Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 03 - Phần 2

Bị cơn đói ghê người thôi thúc, họ trở thành những thợ săn tài ba. Eustace dạy Frank cách bắt chim bằng thòng lọng (tạ ơn trời đã ban cho anh kỹ năng này, một trò cũ Eustace vẫn thường chơi với Randy Cable), và cùng nhau họ sục sạo con đường mòn khi đi về hướng Nam. Họ cũng ăn cả tôm hùm đất, cá hồi, quả mọng, tầm ma, bất cứ thứ gì. Họ giết rắn chuông và mổ ruột xem liệu có thỏ con hay thức gì đó ngon bên trong không; họ ăn con rắn cùng bất kể thứ gì con rắn vừa ăn. Thậm chí có hôm Eustace còn hạ được một con gà gô đẹp mã bằng một hòn đá. Anh trông thấy con gà và thầm nghĩ, Mình cần xơi nó, rồi chộp lấy hòn đá gần nhất, liệng hòn đá, ghì con gà cho chết hẳn, và rồi ăn sạch con vật trời ban đó chỉ trừ lông.

Họ có bản năng của kẻ săn bắn và hái lượm. Thử làm điều đó ở cái nơi này là thật kỳ quặc, thật khó khăn: hành lang Đường mòn Appalachia xe cộ nườm nượp đã trơ trụi bởi bàn tay con người đến độ thức ăn khó kiếm hơn ở những khu rừng bình thường. Và Eustace biết rõ rằng nếu như người đi bộ nào trên Đường mòn Appalachia cũng đều vắt kiệt vùng đất này thêm nữa bằng cách làm những việc như anh đang làm thì rồi đây nơi này sẽ chẳng còn gì là môi trường nữa.) Ý thức được tất cả những điều này, và có lẽ cảm thấy hơi có lỗi vì đã khai thác thái quá một mảnh đất vốn đã bị khai thác thái quá, anh tiếp tục cuộc thử nghiệm. Anh biết rằng trong quá khứ hàng ngàn năm trước người nguyên thủy đã đi bộ qua những chặng đường dài dằng dặc, chỉ ăn những gì họ tìm được dọc đường, và anh tin chắc anh và Frank rồi cũng sẽ chịu đựng được. Nhưng niềm tin đó không thay đổi được sự thật là họ đang đói sắp chết.

Họ ăn bất cứ thứ gì họ săn bắn, lượm nhặt, bới tìm được, hoặc đôi khi là đi cuỗm. Khi họ tới Công viên Bear Mountain ở bang New York, tình cờ họ lại hòa vào dòng người đi chơi ngày Quốc khánh mùng Bốn tháng Bảy, khi hàng trăm gia đình người Dominica và Puerto Rico đang tổ chức dã ngoại kỷ niệm. Đó là một đại yến cho Eustace và Frank. Họ hoa cả mắt khi phát hiện thấy thùng rác nào trong công viên cũng đầy ắp những chiếc hộp xinh xắn đựng nào com nào đậu nào thịt gà ăn dở cùng bỏng ngô và bánh ngọt. Hai anh chàng chẳng khác nào chú chuột Templeton giữa cảnh hội chợ liên bang trong cuốn Charlotte và Wilbur - một đôi động vật ăn tạp gặp chốn thiên đàng, hét toáng lên với nhau từ hai thùng rác cách xa nhau qua tiếng nhạc salsa ầm ĩ “Tớ tìm thấy cái đùi lợn muối còn nguyên này! Ôi trời ơi! Khoai lang!”

