Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 05 - Phần 4
Lần nữa, không lời đáp.
Thế nên, không, mối quan hệ đó hầu như không tiến triển, nhưng Eustace cần mượn số tiền lớn, và bố anh, vốn tằn tiện và khôn ngoan, có nó. Eustace chưa bao giờ xin bố một xu; đó là vấn đề tự trọng. Khi có lần ông Conway nói với Eustace rằng họ nên bàn đến vấn đề chu cấp, Eustace nói, “Con không nghĩ mình xứng đáng được chu cấp,” và chuyện chấm dứt ở đó. Eustace không bao giờ đề nghị bố trả giúp học phí đại học, mặc dù ông Conway vui vẻ trả chi phí học đại học cho các em anh. Thế thì vào năm 1987 làm sao Eustace Conway tới chỗ bố như một người trưởng thành để đề nghị một khoản vay? Một khoản vay rất lớn.
Cuộc trò chuyện, như chúng ta có thể tưởng tượng, không trôi chảy. Eustace lãnh một trận rát tai từ ông cụ: số anh cầm chắc thất bại trong dự án mạo hiểm này; anh chẳng nên mong đợi sự độ lượng từ bố khi quận trưởng cảnh sát tới cho đòi cùng với giấy tờ vỡ nợ; và tóm lại thì anh nghĩ anh là ai mà có thể lãnh trách nhiệm coi sóc 107 mẫu đất và lập nghiệp kia chứ?
“Con thật sai lầm khi nghĩ con có thể thành công trong chuyện này,” bố anh đay đi đay lại.
Eustace ngồi như phiến đá bên suối, để mặc cơn thác lũ lạnh băng chảy qua ngay nh mình, miệng ngậm câm, mặt vô cảm, lặp lại liên tục với chính mình Con biết mình đúng, con biết mình đúng, con biết mình đúng... Và, cuối cùng, bố anh đưa khoản tiền cho anh vay.
Với mức lãi suất cạnh tranh, dĩ nhiên rồi.
Ngày 15 tháng Mười năm 1987, Eustace Conway mua mảnh đầu tiên của Đảo Rùa. Và ngay lập tức bắt tay vào làm việc cật lực để trả tiền cho bố. Trong vòng một năm, họ lại không còn nợ nần gì nhau nữa. Anh kiếm được khoản tiền kếch xù đó trong khoảng thời gian ngắn như thế bằng cách lèo lái chính mình vượt qua cơn thác lũ làm việc điên cuồng, đi khắp miền Nam làm một chương trình thuyết giảng vắt kiệt cả cảm xúc lẫn thể lực, để dạy, để trình bày, để vươn tới mọi người. Valarie dùng những mối quan hệ với Cục Quản lý Công viên để nhận về cho anh hợp đồng biểu diễn tại các trường học và trung tâm tự nhiên, và Eustace trở thành một nhà tự quảng bá rất năng động.
“Đó là một khoảng thời gian sôi động,” giờ đây Valarie nhớ lại, “hai năm đầu ở Đảo Rùa ấy. Eustace sống cùng tôi trong căn hộ ngoại ô xinh đẹp của tôi ở Georgia một thời gian, cùng nhau sắp xếp những buổi nói chuyện của anh và cố gắng trả tiền cho bố anh. Tôi làm người đại diện cho anh, giúp anh đặt lịch làm việc khắp toàn bang. Và cuối cùng tôi bỏ công việc tốt và bán ngôi nhà đẹp của mình để chuyển tới Đảo Rùa. Tôi đi theo niềm hạnh phúc nhất đời mình. Đó là nơi tôi muốn ở. Chúng tôi chăm chỉ làm việc để nơi ấy phát triển. Tôi giúp anh xây công trình đầu tiên ở đó, một nhà kho để dụng cụ, bởi vì thứ quan trọng nhất với Eustace là một nơi anh có thể tập hợp các công cụ anh cần để kiến tạo phần còn lại của mộng tưởng của anh. Chúng tôi sống trong lều vải, và hằng ngày tôi nấu ăn trên một cái lò gỗ cũ, nhưng tôi hạnh phúc được sống theo cách này vì tôi muốn học những kỹ năng ấy. Tôi tin tưởng những gì chúng tôi đang làm. Tôi tin tưởng những gì chúng tôi đang dạy. Tôi đang thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng của chính mình, và sứ mệnh của tôi song hành với sứ mệnh của anh.”
