Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 08 - Phần 4

Để làm cho Đảo Rùa hoạt động, cuối cùng Eustace nắm quyền kiểm soát - giống như ông của anh đã làm với trại viên và nhân viên của ông - mọi mặt đời sống của những người học việc.

“Tới mức độ mà,” một người học việc nói, “bạn cảm thấy phải xin phép Eustace rồi mới được đại tiện. Bởi vì lạy trời đừng có vào rừng đi đại tiện khi mà anh ấy đang cần dạy bạn cách sử dụng máy xát có bàn đạp hoặc cách rèn móng ngựa.”

Quả thế, Eustace không chối chuyện đó. Tôi đã nghe thấy anh giảng cho những người học việc cách buộc dây giày cho đúng, bởi vì tại sao người ta lại đi lãng phí thời gian để dây giày sút ra trong khi còn bao nhiêu việc cần làm chứ? Nhưng đó là cách các cộng đồng xã hội không tưởng Mỹ - những cộng đồng tồn tại được lâu hơn một tuần - đã luôn hoạt động. Kỷ luật, trật tự và sự phục tùng giúp họ duy trì. Từ thế kỷ mười chín, trong phòng ngủ của phụ nữ Shaker ta đã thấy tấm bảng chỉ dẫn này:

“Mọi người đều phải ngồi dậy trên giường ngay từ 'tiếng kèn đầu tiên'. Quỳ xuống trong im l nơi bạn đặt chân xuống trước nhất khi ra khỏi giường. Không nói chuyện trong phòng trừ khi bạn muốn đặt một câu hỏi với người chị em đang dọn dẹp phòng. Trong trường hợp đó, hỏi nhỏ. Xỏ tay phải vào áo trước. Bước chân phải trước. Đến 'tiếng kèn thứ hai' thì duyệt đều nghiêm trang, bên phải xoay về phía cấp trên. Đi nhón chân. Nắm tay trái ngang trên bụng. Để tay phải thõng bên hông. Đi đều nghiêm trang tới xưởng. Không hỏi những câu không cần thiết.”

Chúa ơi, Eustace Conway hẳn sẽ mê biết chừng nào nếu có kiểu mệnh lệnh như thế ở Đảo Rùa. Nhưng mỗi ngày anh đủ có thể kiểm soát chừng ấy thôi. Tới bây giờ, đó là tất cả những gì anh có thể làm để buộc những người học việc của mình hợp lực ba người lăn một khúc gỗ.

Hoàn toàn trung thực mà nói thì hầu hết mọi người sống trong nỗi sợ Eustace. Họ nói về anh bất cứ khi nào anh không thể nghe thấy - những cuộc chuyện trò thì thụt và có phần tuyệt vọng - túm tụm lại như đám triều thần đang cố đoán động cơ và tâm trạng của nhà vua, rỉ tai nhau lời khuyên để sống sót, tự hỏi tiếp tới ai sẽ bị đuổi đi. Đích thân đối diện Eustace thì thật quá đáng sợ, chẳng biết phải làm sao cho vừa lòng ông thầy đòi hỏi khắt khe, những người học việc bèn tìm kiếm lời khuyên từ bạn gái hoặc các cậu em trai hoặc bạn thân của Eustace, hỏi những cộng sự có nhiều đặc quyền này: Anh ấy muốn gì từ tôi? Tại sao tôi luôn gặp rắc rối? Bằng cách nào tôi có thể giữ cho anh ấy vui? Eustace biết cái kiểu chuyện trò diễn ra sau lưng mình này, và anh căm ghét nó. Anh xem nó là hình thức bất phục tột cùng.

Đó là lý do tại sao anh ghim lá thư này lên bảng thông cáo chung của Đảo Rùa vào mùa hè 1998:

