Máu Lạnh - Phần II - Chương 2
Đầu mối của Church về bản chất cũng tương tự. Cũng thế, ông đã nghe nói đến một người được thừa nhận là thù địch với ông Clutter: một ông Smith nào đấy (tuy đây không phải là tên thật của ông ta), tin rằng chủ nhân của Trại Lũng Sông đã bắn chết con chó săn của mình. Church đã kiểm tra trại của Smith và tìm thấy ở đấy, treo trên một cái rui nhà kho, một đoạn dây thừng có kiểu nút giống như nút đã được dùng để trói bốn người nhà Clutter.
Dewey nói, “Một trong những người đó có thể là đầu mối của chúng ta đấy. Một chuyện cá nhân - một mối ác cảm không kiềm chế nổi.”
“Trừ phi đây là một vụ cướp,” Nye nói, tuy động cơ cướp của đã được thảo luận kha khá và ít nhiều đã bị gạt đi. Các luận điểm chống lại nó đều hợp lý, cái mạnh nhất là việc ông Clutter ghét trả tiền mặt đã thành chuyện đầu lưỡi ở tỉnh này; ông ấy không có két sắt và không bao giờ mang những khoản tiền lớn theo mình. Cũng thế, nếu giải thích là cướp của thì tại sao kẻ cướp lại không tháo đi nữ trang bà Clutter đeo trên người - một lắc cưới và một nhẫn kim cương? Nhưng Nye chưa chịu khuất phục: “Kiểu bố trí này sặc mùi ăn trộm, về cái ví của Clutter thì thế nào? Một người nào đó để nó mở phanh rỗng không ở trên giường Clutter - tôi nghĩ không phải người chủ cái ví. Và cái túi tay của Nancy nữa? Cái túi đó nằm trên sàn nhà. Sao nó lại ở đấy? Đúng, và chẳng còn lấy một đồng một chữ nào ở trong nhà. À - hai đô la, được. Chúng ta tìm thấy hai đô la trong một cái phong bì đặt trên bàn học của Nancy. Và chúng ta biết Clutter đã trả một tấm séc sáu chục đô la trước đó một hôm. Chúng ta tính có lẽ còn ít nhất năm chục nữa trong nhà. Cho nên một vài người mới nói, ‘Chẳng ai lại đi giết bốn nhân mạng vì năm chục đô la.’ Và nói, ‘Đúng thôi, có thể tên giết người đã lấy tiền đi - nhưng chính là để cố đánh lừa chúng ta, làm cho chúng ta nghĩ lý do là ăn cướp,’ tôi nghĩ như vậy.”
Trời đã tối, Dewey ngừng cuộc hội ý để gọi điện về nhà cho vợ ông, Marie, báo rằng ông sẽ không về ăn tối. Bà nói, “Vâng. Được thôi, Alvin,” nhưng ông để ý thấy trong giọng bà có vẻ lo lắng không quen thuộc. Vợ chồng Dewey, bố mẹ của hai đứa con trai, cưới nhau mười bảy năm nay, và Marie người quê bang Louisiana, nguyên tốc ký viên của FBI, người mà ông đã gặp khi đóng ở New Orleans, đồng cảm với những gian nan của nghề nghiệp ông - giờ giấc quái gở, những cú điện thoại triệu tập ông thình lình đến những vùng xa xôi của bang.
Ông nói, “Có sao không?”
“Không sao cả,” bà làm ông yên lòng. “Có điều, đêm nay khi anh về, anh sẽ phải bấm chuông đấy nhé. Em cho thay hết khóa rồi đấy.”
Bấy giờ ông đã hiểu, liền nói, “Chớ lo, em cưng. Cứ khóa hết cửa nẻo lại và bật đèn cổng.”
Sau khi ông đặt máy xuống, một đồng nghiệp hỏi, “Có gì lôi thôi không? Marie sợ à?”
“Con khỉ, ừ,” Dewey nói. “Cô ấy, và tất cả mọi người.”
