Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng - Chương 09 - Phần 5

Có lẽ điều đó đúng. Có lẽ điều Eustace đang làm thông qua việc cứu mảnh rừng Appalachia nhỏ bé này cũng giống y như điều những thầy tu thời Trung cổ từng làm thông qua sao chép lại tất cả các thư tịch cổ. Trong một thời đại tăm tối, khi người ta không coi trọng kiến thức, anh kiên trì bảo tồn thứ gì đó nhỏ bé nhưng quý giá là bởi hy vọng rằng một thế hệ tương lai được khai minh hơn sẽ thấy biết ơn khi có nó. Có lẽ đó là tất cả những gì anh đang làm.

Người ta thường nói với Eustace, “Chỉ cần ảnh hưởng tới một cuộc đời là ta vừa có một tác động lên thế giới!” Nhưng Eustace không bao giờ thỏa mãn với điều đó. Mục đích của anh là thay đổi chính vận mệnh của nhân loại, và anh không bao giờ bằng lòng với thành tựu xoàng xĩnh khi thỉnh thoảng tình cờ ảnh hưởng tới một cuộc đời ngẫu nhiên nào đó. Bây giờ đôi khi anh vẫn vô tình gặp những người lạ bảo với anh, “Anh là Eustace Conway! Tôi vẫn nhớ anh! Anh đã diễn thuyết ở trường trung học của tôi mười lăm năm trước! Anh thật phi thường! Anh đã làm thay đổi cuộc đời tôi.”

Lúc đó, Eustace sẽ vô cùng phấn khởi, cho tới khi người đó giải thích rõ chuyện này. “Đúng thế đấy, từ khi nghe anh diễn thuyết, tôi không để vòi nước chảy không trong khi đánh răng nữa. Tôi đang bảo vệ tài nguyên.”

Eustace chỉ có thể cười ầm lên, úp hai bàn tay lên mặt và lắc đầu quầy quậy. Những lần như thế anh sẽ bảo với tôi, “Đừng có hiểu lầm tôi nhé. Tôi muốn nói với những người đó, này, tôi rất vui vì bạn không để nước chảy trong khi đánh răng. Thật đấy, vui lắm. Đó là một cách rất hay để bảo vệ một tài nguyên quý giá và điều đó khiến tôi thực sự mừng. Nhưng bạn biết sao không? Về đại thể thì tôi có những kế hoạch lớn hơn cho các bạn.”

Eustace cũng đã đánh mất ý niệm hồi còn trẻ rằng anh có thể dạy dỗ bất kỳ ai cách sống ở trong rừng. Khi còn trẻ, anh không bao giờ nghĩ tới chuyện từ chối một người đến xin học việc ở Đảo Rùa. Anh không bao giờ tin là có một ai trên đất nước này không thể thông thạo cuộc sống gần gũi thiên nhiên hơn nếu được đào tạo chút ít. Nhưng giờ đây anh cẩn trọng hơn, chọn lọc hơn. Anh không còn chủ động chào mời người từng ngồi tù và những kẻ nghiện ma túy vừa mới cai và những cô cậu mới lớn bất mãn bỏ nhà đi bụi, bởi vì có những người như thế ở đây sẽ dẫn đến xói mòn trật tự.

Anh cũng thấy việc chính thức hóa hơn nữa chương trình học việc là rất có ích. Chương trình đó xưa nay vốn lỏng lẻo, được chăng hay chớ. Về căn bản, tất cả những gì một cậu trai hay cô gái phải làm là trình diện ở Đảo Rùa và bày tỏ phần nào niềm say mê háo hức, thế rồi Eustace sẽ chấp thuận thanh niên đó, chỉ đòi hỏi một điều là người học việc ấy phải hứa làm việc chăm chỉ và duy trì thái độ tích cực trong suốt thời gian ở lại. Tuy nhiên ngày nay Eustace kiểm tra lý lịch tất cả những người học việc tiềm năng thông qua một quá trình xin học khá khắt khe đòi hỏi phải có hồ sơ cá nhân, giấy giới thiệu, thông tin lý lịch, và một bài tiểu luận. Hơn nữa, mệt mỏi với Hiệu ứng Roi da Eustace Conway vốn đã làm tiêu hao nhuệ khí lực lượng lao động của anh, giờ đây Eustace phát bản ghi nhớ này (được đặt nhan đề đơn giản là “Về vấn đề: Quan hệ với Eustace”) tới mọi ứng viên:

“Xin đừng hy vọng phát triển một mối quan hệ thân thiết với Eustace hoặc cảm thấy thất vọng bởi bất cứ điều gì khác ngoài với một ông chủ trong công việc, người chỉ huy và người lãnh đạo trong tình bằng hữu. Mọi người luôn bị lôi cuốn bởi bản tính ấm áp và hào sảng của Eustace nên thường muốn có một mối quan hệ mang nhiều tính cá nhân hơn so với được mong đợi ở đây, hoặc hơn mức mà Eustace cảm thấy dễ chịu khi cho phép. Nhiều người học việc đã rất thất vọng khi họ không đạt được mối quan hệ xã hội đủ sâu sắc với Eustace. Eustace rất thoải mái dành thêm thời gian cho bạn ở một mức độ mà hai người đồng thuận dựa trên kỳ vọng của đôi bên. Mối quan hệ được xác định rõ ràng này là mối quan hệ giữa một chỉ huy và những người tới học về công việc, phương pháp và nhu cầu của một trang trại đồng thời cũng là một trung tâm giáo dục

Gần đây, Eustace đã phải chịu đựng những nỗi thất vọng quá ư não nề về nhân viên của mình tới mức anh đang tính bỏ hẳn chương trình học việc. Mùa xuân năm nay, hai trong số những người học việc của anh đã bỏ đi sau khi phục vụ mới được sáu tháng bản hợp đồng kéo dài một năm của họ, từ bỏ Đảo Rùa với những lời oán than quen thuộc rằng công việc quá cực nhọc, họ có khúc mắc với sự chỉ đạo của Eustace, trải nghiệm này không phải là những gì họ mong đợi, và họ “cần đi theo niềm hạnh phúc của bản thân” cho dù điều đó đồng nghĩa với việc không tôn trọng lời cam kết của họ.

“Chẳng lẽ ngày nay việc ký vào bản giao ước không có chút ý nghĩa gì với bất kỳ ai nữa sao?” Eustace băn khoăn thắc mắc. “Phải chăng tôi thật ngây thơ khi cứ giữ cái lối nghĩ cổ lỗ rằng con người ta nên làm việc mà họ bảo họ sẽ làm? Sao đám thanh niên ấy có thể bỏ đi sau sáu tháng mà chẳng buồn bận tâm rằng họ đã hứa lưu lại một năm? Họ chẳng hề có ý thức gì về mối ràng buộc mà tôi đã tự đặt mình vào, hay về chuyện chắc hẳn tôi đã lên nhiều kế hoạch dựa trên lời cam kết của họ. Họ sớm bỏ dở chương trình và mặc xác tôi trong tuyệt vọng. Và tại sao chuyện này cứ tái diễn liên miên hết lần này tới lần khác cơ chứ?”

Eustace tan nát cả lòng khi mất hai thanh niên này không chỉ bởi quá trình họ lưu lại Đảo Rùa đã lại đi theo cái lối mòn quen thuộc (niềm hy vọng say mê nối tiếp bằng sự vỡ mộng cay đắng) mà còn bởi một trong số họ, một cô gái rất đỗi thành thạo và đáng tin cậy tên Jennifer, vốn được Eustace đánh giá có khả năng là nhân viên xuất sắc nhất anh từng có. Với tiềm năng của bản thân, cô thậm chí còn cạnh tranh được với Christian Kaltrider huyền thoại. Cô rất thông minh, chuyên tâm, không bao giờ ca thán, và cam kết nghiêm túc học tập cách làm nông thời nguyên thủy. Cô sinh trưởng ở miền núi và đã mang đến Đảo Rùa những kỹ năng mà đến cả Eustace cũng chưa có. Anh tin cậy cô đủ để trao cho cô quyền quản lý khu vườn của Đảo Rùa (một hành động anh làm để thể hiện lòng tin cậy mà không hề cảm thấy khổ sở; chủ yếu anh coi đây là một trải nghiệm của bản thân để xem liệu mình có thể chấp nhận được chuyện từ bỏ quyền điều khiển hay không). Và Jennifer đã làm cho khu vườn tươi tốt sum suê, ngay trong lúc đó cô vẫn học cách chăm sóc ngựa và xây dựng công trình. Cô hoàn hảo, nên Eustace ngày càng trân trọng và tin cậy cô. Thế mà giờ đây cô đã bỏ ra đi.

