Những người khốn khổ - PHẦN II - Quyển VI - Chương 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11

VI

TU VIỆN NHỎ

Trong phạm vị tu viện Pơti Pichpuýt có ba ngôi nhà riêng biệt hẳn với nhau: Đại tu viện các nữ tu sĩ ở, nhà lưu trú của các cô học trò nhỏ và ngôi nhà vẫn gọi là tiểu tu viện. Đây là một ngôi nhà có vườn, trong đó ở chung đụng tất cả cá tu sĩ già của nhiều dòng tu, những người còn sót lạ của các nhà tu kín mà Cách mạng đã xóa bỏ. Một tập hợp xáo trộn của tất cả các màu đen, xám, trắng của tất cả các dòng hội, tất cả các loại có thể có, mà người ta có thể gọi - nếu được phép ghép hai chữ này - một thứ tu viện Aclơcanh.[110]

[110] Arlequin: tên một vai hề trên sân khấu nước Ý ngày xưa, vẫn mặc một cái áo may bằng các mụn vải nhiều màu chắp lại.

Từ ngày lập Đế chế, những nữ tu sĩ phân tán, lạc loài đáng thương này đã được trở về đây ẩn náu dưới cánh của các bà Bécnađin-bênêđichtin. Nhà nước cho họ một phụ cấp nhỏ. Các bà Pơti Pichpuýt đã sốt sắng đón họ về. Thật là một sự pha trộn kỳ lạ. Mỗi người theo kỷ luật riêng của dòng mình. Đôi khi các cô học trò lưu trú được phép, coi như một buổi giải trí lớn, đến thăm họ, vì vậy mà ký ức của các cô gái trẻ này còn nhớ với nhiều kỷ niệm khác, kỷ niệm của các mẹ Xanh Badin, mẹ Xanhtơ Scôlaxtin và mẹ Giacốp.

Một trong những người ở đậu ấy đã gần như trở về nhà mình, đó là một nữ tu sĩ dòng Xanhtơ Orơ, người duy nhất của dòng này còn sót lại. Tu viện Xanhtơ Orơ, từ đầu thế kỷ mười tám chính là cái nhà Pơti Pichpuýt này, về sau trở thành sở hữu của các bà Bênêđichtin của Máctanh Vécga. Con người rất ngoan đạo này tiều tụy, nghèo khổ nên không mặc bộ áo trắng rực rỡ với cái yếm đỏ của dòng tu nữa, mà chỉ giữ bộ áo đó mặc cho một người gỗ mà đôi khi bà vui vẻ phô cho mọi người xem và khi chết bà để lại cho tu viện. Năm 1824, cả dòng tu ấy chỉ còn một người, ngày nay chỉ còn lại một con nộm.

Ngoài các mẹ đáng kính ấy, một vài phụ nữ già ngoài đời, cũng như bà AnBéctin, đã được phép mẹ nhất vào ngụ trong tiểu tu viện. Trong số những người này có bà Bôpho Đôpun và bà nam tước Đuyphơrên. Một bà nữa mà ở tu viện người ta chỉ biết vì cái tiếng ồn ào khi bà xỉ mũi. Các cô học trò đã đặt cho bà cái tên “Xỉ mũi to”.

Vào những năm 1820 hay 1821 bà Gienlixơ, hồi đó bà đang biên tập một tập san định kỳ tên là Dũng cảm, cũng xin vào lưu trú ở tu viện Pơti Pichpuýt, công tước Đooclêăng giới thiệu bà. Cái tổ ong xôn xao lên; các mẹ tư vấn cũng run sợ. Vì bà Gienlixơ đã từng viết tiểu thuyết. Nhưng bà bảo rằng bà là người đầu tiên ghét những tiểu thuyết của bà, vả lại bà đã đến một cái tuổi say mê đạo ghê gớm. Chúa phù hộ và nhờ ông hoàng kia nữa, bà được nhận vào ở tu viện. Nhưng chỉ sáu tháng hay tám tháng sau bà xin ra, với lý do là vườn tu viện ít bóng mát. Các bà tu sĩ thì rất mừng. Tuy đã rất già, bà Gienlixơ vẫn chơi thụ cầm và chơi rất hay.