Không phải tất cả. Chắc chắn không phải bà quả phụ chánh bưu điện Holcomb, bà Myrtle Clare gan dạ từng chế giễu đám dân cùng thị trấn với bà là “một lũ thỏ đế run rẩy trong đôi ủng, sợ đến nhắm cả mắt mũi lại”, và nói về bản thân, “Còn gái già này, nó vẫn cứ ngủ nghê tốt như thường. Ai muốn giở trò bịp với tôi thì cứ thử xem.” (Mười một tháng sau, chiếu theo đúng tuyên bố của bà, một toán cướp cầm súng đeo mặt nạ ập vào văn phòng bưu điện, nẫng mất của bà chín trăm năm chục đô la.) Như thường lệ, khái niệm của bà Clare trùng với khái niệm của rất ít người. Theo ông chủ một cửa hàng ngũ kim ở Garden City thì, “Quanh đây, khóa và chốt cài là mặt hàng chạy nhất. Người ta mua bất cần nhãn hiệu; chỉ cốt sao chắc là được.” Dĩ nhiên, óc tưởng tượng có thể mở được bất cứ cửa nào - vặn khóa và để cho nỗi kinh hoàng bước thẳng vào nhà. Thứ Ba, lúc sáng sớm, một xe đầy nhóc dân săn trĩ từ Colorado đến - những dân lạ lẫm, không biết đến tai họa của địa phương - đã sửng sốt bởi điều họ trông thấy khi băng ngang các đồng cỏ hay đi qua Holcomb: cửa sổ chói chang, gần như mọi cửa sổ của mọi nhà, và trong các gian phòng đèn sáng quăng quắc đầy những người, thậm chí toàn gia, ăn mặc đủ lệ áo quần, ngồi suốt đêm thức trắng, theo dõi, nghe ngóng. Họ sợ cái gì thế? Nó “có thể lại xảy ra”. Đó là câu trả lời quen thuộc, với đôi chút khác nhau. Nhưng một phụ nữ, một cô giáo, đã nhận xét, “Cảm giác ấy lẽ ra không lên cao bằng được một nửa thế này nếu chuyện kia xảy ra với bất kỳ ai, trừ nhà Clutter. Ai đó ít được ngưỡng mộ hơn. Giàu có. An toàn. Nhưng nhà đó tiêu biểu cho một cái gì mà người quanh đây thật sự đánh giá cao và kính trọng, và một điều như thế rất có thể cũng xảy ra với họ - chậc, chả khác gì nghe nói là không có Chúa vậy. Nó làm cho cuộc đời có vẻ như vô vị. Tôi nghĩ cái chính không phải là người ta sợ quá mà cái chính là suy sụp quá.”
Một lý do khác, lý do đơn giản nhất, lý do xấu nhất, là sự kết đoàn yên bình của những hàng xóm láng giềng và bầu bạn lâu ngày từ xưa đến nay bất thình lình phải chịu đựng cái chuyện chưa từng có này: mất tin tưởng ở nhau, âu cũng có thể hiểu được, họ tin rằng kẻ giết người là ai đó trong số họ và ai ai cũng tán thành ý kiến do Arthur Clutter, một người anh em của người quá cố đưa ra trong khi chuyện trò với cánh báo chí ở gian sảnh của khách sạn Garden City hôm 17 tháng Mười một, “Cứ để chuyện này sáng tỏ rồi xem, tôi xin cược rằng bất kỳ ai mà làm chuyện đó hẳn phải là người sống ở cách chỗ chúng ta đang đứng đây có mười dặm.”
Khoảng bốn trăm dặm về phía Đông nơi Arthur Clutter đứng lúc đó, hai gã trẻ tuổi đang ngồi chung trong một cái khoang nhỏ của Nhà Chim Ó, một quán ăn rẻ tiền tại Kansas City. Một gã - mặt hẹp, tay phải xăm một con mèo màu lam - đã ngốn sạch nhiều chiếc bánh kẹp gà quay xà lách và bây giờ thì liếc vào phần của bạn đường: một bánh tròn kẹp pa tê còn nguyên vẹn và một cốc bia không cồn có khuấy ba viên aspirin.
“Perry, cưng,” Dick nói, “cậu không muốn cái bánh này chứ gì. Tớ ăn nha.”
Perry đẩy cái đĩa sang. “Chúa ơi! Cậu không để tớ tập trung nghĩ ngợi được à?”
“Cậu chẳng việc gì phải đọc đến những năm chục lượt như thế.”
