Những người khốn khổ - PHẦN IV - Quyển XI

QUYỂN XI: HẠT BỤI KẾT THÂN VỚI BÃO TÁP

I

VÀI ĐIỂM SÁNG TỎ VỀ NGUỒN GỐC THƠ CỦA GAVRỐT. ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT VIỆN SĨ HÀN LÂM ĐỐI VỚI THỨ THƠ NÀY

Cuộc khởi nghĩa nổ ra từ sự va chạm giữa công chúng với quân đội ở trước quảng trường Quân khí. Sự va chạm đó làm nảy ra một cuộc vận động từ trước ra sau của đám đông đi theo xe tang, đám đông đó kéo dài suốt các đại lộ vốn là một sức đùn mạnh mẽ đối với đoạn đầu đoàn tang lễ. Lúc bấy giờ đám tang xô dồn lại một cách đáng sợ. Dân chúng ùn ùn mất cả hàng ngũ, ai cũng đi, cũng chạy, cũng thoát ra, kẻ thì hò reo tấn công, người thì nhợt nhạt bỏ chạy. Con sông người chảy trên các đại lộ chia dòng trong nháy mắt, tràn qua trái, qua phải thành những con suối trên hai trăm đường phố một lúc, chảy siết như mở cổng sông đào. Lúc ấy, một chú bé rách rưới từ phố Mêninmôngtăng đi lại, tay cầm một cành thị - mun trổ hoa mà chú vừa hái trên vùng đồi Benlơvin. Chú thấy trong quầy của một mụ hàng xén có một khẩu súng ngắn kỵ binh. Chú vứt cành hoa xuống đường, kêu:

- Bà gì ơi, tôi mượn cái súng của bà đó. Rồi chú tóm khẩu súng chạy biến đi.

Vài phút sau, một đoàn tư sản sợ sệt chạy trốn qua phố Amơlô và phố Bátxơ gặp chú bé đang vung súng hát:

Đêm tối mò mò

Ngày thì sáng tỏ.

Bởi sách đáng ngờ

Thằng giàu rối to

Đạo đức, phải lo

Bo bo,

Mũ nhọn chờ đó.

Đó là bé Gavrốt ra trận.

Đến đại lộ, nó nhận thấy súng không có cò.

Ai đã đặt khúc hát để cho nó hát nhịp bước hành quân và nói chung tất cả những bài hát mà nó thích hát khi có dịp? Chúng tôi không rõ. Biết đâu không phải là chính nó? Cũng phải nhận rằng Gavrốt rất am hiểu những bài hát bình dân lưu hành, và nó cũng thường thêm thắt điệu ngân nga của nó. Lêu lổng và tinh nghịch, nó đem âm thanh của tạo vật và âm thanh của Pari làm thành một hợp ca hổ lốn. Nó hòa hợp tiếng chim với tiếng xưởng thợ. Nó có quen biết một số trẻ học vẽ là loại tiếp cận với loại nó. Hình như nó cũng đã từng học nghề in ba tháng. Một hôm nó đi việc giúp cho ông Bana Lócmiăng, một số tứ thập.[220] Gavrốt là một chú "văn đồng".

[220] Tức là một viện sĩ viện Hàn lâm Pháp (viện ấy có con số nhất định 40 viện sĩ)

Thực ra trong cái đêm mưa mà Gavrốt đã cho hai chú bé tạm trú với mình trong bụng voi, chú đâu có biết chú đã là cứu tinh đối với chính em ruột chú. Cứu em lúc chập tối, cứu cha lúc sắp sáng, cái đêm của chú là thế đấy. Tang tảng sáng, từ phố Banlê trở về chỗ con voi, chú đã moi hai đứa bé một cách nghệ thuật từ bụng voi ra, chú đã chia với chúng cái bữa ăn sáng chú sáng tạo, xong chú gởi chúng lại cho đường phố, bà mẹ hiền đã hầu như nuôi dưỡng chú. Rồi chú đi không quên hẹn chúng đến tối lại cùng nhau trở về chỗ đó. Chú đọc bài diễn văn từ biệt này:Tao bẻ gậy đây, tức là tao cút hoặc nói như bọn quan tòa: tao đi thẳng. Lũ nhóc, nếu chúng bay không tìm thấy bố mẹ thì tối nay lại cứ đến đây. Tao sẽ kiếm cho mà ăn tối và tao cho ngủ.