“Gửi các nhân viên, khách quen và cộng sự của Đảo Rùa. Tôi, Eustace Conway, rất bực mình. Bạn gái tôi Patience lên đây năm ngày vừa rồi, và có quá nhiều người trong các bạn tìm đến cô ấy để thảo luận về những khúc mắc của các bạn với tôi. Đây là một thách thức và một gánh nặng không cần thiết cho cô ấy cũng như cho mối quan hệ mới mẻ của chúng tôi. Tôi rất giận vì sự tiếp cận này là để 'với đến tôi'. Nếu các bạn có vấn đề với tôi, hãy đem chuyện đó đến gặp tôi, KHÔNG PHẢI cô ấy. Nếu chúng ta không thể giải quyết chuyện đó hoặc các bạn không thể tìm được sự thỏa mãn, ĐỪNG giải quyết thông qua cô ấy. Nếu các bạn không thể dừng nói về những mặt tiêu cực trong mối quan hệ của các bạn với tôi, hãy từ bỏ hoặc rời khỏi đây ngay lập tức. Tôi không chấp nhận được thái độ này. Tôi tổn thương, buồn, và vô cùng đau đớn khi một chuyện như thế lại có thể xảy ra. Cá nhân tôi sẽ muốn đánh hộc máu các bạn hơn là để các bạn giải quyết mâu thuẫn của các bạn với tôi thông qua Patience. Nếu phản ứng thế này có vẻ quá gay gắt, à, đó là gánh nặng cảm xúc-xã hội mà tôi sẽ gánh lấy. Tôi hy vọng mình đã nói rất rõ yêu cầu của mình. Cảm ơn và trân trọng sự quan tâm của các bạn, kẻ hèn, Eustace Conway.”

Không áo. Không giày. Không cãi lời.

Nghe qua tất cả những điều này thì có vẻ như những người duy nhất sống sót được ở Đảo Rùa là những người không ương bướng, những người yếu đuối và dễ sai phái, những người sẽ ngoan ngoãn làm y lời trong nhiều tháng trời mà không có lấy một tiếng phàn nàn. Nhưng điều này không đúng. Những người ngoan ngoãn thất bại ở đây và họ thất bại rất nhanh. Họ cố hết sức làm hài lòng Eustace, và khi nhận ra họ sẽ không bao giờ có được sự công nhận mà họ hằng khao khát, họ liền suy sụp thảm thiết, tan nát bởi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. (Thời gian học việc kiểu này thường kết thúc trong nước mắt: Tôi đã cống hiến cống hiến nữa cống hiến mãi, nhưng thế chẳng bao giờ là đủ với anh). Thất bại nhanh hơn những người ngoan ngoãn thì chỉ có những kẻ tự phụ lúc nào cũng sẵn sàng gây sự, những kẻ ngoan cố không chịu khuất phục. Họ là những kẻ tin mình sẽ bị người khác giết mất nếu phải sống dưới quyền lực của người ta dù chỉ trong một phút. (Những chuyến học việc này thường kết thúc trong một trận cãi nhau to: Tôi không phải nô lệ của anh!)

Nhưng những người thành đạt ở đây - chẳng có nhiều người như thế - đều là những cá nhân rất thú vị. Họ thuộc số người tự ý thức về mình một cách lặng lẽ nhất mà tôi từng gặp. Họ có chung sự tĩnh tại tinh thần sâu sắc. Họ không nói nhiều, và họ không tìm kiếm lời tán dương, mà dường như họ tự tin. Họ biến mình thành chỗ chứa kiến thức mà không chết chìm trong đó. Cứ như thể khi tới đây họ đã quyết định lấy cái tôi nhạy cảm và mong manh của mình ra gói ghém lại thật chặt rồi cất vào chỗ nào đó an toàn, và hứa thâu nhặt nó về hai năm sau, khi quá trình học việc kết thúc. Đó là điều mà Christian Kaltrider, người học việc sáng giá nhất từ trước tới nay của Eustace Conway, đã làm.

“Tôi tới đây trong một tình trạng rất tệ hại,” Christian giải thích, “nhưng cũng vô cùng nhiệt huyết và háo hức. Dự định của tôi là học, và tất cả chỉ có thế. Eustace sẽ dạy tôi điều gì đấy, và tôi sẽ đi làm điều đó. Tôi không dành chút thời gian nào để nói - chỉ lắng nghe, quan sát và làm những gì mình được bảo. Tất nhiên là anh ấy điều khiển tôi mọi lúc, nhưng tôi không để điều đó làm mình nản chí. Tôi tự nhủ, 'Mình để anh ấy điều khiển mình như vậy là vì mục đích học tập của mình. Anh ấy chỉ điều khiển kiến thức chứ không phải điều khiển căn tính của mình.' Đó là một sự khác biệt tinh tế. Bạn trao con người bạn cho Eustace, hay là bạn đang để anh ấy tóm lấy bạn? Tôi quyết định trao con người tôi với tư cách một học viên vào tay anh ấy, và đó là lý do tại sao trải nghiệm của tôi rất khác so với trải nghiệm của nhiều người tới đây. Những người khác tới đây tôn thờ Eustace. Họ muốn làm hài lòng anh ấy, thế nên họ để anh ấy nhận lãnh toàn bộ con người họ, và đó là khi nỗi oán giận bắt đầu hình thành. Nó hình thành chầm chậm theo thời gian. Thứ bào mòn mọi người ở đây không phải là công việc lao động chân tay mà là sự căng thẳng tâm lý khi họ đánh mất cái tôi. Tôi không bao giờ gặp nguy cơ đó.”