Một bài báo in trên trang nhất tờ Ngôi sao ở Kansas City ra ngày 17 tháng Mười một. Đầu đề: Ít manh mối trong vụ thảm sát bốn người, bài báo là bài tiếp theo mẩu tin sơ bộ hôm trước về vụ giết bốn người, kết thúc bằng một đoạn tóm lược như sau:
Đội điều tra phải đối mặt với cuộc tìm kiếm một tên sát nhân hay những tên sát nhân mà sự khéo léo là thật rõ ràng trong khi động cơ của hắn (hay của chúng) lại không. Vì tên giết người này hay những tên giết người: * Đã cẩn thận cắt dây hai chiếc điện thoại trong nhà. * Thành thạo trói và dán miệng các nạn nhân, với bằng chứng hiển nhiên là không hề có sự vật lộn giữa hai bên. * Không để lại một cái gì ở trong nhà, không để lại dấu vết là chúng đã tìm kiếm cái gì, ngoại trừ có thể là cái ví (của ông Clutter). * Bắn bốn người tại bốn nơi khác nhau trong nhà, bình thản thu nhặt vỏ đạn. * Đến và đi, chắc có mang theo vũ khí, mà không hề bị trông thấy. * Hành động không có một động cơ nào, nếu như ta không tính đến một mưu toan ăn trộm bị thất bại, điều mà các điều tra viên vốn dĩ đã quen.
“Sai rồi đây này. Ngữ pháp ấy. Phải là ‘Vì tên giết người hay những tên giết người này’ mới đúng.” Perry đọc to lên. Nhâm nhi chỗ bia pha aspirin, hắn nói tiếp, “Dù gì tớ cũng không tin. Cả cậu cũng không. Thú thật đi, Dick. Hãy thật thà. Cậu không tin cái trò không có dấu vết này chứ?”
Hôm qua, sau khi nghiên cứu báo chí, Perry cũng đã đặt ra câu hỏi này, và Dick nghĩ là hắn quả quyết như thế (“Kìa. Nếu bọn cao bồi ấy tìm ra tí ti liên quan nào thì chúng ta đã nghe thấy tiếng vó ngựa từ xa cả trăm dặm rồi!”), nên nghe đã phát ngán. Quá ngán đến độ chẳng buồn phản đối khi Perry lại theo đuổi vấn đề này: “Tớ luôn luôn đặt cược vào linh cảm,” Dick nói. “Vì thế tớ còn sống đến hôm nay. Cậu biết Willie-Jay chứ? Hắn nói tớ là một ‘thầy đồng trời cho’, hắn hiểu những chuyện như vậy, hắn quan tâm. Hắn nói tớ có trình độ ‘ngoại cảm’ cao. Kiểu như có một máy ra đa lắp trong người vậy - mắt chưa nhìn thấy, cậu đã thấy trước rồi. Thấy đường nét những sự kiện sẽ tới. Thí dụ như anh tớ và vợ hắn. Jimmy và mụ vợ. Mê nhau như điếu đổ ấy, nhưng hắn lại ghen quá xá, làm mụ vợ hết chịu nổi, ghen rồi luôn luôn nghĩ là vợ lăng nhăng sau lưng mình đến nỗi mụ vợ tự bắn mình tự sát, hôm sau Jimmy cũng tự cho một viên đạn xuyên qua đầu. Khi chuyện đó xảy ra - năm 1949, tớ đang ở Alaska với bố tớ tận trên vùng Circle City - tớ bảo ông già, ‘Jimmy chết rồi.’ Tuần sau nhận được tin. Chúa báo sự thật cho mà. Một lần khác nữa, ở Nhật Bản, tớ giúp chất hàng xuống một con tàu và đang ngồi nghỉ tay. Thình lình trong người tớ có một tiếng nói: ‘Nhảy!’ Tớ nhảy liền, từ trên cao chắc phải ba mét, vừa đúng lúc một tấn hàng rơi đánh sầm xuống ngay tại chỗ tớ ngồi. Tớ có thể cho cậu hàng trăm thí dụ như thế. Tớ chẳng cần biết cậu tin hay không. Chẳng hạn, ngay trước khi bị tai nạn xe máy, tớ đã thấy toàn bộ cái vở đó diễn ra: nhìn thấy ở trong đầu tớ - trời mưa, trượt bánh, tớ nằm đó máu me, chân gãy rời. Như bây giờ tớ vẫn như thế ấy. Điềm báo trước. Một cái gì đó bảo tớ rằng đây là một cái bẫy.” Hắn đập tay vào tờ báo.“Một lô những lời nói lảng quanh co.”
