Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 06 - Phần 1

Chương 6

Những cuộc hẹn gặp công chúng chiếm hết thời gian của tôi... Tôi vô cùng hài lòng khi nghe nói đợt in đầu tiên cuốn sách của tôi đã bán sạch… Tôi mong được biết liệu các bạn có đại lý ở New Orleans và ở các thành phố ven sông Mississippi không, ở đó cuốn sách này sẽ bán chạy hơn những nơi khác... gửi cho tôi 10 cuốn nhé vì tôi cần chừng đó để phân phát cho bạn thân. Tôi cũng mong các bạn hiểu rằng Hon. Thos. Chilton[1] ở Kentucky được quyền hưởng một nửa của 62,5% toàn bộ lợi nhuận từ tác phẩm này như thỏa thuận giữa các bạn và tôi...

-Trích một lá thư công việc Davy Crockett gửi cho đơn vị xuất bản hồi ký của ông.

[1] Tên thật là Thomas Chilton (1798-1854), người chấp bút hồi ký của David Crokett.

Tháng Năm năm 2000, tôi ngồi đối diện với Eustace Conway bên bàn làm việc trong văn phòng ngập nắng của anh. Giữa chúng tôi là chiếc hộp các tông lớn một thời từng đựng - nếu cái nhãn ban đầu của nó có thể tin được - Dầu nhờn bôi xích và lưỡi cưa hãng Stilh. Đây là chiếc hộp Eustace dùng cất giữ thông tin về tất cả mảnh đất của anh mà bây giờ đã lên tới hơn ngàn mẫu. Chiếc hộp chứa đầy những bì thư giấy xi măng được niêm phong, không theo thứ tự đặc biệt, “Mẫu giấy chứng nhận quyền sở hữu đất”, “Bản đồ Johnson”, “Hóa đơn thuế đất”, “Đất Cabell Gragg”, “Thông tin lộ giới”, “Quản lý rừng” và một bì thư đặc biệt dày có dán nhãn “Những người muốn mua đất và đất để bán”.

Mấy tháng trước, Eustace và tôi đã cùng nhau phi ngựa qua lớp tuyết khô lạnh dày ba mươi phân vòng quanh chu vi Đảo Rùa. Chặng phi kéo dài nhiều giờ, và đôi chỗ chúng tôi phải xuống ngựa để dắt ngựa mà trèo lên hoặc xuống những sườn đồi gần như dốc đứng, nhưng suốt cuộc hành trình Eustace không khi nào ngừng nói. Anh chỉ ra mỗi cái cây và hòn đá đánh dấu địa giới của mình và nói cho tôi biết hiện nay ai đang sở hữu mảnh đất bên kia địa giới, họ làm gì với mảnh đất ấy, và mức giá mà có thể một ngày nào đó anh sẽ sẵn lòng chi trả. Đã từng tận mục sở thị Đảo Rùa, giờ đây tôi muốn hiểu về nó trên bản đồ.

Thế là Eustace lôi một tấm bản đồ to đùng ra trải trước mặt, như thể anh là một tay cướp biển. Khu đất của anh được phác họa ra thành nhiều thửa lớn nhỏ liên thông nhau, và anh kể với tôi anh đã có được từng mảnh như thế nào trong những năm qua. Qua đó có thể thấy rõ chân dung một thiên tài. Eustace đã tập hợp khu đất ấy như một kiện tướng cờ vua. Đầu tiên anh mua 107 mẫu đất tạo thành thung lũng Đảo Rùa, và rồi, nhờ kiếm được tiền qua nhiều năm, anh dần dần mua hết đỉnh mọi ngọn đồi bao quanh thung lũng đó. Nói cho cùng các đỉnh đồi chính là những điền sản giá trị bậc nhất đối với các tay chủ thầu, bởi vì mọi người đều muốn có một ngôi nhà trên đỉnh núi. Thế nên, để giành được những đỉnh đồi này, Eustace đã làm cho những vùng đồi phía dưới chúng trở nên thật kém hấp dẫn đối với những kẻ đầu cơ chuyên đi săn lùng đất đai và bởi thế cũng trở nên rất khó bán được cho ai khác trước khi anh có đủ tiền mua nó.