Phương cách họ sống quả là một ác mộng kiêm một hài kịch. Eustace đi suốt, anh thường phải mang về mọi bài báo, mọi tấm séc, tờ lịch, và hàng đống thư trong một cái túi chéo bằng da cũ kỹ. Họ cất hàng chồng địa chỉ và tờ bướm về các trường học trong những chiếc hộp để trong lều vải, các thứ này thường thấm bục nước mưa và rồi bị chuột, nấm mốc, giòi bọ ăn mòn. Họ không có điện thoại. Một lần, Eustace đi bộ xuống thung lũng hỏi một người hàng xóm, cụ Lonnie Carlton, xem anh có thể mượn điện thoại của ông gọi mấy cuộc gọi đường dài việc rồi trả tiền sau được không. Với một người chủ trại già vùng Appalachia như Lonnie, một cuộc gọi đường dài có thể là sự kiện một-năm-một-lần, hẳn là phải liên quan đến chuyện ai đó trong gia đình qua đời và chắc chắn không bao giờ kéo dài quá hai phút. Thế là, Eustace nhận lấy chiếc điện thoại rồi nói chuyện với hiệu trưởng các trường và các lãnh đạo Hướng đạo sinh, và phóng viên báo chí khắp miền Nam trong suốt sáu tiếng đồng hồ liên tục. Cụ Lonnie cứ ngồi yên đó quan sát anh từ đầu chí cuối, há hốc mồm kinh ngạc.
Khi đã hiển nhiên là anh cần có điện thoại riêng, Eustace chạy đường dây điện thoại từ một nhà hàng xóm lên cái hang cạnh nhà, nơi đó trở thành văn phòng của anh. Trong đêm đông, anh thường đi bộ xuống núi rồi leo vào cái hang đó và làm cái mà giờ đây nhớ lại anh gọi là “một số thương vụ nhỏ khôn ngoan”, kết nối mạng lưới quan hệ và viết ghi chú, soi sáng công việc suốt đêm bằng ánh lửa bập bùng, về sau, anh được phép kéo đường dây điện thoại vào một chuồng gia súc kiểu nhà sàn của ông hàng xóm Will Hicks. Valarie đặt chiếc điện thoại trong hộp xốp để nó không bị hơi ẩm làm gỉ. Đến giờ cô vẫn nhớ rằng, ở ngay đó, giữa vựa cỏ khô, trong khi lũ bò rống ầm rống ĩ bên dưới, cô đã gọi nhiều cuộc gọi công việc và thương lượng không nhân nhượng mức phí trả cho các buổi thuyết giảng của Eustace.
“Những người bên kia đầu dây thường hỏi, ‘Tiếng gì nhao nhác nãy giờ thế?’ và tôi nói, ‘Ồ, chỉ là ti vi đang bật ở phòng khác thôi mà.’ Tôi nói cho mà nghe, đấy thực sự là cả một sự sắp xếp kiểu như trong ‘Green Acres’[8] chứ chẳng chơi. Rồi cái điện thoại bị ẩm nên hỏng. Tôi cố sấy khô nó bằng cách đặt bên lò gỗ ấm. Tất nhiên, nó chảy nhựa ra khắp chỗ đó, như một bức tranh của Salvador Dali. Chúng tôi đã sống như thế đấy.”
[8] Một bộ phim truyền hình Mỹ phát sóng từ năm 1965-1971, nội dung là một đôi vợ chồng chuyển từ New York về sống trong một trang trại.
Một số thứ sẽ phải thay đổi. Một hôm Eustace đưa Valarie ra ngoài ăn một bữa tối ngon lành tại Red Onion Café ở Boone, để thết đãi cô vì tất cả việc cô đang làm. Suốt bữa tối, anh phác họa lên khăn ăn bản thiết kế tòa nhà văn phòng mà anh đã quyết định là họ đang cần. Nhận thấy mình có một đợt bốn mươi ngày không phải đi diễn thuyết - dịp nghỉ ngơi hiếm hoi, anh suy tính trong bữa ăn tối ấy rằng anh sẽ xây văn phòng vào khoảng thời gian trống nhỏ nhoi đó. Nếu không thì sẽ chẳng khi nào xây được. Thế là hôm sau, trời còn chưa sáng, Eustace liền bắt tay xây dựng.