“Nếu ta không tự bảo vệ mình trước Eustace,” Candice giải thích, cô là một người học việc khác ở Đảo Rùa đã quyết định làm cho những trải nghiệm của mình thành công, “thì anh ấy sẽ sấy khô ta. Ta phải giữ lại một phần nào đó của bản thân mình - bản ngã, tôi nghĩ thế - nơi anh ấy không thể với tới. Và ta phải âm thầm ngoan cố về điều đó. Tôi đã có quyết định của mình. Tôi sẽ ở đây tròn hai năm học việc, bất kể chuyện này khó khăn tới chừng nào đi nữa. Tôi từ chối trở thành một DETI khác.”

“DETI ư?” tôi hỏi.

“Disgruntled Ex-Turtle Islander[3],” cô giải thích. “Nghe này, tôi tới đây để học, và tôi đang học. Và tôi thấy Eustace rất công bằng và kiên nhẫn, ngay cả khi tôi là một kẻ ngốc. Tôi cố gắng yên lặng và riêng tư, và đó là cách duy nhất để làm việc ở quanh đây và nhận được gì đó từ nơi này. Anh ấy là chủ, và ta thực sự phải chấp nhận những quyết định của anh ấy. Ta phải xem trọng sự lãnh đạo của anh ấy, nhưng ta không nên xem đó là nhắm vào cá nhân mình.”

[3] Người cũ đầy bất mãn của Đảo Rùa.

Đó cũng là cách làm nên một người lính tốt - không tuân lệnh một cách vô thức, mà tuân lệnh một cách đầy ý thức. Đó có lẽ lý do tại sao một trong những người học việc thành công nhất ở Đảo Rùa là một cô gái tên Siegal, trước khi tới Bắc Carolina cô này đã phục vụ trong quân đội Israel. Sự rèn luyện hoàn hảo! Siegal tồn tại được với Eustace Conway theo đúng cách cô tồn tại trong quân ngũ. “Ta phải thu mình thật nhỏ lại,” cô giải thích, như thể đó là một việc cực kỳ dễ làm.

Tuy nhiên, chuyện đó không hoàn toàn đơn giản như thế. Không nhiều người có thể kìm nén bản ngã của mình. Khả năng phục tùng càng đặc biệt khó khăn với thiếu niên Mỹ hiện đại, vốn được nuôi nấng trong một nền văn hóa dạy người ta từ tấm bé rằng mọi mong muốn của họ đều quan trọng và thiêng liêng. Bố mẹ, thầy cô, người lãnh đạo và cả truyền thông đại chúng đều luôn hỏi họ, “Bạn muốn gì?” Tôi đã thường thấy điều này nhiều nhất dạo tôi làm bồi bàn. Các bậc phụ huynh sẽ ngừng gọi thức ăn cho cả bàn để cúi xuống bên đứa con chập chững mà hỏi, 'Con muốn gì, con yêu?' Rồi họ sẽ tròn mắt nhìn chằm chằm vào đứa trẻ, khẩn thiết chờ câu trả lời. Ôi Chúa ơi, đứa bé sẽ nói gì? Đứa bé muốn gì? Cả thế gian như ngừng thở! Eustace Conway rất đúng khi anh nói một trăm năm trước cha mẹ không trao cho con cái kiểu quyền năng này. Hay thậm chí chỉ mới năm mươi năm trước. Bản thân tôi có thể khẳng định với tất cả sự trung thực rằng hồi mẹ tôi còn nhỏ, mỗi lần mẹ tôi và sáu anh chị em sinh trưởng ở miền Trung Tây của bà đi ăn tối ở nhà hàng, nếu có ai trong số họ dám đưa ra một yêu cầu riêng với người cha... Ái chà, họ sẽ không được gì sất, thế thôi.