Song không khi nào họ đói ăn cho bằng lúc ở Maine, khi họ rời đường mòn mấy ngày và vào ở trong một thị trấn nhỏ cùng với một gia đình nuôi con lợn cộng đồng ở sân sau nhà. Hệ thống nuôi con lợn cộng đồng này hoạt động theo cách mọi người trong thị trấn cho con lợn ăn đồ ăn thừa của nhà mình, rồi đến lúc mổ lợn thì họ lại tới để xẻ thịt để dành cho mùa đông. Frank và Eustace biết về phong tục thú vị này vào cái ngày bà chủ nhà nướng mấy cái bánh táo và đưa hai chàng trai một giỏ vỏ táo để mang ra sân sau cho lợn ăn. Ra đến bên ngoài, Frank và Eustace nhìn nhau, nhìn chỗ vỏ táo, và nói, “Tợp thôi.” Họ trốn ra sau nhà kho rồi nuốt trộm đống vỏ. Sau hôm đó, họ nhã nhặn ngỏ lời lãnh việc cho lợn ăn. Tới hôm nay, cả hai chàng trai sẽ thuật lại về trải nghiệm đó rằng những con người đáng mến ở thị trấn nhỏ bang Maine ấy rõ ràng là đã ném bỏ rất nhiều thức ăn tuyệt hảo, và con lợn cộng đồng đáng yêu đó chắc chắn đã không béo lên tẹo nào trong những ngày mà Eustace Conway và Frank Chambless ở đó.

Trên mọi phương diện, chuyến đi đó là một thắng lợi. Việc đi bộ, niềm vui thích, sự khám phá, sự thử thách, và sự khải ngộ - ngày nối ngày. Frank và Eustace đã tìm thấy trọn sự giao cảm ngày càng sâu đậm giữa họ, một cảm giác tình thân gần gũi. Họ có cùng quan niệm về tự nhiên và những điều sai lầm ở nước Mỹ, và cả hai người rất say mê nền tri thức và những giáo huấn của thổ dân da đỏ. Eustace có thể nói với Frank về những rắc rối với cha mình, còn Frank có thể nói cho Eustace nghe về những vấn đề với cha chính anh và về tình cảm của anh với cô bạn gái Lori. Hai chàng trai trẻ hết sức nghiêm túc, hoàn toàn không có cái vẻ khinh khỉnh ngạo đời, thờ ơ và lãnh đạm vốn đặc trưng cho cả thế hệ họ nói chung. Hai người không ngại ngần mở lòng cùng nhau.

Họ thậm chí không ngượng ngùng khi bàn luận về Chúa. Cả hai đều sinh trưởng trong những gia đình theo dòng Baptist miền Nam, nơi lòng mộ đạo và trào lưu chính thống giáo là nền tảng mặc định. Ông ngoại của Eustace, Tư lệnh Johnson là một tín đồ Thiên Chúa giáo kiên định, một con người đức hạnh mãnh liệt đến mù quáng, và mẹ Eustace luôn cố truyền những đức tin ấy sang cậu con trai đầu lòng. Khi còn nhỏ Eustace đã rất nổi bật trong các sinh hoạt giáo hội. Anh là sao mai của lớp học giáo lý ngày Chủ nhật ở nhà thờ - thông minh, ham hiểu, chuyên tâm. Anh luôn luôn là con chiên ngoan đạo của Chúa. Eustace vô cùng thích thú ý niệm Chúa đi vào ngôi đền của những người cho vay và “lật nhào tất tật mấy cái bàn khốn kiếp”[1] và anh đặc biệt thích chỗ Chúa Cứu thế đi sâu vào rừng thẳm để tìm kiếm những câu trả lời lớn.

[1] Hằng năm có rất nhiều người khắp nơi trên thế giới hành hương về Jerusalem dâng tế lễ. Tương truyền những kẻ trông coi ngôi đền thiêng ở đây đã không chịu nhận tiền ngoại quốc và bắt người nước ngoài đổi hoặc vay với giá cắt cổ. Chúa đã hiển linh, tiến vào đền hất tung mấy chiếc bàn bọn chúng đang ngồi, đánh đuổi chúng ra ngoài để bảo vệ sự sạch sẽ của ngôi đền và quyền lợi của mọi người hành hương.