Ngôi nhà sẽ sử dụng năng lượng mặt trời, rộng gần bốn mươi mét vuông, được làm bằng táp lô, kính và gỗ thô. Eustace không biết chính xác cách dựng một ngôi nhà mặt trời và chưa bao giờ xây bất cứ gì phức tạp hơn một cái lán đựng dụng cụ, nhưng anh cực tin chắc anh làm được việc này. Anh chọn một điểm ngập tràn ánh nắng gần lối vào Đảo Rùa để văn phòng vừa có thể làm nơi chào đón khách vừa cách xa phần trung tâm đậm vẻ nguyên thủy hơn của khu trại vốn sẽ nằm sâu hơn trong rừng. Anh cắm sâu ba mặt của ngôi nhà xuống lòng đất để giúp giữ nhiệt, và Valarie giúp anh lát sàn gạch để thu năng lượng mặt trời. Cửa vào là một hệ thống cửa Pháp tuyệt đẹp mà Eustace đã mang từ chợ trời về với giá chỉ năm đô la. Nắm tay cửa được anh làm lại từ gạc nai. Anh lắp những khung cửa sổ lớn ở mặt trước văn phòng và đặt những tấm cửa sổ trần - tất cả đều được nhặt từ đống phế thải - lên mái để đón ánh sáng và nhiệt.
Vì đập vào mắt mọi người nên phần mái nhà phía trước được lợp bằng những tấm ván lợp so le cho đẹp. Nhưng mái sau thì thực dụng hơn, chỉ là tấm thiếc. Mặt trong của tường có đóng những tấm ván bề ngang sáu mươi phân làm từ gỗ thông trắng bạc màu mưa nắng mà Eustace lấy được từ một nhà kho cũ bỏ hoang, thứ này làm cho căn phòng trở nên trầm ấm. Từ phần ván gỗ còn lại trong nhà kho đó, anh đóng hai cái bàn làm việc rộng và còn đóng cả mấy cái giá chắc chắn vừa để sách vừa làm vách ngăn văn phòng ra thành hai ô làm việc ngập nắng. Trên sàn là tấm thảm cổ anh tìm được tại một buổi đấu giá của người Navajo. Những chiếc giá treo cao dọc theo mép tường đặt những món đồ đan và đồ gốm quý hiếm, trong đó có cả một chiếc bình cổ của người da đỏ mà một chiều nọ Eustace đã để ý thấy bên hè một ngôi nhà cũ tại Raleigh. Ngay lập tức nhận ra giá trị của nó, anh đề nghị với chủ nhà giá hai mươi đô la cho chiếc bình. “Được,” bà chủ nhà nói. “Lấy đi. Tôi chán phải quét rác quanh cái thứ cổ lỗ đó lắm rồi.” Sau đó, Eustace gửi một bức hình chụp chiếc bình tới một chuyên gia của công ty đấu giá Sotheby, người này ước lượng giá trị của chiếc bình lên đến mấy nghìn đô la.
Văn phòng trên Đảo Rùa là một ngôi nhà thật đáng yêu. Kiến trúc đẹp mắt, trong nhà đâu đâu cũng sách, và khắp xung quanh khuôn viên bên ngoài Eustace trồng đầy hoa dại - hoa diên vĩ, hỏa diễm thảo, lan hài. Đó là một cấu trúc sử dụng năng lượng mặt trời hết sức hiệu quả, cởi mở, ấm áp, có tính hữu cơ, với điện thoại và máy trả lờiự động riêng. Và Eustace thiết kế, xây dựng, trang trí và làm đẹp không gian toàn bộ nơi đó trong vòng bốn mươi ngày.
