Những người khốn khổ - PHẦN II - Quyển VI - Chương 03 - 04 - 05

III

NHỮNG ĐIỀU NGHIÊM KHẮC

Đợi được vào dòng ít nhất phải hai năm, nhiều khi bốn năm; thời gian tập sự phải bốn năm. Rất hiếm có những bà được khấn nguyện trước tuổi hăm ba, hăm bốn. Dòng tu Bécnađin-bênêđichtin của Máctanh Vécga không nhận vào dòng mình những phụ nữ góa chồng.

Ở trong tu phòng, họ tự dằn vặt, tự đầy đọa xác thịt một cách lạ lùng mà không bao giờ nói với ai. Ngày được chính thức khấn nguyện người nữ tu sĩ mặc những quần áo đẹp nhất, đầu chít một vành hoa hồng trắng; người ta chải dầu thơm và tết tóc cho bà, rồi bà quỳ xuống; người ta phủ lên mình bà một tấm màn đen và hát bài cầu hồn. Bấy giờ các tu sĩ phân ra thành hai hàng, một hàng đi sát bà và nói với một giọng rầu rĩ “Người chị em của chúng ta đã chết” và hàng người kia trả lời với một giọng âm vang “Sống trong lòng Giêsu Cơrít”.

Thời kỳ xảy ra câu chuyện này, trong tu viện có một nhà lưu trú. Nhà lưu trú dành cho các con gái quý tộc, phần lớn là giàu; trong số đó có tiểu thư Xanhtơ Olerơ, tiểu thư Đơ Bêlixen và một cô gái người Anh, mang cái tên nổi tiếng trong giới công giáo là Tanbô. Những cô gái được các tu sĩ nuôi dạy trong bốn bức tường kín, lớn lên với lòng ghê sợ xã hội và ghê sợ cuộc đời: một cô trong số đó có lần nói với chúng tôi: “Chỉ nhìn thấy cái lề đường cũng đủ làm cho tôi ghê sợ rùng mình từ gáy đến chân”. Các cô gái ấy mặc quần áo màu xanh, đội mũ chụp trắng và mang một hình Chúa Thánh Thần bằng bạc hay đồng mạ vàng trước ngực. Vào một số ngày lễ lớn, đặc biệt là vào ngày lễ Xanhtơ Máctơ, tu viện cho phép họ, coi như là một đặc ân và một hạnh phúc lớn lao, mặc áo như các nữ tu sĩ, đi dự lễ và thực hiện mọi biện pháp tắc của thánh Bơnoa suốt một ngày. Lúc đầu các tu sĩ cho họ mượn quần áo đen của mình. Nhưng như thế có phần phàm tục nên mẹ nhất cấm. Chỉ có các tu sĩ mới nhập dòng mới được phép mượn quần áo. Đáng chú ý là những chuyện ấy, có lẽ được xem như bình thường và khuyến khích ở trong tu viện vì một nhiệt tình truyền đạo và để cho các cô gái nhỏ ấy sớm ưa thích cái bộ áo thiêng liêng, lại là một hạnh phúc thực sự và một điều giải trí đối với họ. Các cô gái nhỏ ấy vui thích một cách hồn nhiên. Đó là một cái mới lạ, nó làm cho họ thay đổi. Thật là những lý do thơ ngây của tuổi trẻ, không thể làm cho chúng ta, những người lớn, trải đời, hiểu được cái sung sướng được cầm cái cần rẩy nước thánh và đứng hàng giờ, tay bốn cùng hát tụng trước giá Kinh.

Những nữ sinh lưu trú này, trừ phần kỷ luật khắc khổ, cũng phải theo hết các tập tục của tu viện. Có cô đã trở về nhà và đi lấy chồng mấy năm rồi mà vẫn chưa bỏ được thói quen nói vội vàng “đời đời” khi nghe có tiếng người gõ cửa. Cũng như các nữ tu sĩ, những cô gái lưu trú chỉ được gặp người nhà ở phòng khách. Những bà mẹ của họ cũng không được phép ôm hôn con. Đây là một ví dụ chứng tỏ sự nghiêm ngặt ấy có thể đến mức như thế nào. Một hôm một cô gái có người mẹ đến thăm, đi cùng với em gái cô, mới ba tuổi. Em bé khóc và muốn hôn chị. Không thể được. Cô gái lưu trú chỉ xin phép cho em cô đưa bàn tay nhỏ qua chấn song để cô có thể hôn bàn tay em. Điều này cũng bị từ chối gần như tàn nhẫn.