Khi ra đi bà còn để lại dấu vết của bà trong phòng. Bà Gienlixơ mê tín và giỏi chữ Latinh. Hai nét đó phác họa hình ảnh bà khá tốt. Chỉ cách đây vài năm, người ta còn thấy dán ở trong một cái tủ nhỏ ở phòng bà, cái tủ bà vẫn cất tiền và đồ trang sức, năm câu thơ chữ Latinh này mà chính tay bà đã viết bằng mực đỏ trên giấy vàng, năm câu thơ mà bà cho là có phép làm cho kẻ trộm sợ hãi.

Những tội khác nhau treo trên ba thân cây.

Dimas và Gesmas quyền phép Chúa đứng trung gian.

Xét xử cả Dismas kiêu hãnh và Gesmas thấp hèn.

Quyền phép tối cao gìn giữ chúng ta và lợi ích chúng ta.

Hiến dâng những thứ đó phải đâu là mất mát thiệt thòi.

(Nguyên văn Latinh như sau:

Imparibus meritis pendeat tria corpora ramls

Dismas et Gesmas, media ét pina potestas

Alta petie Dismas, infelix, imfima, Gesmas

Nos et res nostras conservet summa potestas

Nos veus dicas, ne tu furto tua perdas).

Những câu thơ ấy viết theo tiếng Latinh thế kỷ thứ sáu nêu lên một vấn đề: có phải hai tên kẻ trộm trên núi Canve tên là Dismas và Gesmas hay là Dismas và Gestas, như thông thường người ta nói: cái chính tả mới này có thể không vừa ý ngài tử tước De Gestas thế kỷ trước. Ngài tự xưng mình là dòng dõi của tên ăn trộm xấu xa kia. Ngoài ra cái phép mầu nhiệm của những câu thơ ấy là một điều tin tưởng chắc chắn đối với dòng Cứu thế.

Nhà thờ của tu viện, xây dựng đặc biệt để ngăn cách hẳn đại tu viện với nhà lưu trú, tất nhiên là nhà thờ chung của đại tu viện, tiểu tu viện và của nhà lưu trú. Cả người ngoài cũng có thể vào lễ nhà thờ này bằng một lối cửa riêng mở ra ngoài phố. Nhưng nhà thờ đã được xếp đặt để không một người nào trong tu viện có thể nhìn được mặt một người ở ngoài. Ta hãy hình dung một cái nhà thờ mà sàn hát bị một bàn tay khổng lồ kéo lên và gấp lại, nên không như ở trong các nhà thờ thường là một gian tiếp sau bàn thờ, mà là một cái buồng hay cái hang tối ở bên tay phải người đứng làm lễ. Gian buồng ấy được che lại bởi cái màn cao hơn hai mét đã nói ở trên; trong bóng tối của cái màn ấy, hãy dồn xếp trên những chiếc ghế gỗ, các bà tu sĩ hát kinh ở bên trái, những cô gái lưu trú bên phải, rồi những bà phục vụ, những bà mới vào dòng ở trong cùng, thế là bạn có một hình ảnh những nhà tu hành trong tu viện Pơti Pichpuýt trong một buổi lễ thánh. Cái hang tối ấy, mà người ta vẫn gọi là sàn hát, thông sang nhà tu kín bằng một dãy hành lang. Nhà thờ chỉ có cửa nhìn ra vườn. Mỗi lần các bà tu sĩ đi dự lễ, mà kỷ luật bắt buộc phải yên lặng, thì người ngoài chỉ có thể biết được sự có mặt của họ qua tiếng va chạm của cái gờ gỗ dưới ghế nhô lên hay hạ xuống.

VII

VÀI HÌNH DÁNG CỦA CÁI BÓNG TỐI ẤY

Trong khoảng thời gian sáu năm, từ 1819 đến năm 1825, mẹ nhất của tu viện là tiểu thư Đo Bơlơmơ, mà tên đạo là mẹ Inôxăngtơ. Mẹ thuộc dòng họ Magơrit đơ Bơlơmơ tác giả quyển sách: Sự tích các thánh dòng Xanh Bơnoa. Mẹ đã được tái cử. Mẹ trạc sáu mươi, người thấp béo, “Hát như một cái chĩnh rè”; như nói trong một bức thư mà chúng tôi đã nhắc đến; ngoài ra thì rất tốt, người duy nhất vui tính trong tu viện mà cũng vì thế mà được kính mến.

