Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 09 - Phần 4
Eustace không thể dứt hẳn với Ashley, bởi vì cô xinh đẹp và tốt bụng, cô trao cho anh tình yêu vô điều kiện tuyệt vời mà anh hằng khao khát. Nhưng Eustace cũng không thể giữ cô bên mình, bởi vì cô mang quá nhiều thay đổi dữ dội vào vũ trụ nghiêm khắc và vô cùng trật tự của anh. Anh đã cố giúp cô tạo thêm trật tự và kỷ luật trong gia đình cô; anh cho cô mượn những cuốn sách trong thư viện của anh do người Amish viết về “huấn luyện” một đứa trẻ đúng cách, rất giống với cách người ta huấn luyện ngựa. Vốn thực tình cũng đã rối bời với mấy đứa con, Ashley nghiên cứu những cuốn sách đó cẩn thận và đầy biết ơn, và cô đã nhập tâm nhiều phần những chỉ bảo đó. Cô thậm chí còn trao những bài học kiểu nghệ thuật nuôi con này cho mấy cô bạn hippy nay cũng đã thành mẹ để giúp họ tạo ra sự ổn định trong gia đình rối như tơ vò của họ. Và đó là một sự giáo dục hết sức thành công. Sử dụng hệ thống quy tắc hết sức nghiêm khắc của cộng đồng người Amish ngày xưa, Ashley đã khép các con cô vào một chương trình vững chắc hơn, và những cơn thịnh nộ và nổi đóa cũng dần giảm bớt. Nhưng tất nhiên, bọn trẻ vẫn là một vấn đề nan giải. Bởi vì chúng có ba đứa và bởi vì chúng là trẻ con.
Thế nên Eustace không biết phải làm gì với Ashley. Cuối cùng, quyết định của anh hầu như rõ ràng sẽ là trận đấu cuối cùng giữa hai thứ mà anh khao khát nhất: tình yêu tuyệt đối và sự điều khiển tuyệt đối. Đó là một đòi hỏi vô cùng khó khăn. Xưa nay, tình yêu luôn là một đối thủ rất đáng sợ, nhưng một số người trên thế gian này cần nhiều hơn tình yêu. Trước đây Eustace đã từng sống không có tình yêu; đó là một cảm giác quen thuộc đối với anh. Nhưng ngược lại, anh chưa bao giờ sống một giây trong cuộc sống trưởng thành của mình mà không điều khiển.
Thế nên anh vẫn cô đơn một mình. Và ngập tràn câu hỏi về chuyện đâu là kiểu phụ nữ anh nên tìm kiếm. Sau tất cả chừng ấy năm, anh đã bắt đầu nghĩ rằng anh nên cẩn thận hơn về người anh chọn yêu. Có thể anh đã quá ngẫu hứng trong lựa chọn; có thể đó là lý do nó không bao giờ ổn thỏa. Đón nhận thử thách này như đón nhận bất kỳ nhiệm vụ tổ chức nào, gần đây Eustace đã ngồi lại để liệt kê ra một cách hiệu quả các yêu cầu đối với người phụ nữ hoàn hảo của anh. Nếu có thể định giá những ứng viên tương lai trong từng hạng mục thì có lẽ anh sẽ lựa chọn được một cách thông minh, và chắc chắn anh sẽ không phải tổn thương hay cô đơn lần nữa.
Rất mạnh khỏe, danh sách (trình bày không theo trật tự cụ thể) của anh bắt đầu. Rồi:
Có khả năng gần gũi thân mật.
Đẹp.
Tự tin với tình dục và say mê tình dục.
Có đức tin/đường hướng tâm linh.
Hăng hái nhiệt tình sống từng ngày trọn vẹn và với sự cảm kích thiêng liêng dành cho nó.
Cá tính có các mặt của một phụ nữ truyền thống, quán xuyến, dâng hiến, toan lo.