“Tôi muốn mọi đỉnh núi xung quanh đất của mình”

Eustace nói “Tôi muốn được nhìn lên từ thung lũng của mình mà thấy không khí không hề ô nhiễm, không nhà cửa, không có sự xói mòn phá hủy khu rừng, và tôi không muốn phải nghe thấy một âm thanh nào ngoài âm thanh của thiên nhiên. Đỉnh của các rặng núi cũng hết sức quan trọng, bởi vì các rặng núi là nơi các tay chủ thầu xây đường sá, và một khi đường sá đã đâm xuyên qua một khu rừng thì coi như tiêu đời. Đường sá mang đến con người và con người mang đến sự hủy hoại, tôi cần phải ngăn chặn điều đó. Vậy nên tôi đã mua hết mọi đỉnh núi, nếu tôi không làm thế thì hẳn ngay lúc này đã có một con đường chạy qua đây, tôi có thể khẳng định với cô điều đó.

Ngay khi đã sở hữu được các đỉnh đồi, anh lấp đầy các khoảng trống giữa chúng, mua những triền dốc nối thung lũng của anh với các đỉnh núi bao quanh. Bằng cách này, anh bảo vệ được đường phân nước của mình. Thực sự thì việc anh đang làm là biến điền sản của mình từ một vùng lòng chảo thấp, bằng phẳng, nhỏ bé thành một vùng đất bao la hình chiếc tách - một thung lũng hoàn hảo - được núi non bao bọc từ mọi phía. Anh mua đứt 114 mẫu đất then chốt gọi là Đất Johnson. (“Dick Johnson sở hữu 40.000 mẫu đất cạnh chỗ tôi, và ông ấy rao bán nó. Dĩ nhiên, tôi không đủ tiền mua hết, nhưng tôi phải có bằng được một mảnh đất nhỏ ngay trên vành ngoài của Đảo Rùa, để giữ một tầng đệm giữa khu bảo tồn thiên nhiên của tôi với bất kể thứ gì những tay chủ thầu nào đó có thể làm ở phía bên kia” Đất Johnson cần mua khẩn cấp; Eustace phải kiếm được tiền mặt trong vòng hai ngày để có mảnh đất, và anh đã làm được.) Rồi anh mua một khoảnh đất nho nhỏ khác mà bởi hình dạng của nó nên anh gọi là Đuôi Cá Voi. (“Nó là một mảnh đất đẹp với khung cảnh dốc đứng, và tôi sẵn biết một ngày nào đó sẽ có người tới ngắm nhìn nó mà nghĩ quả là một nơi đắc địa để xây nhà, thế nên tôi phải giành được nó.”) Rồi anh mua mảnh đất nhỏ xíu đắt đỏ nhất của mình, chỉ rộng năm mẫu mà để có được anh đã phải trả với giá cắt cổ (“Tôi nhận ra rằng nếu mua nó tôi sẽ kiểm soát được lối vào khu đất mênh mông phía bên kia đất của mình, bởi vì thửa đất nhỏ xíu này là nơi duy nhất tôi có thể mở đường. Tôi không mua nổi khu đất rộng bát ngát kia nhưng tôi có đủ tiền để lặng lẽ mua khu rào chắn nho nhỏ này ở đây. Đây chẳng qua là phương tiện bảo an. Và biết đâu một này nào đó tôi có thể mua được hết cả phần còn lại mà không phải cạnh tranh gì nhiều.”)

Nhưng mảnh đất then chốt nhất của Đảo Rùa phải là lô 156,16 mẫu có tên gọi là Đất Cabell Gragg. Cabell Gragg là một ông chủ trại già quỷ quyệt người Appalachia, kẻ sở hữu thửa đất nhỏ ngay phía sau Đảo Rùa này. Đây là miếng cuối cùng Eustace cần để hoàn thiện đường phân nước mà nhờ đó cho thung lũng của anh trở nên bất khả xâm phạm. Ngay lần đầu thấy những cánh rừng rày, Eustace biết đây là nơi một ngày nào đó anh sẽ cất nhà. Nó không phải 156,16 mẫu đất đáng xiêu lòng nhất thế gian, nhưng nếu có ai khác sở hữu được nó, chặt hết cây cối, gây ô nhiễm, hoặc xây dựng công trình trên đó, Đảo Rùa sẽ bị đầu độc do nằm liền kề. Mảnh đất này cực kỳ quan trọng. Nó là gót chân Achilles của Eustace.