Mẹ Inôxăngtơ thừa hưởng cái thông thái của bà tổ trong họ Magơrit, bà Đaxiê của dòng tu (Anne Lefebvre Dacier, một phụ nữ thông thái giỏi tiếng Hylap và tiếng Latinh, đã dịch các tác phẩm Iliade và Odysséc, 1656-1720). Mẹ giỏi văn chương, uyên thâm, bác học, hiểu biết nhiều, lại là một sử gia kiểu riêng, một bồ chữ Latinh, một bồ chữ Hylap, một bồ chữ Hêbrơ, nên là một bênêđichtanh hơn là một bênêđichtin (Những tu sĩ bênêđichtanh (nam) có truyền thống uyên thâm, bác học).

Mẹ nhì là một bà tu sĩ già, người Tây Ban Nha, hầu như lòa, gọi là mẹ Xinêredơ.

Những mẹ tư vấn đáng kể là mẹ Xanhtơ Ônômơ thủ quỹ; mẹ Xanhtơ Gietơruyđơ, giáo nhất của các bà mới nhập dòng; mẹ Xanhtơ Anggiơ, giáo nhì; mẹ Anôngxiaxiông, giữ kho đồ lễ của nhà thờ; mẹ Xanhtơ Ôguyxtanh y tá, người duy nhất độc ác trong tu viện; rồi đến mẹ Xanhtơ Mêchtinđơ (tiểu thư Gôvanh), rất trẻ, có một giọng hát tuyệt hay; mẹ Đêdănggiơ (tiểu thư Đơruê), trước đã ở tu viện Phiơ Điơ và tu viện Tơrêdo, giữa hai tỉnh Gido và Manhi; mẹ Xanh Giôdép (tiểu thư Côgôluydo); mẹ Xanhtơ Adêlaiđơ (tiểu thư Đôvecnay); mẹ Midericoócđơ (tiểu thư Đơ Xiphuyatơ bị lôi cuốn bởi khổ hạnh); mẹ Côngpaxiông (tiểu thư Minchierơ, sáu mươi tuổi còn được nhập dòng, tuy là trái với điều lệ, rất giàu); mẹ Pơrêvidăngxơ (tiểu thư Đơ Lôđinierơ); mẹ Pơrêdăngtaxiông (tiểu thư Đi Xinghenda) năm 1847 là mẹ nhất; và cuối cùng mẹ Xanhtơ Xêlinhơ (chị của nhà điêu khắc Xêraki), sau đó hóa điên; và mẹ Xanhtơ Săngtan (tiểu thư Đơ Xuydông) cũng hóa điên.

Trong số những bà đẹp nhất còn có một thiếu nữ hăm ba tuổi rất xinh, người ở đảo Buốcbông, con cháu của Hiệp sĩ Rôđơ, nhưng ở đây tên là mẹ Axônxiông.

Mẹ Xanhtơ Mêchtinđơ phụ trách việc hát và đoàn hợp xướng của nhà thờ, thường huy động các cô học trò lưu trú. Thường mẹ huy động cả một nhóm đầy đủ nghĩa là bảy em, từ 10 đến 16 tuổi thôi, giọng hát và tầm vóc hợp nhau, mẹ bảo đứng hát, xếp hàng cạnh nhau, theo lứa tuổi, từ cô bé nhất đến cô lớn nhất, như là một bộ sáo thiếu nữ, một thứ sáo sống của thần Păng, xếp bằng những thiên thần.

Trong các bà phục vụ, những người mà các cô học trò lưu trú quý nhất là bà Xanhtơ Ơphơradi, bà Xanhtơ Magơrit, bà Xanhtơ Máctơ có bệnh thần kinh và bà Xanh Misen, có một cái mũi dài làm các cô học trò cười.

Tất cả các bà đều rất hiền dịu đối với các em gái nhỏ ấy. Họ chỉ nghiêm khắc đối với bản thân họ. Chỉ nhà lưu trú mới đốt lửa sưởi. Món ăn hàng ngày của nhà lưu trú so với bữa ăn của tu viện là món ăn sang. Thêm vào đó trăm sự săn sóc khác. Nhưng khi một em nhỏ đến gần một nữ tu sĩ và nói với bà, thì không bao giờ bà trả lời.

