Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển X - Chương 04 - 05

IV

NHỮNG SÔI SỤC NGÀY XƯA

Không gì quái lạ cho bằng sự sôi sục ban đầu của một cuộc bạo khởi. Khắp mọi nơi đều bùng nổ cùng một lúc. Có biết trước được không? Có. Có chuẩn bị trước không? Không. Nó ở đâu bùng ra? Ở dưới đá lát đường. Từ đâu rơi xuống? Từ trên trời. Ở chỗ này cuộc khởi nghĩa có đủ tính chất của một cuộc âm mưu. Ở chỗ khác thì nó ngẫu nhiên nổ ra. Một tay nào đấy chộp lấy phong trào của quần chúng và kéo nó đi theo ý muốn của mình. Cuộc khởi sự quả là rùng rợn nhưng cũng vui nhộn một cách dữ dội. Trước tiên là tiếng la lối. Nhà hàng đóng sập cửa, hàng hóa biến mất, rồi tiếng súng đì đùng rời rạc, người bỏ trốn, báng súng nện vào cổng thình thình, trong các sân nhà còn nghe tiếng các cô đầy tớ cười và nói: Chuyến này vui đáo để.

Mới không đầy mười lăm phút, ở hai mươi địa điểm trong thành Pari đều xảy ra gần như một lúc những việc như sau: ở phố Bơrơtonnơri, một bọn hai mươi chàng thanh niên râu tóc tua tủa, kéo nhau vào một hàng rượu. Một lát sau, họ đi ra với một lá cờ tam tài treo ngang, trên buộc một dải bằng nhiễu. Ba người đi đầu mang khí giới, người cầm gươm, người cầm súng, người thứ ba mang giáo.

Ở Phố Nônanh Hie, một anh tư sản ăn mặc lịch sự, bụng phệ, tiếng nói oang oang, đầu hói, trán cao, râu đen, ria cứng và vênh lên, đang phẩm tán đạn công khai cho người qua đường.

Ở đường Môngmác, những người mặc áo hở cánh tay cứ mang cờ đen diễu ngoài phố. Trên cờ có mấy chữ trắng: Cộng hòa hay là chết. Ở phố Giơni, phố Cađơrăng, phố Môngtơgơi, phố Măngda, xuất hiện những toán người phát lá cờ trên đề mấy chữ vàng: trung đội kèm một con số. Trong số cờ đó có một lá sắc xanh và sắc đỏ, ở giữa chỉ có một đường trắng con con.

Người ta kéo vào cướp một xưởng quân giới ở phố Xanh Máctanh và ba tiệm bán súng, tiệm thứ nhất ở phố Bôbua, tiệm thứ hai ở phố Lơcôngtơ và tiệm thứ ba ở phố Đuy Tămpơlơ. Chỉ trong mấy phút, hàng ngàn cánh tay đã giật mất hai trăm ba mươi khẩu súng, hầu hết bắn liền hai phát, sáu mươi tư thanh gươm, tám mươi ba khẩu súng ngắn. Để võ trang được nhiều người, họ chia nhau kẻ cầm súng, người cầm lưỡi lê.

Trước bờ sông Gơrevơ, thanh niên mang súng vào nấp trong nhà phụ nữ để bắn ra. Một anh có khẩu súng có tán quay. Họ rung chuông, vào trong nhà, rồi lo làm đạn. Một người đàn bà thuật lại: Tôi không biết cát tút là gì, chính nhà tôi bảo cho tôi biết.

Một bọn xúm vào phá cửa một hiệu đồ cổ trước phố Hôdơriét và cướp lấy những thanh gươm, những khí giới Thổ.

Ở phố Péclơ, xác một người thợ nề bị bắn chết còn nằm đấy.

