Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 04 - Phần 1
Chương 4
Chúng ta có phần lộn xộn ở đây với vô số dự án cải cách xã hội. Không phải người đọc rộng nhưng cũng có bản dự thảo về một tổ chức cộng đồng mới nhét trong túi áo gi lê.
- Ralph Waldo Emerson [1]
[1] Ralph Waldo Emerson (1803-1882) là nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mỹ.
Khi quay trở về Bắc Carolina vào mùa thu năm 1981, Eustace Conway bắt đầu đi tìm một nơi mới để dựng lều vải. Anh biết mình có thể tìm thấy một địa điểm tuyệt vời nếu bỏ thời gian tìm kiếm. Suốt những năm đầu tuổi trưởng thành, cứ khi nào cần ổn định cho một giai đoạn quan trọng nào đó, Eustace đều thấy thật dễ dàng khi sống nhờ trên (và dựa vào) mảnh đất của những người đủ hào phóng cho anh chiếm dụng.
“Tôi là người độc nhất vô nhị ở điểm tôi sống trong một cái lều vải thổ dân,” Eustace trình bày trong một lá thư tự nguyện viết để giới thiệu bản thân với một chủ đất ở Bắc Carolina sở hữu thửa đất rộng bao la mà anh vừa âm thầm xem xét. “Trong khi tìm kiếm một mảnh đất để sống vào mùa thu sắp tới, tôi tình cờ thấy điền địa của ông và tôi muốn biết liệu ông có thể chiếu cố cho tôi cắm trại bên cạnh con lạch trên đất của ông không. Tôi không có nhiều tiền, nhưng có thể trả một khoản thuê nho nhỏ. Tôi có thể chăm sóc đất đai của ông như một người trông đất. Tôi sẽ vô cùng trân trọng và thấu hiểu những mong muốn của ông. Tôi gửi kèm theo đây tới ông một phong bì đã dán tem có đề địa chỉ của tôi để ông tiện hồi âm. Tôi cũng gửi kèm một bài báo để ông có thêm thông tin về phong cách sống của tôi.”
Quyết cho được nên gửi bài báo nào tới người chủ đất ấy hẳn chỉ là một việc vặt đối với Eustace; dạo đó có rất nhiều bài báo viết về anh. Anh đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng và đang là cục cưng của giới phóng viên Bắc Carolina, họ thích viếng thăm “chàng thanh niên lặng lẽ, khiêm tốn, vô cùng mộc mạc” sống “giản tiện hơn cả một chiến binh Sparta, thậm chí không cho phép bản thân hưởng cái xa xỉ là dùng diêm nhóm lửa trại.”
Báo chí yêu mến anh bởi vì anh hoàn hảo. Hùng biện, thông minh, lịch lãm, hấp dẫn, cực kỳ ăn ảnh, chàng thanh niên Eustace Conway trong cái lều vải là mơ ước của bất kỳ tay chủ bút chuyên trang giới thiệu nhân vật đặc biệt nào. Anh sống tự cung tự cấp như một sơn nhân thời xưa, nhưng anh không phải kiểu người theo chủ nghĩa ưu việt chủng tộc đáng sợ từ chối trả thuế và ưa ba hoa về sự tuyệt chủng trong nay mai của người da trắng. Anh khiêm nhường trước tự nhiên và có quan điểm lý tưởng chủ nghĩa về tự nhiên, nhưng anh không phải là một kẻ lập dị yếu đuối, khuyến khích mọi người lột bỏ quần áo chạy ra với rừng. Anh sống biệt lập với xã hội theo một kiểu cách quyến rũ, nhưng anh không phải kẻ ẩn dật trốn chạy, bởi lúc nào anh cũng chào đón giới báo chí hết sức hòa nhã. Phải, anh thách thức những người đồng tuế của mình hãy đặt nghi vấn về những gì người ta thường cho là đặc trưng của người Mỹ hiện đại, nhưng anh lịch sự và diễn thuyết hay, có khả năng tự thể hiện là một sinh viên luôn đạt điểm A để chứng minh tư cách đáng trọng của mình.