Dick gọi một bánh kẹp pa tê nữa. Trong ít ngày qua, hắn bị một cơn đói mà chẳng cái gì - ba bít tết liền tù tì, một tá bánh đũa, nửa ký kẹo hồng - cắt nối được cơn. Về phần mình, Perry lại chẳng thiết ăn; hắn sống bằng bia, aspirin và thuốc lá. “Thảo nào cậu tính khí thất thường,” Dick bảo hắn. “Ồ, nào cưng. Đừng có sôi máu lên làm gì. Chúng ta vào cầu. Hoàn hảo mà.”
“Tớ ngạc nhiên thấy cậu mà lại nói như thế,” Perry nói. Giọng hắn bình thản làm nổi lên nét ác ý ở câu trả lời của hắn. Nhưng Dick chịu, thậm chí còn mỉm cười - và nụ cười của hắn là một đề nghị khôn khéo. Nó nói rằng tớ đây, đang nở nụ cười con trẻ đây, là một nhân vật rất có cá tính, một đứa rất đáng yêu, niềm nở, minh bạch mà ai cũng có thể tin cẩn. “OK,” Dick nói. “Có lẽ tớ đã có vài thông tin sai.”
“Đội ơn Chúa.”
“Nhưng nhìn chung thì hoàn hảo. Chúng ta đánh quả banh ra ngoài bãi. Nó mất tăm. Và nó cứ mất tăm như vậy thôi. Không có lấy một liên quan gì đặc biệt cả.”
“Tớ nghĩ có thể có một.”
Perry đã đi quá xa. Hắn còn đi xa hơn: “Floyd - có phải tên thế không nhỉ?” Một cú chơi xỏ, nhưng lúc này Dick đáng bị thế, tâm sự của hắn cứ như cái diều đang cần phải cuộn dây lại. Dẫu sao, Perry cũng hơi sờ sợ khi thấy những triệu chứng thịnh nộ đang bày biện lại vẻ mặt Dick: quai hàm, môi, cả khuôn mặt chùng lại; nước bọt hiện ra ở khóe miệng. Được, nếu chuyện đó xảy ra thì Perry có thể tự vệ được. Hắn thấp, thấp hơn Dick bảy tám phân và đôi cẳng khẳng khiu tàn tật của hắn là không thể trông cậy vào được, nhưng hắn nặng cân hơn bạn hắn, dày mình hơn, có hai cánh tay đủ sức ghì nghẹt thở một con gấu. Tuy nhiên, chứng minh chuyện đó - phải có đánh nhau, một trận ngã ngũ thật sự - thì không nên tí nào. Dù thích Dick hay không (và hắn không ghét Dick, tuy đã có lúc hắn thích gã nhiều hơn, kính trọng gã nhiều hơn), song nay rõ ràng là chúng không thể chia lìa nhau mà an toàn được. Chúng giống nhau ở điểm này, vì Dick từng nói, “Nếu chúng ta bị tóm thì nên là bị tóm cả hai. Lúc đó chúng ta có thể nâng đỡ nhau lên. Khi mà chúng bắt đầu giở trò thú nhận linh tinh, bảo là cậu nói thế này tớ nói thế kia.” Hơn nữa, nếu hắn cắt đứt với Dick thì có nghĩa là mục tiêu của các dự án vẫn cứ hấp dẫn Perry, và mặc dù những thận trọng ý tứ giữ gìn gần đây, nó vẫn được cả hai cho là khả thi - một cuộc đời trần truồng, lặn tìm kho báu sống với nhau ở giữa những hòn đảo hay dọc các bờ biển phía Nam biên giới.
Dick nói, “Ông Wells!” Hắn nhặt một cái nĩa lên. “Nó lẽ ra đáng cái này. Tựa như là tớ bị tóm về tội chống lại việc kiểm tra ấy. Nó lẽ ra đáng cái này. Chỉ là để quay lại vào đây.” Chiếc nĩa vút xuống đâm phập vào bàn. “Xuyên thấu hết tim, cưng ơi.”
