Ôlivơ Tuýt - Chương 04

CHUƠNG IV

ÔLIVƠ ĐƯỢC GIAO MỘT CÔNG VIỆC KHÁC VÀ LẦN ĐẦU TIÊN BƯỚC VÀO TRƯỜNG ĐỜI

Trong các gia đình quý tộc, khi một chàng trai đến tuổi trưởng thành không thể có được một địa vị có lợi, hoặc bằng cách chiếm hữu thu hồi, thừa kế, hay trông đợi, thì có một thói quen rất phổ biến là cho cậu ta đi biển. Ban quản trị bắt chước cái tấm gương khôn ngoan và bổ ích như vậy, họp bàn về biện pháp cho Ôlivơ Tuýt đi biển trên một chiếc tàu buôn nhỏ nào đó đi đến một hải cảng tai hại cho sức khoẻ; Điều này được xem là điều tốt nhất đối với nó. Rất có thể ông thuyền trưởng một ngày nào đó sau bữa ăn, trong khi cao hứng sẽ lấy roi quật nó chết, hay sẽ lấy một thanh sắt nện nó phọt óc; cả hai thứ tiêu khiển này, như người ta thừa biết, là những cách giải trí rất thích thú và thông thường nhất đối với hạng người này. Ban quản trị càng xét vấn đề theo quan điểm này càng thấy kế hoạch này có nhiều ưu điểm. Cho nên họ đã đi đến kết luận là cách duy nhất đảm bảo tương lai cho Ôlivơ là cho nó đi biển ngay lập tức. Người ta đã phái ông Bâmbân đi điều tra sơ bộ để tìm một ông thuyền trưởng hay một người nào đó muốn có một chú bồi tàu không có bạn bè gì hết rồi trở về nhà tế bần báo cho biết kết quả công việc của mình. Bỗng ông bắt gặp ở cổng không phải ai xa lạ mà chính là ông Xaoơberi, người kinh doanh đám ma của địa phận.

Ông Xaoơberi là một người cao lớn, xương xương, to vóc, mặc một bộ đồ đen đã sờn chỉ, đi tất vải mạng lại cũng màu đen, và đôi giày cũng như vậy. Nét mặt của ông không phải bẩm sinh là để mang cái vẻ tươi tắn, nhưng nói chung ông thường thiên về sự vui nhộn theo nghề nghiệp mình. Bước đi của ông nhún nhẩy và gương mặt biểu lộ thái độ hài lòng ở trong thâm tâm, khi ông bước đến gần ông Bâmbân thân mật bắt tay ông ta.

“Tôi đã đo kích thước hai người đàn bà vừa chết tối qua, ông Bâmbân ạ”, ông kinh doanh đám ma nói.

“Ông sẽ phát tài đấy, ông Xaoơberi ạ”, ông tư tế vừa nói vừa thọc ngón tay cái và ngón tay trỏ vào cái tút thuốc lá hít mà người kinh doanh đám ma đưa ra mời ông - cái túi này là một khuôn mẫu ngộ nghĩnh nhỏ bé của một cái quan tài. “Này ông Xaoơberi, ông sẽ phát tài đấy”, ông Bâmbân nhắc lại, lấy gậy gõ gõ thân mật lên vai người kinh doanh đám ma.

“Ông tưởng thế à?”, ông kinh doanh đám ma nói, giọng nửa tán thành nửa tranh cãi về chỗ khả năng này có thể xảy ra. “Ông Bâmbân ơi, ban quản trị trả rẻ lắm!”

“Thì quan tài cũng chẳng to lớn gì”, ông tư tế đáp lại, vẻ mặt như sắp cất tiếng cười, hệt như kiểu cách mà một vị viên chức cao cấp thường phải có.

Ông Xaoơberi nghe vậy rất khoái trá; điều đó là dễ hiểu và ông bật cười khanh khách một hồi lâu. “Chuyện ông Bâmbân ơi”, cuối cùng ông ta nói, “quả tình từ khi ban hành chế độ ăn uống mới thì quan tài cũng chật hơn và nông hơn trước; nhưng chúng tôi phải có lãi chứ, ông Bâmbân. Gỗ chịu đựng được lâu là vật tốn kém, thưa ông, và tất cả các tay cầm bằng sắt đều là chở theo đường sông đào từ Biaminhêm đến đấy”.

“Chuyện, nghề nào chẳng có những điều bất tiện của nó”, ông Bâmbân nói, “cố nhiên là có thể có lãi kha khá”.

“Cố nhiên, cố nhiên”, ông kinh doanh đám ma nói: “nếu không kiếm được lời về khoản này hay khoản nọ thì về lâu về dài tôi cũng bù đắp lại được, ông tư tế ạ - hì, hì, hì!”.

“Đúng thế đấy”, ông Bâmbân nói.

“Mặc dầu tôi phải nói”, ông kinh doanh đám ma nói tiếp, quay trở lại những nhận xét mà ông tư tế vừa ngắt quãng, “mặc dầu tôi phải nói; ông Bâmbân ạ, tôi đã phải đương đầu với một điều bất lợi rất to lớn. Đó là những dân đẫy lại xéo sớm nhất. Những dân đã từng sống sung túc và đã từng phải đóng thuế ở địa phương trong nhiều năm lại là những dân gục đầu tiên khi họ bước vào nhà này. Này ông Bâmbân, nói thực với ông, ba bốn insơ (6) vượt quá sự quy định là một lỗ hổng tướng trong tiền lãi, nhất là khi người ta phải nuôi vợ con, ông ạ”.