Chính thế - một sinh viên luôn đạt điểm A. Thật thú vị, Eustace đã quyết định vào trường cao đẳng sau khi kết thúc chuyến đi bộ trên Đường mòn Appalachia. Một lựa chọn lạ lùng đối với một người vốn ghét trường lớp đến như Eustace từng ghét. Nhưng anh đã luôn tin rằng anh có thể trở thành học sinh giỏi nếu anh thoát khỏi cảnh đè đầu cưỡi cổ của cha, và sự thật đúng như vậy, anh đạt toàn điểm ưu ở trường cao đẳng ngay từ ngày đầu, kể cả trong môn toán. Có lẽ không sai khi cho rằng không có sinh viên nào khác tại Cao đẳng Cộng đồng Gaston giống như Eustace. Anh nổi tiếng khắp trường, bởi cái lều vải và trang phục kiểu vùng biên, giọng nói điềm tĩnh cùng những câu chuyện phiêu lưu trên rừng núi và dọc sông Mississippi. Từ những người bạn ở trường, anh bắt đầu nhận được kiểu phản ứng mà có lẽ anh mong đợi trong suốt phần đời còn lại. Các cô em, tôi không biết có từ nào hay hơn ở đây, chết mê chết mệt anh; các cậu trai muốn được giống y như anh. Anh đang ngày càng ra dáng, trở nên vừa đặc biệt vừa tuyệt diệu hơn ở vẻ bề ngoài - khung xương mặt rộng và khuôn miệng khỏe khoắn, đôi mắt đen dày mí rộng quầng và cái mũi khoằm dài. Thân hình anh tuyệt vời - một người bạn gặp Eustace sau khi anh rời Đường mòn Appalachia đã nói anh trông giống “một phiến đá rắn chắc, cao lớn” - và tóc anh màu đen thì đúng hơn là nâu. Da anh sậm màu; răng trắng. Chẳng có nét mơ hồ nào trên khuôn mặt này, chỗ nào dốc ra dốc, tối ra tối, phẳng ra phẳng. Anh là một tạo vật có sức mạnh thể chất đầy ấn tượng, một người trông như được tạc từ cây đại thụ. Anh có mùi như loài thú, nhưng là một con thú sạch sẽ. Ai cũng phải ngoái nhìn anh. Anh vô cùng nổi bật và lôi cuốn.
Scott Taylor, một sinh viên học cùng với Eustace trong suốt những năm cao đẳng, nhớ đã thấy anh đi trong trường với “nụ cười tươi rói và thứ trang phục da hoẵng ấy, cậu ta dường như là chàng trai tuyệt diệu nhất trên đời. Tôi thèm được xem cái lều vải của cậu ấy đến chết được, nhưng ta chẳng thể cứ thế không mời mà đến lều của người ta.” Thế rồi, Scott cũng giành được cho mình một lời mời vào “một ngày mưa thu tuyệt đẹp”, Eustace bảo Scott ra ngồi bên con lạch thái rau làm món hầm. Scott chưa từng làm việc gì như thế trước đây nên cảm thấy cực kỳ kinh ngạc. Cậu là một chàng trai thành phố quen sống trong bảo bọc, kết hôn sớm và đang học cao đẳng ngành hóa chất, cậu sửng sốt và được thức tỉnh bởi mọi điều Eustace nói và làm.