Thiên về phía lối sống và các giá trị 'phi vật chất'.
Ủng hộ tích cực, đầy năng lượng, tập trung, tự tin, giàu cảm xúc, và các kỹ năng xã hội.
Là người có nội lực tự lập, có khả năng ràng buộc sâu sắc vào sự hòa hợp thiêng liêng của hôn nhân.
Biết nhiều thứ tiếng.
Có tham gia hoặc biết thưởng thức nghệ thuật - nhảy múa, hát xướng, văn học, biểu diễn, v.v.
Tha thiết xem gia đình là số một.
Đánh giá cao khả năng quản lý tiền bạc sáng suốt.
Thích làm công việc nặng, ví như: quản lý vườn tược/đất đai/trang trại.
Danh sách còn tiếp tục kéo dài. Vậy là ta có thể thấy vấn đề ở đây. Ta có thể thấy rằng chính Thượng đế hẳn cũng sẽ lắc đầu giao trả một tờ hóa đơn như thế này và nói, Xin lỗi anh bạn, chúng tôi không có thứ này trong kho. Nhưng Eustace dường như lạc quan hơn Thượng đế nhiều. Và cũng cô đơn hơn Thượng đế nhiều.
Lần đầu Eustace cho tôi xem danh sách tình yêu này, tôi trả lại và nói, “Tôi thật sự rất tiếc, Eustace, nhưng đây không phải con đường của tình yêu.”
“Tôi không biết cách nào khác để làm việc đó,” anh nói, lần đầu tiên nghe có vẻ thật sự bất lực.
Rõ ràng là danh sách này cho thấy Eustace Conway thiếu trang bị đến nhường nào khi xử lý vấn đề tình cảm. Đương nhiên, tất cả chúng ta đều tìm kiếm những đặc điểm nào đó ở một người tình, nhưng với tôi danh sách này chẳng khác gì “phao” cho một bài kiểm tra mà đa số chúng ta không cần phải học. Đa số chúng ta không cần phải so sánh những phẩm chất của con người với một tờ giấy kiểm kê; khi yêu là chúng ta biết ngay. Nhưng Eustace không chắc anh có biết hay không. Anh có quá ít kỹ năng căn bản để đối mặt với những núi đồi và thung lũng và dạng thức thời tiết khó lường của tình yêu đích thực giữa những người trưởng thành vô cùng tốt đẹp và không hoàn mỹ. Như chính anh thừa nhận, anh đã bị tổn thương quá nhiều và quá nhạy cảm; và tôi thấy quả là một sự dũng cảm đáng kinh ngạc khi anh còn tiếp tục cố gắng mở lòng mình ra với người khác.
Những rắc rối này có thể đổ lỗi cho hình tượng nam nhi đầy tham vọng anh đã hấp thu từ văn hóa Mỹ hay hậu quả của tuổi thơ nhiều tổn thương của anh, tôi không rõ. Nhưng khi tôi thấy Eustace Conway dấn bước vào mảnh hoang vu của tình yêu, nắm chặt bản liệt kê đủ mọi đề mục đó, thì với tôi có vẻ như anh cực kỳ giống một anh chàng phố thị béo tốt vừa mua hết mọi thứ có ghi trong catalog của đại siêu thị Orvis để phục vụ cho một chuyến đi săn cuối tuần: nặng trĩu đồ đạc, thiếu kỹ năng, sợ hãi trối chết.
***
Một trong những hợp đồng biểu diễn thường xuyên của Eustace trong suốt nhiều năm qua là ở Merlefest, một liên hoan âm nhạc và nghệ thuật dân gian đã có từ lâu diễn ra vào mùa hè ở phía Tây Bắc Carolina. Giờ Eustace không còn đi đây đi đó và trò chuyện nhiều như trước nữa; anh thích ở nhà tại Đảo Rùa xa khỏi công chúng hơn. Nhưng hằng năm anh vẫn tới làm việc tại Merlefest, dựng lều vải trong khu vực tổ chức liên hoan và trò chuyện với mọi người về lối sống tự nhiên. Đó là một công việc tốt. Thù lao cao và thu hút được một đám đông háo hức, và Eustace được trải qua một kỳ cuối tuần nghe biểu diễn nhạc dân gian từ những vị anh hùng người Appalachia của anh như Doc Watson và Gillian Welch.