“Tìm nghĩa của từ đoạn trường trong từ điển thì cô sẽ thấy hình ảnh của tôi bên cạnh cái từ ấy,” Eustace gọi cho tôi một tuần sau khi Jennifer bỏ đi. “Sau khi cô ấy ra đi tôi ngã lòng quá đến độ nằm liệt giường hai ngày trời. Nếu một người như Jennifer không thể ở đây tròn một năm thì còn ai có thể? Tôi đang giỡn mặt ai? Sao tôi phải làm thế? Đảo Rùa sinh ra để làm gì, nếu như mọi chuyện luôn kết thúc cùng một cách như vậy? Tôi tưới máu mình lên chốn này để mang lại lợi ích cho những người khác, nhưng điều đó chẳng giúp được gì, những người mà tôi đang dành cho điều ấy cứ liên tục bỏ đi và thất bại. Chưa bao giờ tôi mấp mé ý định đầu hàng đến như lúc này. Tôi đã tưởng tượng tới chuyện treo một tấm biển nhỏ ngoài cổng có đề: Đảo Rùa đóng cửa. Đi đi. Tất nhiên là tôi sẽ không làm thế. Mà cũng có thể tôi sẽ làm. Tôi không biết nữa...”

Và thế là, bởi quy luật tất yếu đầy khắc nghiệt, khi tuổi tác càng cao thì Eustace càng thu hẹp dần mộng tưởng, sàng lọc bớt một số ý tưởng thời trai trẻ, từ bỏ nhiều giấc mơ táo bạo nhất của bản thân. Những khát vọng gần đây nhất của anh khiêm tốn đến bất ngờ. Hiện nay anh không nhận thêm người học việc mới nào nữa mà tập trung sức lực vào tổ chức một chương trình cưỡi ngựa tại Đảo Rùa. Anh đã đăng quảng cáo trên báo chí ở Boone, mời mọi người lên vùng đất của anh thực hiện hành trình trong ngày dạo quanh các khu rừng. Anh hy vọng rằng khoản tiền anh kiếm được nhờ cho mọi người cưỡi ngựa sẽ giúp cầm cự phí tổn nuôi giữ tất cả những con ngựa đáng yêu của mình. Và đây sẽ là một sự tương tác giữa người với người đơn giản đến độ mát lòng mát dạ: khách hàng thanh toán, Eustace cung cấp một dịch vụ đơn giản chứ không cố thuyết phục bất kỳ ai vào rừng sống cùng anh, và cứ cuối ngày là mọi người lại trở về nhà trong mãn nguyện.

OK, giờ đây anh nghĩ, có lẽ mình chẳng thể thay đổi được thế giới. Có lẽ tầm ảnh hưởng của Eustace sẽ hạn chế hơn, tác động tới những nhóm nhỏ và những cá nhân riêng lẻ - những người kiểu như những vị lái ô tô mà anh đã vẫy tay chào từ trên lưng ngựa trong hành trình Kỵ sĩ Đường trường, những trẻ mẫu giáo mà anh vùi đến tận cổ dưới lá cây trong rừng, những tay buôn ma túy trong Công viên Quảng trường Tompkins mà sau khi anh đi rồi vẫn không thôi ngẫm nghĩ về câu chuyện lạ lùng rằng một người có thể làm quần áo cho chính mình từ những chất liệu của trái đất này...