Nhưng khi lớn lên, anh trở nên vỡ mộng với giáo đoàn và ban hành giáo ở nhà thờ anh đi lễ. Anh nghe thấy mùi giả tạo và sự lừa dối ở khắp nơi. Anh vẫn ngồi giữa bố và mẹ mỗi Chủ nhật khi họ cúi đầu tiếp nhận bài thuyết giảng đạo đức giả. Chủ nhật này qua Chủ nhật khác, Eustace dần dà buồn bã nhận ra trò này mới phờ phỉnh làm sao, và sự tương phản giữa hình ảnh công khai này về sự hòa hợp gia đình thiêng liêng và sự thực về mối bất hòa gia đình là thật kinh khủng - một mối bất hòa cay nghiệt đã được đóng gói trong hộp kín vào mỗi ngày của Chúa để không quấy rầy hàng xóm láng giềng. Không lâu sau, anh bắt đầu nhìn khắp lượt những gia đình có vẻ thánh thiện khác đang yên vị trên ghế nguyện, thảy đều phục sức lịch lãm, đầu cúi thấp, và anh không thể không tự hỏi có những chuyện kinh khủng nào ẩn giấu đằng sau những lời thánh ca họ hát.

Anh cũng ngày càng bất đồng với cái vòng cầu nguyện-phạm tội-sám hối-cầu nguyện-phạm tội-sám hối-cầu nguyện-phạm tội-sám hối. Dường như đối với anh, cái vòng luẩn quẩn này chẳng là gì khác hơn một thứ đạo đức giả. Ta phạm tội; ngay lập tức ta được tha thứ; ta đi ra ngoài gây thêm tội lỗi, sẵn biết ta sẽ lại được tha thứ thôi. Anh thấy điều này thật ngớ ngẩn, hèn yếu, rẻ mạt. Sao lại có cái ý niệm mặc định rằng con người sinh ra để phạm tội cơ chứ? Eustace tự hỏi, nếu con người thực sự trân trọng Kinh thánh thì tại sao họ không tuân thủ những lời huấn thị rõ ràng trong đó mà thôi không nói dối, lừa bịp, trộm cướp, sát nhân và đàng điếm nữa? Người ta cần phải đọc Mười Điều răn của Chúa bao nhiêu lần thì mới chịu sửa mình? Thôi phạm lỗi đi! Hãy sống theo cách ta đã được chỉ dạy! Khi đó ta sẽ chẳng phải tới nhà thờ mỗi Chủ nhật để quỳ khóc ăn năn. Và ta sẽ có thêm bao nhiêu thời gian dạo ngoài rừng, nơi mà theo Eustace tin thì “chỉ có sự thật - không gian dối, không vờ vĩnh, không ảo tưởng, không đạo đức giả. Chỉ có một mảnh đất tuyệt nhiên chân thật, nơi muôn loài được cai trị bởi một hệ thống luật lệ hoàn hảo chưa từng và sẽ không bao giờ thay đổi.”

Tất nhiên bởi thiên hướng và sức mạnh cá nhân của Eustace, chẳng bao lâu anh thôi không đi nhà thờ nữa mà bắt đầu tìm kiếm câu trả lời của chính mình. Suốt thời niên thiếu, anh miệt mài nghiên cứu mọi tôn giáo mà anh có thể tìm ra, giữ lại những bài dạy của Thiên Chúa giáo mà anh thích và bồi đắp thêm những phần hay của các tôn giáo khác. Anh đặc biệt hứng thú với những lễ hội tình yêu thăng hoa của người theo giáo phái Sufi cổ thần bí, trong khi con người đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối trong anh theo bản năng lại hưởng ứng nguyên lý trung tâm của Phật giáo - cụ thể là, con người chỉ đạt được đại giác thông qua thường xuyên duy trì giác niệm. Anh thích quan điểm Lão giáo rằng con người nên “hành như thủy”, nên chảy vòng qua những bề mặt cứng, biến thể để phù hợp với các hình dạng của tự nhiên và nhẫn nại bào mòn đá. Anh thích những bài học tinh thần trong võ thuật phương Đông, lấy nhu chế cương để đối phương tự thương vong mà mình không tốn sức.