Có thể cảnh sát đã lượm hai đứa bé và lưu giữ để chờ cha mẹ nhận. Hoặc là một tên xiếc rong nào đó đã bắt chúng, hoặc chúng chỉ đi lạc mất trong cái bàn cờ[221] Pari thôi.

[221] Nguyên văn: casse - teetechinois: một trò chơi rắc rối gồm có một cái bàn trên xếp các mẩu gỗ theo nhiều hình và biến dạng

Dù sao thì chúng đã không trở lại. Ở dưới đáy xã hội hiện tại, sự mất hút dấu vết như thế là thường. Gavrốt không gặp lại hai đứa bé. Mươi mười hai tuần lễ đã trôi qua từ đêm ấy. Đã nhiều lần nó gãi đầu tự hỏi: Quái! Không biết hai đứa con ta đi vào đâu nhỉ?

Vừa đi vừa vung súng, nó đã đến phố Pôngtôsu. Nó đã để ý ở phố đó chỉ còn có một hiệu mở cửa, và điều đáng suy nghĩ, đó là một hiệu bánh ngọt. Trước khi dấn thân vào vô định, được ăn một cái bánh quai vạc nhân táo là một phúc lớn trời cho. Gavrốt dừng lại, sờ hông, lục bao, lộn túi áo: không có lấy một đồng xu, không có gì cả! Nó bèn kêu: Cứu tôi với! Cứu tôi với!

Không được ăn bánh ngọt một lần cuối cùng, rõ là cay đắng.

Tuy nhiên, Gavrốt vẫn tiếp tục đi lên.

Chỉ vài phút sau, nó đã đến phố Xanh Luy. Đi qua phố Pác Rôian, thấy cần phải bù đắp nỗi thiệt thòi không được ăn bánh quai vạc nhân táo không thể có, nó bèn tự thưởng cho mình cái thú xé toang các tờ quảng cáo sân khấu giữa ban ngày ban mặt.

Đi một đỗi nữa, nó thấy có một nhóm người hồng hào đi qua, có vẻ như là những nghiệp chủ. Nó nhún vai và khạc ra một tràng triết lý như sau:

- À ngữ có lợi tức này, chúng nó béo làm sao! Chúng nhồi nhét đầy bụng. Chúng lội bì bõm trong cao lương mỹ vị. Thử hỏi chúng dùng tiền làm gì, chúng cóc biết. Chúng dùng để ăn chứ có làm gì nữa! Bụng mang được chừng nào thì mang mà!

II

GAVRỐT HÀNH QUÂN

Chỉ cái việc cứ đi giữa đường cái, tay hoa một khẩu súng ngắn mất cò cũng đã là một chức vụ quan trọng ghê gớm nên Gavrốt ta càng đi càng phởn, nói năng huyên thuyên. Nó vừa hát từng mẩu của bài Mácxâyde, vừa kêu to:

- Tốt lắm! Chân trái ông đau, xương cứ nhức nhối, vì cái anh thấp khớp hành hạ nhưng ông đang khoái đây, quốc dân ạ! Bọn tư sản chúng mày liệu hồn, ông phết cho vài câu hát biếm bây giờ! Mật thám là cái thá gì? Là chó. Hừ, chó đểu! Thôi cũng đừng làm mất danh giá chó làm gì. Chính ông cũng muốn có một con[222] cho cái khẩu súng này quá. Anh em ơi, tớ ở đại lộ về đây. Nóng ra phết, đang sôi âm ỉ, đang sủi bọt. Phải vớt bọt đi thôi. Nào anh em tiến lên! Khá lấy máu bọn hôi tanh tưới ngập luống cày![223] Tớ hiến đời tớ cho tổ quốc, tớ không còn thấy lại con nhân tình. Hết mẹ nó rồi! Nhưng đếch cần, thế mà khoái tỉ đấy, vui vẻ muôn năm! Đánh nhau đi! Ông ngấy chuyên chế rồi!