IV

NHỮNG NIỀM VUI

Tuy vậy những cô gái lưu trú ấy cũng đã để lại trong nhà tu nghiêm nghị này những kỷ niệm tươi vui.

Có những lúc tuổi trẻ chói sáng ngời ngời trong nhà tu kín này. Giờ ra chơi vừa điểm. Một cánh cửa quay trên bản lề. Chim trên cành bảo nhau: đây! Các bạn nhỏ đây! Tuổi trẻ vui tươi bỗng như nước phun lên, tràn ngập cái vườn có cây thập tự giống như một tấm vải liệm. Những khuôn mặt rạng rỡ, những vầng trán trắng tinh, những cặp mắt ngây thơ đầy ánh sáng tươi vui, tất cả các thứ ánh bình minh tỏa ra giữa bóng đêm đen tối ấy. Sau những giờ nguyện kinh, những tiếng chuông, những hồi chuông gọi, những tiếng chuông báo tử, những buổi lễ, bỗng nhiên nổ tung ra cái tiếng ồn ào của các cô gái nhỏ và mỗi con ong mang mật của nó đến. Chơi đùa, gọi nhau, túm năm, tụm ba, chạy nhảy, những hàng răng ngọc ngà xinh xắn, bi bô ở từng góc. Những tấm màn che mặt, từ đằng xa, giám sát các tiếng cười, bóng tối đang rình tia sáng. Nhưng mặc kệ, các em vẫn tươi vui, sáng rỡ, nói nói cười cười. Bốn bức tường thê thảm ấy có những phút sáng ngời.

Như được ánh chói của bao nhiêu vui tươi làm cho trắng lên, chúng đứng chứng kiến những đàn ong kia bay lượn êm đềm. Đúng là một trận mưa hoa hồng đổ xuống một cảnh tang tóc. Các em gái nhỏ bay lượn dưới con mắt của các bà tu sĩ. Cái nhìn của nghiêm túc tuyệt đối không làm cho ngây thơ phải lúng túng. Nhờ có những em gái nhỏ ấy mà giữa bao nhiêu giờ phút nghiêm khắc kia có một giờ thơ ngây. Các em gái bé nhảy nhót, các em gái lớn nhảy múa. Ở nhà tu kín này trong nô đùa của trẻ con như có trời xanh. Không gì tươi sáng và huy hoàng, đường bệ, như những linh hồn tươi mát như hoa nở ấy. Omerơ cũng muốn đến đây cười đùa với Perô[107] trong cái vườn đen tối này có tuổi trẻ, có lành mạnh, có tiếng động, có tiếng kêu, có sự quay cuồng vui nhộn, có thú vui, có hạnh phúc, có thể làm cho tất cả những bà cố của anh hùng ca, của cổ tích, của ngai vàng, cũng như của lều tranh, từ Hêquýbơ đến Marơ Gơrăng, phải vui cười, giảm hết vết nhăn trên mặt.

[107] Homere: nhà thơ cổ đại Hy Lạp, tác giả những chiến hùng ca Iliat và Ođixê nổi tiếng; Perrault: nhà thơ Pháp thế kỷ 17, tác giả những chuyện thần tiên nổi tiếng viết cho trẻ con như chuyện Em bé tí hon.

Trong cái nhà này, có lẽ hơn bất cứ ở đâu, người ta được nghe nhiều những lời trẻ con lúc nào cũng ý nhị làm cho mọi người cười và mơ mộng. Chính ở giữa bốn bức tường ảm đạm này, một em gái nhỏ năm tuổi một hôm thốt lên câu này: “Mẹ ơi! Một chị lớn vừa bảo con rằng chỉ còn phải ở đây 9 năm 10 tháng nữa thôi. Sung sướng quá nhỉ!”

Cũng ở đây người ta đã được nghe những câu đối thoại đáng ghi nhớ mãi mãi này:

Một mẹ tư vấn: - Con ơi sao con khóc?

Em gái nhỏ (sáu tuổi) nức nở: Con bảo Alixơ rằng con thuộc lịch sử Pháp. Alixơ cứ bảo là con không thuộc, thế mà con thuộc thật.