Hoặc xét đến những trại viên trẻ - những người mà một hôm khi đang khám phá Đảo Rùa thì phát hiện ra một con đập vốn là tổ của hải ly và được các tư vấn viên khuyến khích bơi vào trong con đập xuyên qua những đường hầm của hải ly cho tới khi họ tới bên trong chỗ ở của hải ly - ấm áp, khô ráo, thiêng liêng và ẩn mật. Suốt cả thế kỷ này có bao nhiêu cậu bé từng vào trong tổ của hải ly? Sự kiện đó chắc hẳn đã gửi một dư chấn khôn lường và cửu qua tâm thức của những cậu bé ấy. Đối với Eustace Conway, với mộng tưởng của một nhà kiến trúc vĩ đại về việc biến đổi nước Mỹ, sự kiện đó có lẽ dường như không có gì to tát. Nhưng trong cái thời đại của sự thỏa hiệp không suy nghĩ đang ngày càng gia tăng này, ngay cả sự ám thị mờ nhạt nhất rằng chúng ta có thể nhìn thế giới này từ một góc nhìn khác dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi cũng đã là nhiều lắm rồi. Và có lẽ sự kiện ấy chẳng làm nức lòng Eustace, nhưng có thể nó lại là tất cả những gì anh đạt được. Xét cho cùng, là một người thầy. Và như bao người thầy khác, anh phải chấp nhận thực tế là qua mấy thập kỷ chỉ một số học trò của anh sẽ thực sự chịu tác động từ một ít bài học.

Lấy ví dụ, trước đây từng có một cậu thanh niên tên là Dave Reckford.

Cậu sinh trưởng ở vùng ven Chicago, một cậu bé ngoại ô có cha là bác sĩ và người mẹ thể hiện khuynh hướng có phần lập dị của bà thông qua việc gửi cậu con trai tới các trường học của người Quaker và cho cậu ăn thực phẩm được nuôi trồng bằng chất hữu cơ. Khi tập đoàn Caterpillar Tractor đóng cửa nhà máy ở Illinois, quê nhà của Dave từ một mảnh đất phát triển thành ra nghèo túng, thế là bố mẹ cậu chuyển tới Bắc Carolina, ở đó Dave được gửi vào một trường tư thục xa hoa đầy những đứa trẻ thuộc những gia tộc kỳ cựu nhất miền Nam. Thế rồi cuộc đời cậu đảo lộn hoàn toàn. Bố Dave phải lòng một người đàn bà khác và ly hôn. Gia đình cậu tan tành hỗn loạn. Cuối cùng thì những mảnh vỡ tan tành ấy cũng trật tự trở lại. Sau mấy năm đau khổ, mẹ cậu xốc lại được tinh thần và kết hôn với một người đàn ông giàu có tốt bụng, nhưng chẳng hiểu sao Dave đã rớt lại phía sau trong tất cả chuyện này. Cậu mới mười ba tuổi nên đã bị chấn thương tâm lý. Đau buồn sâu sắc. Và tìm kiếm.

Mấy năm sau, một sơn nhân thời hiện đại tên là Eustace Conway tới dạy một khóa học về tự nhiên tại ngôi trường tư nơi Dave Reckford theo học. “Anh ấy mặc toàn đồ làm từ da hoẵng,” Dave nhớ lại, “mùi người anh ấy hơi kinh. Thế rồi với cái lối trầm lặng của mình, anh ấy bắt đầu trình bày về lều vải và ống xì đồng cũng như cuộc đời của anh trong rừng hoang. Tôi chết mê chết mệt. Anh ấy nói về chuyện đi vệ sinh ở trong rừng. Anh ấy bảo ngồi xổm đi vệ sinh là cách thức tự nhiên, còn ngồi trên bồn cầu sẽ áp đặt một trạng thái căng thẳng thiếu tự nhiên lên các cơ quan tiêu hóa, và chúng tôi đã bị sốc - cả lớp tôi toàn bọn thiếu niên thượng lưu miền Nam. Chúng tôi chưa bao giờ nghe điều gì như thế. Và anh ấy nói, 'Thực tình, khi phải đi vệ sinh ở một nơi chỉ có bồn cầu thì tôi cứ thế nhảy lên chỗ ngồi và ngồi xổm trên đó như thế này,' nói đoạn anh ấy nhảy lên bàn để ngồi xổm cho chúng tôi thấy. Anh ấy cười vang và chúng tôi cũng phá lên cười, và chẳng hiểu sao anh ấy đã khiến cho mọi điều dường như ổn cả và hết sức thú vị mà không khiến chúng tôi thấy sợ hãi.”