Cái kỷ luật im lặng ấy đã đem lại hậu quả là trong tu viện người ta lấy mất tiếng nói của con người và trao cho những vật vô tri vô giác. Khi thì quả chuông của nhà thờ lên tiếng, khi thì chiếc nhạc của người làm vườn. Một cái chuông rất kêu, đặt bên cạnh bà gác và có thể nghe thấy bất cứ ở đâu trong tu viện, với những nhịp khác nhau như qua một thứ máy viễn thoại; báo tất cả mọi hoạt động trong sinh hoạt vật chất của tu viện. Nó cũng có thể dùng để gọi, khi cần, người này hay người khác lên buồng khách; mỗi người, mỗi vật đều có tín hiệu riêng. Mẹ nhất là một một, mẹ nhì là một và hai, sáu năm là giờ lên lớp. Thành ra học trò không bao giờ bảo: vào lớp học, mà chỉ nói: đi sáu năm. Bốn bốn là tín hiệu của bà Đơ Gienlixơ. Tín hiệu này, nghe thấy luôn. Những người nào không phúc hậu, thương người thì bảo: đồ quỷ bốn! Mười chín tiếng báo hiệu một sự việc lớn lao, đó là việc mở cổng khóa, một tấm sắt ghê rợn lô nhô những chốt, chỉ quay trên bản lề khi nào Đức Tổng giám mục đến tu viện.

Trừ Đức Tổng giám mục và người làm vườn như chúng tôi đã nói, không có một người đàn ông nào vào được tu viện. Các cô gái lưu trú còn được thấy hai người nữa: cha tuyên úy, giáo sĩ Banexơ, già và xấu, mà các em có thể nhìn thấy trên sàn hát, qua một chấn song sắt; người nữa là thầy dạy vẽ, ông Anxiô, mà bức thư chúng tôi sơ lược nhắc đến đã gọi là ông Anxiô và đặt tên là lão già còng kinh tởm.

Rõ ràng là những người đàn ông này đều đã được chọn lọc.

Đó là cái nhà tu kỳ lạ ấy.

VIII

SAU QUẢ TIM ĐÁ[111]

[111] Nguyên văn Latinh: Post corda lapides.

Sau khi đã mô tả cái vẻ mặt tinh thần, cũng nên nói vài lời về hình dáng vật chất của tu viện Pơti Pichpuýt. Độc giả cũng là mường tượng được ít nhiều.

Tu viện Pơti Pichpuýt Xanh Ăngtoanơ chiếm hầu hết diện tích cái hình thang tạo nên do các phố Pôlôngxô, Đơroamuyrơ, phố nhỏ Pichpuýt và cái ngõ cụt còn thấy ghi tên Ômare trong các bản đồ cũ. Bốn phố này bao quanh các hình thang ấy, như một cái hào. Tu viện gồm có mấy tòa nhà và một cái vườn. Ngôi nhà chính, nhìn toàn diện là sự nối tiếp của nhiều ngôi nhà lai tạp, nếu đứng trên cao nhìn xuống thì những ngôi nhà đó vẽ thành hình một cái giá treo cổ này là cả cái khúc nằm dài theo phố Đơroamuyrơ, từ phố nhỏ Pichpuýt đến phố Pôlôngxô; gọng nhỏ của cột treo cổ là cái mặt tiền của một nhà cao, màu xám, trông nghiêm nghị, có gióng sắt nhìn ra phố nhỏ Pichpuýt: cái cổng lớn số nhà 62 ở cuối cái gọng nhỏ này. Vào khoảng giữa mặt tiền ngôi nhà có một cái cửa cũ thấp, hình tò vò, bụi tro đã làm bạc màu, đầy mạng nhện, chỉ mở một hai tiếng đồng hồ ngày chủ nhật và trong những trường hợp hãn hữu đưa quan tài một nữ tu sĩ, ra ngoài tu viện. Đó là cái cổng ra vào công khai của nhà thờ. Cái khuỷu của giá treo cổ là một gian buồng vuông, nơi làm lễ mà các bà xơ gọi là Đêpăngxơ. Cái gọng dài là phòng ở của bà mẹ, các bà và khu các bà mới vào dòng. Gọng ngắn là nhà bếp, nhà ăn, song song với nhà tu kín và nhà thờ. Giữa cổng số nhà 62 và góc ngõ cụt Ômare là nhà lưu trú của các cô gái nhỏ mà ngoài đường không trông thấy được. Diện tích còn lại của hình thang là khu vườn, thấp hơn mặt đường phố Pôlôngxô rất nhiều, thành ra những bức tường bao quanh nhìn từ bên trong cao hơn là từ bên ngoài. Mặt vườn hơi nhô lên một ít ở giữa một mô đất, trên mô đất có một cây thông đẹp, nhọn, hình chóp nón; từ cây thông ấy, như từ cái núm tròn của một cái mộc, xuất phát bốn lối đi lớn và tám lối đi nhỏ, cứ hai lối nhỏ nằm giữa hai lối lớn, thành ra nếu tu viện hình tròn thì bản đồ các lối đi sẽ là hình một cái thập tự đặt trên một bánh xe. Các lối đi dài ngắn đều dẫn tới các bức tường lô nhô, không đều, bao quanh khu vườn và đều có trồng phúc bồn tử. Cuối vườn có một lối đi lớn trồng những cây bạch dương to, chạy từ ngôi nhà nát của tu viện cũ ở góc phố Đơroamuyrơ đến ngôi nhà của tiểu tu viện, ở góc phố Ômare. Trước mặt tu viện nhỏ có một khu vườn vẫn gọi là vườn nhỏ. Thêm vào đấy một cái sân và tất cả những góc, những xó hình thành giữa các ngôi nhà, những bức tường nhà giam, thêm vào toàn bộ viễn cảnh và xung quanh, cái dẫy mái nhà đen, bên kia phố Pôlôngxô, thì có thể hình dung được trọn vẹn nhà tu Pơti Pichpuýt của các bà Bênêđichtin cách đây bốn mươi lăm năm. Cái nhà tu thiêng liêng này đã được dựng trên một bãi đánh cầu nổi tiếng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI mang cái tên: Sòng bạc của mười một ngàn con quỷ.