Trong hầu hết mọi tôn giáo anh đều tìm thấy điều gì đó để gìn giữ, và anh sẽ nói với bất kỳ ai (tín đồ giáo hội Mormon, người theo phái Chứng nhân Jehovah, các tín đồ An giáo ở sân bay) về Thượng đế. Tuy nhiên trên tất cả, tinh thần của các bộ tộc thổ dân bản địa Mỹ được Eustace hưởng ứng trọn vẹn hơn cả. Anh đã thấm nhuần tinh thần này thông qua tiếp xúc với các thủ lĩnh thổ dân Mỹ địa phương anh từng gặp tại Viện bảo tàng Scheile và thông qua nghiên cứu ngành nhân học. Anh hoàn toàn tán thành ý niệm rằng Thượng đế - đúng hơn là thần tính - tồn tại ở trong mọi sinh linh trên hành tinh này, và mọi thứ trên hành tinh này đều là một sinh thể. Không chỉ động vật mà cả cây cối và không khí và thậm chí đất đá, tất cả mọi thứ đều đã có từ ngàn xưa và thiết yếu tồn tại.

Và đây là điểm giao thoa tín ngưỡng của Eustace và Frank, người bạn đồng hành của anh trên Đường mòn Appalachia: họ cùng tin rằng Thượng đế chỉ tồn tại trong tự nhiên. Điều đó quả thực chính là nguyên do tại sao họ làm cuộc hành trình trên đường mòn ấy, cách tốt hơn để tìm kiếm thần tính trong bản thân họ và trong thế giới rộng lớn hơn. Cả hai chàng trai không ngại ngần nói về thần tính đêm này qua đêm khác. Hay tối tối lại lôi tẩu thuốc kiểu thổ dân mà họ tự làm ra để vừa hút vừa cầu nguyện, giao kết với nhau thông qua niềm tin chung rằng tẩu thuốc là phương tiện của người cầu nguyện và khói thuốc chẳng qua là sự biểu đạt thiêng liêng cái họ đang dâng lên vũ trụ. Họ biết rằng một số người có thể cho ý tưởng hai thanh niên da trắng đang cầu nguyện với cái tẩu thuốc thổ dân da đỏ là rất ngớ ngẩn hay thậm chí xúc phạm, nhưng Eustace và Frank không đơn thuần đang đóng vai thổ dân - họ đang tiệm cận nhân tính của mình, sống một cách cường liệt nhất trong khả năng mình, cùng nhau đối diện những điều khai trí và thách thức mỗi ngày. Và, vượt trên tất cả mọi thứ, sự gắn bó tri kỷ này chính là điều Eustace trân trọng nhất trong chuyến đi.

Thế rồi, ở Pennsylvania, Eustace Conway gặp một cô gái.

Cô tên là Donna Henry. Cô mười chín tuổi, là sinh viên ở Pittsburgh, cô và Eustace tình cờ gặp nhau ở chặng Pennsylvania trên Đường mòn Appalachia. Donna đang đi bộ nhân dịp nghỉ cuối tuần cùng với dì và em họ, cuộc hành trình nho nhỏ của họ đang trở nên vô cùng tồi tệ bởi vì dì và em họ cô kiệt sức trong khi họ lại mang theo quá nhiều thức ăn cùng với đồ dùng trong ba lô. Thế nên, giây phút Donna Henry và Eustace nhìn thấy nhau, cô không đi bộ mà đang ngồi bên đường mòn để nghỉ ngơi theo yêu cầu của những người thân đi cùng. Cô ngồi đó, cố bỏ ngoài tai tiếng than vãn của dì và em họ những là chân nhức rồi lưng đau, và Eustace Conway xuất hiện.