Và ở hai bên bờ sông Xen, ở các bến sông, các phố, trong xóm Latinh, trong xóm chợ, mọi người tất tả, công nhân, sinh viên, đảng viên các đảng cách mạng đọc vang lên những bản tuyên ngôn kêu gọi: Cầm vũ khí! Họ ném vỡ đèn ngoài đường, tháo xe ngựa, nạy đá lát đường, phá cửa, nhổ cây, sục sạo các hầm chứa rượu, lăn lông lốc những thùng rượu, chồng chất gạch đá, bàn ghế, ván gỗ để dùng làm chiến lũy.

Họ cưỡng bách bọn tư sản phải giúp họ trong việc này. Họ vào những nhà có đàn bà, bắt người vợ phải trao lại gươm, súng của người chồng vắng mặt và họ lấy phấn viết ngoài cửa: "Đã nạp khí giới". Có người ký "cả tên mình" vào giấy biên nhận súng và gươm rồi nói: "Ngày mai cầm giấy này ra tòa thị chính mà lấy khí giới về". Họ giật cầu vai các võ quan. Phố Xanh Nicôla, một võ quan quốc dân quân bị một toán người gậy gộc, giáo mác đuổi theo, phải chạy mãi mới trốn được vào một nhà nọ. Anh ta phải ở lì đấy cho đến đêm mới ăn mặc trá hình lẻn ra ngoài.

Khu phố Xanh Giắc, sinh viên từng đoàn từng lũ ra khỏi các nhà trọ đi ngược đường Xanh Hiaxanh đến tiệm cà phê Tiến bộ, hay đi xuôi đến tiệm cà phê Bảy bàn bi-da, phố Matuyaranh. Ở đấy, có những người thanh niên đứng trên các trụ vôi ở trước cửa phân phát khí giới. Người ta vào cướp công trường phố Tơrăngnônanh để lấy đồ dựng chiến lũy. Chỉ có một nơi các gia chủ kháng cự lại, đấy là chỗ góc hai con đường Xanhtavoa và Ximông lơ Phơrăng, chính họ đã phá chiến lũy. Chỉ có một nơi quân khởi nghĩa chịu thua, họ đã bắt đầu dựng chiến lũy ở phố Đuy Tămpơlơ, nhưng sau khi bắn vào một đội quốc dân quân, họ đã bỏ chạy theo phố Cócdơri. Đội quốc dân quân nhặt được một lá cờ đỏ, một gói đạn và ba trăm viên đạn súng ngắn trên chiến lũy. Chúng xé tan lá cờ, cắm từng mảnh lên lưỡi lê mà mang về.

Tất cả những sự việc chúng tôi thong thả và lần lượt kể ra đây đều xảy ra cùng một lúc, ở tất cả các nơi trong thành phố giữa cảnh nhốn nháo tứ tung chẳng khác gì trăm ngàn tia chớp cùng nổ ra trong một tiếng sấm vang.

Trong non một tiếng đồng hồ, hai mươi bảy chiến lũy xuất hiện. Đó là mới nói xóm Chợ. Ở chính giữa là ngôi nhà số 50 đã lừng danh vì Giannơ và một trăm linh sáu chiến sĩ đã từng dùng nó làm pháo đài. Một bên nó là chiến lũy phố Xanh Meri, bên kia là chiến lũy phố Môbuyê. Vì thế, nó kiểm soát được cả ba phố: phố Ácxit, phố Xanh Máctanh, và phố Busê ở ngay trước mặt. Hai chiến lũy dựng theo góc thước thợ được bẻ gập lại: một cái từ phố Môngtơrơi gấp về phố Tơruyăngđơri, một cái từ phố Lăngiơvanh gấp về phố Xanhtavoa. Đó là chưa kể vô số chiến lũy mọc lên trong hai mươi xóm khác của Pari, rồi ở xóm Mare, xóm đồi Giơnơvie. Một cái ở phố Mêninmôngtăng, ở đấy có một cánh cổng sắt đã tháo bật. Một cái khác gần cầu nhỏ Ôten Điơ làm bằng một cỗ xe đã tháo ngựa và lật xấp xuống chỉ cách trụ sở cảnh sát khu phố có ba trăm bước.