Nhưng giờ người Mỹ được nuôi dạy rất khác. Và cái nền văn hóa “Con muốn gì, con yêu?” đã tạo nên những đứa trẻ lũ lượt kéo đến với Eustace ngày nay. Họ phải chịu cơn sốc cực độ khi nhanh chóng nhận ra rằng anh chẳng đếm xỉa đến cái họ muốn. Và từ 85 đến 90 phần trăm trong số họ không chịu đựng được điều đó.

Và rồi còn chuyện thức ăn.

Một trong những điều khiến sự học việc ở Đảo Rùa đầy thử thách là thức ăn ở trên núi này có thể… ừm, rất thất thường. Tôi đã thưởng thức một số bữa ăn ngon nhất đời mình ở đó, sau một ngày làm việc cực nhọc và tắm rửa cho tươi tỉnh trong con lạch, ngồi quanh chiếc bàn gỗ sồi chắc chắn với những người bạn cùng lao động với mình, ăn những sản phẩm tươi rói từ vườn và một khoanh sườn từ những con lợn trứ danh của nhà ông Will Hicks, tất cả chấm với bánh mì ngô nóng hôi hổi lấy ra từ một cái nồi sắt vừa bắc ra khỏi than hồng. Rất tuyệt. Tôi đã ăn vô kể nấm moscela dại ở Đảo Rùa, chọc Eustace đến mức phát cáu khi cứsau mỗi miếng, “Anh có biết những thứ này ở New York đắt bao nhiêu không?” (“Không,” anh đáp. “Cô có biết những thứ này ở Bắc Carolina ăn ngon tới cỡ nào không?”) Nhưng tôi cũng đã từng suốt một tuần trong tháng Một ở Đảo Rùa ăn ngày ba bữa toàn thịt nai hầm. Đó là thứ thịt nai già, hôi, dai nhách. Cứ tối tối lại đun nóng món đó lên, cố tránh không ăn miếng cháy và gỉ sắt từ đáy nồi. Và những thành phần khác của món hầm đó hình như là chỉ có hành củ và năm quả đậu.

Trong khi những vị khách trả tiền - các nhóm đặc biệt và trại viên trẻ tới thăm Đảo Rùa - được phục vụ thức ăn tuyệt hảo từ những đầu bếp cừ khôi được thuê cho những dịp như thế, thì lại không có sự sắp xếp nào tương tự dành cho người học việc, vì thế tình trạng thức ăn đôi khi có thể trở nên khá khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa đông. Bí ngô là một ví dụ. Bí ngô là nguyên liệu chính cho thực đơn thường ngày vào mùa đông của người học việc. Họ chế biến bí ngô thành bất cứ món gì họ có thể tưởng tượng ra - bánh mì bí ngô, bánh ngọt bí ngô, xốt bí ngô, canh bí ngô. Và rồi họ bí luôn và cứ thế ăn món bí ngô nấu nhuyễn cho đến khi khu vườn sinh sôi trở lại vào mùa xuân. Cứ như thể họ là những thủy thủ thế kỷ mười sáu và bí ngô là lương khô, là thứ thực phẩm dự trữ cuối cùng của họ vậy. Đã có những cuộc nổi loạn với món bí ngô trường kỳ. Đã có những cuộc họp đầy nước mắt khi những người học việc vốn chịu đựng được mọi thử thách thể chất khác vùng dậy đồng lòng phản đối, kêu gào với Eustace, “Phải thôi bí ngô đi!”

Tuy nhiên, họ không nhận được là bao sự thông cảm từ phía anh. Bởi vì đâu phải anh trốn trong ngôi nhà gỗ của mình trên đó mà húp nước xốt béo ngậy của món vịt hầm cam trong khi những người học việc kiên trì chịu đựng của anh phải nuốt thêm bí ngô xuống thực quản. Nếu chỉ có mỗi bí ngô để ăn, đấy cũng là món anh ăn, thế nên đừng có than thở gì. Cũng như với mọi thứ khác ở Đảo Rùa, chẳng có điều gì anh đòi hỏi ở người học việc mà bản thân anh không trải qua. (Anh chẳng phải Peter Sluyter, nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng vô lương tâm đã điều hành một ấp của giáo phái Labidist ở ngoại vi New York. Lò sưởi bị nghiêm cấm đối với các tín đồ, thế nhưng Sluyter lại luôn có một chiếc lò sưởi kêu tí tách vô cùng thoải mái trong nhà mình.) Không, Eustace Conway chịu lạnh khi những người của anh bị lạnh; anh đói khi người của anh đói; anh làm việc khi họ làm việc. Không những thế, anh còn hay làm việc khi người của anh đã ngủ ngon. Trong đời mình Eustace từng sống ở những nơi đói kém, những nơi mà món bí ngô nấu nhuyễn sẽ là bữa đại yến hùng tráng, thế nên anh không mấy cảm thông. Dù sao, nếu thực sự quá tuyệt vọng, họ luôn có thể đi thẳng xuống Boone để Bới Thùng Rác