Tất cả những phố ấy là những phố cổ nhất của Pari. Những cái tên Đơroamuyrơ, Ômare rất xưa; những đường phố mang những cái tên ấy lại còn xưa hơn. Ngõ Ômare trước đã mang tên ngõ Môgu; phố Đơroamuyrơ từng mang tên phố Êglăngchiê,[112] vì Chúa đã làm cho nở hoa trước khi con người đẽo đá.

[112] Eglantiers: tầm xuân.

IX

MỘT THẾ KỶ SAU TẤM MẠNG

Vì chúng tôi đang kể lại một số chi tiết về lịch sử của tu viện Pơti Pichpuýt và đã mạnh dạn trổ một cái cửa sổ để nhìn vào cái nhà kín đáo này, chúng tôi cũng xin độc giả cho phép kể một chuyện nhỏ nữa, không liên quan đến cuốn sách này, nhưng tiêu biểu và bổ ích vì chuyện ấy cho chúng ta hiểu rằng nhà tu kín này cũng có những nhân vật độc đáo của nó.

Ở trong tu viện ngày trước có một bà già một trăm tuổi ở nhà tu Phôngtơvơrô đến. Trước cách mạng bà đã sống trong xã hội thượng lưu. Bà thường nhắc đến ngài Đơ Mirơmexnin, thượng thư bộ Tư pháp dưới triều vua Lui XVI và một bà Chánh án mà bà rất quen thuộc. Điều thích thú và tự hào của bà là luôn nhắc đến hai cái tên ấy trong bất cứ câu chuyện nào. Bà nói rất nhiều điều kỳ diệu về tu viện Phôngtơvơrô, bà bảo nó như là một thành phố và ở trong tu viện có cả những đường phố.

Bà nói giọng Pica làm cho các cô lưu trú buồn cười. Năm nào bà cũng khấn nguyện lại một lần và khi làm lễ khấn nguyện, bà nói với vị linh mục chủ lễ: “Đức cha Xanh Phơrăngxoa đã trao cho Đức cha Xanh Giuyliêng, Đức cha Xanh Giyliêng đã trao cho Đức cha Xanh Ơđebơ, Đức cha Xanh Ơđebơ đã trao cho Đức cha Xanh Pơrôcôpơ… và như thế con xin trao cho cha”. Các cô gái lưu trú tha hồ cười, không phải cười thầm, mà cười sau tấm mạng che mặt. Những tiếng khúc khích đáng yêu nén lại khiến các mẹ tư vấn cau mày.

