Vụ Án Trường Oxford - Chương 25 - Phần 1

Chương 25

Tôi bỏ ra mấy tiếng kế tiếp, càng lúc càng vấp váp nhiều hơn, như một người chạy vượt rào đã mệt nhoài trong khi điền vào một dãy những ô trống lố bịch trong mẫu báo cáo. Cuối cùng, đến bốn giờ chiều, tôi in hồ sơ ra và bỏ vào trong một phong bì lớn. Rồi tôi xuống văn phòng thư ký, nhờ Kim để ý sao cho nó phải được gửi đi Argentina ngay trong buổi chiều nay, và rời khỏi tòa nhà, cảm thấy khỏe khoắn vì sự giải thoát của mình.

Trên đường về lại ngõ Cunliffe, nhớ ra mình còn phải trả tiền trọ tháng thứ hai cho Beth, nên tôi vòng lại một chút để rút tiền từ máy tự động. Tôi bỗng thấy mình đang đi lại đúng lộ trình một tháng trước, gần như cùng một giờ. Không khí ban chiều cũng ấm áp, và đường phố cũng yên tĩnh hệt như vậy. Giống như là mọi sự đang tự lặp lại, để cho tôi một cơ hội trở lại ngày mọi chuyện bắt đầu. Tôi quyết định chỉ đi trên cùng một lề của đường Banbury - phía bên bị nắng chiếu - quẹt nhẹ vào những hàng giậu cây thủy lạp, đặt mình hoàn toàn vào trong ức thuyết huyền bí về sự lặp lại. Đến chỗ ngoặt của ngõ Cunliffe, tôi nhìn thấy mảnh da cuối cùng của con lửng còn sót lại trên mặt đường. Một tháng trước nó chưa có ở đây. Tôi cố bắt mình phải nhìn vào nó. Xe chạy ngang, cơn mưa, lũ chó, tất cả đã làm việc của mình. Không thấy còn lại vệt máu nào cả, chỉ có mảnh da phủ đầy lông, giống như một miếng vỏ trái cây đã khô. Con lửng sẽ làm bất cứ thứ gì để bảo vệ con mình, Beth từng nói thế. Có phải tôi vừa nghe câu gì giống như vậy hồi sáng không? Đúng rồi, thanh tra Petersen vừa nói, “ta không bao giờ biết được vì con cái, mình có thể đi xa tới mức nào.” Tôi đứng chết sững, mắt dán vào dấu tích cuối cùng ấy, lắng nghe trong im lặng. Bỗng nhiên, tôi đã biết, tôi đã thấy, như thể nó luôn luôn đã bày ra đấy, cái mà Seldom ngay từ đầu đã muốn tôi nhìn thấy. Ông đã nói với tôi, gần như đến từng chữ một, nhưng tôi đã không biết lắng nghe. Ông đã lặp lại điều đó, bằng cả trăm cách khác nhau. Ông đã đặt những tấm hình ngay trước mũi tôi, nhưng tôi chỉ thấy được những chữ M, trái tim, và số 8.

Tôi quay trở lại và đi ngược con đường Banbury, bị thúc đẩy bởi ý nghĩ: phải tìm gặp Seldom. Tôi đi xuyên qua chợ và dọc theo phố High, rồi đi một lối tắt để đến Merton thật nhanh. Nhưng Seldom không có ở đấy. Tôi đứng một lúc ở ngoài cửa sổ của phòng người gác cổng, hơi bị mất định hướng. Tôi hỏi xem Seldom có quay lại vào giờ ăn trưa không, nhưng không ai nhớ ra là đã thấy ông kể từ đầu buổi sáng. Bỗng tôi sực nhớ ra ông có thể đang ở bệnh viện thăm Frank Kalman. Có vài đồng tiền lẻ trong túi, tôi bèn gọi Lorna từ bốt điện thoại trả tiền trong trường, và nhờ nàng chuyển máy giúp lên tầng hai. Không, ông Kalman không có ai đến thăm cả.

“Em có nghĩ được giờ Seldom có thể ở đâu không?” Tôi hỏi Lorna khi đã máy chuyển lại cho nàng.