“Tớ không nói là lão ta nên bị thế,” Perry nói, bây giờ đang muốn nhân nhượng khi mà cơn thịnh nộ của Dick đã dâng cao ở sát cạnh hắn và đánh vào chỗ khác. “Lão đã hãi quá.”
“Chắc rồi,” Dick nói. “Chắc chứ. Sợ quá chứ.” Thật kỳ diệu, đúng thế, cái sự dễ dàng đến lạ lùng khi Dick chuyển từ tính khí này sang tính khí kia; trong nháy mắt mọi dấu vết độc ác, bộ dạng sưng sỉa liền tan biến hết. Hắn nói, “Về cái món điềm báo trước kia. Nói tớ nghe cái này: nếu cậu cầm chắc sẽ bị gãy giò thì sao không cầu hòa với nó đi? Nếu cậu không dính vào cái xe máy thì đã không xảy chuyên gãy giò, đúng không?”
Đó là một bài đố mà Perry cứ loay hoay nghĩ. Hắn cảm thấy đã giải được, nhưng tuy đơn giản, lời giải vẫn cứ mù mờ thế nào đó: “Không. Vì khi mà một cái gì được định là sẽ xảy ra cho cậu rồi thì cậu chỉ còn mỗi cách là hy vọng nó đừng xảy ra. Hoặc tùy trời. Ngày nào cậu còn sống thì luôn có cái rình rập cậu, mà dù nó xấu thật, và cậu biết rõ nó xấu đi nữa thì cậu làm được gì? Cậu có ngừng sống được đâu? Giống như giấc mơ của tớ. Từ lúc còn chíp hôi, tớ vẫn chỉ có giấc mơ ấy. Tại cái chỗ tớ sống ở châu Phi. Một khu rừng. Tớ đi len giữa các cây cối đến cái cây đứng trơ trọi một mình. Chúa ơi, mùi nó mới thối chứ, cái cây ấy; nó thối kiểu gì mà làm cho tớ phát ốm lên được. Có điều, nhìn nó thì đẹp, lá xanh và đầy kim cương treo lủng liểng. Kim cương cứ như cam vậy. Vì thế tớ ở đó - nhặt mấy thúng kim cương. Nhưng tớ biết là ngay lúc tớ thử nhặt, lúc tớ vươn tay tới là một con rắn sẽ rơi vào tớ. Con rắn canh cái cây mà. Cái con chó đẻ béo quay ấy nó sống trên các cành. Tớ thấy trước cái đó chứ, thấy không? Và Chúa ơi, tớ không biết cách đánh nhau với rắn. Nhưng tớ hình dung ra được, tớ sẽ thử vận may của tớ. Cái rắc rối là tớ lại muốn kim cương hơn cả sợ rắn. Thế nên tớ nhặt lấy một viên, tớ có kim cương ở trong tay rồi, tớ kéo nó thì con rắn sà ngay vào đỉnh đầu tớ. Chúng tớ vật nhau nhưng nó là một con chó đẻ trơn nhẫy, tớ không sao túm được, nó quấn tớ lại, nó siết, cậu nghe được thấy cả chân tớ kêu răng rắc. Bây giờ đến cái đoạn mà nghĩ lại tớ còn toát hết mồ hôi. Xem xem, nó bắt đầu nuốt tớ. Nuốt chân trước. Như tụt vào chỗ cát lún vậy.” Perry ngập ngừng. Hắn không thể không thấy Dick đang bận nạy móng tay bằng cái răng nĩa, không để ý gì tới giấc mơ của hắn.
Dick nói, “Rồi sao? Con rắn nuốt cậu? Hay cái gì?”