Scott nhớ lại, “Tôi mười chín tuổi và vợ tôi cũng thế, chúng tôi có một căn hộ nhỏ mà chúng tôi đang cố ây đắp sao cho trông giống nhà của một cặp vợ chồng Mỹ trung lưu điển hình. Chúng tôi đang bắt chước theo cha mẹ mình, thậm chí không nghĩ sâu sắc chút nào về đời mình. Rồi một ngày kia tôi mời Eustace Conway tới, và cậu ấy lặng lẽ đi loanh quanh, nhìn ngắm mọi thứ rồi nói, ‘Trời ơi, các cậu có nhiều của cải vật chất quá.’ Tôi chưa từng một lần nghĩ trên đời này còn có cách sống nào khác. Eustace nói, ‘Hãy thử tưởng tượng nếu các cậu gom hết chỗ tiền các cậu đã chi cho những thứ này và thay vào đó đi chu du vòng quanh thế giới bằng số tiền ấy hoặc mua sách về đọc xem nào. Nghĩ coi các cậu sẽ hiểu nhiều về cuộc đời biết bao nhiêu.’ Tôi nói chị nghe, tôi chưa bao giờ nghe những ý tưởng như thế. Cậu ấy cho tôi mượn sách về nghề mộc, nghề thuộc da, chế tác gỗ, để giúp tôi thấy mình có thể học các kỹ năng và tự mình làm nên nhiều thứ. Cậu ấy thường nói, ‘Cậu biết không Scott, có rất nhiều thứ cậu có thể làm khi nghỉ hè chứ không chỉ là làm việc văn phòng. Cậu có thể đi nhờ xe xuyên nước Mỹ hoặc cậu có thể đi thăm thú châu u.’ Châu u! Đi nhờ xe! Đây là những từ kỳ lạ nhất tôi từng nghe!”
Trong hai năm học tại Cao đẳng Cộng đồng Gaston, Eustace nhận toàn điểm tốt và được chuyển lên học bốn năm tại Đại học Bang Appalachia, tọa lạc tại thành phố núi Boone, Bắc Carolina. Ban đầu anh lo lắng không biết anh sẽ ra sao tại Đại học Bang Appalachia, vì biết trường này sẽ đòi hỏi trí tuệ ở anh nhiều hơn trường cao đẳng cộng đồng, và vẫn còn cảm thấy hơi ức chế bởi những năm tháng chịu sự chỉ trích của người bố, và cũng khiếp sợ cả cái viễn cảnh có quá nhiều bạn học.
Ngày đầu tới lớp, anh thậm chí còn không mặc bộ đồ da hoẵng; anh sợ thu hút sự chú ý của mọi người. Anh mặc quần áo ra phố, nhảy lên xe mô tô, rời lều sớm đủ để có thời gian tìm hiểu khu trường đại học và định hướng cho mình. Tuy nhiên, khi đang phóng xe xuống Boone, anh để ý thấy một con thỏ mới bị xe cán chết bên vệ đường, và, theo thói quen, anh dừng lại nhặt nó lên. (Eustace đã từ lâu lấy thịt thú bị cán dọc đường làm món chính trong thực đơn ngày thường. Theo kinh nghiệm của anh thì nếu lũ bọ vẫn sống và nhảy nhót trên da con thú thì thịt nó hãy còn tươi và ăn được.) Anh cho con thỏ vào ba lô, chạy xe đi tiếp, và là người đầu tiên đến lớp, lớp Khảo cổ học 101. Thật ra anh là người đầu tiên tới lớp, sớm cả tiếng đồng hồ, bởi vì anh đã rất hứng thú với việc đến thật sớm để làm quen. Có một khoảng thời gian dài rỗi rãi mà lại không chịu được chuyện ngồi không, anh tự hỏi liệu anh có nên bắt tay ngay vào lột da con thỏ không.
Rồi anh chợt nảy ra một ý! Anh nhớ mẹ anh trước đây thường bảo anh rằng “trường học chỉ là trường học khi con làm được gì từ đó. Anh quyết định làm đôi điều. Anh hỏi quanh và tìm gặp được giáo sư của lớp anh sắp vào học rồi tự giới thiệu. Chắc hẳn anh đã khiến cô vô cùng kinh ngạc. Cô là Giáo sư Clawson, vừa tốt nghiệp Đại học Harvard, và đây không chỉ là ngày đầu cô dạy lớp học này mà còn là lần đầu tiên cô đứng lớp, và cũng là lần đầu tiên cô sống ở miền Nam.