[222] Một con: Một con chó. Nguyên văn: chien vừa có nghĩa chó vừa có nghĩa là cò súng.

[223] Gavrốt nhại một câu trong bài Mácxâyde, quốc ca Pháp.

Vừa lúc ấy, có một con ngựa của một quốc dân quân đi qua ngã quỵ xuống. Gavrốt đặt súng xuống đất, đỡ anh ta lên rồi lại giúp anh ta nâng con ngựa dậy. Rồi chú lại nhặt khẩu súng bước đi.

Phố Tôrinhi thật là bình yên, tĩnh mịch. Trái ngược với cảnh huyên náo xung quanh. Cái vẻ lầm lì ấy thật đúng với đặc tính của xóm Mare. Bốn mụ già đứng nói chuyện trước cửa.

Xứ Êcôtxơ có những bộ ba nữ phù thủy, thành Pari có những bộ bốn gái rỗi mồm. Cái câu tiên tri "Anh sẽ làm vua" được ném rùng rợn lên đầu Bônnapác ở ngã tư Bôđôiê cũng như lên đầu Mácbét trên đồng cói Acmuya. Cũng một tiếng quạ kêu như vậy.

Thứ đàn bà lắm mồm phố Tôrinhi chỉ lo nghĩ đến công việc của họ thôi. Đây là ba mụ gác cổng và một mụ đi nhặt giẻ rách, lưng đang đeo sọt, tay cầm móc. Cả bốn người hình như tiêu biểu cho bốn đặc tính của tuổi già là: lụ khụ, khặc khừ, tàn tạ và buồn nản.

Mụ nhặt giẻ nhún nhường. Trong cái thế giới lộng gió này, mụ nhặt giẻ chào hỏi, mụ gác cổng che chở. Cái đó tùy thuộc ở đống rác to hay nhỏ theo ý kẻ vun rác. Cái chổi cũng có thể có lòng nhân đức.

Mụ nhặt giẻ này là một người nhớ ơn nghĩa. Mụ cười niềm nở với ba mụ gác cổng. Họ nói với nhau đại khái:

- À này, con mèo của bà vẫn ác đấy chứ?

- Chao ôi! Mèo thì bà biết đấy, là kẻ thù tự nhiên của chó. Chính lũ chó kêu rên đấy chứ.

- Người ta cũng kêu.

- Nhưng mà họ mèo có bám theo người đâu.

- Cái đó không quan trọng. Chó mới là nguy hiểm. Tôi nhớ có một năm nào đó, chó sinh ra nhiều quá đến nỗi người ta phải đăng báo. Đó là ở cái thời mà trong điện Tuylơri có những con cừu to lớn kéo cái xe con của vua Rômơ. Các bà còn nhớ vua Rômơ chứ?

- Tôi thì tôi thích công tước Bócdô.

- Tôi à, tôi có biết Luy XVII. Tôi ưa Luy XVII hơn.

- Thịt đắt quá, bà Patagông ạ!

- Chao ôi! Đừng có nói chuyện đó với tôi. Hàng thịt là một điều ghê tởm. Một điều ghê tởm ghê tởm. Chỉ mua được xương xẩu thôi.

Mụ nhặt giẻ xen vào:

- Các bà ạ, việc buôn bán chẳng ra sao. Rác rưởi cũng bị phá hoại. Người ta có vất gì đâu, người ta ăn tuốt.

- Cũng có kẻ nghèo hơn bà đó bà ạ, như mụ Vácgulem.

- À ừ, đúng đấy, mụ nhặt giẻ đáp kính cẩn. Tôi còn có nghề sinh sống.

Họ nghỉ một lát. Rồi tuân theo cái nhu cầu trưng bày cố hữu của loài người, mụ kể thêm:

- Buổi sáng về nhà, tôi lọc giẻ, tôi làm cái việc chọc lọn (chắc mụ muốn nói chọn lọc). Đổ từng đống trong buồng. Tôi bỏ giẻ trong thúng, lõi củ trong thùng, quần áo trên ngăn tường, len dạ trong tủ, giấy báo trên xó cửa sổ, cái gì ăn được vào chậu, chai, kính trên bệ sưởi, giầy dép sau cánh cửa ra vào, và xương xẩu vào dưới giường.