Một lần khác bà lão trăm tuổi ấy kể lại chuyện xưa. Bà bảo khi bà còn trẻ, các tu sĩ dòng Bécnađanh chẳng chịu thua bọn lính ngự lâm pháo thủ. Thật là một thế kỷ ồn ào, nhưng đó là thế kỷ 18. Bà kể lại tục của xứ Săngpanhơ và xứ Buôcgônhơ uống bốn thứ rượu. Trước cách mạng khi một nhà quyền quý, một vị thống chế, một ông hoàng, một công tước, một ông nghị đi ngang qua một thành phố xứ Buôcgônhơ hay xứ Săngpanhơ, thì phái đoàn thành phố đến chúc mừng và dâng rượu trong bốn cái bát hình con thuyền bằng bạc, đựng bốn thứ rượu khác nhau. Bát thứ nhất ghi Rượu khỉ, bát thứ hai: Rượu sư tử, bát thứ ba: Rượu cừu và bát thứ tư: Rượu lợn. Bốn chữ ghi chú đó nói lên bốn bậc thang mà người say rượu lần lượt tụt xuống. Độ say thứ nhất làm cho người ta vui cười, độ say thứ hai làm cho người ta tức giận, độ say thứ ba làm cho người ta đần độn, độ say thứ tư làm cho người ta hóa súc vật.

Bà giấu ở trong một cái tủ luôn luôn khóa một vật bí mật mà bà quý lắm. Kỷ luật nhà tu Phôngtơvơrô không cấm điều đó. Bà không cho ai xem vật quý ấy. Bà đóng cửa phòng, kỷ luật của dòng tu cho phép và bà giấu mọi người, mỗi khi bà muốn ngắm vật ấy. Nếu ngoài hành lang có tiếng người đi, tức thì bà đóng cửa tủ hết sức nhanh với đôi bàn tay già yếu của bà. Nếu ai nhắc đến vật đó, thì bà im lặng ngay, tuy bà xưa nay vẫn hay nói. Những người tò mò nhất cũng đành chịu thua trước sự im lặng của bà và những người bền bỉ nhất cũng phải lùi trước quyết tâm của bà. Chuyện ấy cũng là đầu đề bàn tán của tất cả những ai vô công rồi nghề, hay buồn chán trong tu viện. Vật quý báu và bí mật ấy, cái kho tàng của bà lão trăm tuổi ấy là cái gì? Chắc là một quyển thánh kinh, một chuỗi tràng hạt đặc biệt, một thánh tích nào chăng? Người ta tha hồ phỏng đoán. Khi bà lão chết, người ta chạy vội đến cái tủ, vội vượt cả lễ độ, người ta mở tủ và tìm thấy vật đó, bọc trong ba lần vải như một hình thánh. Nó là một cái đĩa Phaăngđa có vẽ hình những thần ái tình bay bổng lên trời và bị một đoàn dược sĩ đuổi theo những ống tiêm khổng lồ. Cuộc săn đuổi này điểm xuyết không ít vẻ mặt cau có và nhiều dáng điệu khôi hài: một thần ái tình xinh xắn đã bị xiên thủng, giãy giụa, đập đôi cánh nhỏ, cố chạy thoát. Nhưng thằng hề kia cười một cách quỷ quái, ghê rợn. Ý nghĩa: ái tình thua cơn đau bụng. Cái đĩa ngộ nghĩnh này, cái đĩa có lẽ đã gợi cho Môlierơ một màn hài kịch năm 1845, vẫn hay còn bày bán ở cửa hàng bán đồ cũ phố Bômácse.

Bà già không muốn tiếp khách nào bên ngoài, bởi vì, theo ý bà, cái phòng tiếp khách buồn quá.

X

NGUỒN GỐC DÒNG “CHẦU MÌNH THÁNH HẰNG NGÀY”

Vả lại cái phòng khách gần như nhà mồ ấy mà chúng tôi đã phác họa, chỉ là một đặc điểm riêng của tu viện này: phòng nói chuyện của các tu viện khác không nghiêm nghị như vậy. Đặc biệt ở tu viện phố Tăngpơlơ, thực ra thì thuộc một dòng tu khác, cửa ván đen được thay bằng những màn cửa màu nâu và cả phòng nói chuyện nữa là một phòng khách có sàn gỗ, cửa sổ có viền sa trắng và ở trên tường có đủ tất cả các thứ khung ảnh, một chân dung của một bà bênêđichtin mặt không có mạng che, những tranh hoa sơn dầu và cả cái “Đầu Thổ” nữa (dụng cụ thể thao hình đầu một người Thổ Nhĩ Kỳ, có lò xo, để đo sức đập của cánh tay).