Alixơ (em lớn, chín tuổi): Không, nó không thuộc đâu.

Mẹ: Con ơi! Thế nào là nó không thuộc?

Alixơ: Nó bảo con là cứ mở quyển sử ra, bất cứ trang nào và hỏi nó một câu có ở trong sách, nó sẽ trả lời được cho coi.

- Thế rồi sao?

- Nó không trả lời được.

- Xem nào, con hỏi nó câu gì?

- Con đã mở quyển sách như nó bảo và đã hỏi nó câu hỏi đầu tiên con thấy.

- Thế câu hỏi ấy là câu hỏi gì?

- Như thế này: Sau đó thì thế nào?

Cũng ở đây, ta nghe thấy một lời nhận xét sâu sắc về một con vẹt hơi tham ăn của một bà lưu trú:

- Con vẹt này mới ngộ chứ. Nó ăn cái phần nhân trên bánh, như là người ấy.

Cũng ở trên một viên đá lát nhà tu kín ấy, người ta đã nhặt được những lời thú tội sau đây của một kẻ phạm tội lên bảy tuổi chép trước vào giấy để khỏi quên.

“- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội hà tiện.

- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội ngoại tình.

- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội ngửa mặt lên nhìn đàn ông”.

Cũng ở trên một chiếc ghế đá trong vườn này, một cái miệng hồng sáu tuổi đã đặt ra câu chuyện nhỏ này mà những cặp mắt xanh bốn, năm tuổi nghe chăm chú:

- Ngày xưa có ba con gà sống ở một xứ có nhiều hoa. Chúng nó hái hoa bỏ vào túi. Xong rồi chúng nó hái lá để vào đồ chơi của chúng. Trong xứ ấy có một con chó sói và ở đấy có nhiều rừng; con sói thì ở trong rừng. Và con sói đã ăn thịt mấy con gà sống nhỏ.”

Và còn bài thơ nhỏ này nữa:

Xảy ra câu chuyện đánh một gậy

Ấy là Pôlisinen đã đánh cho con mèo một gậy

Chuyện ấy không tốt cho Pôlisinen, chuyện ấy đã làm hại nó.

Thế là một bà lớn bắt Pôlisinen bỏ tù.

Ở đấy có một em bé gái bị bỏ rơi, được tu viện nhặt nuôi làm phúc. Khi em nghe các bạn khác nói đến mẹ các bạn ấy, em ngồi trong xó thì thầm câu nói hiền dịu và xót xa này:

- Em thì khi em ra đời, mẹ em không có ở đây.

Có một nữ tu sĩ phụ trách liên lạc với người ngoài to béo. Lúc nào người ta cũng thấy bà lật đật - ở các hành lang với chùm chìa khóa, tên bà là Agatơ. Các em gái lớn, hạng mười tuổi trở lên, đặt cho bà ấy cái tên Agatôcơlê.[108]

[108] Agatheclas: đồng âm với Agatthe aux cléc: Agatơ chữa khóa.

Nhà ăn, một gian rộng, vuông, ánh sáng chỉ lọt qua một hành lang có cột, liền ngay với vườn tu viện, thì lúc nào cũng tối và ẩm và như lời các trẻ nhỏ vẫn nói: đầy những sâu bọ. Tất cả các góc nhà xung quanh đều có sâu bọ bò đến, do đó mỗi góc có một cái tên riêng tiêu biểu trong ngôn ngữ của các cô gái nhỏ: có góc nhện, góc sâu, góc bò cạp, góc dế; góc dế thì gần bếp và các em gái nhỏ rất thích góc ấy. Ở đấy không lạnh bằng các chỗ khác. Những tên ấy, từ nhà ăn đã lan sang nhà lưu trú và được dùng để phân biệt bốn “dân tộc” như ở trường Madaranh cũ. Mỗi em gái đều thuộc một trong bốn “dân tộc” ấy tùy theo góc phòng em vẫn ngồi bữa ăn. Một hôm Đức Tổng giám mục, trong một cuộc kiểm tra, thấy một em gái xinh, hồng hào, với một bộ tóc vàng tuyệt đẹp, đi vào trong lớp ngài đang thăm. Ngài hỏi một em gái lưu trú xinh xắn khác tóc đen, đang ngồi cạnh ngài:

- Em gái nào đấy?

