Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 03 - Phần 1

Chương 3

Được ở đó, trong vùng hoang dã bao la cách xa gia đình hàng trăm dặm, tôi tin ít ai được hưởng niềm hạnh phúc như chúng tôi đã trải. Tôi thường vui hỏi em trai, em có thấy rằng ta đâu cần nhiều thiên nhiên lắm thì mới được thỏa mãn không? Niềm sung sướng, bạn đồng hành của thỏa nguyện, tồn tại trong lồng ngực chúng ta chứ không phải trong hưởng thụ ngoại vật.

- Daniel Boone.

Davy Crockett bỏ nhà đi khi ông mười ba tuổi, để thoát khỏi người cha hung dữ. Cha của Daniel Boone thường đánh các con trai đến mức chúng phải xin tha, nhưng Daniel không bao giờ hé răng. (“Không van xin đi à?” người cha thường hạch hỏi.) Thay vì vậy, cậu bé Daniel dành những ngày dài một mình trong rừng để thoát khỏi tầm tay người cha, và, năm mười lăm tuổi, cậu đã có tiếng là một trong những tay thợ săn cừ khôi nhất vùng hoang dã Pennsylvania. Nhà thám hiểm John Frémont mất cha khi mới lên năm. Kit Carson mất cha (người cha chết vì bị một cành cây đang bốc cháy đổ lên người, để lại người vợ một mình nuôi nấng tám đứa con), và Kit thoát ly khi ông mười sáu tuổi. Sơn nhân Jim Bridger tự lập khi lên mười bốn.

Không ví dụ nào trong số này là chuyện lạ vào thời đó. Đoàn xe ngựa về miền Tây chở đầy những chàng trai trẻ bỏ nhà đi vì không biết bao nhiêu lý do - nhưng chúng ta có thể đoan chắc không ít người trong số đó đi tới vùng biên bởi họ tin rằng dù nơi ấy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất thế giới thì vẫn lôi cuốn hơn bất cứ điều gì đang diễn ra trong căn nhà nhỏ ấy ở New England hay Virginia hay Tennessee quê nhà. Có rất nhiều chương đoạn trong những cuốn sách sử của chúng ta nói về động cơ kéo thiếu niên tới vùng biên, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu mối quan hệ tồi với người cha hà khắc là một trong những nhân tố chính đẩy họ ra ngoài đó.

Và thế cho nên mỗi thế hệ lại thấy một làn sóng mới những thiếu niên vùng chạy khỏi nhà, đơn giản là khao khát đi đến bất cứ nơi nào đưa họ đi xa khỏi người cha. Nhanh nhanh chóng chóng đến định cư ở vùng sơn dã rõ ràng là một phương cách tốt, tuy có lẽ không phải là lý tưởng đối với những người thân dễ xúc động trong gia đình. Eustace Conway cũng thử làm đúng như vậy - cố trốn thoát. Những năm thiếu thời là nỗi tổn thương bất tận, và anh luôn luôn mơ đến chuyện bỏ trốn.

“Ngay trước khi tôi đi ngủ,” anh viết trong nhật ký năm mười bốn tuổi, “bố vào phòng mà lên lớp tôi về chuyện khi hành động tôi nên nghĩ tới người khác và chuyện tôi chỉ quan tâm đến bản thân ra sao. Ông nói rằng sẽ chẳng ai thích tôi, rằng tôi ưa điều khiển mọi người, rằng tôi chẳng làm bất cứ cái gì cho bất kỳ ai. Mặc dù bỏ trốn là điều rất ngớ ngẩn, tôi nghĩ ở bất cứ đâu trong rừng mình cũng sẽ hạnh phúc hơn. Nếu thật sự ra đi, tôi sẽ nỗ lực hết mình để không quay lại, dù cho tôi có chết đói đi nữa. Bất cứ cái gì cũng đều tốt hơn thế này.”

Nhưng anh không chạy trốn. Anh gồng mình chịu đựng thêm ba năm nữa. Chỉ khi đã cần mẫn hoàn thành xong bậc trung học Eustace Conway mới thoát ly. Anh lấy cái lều vải anh tự làm bằng tay (một phụ nữ thổ dân biết Eustace hồi đó đã miêu tả cái lều là “thứ xinh đẹp nhất tôi từng thấy”) và lấy con dao cùng mấy quyển sách rồi ra đi.