Phía bên kia là sự im lặng. Tôi không nói là nàng đang suy nghĩ, hay đang cố quyết định xem có nên cho tôi biết một điều có thể tiết lộ tính chất thật sự mối quan hệ nàng đã có với Seldom.

“Hôm nay là ngày bao nhiêu?” nàng bỗng hỏi tôi.

Đó là ngày 25 tháng Sáu. Lorna thở dài, như biểu lộ sự đồng tình.

“Chính là ngày vợ ông ấy mất, hôm xảy ra tai nạn. Em nghĩ anh sẽ tìm được ông ấy ở bảo tàng Ashmolean.”

Tôi đi ngược lại phố Magdalen và trèo các bậc thềm dẫn vào trong bảo tàng. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi. Tôi đi ngang qua một phòng trưng bày nhỏ toàn chân dung, chủ tọa bởi khuôn mặt thâm trầm của John Dee, rồi theo những chỉ dẫn đi đến chỗ cây xà Assyria lớn. Seldom là người duy nhất trong phòng. Ông ngồi trên một chiếc ghế đẩu được đặt ở khoảng cách nhất định từ bức tường chính. Khi lại gần, tôi thấy cây xà vươn dài, như một bản viết dài mảnh trên đá, thành một vòng bao quanh hết căn phòng. Tự nhiên tôi bỗng bước đi nhẹ hơn khi lại gần Seldom. Ông đang trong lúc hoàn toàn chìm đắm, đôi mắt, không mang một biểu cảm nào, dừng mãi trên một chi tiết của cây xà, y như ông đã không còn nhìn thấy nó nữa từ lâu rồi. Suốt một lúc tôi không biết mình có nên ra ngoài đợi ông hay không. Đến khi xoay lại phía tôi, ông không có vẻ gì ngạc nhiên cả. Ông chỉ lên tiếng bằng cách nói bình dị như thường lệ:

“Nếu đã đến đây, thế là anh đã biết hay nghĩ là mình đã biết. Phải thế không? Ngồi xuống đây,” ông nói, chỉ vào cái ghế đẩu bên cạnh mình. “Muốn nhìn thấy hết cây xà thì anh phải ngồi đây.”

Tôi ngồi xuống và nhìn thấy một dãy dài hình thù nhiều màu sắc của một cảnh trí nhìn giống như bãi chiến trường. Những hình người nhỏ được chạm vào mặt đá màu vàng với sự chính xác tuyệt diệu. Từng cảnh nối tiếp nhau, một người chiến binh đơn độc rõ ràng như đang đối mặt với toàn bộ một đạo quân. Ông ta nổi bật nhờ bộ râu dài và thanh kiếm khác hẳn với của mọi người. Khi nhìn dọc theo cây xà từ trái sang phải, hình ảnh được lặp lại bất tận của người chiến binh tạo ra một ấn tượng sinh động về chuyển động. Nhìn thêm lần nữa, tôi nhận ra là những tư thế khác nhau liên tiếp của người chiến binh có thể coi như đang chuyển biến theo tuần tự thời gian, và ở cuối cây xà, có khá nhiều những hình người ngã gục, giống như ông ta đã một tay đánh bại cả đạo quân thù.