- Thưa Đức giám mục, đấy là một con nhện.

- Thế à, còn em kia?

- Một con dế.

- Và em này?

- Một con sâu.

- Thực ư: thế con cháu?

- Thưa Đức giám mục, cháu là một con bò cạp.

Mỗi một tu viện như tu viện này đều có những nét riêng biệt của nó. Đầu thế kỷ này, Ecuen là một trong những cái nhà ấy, xinh tươi và nghiêm nghị, ở đó các cô gái nhỏ lớn lên, dưới một bóng mát thiêng liêng. Ở Ecuen, những cô gái được xếp hàng vào đám rước Mình Thánh, chia ra những “cô gái đồng trinh” những “cô gái hoa”. Rồi còn những “cô gái lọng”, những “cô gái bình hương” là những cô cầm đài lọng, những cô đốt hương trước Mình Thánh. Hoa thì các cô “gái hoa” được quyền giữ lấy. Bốn “cô gái đồng trinh” đi đằng trước. Buổi sáng ngày lễ lớn ấy, người ta thường nghe thấy ở trong phòng ngủ các em gái nhỏ hỏi nhau:

- Đứa nào trinh đấy?

Bà Căngpăng nhắc lại lời một em nhỏ bẩy tuổi nói với một em lớn mười sáu tuổi, cô lớn đi đầu đám rước, còn cô nhỏ đứng ở đàng đuôi:

- Chị thì trinh, còn em thì không trinh.

V

NHỮNG TRÒ GIẢI TRÍ

Phía trên cửa vào phòng ăn, có viết bằng chữ lớn màu đen bài Kinh này mà người ta gọi là Patơnôtơrơ trắng, nó có cái màu nhiệm đưa thẳng người ta lên thiên đường:

“Patơnôtơrơ trắng nhỏ, mà Chúa làm, mà Chúa đọc, mà Chúa đặt lên thiên đường. Buổi tối tôi đi nằm, tôi trông thấy (nguyên văn) ba thiên thần nằm “ngị” ở giường tôi, một ở chân giường, một ở đầu giường và ở giữa là Đức mẹ đồng trinh Maria. Đức Mẹ bảo tôi cứ nằm “ngị” ở giường và đừng “ngị” gì. Chúa là cha tôi, Đức mẹ đồng trinh là mẹ tôi, ba đấng tông đồ là anh tôi, ba nữ đồng trinh là chị tôi. Chiếc áo lót đỡ mình Chúa khi Chúa ra đời bao bọc thân tôi. Thập tự giá Xanhtơ Mácgơritơ vẽ trên ngực tôi. Đức Mẹ đồng trinh đi ra đồng, Chúa khóc lóc tìm “thấy” ngài Xanh Giăng. Ngài Xanh Giăng, ngài ở đâu đến đấy? Tôi ở lễ Avê Xaluyxơ đến. Ngài có trông “thấy” Chúa không? Có không? Chúa ở trong cây thập tự, hai chân buông thõng hai tay đóng đanh, một chiếc mũ gai nhọn trắng trên đầu. Ai đọc ba lần lời cầu nguyện này buổi chiều, ba lần buổi sớm, sẽ lên thiên đường chắc chắn”.

Năm 1827 lời nguyện ấy đã biến mất dưới ba lần vôi trắng. Bây giờ lời nguyện ấy cũng đang mờ dần trong ký ức của vài người, hồi ấy là thiếu nữ, bây giờ là bà già.