Về sau, Eustace bắt đầu nói chuyện với Dave, và vì cảm hiểu được mức độ tuyệt vọng trong lòng cậu bé này, anh mời cậu tới thăm Đảo Rùa. Dave đồng ý ngay, và lái chiếc “Mercedes hai chỗ ngồi của cậu nhóc nhà giàu” lên chơi một tuần. Chuyện này xảy ra vào những năm ban sơ nhất của Đảo Rùa. Khi đó nơi ấy còn chưa có gì nhiều, chỉ có mỗi cái lều vải của Eustace. Anh chưa phát quang một mảnh đất nào và cũng chưa hề có gia súc. Tất cả vẫn còn nguyên sơ. Khi Dave xuất hiện, Eustace đang ngồi bên lều vải, nói chuyện “với một cô gái thật là đẹp. Anh ấy bảo tôi làm ơn tránh mặt trong khoảng nửa giờ để anh có thể ở riêng với cô gái này trong lều vải, và rồi anh trườn về phía cô để - rõ ràng rồi - làm tình. Tôi cực kỳ kinh ngạc vì tính công khai trong chuyện tình dục của anh. Cuối cùng anh ra khỏi lều vải và cô gái ra về, thế rồi anh bắt đầu dạy tôi. Thứ đầu tiên anh chỉ cho tôi là thảm than trong lò sưởi tròn. Anh giải thích rằng nếu ta luôn giữ ấm lớp than dưới đáy thì lúc nào ta cũng có sẵn lửa mà không cần phải nhóm lửa mới.”

Rồi anh cho Dave làm công việc xây dựng lại khu lò trong xưởng rèn. Sau đó, họ bắt đầu đào móng cho kho cụ Eustace đang xây. Anh dạy Dave cách làm ván lợp mái, đây “thực sự là một công việc nặng nhọc, phải dùng búa tạ.” Và thế là, ngày này qua ngày khác, toàn công việc tay vất vả, trong khi Dave là một cậu bé chưa bao giờ trải nghiệm điều gì như thế.

“Đó không phải điều tôi đã mong đợi,” Dave nói, “từ người thầy như thiền sư, nói năng nhẹ nhàng, chiến binh thầm lặng mà tôi tưởng mình đã theo lên vùng núi này. Anh ta là một chủ nô. Anh ta tàn bạo và bị ám ảnh với tiểu tiết; công việc nặng nhọc khiến tôi phát khóc và lưng tôi muốn gãy luôn. Quá khủng khiếp, ngày nào tôi cũng sợ mình sẽ không sống sót nổi. Nhưng hằng đêm, tôi nằm ngủ cạnh Eustace trong lều vải trên những tấm thảm da thú bên bếp lửa ấm nồng, đó là giấc ngủ ngon lành và an toàn nhất tôi từng có từ hồi tôi còn nhỏ. Anh ấy làm cho tôi thức ăn rất tuyệt và lắng nghe tôi kể chuyện gia đình. Tôi không nghĩ về sau còn có ai đạt được kiểu gần gũi này với Eustace Conway nữa, tuy nhiên đó là những năm trước khi anh ấy có người học việc và trại viên khắp nơi nơi cùng với tất cả trách nhiệm cộng đồng. Anh ấy hai mươi bảy tuổi còn tôi là một cậu bé không cha, nhưng dù sao được ở bên một người đàn ông trưởng thành muốn nói chuyện với mình và dạy dỗ mình mọi điều quả là một trải nghiệm sâu sắc.