“Nếu không tóm được miếng Đất Cabell Gragg ấy, giấc mơ của tôi sẽ tan tành” Eustace nói. “Nếu ai đó khác mua điền sản ấy, tôi coi như xong. Tôi sẽ quay lại vào ngày hôm sau để bán tất tật đất đai của mình và biến khỏi toàn bộ mộng tưởng này, bởi vì nó tiêu đời rồi. Tôi sẽ phải bắt đầu lại tất cả ở một nơi khác. Vậy nên tôi cứ phải thế này, ngày nào cũng vậy suốt gần mười năm, hễ thức dậy là vắt óc nghĩ làm sao cho nơi đây đầy ắp thành quả - tạo dựng công trình rồi phát quang đồng cỏ rồi xây cầu - mà luôn luôn ý thức được rằng nếu mình không mua được Đất Cabell Gragg, mọi việc này sẽ đều là vô nghĩa.”

Từ 1987 đến 1997, Eustace cố hết sức để đặt tay lên 156,16 mẫu đất ấy. Không thể đọc mười trang liên tiếp nhật ký của anh trong suốt thập kỷ đó mà không thấy ít nhất một lần đề cập tới Đất Cabell Gragg. Eustace viết cho Cabell Gragg không biết bao nhiêu là thư, nhiều lần đưa ông ta đi dạo quanh Đảo Rùa, tặng quà cáp, và thậm chí, sau nhiều năm, còn tới thăm ông ta ở viện dưỡng lão để thương lượng các điều khoản. Hàng chục lần Eustace ngỡ đâu đã chắc ăn rồi, nhưng rồi ông già Cabell Gragg lại thoái lui hoặc tăng giá gấp đôi hoặc bảo ông ta vừa nhận được đề nghị béo bở hơn. Đến là điên lên được. Eustace thủ sẵn một chai sâm banh để uống mừng khi mua được mảnh đất này, và sau mười năm chai rượu đã tích lại (như anh diễn đạt theo cách đặc biệt điển hình Eustace) “một lớp bụi dày 15 milimét trên mặt”. Anh sẵn lòng thương lượng bất kỳ đề nghị điên rồ nào để có được mảnh đất ấy. Có lúc, khi Gragg tỏ ra thích một ngôi nhà kiến trúc Victoria tuyệt đẹp dưới Boone, Eustace đã sắp sửa mua nó để đổi với Cabell lấy mảnh đất, nhưng rồi thỏa thuận đó không thành.

Cuối cùng Eustace cũng giành được Đất Cabell Gragg quý báu của mình. Nhưng bằng cái giá cá nhân khủng khiếp và theo một cách cực kỳ nguy hiểm và liều lĩnh.

Anh đi đêm với ác quỷ để giành được nó.

Có một ngọn núi ngay cạnh những dãy núi nơi Eustace sống, và suốt rất nhiều năm nơi đó chỉ tịnh có rừng. Mười nghìn mẫu đất của ngọn núi này đứng sừng sững dựa mình vào đất cửa Eustace, và ngay từ lần đầu nhìn thấy Đảo Rùa anh đã mơ ước mua đứt nó để tăng điền sản của mình lên bội phần. Anh không biết mình sẽ làm việc đó bằng cách nào, nhưng anh có ý định quyết liệt phải tìm bằng được một cách. Mỗi lần lái xe từ Boone lên Đảo Rùa, anh đi qua một điểm ngắm cảnh đặc biệt nơi anh có thể dừng xe đứng lại một lúc nhìn qua hẻm núi đó và qua các thung lũng mà thấy một quang cảnh hoàn hảo cả đất đai của anh lẫn ngọn núi phủ kín cây cối hùng vĩ và đẹp đẽ ngay bên cạnh đó. Mỗi lần như thế anh lại nghĩ, một ngày nào đó… Bằng cách nào đó…