“Vua Nissam, chiến binh vĩnh cửu,” Seldom nói, giọng thật lạ lùng. “Đấy là tên mà người ta đặt cho cây xà để dâng lên cho vua Nissam và ba trăm năm trước đã cùng nó vào viện bảo tàng Anh quốc. Nhưng mặt đá thật ra che giấu một câu chuyện khác để đợi những ai có đủ kiên nhẫn tìm ra. Vợ tôi đã tìm được cách tái tạo hầu hết câu chuyện khi cây xà được mang đến đây. Nếu đọc cái bảng đằng kia, anh sẽ thấy là nhà điêu khắc quan trọng nhất của dân Assyria, một người tên là Hassiri, đã được triệu dụng để tạo ra tác phẩm, trong dịp kỷ niệm sinh nhật nhà vua. Hassiri có một người con, Nemrod, người được ông truyền dạy nghệ thuật của mình và làm việc cùng với ông. Nemrod đã đính hôn với một cô gái rất trẻ, Agartis. Chính trong cái ngày hai cha con đang chuẩn bị tảng đá trước khi bắt đầu công việc, vua Nissam, trong buổi mặt cô gái bên dòng sông. Hắn muốn dùng vũ lực bắt giữ cô, nhưng Agartis, không nhận ra nhà vua, cố thoát ra chạy vào rừng. Tên vua bắt được cô dễ dàng: hắn hãm hiếp cô rồi dùng kiếm chặt đầu. Khi hắn trở lại lâu đài và đi ngang hai nhà điêu khắc, cha con họ bắt gặp cái đầu của cô gái treo bên yên ngựa cùng với những con mồi khác từ cuộc săn. Hassiri bèn đi đến gặp mẹ cô gái để báo cho bà ta cái tin khủng khiếp này.”

“Con trai ông trong lúc đó, giữa cơn tuyệt vọng, bắt đầu chạm vào đá hình ảnh nhà vua đang cắt đầu một phụ nữ đang quỳ gối. Khi trở lại, Hassiri thấy con mình đang đục chạm một cách điên cuồng lên đá một cảnh tượng thế nào cũng mang đến cho anh ta tội chết. Ông kéo anh ta khỏi bức tường, đuổi về nhà rồi ở lại một mình trong tình thế khó xử. Xóa đi hình chạm ấy thì dễ thôi, nhưng Hassari là một nghệ sĩ cổ đại, và ông tin rằng mỗi tác phẩm nghệ thuật đều chứa đựng một chân lý huyền bí được bảo vệ bởi một bàn tay thần thánh, một chân lý không người nào có quyền hủy diệt. Cũng có thể là giống như con trai mình, ông còn muốn đời sau biết được câu chuyện đã xảy ra. Đêm hôm ấy, ông treo một tấm vải che kín bức tường, rồi yêu cầu được ở lại một mình làm việc trong bí mật, đằng sau tấm vải. Ông tuyên bố, cây xà ngang ông đang chuẩn bị, sẽ rất khác biệt với những công trình trước kia của ông, và phải để nhà vua là người đầu tiên nhìn thấy nó.

“Một mình đối diện với cảnh tượng đầu tiên khắc trên đá, Hassiri đang có cùng một nan đề với viên tướng trong truyện ‘Dấu hiệu hình thanh kiếm gãy’ của G.K. Chesterton: một người khôn ngoan giấu một viên sỏi ở đâu? Dĩ nhiên là trên bờ biển. Thế nếu không có bờ biển thì sao? Rồi thì, người ta có thể giấu một người lính chết ở đâu? Dĩ nhiên là trên bãi chiến trường. Nhưng nếu không có trận chiến nào thì sao? Một vị tướng có thể khởi lên nó, còn một nhà điêu khắc thì có thể... tưởng tượng ra một trận chiến. Vua Nissam, chiến binh vĩnh cửu, chưa bao giờ tham gia một trận chiến nào cả; ngài sống vào một thời kỳ thái bình hiếm thấy, và chắc là suốt đời mình chỉ biết giết phụ nữ tay không. Mặc dù nhà vua thấy chủ đề chiến tranh này hơi bất ngờ, cây xà vẫn làm ông ta cảm thấy được tâng bốc, và ông ta nghĩ phô trương nó trong lâu đài cũng là một ý kiến hay, để làm các vị vua láng giềng phải e sợ. Nissam, và vô số thế hệ sau ông ta, chỉ nhìn thấy cái mà nhà nghệ sĩ muốn cho nhìn thấy: một sự nối tiếp dài đến choáng ngợp những hình ảnh chẳng bao lâu sẽ làm người thưởng lãm quay đi chỗ khác mà tin rằng anh ta nhìn thấy ở đây sự lặp lại, rằng mình đã hiểu được quy luật, và mỗi phần đều đại biểu cho toàn thể. Đấy là cái bẫy tạo ra từ sự tái hiện của hình thể với thanh kiếm. Nhưng còn có một phần nhỏ được che giấu lại tương phản và vô hiệu hóa tất cả chỗ còn lại, phần tự nó lại là một toàn thể khác. Tôi đã không phải chờ lâu đến thế như Hassiri. Tôi cũng đã muốn ai đó, ít nhất là một người khác, phát hiện ra. Tôi muốn có người biết được sự thật và xét đoán. Tôi nghĩ rằng mình phải thấy vui lòng vì cuối cùng anh đã nhìn ra được.”