Eustace sử dụng thời gian của mình với Dave để cố gắng làm cho cậu bé hiểu bản chất triết học nền tảng của anh, triết học này tập trung vào sự chú tâm. Eustace nói với Dave, ta không cách nào có được một cuộc sống cho ra con người nếu ta không tỉnh giấc từng giây từng phút. Trình diện cho cuộc đời của chính ta, anh nói. Đừng có sống qua ngày trong trạng thái ngơ ngác, đừng có bằng lòng nuốt lấy bất cứ ý niệm nhạt nhẽo nào xã hội hiện đại có thể mớm cho ta thông qua truyền thông, hài lòng với việc ngủ vùi cả đời trong một niềm hưng phấn thỏa mãn thoáng chốc. Món quà kỳ diệu nhất ta vừa được trao cho là nhân tính của chính ta, nhân tính ấy là ý thức, vậy nên hãy tôn vinh ý thức ấy.

Hãy kính trọng các giác quan của ta; đừng có làm thoái hóa chúng bằng ma túy, nỗi tuyệt vọng, bằng sự quên lãng có chủ ý. Mỗi ngày hãy cố gắng để ý điều gì đó mới mẻ, Eustace nói. Chú tâm tới ngay cả những chi tiết thường nhật xoàng xĩnh nhất. Ngay cả khi cậu không ở trong rừng thì cũng phải luôn tỉnh giấc. Để ý xem thức ăn có vị thế nào; để ý dãy hàng bột giặt trong siêu thị có mùi ra sao và nhận ra những thứ mùi hóa học rất nặng đó gây tác động gì tới các giác quan của ta; để ý xem đi chân đất có cảm giác thế nào; chú ý từng ngày tới những thông hiểu cần cho sự sống mà sự định tâm có thể mang lại. Và quan tâm tới tất cả mọi thứ, tới từng thứ một hiện hữu - cơ thể, trí tuệ, tinh thần, hàng xóm láng giềng và hành tinh này. Đừng làm ô nhiễm tâm hồn ta bằng sự thờ ơ hay làm tổn hại sức khỏe ta bằng thức ăn nhanh, bằng không một ngày nào đó ta sẽ chủ ý làm vẩn đục một dòng sông trong vắt bằng chất thải công nghiệp. Có thể ta sẽ chẳng bao giờ trở thành con người chân chính nếu cứ có thái độ tiêu cực và vô tâm, Eustace nói, trái lại sự trưởng thành sẽ nối gót ý thức chú tâm như ngày nối đêm.

Eustace kể cho Dave nghe nhiều câu chuyện bi hài lẫn lộn về một số những cậu bé Mỹ từng tới thăm Đảo Rùa, bọn họ mù tịt về môi trường tự nhiên tới mức họ thực sự không có ý niệm là thấy mưa thì phải chạy vào nhà. Khi cơn bão ập đến, những cậu trai ấy sẽ cứ đứng đó trong cơn mưa như trút, ngu độn chẳng khác gì một đàn cừu no căng rốn không thể nghĩ ra rằng chúng nên vác xác vào nơi ẩn náu. Hay chuyện Eustace từng thấy một cậu bé giẫm phải tổ ong vò vẽ và rồi cứ đứng như trời trồng, bối rối ngơ khi đàn ong bu xung quanh mình. Cậu bé đó rõ ràng không thể nghĩ ra mình nên ra khỏi tình huống này cho đến khi Eustace hét lên, “Chạy đi!”

Tỉnh giác, Eustace nói (cười lớn trước sự đơn giản vô cùng của điều đó), rồi thì bạn sẽ thành công trong thế giới này. Khi trời mưa, hãy tìm chỗ trú! Khi ong vò vẽ bủa vây, chạy! Chỉ thông qua sự chú ý thường trực ta mới có thể trở nên tự lập. Chỉ thông qua sự tự lập ta mới có thể hiểu được bản thân. Và chỉ thông qua hiểu rõ bản thân ta mới có thể đặt ra những câu hỏi mấu chốt cho cuộc đời mình: Tôi sinh ra để hoàn thành điều gì, và bằng cách nào tôi có thể làm được điều đó?