Tu viện phố Tăngpơlơ này trước là tu viện của các bà bênêđichtin dòng tu “Chầu mình Thánh hàng ngày”, khác các bà bênêđichtin thuộc phái Xitô. Dòng tu “Chầu mình Thánh hàng ngày” không lâu đời lắm, lịch sử của nó không quá hai trăm năm. Năm 1649 Thánh thể bị xúc pham hai lần, chỉ cách nhau vài ngày ở trong hai nhà thờ thành phố Pari, nhà thờ Xanh Xuynpixơ và nhà thờ Xanh Giăng Gơrevơ, một sự xúc phạm ghê gớm và hiếm thấy làm cho nhân dân cả thành phố xúc động. Đức giám mục Xanh Giécmanh đê Pơrê đã phải ra lệnh tổ chức một đám rước thánh trọng thể có đủ mặt các giáo sĩ địa hạt ngài và có Đức cha sứ thần tòa thánh làm lễ. Nhưng sự chuộc tội ấy, đối với hai bà ngoan đạo đáng kính, bà Cuốctanh, hầu tước Đo Búc và bà hầu tước Satôviơ thì vẫn không đủ. Việc xúc phạm đến “thánh thể rất thiêng liêng”, tuy rằng chốc lát, vẫn luôn ám ảnh linh hồn mộ đạo của hai bà. Đối với hai bà tội ấy chỉ có thể chuộc lại với một sự “Chầu mình Thánh hàng ngày” trong một tu viện nữ: Cả hai bà, một bà năm 1652, một bà năm 1653, đã tặng cho mẹ Catơrin đơ Bar, còn gọi là mẹ Thánh thể, nữ tu sĩ dòng bênêđichtin, những số tiền lớn để lập, với mục đích sùng đạo ấy, một trưởng viện dòng Xanh Bơnoa. Lệnh đầu tiên cho phép mẹ Catơrin đơ Bar lập tu viện do Đức cha Đơ Mê, viện trưởng tu viện Xanh Giécmanh ký với điều kiện là những cô thiếu nữ “chỉ được vào tu viện này nếu đem tới một lợi tức ba trăm phơrăng”, nghĩa là phải có một cái vốn sáu ngàn phơrăng. Sau lệnh của Đức cha Xanh Giécmanh thì có sắc chỉ cho phép của nhà vua và tất cả hiến chương, quy chế của tu viện với sắc chỉ của nhà vua đều đã được đăng ký năm 1654 ở Viện quản lý tài chính quốc gia trong Pháp viện nhà vua.

Đó là nguồn gốc và sự công nhận chính thức của tu viện “Chầu mình Thánh hàng ngày” ở Pari. Tu viện thứ nhất của dòng này được xây dựng hoàn toàn mới ở phố Caxetơ với tiền của hai bà Đơ Buc và Đơ Satôviơ.

Dòng tu này, như người đã biết, không phải cùng một dòng với các bà bênêđichtin gọi là dòng Xitô. Dòng này thuộc tu viện trưởng Xanh Giécmanh đê Pơrê, cũng như các bà Xacơrê Cơ thuộc sự chỉ huy của các bề trên Giêduytơ và các bà phúc thiện thuộc sự chỉ huy của các bề trên dòng Ladarixtơ.

Dòng này cũng khác hẳn dòng các bà Bécnađin của tu viện Pơti Pichpuýt mà chúng tôi vừa phác họa cảnh bên trong. Năm 1657 giáo hoàng Alêcxăngđơrơ VII đã cho phép trong một thông lệnh đặc biệt, các bà Bécnađin ở tu viện Pơti Pichpuýt “Chầu mình Thánh hàng ngày” như các bà bênêđichtin dòng “Thánh thể”. Tuy vậy hai dòng tu này vẫn đứng riêng rẽ.

XI

TU VIỆN PƠTI PICHPUÝT KHÔNG CÒN NỮA

Đầu thời kỳ quân chủ phục hưng, tu viện Pơti Pichpuýt suy tàn, trong sự suy tàn chung của cả dòng tu này sau thế kỷ 18, cùng với tất cả các dòng tu công giáo nói chung. Chiêm ngưỡng cũng như cầu nguyện trời là một nhu cầu tinh thần của nhân loại; nhưng cũng như tất cả cái gì mà cách mạng đã tác động đến, nhu cầu này cũng sẽ thay đổi và từ chỗ chống lại sự tiến bộ xã hội, nó đã trở thành thuận lợi cho sự tiến bộ ấy.

Tu viện Pơti Pichpuýt vắng vẻ đi rất nhanh. Năm 1840 tu viện nhỏ không còn nữa. Nhà lưu trú cũng không còn. Không còn những bà già, cũng không còn những cô gái bé. Loại này thì chết. Loại kia thì đi. Volaverunt (Họ đã bay đi).

