộc sống thân quen, cuộc sống của tôi, cái cuộc sống sẽ không chịu để tôi rời xa nữa.”

“Vậy lần này có phải là lại có tiếng gọi của nó không?” Chuột Nước tự nói với mình. “Thế bác vừa từ đâu đến vậy?” nó hỏi. Nó chẳng dám hỏi xem bác ta sắp sửa đi đâu, dường như nó đã biết quá rõ câu trả lời rồi.

“Từ một trang trại nhỏ bé xinh đẹp,” vị khách bộ hành trả lời ngắn gọn. “Mãi ở phía trên kia” – bác ta hất đầu về hướng bắc – “Đừng bận tâm gì về điều đó. Tôi đã có mọi thứ mà tôi muốn – mọi thứ mà tôi có quyền trông đợi ở cuộc sống, và còn hơn thế nữa; vậy mà lúc này tôi ở đây! Tuy thế vẫn cứ vui mừng được ở đây, vui mừng được ở đây! Đã bớt được biết bao dặm đường xa, đã bớt được biết bao giờ đồng hồ trước khi về tới nơi lòng tôi mong chờ!”

Đôi mắt bác ta nhìn chằm chằm vào đường chân trời và bác ta dường như đang chú ý lắng nghe một âm thanh nào đó còn thiếu vắng ở cái vùng nội địa này, âm thanh đó quả thật có cùng giọng với thứ âm nhạc tươi vui của đồng cỏ chăn thả gia súc và sân trại.

“Bác không phải là một người thuộc dạng chúng cháu,” Chuột Nước nói, “chẳng phải một trại chủ, và theo nhận xét của cháu thì bác thậm chí còn không phải là người của xứ này.”