Gavrốt dừng lại đằng sau họ, lắng nghe, rồi nói:

- Này các cố, các cố nói chuyện chính trị đấy à?

Cả bốn mụ hùa nhau mắng xả vào mặt nó:

- Lại một thằng vô lại!

- Xem tay nó cầm cái gì kia? Một khẩu súng ngắn!

- Tôi xin các bà, cái thứ nhãi ranh ấy!

- Quân này chưa lật được chính phủ thì chưa chịu ngồi yên đâu!

Gavrốt khinh bỉ chỉ trả thù bằng cách lấy ngón tay cái hếch cái mũi lên và xòe bàn tay ra.

Mụ nhặt giẻ kêu:

- Đồ khố dây!

Mụ tên là Patagông vỗ tay vào nhau, tru tréo:

- Chuyện này thì nguy đến nơi! Cái thằng ranh con bên hàng xóm mới để râu ấy mà. Sáng nào tôi cũng thấy nó cắp nách một con bé mũ hồng, thế mà sáng nay tôi thấy nó cắp một khẩu súng. Bà Masơ nói đâu tuần trước có cách mạng ở, ở… mẹ nó, ở đâu rồi, à ở Pôngtoa. Các bà cứ nhìn cái thằng trời đánh kia, oắt con thế mà đã cầm súng. Nghe đâu tu viện Xêlécxtanh đầy cả đại bác. Các bà tính, chính phủ làm thế nào cho yên với những đồ du thủ, du thực, nay đặt chuyện này, mai bày chuyện khác để quấy nhiễu người ta. Khổ bỏ mẹ người ta rồi mới yên được một dạo thì nay chúng lại giở quẻ. Lạy Chúa tôi! Tội nghiệp cho bà hoàng hậu! Tôi thấy bà trong chiếc xe bò chở ra pháp trường. Cứ lôi thôi thế này chỉ tổ thuốc lá đắt. Quả là một sự điểm nhục. Thế nào cũng có ngày tao được trông thấy mày bị chém cổ.

- Này mụ kia, Gavrốt nói, đừng khịt mũi nữa. Lấy khăn xì mũi đi thôi!

Rồi nó bỏ đi. Đến đường Pavô, sực nhớ tới mụ nhặt giẻ, nó nói một mình:

- Cố Gócxó à, cố mắng những người cách mạng là sai. Khẩu súng này là vì cố đấy. Để cho sau này trong cái sọt của cố có nhiều cái ăn được.

Thình lình, nó nghe thấy sau lưng có tiếng động. Thì ra mụ gác cổng Patagông vẫn đuổi theo nó và từ đằng xa đang giơ quả đấm ra dọa:

- Đồ con hoang!

- Cái đó ông đếch cần!

Lát sau, nó đi qua khách sạn Lamoanhông. Ở đây nó hô:

- Tiến ra trận nào!

Nhưng rồi nó ỉu xìu ngay. Nó nhìn khẩu súng có vẻ oán thán như muốn làm cho khẩu súng cảm động.

-Tao thì ra trận, còn mày lại không chịu ra cho.

Một con chó gầy rạc đi qua. Con chó làm quên cái cò súng. Nó thương hại, kêu:

- Tội nghiệp con tu tu! Mày nuốt chửng cả cái thùng rượu sao mà đai thùng lòi ra hai bên như thế?

Rồi nó đi về phố Xanh Giécve.

III

SỰ CĂM PHẪN CHÍNH ĐÁNG CỦA MỘT ANH PHÓ CẠO

Lúc này anh thợ cạo đang bận cạo râu cho một bác lính già đã chiến đấu dưới cờ hoàng đế. Đó là người thợ cạo đã xua đuổi hai đứa bé và sau đó Gavrốt mở bụng mẹ voi đón vào. Họ nói chuyện với nhau. Dĩ nhiên anh thợ cạo nói với các cựu binh về chuyện bạo khởi, chuyện tướng Lamác, rồi từ tướng Lamác bắt sang hoàng đế. Từ đó nảy ra một cuộc nói chuyện giữa thợ cạo và lính mà nếu Pruydom nghe được chắc sẽ thêm hoa hòe hoa sói vào và tra cho cái nhan đề: Cuộc đối thoại của dao cạo và gươm.