“Tôi hy vọng mình đúng,” anh thổ lộ trong nhật ký khi rời khỏi nhà bố mẹ, “và tôi đang đi theo con đường thực sự tốt đẹp cho tôi.”

Tiếp sau đó có lẽ là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời Eustace. Và tự do nhất. Anh sở hữu một căn lều và anh sở hữu một chiếc mô tô, chỉ thế thôi. Anh sống trong vùng núi gần Gastonia. Anh lắp ráp lại chiếc xe máy để học cách vận hành của một động cơ. Anh tự khâu lấy tất cả quần áo. Anh ăn cây tầm ma và săn thú nhỏ bằng ống xì đồng của người Cherokee, dùng mũi tên làm bằng thanh gỗ, bông kế và gân nai. Anh đẽo bát đĩa từ gỗ được đánh bóng bằng mỡ hải ly. Anh làm bình đựng nước bằng đất sét đào được từ dưới lòng các con lạch, cũng chính con lạch ấy là nơi anh tắm. Anh ngủ giữa đất, trên lớp da thú. Anh bện dây thừng bằng vỏ cây và chính tóc của mình. Anh xẻ cây sồi trắng lấy nguyên liệu đan giỏ. Anh nấu nướng và sưởi ấm bên đống lửa, và suốt ba năm liền anh không động đến diêm.

“Cái lều của tôi trông hình dáng cũng được,” anh viết trong nhật ký, khi nhà mới của anh đã đâu vào đó. “Và tôi hy vọng rằng tôi sẽ dần dần hiểu nó và hiểu bản thân nhiều hơn qua lối sống mà tôi đang chọn.” Cuộc sống mới của anh quả thực có một số thứ phải tập quen (“Nửa đêm trời bắt đầu mưa thế nên tôi phải miễn cưỡng ra khỏi giường và kéo các nắp thông khói lại, lẽ ra phải quan tâm đến chuyện này sớm hơn”), nhưng Eustace Conway gần như ngay lập tức cảm thấy cuối cùng thì anh đang sống trên trái đất này đúng như anh lẽ ra cần phải sống. “Tôi ngủ đến bảy giờ sáng,” anh viết sau một trong những đêm đầu trong lều vải, “khi ánh nắng tràn xuống trên gian lề mờ sương khói đánh thức tôi nhìn ra thế gian. Tôi trở dậy ra suối rửa mặt. Ôi, cơ thể tôi mới ưu ái tôi làm sao! Một ngày hạnh phúc cho tất cả!”

Cái lều vải của anh thật tuyệt diệu - một pháo đài và một thánh đường, một căn nhà nhẹ tênh trong suốt đến độ không hề gây tác động ức chế tâm lý như nhà cửa thông thường vốn dĩ quá cố định. Anh có thể dựng nó lên hoặc tháo nó ra trong vài phút. Anh có thể xếp lại, chất lên nóc xe của một người bạn, chở nó tới một ngôi trường tiểu học rồi lại dựng nó trên sân chơi làm mê mẩn một số học sinh đã thuê anh dạy cho về tự nhiên ngày hôm đó. Anh có thể chở cái lều của mình tới buổi hội họp tế lễ ở một bang khác vào một dịp cuối tuần nhảy nhót và giao hảo với những thổ dân anh đã kết bạn qua nhiều năm. Anh có thể cuộn nó lại trong toa kho trong khi anh quá giang xuyên đất nước từ một ý thích nảy sinh bất chợt, hoặc cũng có thể trú dưới chiếc lều, ẩn nấp đâu đó giữa rừng, hoàn toàn sung sướng biết rằng sẽ không ai tìm ra anh.

Sau khi học xong trung học anh nhận việc làm, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Anh đi thẳng xuống Tennessee để làm nhà giáo dục môi trường cho những đứa trẻ ngỗ ngược và thiếu khả năng tiếp thu tại một nơi tên là Trường Bodine. Anh thật xuất sắc với đám học sinh, mặc dù anh chẳng lớn tuổi hơn chúng là bao. Anh có mối quan hệ tuyệt vời với chúng, tuy nhiên anh lại không tâm đầu ý hợp cho lắm với các ông chủ. Có thể nói Eustace Conway không ưa nổi chuyện làm việc dưới trướng của người khác. Điều đó khiến anh bực bội. Chẳng bao lâu anh sa vào vụ tranh cãi với ông hiệu trưởng, người đã hứa hươu hứa vượn với Eustace rằng anh có thể sống trong lều vải trên khuôn viên nhà trường nhưng rồi lại nuốt lời. Mà Eustace Conway thì không ưa nổi những kẻ nuốt lời.