Và rồi, một chiều năm 1994, khi đang lái xe từ Boone về Đảo Rùa, anh nhìn thấy một chiếc Cadillac đỗ tại điểm ngắm cảnh yêu thích của mình. Bốn người đàn ông ăn vận sang trọng đang đứng ngoài xe, nhìn bằng ống nhòm qua hẻm núi đó về phía ngọn núi bao phủ rừng cây hùng vĩ và đẹp đẽ kia. Eustace thấy tim mình ngừng đập. Anh biết ngay rằng giấc mơ sở hữu ngọn núi ấy, tại thời điểm này, đã chính thức tan tành. Anh không biết mấy người đó là ai, nhưng anh biết quá chắc họ là cái gì, và anh cũng biết họ đến đây vì cái gì. Đó là bài học của Trở về Rừng Bóng Mát đang lặp lại. Chẳng có lý do chết giẫm nào mà những người đàn ông ăn vận sang trọng lại đi dán mắt vào ống nhòm săm soi kỹ lưỡng những cánh rừng trong cái nẻo xa xôi hẻo lánh này của Appalachia, trừ phi họ định mua gì đó. Eustace tạt xe tải vào ngay sau chiếc Cadillac và bước ra. Giật mình, những người ăn vận sang trọng quay lại. Họ hạ ống nhòm xuống và nhìn anh. Đứng chống nạnh, Eustace nhìn họ chằm chằm. Một người trong số đó mặt đỏ bừng lên đầy căng thẳng, một người khác húng hắng ho. Cứ như thể họ bị bắt quả tang đang ăn trộm hoặc đang làm tình.

“Tôi có thể giúp gì không, thưa các vị?” Eustace hỏi dữ dằn.

Nhưng quá muộn rồi; họ đã tự lo được rồi.

Hôm đó họ không nói với Eustace tiếng nào, nhưng sự thật hé lộ mấy tháng sau. Một anh chàng tên là David Kaplan đã tới thị trấn dò la mua sạch đất đai có bán trong vùng để xây một khu nghỉ mát sang trọng dành riêng cho giới nhà giàu tên là Thánh Sơn, nơi những tín đồ giàu có có thể tới thực hành thiền định hầu siêu việt chính mình trong cảnh xa hoa. Thiên Sơn sẽ cần đường sá, bãi đáp trực thăng, sân golf, sân tennis và rất nhiều đất để xây nhà.

David Kaplan thông minh, tham vọng, và dường như có tất cả tiền của trên thế gian. Lần lượt từng hécta một, anh ta giành được vùng đất anh ta cần. Trang trại cũ, khe núi bỏ hoang, những dòng sông trong lành, bao nhiêu đồng cỏ và thung lũng đầy đá tảng - anh ta mua tất. Người trong vùng có một chuyện tếu rằng các thỏa thuận đất đai của David Kaplan được thực hiện thế này: anh ta đỗ chiếc Jaguar tại một túp lều cũ xập xệ nào đó và nói ngay với cụ già miền núi hom hem nào đó đứng ở cửa, “Chào cụ. Tôi là David Kaplan. Tiền không thành vấn đề. Cụ khỏe chứ?”

thế đấy. Chuyện gì đến rồi cũng đến. Con gà quạ tha chính xác là thế. Eustace xua Thánh Sơn ra khỏi đầu càng xa càng tốt. Anh thậm chí còn pha trò về nơi đó. Khi cây cối đổ xuống và trung tâm thiền nguy nga mọc lên, Eustace bắt đầu gọi khu đất ấy là Chả-Mấy-Thánh Sơn, như khi người ta nói “Chẳng phải giờ nó chả còn thánh là mấy nữa hay sao?” Anh cũng tấu hài về những hàng xóm mới bằng cách làm trò nhại lại chính xác ông Rogers hay dẫn chương trình thiếu nhi, giọng lè nhè, với kiểu nói liến không lẫn vào đâu được, “Thánh Sơn là hàng xóm mới của chúng ta. Các em nói 'neigh-bor' được không nào? Thánh Sơn xây những con đường rất cứng trên môi trường của chúng ta. Các em nói 'hard-on[2]' được không nào?”