- Thưa ông, anh thợ cạo nói, hoàng đế cưỡi ngựa thế nào ạ?

- Kém. Ngài không biết ngã đâu. Cho nên chẳng bao giờ ngài ngã ngựa.

- Ngài có ngựa đẹp không? Chắc ngài phải có ngựa đẹp chứ?

- Ngày ngài đeo huân chương cho tôi, tôi có để ý đến con ngựa của ngài. Đó là một con ngựa cái đua, trắng tuyền, tai xiêu, lưng trũng, đầu thon có đốm đen, cổ rất dài, khớp gối chắc, sườn nở, vai chếch, mông khỏe. Cao quá thước năm.

- Ngựa đẹp nhỉ, anh thợ cạo kêu.

- Đó là ngựa riêng của Hoàng thượng.

Anh thợ cạo cảm thấy cần phải im lặng một chút khi nghe tiếng đó thì mới đúng lễ. Anh làm thế, sau đó mới nói:

- Hoàng đế chỉ bị thương có một lần thôi, phải không ông?

Người lính già trả lời với giọng lớn lối và bình tĩnh của người tai nghe mắt thấy:

- Ở gót chân. Tại Ratixbon. Tôi chưa hề thấy ngài ăn mặc đẹp đẽ như hôm ấy. Sạch bong như đồng xu.

- Còn ông, thưa ông cựu chiến binh, chắc là ông bị thương nhiều lần?

- Tôi ấy à? Ái chà! Cũng chả lấy gì làm ghê gớm! Ở trận Marăngô, tôi bị hai nhát kiếm vào gáy, ở Auxtéclít một viên đạn vào cánh tay phải, lại một viên khác ở đùi trái tại Iêna, tại Phriétlăng một nhát lê vào… đây nè, ở sông Môxcôva bảy tám nhát giáo vào bất kể nơi nào, tại Lutđen một mảnh đạn phá làm giập ngón tay… Chà, rồi ở Oatéclô một mảnh đạn ghém vào vế. Chỉ có thế.

Anh thợ cạo lấy giọng cầu kỳ hùng tráng kêu:

- Ôi! Đẹp biết bao được chết ở chiến trường! Tôi, tôi viện danh dự thề rằng tôi không đành chết trên giường vì bệnh hoạn, chết dần chết mòn mỗi ngày một ít, chết vì thuốc thang, thuốc bó, ống tiêm, thầy thuốc, tôi thích chết vì một viên đạn đại bác bắn trúng bụng hơn!

- Ông cũng dễ tính đấy nhỉ, người lính nói.

Vừa dứt lời thì hiệu cạo rung lên vì một tiếng động kinh khủng. Một tấm kính ở quầy hàng bị vỡ đột ngột. Anh thợ cạo tái mặt.

- Ối trời ôi? Anh kêu. Đúng là nó!

- Gì kia?

- Đạn đại bác.

- Nó đấy.

Người lính nói vậy rồi cúi xuống nhặt một vật gì dưới đất.

Đó là một hòn cuội.

Anh thợ cạo chạy ra chỗ cửa vỡ và trông thấy Gavrốt đang ba chân bốn cẳng chạy đến phía chợ Xanh Giăng. Số là đi qua hiệu lão thợ cạo, Gavrốt vẫn nặng lòng vì hai đứa bé, không thể cưỡng được cái ý thích chào hỏi lão, bèn ném một hòn đá vào cửa kính lão ta.

- Bàng quan thiên hạ có thấy không chứ? Anh thợ cạo hét tướng lên, mặt từ xanh nhợt đã trở nên xanh tím. Cái ngữ này hại người vì tính ác. Cái thằng ranh ấy, ai làm gì nó mà thế chứ?