Ở chiến lũy phố Mênêtơriê, một người ăn mặc lịch sự phát tiền cho thợ. Ở chiến lũy phố Gơrônêta, một người cưỡi ngựa hiện ra trao cho một người khác, hình như là người chỉ huy, một bó gì giống như một bó giấy bạc. Anh ta nói: đây là để trả các khoản chi phí rượu v.v… Một người thanh niên tóc vàng, không đeo cà vạt, đi từ chiến lũy này sang chiến lũy khác để truyền đạt các hiệu lệnh. Một người khác, gươm tuốt trần, đầu đội mũ cảnh sát màu xanh lo cắt người canh gác. Ở trong chiến lũy bao nhiêu tiệm rượu và nhà gác cổng đều biến thành chỗ canh gác. Kể ra, cuộc bạo động đã được tổ chức theo một chiến thuật quân sự thực tài tình. Các phố xá chật hẹp, không đều nhau, ngoắt ngoéo, nhiều góc và nhiều chỗ quanh quẹo được chọn rất thích hợp. Đặc biệt, xung quanh xóm Chợ, phố xá còn chi chít, rắc rối hơn đường rừng. Có người nói Hội bạn dân đã chỉ huy cuộc bạo động trong khu Xanhtavoa. Một người bị giết ở phố Pônxô. Khám anh ta, thấy có một bản đồ Pari trên người.

Nhưng thực sự chỉ huy cuộc bạo khởi lại là một cái gì ào ạt dữ dội ở đâu trong không khí. Cuộc khởi nghĩa đột nhiên một tay dựng lên các chiến lũy còn tay kia chộp lấy hầu hết che đồn, bốt. Trong non ba tiếng đồng hồ, chẳng khác gì một đường thuốc súng bùng cháy, nghĩa quân đã tràn ngập vào và chiếm được Xưởng quân khí, nhà đốc lý ở quảng trường Rôian, tất cả xóm Mare, xưởng quân giới Pôpanhcua, Galiốt, Satôdô và tất cả các phố gần khu chợ ở hữu ngạn sông Xen. Còn ở tả ngạn, họ đã chiếm được trại Cựu binh, trại Xanhtơ Pêlagi, quảng trường Môbe, xưởng thuốc súng Đơ Mulanh, tất cả các cửa ô. Đến năm giờ chiều họ đã làm chủ được ngục Bátxti, nhà Lanhgiơri, quảng trường Chiến thắng, và uy hiếp nhà Ngân hàng, trại lính Pơti Pie, Tổng cục bưu điện. Một phần ba Pari nằm trong tay nghĩa quân.

Một cuộc chiến đấu khổng lồ diễn ra khắp mọi nơi. Do việc tước khí giới, khám nhà, cướp các hiệu bán võ khí, kết quả là cuộc chiến đấu mở đều bằng gạch đá đã tiếp tục bằng súng đạn.

Vào khoảng sáu giờ chiều đoạn đường Xôông đã biến thành chiến trường. Đầu này là nghĩa quân, đầu kia là quân lính nhà nước. Người ta nấp ở hàng rào này để bắn sang hàng rào kia. Tác giả quyển sách này, một anh chàng thích quan sát lại hay mơ mộng đã đi tới nơi xem miệng của hỏa sơn.

Anh ta mắc kẹt vào giữa hai luồng đạn của hai bên. Để tránh cho khỏi bị đạn, anh ta chỉ còn cách nấp sau những cột trụ nhô ra ở tường ngăn các gian hàng. Anh ta mắc vào trong tình thế hiểm nghèo này non nửa tiếng đồng hồ.