Đến lúc đó thì Eustace đã bắt đầu vứt bỏ bất kỳ thứ đồ gì mang theo mà anh cho là vô dụng. Khi anh đi xa về phía Nam và tới gần Georgia hơn, anh trở nên mệt mỏi vì phải mang đồ đạc, thế nên - hành động theo nguyên tắc cũ mà anh yêu thích “hiểu biết càng nhiều, nhu cầu càng ít” - dần dần anh tống khứ mọi thứ ngoại trừ chiếc túi ngủ, một con dao, mấy sợi thừng và một cái nồi nhỏ. Anh còn vứt cả một số quần áo. Anh hoàn thành chặng đường một nghìn dặm cuối cùng của cuộc hành trình mà không mặc gì ngoài hai tấm khăn tay buộc vào nhau để che chỗ kín. Anh thậm chí chẳng giữ lấy một chiếc áo khoác để giữ ấm. Khi đi thì anh không thấy lạnh; khi không đi thì anh ngủ. Khi trời mưa, anh trùm lên người một cái túi ni lông. Khi anh thấy oải với bước chân buồn tẻ của bản thân (dù là bước chân của một người ngốn tới gần ba mươi dặm đường mỗi ngày), anh liền vận hết tốc lực chạy dọc đường mòn.

Thế nên đây là hình ảnh dần dần xuất hiện trước mặt Donna Henry ngày hôm ấy trên đường mòn: một con người hoang dã, gầy, da nâu, râu ria bờm xờm, gần như trần trụi, đi giày đế mềm, đang phóng từ rừng ra như con chó sói. Anh rõ là rất gầy, nhưng cuồn cuộn cơ bắp. Anh có khuôn mặt thật xuất thần. Anh ngừng chạy khi trông thấy Donna. Cô chào. Eustace chào. Rồi anh nở nụ cười tuyệt trần, và Donna cảm thấy dì cùng em họ cô và chiếc ba lô nặng trĩu đều biến mất trong vầng hào quang của nụ cười đó, tất cả được thế chỗ bởi một điều hiển nhiên là từ nay cuộc đời cô sẽ không bao giờ còn như trước nữa.

Tôi có thói quen suy đoán về đời sống tình dục của từng người tôi gặp. Cứ xem đó là một cái thú; cứ xem đó là một sự lệch lạc - tôi không tự bào chữa. Tôi đang nói sự thật. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận rằng sau mấy tháng trời suy ngẫm về con người Eustace Conway tôi mới chớm nghĩ đến khả năng anh thực sự có thể là một sinh vật có nhục cảm. Đặc biệt khi so sánh với Judson em trai anh, một sinh vật tuyệt đối thuộc về nhục cảm, Eustace có vẻ như vượt lên trên cái thứ vật chất thường tình trần tục như thế. Làm như anh chẳng cần tới nó.

Lần đầu tôi gặp cả hai anh em, tôi để ý thấy sự tương phản tột độ đó. Kia là Judson ở quán bar tại East Village, tán tỉnh và khiêu vũ với mọi cô gái đi qua tầm mắt anh, còn kia là Eustace, ngồi ngay ngắn trong góc, nhiệt tình kể với tôi về niềm vui thú được uống nước thẳng từ lòng đất, về chuyện phẩm tính của ánh nắng xuyên qua tán cây vùng Appalachia làm thay đổi hóa chất trong cơ thể con người, về chuyện chỉ những người sống trong rừng hoang mới có thể nhận ra chân lý trung tâm của sự tồn tại, ấy là cái chết luôn luôn tồn tại ngay bên cạnh ta, gần gũi và ràng rịt như chính sự sống, và thực tế này chẳng phải điều đáng sợ mà là một chân lý thiêng liêng đáng để ngợi ca.

Tôi là Thầy của Nhân loại, anh dường như muốn nói vậy khi anh trôi ra khỏi thế giới của bản thân mà vãng lai trên đầu chúng ta. Tôi sinh ra để người ta tin tưởng và nghe theo chứ không phải để được yêu đương…

Và suy cho cùng, anh quả đã tắm trong những dòng suối lạnh ngắt, thế nên toàn bộ vấn đề nhu cầu tình dục này trở nên hơi khó nắm bắt đối với anh. Tuy nhiên - và đây là điều tôi lưu tâm nhất - Eustace Conway biểu hiện như một trang nam nhi anh kiệt kiểu sử thi Mỹ, mà toàn bộ ý niệm về tình yêu lãng mạn hay xác thịt lại là một thứ tuyệt nhiên không tồn tại trong sử thi nam nhi Mỹ cổ điển.