IV

CHÚ BÉ NGẠC NHIÊN VÌ CỤ GIÀ

Gavrốt bấy giờ đi đến chợ Xanh Giăng. Bốt ở đây đã bị tước khí giới. Nó "liên lạc" được với đoàn do Ănggiônrátx, Cuốcphêrắc, và Phơidi chỉ huy. Họ được võ trang tạm đủ. Bahôren và Giăng Pơruve đã gặp họ và cùng nhập bọn.

Ănggiônrátx có một khẩu súng săn hai nòng, Côngbơphe cầm khẩu súng trường của quốc dân quân vẫn còn có số hiệu của trung đoàn, áo khoác ngoài không cài cúc để lộ hai khẩu súng ngắn giắt ở thắt lưng. Giăng Pơruve có một khẩu súng cũ của kỵ binh. Bahôren cầm một khẩu súng ngắn. Cuốcphêrắc múa một cây gậy tra gươm đã tuốt trần. Côngbơphe Phơidi, mã tấu trong tay, đi đầu, vừa đi vừa hô: "Ba Lan muôn năm!"[224]

[224] Hồi bấy giờ nhân dân Ba Lan đang nổi lên chống quân Áo, Phổ và Nga hoàng đã chia cắt và thống trị Ba Lan.

Họ từ bên Móclăng lại, cổ không cà vạt, đầu không mũ, thở hổn hển, ướt như chuột lột, nhưng mắt nảy lửa. Gavrốt gặp họ, thản nhiên hỏi:

- Ta đi đâu bây giờ?

- Cứ đi với chúng tao, Cuốcphêrắc nói.

Đằng sau Phơidi là Bahôren. Chàng bước đi, hay nói đúng hơn là đang nhảy chồm chồm lên, chàng gặp bạo động như cá gặp nước. Chàng mặc áo gi-lê đỏ thẫm, miệng toàn nói việc dữ dội. Áo gi-lê của chàng làm một khách qua đường mất vía, hét lên:

- Bọn đỏ đây rồi!

- Máu đỏ! Bọn đỏ! Ồ tư sản! Sợ gì mà kỳ khôi thế? Ông đây thấy hoa mào gà đỏ ối ông cũng cóc run, thấy con bé quàng khăn đỏ ông cũng cóc sợ. Anh tư sản kia! Anh có tin tôi hãy để cho lũ thú có sừng sợ màu đỏ.

Chàng nhìn vào góc tường ở đấy dán một tờ giấy lời lẽ hòa bình nhất thế giới, đó là tờ thông báo của ông tổng giám mục Pari cho phép "con chiên" ăn trứng trong ngày kiêng thịt. Chàng kêu to:

- "Con chiên", con cừu đó chỉ là một cách lịch sự để nói "con tườu"[225] mà thôi!

[225] Nguyên văn chơi chữ giữa ouaille (cừu cái, nghĩa bóng: tín đồ, thường gọi là con chiên) và oie (ngỗng). Con tườu: con khỉ.

Và chàng xé toạc tờ giấy. Cử chỉ này làm Gavrốt phục lăn. Từ phút này, Gavrốt bắt đầu học tập Bahôren. Ănggiônrátx trách:

- Cậu làm thế là sai. Cứ để yên tờ thông báo đấy chúng ta có liên quan gì với nó đâu. Cậu giận bừa giận bãi chẳng ích gì. Phải để dành lòng uất hận. Không ai bắn lung tung, giận giữ hay bắn súng cũng phải có đích chứ.

- Mỗi người một tính. Bahôren cãi. Cái lối văn chương giám mục này làm tớ bực mình, tớ muốn ăn trứng chẳng cần xin phép ma nào hết. Cậu thuộc cái hạng lạnh như tiền mà đốt chết người ta. Tớ thì thích quấy. Với lại, tớ có phải làm việc vô ích đâu, tớ đang lấy đà, tớ xé tờ thông báo là để cho nó ngon miệng sau này ăn nhiều cơm đấy! Mẹ tiên nhân nó!

Chữ tiên nhân làm Gavrốt chú ý. Nó tìm mọi cơ hội để học hỏi và nó hâm mộ anh chàng xé tờ áp phích kia. Nó hỏi:

- Tiên nhân nghĩa là gì?