Mùa hè năm 2000 tôi tới Merlefest cùng với Eustace, và thấy, trong cách thức của anh trước công chúng, nỗi chán đời hơn bao giờ hết trong anh. Không đến nỗi là như thể anh đang gọi điện thoại trong khi biểu diễn trước mọi người, song anh chẳng còn là kẻ đầy nhiệt huyết như tôi vẫn nhớ tại các buổi nói chuyện những năm qua. Và trong suốt kỳ cuối tuần đó, không khó hiểu tại sao một người đàn ông lại có thể đánh mất nguồn khích lệ của mình như vậy khi đối diện thực tại của
Người ta đã cho Eustace biết rõ từ trước rằng anh sẽ chia sẻ sân khấu ở Merlefest với một người diễn thuyết hàng đầu khác, “một thủ lĩnh thổ dân chính cống từ Everglades thuộc bang Florida” tên là Thủ lĩnh Jim Billy. Trong nhiều tuần, Eustace có vẻ như đã căng thẳng và e sợ trước cuộc gặp gỡ này.
“Tôi biết rất nhiều thổ dân Mỹ và thường được đón tiếp rất vui vẻ,” anh giải thích. “Nhưng đôi khi các thổ dân có phản ứng tiêu cực với tôi, kiểu như, Gã da trắng sống trong lều vải này đang vờ vịt mình là ai vậy? Đặc biệt với những người bản xứ nhiễm chính trị, thoạt đầu họ thường thấy tôi thật chướng tai gai mắt. Tất nhiên tôi hiểu nỗi ngần ngại của họ, vì thế tôi luôn hơi e dè; cẩn thận để được tôn trọng hơn.”
Trong trường hợp này, anh không cần phải lo lắng. Thủ lĩnh Jim Billy hóa ra lại là một anh chàng cực kỳ thân thiện mặc quần jean xanh với nụ cười rộng mở và cái bắt tay nồng nhiệt của một doanh nhân thiên bẩm. Bộ tộc của anh ta vừa nhận được món quà lớn trời ban dưới dạng tiền lời đánh bạc, và vị thủ lĩnh này khoác cho mình dáng vẻ thư thái thỏa mãn của sự giàu sang no đủ. Tiết mục mà bây giờ anh ta làm chỉ để cho vui, vì anh ta không còn cần tiền nữa, là lên sân khấu để hát những bài hát theo cảm hứng từ “rock 'n' roll cho bọn trẻ” về tất cả những con thú lạnh lùng và đáng sợ cư trú dưới Everglades.
“Này các vị phụ huynh!” anh chàng cảnh báo giữa các bài hát. “Đừng để con cái các bạn vào rừng một mình, vì sâu trong đó có những con thú sẽ cắn các bạn! Cắn các bạn ấy à? Ôi chao, dưới Everglades, chúng sẽ ăn thịt các bạn!”
Khi tiết mục của anh ta kết thúc, Thủ lĩnh Jim Billy ngồi vào hàng ghế khán giả và chăm chú lắng nghe những trình bày nghiêm trang và lôi cuốn của Eustace về cách sống hòa hợp với tự nhiên. Eustace cho khán giả thấy cách bện thừng bằng cỏ và bằng tóc của chính họ, và trưng ra những cái giỏ và quần áo mà anh đã làm từ nguyên liệu tự nhiên. Sau chương trình, Thủ lĩnh Jim Billy cảm thấy cực ấn tượng, đi tới chỗ Eustace.