Như nhà văn Leslie Fielder chỉ ra trong pho sách có ảnh hưởng sâu rộng của mình Tình yêu và cái chết trong tiểu thuyết Mỹ, người Mỹ chúng ta là dân tộc lớn duy nhất trên thế giới có nền văn hóa không bao giờ xem tình yêu lãng mạn là một quy tắc thiêng liêng. Thế giới còn lại có Don Juan; chúng ta có Paul Bunyan. Không có chuyện tình nào trong Moby-Dick[2]; Huckleberry Finn[3] không có được người con gái khi câu chuyện khép lại; John Wayne[4] không bao giờ nghĩ tới chuyện từ bỏ lưng ngựa lấy những ràng buộc của một bà vợ; còn Davy Fuckin' Crockett thì không hẹn hò.

ác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mỹ Herman Melville (1819-1891), xuất bản năm 1851. Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của người thủy thủ Ishmael trên con tàu đi săn con cá voi đặc biệt tên là Moby-Dick.

[3] Nhân vật chính trong tác phẩm trứ danh Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của nhà văn Mỹ Mark Twain (1835-1910).

[4] John Wayne (1907-1979): một trong những diễn viên vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh Mỹ, từng đoạt giải Oscar. Ông nổi tiếng với hình ảnh cao bồi miền Tây. Ông kết hôn ba lần.

Cho dẫu những người đàn ông này đã trải qua xung đột nào và thực hiện bước tiến nào đi chăng nữa, họ đều luôn luôn trong sự đồng hành với thiên nhiên, tình yêu chung thủy duy nhất của họ, và hoặc chỉ tự mình mình hoặc với sự giúp sức của một cậu bạn tri kỷ cẩn tín. Phụ nữ là để ta cứu nguy, cũng để ta nghiêng mũ chào khi ta phóng ngựa vào hoàng hôn bỏ lại họ đằng sau. Và đôi khi điều này dẫn đến một tình thế rất lạ đời - đó là, trong khi hầu hết các nền văn chương thế giới đều mô tả phụ nữ giữ gìn cẩn trọng trinh tiết thiêng liêng, thì trong những câu chuyện anh hùng của người Mỹ, đàn ông cũng thường gìn giữ sự trinh bạch từ đầu chí cuối như thế.

Hãy xem xét, như một ví dụ trong sách giáo khoa, Người săn nai của James Fenimore Cooper[5]. Đẹp trai, thông minh, dũng cảm, đáng mơ ước, thế nhưng anh chàng Natty Bumppo chẳng bao giờ lấy vợ, bởi nếu kết hôn anh sẽ phải từ bỏ cuộc sống hoàn toàn một mình ở ven vùng biên, nơi anh luôn được tự do. Không chỉ không lấy vợ, Người săn nai còn có vẻ chẳng hứng thú gì với phụ nữ. Khi Judith Hutter, nhân vật nữ vô cùng xinh đẹp, can đảm và mạnh mẽ, gần như buông tấm thân mảnh dẻ, ngăm đen, với đôi mắt sáng rực xuống chân anh ta, anh lịch sự từ chối lời mời mọc ấy, mặc dù anh đã sống trên núi mà không có phụ nữ bầu bạn trong suốt một khoảng thời gian dài dằng dặc. Anh tuyên bố rằng anh sẽ luôn tôn trọng cô gái và sẽ luôn sẵn sàng có mặt để cứu mạng cô nếu cô cần đến anh.

[5] James Fenimore Cooper (1789-1851): nhà văn Mỹ nổi tiếng. Người săn nai là tác phẩm lớn.