Một cây thập tự lớn treo ở tường, hoàn thành việc trang trí phòng ăn này, mà cái cửa sổ ra vào duy nhất, như chúng tôi đã nói, mở ngay ra vườn. Hai chiếc bàn hẹp với mỗi bên có ghế dài gỗ, làm thành hai dẫy dài song hành, đi từ đầu đến cuối phòng ăn. Tường trắng, bàn đen; chỉ có hai màu tang đó thay đổi nhau trong các tu viện. Các bữa cơm cũng có vẻ khắc khổ và thức ăn cho chính các trẻ lưu trú cũng kham khổ. Một món thôi: thịt trộn rau, hay cá muối, thế là sang đấy. Cái thực đơn thường ngày ngắn ngủi ấy dành riêng cho các cô gái lưu trú, cũng là một biệt lệ. Các em nhỏ ăn và im lặng, dưới sự canh gác của mẹ trực tuần; nếu có một con ruồi vô cớ bay vo ve trái phép tắc thì mẹ ấy mở và đóng ồn ào một quyển sách bìa gỗ. Cái im lặng ấy có pha thêm những đoạn sự tích các vị thánh, đọc to, trên một cái bàn nhỏ, ở dưới chân cây thánh giá. Người đọc là một học trò lớn trực tuần. Từng quãng, từng quãng, đặt trên bàn không có khăn phủ, những cái chậu đất đánh bóng để học trò rửa bát đĩa, hay đôi khi vứt thức ăn bỏ đi, miếng thịt rắn hay miếng cá ươn. Làm như thế là bị trừng phạt. Người ta gọi những cái chậu đất ấy là những “khoanh nước”.

Em nào làm ồn phải thực hiện “chứ thập lưỡi”. Ở đâu? Ở dưới đất. Em đó liếm đất. Cát bụi, kết thúc mọi vui sướng trên đời, có trách nhiệm trừng phạt những chiếc lá nhỏ đáng thương của cánh hồng vi phạm tội líu lo.

Ở trong tu viện có một quyển sách xưa nay chỉ in có một bản, mà người ta cấm đọc. Đó là cuốn Kỷ luật của thánh Bơnoa. Thâm cung mà không con mắt ngoài đời nào được dòm ngó tới “Nemo regulas seu constitutiones nostras, externis communicabit”.[109]

[109] Châm ngôn Latinh có nghĩa là: Không ai có quyền công bố cho nước ngoài biết hiến pháp, luật lệ của ta.

Thế mà các cô gái lưu trú một hôm lấy trộm được quyển sách ấy và họ đọc ngốn ngấu, đọc liên tục, thỉnh thoảng phải dừng lại và đóng sập quyển sách vì sợ bị bắt gặp. Tuy nhiên sự nguy hiểm lớn lao đó chỉ đem lại cho họ một sự thích thú xoàng. Vài trang rất tối nghĩa về những tội của các cậu trai trẻ tuổi, đó là những điều “lý thú nhất” mà các cô gái nhỏ này đọc được.

Họ chơi đùa trên một lối đi trong vườn, hai bên có hàng cây ăn quả, khẳng khiu. Mặc dù có sự canh gác rất nghiêm ngặt và những sự trừng phạt rất nặng nề, khi gió mạnh rung cây, họ cũng có thể nhặt được một quả táo xanh, một quả mơ thối hay một quả lê sâu. Bây giờ tôi nhường lời cho một bức thư mà tôi đang có ở trước mắt, một bức thư viết cách đây đã 25 năm, của một cô gái lưu trú, bây giờ là bà công tước…, một trong những phụ nữ lịch sự nhất ở Pari. Tôi xin kể nguyên văn: “Chúng tôi cất giấu quả lê hay quả táo bằng mọi cách. Khi lên gác đeo màn che mặt để chuẩn bị ăn tối, chúng tôi giấu nó dưới gối, đến lúc đi ngủ thì đem ra ăn trong giường. Nếu không làm thế được thì ăn trong lúc đại tiểu tiện”. Đó là một niềm khoái chá lớn nhất của họ.

Một lần, cũng trong một dịp Đức Tổng giám mục đến thăm tu viện, một thiếu nữ, tiểu thư Busa, có một chút máu Momôrăngxy đánh cuộc rằng sẽ xin Đức Tổng giám mục cho phép nghỉ một ngày. Đó là một chuyện quái gở trong một tu viện nghiêm ngặt như vậy. Người ta nhận cuộc, nhưng không một ai tin cả. Đến giây phút quyết định, khi Đức Tổng giám mục đi ngang qua mặt các cô gái lưu trú, tiểu thư Busa, trước sự hãi hùng của tất cả các bạn, ở trong hàng tiến ra và nói: “Thưa Đức Tổng giám mục, con xin phép một ngày”. Tiểu thư Busa, tươi trẻ và cao, có gương mặt hồng hồng xinh nhất trên đời. Đức Đức Tổng giám mục Đơ Kêlen cười và nói: “Con yêu quý của cha, thế nào, một ngày thôi à! Cho con nghỉ ba ngày, con bằng lòng chứ? Cha cho con nghỉ ba ngày”. Mẹ nhất không biết nói năng làm sao cả khi Đức Tổng giám mục đã phán. Thật là một sự đảo lộn kỳ quặc trong tu viện. Nhưng các cô gái lưu trú thì vui sướng hết sức. Ta hãy tưởng tượng cảnh xúc động.