Đến lúc này Eustace đã trở nên nổi tiếng khắp dãy núi là một người chàng thanh niên lúc nào cũng tất bật. Ví dụ, anh mua gỗ từ một ông già miền núi Appalachia tên là Taft Broyhill, ông này sở hữu một xưởng cưa. Eustace thường bận rộn xây nhà suốt ngày rồi lại xây suốt cả đêm nhờ ánh sáng đèn pha xe tải. Khi cần thêm gỗ xẻ, anh sẽ lái xe tới ngọn núi kế bên thăm xưởng của Taft Broyhill vào khoảng nửa đêm, đánh thức ông chủ trang trại dậy và thương lượng với ông ngay ở đó giữa lúc đêm về sáng, để không lãng phí thời gian ban ngày vàng ngọc vào việc mua bán. Rồi anh sẽ quay trở lại Đảo Rùa, ngủ ba bốn tiếng, và lại bắt tay vào việc xây dựng trước khi trời kịp sáng.
Một đêm nọ khi lái xe tới nhà Taft Broyhill vào lúc nửa đêm, anh đi cùng một người bạn đã tới giúp anh vài ngày. Trong khi ông già đang xếp gỗ, Eustace chú ý thấy trong đống gỗ phế liệu một súc gỗ mại châu rất ngon lành, quá đẹp không thể nào cưa thành gỗ xẻ được. Anh liền hỏi liệu anh có thể mua súc gỗ mại châu đó không, và liệu ông Broyhill có thể giúp anh cưa nó thành từng khúc dài vừa tay được không.
“À, cậu muốn dùng nó làm gì?” ông già hỏi.
“Thế này, ông ạ,” Eustace giải thích, “cháu chỉ đang nghĩ sẽ hay biết bao nếu sử dụng chỗ gỗ mại châu cứng chắc đó để đẽo cán công cụ hay đại loại thế.”
Ông già sốt sắng khởi động cái máy cưa xích và bắt đầu xẻ súc gỗ mại châu dưới ánh đèn pha xe tải của Eustace vào giữa đêm trong làn mưa tuyết. Đột nhiên ông dừng lại, tắt máy cưa xích, đứng lên. Ông nhìn chằm chằm Eustace và bạn anh hồi lâu. Eustace lòng băn khoăn không biết có gì không phải, đành đợi Taft Broyhill lên tiếng.
“Các cậu biết không,” cuối cùng ông già cất giọng lè nhè, “ta chỉ đang tự hỏi đám thanh niên các cậu làm gì vào lúc rảnh rỗi?”
Eustace làm việc trối chết. Ngay khi văn phòng đã đâu ra đó, Eustace lại lên đường, kiếm tiền bằng cách đi giảng về niềm hạnh phúc của lối sống nguyên thủy và trí tuệ của thổ dân da đỏ Mỹ và sự thuận tiện của “cuộc đời đơn giản”. Eustace điên cuồng phóng từ bang này sang bang khác, cố thuyết phục mọi người từ bỏ cuộc chiến mưu sinh để tắm mình trong giao hòa nồng ấm với thiên nhiên. Đó là một lối sống vô cùng khẩn trương. Một người bạn thậm chí còn mua cho anh chiếc máy dò thiết bị đo tốc độ để anh đỡ phải nhận phiếu phạt chạy quá tốc độ trên những lộ trình phóng vèo vèo chạy show bất tận của anh. Và tới tháng Hai năm 1988, Eustace dường như đang nhìn qua vách núi xuống một vực thẳm điên rồ khi anh viết:
“Chạy đường trường, lộ trình dằng dặc, vắt sức để hoàn thành điều tôi đang thực hiện lúc này, một thanh niên nghèo đang trả tiền cho một mảnh đất mênh mông. Rơi quá sâu vào đó, ngày nào tôi cũng làm việc, cố gắng cật lực, và ngay cả ngày hôm nay - một ngày không có lớp học hay bài giảng - tôi vẫn dành 12 tiếng đồng hồ cho việc giấy tờ, hồi đáp, chèo kéo và tìm thêm việc, thêm việc thêm việc thêm việc THÊM VIỆC chồng chất lên. Tôi có thể xử lý tất, giống như vận động viên cử tạ năng nổ lúc adrenaline dâng lên nóng hổi - tôi làm việc cả trong khi ngủ - ngủ-làm, tôi gọi thế - cắt bỏ thời gian dành cho yêu đương với Valarie, cắt bỏ thời gian hái hoa bẻ lá... Atlanta, rồi Augusta, làm việc ở Toccoa và rồi Clarksville - đem thời gian của tôi bán cho hàng trăm người - ngày này qua ngày khác thình thịch trên sân khấu, trên sân khấu, trên sân khấu HÒ HÉTTTTTT!