Judith tất nhiên là không hiểu nổi. Trang anh hùng hoang dã quấn tấm da hoẵng này là một người đàn ông mới bí ẩn làm sao! Thật khác xa những tay đại úy bảnh bao sinh trưởng ở thành thị sống trong các trại lính lân cận, ưa tán tỉnh và khiêu vũ! Cô gái thậm chí còn ngỏ lời được sống giữa rừng cùng Natty trọn đời, cách biệt những tiện nghi của văn minh, thế mà anh vẫn khước từ cô. Người săn nai chưa bao giờ biết đến tình yêu sao?

“Vậy thì người yêu của anh ở đâu hở, Người săn nai?” Judith muốn biết, cố hiểu cho được sự tình.

“Nàng ở trong rừng kia, Judith ạ,” Người săn nai trả lời (với một lối nói không chỉ điển hình cho mối quan hệ của người đàn ông Mỹ sử thi này với phụ nữ và với môi trường tự nhiên, mà còn điển hình cho thứ văn phong thực sự dở tệ), “treo mình trên những nhánh cây, trong cơn mưa dịu - giữa làn sương trên đám cỏ thưa - trong vầng mây trôi lang thang giữa trời xanh thẳm - chim chóc hót ca trong rừng - những dòng suối ngọt lành nơi tôi giải khát - và trong tất cả món quà tuyệt diệu khác trời ban!”

“Ý anh là cho tới tận giờ anh chưa từng yêu cô gái nào mà chỉ dành yêu những nơi anh qua cũng như cách sống của chính mình hơn hết?” Judith hỏi. (Phụ nữ trong những tiểu thuyết kiểu này đôi khi có thể hơi chậm hiểu nhưng họ rất được việc khi giúp trần tình vấn đề.)

“Chính thế - chính thế,” Người săn nai đáp lời.

Và đến đó anh để cô gái Judith xinh đẹp lên đường mà thỏa cơn khát tại dòng suối ngọt lành của một chàng nào khác.

Thế đấy. Tôi vốn đọc khá nhiều và cực kỳ dễ bị ảnh hưởng. Ai có thể trách cứ tôi khi ban đầu đã tưởng tượng Eustace Conway là người giống với Natty Bumppo, Người săn nai? Hai người còn trông giống nhau nữa (“mang giày da đanh, cao trên mét tám, nhưng thân hình lại khá nhẹ nhàng và mảnh dẻ, lộ ra cơ bắp cuồn cuộn hứa hẹn sự lanh lợi phi thường”) và cả cách ăn mặc cũng giống nhau. Và Eustace, xin nhớ, thường viết cho tôi những lá thư đầy những thông tin quyến-rũ-mà-trong-sáng kiểu như “Bình minh ló rạng khi tôi đang nhìn xuống con ngựa đã thắng yên của mình từ trên ngọn cây anh đào trĩu trái chín - trong miệng, trên tay đầy ắp quả - và còn bao nhiêu quả nữa để hái.” Phải chứ, thiên nhiên hoang dã hẳn là tình yêu duy nhất của Eustace và là tặng phẩm trời ban duy nhất anh cần.

Ồ, tôi lầm rồi.

Kia là Eustace Conway trên Đường mòn Appalachia năm 1981, tương ngộ Donna Henry. Donna với vẻ ngoài hết sức dễ thương, thân thiện và khỏe khoắn, thu hút ánh mắt Eustace, và ngược lại. Có tiếng chào, rồi nụ cười. Donna không hiểu tại sao anh chàng lại quấn hai chiếc khăn tay nhưng cô lập tức mê mẩn, mời anh ăn. Cô mời Eustace ăn phần là để giữ chân anh lâu hơn, bởi vì ngay tức thì anh đã hớp hồn cô; phần vì cô muốn nhẹ bớt túi đồ của bà dì hay than thở và đứa em họ ưa kêu ca. Bất kể cô đưa cho Eustace món gì anh cũng ăn sạch. Anh ăn như chẳng biết no, như thể anh sắp chết đói. Mà quả có thế thật.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3