Bới Thùng Rác là một truyền thống của gia đình Conway. Đó là điều (có lẽ là điều vui thú nhất) mà anh em Conway học được từ cha họ. Suốt đời mình, Eustace Conway Cha là một nghệ sĩ tận dụng đồ phế thải. Do thôi thúc của tính tiết kiệm và tính ưa phiêu lưu mà ông thích bới rác nhà người khác. Đối với ông thì chẳng có loại rác rưởi nào là quá hôi thối không thể soi kỹ nhằm tìm kiếm một khám phá vĩ đại. Eustace, Walton và Judson đều thừa hưởng kỹ năng đó từ cha họ, nhưng họ hoàn thiện nó tới mức họ học được cách nhìn vào rác nhà người khác không chỉ để tìm máy nghe nhạc hay máy điều hòa cũ mà để tìm cả thức ăn. Thứ đồ ăn hỏng mà vẫn ngon lành. Những thùng rác phía sau các đại siêu thị của giấc mơ nước Mỹ hóa ra lại là những bữa tiệc đứng tự-do-như-ngọn-gió cho những kẻ tháo vát đích thực.

Rất tự nhiên, Eustace Conway đã biến Bới Thùng Rác thành một nghệ thuật. Trong suốt thời học cao đẳng, anh giải quyết cái ăn bằng cách thêm vào những mẻ thú săn được bằng ống xì đồng của mình các thứ đồ ăn thừa còn ngon lành vứt ở hẻm sau siêu thị. Và anh đã hoàn thiện được cách thức bởi vì, bạn có thể tin chắc thế, nếu anh định làm điều đó, anh sẽ làm được một cách hoàn hảo, y như mọi việc khác.

“Thời điểm là vô cùng quan trọng,” anh giải thích. “Ta phải chọn thật chính xác khoảnh khắc hợp lý trong ngày để bắt đầu lục lọi thùng rác. Tốt nhất là đi loanh quanh siêu thị một lát để kiểm tra mọi thứ, xem coi mỗi ngày thức ăn vứt ra lúc mấy giờ để nhờ đó ta có thể lấy nó khi đang tươi sốt nhất. Một điều cũng rất quan trọng nữa là ta phải quay lại chỗ thùng rác như thể ta thuộc về nơi đó, đi nhanh và tự tin. Cúi đầu thấp nhìn xuống đất và đừng có lãng phí thời gian. Tôi luôn tìm ngay một cái hộp các tông gắn xi chắc chắn có những cái móc cầm tử tế, tôi chộp lấy nó và lao vào thùng rác. Nghiêng người qua thành mà chòi móc lung tung không phải là cách sử dụng thời gian tiết kiệm. Tôi không lãng phí thời gian với bất cứ sản phẩm nào kém giá. Ta đang ăn từ trong thùng rác không có nghĩa là ta phải ăn rác. Tôi xem nhanh sản phẩm, ném qua một bên bất cứ thứ gì thối rữa hoặc kém chất lượng. Nếu có một giỏ táo hỏng, tôi có thể tìm được ba quả táo tuyệt hảo trong đó và quẳng vào cái hộp các tông của mình. Ta thường tìm được một quả dưa ngon lành trong một thùng dưa nẫu, và đôi khi có thể tìm thấy cả một sọt nho bị vứt đi chỉ vì những quả nho đã lìa cuống. Còn thịt nữa chứ! Tôi từng mang về nhà hàng tá tảng thăn bò, tất cả đều bọc gọn gàng trong lớp nhựa, bị quẳng đi vì nó vừa quá hạn sử dụng một ngày. Hầu như lúc nào tôi cũng có thể tìm thấy nguyên những lốc sữa chua - tôi mê sữa chua - còn rất tuyệt bị vứt đi với lý do tương tự. Chẳng phải tội lỗi sao, những gì đang bị lãng phí trong đất nước này? Chuyện này nhắc tôi nhớ tới ông hàng xóm người Appalachia Lonnie Carlton của tôi từng bảo: 'Chúng tôi từng sống nhờ vào ít hơn những thứ ngày nay người ta ném đi.'”