“Chẳng sao. Không quan trọng.” (Nhưng nó quan trọng chứ! Cái kết rất là quan trọng, một nguồn vui riêng. Hắn đã có lần nói với gã bạn Willie-Jay của hắn; hắn đã tả cho gã bạn về con chim dữ tợn, “cái giống vẹt” màu vàng ấy. Dĩ nhiên, Willie-Jay thì khác - đầu óc tế nhị, “một bậc thánh”. Gã hiểu. Còn Dick? Gã lại có thể cười. Và điều đó thì Perry không cho phép: chế giễu con vẹt, con vẹt bay đầu tiên vào những giấc mơ của hắn khi hắn mới lên bảy, một đứa trẻ lai bị ghét bỏ và ghét bỏ mọi thứ, sống trong một trại trẻ mồ côi tại California do các nữ tu cai quản - những viên quản giáo giấu mặt quất roi vào người hắn vì hắn đái dầm. Chính là sau một trận đòn như thế, trận hắn không bao giờ quên được (“Mẹ ấy đánh thức tớ dậy. Mẹ ấy có chiếc đèn pin, mẹ ấy đánh tớ bằng cái đèn ấy. Đánh, đánh hoài. Khi cái đèn vỡ, mẹ ấy vẫn cứ đánh tớ tiếp trong bóng tối”), chính sau trận đó con vẹt đã xuất hiện, đến trong lúc hắn đang ngủ, một con chim “cao hơn Giê-su, vàng như hoa hướng dương”, một thiên thần-chiến binh mổ mù mắt đám tu sĩ, moi mắt chúng, giết chết chúng trong khi chúng lạy van “xin tha tội”, rồi rất nhẹ nhàng con chim nâng hắn lên, ủ bọc hắn, vỗ cánh đưa hắn lên “thiên đường”.
Năm tháng trôi đi, những cực hình mà con chim cứu hắn thoát ra kia đã thay đổi; những kẻ khác - đám trẻ con lớn hơn, bố hắn, một cô gái chẳng chút lòng tin, một sĩ quan hắn biết trong quân đội - thay vào chỗ các nữ tu sĩ, nhưng con vẹt thì vẫn nguyên vẹn, một người phục thù luôn bay quanh bên hắn. Thế là con rắn, kẻ canh giữ cây kim cương, chẳng bao giờ thôi nuốt hắn nhưng chính con rắn cũng lại luôn luôn bị nuốt. Rồi sau đó là một cuộc lên trời đầy ân sủng! Cuộc lên thiên đường mà trong dị bản này của Kinh Thánh chỉ là “một cảm giác”, một cảm thức về quyền uy, về sự ưu việt không gì công phá nổi mà trong một dị bản khác chúng lại được chuyển dịch tới “Một nơi đích thực. Như từ trong một cuốn phim mà ra vậy. Vì có lẽ đó chính là nơi tớ đã thấy nó - nhớ lại nó từ một cuốn phim. Bởi tớ còn có thể thấy ở đâu khác một cái vườn như thế chứ? Với những bậc tam cấp cẩm thạch trắng toát? Những vòi phun nước? Và tít bên dưới cùng kia, nếu cậu đi tới cuối khu vườn, cậu có thể nhìn thấy đại dương. Tuyệt vời! Hệt như ở quanh vùng Carmel, California vậy. Tuy cái hay nhất - đúng, là cái bàn ăn dài, dài ơi là dài. Cậu không tưởng tượng được lắm thức ăn đến thế đâu. Sò huyết. Gà tây. Bánh kẹp xúc xích. Hoa quả thì cậu có thể đựng được vào hàng triệu cái đĩa bồn ấy chứ. Và nghe này - cái gì cũng tha hồ. Ý tớ nói là tớ có thể đụng vào đấy mà chẳng phải sợ cái gì. Ăn được bao nhiêu tùy thích mà chẳng tốn một xu. Cái đó cho tớ biết là tớ đang ở đâu.”
Dick nói, “Tớ là người bình thường. Chỉ mê thấy gái tóc vàng. Ấy, nói đến chuyện này, cậu có nghe đến cơn ác mộng của thằng dê già bao giờ chưa?” Dick là như thế đấy - về bất cứ vấn đề gì hắn luôn luôn có sẵn một câu chuyện tục. Nhưng món ấy hắn kể hay, và Perry, tuy là người trong chừng mực nào đó nghiêm túc, vẫn không nín được cười, như thường lệ.