Trong khi tiếng trống tập trung vang dội, quốc dân quân vội vàng mặc lính phục, mang võ khí. Các đội cảnh sát ra khỏi nhà đốc lý, các trung đoàn từ các trại lính kéo ra. Trước đường Ăngcơrơ một tên lính đánh trống bị đâm một nhát dao găm.

Một tên khác ở phố Thiên Nga bị ba mươi thanh niên vây chặt, đâm thủng trống rồi tước mất gươm. Một tên khác bị giết ở phố Xanh Lada, ở phố Lơ Côngtơ, ba sĩ quan lần lượt gục xuống. Nhiều tự vệ thành phố bị thương ở đường Lômba phải tháo lui.

Trước sân Batavơ, một đội dân vệ bắt được một lá cờ đỏ đề:Cách mạng cộng hòa số 127. Phải chăng đây thực sự là một cuộc cách mạng?

Quân khởi nghĩa đã biến trung tâm Pari thành một thành trì đồ sộ, quanh co, khuất khúc.

Ở đấy là trung tâm, vấn đề thắng bại là ở đấy. Còn ra là đụng độ nhỏ. Điều chứng tỏ tất cả sẽ quyết định ở đây là ở đây vẫn chưa đánh nhau.

Trong vài trung đoàn, binh sĩ tỏ ra do dự. Cái đó làm cơn khủng hoảng càng thêm đáng sợ, chưa biết sẽ kết thúc ra sao. Binh sĩ còn nhớ lại việc tháng Bảy năm 1830, nhân dân nhiệt liệt hoan hô trung đoàn 53 vì nó đã đứng trung lập. Hai con người gan góc và từng trải trong các trận đánh lớn là thống chế Lôbô và tướng Buygiô chỉ huy quân đội, Buygiô dưới quyền Lôbô. Những đội quân tuần tiễu rất đông, gồm những tiểu đoàn chính quy, đi kèm bốn phía là những đại đội quốc dân quân, đằng trước có một thanh tra cảnh sát đeo dải tam tài đang đi trinh sát xem những phố đã nổi dậy. Còn nghĩa quân cũng đặt người canh ở các góc đường có nhiều ngả và cả gan cho những đội tuần tiễu đi ra ngoài chiến lũy. Hai bên theo dõi nhau ráo riết. Chính phủ với quân đội trong tay, vẫn do dự. Trời sắp tối, tiếng chuông báo động ở Xanh Meri bắt đầu vang lên. Bộ trưởng bộ Chiến tranh bấy giờ là thống chế Xun, người đã dự trận Auxtéclít, nhìn quang cảnh này có vẻ lo ngại. Là những tay thủy thủ già dặn quen lối đánh chính quy, chỉ lấy chiến thuật, cái kim chỉ nam duy nhất, làm phương châm chiến đấu, họ đâm mất phương hướng khi đứng trước cơn sóng gió bao la là sự phẫn nộ của quần chúng. Những cơn gió cách mạng phải đâu có thể điều khiển được.

Những đội quốc dân quân ở ngoại ô kéo vào thành vội vàng, hỗn độn. Một tiểu đoàn trong trung đoàn khinh kỵ thứ 12 phi nhanh từ Xanh Đơni đến, tiểu đoàn chiến binh số 14 từ Cuốchơvoa lại, những đội trọng pháo bố trí trong vườn Caruxen, từ Vanhxen đại bác được đưa đến.

Điện Tuylơri vắng lặng. Vua Luy Philip vẫn điềm nhiên thanh thản.