“Tôi sống bằng sức mạnh sân khấu và năng lượng đang chảy, tập trung sức mạnh đó lại … ngủ 7 phút, rồi tỉnh dậy - lái xe - vẫn tuyệt. Mi là số một! Họ lủng lẳng trên dây của mi như con rối để mi giật, điều khiển, bắt phải nghe và khuyên nhủ - tới tới lui lui... aaa, nhưng mà chẳng hiểu được gì đâu! Các người không biết tôi cần nghỉ sao? Các người không biết tôi cần không khí à? Tôi cần thở, chết tiệt! Để tôi yên, lũ khốn khiếp ngu độn các người! Các người không thấy sao? Đám ngớ ngẩn các người, chẳng hiểu gì sao? Đó là chương trình hay nhất tôi từng xem, anh làm tuyệt lắm! Tôi nghe nó ti tỉ lần rồi, chẳng khác gì nhai bìa các tông sống qua ngày đoạn tháng. Khốn kiếp. Tôi đã có đất. Tôi có khu bảo tồn thiên nhiên yên tĩnh để một hôm nào đó có thể ngủ sau khi qua hết một đường hầm dài dặc - thật là tương phản... Tôi sẽ đón nhận bao nhiêu người khác vào đây? Ồ, những người tốt trên đời của tôi ơi, TÔI YÊU CÁC BẠN - xin Thượng đế cho con sức mạnh để đi cho rốt con đường gian khó của mình. Một ngày nào đó tôi sẽ tìm thấy thảm dương xỉ mềm mại tràn ánh nắng để nằm xuống nghỉ. Bình an.”
Và ở phần cuối một đoạn văn cường điệu tương tự thế này mà Eustace viết trong nhật ký mấy tuần sau, anh chua thêm: “Chưa kể là đang xem liệu mình có muốn Valarie là bạn đời không.”
Mùa hè năm 1989, Eustace đã có những trại viên đầu tiên tại Đảo Rùa.
Đảo Rùa không còn là một ý tưởng nữa - nó đã thực sự là một cơ sở. Eustace đã chuẩn bị tờ bướm, danh thiếp, chương trình bảo hiểm, bộ dụng cụ sơ cứu, quy chế tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Nó đã trở thành sự thật. Và bọn trẻ yêu nơi này, hằng năm. Thay vì để các bậc phụ huynh chở trại viên lên vùng núi này vào bãi đỗ xe xây tạm, Eustace cho nhân viên xuống dưới đường đón các gia đình rồi dẫn họ đi bộ vào Đảo Rùa. Nếu các bậc phụ huynh không đi bộ nổi quãng đường đó? Chà, tệ quá. Vậy thì Chào tạm biệt dưới này luôn đi các thân nhân. Bằng cách này, bọn trẻ có thể đi ngang thung lũng phì nhiêu của Đảo Rùa xuyên qua rừng thẳm, đi bộ, bước vào vương quốc như thể đi qua một cánh cửa ẩn mật thiêng liêng. Khu rừng rốt cuộc sẽ dẫn tới những đồng cỏ ngợp nắng của khu trại, và đây sẽ là thế giới tân-cổ kỳ diệu ấy, khác với bất kỳ thứ gì bọn trẻ từng biết đến. Không điện, không vòi nước, không giao thông, không thương mại.