Một sự vụ kỳ khôi đã xảy ra khi Eustace một mình chui vào thùng rác ở Boone trong một lần xuất kích lặng lẽ quen thuộc. Tỏ vẻ tự tin, cúi thấp đầu, tìm ra cái hộp các tông đặc biệt của mình, anh đang thực hiện tiến trình chớp nhoáng trong thùng rác và gom được “một giỏ rau quả sắp xếp đẹp mắt nhất trần đời” thì nghe thấy tiếng xe tải đỗ lại phía sau cửa hàng bách hóa. Rồi tiếng bước chân. Chết giẫm! Eustace nấp sâu vào trong góc của thùng rác và hết sức thu mình lại. Và rồi một người đàn ông, một quý ông đứng tuổi trông rất bảnh bao trong bộ quần áo chỉn chu, cúi xuống thùng rác và bắt đầu sục sạo khắp lượt. Một tay bới rác anh em! Eustace nín thở. Người lạ không để ý thấy anh nhưng chẳng bao lâu ông ta đã để ý thấy cái hộp các gắn xi chắc chắn đựng đầy thứ phẩm vật ngon lành vốn chẳng mua nổi bằng tiền.

“Hừm,” người lạ cất tiếng, hài lòng với phát hiện này.

Ông ta với ra xa cầm cái hộp lên rồi xách nó đi. Eustace nghe tiếng xe tải khởi động trở lại, anh ngồi đó, thu lu như con chuột trong góc thùng, nghĩ kỹ về chuyện này. Anh có nên ẩn nấp cho đến khi chiếc xe tải đi hẳn? Chơi ăn chắc? Bắt đầu tìm kiếm lại? Nhưng, đợi đã. Người đàn ông đó đang đánh cắp sản phẩm của anh. Anh mất trọn mười lăm phút mới tìm được những thứ ấy, và chúng là phần thức ăn ngon lành nhất có sẵn trong ngày hôm đó. Eustace không thể chịu đựng chuyện ấy. Ta không thể để một người giật miếng ăn khỏi miệng ta! Anh nhảy ra khỏi thùng rác như tên bắn và lao tới sau chiếc xe tải. Anh vẫy người đàn ông xuống, vừa hét gọi vừa chạy theo. Người lạ dừng xe lại, tái mặt, run rẩy trước hình nhân hoang dã từ trong lòng thùng rác của siêu thị lù lù hiện ra rồi vừa chạy vừa la ó này.

“Chào ông,” Eustace cất tiếng, và nở nụ cười quyến rũ nhất mình có. “Tôi phải nói với ông, thưa ông, ông vừa lấy mất chỗ rau quả của tôi.”

Người lạ nhìn chằm chằm. Trông ông ta như sắp lên cơn đau tim đến nơi.

“Đúng thế, ông bạn, tôi đã nhặt nhạnh tất cả chỗ thực phẩm đó cho mình và tôi phải mất hồi lâu để làm việc đó. Tôi sẽ rất vui lòng chia sẻ nóông, nhưng tôi không thể để ông mang tất cả đi được. Sao ông không đợi đây trong khi tôi tìm cho ông một cái hộp, rồi tôi sẽ chia chỗ thức ăn đó cho cả hai chúng ta?”

Rồi Eustace chạy tới thùng rác tìm một cái hộp các tông gắn xi chắn chắn khác. Anh chạy lại, nhảy lên thùng xe tải của người lạ, nhanh chóng chia đều chỗ sản phẩm ra làm hai phần bằng nhau. Anh cầm lấy một hộp cho mình, nhảy ra khỏi xe tải và đi lại cửa sổ buồng lái. Người đàn ông há hốc miệng nhìn anh chăm chăm. Eustace nở một nụ cười bát ngát nữa.

“OK được rồi, thưa ông. Giờ ông đã có cho mình một hộp rau quả xinh xắn, tôi cũng thế.”

Người lạ không nhúc nhích.

“Giờ ông đi được rồi, thưa ông,” Eustace nói. “Chúc một ngày tốt lành.”