- Thì cũng là tổ cha đấy thôi, có điều nói chữ là vậy. Đến đấy Bahôren nhận ra một thanh niên xanh xao râu mọc đen sì đứng nhìn họ đi qua ý chừng là hội viên hội ABC. Chàng gọi lớn:

- Mau mau đem đạn đến! Chuẩn bị chiến đấu![226]

[226] Nguyên văn latinh: Para bellum.

Gavrốt lần này làm như hiểu chữ nghĩa lắm.

- Ừ, ừ, phải!…

Đằng sau họ là một đoàn người nhốn nháo, sinh viên, nghệ sĩ, thanh niên vào hội Cuguốcđơ, công nhân, phu khuân vác, người cầm gậy, kẻ cầm lưỡi lê, có người như Côngbơphe giắt súng ngắn ở quần. Một cụ già rất già không có khí giới, bước vội để khỏi tụt lại sau mặc dầu cứ có vẻ tư lự. Gavrốt nhìn thấy hỏi Cuốcphêrắc:

- Telatenao?

- Một cụ già.

Người ấy là cụ Mabớp.

V

CHUYỆN ĐÃ XẢY RA ĐẦU ĐUÔI NHƯ SAU

Ănggiônrátx và các bạn của chàng đang đi trên đường Buốcđông gần kho lương thực khi bọn lính đầu rồng tấn công. Ănggiônrátx, Cuốcphêrắc và Côngbơphe cùng với nhiều người khác kéo nhau về đường Bátxompie vừa đi vừa hô: Hãy đến chiến lũy! Đến đường Lêdighie họ gặp một cụ già đang đi.

Cụ làm họ chú ý vì cụ đi chệnh choạng như người say.

Ngoài ra, tuy cả buổi sáng trời mưa và ngay lúc bấy giờ mưa khá nặng hạt, cụ vẫn cầm mũ mà đi. Cuốcphêrắc nhận ra cụ Mabớp. Chàng nhận ra vì chàng đã nhiều lần đưa Mariuytx đến nhà ông cụ. Vốn biết tính cụ già ham sách này xưa nay không hiếu sự lại rụt rè đến nhút nhát, chàng sửng sốt khi thấy ông cụ đứng giữa nơi hỗn loạn này, chỉ cách vài bước với toán kỵ binh đang xông ra, gần như ngay giữa đám bắn nhau, trời thì mưa, đầu vẫn không đội mũ mà dạo qua dưới làn đạn. Chàng chạy lại. Chàng thanh niên hai mươi lăm tuổi đang bạo động và ông già tám mươi nói chuyện với nhau:

- Cụ Mabớp, cụ về nhà đi!

- Tại sao?

- Sắp choảng nhau to.

- Tốt.

- Sắp đâm chém nhau, bắn nhau, cụ Mabớp ạ.

- Tốt.

- Có cả đại bác đấy!

- Tốt. Các anh đi đâu?

- Đi lật đổ chính phủ.

- Tốt lắm.

Và ông cụ đi theo họ. Từ lúc ấy, ông cụ không nói nửa lời.

Bước chân cụ bỗng trở nên chững chạc. Mấy công nhân giơ tay dắt, cụ lắc đầu. Cụ tiến lên hàng đầu, cử chỉ là cử chỉ của người đang đi, nhưng vẻ mặt lại là vẻ mặt của người đang ngủ. Bọn sinh viên thì thầm:

- Ông cụ này hăng máu gớm!

Trong đám đông người ta kháo nhau rằng xưa kia cụ thuộc viện Dân ước, đã bỏ phiếu xử tử vua.

Cả bọn đi qua phố Verơri. Chú Gavrốt đi đầu vừa đi vừa hát rống lên như một anh lính kèn. Chú hát:

Kìa trăng mới mọc

Bao giờ ta vào rừng?

Sáclô hỏi Sáclốt

Tu tu tu

Đi Satu

Ta chỉ có một Chúa, một vua, một chiếc giầy và một đồng xu.

Vì uống sương sớm quá

Ở ngọn lá kê minh

Đôi chim di say lả

Di di di

Đi Pari

Ta chỉ có một Chúa, một vua, một chiếc giầy và một đồng xu

Tội nghiệp hai con lang

Say tít như sáo sảo

Hổ bật cười trong hang.