Và khi bọn trẻ đến, Eustace Conway sẽ chờ sẵn đó để tiếp chúng, anh mặc bộ đồ da hoẵng và nở nụ cười điềm tĩnh nhất. Suốt khóa học hè đó, anh dạy bọn trẻ ăn những thứ chúng chưa từng nếm, mài và sử dụng dao, tự đẽo thìa cho mình, thắt gút, chơi các trò chơi của thổ dân da đỏ, và - mỗi khi bọn trẻ bẻ cành một cây đang sống - cắt một mớ tóc của chính chúng mà để lại như phẩm vật tạ ơn cây. Anh dạy bọn trẻ phải biết kính trọng nhau và kính trọng tự nhiên. Anh nỗ lực hàn gắn cái anh xem là sự hủy hoại tinh thần mà nền văn hóa Mỹ hiện đại gây ra cho trẻ em. Ví như, anh sẽ vào rừng cùng với nhóm trẻ và tới chỗ một vạt tầm xuân. Anh vừa nói cho bọn trẻ biết lá tầm xuân ngon đến thế nào thì bọn trẻ đã bu lại quanh bụi cây đó như một bầy châu chấu, bẻ xuống từng nắm cành hoa.
“Đừng,” Eustace sẽ nói. “Đừng phá hủy cả cây! Hãy biết để ý là nó hiếm hoi đến chừng nào. Ngắt một lá thôi, nhấm một miếng, rồi chuyền cho nhau. Nhớ rằng toàn thể thế gian không bày sẵn đây cho các em dùng kiệt và phá hủy. Nhớ rằng các em không phải những người cuối cùng đi trong khu rừng này. Hay là người cuối cùng sẽ sống trên hành tinh này. Các em phải chừa lại gì đó.”
Anh thậm chí dạy bọn trẻ cầu nguyện. Sau khi các trại viên thức dậy lúc bình minh, Eustace sẽ dẫn chúng tới chính ngọn đồi nơi anh đã cầu nguyện với cái tẩu hút vào đêm đông đầu tiên anh ngủ lại Đảo Rùa. Họ gọi nơi này là “đồi bình minh”, và họ sẽ ngồi đó trong im lặng, ngắm mặt trời lên, tất cả bọn họ quán tưởng về ngày hôm đó. Anh đưa bọn trẻ cuốc bộ tới các thác nước và chuôm hồ, và anh mua một con ngựa già để chúng cưỡi loanh quanh. Anh dạy chúng cách bắt rồi ăn thịt tôm càng dưới suối và cách đặt bẫy những con mồi nhỏ.
Nếu có em nói, “Em không thích giết một con vật không có khả năng tự vệ,” Eustace sẽ mỉm cười giải thích, “Để anh nói cho em một bí mật nho nhỏ nhé, bạn của anh. Em sẽ không bao giờ tìm được trong toàn thể tự nhiên một thứ gọi là con vật ‘không có khả năng tự vệ’ đâu. Có lẽ là ngoại trừ một số người anh quen.”
Rốt cuộc anh đã có được nơi ở của mình, một nơi mà anh có thể dạy dỗ trong môi trường tương tác suốt hai mươi tư tiếng, không bị sao nhãng hay bị giới hạn về thời gian hay nguồn lực. Mọi thứ anh muốn chỉ cho các học viên của mình đều nằm ngay đó. Giống như thể họ đang sống trong một bộ bách khoa thư.
Trên hành trình giữa thiên nhiên, có thể anh sẽ nói, “Cây nấm kia có chất sữa. Tuy nhiên, các em phải hết sức cẩn thận với loài này, bởi vì trên thế giới có bốn loại nấm trông y hệt thế. Hai loại trong số đó là độc còn hai loại thì không. Vậy nên đừng vội quyết định loại nào ăn được! Cách duy nhất để phân biệt là các em bẻ đôi cái nấm ra rồi đưa lưỡi vào dòng nhựa ngay bên trong này. Thấy chưa? Nếu có vị đắng là cây có độc, hãy tránh xa nó.”
Hoặc anh kể cho bọn trẻ nghe người nguyên thủy tự chăm sóc sức khỏe bằng cây phỉ như thế nào. “Loài cây ấy mọc khắp nơi, và nó tốt cho mọi loại vết thương.”
Hoặc anh sẽ nói, “Kia là cây bu lô đen. Sao các em không nhai nó xem? Vị ngon phải không? Lớp vỏ trong là phần giá trị nhất. Nó là nguyên liệu người Appalachia ngày xưa dùng để làm bia bu lô. Có thể sau này chúng ta nên thử làm thế xem.”