V

VẺ ĐỘC ĐÁO CỦA PARI

Như đã nói trên, hai năm nay Pari đã chứng kiến nhiều cuộc khởi nghĩa. Trừ những khu phố khởi nghĩa ra thì khu vực còn lại của Pari thường thường yên tĩnh một cách kỳ quái. Pari làm quen rất nhanh với mọi thứ, mà đây chỉ là một cuộc bạo khởi. Pari bận nhiều việc quá, hơi đâu mà lo đến nó. Chỉ những thành phố đồ sộ như Pari mới có những quang cảnh như thế. Phải có dãy thành trì mênh mông kia mới có thể chứa đựng đồng thời với cuộc nội chiến, cả một sự bình tĩnh kỳ lạ làm sao: Thường thường, khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu, khi tiếng trống, tiếng kèn gọi lính, tiếng hiệu báo động vang lên, người chủ hiệu chỉ đủng đỉnh nói:

- Phố Xanh Máctanh lại cãi nhau rồi!

Hay:

- Ngoại ô Xanh Máctanh.

Nhiều khi anh ta nói thêm một cách thản nhiên:

- Cũng ở đâu đấy thôi.

Về sau, khi đó nghe rõ tiếng nổ xé tai và ghê rợn của súng trường bắn lẻ và bắn hàng loạt, anh ta nói:

- Găng nhỉ? Chà! Găng gớm!

Lát sau, nếu bạo khởi đến gần và lan rộng, anh ta đóng vội cửa hàng, mặc nhanh bộ binh phục, nghĩa là anh ta lo bảo toàn hàng hóa, còn tính mệnh thì lại bỏ vào cuộc rủi may.

Người ta bắn nhau ở ngã tư, ở các ngõ hẻm, ở các ngõ cụt, người ta giành đi cướp lại các chiến lũy, máu đổ, đạn bắn vào các mặt trước nhà như mưa. Ở trong buồng ngủ có người trúng đạn chết. Xác người ngổn ngang ngoài đường. Nhưng cách vài phố, trong các tiệm cà phê những hòn bi-a vẫn chạm nhau lóc cóc.

Những kẻ hiếu kì cười cười, nói nói chỉ cách các phố đang đánh nhau có vài bước, rạp hát vẫn mở cửa diễn những kịch vui. Xe ngựa vẫn cứ qua lại, người ta vẫn cứ ra phố ăn hiệu. Đôi khi ngay cả trong phố đang đánh nhau. Năm 1831, hai bên ngừng bắn để cho một đám cưới đi qua.

Trong cuộc khởi nghĩa ngày 12 tháng 5 năm 1839, ô phố Xanh Máctanh có một cụ già tàn tật kéo một cái xe bò, trên cắm cái cờ tam tài như cái giẻ rách, trong xe có mấy bình nước gì đấy. Cụ cứ đi đi lại lại từ chiến lũy đến quân đội rồi từ quân đội đến chiến lũy, mời cả đôi bên uống nước dừa chẳng thiên vị bên nào, hết mời quân chính phủ lại mời những người bạo động.

Thật là kỳ lạ hết chỗ nói: Đó chính là đặc tính của các cuộc bạo động ở Pari, khác hẳn mọi thủ đô. Muốn được thế phải có hai điều: Cái vĩ đại của Pari và tính vui nhộn của nó. Phải là thành phố của Vônte và của Napôlêông mới thế.