Nhắc đến tình bạn với Nancy Clutter, Susan Kidwell nói, “Chúng cháu như chị em. Ít nhất là cháu cảm thấy như thế với bạn ấy - tựa như bạn ấy là chị cháu. Cháu không thể đi học được - không phải mấy ngày ban đầu kia đâu. Cháu không đến trường mãi cho đến sau tang lễ. Bobby Rupp cũng thế. Một dạo Bobby và cháu luôn ở bên nhau. Cậu ấy hay lắm - cậu ấy tốt bụng - nhưng trước đó chưa hề có cái gì ghê gớm như thế xảy đến với cậu ấy. Như mất đi một người cậu ấy yêu quý. Rồi trên hết nữa, lại còn bị kiểm tra bằng máy dò nói dối. Cháu không nói là cậu ấy cay đắng về chuyện ấy, cậu ấy hiểu là cảnh sát làm những cái họ cần làm. Một vài điều gay go, hai hay ba gì đó đã xảy ra với cháu, nhưng với cậu ấy thì không, cho nên khi nhận ra cuộc đời có lẽ không phải là một cuộc chơi bóng rổ dài dài thì cậu ấy bị choáng. Phần lớn thời gian chúng cháu lái chiếc Ford cũ của cậu ấy đi loanh quanh. Lên rồi xuống xa lộ. Ra sân bay rồi quay về. Hay chúng cháu tới Cree-Mee - quán ăn phục vụ tận xe - ngồi trong xe, gọi một lon Coke, nghe rađiô. Rađiô cứ mở miết, chúng cháu chả có gì để nói về mình. Trừ mọi lần Bobby nói cậu ấy yêu Nancy biết bao và vì sao cậu ấy không thể chú ý đến những đứa con gái khác. Vâng, cháu chắc là Nancy không muốn như thế và cháu bảo cậu ấy như thế. Cháu nhớ - cháu nghĩ hôm đấy thứ Hai - chúng cháu lái xe ra sông. Chúng cháu đỗ xe trên cầu. Ở đấy có thể nhìn thấy căn nhà - nhà Clutter. Và một phần đất - vườn cây của ông Clutter và đồng lúa mì trải dài ra. Ở một thửa đồng có đống lửa đang cháy; họ đang đốt đồ dùng của nhà Nancy. Nhìn vào đâu cũng gợi cho ta nhớ lại cái gì đó. Những người mang sào và lưới đang câu dọc bờ sông, nhưng không phải để lấy cá. Bobby nói họ đang tìm vũ khí. Con dao. Khẩu súng.
Nancy yêu con sông. Những đêm hè, chúng cháu quen cưỡi chung trên con ngựa của Nancy - Babe - con ngựa già và béo ấy. Đi thẳng ra sông rồi thẳng luôn xuống nước. Rồi Babe lội đến một chỗ nông trong khi chúng cháu thổi sáo và hát. Bị cảm lạnh. Cháu vẫn nhớ, trời, bạn ấy, con Babe ấy, nay ra sao? Một bà ở Garden City lấy con chó của Kenyon. Lấy con Teddy. Nó bỏ chạy - tìm được đường về Holcomb. Nhưng bà ta lại đến đem nó đi. Và cháu thì có con mèo của Nancy - Evinrude. Nhưng còn Babe. Cháu cho là họ đã bán nó đi rồi. Liệu Nancy có ghét thế không? Liệu Nancy có giận điên lên với việc ấy không? Một hôm khác, hôm trước tang lễ, Bobby và cháu ngồi bên đường sắt xe lửa. Nhìn các chuyến tàu đi qua. Ngốc thật. Như con cừu trong bão tuyết. Thình lình Bobby sực tỉnh nói, ‘Chúng ta phải ở với bạn ấy. Chúng ta phải ở bên Nancy.’ Thế là chúng cháu lại đến Garden City - đi đến Nhà Tang lễ Phillip, ở trên Phố Chính. Hình như có cậu em của Bobby đi cùng với chúng cháu. Đúng, chắc chắn là có cậu ta. Vì cháu nhớ chúng cháu vẫn đến trường đón cậu ta mà. Và cháu nhớ cậu ta nói mai trường cho trẻ con ở Holcomb nghỉ học đi dự tang lễ. Và cậu ta không ngừng nói đám trẻ con nghĩ gì. Cậu ta nói chúng tin chắc việc này là do một ‘kẻ giết mướn’ làm. Cháu không muốn nghe mấy thứ ấy. Toàn đồn đại và chuyện phiếm - những thứ mà Nancy ghét. Dù gì cháu cũng không quan tâm kẻ nào làm chuyện đó. Không hiểu sao cháu thấy chuyện đó chẳng có ích lợi gì. Bạn cháu đã chết. Biết kẻ giết bạn ấy cũng không đem được bạn ấy trở về. Có gì khác quan trọng hơn nữa? Họ không để chúng cháu vào. Cháu muốn nói là ở phòng chờ tang lễ ấy. Họ nói không ai được ‘nhìn gia đình’. Trừ họ hàng. Bobby năn nỉ và cuối cùng ông làm dịch vụ tang lễ - ông ta biết Bobby, và cháu đoán ông ấy thấy thương hại cho cậu ấy - nói được, hãy giữ im lặng, cứ vào đi. Bây giờ cháu lại mong giá chúng cháu đừng vào.”