Anh vô cùng mãn nguyện với tất cả thành tựu từ những gì anh đã tạo dựng nên. Dường như điều anh có thể giảng dạy ở đây là vô tận. Các trại viên sẽ trở về nhà để sống cuộc đời thành thị, và cha mẹ chúng thường viết thư gửi Eustace: “Anh đã làm gì với thằng con nhà tôi m giờ cháu nó trưởng thành lên quá nhiều vậy? Anh đã dạy gì cho cháu mà khiến nó quan tâm đến thế giới của mình đến thế?”
Eustace cũng tổ chức các chuyên đề kéo dài cả tuần cho người lớn. Có lần khi anh đưa một nhóm chuyên đề như vậy ra ngoài để đi bộ xuyên rừng, họ đang bước ven bờ sông thì một phụ nữ trước đây chưa từng vào rừng bắt đầu la toáng lên. Chị nhìn thấy một con rắn đang bơi ngược dòng. Eustace lúc này chỉ có mỗi chiếc khố trên người, thế nên anh lặn xuống nước và dùng hai tay chộp con rắn rồi ôn tồn trình bày về sinh lý của con vật cho người phụ nữ thành phố. Anh bảo chị ta chạm vào nó và nhìn vào miệng nó. Cuối cùng chị ta cầm con rắn để cho bạn bè chụp ảnh.
Trong một dịp khác, Eustace đưa một nhóm trẻ mẫu giáo đi bộ vào rừng. Anh chỉ lên vòm lá ken dày và nói cho chúng nghe về các loài cây khác nhau. Anh cho chúng uống nước suối, để cho chúng thấy rằng nước sinh ra từ lòng đất, chứ đâu chỉ từ vòi. Anh cho chúng nhai cây lá lụa chua, và chúng ngạc nhiên khi thấy quả là anh nói đúng, loài cây này có vị như kẹo chua. Khi họ đi bộ băng rừng, anh giải thích cách hoạt động của tầng thảm mục, chu trình của nó. Lá từ trên cây rơi xuống rồi vụn vỡ và phân hủy để trở thành đất. Anh giải thích cách nước thấm vào lòng đất và nuôi dưỡng rễ cây; cách côn trùng và thú vật sống nhờ vào tầng thảm mục, ăn thịt lẫn nhau và ăn mọi thứ chất hữu cơ mà chúng tìm được, giữ cho vòng đời tiếp tục diễn tiến.
“Rừng rất sống động,” anh nói, nhưng anh có thể thấy rằng lũ trẻ không hiểu lắm. Thế là anh đặt một câu hỏi. “Ai muốn làm trợ lý cho anh nào?” Khi một cậu bé nhỏ xíu bước lên, Eustace - với sự giúp sức của lũ trẻ - đào hai cái rãnh nông dài trên tầng thảm mục. Rồi anh và cậu bé nhỏ xíu nằm vào rãnh và những đứa trẻ khác lấp họ lại, chỉ còn chừa mặt ló ra nhìn thẳng lên trên.
“Giờ hai đứa ta đây là tầng thảm mục,” Eustace nói. “Và ta hãy nói cho các bạn khác nghe chúng ta nhìn thấy và cảm nhận gì. Hãy giải thích chuyện gì đang xảy ra với chúng ta.”
Họ nằm đó một lúc trong đất rừng mềm mại, Eustace cùng một cậu bé lên năm, và mô tả điều họ nhìn thấy và cảm nhận. Cách mặt trời chiếu lên mặt họ một lát rồi bóng râm kéo đến với làn cây lá rung rinh phía trên. Họ mô tả những chiếc lá kim đã héo rơi xuống họ, những giọt ẩm từ cơn mưa vừa qua đọng trên má họ, lũ côn trùng và lũ nhện bước qua mặt họ. Quá tuyệt vời. Bọn trẻ thấy mê ly. Và rồi tất nhiên đứa nào đứa nấy đều muốn được vùi mình. Thế là Eustace lần lượt vùi từng em nhỏ, biến mỗi em thành tầng thảm mục một chốc và mỉm cười khích lệ khi giọng các em, náo nức bởi những điều đang lĩnh hội được, ngập tràn không gian trong lành ẩm ướt.
“Nó thật sự sống!” bọn trẻ không ngừng kêu lên. “Nó thật sự sống!”
Bọn chúng khó mà tin nổi.