Nhà tu kín khắc khổ như thế mà bốn bức tường cũng vẫn không đủ kín để cho những đam mê ngoài đời, những bi kịch, những tiểu thuyết không thể thâm nhập vào đây. Để chứng minh điều này, chúng tôi chỉ ghi nhận ở đây và kể ngắn gọn một sự việc thực, không ai phủ nhận được. Tuy nhiên, bản thân sự việc cũng không có một quan hệ gì, dây dợ gì với câu chuyện kể trong bộ sách này. Chúng tôi chỉ kể lại sự việc để độc giả hình dung được đầy đủ bộ mặt của tu viện này.

Thời kỳ ấy, trong tu viện có một nhân vật bí mật không phải là tu sĩ, nhưng được đối xử một cách rất kính trọng. Người ấy tên là bà AnBéctin. Người ta không biết gì về bà cả, chỉ biết là bà ấy điên và ở ngoài đời thì người ta coi như bà ấy đã chết rồi. Trong uẩn khúc của việc này, theo dư luận thì có những xếp đặt cần thiết để tiến hành một cuộc hôn nhân lớn.

Người phụ nữ ấy chưa đầy 30 tuổi, da hơi nâu, khá đẹp, hai mắt đen to, nhìn lúc nào cũng mơ màng. Bà ấy có trông thấy gì không? Không chắc đã trông thấy gì. Bà lướt nhẹ qua hơn là bước chân đi. Bà không bao giờ nói một lời. Người ta không biết chắc là bà có thở hay không. Đôi cánh mũi sát vào nhau xanh xao như người mới tắt thở. Cầm tay bà như mó vào tuyết lạnh. Bà có cái dáng xinh đẹp lạ kỳ của một bóng ma. Bà lướt chân vào đâu thì người bỗng thấy lạnh lạnh. Một hôm một bà phước thấy bà đi qua, nói với một bà phước khác: - Bà ấy đi như người chết rồi. Bà kia trả lời: - Có lẽ thế thật.

Người ta kháo về bà ta hàng trăm chuyện. Bà ấy là điều tò mò vô tận của các cô gái lưu trú. Ở trong nhà nguyện có một chỗ ngồi trên cao gọi là cửa mắt bò. Chính ở chỗ ấy, chỉ có một cái lỗ hổng tròn, một mắt bò, bà ta vẫn ngồi một mình để dự các buổi lễ, điều cấm đối với các bà xơ khác trong tu viện. Một hôm có một linh mục cao cấp trẻ đến thuyết giáo: Công tước Rôăng, nghị sĩ thượng viện Pháp, sĩ quan ngự lâm pháo thủ đỏ hồi năm 1815, khi ông còn là hoàng thân Lêông, chết năm 1830 với chức hồng y giáo chủ và Tổng giám mục địa phận Bơdăngxông. Hôm ấy là lần đầu tiên ngài Đơ Rôăng truyền đạo ở tu viện Pơti Pichpuýt. Thường thường bà AnBéctinơ vẫn dự các buổi thuyết giáo một cách bình thản và im lặng hoàn toàn. Hôm ấy khi trông thấy ngài Đơ Rôăng, bà nhổm người dậy và nói to trong cái yên lặng của nhà nguyện: “Kìa Ôguyxtơ!”. Tất cả mọi người ngạc nhiên quay nhìn về phía bà. Người giảng đạo ngước mắt lên, nhưng bà AnBéctinơ lại ngồi xuống và trở về với cái im lặng thường ngày của bà. Một hơi gió nhẹ của cuộc đời, một tia sáng của sự sống thoáng qua giây lát trên khuôn mặt đã tắt và lạnh như băng, thế rồi tất cả lại tan biến và người đàn bà điên ấy lại trở lại là một cái xác chết.