Bốn cỗ áo quan, để chật phòng tang lễ nho nhỏ đầy những vòng hoa, đã được đóng kín để tiến hành nghi lễ - rất dễ hiểu, vì dù người ta đã bỏ công sửa sang cho bề ngoài các nạn nhân, song hiệu quả khi thực hiện xong vẫn làm ta ngao ngán. Nancy mặc bộ váy nhung màu đỏ anh đào, Kenyon một sơ mi vải Ê-cốt; bố mẹ thì ăn mặc đơn giản hơn, ông Clutter với bộ bằng len flanen xanh dương, vợ ông trong bộ váy bằng crép xanh dương; và - và đặc biệt, chính điều này đã đem lại cho quang cảnh một không khí đáng sợ - đầu cả hai đều bọc kín bông gòn, một con kén sưng phồng to gấp hai lần một quả bóng hơi, và do được phun một chất bóng thành thử bông gòn lấp lánh y như tuyết cây Nôen.
Susan lập tức lui lại. “Cháu ra chờ ở ngoài xe,” cô nhớ lại. “Bên kia đường một người đang quét lá. Cháu cứ nhìn ông ấy. Vì cháu không muốn nhắm mắt. Cháu nghĩ, nếu nhắm mắt là cháu ngất. Cho nên cháu cứ nhìn người ấy quét và đốt lá. Nhìn nhưng thật ra không thấy ông ta. Vì tất cả những gì cháu thấy chỉ là bộ váy. Cháu biết nó quá rõ. Cháu giúp Nancy chọn chất liệu mà. Nancy tự thiết kế và may nó. Cháu nhớ bạn ấy hoan hỉ như thế nào khi lần đầu mặc nó. Ở một buổi liên hoan. Cháu chỉ còn nhìn thấy bộ nhung đỏ thắm của Nancy. Đang khiêu vũ.”
Tờ Ngôi sao ở Kansas City đăng một bài tường thuật dài về đám tang nhà Clutter, nhưng khi Perry, nằm ườn trên giường trong phòng khách sạn đọc tới thì tờ báo đã cũ mất hai ngày. Cho dù thế hắn cũng chỉ lướt qua, nhảy cóc các đoạn như: “Một nghìn người, đám đông lớn nhất trong lịch sử năm năm của Nhà thờ Giám lý Thứ nhất, đã dự lễ tang bốn nạn nhân ngày hôm nay... Nhiều bạn của Nancy ở Trường cấp III Holcomb đã khóc khi Đức Cha Leonard Cowan nói: ‘Chúa ban cho chúng ta lòng dũng cảm, tình yêu và hy vọng cho dù chúng ta đang đi xuyên qua bóng tối âm u của thung lũng chết chóc. Tôi tin rằng Chúa đã ở bên họ trong những giờ phút cuối cùng. Giê-su không bao giờ hứa hẹn với chúng ta là chúng ta sẽ không phải đau đớn và buồn phiền nhưng Chúa luôn luôn nói Chúa sẽ ở đó giúp chúng ta mang nỗi buồn và nỗi đau... Vào một cái ngày ấm áp trái mùa, khoảng sáu trăm con người đã đến nghĩa trang Cảnh Lũng ở đầu phía Bắc thành phố này. Ở đó, tại buổi lễ bên những nấm mồ, họ đọc kinh câu nguyện Đức Chúa cha. Giọng họ hợp lại thành một tiếng thầm thì trầm thấp đâu cũng nghe thấy được ở trong khắp nghĩa trang.”