“Tôi sẽ nói vài lời với anh, anh bạn,” anh ta nói, ôm lấy Eustace. “Anh rất vĩ đại. Còn những thứ anh biết cách làm? Cũng rất vĩ đại. Anh cần phải xuống Florida để dạy dân tộc tôi tất cả những điều này bởi vì giờ đây không ai dưới đó biết cách làm những thứ này nữa. Anh cò thổ dân hơn bất kỳ ai trong chúng tôi! Chúa ơi, thứ duy nhất người trong bộ tộc tôi biết cách làm là lấy vé máy bay đi Miami tắm nắng! Tôi đùa chút đấy thôi, bạn thân mến. Nhưng nghiêm túc nhé, anh nên xuống dưới đó mà gặp gỡ chúng tôi trên vùng đất của thổ dân. Hiện nay chúng tôi đang hoạt động rất tốt. Chúng tôi thực hiện một hành trình ngắn đi xuyên thẳng qua khu đầm lầy dành cho khách du lịch, và khách du lịch chắc chắn sẽ rất thích được gặp anh. Anh có thể là một sức hút thực sự lớn, bởi vì những người khách đó đang tìm kiếm cái gì đó chân xác, cái gì đó đích thực, và đó là thứ anh có. Chúng tôi cố gắng cho họ một trải nghiệm về sự chân xác trên hành trình qua đầm lầy của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng thích pha thêm giải trí. Chúng tôi cho một chàng trai mặc đồ bằng lông màu đen chạy trên bờ dọc theo con thuyền, nhảy bổ vào người ta. Để tôi nói với anh, anh sẽ thích mê cho mà xem. Bất cứ khi nào muốn xuống thăm, cứ gọi cho tôi nhé. Tôi sẽ chăm sóc anh, đãi anh như một ông hoàng. Anh có điện thoại ở trong rừng sâu đấy chứ, Tarzan? Tốt. Gọi cho tôi. Nghiêm túc đấy. Tôi sẽ đón anh lên máy bay của tôi, đưa anh xuống đó chơi cuối tuần. Tôi có máy bay phản lực riêng, một chiếc G-4 rất tuyệt. Nó thậm chí còn có toilet bên trong! Anh sẽ thích cho mà xem!”
Rồi Thủ lĩnh Billy ôm Eustace lần nữa và nhẹ nhàng trao danh thiếp cho anh.
“Tất cả những gì anh cần biết về tôi đều ở trên tấm danh thiếp này,” vị Thủ lĩnh ưa giao du của người Seminole nói với Eustace Conway. “Điện thoại bàn, di động, máy nhắn tin, mọi thứ. Gọi cho tôi bất cứ lúc nào, anh bạn. Anh thật phi thường.”
Cùng nhau, Eustace và tôi lặng lẽ rời khỏi khu vực sân khấu và quay trở lại lều vải trưng bày của anh, cái lều dựng ở lưng chừng quãng đường, đối diện các gian hàng bán đồ ăn nhanh. Khi chúng tôi tới, có hai cậu bé chín tuổi đang chơi trong đó, những chiếc xe đạp bẩn lem nhem dựa vào nắp thông khói, và chúng gần như chặn đường Eustace khi anh xuất hiện.
“Bọn cháu nghe bảo chú có thể dạy bọn cháu cách đánh lửa,” một đứa nói. Một đứa có mái tóc đen, người nhỏ hơn so với tuổi; đứa kia mập mạp tóc vàng, mặc cái áo phông có chữ EARTHDAY.