[2] Trò nhạo bằng cách chơi chữ. Neighbor: hàng xóm. Neigh: tiếng như ngựa hí. Hard: cứng. Hard-on: hứng tình.

Tuy nhiên, anh tự nhủ, một trung tâm thiền định siêu việt hẳn không phải là tên hàng xóm kinh khủng nhất; rõ ràng nó vẫn tốt hơn hàng ngàn mẫu đất toàn nhà ở. Suy cho cùng, những người theo thuyết siêu việt sẽ tới Thánh Sơn để giao cảm với tự nhiên, và với kiến trúc Vệ Đà cùng lối sống chay tịnh, họ đang thành tâm tìm kiếm một mối quan hệ hòa hợp hơn với vũ trụ (dù cho họ đang xây những ngôi nhà rộng gần 400 mét vuông để ở trong đó tìm kiếm sự giao hòa kia). Vả chăng David Kaplan sẽ chỉ xây dựng trên mười phần trăm diện tích mảnh đất, dành chỗ rừng còn lại cho khai thác gỗ, săn bắn và làm đường. Và vì khu nghỉ mát trở thành nơi mọi người tới tìm kiếm thanh thản nên sẽ có một lợi ích đi kèm trong việc giữ cho khu vực lân cận nhiều cây cối và yên tĩnh, và điều đó cũng đáp ứng các quyền lợi của chính Eustace. Vậy nên sự xuất hiện của David Kaplan không phải là sự kiện có khả năng tệ hại nhất trong đời Eustace.

Thành ra anh nhìn nhận chuyện trên theo cách này: OK, thế là David Kaplan muốn tất cả đất đai trên thế giới. Ổn thôi; Eustace không thể trách cứ anh ta vì anh ta muốn vậy. Thay vào đó, điều Eustace phải tập trung vào là bảo vệ những gì anh đã có. Thế có nghĩa là xin mời David Kaplan mua sạch đất Bắc Carolma, ngoại trừ 156,16 mẫu Đất Cabell Gragg.

Nhưng khi ấy Cabell Gragg bắt đầu trở nên ranh mãnh. Khi Eustace tới thảo luận với ông ta về mảnh đất thì Cabell giờ đây nói, “À, anh biết đấy, những người thiền định siêu việt đó rất thích mua chỗ ấy.” Eustace không tưởng tượng nổi chuyện này là thật; mảnh đất đó chẳng có giá trị gì với bất kỳ ai ngoài anh. Nhưng rồi anh nhận thấy điều gì đang xảy ra. Khi Cabell Gragg quan sát hàng xóm của ông ta trở nên giàu sụ nhờ bán sạch những điền trang giá trị cho David Kaplan với chiếc Jaguar bóng loáng của anh ta, Cabell quyết định sẽ không bao giờ bán cho Eustace Conway, kẻ đi chiếc xe tải rệu rã đời 1974. Cabell muốn có niềm mãn nguyện được cảm thấy rằng ông cũng đang dự phần trong cuộc bùng nổ bất động sản này. Ông ta kiên trì đợi lời đề nghị của tay nhà giàu kia.

Bởi vậy, Eustace kêu gọi một cuộc gặp thượng đỉnh với David Kaplan. Thật ra thì chẳng phải vì David Kaplan và Eustace Conway thực sự mến mộ nhau. Họ là những đối thủ trực tiếp - sơn nhân thế hệ mới gặp chủ thầu đất thế hệ mới - và họ có lẽ là hai thanh niên sắc sảo nhất trong hạt này. Họ vốn có một số bất đồng không vui nho nhỏ. David Kaplan đã xây cho mình một ngôi nhà tuyệt đẹp trên Thánh Sơn, bậc thềm nhà anh ta chỉ cách địa giới của Eustace hơn một mét. Eustace cho rằng làm thế là hết sức thô lỗ, và anh đã nói ra như vậy. Thêm nữa, một chiếc trực thăng của Thánh Sơn Resort cứ liên tục bay rù rù sát trên khu bảo tồn thiên nhiên của Eustace, ngày này qua ngày khác, khuấy động luồng gió và tiếng ồn. Trời ơi, sao mà Eustace ghét cay ghét đắng cái thứ ấy! Làm sao có thể giữ được vẻ tôn nghiêm của Đảo Rùa với một chiếc trực thăng bay là là trên đầu? Nhưng bất chấp bao nhiêu cuộc điện thoại đầy phẫn nộ của Eustace, chuyện đó không hề dừng. Cuối cùng anh bực quá đến nỗi một hôm anh cầm súng săn đuổi theo chiếc trực thăng, đưa mặt tên phi công trong tầm ngắm, hét lên, “Cút xéo khỏi không gian của tao ngay!”