Thế là, sốt ruột và cáu tiết, anh bỏ đi thăm một thanh niên sống trong rừng mà anh quen biết tên là Frank, chàng trai này sắp vào đại học ở Alabama. Họ có một dịp gặp gỡ cuối tuần thật tuyệt vời. Đi khắp rừng, săn bắn bằng súng trường nạp thuốc súng kiểu cũ, vui đùa. Nhưng Eustace có cảm giác bạn mình phiền muộn vì điều gì đó, và thực vậy, qua cuộc trò chuyện sau đó anh biết Frank vừa chia tay bạn gái và đang vô cùng rối trí - đã thôi chơi thể thao, thôi đến trường, rồi thôi cả việc. Anh chàng thậm chí không biết sau đây phải làm gì với bản thân mình. Khi Frank kể xong câu chuyện buồn của mình, Eustace nói (“và từ ngữ cứ thế vọt ra khỏi miệng tôi như con ếch vọt ra khỏi chiếc chảo rán nóng bỏng”), Bọn mình đi bộ Đường mòn Appalachia nhé.

Eustace còn không biết cái ý tưởng ấy từ đâu ra. Nhưng tự dưng nó đã ở đó.

“Đi chứ,” Frank nói. “Chúng ta cùng đi.”

Thế là Eustace gọi điện cho ông hiệu trưởng Trường Bodine để báo ngừng việc dạy (chuyện vặt; hắn ta là một kẻ ngu ngốc nuốt lời, vả chăng ai mà cần một công việc chẳng ra gì?), và bốn ngày sau hai chàng thanh niên đã đứng tại một trạm xe buýt ở Montgomery, Alabama, chờ một chuyến xe khách đưa họ lên vùng Bangor, Maine. Quyết định đột ngột và ngông cuồng làm ngạc nhiên ngay cả mẹ Eustace, đáng ra bà sẽ khuyến khích những cuộc phiêu lưu như thế này mới phải.

“Cuộc gọi báo tin của con làm mẹ rất bất ngờ,” bà viết vội vài dòng cho anh, cố đến kịp trước khi anh đi. “Về chuyến đi con đã trù tính, cảm xúc của mẹ thật là lẫn lộn. Mẹ có thể hiểu tại sao con muốn thực hiện một chuyến đi như thế và mẹ đồng ý với những mặt tích cực của nó, nhưng mặt kia của cái trò bấp bênh này cho thấy con thiếu trách nhiệm, không biết giữ lời và không biết đặt chuyện quan trọng lên hàng đầu.” Rồi bà thêm vào vài lời nói khích (bên cạnh những câu thẳng thừng) nhưng có lẽ bà nói ra những lời ấy là để nhấn mạnh nỗi lo lắng của chính bà: “Bố con cảm thấy con là một đứa trác táng và sẽ không bao giờ ổn định được nếu như con không bắt đầu tiếp nhận cuộc đời một cách nghiêm túc và suy nghĩ chín chắn hơn về việc chuẩn bị cho tương lai. Ông ấy nghĩ con nên làm việc nhiều hơn và trở nên đáng tin cậy hơn để giữ lời hứa sẽ cần cù tận tụy. Ông ấy không tán thành!”

Chà, thật khắc nghiệt. Người ta bước sang tuổi mười chín để rồi nhận những điều như vậy đó.