Tuy nhiên điều Dave nhớ nhất về tuần đó là trải nghiệm làm thay đổi nhận thức, gần như mang tính tôn giáo, khi quan sát Eustace xây hàng rào.

“Xây hàng rào ở trên đây, trong lớp đất đầy đá sỏi này là công việc vô cùng cực nhọc. Đầu tiên ta phải đóng vào lòng đất cây cột sắt này, nện nó xuống bằng búa tạ để tạo một cái hố cho cây cọc gỗ bồ kết đen óng. Có lần tôi suýt chút nữa thì chặt đứt chân mình khi đang cố làm việc này. Sau đó ta cắm cây cọc gỗ bồ kết đen óng đó vào trong hố rồi quai cái búa tạ nặng trịch lên để khoan sâu nó vào lòng đất. Làm xong một hàng sáu cây cọc này thì thề có Chúa là tôi gần chết. Tôi không thể miêu tả nổi công việc đó cực nhọc cỡ nào. Tôi sụp xuống đất và cảm thấy tim mình sắp vỡ tung. Thế rồi Eustace làm tiếp giúp tôi; và trong khi tôi đang cố thở đều thì anh đã đóng xong cây cọc thứ hai mươi mà chẳng hề ngừng nghỉ lấy một lần, thậm chí còn chẳng hề thở dốc.

“Tôi đã học tập từ anh trong khi anh đang làm việc. Làm sao anh ấy có thể làm việc này? Anh ấy không to lớn mà cũng chẳng cơ bắp bằng tôi. Tôi là một vận động viên thể thao ba môn phối hợp và tôi rất đô con, thế mà tôi không thể làm được việc ấy. Cánh tay anh ấy rất gầy. Sao nó có thể làm việc nhỉ? Nhưng khi quan sát anh, tôi nhận ra anh có một mối quan hệ tự nhiên mật thiết với dụng cụ của mình. Khi quai cái búa tạ ấy, anh không chỉ sử dụng cánh tay; anh quai nó bằng một cử động tuyệt đối tiết kiệm sức, sử dụng toàn bộ cơ thể. Đôi hông giúp anh nhấc bổng cái búa tạ lên, và rồi anh ngửa người ra sau và dồn tất cả sức đẩy tới vào cú bổ búa. Hình ảnh đó quả là đẹp. Đó là sự tập trung toàn bộ thể chất vào một công việc. Chẳng khác gì đang xem khiêu vũ. Màn khiêu vũ của người lao động chân tay. Và tôi biết đó là lý do tại sao Eustace có thể làm mọi việc nhanh hơn và tốt hơn những người khác, tất cả nhờ vào sự tập trung tuyệt đối, mãnh liệt và uyển chuyển đó.”

Dave nhớ có một hôm khác khi đang quan sát Eustace đóng đinh vào gỗ - nhanh thoăn thoắt, nhịp nhàng và hoàn hảo - thì cậu hỏi, “Làm thế nào mà anh có thể chẳng bao giờ đóng trượt cái đinh?”

“Bởi vì từ rất lâu rồi tôi đã khắc cốt ghi tâm rằng mình sẽ không bao giờ đóng trượt đinh,” Eustace trả lời. “Thế nên tôi không bao giờ đóng trượt.”

Cuối cùng nhịp độ chóng mặt trong công việc ở Đảo Rùa đã trở thành nỗi kinh hoàng khủng khiếp cho cơ thể tới mức cậu gục ngã. Mười một tiếng quần quật mỗi ngày khiến cậu đổ bệnh. Thấy thế, Eustace nghỉ làm một ngày để lái xe đưa Dave xuống thành phố. “Hãy đi chơi một chuyến cho vui vẻ,” anh nói vui vẻ. Anh đưa cậu bé vào quán bar và gọi cho cậu một vại bia - cốc bia đầu tiên trong đời cậu. Eustace cười đùa với người pha rượu và không hề đả động tới những công việc bị bỏ lại phía sau. Đêm đó trên đường quay lại núi, Dave sụp đổ, cậu nói với Eustace cậu không nghĩ mình có thể ở lại thêm một chút nào nữa.