David Kaplan cho rằng như thế là hết sức thô lỗ.

Thế nên, với Eustace mà nói, yêu cầu một ân huệ từ David Kaplan quả thật là cả một sự kiện. Đâu chỉ là ân huệ; đó là lời cầu xin giúp đỡ. Eustace, nhận ra rằng mình không còn cách nào khác, đành phải lăn mình tới chìa cổ ra cho kình địch. Anh nói cho David Kaplan nghe mọi điều về Đất Cabell Gragg. Anh nói với anh ta diện tích chỗ đó chính xác là bao nhiêu mẫu, giá của nó là bao nhiêu, anh đã muốn có nó bao năm rồi, tại sao anh cần nó và anh sẽ làm gì nếu có nó. Xin nhớ, anh đưa ra những thông tin này cho một người luôn công khai nỗ lực giành lấy từng li đất anh ta có thể thôn tính. Rồi Eustace đề nghị David Kaplan làm ơn mua Đất Cabell Gragg. Sau đó, Eustace sẽ mua lại miếng đất đó từ David Kaplan. Cabell sẽ có sự mãn nguyện vì đã bán được cho một chủ thầu giàu có; Eustace sẽ có mảnh đất anh cần để gìn giữ giấc mơ; còn David Kaplan sẽ có...? À, David Kaplan hoàn toàn chẳng được gì trong thương vụ này, nhưng chắc chắn anh ta thật tốt bụng nếu anh ta làm vậy.

David Kaplan đồng ý. Hai chàng trai không ký giấy tờ gì; họ bắt tay coi như thỏa thuận. “Nếu anh gạt tôi,” Eustace giải thích một cách lịch sự, “tôi tiêu.” Và anh bỏ đi, biết rằng cuộc đời mình nằm trong tay đối thủ lớn nhất của mình. Đó là một màn đu bay. Đó là trò cò quay Nga. Chẳng khác gì dốc sạch túi vào một đôi quân hai. Nhưng chỉ có hoặc sự liều lĩnh này, hoặc không một cơ hội nào. Dẫu sao, anh nghĩ trong bụng rằng David Kaplan mà người đàng hoàng. Không chỉ đàng hoàng, mà chắc chắn còn đủ thông minh để biết tốt hơn là chẳng nên gây thù truyền kiếp với một gã như Eustace Conway.

Cuối cùng, canh bạc thành công. David đưa ra đề nghị với Cabell Gragg - cùng giá đề nghị Eustace đã đưa ra mấy năm qua - và Cabell mắc câu. David Kaplan mua mảnh đất trọng yếu đó và hai ngày sau quay sang bán cho Eustace với lòng kính trọng tuyệt đối.

Đế chế của Eustace giờ đây đã an toàn.

Cứ cho là Eustace Conway có thể không cập nhật thời sự cho lắm. Có thể anh không đọc báo hay nghe đài, và thật tình thì có lần vào năm 1995, khi một cậu học trò hỏi anh có biết Bill Clinton là ai không, anh đã trả lời, “Anh nghĩ Bill Clinton là một nhân vật chính trị, nhưng anh không chắc lắm.” Vậy là anh không cập nhật thông tin mới nhất, nhưng điều đó không có nghĩa anh không phải là một doanh nhân giỏi giang như những gã ăn vận sang trọng đặt mua báo The Economist dài hạn. Eustace là một người điều hành - trong nghĩa đầy đủ nhất của từ đó - lanh lợi, sắc sảo, và có cả khả năng tàn nhẫn.