“Thưa cô,” Eustace nói, “em biết lớp học này do cô dạy, nhưng em có một ý tưởng. Em nghĩ có lẽ hôm nay cô trò ta có thể cùng nhau dạy điều gì đó thú vị về khảo cổ học nếu em trình bày rằng em sống theo lối truyền thống, nguyên thủy, cô hiểu chứ ạ? Em có một con thỏ mà em vừa thấy chết bên vệ đường, nó cần được lột da để tối nay em còn ăn thịt. Cô có thể cho em lột da thỏ trước lớp làm một bài giảng không? Em sẽ sử dụng các công cụ em làm từ đá, y như người cổ đại sử dụng. Em thậm chí còn có thể chế tạo công cụ ngay trước lớp. Đó sẽ là một bài học khảo cổ học rất tuyệt, cô có nghĩ thế không?”
Giáo sư nhìn anh đăm đăm một lúc lâu. Rồi khi trấn tĩnh lại được cô liền nói, “Được. Cứ làm thế đi.”
Họ xuống phòng thí nghiệm khoa địa chất, tìm thấy mấy viên đá lửa tốt, rồi trở về lớp học. Khi những sinh viên khác đến, Giáo sư Clawson tự giới thiệu, phát một số bài tập về nhà làm, rồi nói, “Còn giờ tôi sẽ giao lớp lại cho một bạn sinh viên đồng khóa của các em, cậu ấy sẽ cho các em thấy cách lột da thỏ theo phương thức nguyên thủy.”
Eustace bật dậy khỏi ghế, lôi con thỏ trong ba lô ra với vẻ tao nhã của một pháp sư lão luyện, nhặt đá lên và cất tiếng say sưa trình bày trong khi đẽo gọt làm công cụ. “Cẩn thận đừng để mẩu đá bắn vào mắt đấy nhé, mọi người!” anh nói, và giải thích cách người nguyên thủy mài đá để có được cạnh sắc đến mức có thể cắt xẻ một con nai lớn chỉ bằng hai viên đá nhỏ; bản thân Eustace đã làm thế nhiều lần. Thực tế thì người Aztec, anh nói với cả lớp, thường chế tạo công cụ đá bén ngọt và tỉ mỉ đến độ có thể thực hiện phẫu thuật não cho người khác - “Phẫu thuật não thành công!” Với các nhà khảo cổ học, Eustace nói, việc nghiên cứu các công cụ đá này là thiết yếu, không chỉ vì tầm quan trọng của chính các công cụ đó, mà còn bởi vì một con vật nếu được mổ xẻ bằng công cụ ấy thì sẽ mang theo mình một kiểu dấu vết trên xương rất riêng biệt, và điều đó có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định xem một sinh vật thời cổ đại chết tự nhiên hay đã bị con người giết thịt.
ồi Eustace móc gọn gàng con thỏ bị xe cán ven đường vào một cái thòng lọng treo trên dây tấm mành cửa sổ màu be cũ kỹ trong lớp học. Anh vừa mổ bụng con thỏ hết sức nhanh chóng vừa bàn về chuyện ruột già của nó thường khá sạch bởi ruột già chỉ chứa mấy viên phân đen cứng ngắc, nhưng ta phải cẩn thận với ruột non và dạ dày, bởi vì những bộ phận này chứa chất dịch tiêu hóa mặn và thối hơn. Nếu ta vô tình rạch rách những bộ phận này, “thứ bẩn thỉu kia sẽ tràn khắp phần thịt, như thế thì kinh lắm.”