Seldom đứng lên và mở cánh cửa sổ ngay sau lưng tôi trước khi bắt đầu vấn một điếu thuốc. Có vẻ ngần ngại không muốn ngồi xuống ngay, ông vẫn tiếp tục đứng trong khi đang nói.

“Buổi chiều đầu tiên ấy, khi chúng ta gặp nhau, tôi đã nhận được một lời nhắn - không phải từ một người lạ, hay một người điên mà từ một người, không may thay, rất gần gũi với tôi. Đó là lời thú nhận một tội ác, và van xin giúp đỡ. Mẩu thư nằm trong hộp thư của tôi, như đã nói với thanh tra Petersen, lúc tôi đi lên lớp, nhưng tôi chỉ lấy nó ra và đọc trên đường đi đến phòng ăn, một giờ sau đó. Tôi đi thẳng ngay đến ngõ Cunliffe, rồi đụng phải anh ở cửa trước. Tôi vẫn còn tưởng có một yếu tố phóng đại trong lời nhắn. Con đã làm một chuyện kinh khủng, trong ấy nói như thế. Nhưng tôi không khi nào có thể hình dung được cảnh tượng mà chúng ta phát hiện ra. Người mà anh đã từng bế ẵm trên tay khi còn là một đứa bé gái sẽ mãi là một đứa bé gái đối với anh. Tôi đã luôn bảo vệ cho nó. Không thể nào tôi gọi cảnh sát nổi. Nếu là tôi ở một mình trong căn nhà ấy, chắc là tôi đã cố gắng dọn dẹp mọi tang chứng, lau sạch máu, giấu cái gối đi. Nhưng anh cũng có ở đó, nên tôi buộc phải gọi báo. Tôi đã đọc về các vụ án của thanh tra Petersen và biết rằng, từ lúc ông ta lãnh trách nhiệm và lần theo dấu vết của nó, kể như nó đã xong đời.”

“Khi chúng ta còn đang đợi cảnh sát đến, đến lượt tôi có cùng một nan đề với Hassiri. Một người khôn ngoan giấu một hòn sỏi ở đâu? Trên bãi biển. Giấu một hình dáng người cầm kiếm ở đâu? Trên một chiến trường. Thế còn giấu một vụ án mạng thì ở đâu được? Không còn cách nào để cho nó lẩn vào quá khứ cả. Câu trả lời thật giản dị, dù là kinh khủng: vẫn còn sót lại tương lai, nó chỉ có thể giấu vào trong một chuỗi án mạng. Sau khi sách của tôi ra đời, tôi đã nhận được nhiều thư từ đủ hạng người hoang tưởng. Có một tay đặc biệt xưng rằng, cứ mỗi lần vé xe bus của hắn là một số nguyên tố, thì hắn đều giết một người vô gia cư. Tôi không gặp khó khăn gì khi chế ra một kẻ giết người rồi để lại một ký hiệu từ một liên chuỗi logic tại mỗi hiện trường, như một thách đố. Tôi không sẵn lòng gì để thực hiện án mạng, tất nhiên, và tôi cũng không dám chắc mình sẽ làm sao giải quyết chuyện đó, nhưng tôi đã không có thời gian suy nghĩ. Khi giám định viên của cảnh sát xác định thời điểm tử vong là khoảng từ hai đến ba giờ chiều, tôi nhận ra là họ sẽ bắt giữ nó ngay, nên tôi đành phải mò đại một bước đầu trong bóng tối.