Cuộc phiêu lưu của họ khởi sự ngay lập tức bằng một cuộc phiêu lưu. Eustace và Frank mua vé xe buýt nhưng chỉ có thể lên xe khi một trở ngại cuối cùng được giải quyết. Họ đứng ở trạm xe buýt đợi một cô gái, một người bạn của Frank, tới mang cho anh chàng cái túi ngủ, một trang bị hết sức cần thiết. Họ chờ mãi chờ mãi, nhưng cô gái không đến. Họ nài xin người lái xe khách khoan đi vội, nhưng cuối cùng ông phải khởi hành để kịp lịch trình. Frank và Eustace đã tuyệt vọng. Thế rồi, chỉ giây lát sau khi xe buýt khởi hành, cô gái mới mang chiếc túi ngủ tới. Frank và Eustace nhảy vào xe ô tô của cô và lái xuống con đường liên bang, đuổi theo chiếc xe khách. Khi họ đuổi kịp, Eustace bảo cô gái vượt lên bên cạnh. Họ bấm còi và vẫy tay, nhưng mặc dù hành khách trên xe thảy đều dán mắt nhìn chăm chăm, tay lái xe vẫn vờ như họ không tồn tại. Eustace Conway không để bị người ta đi lờ đi đâu và nhất là anh không để lỡ chuyến xe khách đến Maine này. Thế nên anh bảo cô gái tạt chiếc xe - đang phóng với vận tốc bảy mươi lăm dặm một giờ - ngay sát dưới cửa sổ buồng lái chiếc xe khách. Eustace hạ cửa lánh bên cạnh ghế của mình phía sau, chui ra ngoài, đứng lên nóc chiếc xe con, một tay tóm lấy cái giá sắt trên nóc còn tay kia giữ chặt vé xe khách của hai người. Anh vẫy vẫy hai tấm vé trước mặt tay tài xế và không ngừng hò la vào gió, “Để chúng tôi lên xe!”

“Đến lúc này,” Eustace nhớ lại, “tay tài xế quyết định có lẽ tốt hơn hết là nên dừng xe cho chúng tôi lên. Tất cả hành khách reo hò, và khi chúng tôi đi dọc lối đi thì một bà to béo kêu lên, “Trời ơi! Mấy cậu chắc đang đóng phim!”

Họ đến Maine rồi đi nhờ xe lên Bangor và nhận ra họ đã tới vùng này quá sớm trong năm. Những người qua lại cảnh báo họ thậm chí đừng nghĩ đến chuyện đi quá vành đai cây khi mặt đất đang dày tuyết và băng nặng trịch. Tất nhiên, họ bỏ qua lời cảnh báo mà thẳng tiến đến vùng núi trước khi bình minh ló rạng, và chiều hôm đó họ thấy một con đại bàng đầu trắng chao mình trong không khí mỏng tang lạnh lẽo, và thế là họ đang trên hành trình, sớm hơn những tay leo núi khác một tháng.

Đây là điều họ đã không tính trước được: họ không bao giờ có đủ thức ăn trên con đường mòn đó. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ. Họ đói cồn cào. Họ đi bộ hai lăm rồi ba mươi dặm mỗi ngày mà hầu như chẳng ăn gì. Họ mang theo ít bột yến mạch, tất cả chỉ có thế. Mỗi người mỗi sáng làm một bát bột yến mạch. Frank thường húp đánh soạt khẩu phần ít ỏi của mình và rồi chằm chằm nhìn Eustace một cách khổ sở, trong khi đó Eustace nhấm nháp từng vảy bột như thể nó là một vuông sô cô la quý báu. Chặng đầu của chuyến đi họ thấy hầu như không có con vật nào trên đường mòn để săn; thời điểm này trong năm còn quá sớm nên các loài thú hãy còn chưa vượt qua vành đai cây mà lên tới độ cao này, đã vậy mặt đất đóng băng cứng ngắc, chẳng có bóng dáng một loài cây nào ăn được.

Khi họ tới New Hampshire, sắp phát điên vì đói, Eustace phát hiện ra mấy con gà gô trong bụi cây. Anh rút một sợi dây dài luôn thủ sẵn trong túi quần ra, làm một cái thòng lọng có đường kính chừng hai mươi phân, quấn sợi dây quanh một cái que dài, rồi rón rén tiến lại gần con gà gô tiếp theo mà anh trông thấy. Anh thả cái thòng lọng vào cổ con gà, thít chặt sợi dây, chộp lấy và bẻ cổ nó. Frank kêu toáng lên, hò la, nhảy múa, ôm chầm và hôn hít Eustace trong khi con gà vẫn đang vẫy cánh phun máu xuống mặt tuyết trắng đóng băng. “Chúa tha tội,” Eustace nhớ lại, “nhưng chúng tôi đã ăn kiệt cả con gà.” Họ ăn thịt nó; họ ăn óc nó; họ ăn chân nó; và, vẫn đói rạc, họ ăn nhẵn cả xương của nó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3