Vừa làm Eustace vừa nói về sinh lý của thỏ hoang, về chuyện da nó mỏng manh như giấy kếp thế nên xử lý mà không làm rách là cả một thách thức. Nó không giống với da nai, anh giải thích trong khi thực hiện một đường rạch mảnh từ một bên chân sau xuống hậu môn rồi vòng sang chân kia. Da nai dẻo dai nên có ích cho hàng chục mục đích chứ da thỏ thì không, Eustace nói tiếp. Ta không thể lột da thỏ hoang lành tấm và rồi cứ thế gập đôi lại để làm găng tay. Cẩn thận lột lớp da thỏ dễ rách như miếng khăn giấy ướt, anh chỉ ra rằng nghệ thuật xử lý thỏ là lột da thành một sợi dài duy nhất, như thể ta đang gọt táo. Bằng cách đó, cuối cùng ta có thể có một dải lông dài hai mét rưỡi từ một con thỏ, y như thế này!
Eustace chuyền tấm lông quanh khắp lớp để mọi người cầm. Các sinh viên hỏi người ta có thể làm gì với một dải lông mỏng mảnh như thế. Tất nhiên là anh có câu trả lời. Thổ dân sẽ dùng dải lông thỏ này quấn chặt quanh một sợi cói bện, phần da hướng vào trong còn phần lông hướng ra ngoài. Khi thứ này khô, cói và lớp da sẽ quyện vào nhau hoàn hảo, rốt cuộc người ta sẽ thu được một sợi thừng dài, dẻo dai. Nếu đan mấy chục sợi thừng như thế này vào với nhau, ta có thể làm nên một tấm chăn không chỉ mềm mại và nhẹ nhàng mà còn vô cùng ấm áp. Và nếu ta thám hiểm những nơi trú ẩn trong hang động cổ xưa tại New Mexico, như Eustace Conway đã từng thăm dò rất nhiều lần, ta có thể tìm thấy một mảnh chăn như thế khuất lấp trong góc tối, được bảo quản qua hàng nghìn năm trong khí hậu sa mạc khô hạn.
Sau hôm đó, Eustace Conway lại trở nên vô cùng nổi tiếng. Anh lấy lại sự tự tin và thậm chí còn bắt đầu mặc đồ da hoẵng đến trường. Thật ra, chính đêm đầu tiên đó, Giáo sư Clawson đã tới lều vải của Eustace và ăn một bát to thịt thỏ hầm với anh.
“Mà cô vốn là một người ăn chay nghiêm ngặt cho đến thời điểm đó!” Eustace nhớ lại. “Nhưng chắc chắn là cô thực sự thích món thỏ ấy.”
Chào mừng đến với miền Nam, Giáo sư.
Eustace sống trong lều vải suốt những năm học cao đẳng, ngày càng thông hiểu hơn về khoa học sống ngoài thiên nhiên, đồng thời anh cũng được củng cố nhiều tri thức hơn trong các giờ học ở Đại học Bang Appalachia. Hầu hết các kỹ năng cần thiết để được an nhiên trong rừng hoang anh đã thành thục từ thời thơ ấu và tuổi mới lớn. Tất cả những giờ chăm chú khám phá và thám hiểm những khu rừng phía sau nhiều ngôi nhà khác nhau mà gia đình Conway từng sống đã mang lại nhiều lợi ích cho anh, các trải nghiệm trên Đường mòn Appalachia cũng vậy. Điều mà bản thân Eustace gọi là “sự tập trung quan sát cao độ” bẩm sinh của anh đã mang đến cho anh sự tinh thông ngay từ khi còn rất nhỏ.