Để chiều lòng hai cậu nhóc, Eustace lấy hai cái que và giải thích cho hai đứa rằng “cây giữ lửa. Cây thu nhận lửa từ mặt trời. Trong mỗi cái cây là một chút mặt trời mà ta có thể giải phóng bằng năng lượng của chính ta.” Eustace cọ hai cái que vào nhau cho đến khi anh có được một đốm lửa sáng rực, anh thả đốm lửa đó vào giữa cái tổ vỏ cây khô nhỏ xíu nằm gọn trong bàn tay anh. “Cái chúng ta có ở đây là một đốm lửa chớm nở, một mẩu lửa mới nhen. Nếu chúng ta không đối đãi tử tế với nó và tiếp cho nó thức ăn ngon lành là ôxy thì nó sẽ tắt.” Anh khuyến khích cậu bé tóc đen thổi nhẹ vào mẩu vỏ cây, và, như có ma thuật, bỗng nhiên xuất hiện một ngọn lửa. Cậu bé sướng rơn. Rồi trong lều vải chợt có tiếng kêu ầm ĩ của thiết bị điện tử. Cậu bé mập mạp mặc chiếc áo EARTHDAY rút bộ đàm từ túi sau ra.
“Gì ạ?” cậu hét vào ống nghe, cực kỳ bực dọc.
“Con đang ở đâu, Justin? Hết,” giọng một người phụ nữ phát ra.
“Con đang ở trong lều vải mẹ ạ!” Justin hét lại. “Hết!”
“Mẹ không nghe thấy gì cả, Justin. Con đang ở đâu, Justin?” chiếc bộ đàm đáp lại. “Hết.”
Justin trợn mắt hét lên, “Con nói con đang ở trong lều, mẹ! Hết! lều vải ấy? Lều vải. Mẹ? Nghe chưa mẹ? Hết!”
Tôi bước ra ngoài, tránh xa tiếng la hét om sòm đó, thầm nghĩ Eustace sẽ còn bao nhiêu công việc trước mặt nếu anh thực sự định cứu nền văn hóa này. Bên ngoài lều vải, tôi thấy một vị trung niên mặc áo vải flanen đang thích thú nhìn khắp lượt công trình của Eustace. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện.
“Tôi là Dan,” ông bảo tôi. “Năm nào tôi cũng từ Michigan tới Merlefest và luôn cố tìm Eustace. Tôi thích nghe anh ấy nói về cuộc đời của anh ấy. Nó vô cùng cuốn hút tôi, tuy nhiên nó cũng khiến tôi thấy ghen tị. Có Chúa chứng giám, nếu có thể thì tôi đã chuyển vào rừng ngay lập tức rồi. Nhưng tôi không thể. Hiện giờ tôi phải chu cấp cho năm đứa con ăn học. Tôi có một công việc tốt ở tập đoàn Sarah Lee, tôi phải trả tiền trợ cấp cho vợ cũ, và tôi không biết bằng cách nào tôi có thể rời bỏ sự an toàn tài chính và bảo hiểm sức khỏe để sống như Eustace, nhưng tôi cầu Chúa mình có thể. Tôi nghĩ về điều đó hằng năm mỗi khi đến đây, mỗi khi tôi gặp anh ấy. Anh ấy rất thuyết phục, cô biết không? Và nhìn xem anh ấy khỏe mạnh biết bao khi sống theo cách thức tự nhiên như thế. Khác hẳn với chúng ta.ói đến đây, Dan mỉm cười với vẻ lúng túng đáng yêu và vỗ vỗ lên cái bụng béo tròn của mình. Ông tiếp tục. “Eustace lúc nào cũng bảo kiểu như, bạn có thể làm được, bạn có thể làm được. Nhưng tôi không biết bằng cách nào tôi có thể làm được thế. Chúng tôi vừa xây một ngôi nhà lớn, cô biết không? Nó chứa vô kể đồ đạc, tôi thậm chí chẳng biết chúng từ đâu tới. Thề có Chúa, tôi không hiểu làm sao đột nhiên chúng tôi lại sở hữu tất cả những thứ đồ đạc này. Đôi khi tôi nhìn ngôi nhà mình mà ước gì tôi có thể đốt nó ra tro, bỏ mọi thứ mà đi, bắt đầu lại ở một nơi nào khác với hai bàn tay trắng. Sống một cuộc sống giản tiện ở ngoài rừng, rời xa khỏi thế giới này. Cô có hiểu cảm giác đó chút nào không? Cô từng có khao khát đó bao giờ chưa? Cô có từng muốn biến mất khỏi mặt đất này không?”