Đông đông đông

Đi Mơđông

Ta chỉ có một Chúa, một vua, một chiếc giầy và một đồng xu.

Người rủa, người văng tục.

Bao giờ ta vào rừng?

Sáclô hỏi Sáclốt

Tanh tanh tanh

Đi Păngtanh

Ta chỉ có một Chúa, một vua, một chiếc giầy và một đồng xu.

Họ kéo nhau về phố Xanh Meri.

VI

LÍNH MỚI

Đám người mỗi lúc một đông thêm. Đến phố Bidét, một người cao lớn đầu hoa râm cũng nhập bọn. Cuốcphêrắc, Ănggiônrátx, Côngbơphe thấy hắn có vẻ lầm lì và táo tợn, nhưng không ai biết hắn là ai. Gavrốt chỉ lo hát hỏng, huýt sáo, nói chuyện, lấy báng súng của cái súng không có cò mà đập vào cửa chớp các hiệu buôn nên cũng không để ý đến hắn.

Đến phố Verơri, cả bọn đi qua cửa nhà Cuốcphêrắc. Cuốcphêrắc nói:

- Hay quá! Tớ quên tiền lại mất cả mũ!

Chàng bỏ đám đông chạy lên cầu thang bậc học một.

Chàng lấy ra cái mũ cũ và túi tiền. Chàng lôi ra một cái thùng vuông to như một va li lớn, bấy lâu vẫn khuất trong đống quần áo bẩn. Chàng đang tất tả chạy xuống thang gác thì mụ gác cổng gọi:

- Ông Đờ Cuốcphêrắc ơi.[227]

[227] Người quý tộc trước họ có chữ Đờ, gọi Đờ Cuốcphêrắc tức xem Cuốcphêrắc là người quý tộc.

Cuốcphêrắc hỏi vặn lại:

- Tên mụ là gì?

- Ông biết chán! Tôi là mụ Vôvanh.

- Này, tôi nói cho mụ biết: Mụ còn gọi tôi là ông Đờ Cuốcphêrắc thì tôi sẽ gọi mụ là mụ Đờ Vôvanh cho mà xem. Bây giờ nói đi. Có việc gì thế?

- Có người muốn nói chuyện với ông.

- Ai thế?

- Tôi không biết.

- Ở đâu?

- Trong buồng của tôi.

- Kệ xác nó.

- Nhưng người ta đợi ông hơn một tiếng đồng hồ rồi!

Vừa lúc ấy, một người ở trong buồng đi ra, có vẻ một công nhân trẻ tuổi, gầy gò, xanh xao, nhỏ nhắn, mặt có những nốt đỏ. Hắn mặc áo bơ-lu, quần nhung vá, giống con gái ăn mặc giả trai hơn là con trai. Nhưng giọng nói của hắn không có vẻ đàn bà chút nào.

- Thưa ông, tôi muốn gặp ông Mariuytx.

- Ông ta không có nhà.

- Tối nay ông ta có về không?

- Tôi không biết. Và Cuốcphêrắc nói tiếp: Còn tôi thì tôi không về!

Người trẻ tuổi nhìn chàng chăm chú và hỏi:

- Tại sao thế?

- Bởi vì…

- Ông đi đâu vậy?

- Anh hỏi làm gì?

- Ông có muốn tôi mang cái thùng hộ ông không?

- Tôi ra chiến lũy.

- Tôi đi với ông có được không?

- Tùy ý! Đường phố thênh thang, ai muốn đi thì đi. Và chàng bỏ chạy ra ngoài để đi với các bạn. Gặp họ, chàng đưa cái thùng cho một người mang. Một khắc đồng hồ sau, chàng mới nhận ra rằng gã thanh niên kia cũng nhập bọn.

Một đám đông ngẫu nhiên tụ họp như thế không phải muốn đi đến đâu thì đi. Ở trên, chúng tôi đã nói như có ngọn gió cuốn họ đi. Họ vượt qua phố Xanh Meri và không hiểu sao lại đưa nhau đến phố Xanh Đơri.