Thế mà lần này, trong cuộc nổi loạn ngày 5 tháng 6 năm 1832, thành phố vĩ đại này cảm thấy có một cái gì có vẻ khỏe hơn nó. Nó đâm sợ. Khắp nơi, cả trong những khu phố xa nhất và ít liên quan nhất, cửa sổ, cửa lớn, cửa chớp giữa ban ngày cũng đóng kín mít. Người can đảm cầm khí giới, kẻ nhát gan chạy trốn. Loại khách qua đường bận rộn và vô tư biến đâu mất. Nhiều phố vắng tanh như vào lúc bốn giờ sáng. Tin tức hung dữ lan ra, những chi tiết dễ sợ truyền đi: nào họ đã chiếm được nhà Ngân hàng, nào chỉ riêng trong tu viện Xanh Meri, họ đã đông đến sáu trăm, mai phục ở đấy, lấy nhà thờ làm pháo đài để bắn ra, nào quân chính quy không đáng tin ấy, nào Ácmăng Caren[218] đi gặp thống chế Cơlôden và thống chế đã nói: ông hãy có một trung đoàn đã! nào Laphaydét ốm nhưng đã tuyên bố với họ: Tôi tán thành các bạn. Tôi sẽ theo các bạn bất kỳ ở đâu miễn là có chỗ đủ đặt một cái ghế, nào phải đề phòng cẩn thận chứ đêm nay sẽ có bọn vào cướp những ngôi nhà ở nơi hẻo lánh của Pari (quả cảnh sát thực giàu óc tưởng tượng, đúng là một Annơ Radelaiphơ[219] ở trong bộ máy nhà nước), nào một đội pháo đã bố trí ở phố Ôbuylơ Busê, nào Lôbô và Bugiô đang bàn tính và nửa đêm hay chậm lắm là tảng sáng, bốn cánh quân sẽ đi từ bốn ngả ập vào trung tâm của quân bạo động, cánh quân thứ nhất từ ngục Bátxti, cánh quân thứ hai từ cửa ô Xanh Máctanh, cánh quân thứ ba từ Grevơ, cánh quân thứ tư từ xóm chợ, nào là chuyến này chưa biết rồi sẽ ra sao nhưng chắc chắn là nghiêm trọng. Người ta thấy thống chế Xun do dự nên đâm lo. Tại sao ông ta không tấn công ngay? Rõ ràng ông ta đang suy nghĩ nhiều. Con sư tử già hình như đánh hơi thấy trong bóng tối này có một con quái vật chưa hề gặp.

[218] Arnan Carel: nhà báo và là chiến sĩ cách mạng chống nền quân chủ tháng Bảy

[219] Anne Radeliffe: nữ văn sĩ Anh, viết tiểu thuyết giàu óc tưởng tượng

Đêm đến, rạp hát không mở cửa, những đội tuần tiễu đi đi lại lại có vẻ tức bực, người ta khám xét những người qua lại, ai có vẻ tình nghi là bị bắt ngay. Đến chín giờ, đã có hơn tám trăm người bị bắt. Trụ sở cảnh sát chật ních cả người, ngục Côngxiegiơri chật ních, ngục La Phócxơ chật ních. Đặc biệt ở ngục Côngxiegiơri, dưới cái hầm ngầm dài gọi là phố Pari, rơm trải ngổn ngang, tù nằm lên nhau. Lagơrăng, con người thành Liông, dũng cảm hô hào họ. Rơm rạ bị chân người đạp nghe rào rào như mưa giông. Ở chỗ khác, tù nhân nằm cả ngoài trời, ngoài nhà chơi, chồng chất lên nhau. Đâu đâu cũng thấy lo ngại, có phần run sợ, khác thường đối với Pari.

Nhà cửa đóng, chặn kín, đàn bà và các bà mẹ lo lắng. Chỉ nghe những câu: Trời ơi! Sao anh ấy vẫn chưa về. Xa xa nghe tiếng xe cộ chạy thưa thớt. Người ta đứng ở bậc cửa lắng nghe tiếng rầm rầm, tiếng kêu, tiếng hò hét, những tiếng ầm ĩ ở đâu xa và người ta đoán: kỵ binh đấy! hay: xe chở đạn đang chạy!Người ta nghe tiếng kèn tiếng trống, tiếng súng, đặc biệt tiếng chuông báo động thảm hại của nhà thờ Xanh Meri. Người ta chờ đợi phát đại bác đầu tiên. Nhiều người cầm khí giới nhô ra đầu phố, kêu to: Vào nhà đi! và biến mất. Thế là ai nấy vội vàng đóng chốt cửa lại. Người ta nói: Rồi ra làm sao đây? Trời cứ tối dần. Từng lúc, Pari có vẻ nhuộm thêm màu lửa chiến ảm đạm và dữ dội của bạo khởi.