Anh cũng đã dành rất nhiều thời gian trong những năm tháng ấy để hoàn thiện kỹ năng săn bắn. Anh trở thành một người nghiên cứu lối sống của hươu nai, nhận thức được rằng càng biết nhiều về loài vật này anh sẽ càng tìm bắt chúng được dễ dàng hơn. Nhiều năm sau, khi đã trở thành một thợ săn thật sự lão luyện, anh thường nhìn lại những ngày tháng học cao đẳng và nhận ra rằng anh hẳn đã bỏ lỡ hàng chục con nai; rằng vô số lần anh hẳn chỉ ở cách con nai trong khoảng sáu mét mà không hay biết. Eustace đã phải học cách không chỉ cứ lùng sục khắp rừng tìm kiếm “một đôi gạc và một con vật lớn tướng đứng giữa khoảng đất trống với một tấm biển to đùng chỉ vào nó đề CÓ MỘT CON NAI NGAY ĐY NÀY, EUSTACE!” Thay vào đó, anh học được cách phát hiện ra nai như anh đã từng một thời phát hiện ra rùa - bằng cách chú ý tìm kiếm những khác biệt nhỏ xíu trong màu sắc hoặc chuyển động trong các bụi cây thấp. Anh học được cách nhận biết một góc tai khẽ rung của một con nai; cách bắt gặp những mảng nhỏ, mờ nhạt của cái bụng trắng nổi bật trên đám cây mùa thu dùng làm ngụy trang và nhận ra đâu là con nai. Giống như nhà đạo diễn âm nhạc, người có thể phân biệt từng sắc thái của từng nhạc cụ trong một dàn nhạc, Eustace cũng đạt tới trình độ có thể nghe tiếng gãy tách của một cành con trong rừng và qua âm thanh đó mà biết đường kính của nó, điều ấy cho anh biết cành cây đã bị một con nai lớn hay một sóc giẫm lên. Hay tiếng gãy kia đơn thuần là âm thanh của một cành khô lìa cây trong làn gió sớm? Eustace đã học được cách nhận ra sự khác biệt.
Trong suốt những năm sống trong lều vải, anh cũng trở nên tôn trọng và trân quý mọi loại hình thời tiết mà thiên nhiên gửi xuống mái nhà anh. Nếu trời mưa ba tuần liên tiếp, chẳng việc gì phải thấy khó chịu với mưa; rõ ràng đó là điều thiên nhiên đang cần ngay lúc ấy. Eustace sẽ cố thích nghi và dùng thời gian ở để khâu quần áo, đọc sách, cầu nguyện, hoặc tập xâu cườm. Anh đạt tới chỗ hiểu thấu đáo rằng mùa đông cũng tuyệt đẹp và quan trọng chẳng kém gì mùa xuân; bão tuyết cũng thích đáng và cần thiết y như nắng hè ấm áp. Khi nghe bạn bè trang lứa ở trường kêu ca về thời tiết, anh thường về lều vải và viết vào nhật ký một bài dài về chuyện anh khám phá ra rằng “chẳng có cái gì gọi là ngày ‘tồi tệ’ trong tự nhiên. Ta không thể chỉ trích tự nhiên như thế vì tự nhiên luôn làm điều nó cần làm.”
“Ngọn lửa của tôi đêm nay đã được tiếp cho cháy đượm,” Eustace Conway, sinh viên cao đẳng, viết trong nhật ký vào một ngày giá lạnh tháng Mười hai, “và tôi đang thu hoạch một vụ mùa NHIỆT tuyệt vời. Yêu quá. Tôi đang sống theo một cách hẳn sẽ khó chịu đựng được đối với nhiều người hiện đại. Ví như, tối hôm qua khi màn đêm buông xuống, tôi nhóm lửa và thêm củi vào để đun nước và nấu bữa tối. Khi nước nóng, tôi cởi áo (trong nhiệt độ đóng băng) mà tắm gội. Chuyện này hẳn quá sức chịu đựng đối với bọn bạn cùng lớp của tôi!”
Điều này có lẽ đúng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, một số thanh niên hiện đại có thể diễn được cảnh này không khó. Donna Henry chẳng hạn. Mặc dù cái tên Donna không xuất hiện thường xuyên trong các cuốn nhật ký, cô thực sự đã có rất nhiều thời gian ở bên Eustace, ngay kia trong lều vải bên cạnh anh, cũng cởi áo và gội đầu trong cùng nhiệt độ lạnh giá như thế.