Kỷ luật của dòng“Chầu mình Thánh hàng ngày” khắc khổ quá làm cho mọi người sợ: người ta ngại không muốn vào dòng. Dòng không thêm được tín đồ. Năm 1848, đây đó còn một vài bà phục vụ, nhưng xướng thánh kinh thì không còn ai. Trước đây bốn mươi năm còn gần một trăm bà, cách đây mười lăm năm chỉ còn hai mươi tám. Bây giờ còn được bao nhiêu? Năm 1847, mẹ nhất còn trẻ, điều này chứng tỏ là phạm vi những người được chọn rút hẹp đi. Mẹ nhất chưa đầy bốn mươi tuổi. Càng vắng thì càng mệt nhọc; công việc của mỗi người nặng nhọc hơn. Bây giờ người ta thấy đã đến gần cái thời kỳ chỉ còn độ mươi mười hai đôi vai đau khổ và cúi khom để gánh vác cái kỷ luật nặng nề của Xanh Bơnoa. Cái gánh nặng khắc nghiệt ấy vẫn nguyên vẹn khi tu viện vắng vẻ cũng như lúc đông người. Nó nặng trĩu, nó đè bẹp con người cho nên họ chết dần. Khi tác giả cuốn sách này còn ở Pari, hai bà đã chết, một người hai mươi lăm tuổi, một người hai mươi ba tuổi. Bà này có thể nói cái lời của Giuylia Anpinuyla:

“Tôi nằm đây, tôi đã sống hai mươi ba năm tròn (Hic jaceo, vixi annos viginti et tres). Vì sự suy đồi ấy mà tu viện đã thôi không đảm nhận việc giáo dục các cô gái nhỏ.

Chúng tôi không thể đi qua cái nhà kỳ lạ này, cái nhà không ai biết, tối tăm, mà không vào, không dắt theo những người cùng đi với chúng tôi, những người đang nghe chúng tôi kể câu chuyện buồn thảm của Giăng Vangiăng, chắc cũng có một vài bạn thấy là bổ ích cho họ. Chúng ta đã nhìn qua vào cái tu viện đầy rẫy những tục hành đạo cũ kỹ mà rất mới lạ đối với chúng ta bây giờ. Đó là cái vườn cấm: Hortus conclusus (Vườn cấm, vườn kín). Chúng ta đã kể chi tiết của nơi này một cách tỉ mỉ và kính cẩn, trong chừng mực kính cẩn và tỉ mỉ có thể dung hòa nhau được. Chúng tôi không hiểu được tất cả mọi điều, nhưng chúng tôi không thóa mạ cái gì. Chúng tôi đứng ở giữa, cùng cách xa cái tung hô của Giôdep đơ Mextơrơ, dẫn tới thần thánh hóa kẻ đao phủ và cái cười ngạo nghễ của Vônterơ chế giễu cả cây thập tự.

Lý luận không hợp lý của Vônterơ, nói qua một chút thôi; bởi vì Vônterơ cũng có thể bào chữa cho Giêsu như đã bào chữa cho Calaxơ và đối với cả những ai không tin tưởng ở những chuyện đầu thai của thần thánh thì ý nghĩa của thập tự giá là gì? Là bậc hiền bị giết hại.

Ở thế kỷ XIX ý thức tôn giáo trải qua một cuộc khủng hoảng. Người ta quên đi nhiều chuyện, như thế là đúng, quý hồ là khi quên cái này thì học được cái khác. Đừng để chỗ hổng trong trái tim con người. Có phá đổ, đó cũng là một việc tốt, nhưng với điều kiện phải có xây dựng tiếp theo.

Trong khi chờ đợi, ta hãy nghiên cứu những cái không còn nữa. Cần phải hiểu những cái đó, dù chỉ để tránh những cái đó thôi. Những cái bắt chước quá khứ mang những tên giả và dễ dàng tự nhận là tương lai. Cái bóng ma hiện về ấy là quá khứ đã trình giấy thông hành giả. Chúng ta phải thấy cái bẫy đó và phải đề phòng. Quá khứ có một bộ mặt; sự mê tín và một cái mặt nạ là sự giả dối. Ta hãy vạch rõ bộ mặt kia và hãy giật bỏ cái mặt nạ nọ.

Còn các tu viện, đó là một vấn đề phức tạp. Vấn đề văn minh: văn minh kết án các tu viện; vấn đề tự do: tự do bảo vệ các tu viện.