“Tất nhiên rồi,” tôi đáp. “Ai ai cũng có khao khát đó.”
“Ngoại trừ Eustace Conway, tôi cá đấy.”
“Đừng cá vụ đó, Dan.”
***
Tất cả những điều này nghĩa là, sắp bước sang tuổi bốn mươi, Eustace phải thừa nhận thực sự anh chưa tạo được sự thay đổi trong thế giới của chúng ta như thời còn trẻ anh từng hy vọng. (Nói cho đúng thì, như anh từng chắc chắn mình sẽ tạo ra được.) Mơ ước tuổi hai mươi của anh rằng từng làn sóng thị dân sẽ nô nức đi theo anh vào rừng thẳm đã không bao giờ thành hiện thực. Thế giới đâu vẫn hoàn đó, có khi còn tệ hơn.
Nhìn lại hai thập kỷ, anh bảo tôi, “Thật lòng tôi đã tin tôi có thể thay đổi mọi thứ. Cảm giác của tôi là Cứ trao nước Mỹ vào tay tôi; để tôi đón nhận nó; chính bản thân tôi sẽ sửa chữa nó! Tôi nghĩ tất cả những gì mà điều này đòi hỏi là niềm tin sắt đá và làm việc cật lực, tôi biết tôi có thể làm việc cật lực hơn bất kỳ ai. Tôi không nghĩ toàn bộ đất nước này sẽ ào ạt quay trở lại với một lối sống gần gũi với tự nhiên hơn, nhưng tôi dự tính khoảng sáu chục hoặc cả trăm người sẽ tới Đảo Rùa mỗi năm rồi sau đó đưa những bài học của họ ra với cộng đồng, và thông điệp ấy sẽ trải rộng như những gạn sóng lăn tăn trên mặt hồ và ảnh hưởng đó sẽ không ngừng lan xa mãi. Nhưng bây giờ thì tôi biết tạo ra được một thay đổi đáng kể ở đất nước này gian khó đến thế nào nếu ta chẳng phải tổng thống hay một thượng nghị sĩ có tiếng và nếu ta không có nguồn lực n ngoài sinh lực của bản thân. Làm sao một người có thể tạo ra một sự khác biệt? Điều đó bất khả, điều đó phi thực và, quan trọng hơn, nó cực kỳ mệt mỏi.”
Và nỗi ám ảnh của nước Mỹ về đất đai bị tàn phá vẫn tiếp diễn, nhanh hơn và có tác động lớn hơn bao giờ hết. Eustace vui mừng khi thấy nhận thức về môi trường ấy, một thời từng được coi là khái niệm cấp tiến và quá khích, giờ đây “phổ biến như pop và hip vậy.” Tuy nhiên, anh không thể thấy một cơn tái sốt nho nhỏ có gì tương xứng với xung lực mãnh liệt của công nghiệp, sự quá tải dân số và sự bảo vệ quá khích quyền lợi người tiêu dùng vốn đang định hình nền văn hóa của chúng ta. Có thể sau một trăm năm nữa Đảo Rùa sẽ đúng như Eustace từng tưởng tượng về nó: “Một cái bát nhỏ xíu giữa lòng trái đất, nguyên vẹn và tự nhiên, bủa vây bởi vỉa hè và đường cao tốc. Mọi người sẽ trèo lên những đỉnh núi xung quanh Đảo Rùa mà ghé nhìn vào trong, và họ có thể sẽ thấy một hình mẫu nguyên sơ xanh bát ngát cho hình ảnh toàn bộ thế giới trước đây.”