“Tôi nói với anh ấy tôi muốn về nhà. Có lẽ khi ấy tôi đã khóc. Tôi nghĩ mình nhớ nhà, bởi vì lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ - Eustace rất bình tĩnh và ân cần. Chúng tôi ngồi xe tải của anh ấy, anh nói về cuộc đời và về những điều cần thiết để trở thành một người đàn ông. Anh truyền trí tuệ và lòng tốt sang tôi, coi trọng tôi ở cái tuổi mà chưa ai coi trọng tôi. Anh nói với tôi rằng một trong những lý do con người quá bất hạnh là họ không độc thoại. Anh bảo con người ta phải duy trì một cuộc trò chuyện song hành với bản thân suốt cuộc đời để xem mình đang sống ra sao, để duy trì sự tập trung, để giữ gìn người bạn là chính ta. Anh nói với tôi rằng lúc nào anh cũng trò chuyện với bản thân, và điều đó giúp anh trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện hơn lên từng ngày. Anh gợi ý một số quyển sách tôi nên đọc. Rồi anh ôm tôi.”

Mười lăm năm sau, mỗi khi nhắc đến phần này trong câu chuyện, Dave Reckford vẫn không thể không rưng rưng nước mắt.

“Nghe này,” cậu bảo, “đó là một cái ôm đích thực, lâu và mạnh mẽ. Đó là một cái ôm ghì thắm thiết. Đó là lần đầu tiên có một người đàn ông ôm tôi, và cái ôm ấy dường như đã chữa lành cái gì đó trong tôi vẫn đầy tổn thương và cô độc. Anh bảo tôi là tôi được tự do về nhà và anh chúc tôi may mắn. Nhưng anh cũng bảo tôi là tôi được tự do quay trở lại và ở với anh trên Đảo Rùa bất cứ lúc nào tôi muốn, bởi vì tôi đã làm việc rất giỏi và bởi vì tôi là người tốt. Thế rồi tôi trở về nhà, nhưng khi về đến đó, tôi nhận ra rằng một điều gì đó đã thay đổi trong tôi. Và cả phần đời còn lại của tôi cũng thay đổi.”

Mọi người trong gia đình Dave Reckford đều là luật sư, bác sĩ, doanh nhân hoặc nhà ngoại giao. Đó là điều được mong đợi, con đường đi của gia tộc này. Nhưng hóa ra đó lại không phải con đường của Dave. Hiện nay, Dave ba mươi tuổi, anh đã đi lang thang khắp nơi để tìm chỗ đứng của mình. Anh nghiên cứu lịch sử và âm nhạc. Anh thử viết lách. Anh chu du tới Cuba, châu u và khắp nơi trên nước Mỹ, anh thậm chí còn nhập ngũ, cố gắng nghĩ xem nên đứng vào đâu trong khoảng thời gian ngắn ngủi của anh trên trái đất này.

Mới đây, rốt cuộc anh đã dừng chân. Anh đã giải đáp được. Anh đề nghị người phụ nữ trông nom các khu vườn của bố mẹ anh nhận anh làm người học việc. Bà đồng ý. Thế là giờ đây Dave Reckford đã trở thành con người mà xưa nay anh vẫn tin mình định trở thành: một người làm vườn. Anh chăm sóc cây cỏ. Suốt ngày anh nghĩ về đất đai, ánh sáng và sự sinh trưởng. Đó là một mối quan hệ bình dị nhưng anh được nó đền đáp. Anh cố gắng nhận biết cây cối cần gì và làm sao giúp chúng. Anh cố gắng cẩn trọng và chính xác trong từng chuyển động, cố gắng trân trọng công việc của mình. Lúc nào anh cũng nói chuyện với bản thân, giữ liên lạc với bản chất cá nhân con người anh. Và từng ngày một trong đời mình, anh luôn nghĩ về sự hoàn hảo của tập trung và về nét duyên dáng lạ thường trong lao động của con người.

Điều đó có nghĩa là, từng ngày một trong đời mình, anh nghĩ về Eustace Conway.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3