“Mẩu giấy mà tôi thảy vào sọt rác trưa hôm ấy là bản nháp một chứng minh mà tôi đã phạm một sai lầm, nhưng sau muốn tìm lại. Tôi tin tưởng là Brent sẽ nhớ ra mảnh giấy nếu cảnh sát hỏi anh ta. Tôi nghĩ ngay đến một lời nhắn ngắn gọn, như chi tiết của một cuộc hẹn gặp. Tôi phải cung cấp cho nó một bằng cớ ngoại phạm, nên chuyện quan trọng nhất là phải nghĩ đến thời điểm. Tôi chọn ba giờ chiều, thời điểm muộn nhất mà giám định viên đưa ra. Tôi biết giờ đó nó đã vào buổi diễn tập rồi. Khi viên thanh tra hỏi xem trên mẩu thư còn gì nữa không, tôi nhớ ra là anh và tôi vừa mới nói tiếng Tây Ban Nha, và khi tôi nhìn vào những chữ cái trên khay Scrabble, tôi đã thấy từ “aro”, nghĩa là vòng tròn trong tiếng Tây Ban Nha. Vòng tròn cũng chính là ký hiệu tôi đã gợi ý trong sách như cách bắt đầu một liên chuỗi với tính bất định tối đa.”

“ ‘Aro’,” tôi nói. “Đó chính là cái ông muốn tôi nhìn thấy từ mấy tấm hình.”

“Phải, tôi đã cố kể lại với anh bằng mọi cách tôi có thể nghĩ ra. Anh không phải người Anh, nên anh cũng chính là người duy nhất đã có thể ghép những chữ cái trong khay lại thành một từ và đọc lên như tôi đã làm. Trên đường chúng ta đi tới Sheldonian sau khi khai báo xong, tôi đã cố xem thử anh có nhận thấy điều đó, hay bất cứ chi tiết nào tôi có thể đã bỏ qua và có khả năng kết tội nó. Anh đã hướng sự chú ý của tôi vào tư thế cái đầu của bà ấy, mắt nhìn vào lưng tràng kỷ. Sau đó nó thú nhận với tôi là nó không thể chịu nổi cái nhìn chằm chằm từ đôi mắt ấy.”

“Tại sao ông lại giấu cái chăn đi?”

“Ở hí viện, tôi bảo nó thuật lại mọi chuyện, từng bước một, chính xác như đã xảy ra. Đấy là lý do tôi đòi được tự mình báo tin cho nó: tôi muốn thế nào cũng phải nói chuyện với nó trước khi nó đối mặt với cảnh sát. Tôi đã phải kể cho nó về kế hoạch của mình, và tôi muốn, hơn hết mọi thứ khác, tìm ra xem nó đã có chỗ nào bất cẩn không. Nó kể với tôi rằng nó đã đi đôi găng tay dạ hội để tránh không lưu lại dấu tay, nhưng quả tình thì nó đã phải vật lộn với bà ấy và đã đạp gót giày lên làm rách cái chăn. Nó nghĩ là cảnh sát có thể đoán ra hung thủ là phụ nữ từ việc đó. Nó vẫn còn mang cái chăn theo trong túi, nên chúng tôi đồng ý với nhau là tôi sẽ hủy nó đi. Nó bị kích động đến cực độ, và tôi biết chắc là nó sẽ gục ngay từ lúc đầu bị thanh tra Petersen thẩm vấn. Tôi biết là nếu viên thanh tra tập trung cuộc điều tra vào nó thì thế là hết. Và tôi biết là muốn cấy được cái giả thuyết về kẻ giết người hàng loạt vào đầu ông ta thì tôi phải cung cấp cho ông ta vụ giết người thứ hai càng sớm càng tốt. May mắn thay, trong cuộc nói chuyện giữa chúng ta, anh đã cho tôi ý tưởng tôi đang cần, khi chúng ta nhắc đến những án mạng không nhận ra được - án mạng không ai cho là án mạng. Một vụ án mạng thực sự không nhận ra được, tôi nhìn ngay ra, không cần phải là án mạng thực thụ.”