Nhưng hai tiếng kia đã làm cho tất cả những ai có thể nói được trong tu viện đều bàn tán. Bao nhiêu điều trong hai tiếng“Kìa Ôguyxtơ!” ấy, bao nhiêu bí ẩn phơi bày. Ngài Đơăng tên tục là Ôguyxtơ thật. Và chắc là bà AnBéctinơ thuộc một tầng lớp rất cao sang, bởi vì bà quen ngài Đơ Rôăng và riêng bà cũng có một địa vị cao sang, vì bà gọi một cách thân mật thế một vị quý tộc lớn như vậy. Giữa bà và ngài Đơ Rôăng chắc có một dây liên lạc, có thể là họ hàng và chắc là gần gụi lắm, vì bà biết cả tên “cúng cơm” của ngài Đơ Rôăng.

Hai bà công tước nghiêm nghị, bà công tước Soadơn và bà công tước Xêrăng thường đến thăm tu viện mà hai bà được vào vì có cái đặc quyền “Maganates mulieres” (Quyền của những bà lớn).

Hai bà đến làm cho các cô gái lưu trú rất sợ hãi. Khi hai bà già ấy đi qua, những cô gái nhỏ đáng thương kia run lên và cúi gầm mặt.

Ngài Đơ Rôăng vô tình không biết là các cô gái lưu trú thường để ý đến ngài. Lúc bấy giờ, trong khi chờ đợi được phong giám mục, ngài mới được cử làm phụ tá cho Đức Tổng giám mục Pari. Ngài Đơ Rôăng thường hay đến hát tụng trong các buổi lễ trong nhà nguyện của tu viện Pơti Pichpuýt. Không một cô gái lưu trú nào được thấy mặt ngài Đơ Rôăng vì tấm màn xécgiơ che khuất. Nhưng ngài có một giọng nói êm dịu, thanh thanh mà các cô gái ấy có thể nhận ra và phân biệt được. Ngài đã là một ngự lâm pháo thủ; người ta kể rằng ngài khéo làm dáng, với bộ tóc đẹp, màu hung hạt dẻ uốn thành cuốn xung quanh đầu, ngài có một cái dây lưng rộng, đen, rất đẹp và cái áo choàng đen của các cô gái nhỏ mười sáu tuổi ấy luôn luôn vấn vương hình ảnh ngài.

Không có một tiếng động nào bên ngoài vọng vào trong tu viện. Thế mà có một năm một tiếng sáo đã len lỏi vào đây. Thật là một biến cố và các cô gái lưu trú hồi ấy còn nhớ đến nay.

Có một người thổi sáo ở quanh gần đấy. Cây sáo luôn luôn thổi một điệu, một điệu ngày nay đã xa xưa lắm: “Nàng Đêtuynbê của ta ơi! Hãy đến đây ngự trị trên âm hồn ta”. Một ngày hai ba lần điệu sáo ấy véo von.

Suốt mấy tháng trời, các cô gái trẻ chú ý nghe tiếng sáo hàng giờ, các mẹ thì xôn xao, các bộ óc làm việc mạnh, các hình phạt đổ xuống như mưa. Các cô gái lưu trú ít nhiều ai cũng mê chàng thổi sáo bí mật. Mỗi cô đều mơ mình là nàng Đêtuynbê. Tiếng sáo thì phía phố Đơroamuyrơ vọng tới. Các cô gái sẵn sàng cho tất cả, làm tất cả mọi việc phiêu lưu, thử mọi biện pháp, để có thể trông thấy, dù chỉ một giây thôi, hoặc thoáng “Chàng trai trẻ” chơi sáo cũng đã vô tình rỡn với tất cả các tâm hồn ấy. Có cô gái lẻn ra ngoài, qua cái cổng sau và leo lên gác ba trông ra phố Đơroamuyrơ để nhìn qua những kẽ hở gần mái. Cũng chẳng thấy gì. Một cô gái giơ cánh tay lên trên đầu, qua song sắt cửa và phất một chiếc khăn tay trắng. Hai cô táo bạo hơn nữa đã tìm cách trèo lên được mái nhà, liều mạng và cuối cùng nhìn thấy “Chàng trai trẻ” ấy. Đó là một ông quý tộc già, xuất cảnh trở về (Trong thời kỳ cách mạng 1789, giới quý tộc chống nước Pháp sang sống lưu vong ở các nước phong kiến khác ở châu Âu) nay mù và sa sút. Ông ta thổi sáo trong cái gác xép, sát mái nhà để giải muộn.