(6) Đơn vị đo chiều dài của Anh, bằng 2,54 cm

Vì ông Xaoơberi nói thế, với thái độ phẫn nộ đúng chỗ của một con người bị bạc đãi, và vì ông Bâmbân cảm thấy lối trò chuyện này xem ra làm thiệt hại đến danh dự của địa phận, do đó ông thấy nên thay đổi đầu đề câu chuyện thì hơn. Vì đầu óc của ông cứ băn khoăn về Ôlivơ Tuýt, nên ông lấy nó ra làm đầu đề câu chuyện.

Ông Bâmbân vừa nói, vừa giơ gậy chỉ tờ yết thị ở trên đầu ông, và gõ ba cái rõ mồn một lên những chữ “năm bảng viết to tướng bằng chữ cái hoa.

“Lạy Chúa!” Ông kinh doanh đám ma nói, túm lấy cái vạt áo viền kim tuyến của chiếc áo lễ phục của ông ta. “Đó chính là câu chuyện tôi định nói với ông. Trời ơi, ông Bâmbân, cúc đâu mà đẹp thế này! Trước đây tôi chưa bao giờ chú ý đến đấy”.

“Đúng thế, tôi thấy nó cũng khá đẹp”, ông tư tế nói, kiêu hãnh đưa mắt nhìn xuống những cúc đồng to tướng tô điểm cho chiếc áo ngoài của mình. “Dấu hiệu của nó cũng hệt như con dấu của địa phận - người Xamaritanh tốt bụng chữa bệnh cho người ốm đau và bị thương tật. Ông Xaoơberi ơi, ban quản trị cho tôi sáng ngày đầu năm mới đấy. Tôi nhớ tôi mặc nó lần đầu tiên để dự việc điều tra về người bán hàng đã phá sản chết ở ngưỡng cửa vào lúc nửa đêm”.

“Tôi nhớ rồi”, ông kinh doanh đám ma nói. “Ban hội thẩm đã điều tra và kết luận. Chết vì ở ngoài lạnh và không có những phương tiện thông thường để sinh sống, có phải không nào?”

Ông Bâmbân gật đầu.

“Và hình như họ đã đưa ra một nhận định đặc biệt”, ông kinh doanh đám ma nói, “bằng cách thêm mấy chữ là giá con người trông coi những người nghèo...”

“Im đi! Bậy nào!” Ông ngắt lời. “Nếu ban quản trị chú ý tới tất cả những chuyện vớ vẩn mà các bố hội thẩm ngu ngốc kia nói thì công việc có mà ngập đến tận cổ.”

“Đúng thế”, ông kinh doanh đám ma nói, “ngập đến cổ thật.”

“Các bố hội thẩm”, ông Bâmbân nói, nắm chặt lấy cái gậy, như ông vẫn làm mỗi khi nổi giận, “bọn hội thẩm là bọn ngu dốt, hèn hạ, khốn nạn thảm hại.”

“Đúng thế đấy”, ông kinh doanh đám ma nói.

“Và tất cả triết học và kinh tế chính trị học của họ chẳng qua chỉ như thế này thôi”, ông tư tế vừa nói vừa búng tay nghe cách một cái rất khinh bỉ.

“Chẳng hơn thế đâu”, ông kinh doanh đám ma tán thành.

“Tôi khinh họ”, ông tư tế nói, mặt đỏ bừng bừng.

“Tôi cũng thể”, ông kinh doanh đám ma họa theo.

“Tôi chỉ muốn chúng tôi có một hội đồng bồi thẩm độc lập đến nhà chúng tôi trong một hoặc hai tuần”, ông tư tế nói. “Những quy tắc và những điều lệ của ban quản trị chẳng bao lâu sẽ làm cho họ thấy được phải trái”.

“Thôi mặc xác họ”, ông kinh doanh đám ma đáp. Nói đoạn, ông mỉm cười có vẻ tán thành để làm cho ông viên chức của địa phận đang phẫn nộ dịu bớt cơn giận bừng bừng.

Ông Bâmbân cất cái mũ ba góc, lấy khăn tay ở phía trong chiếc mũ, lau mồ hôi trán đổ đầm đìa vì cơn giận lôi đình. Sau đó, ông ta lại đội cái mũ ba góc lên, và quay về phía ông kinh doanh đám ma, nói giọng bình tĩnh hơn:

“Chuyện, còn thằng bé thế nào?”

“Ôi chao!” Ông kinh doanh đám ma đáp. “Ông Bâmbân ơi, ông biết tôi đã phải trả khối tiền thuế để nuôi người nghèo rồi.”

“Hèm!”. Ông Bâmbân đáp. “Thế rồi sao?”.

“Có gì đâu”, ông kinh doanh đám ma đáp, “Ông Bâmbân ạ, tôi nghĩ rằng nếu tôi trả cho họ một xứ tiền như vậy thì tôi cũng có quyền bắt họ kiếm cho tôi càng nhiều tiền càng tốt. Và vì vậy, tôi thấy tôi sẽ nhận thằng bé”.

Ông Bâmbân nắm chặt lấy tay ông kinh doanh đám ma, và dẫn ông ta vào ngôi nhà. Ông Xaoơberi hỏi riêng với ban quản trị trong vòng năm phút; và người ta thu xếp, là chiều tối hôm ấy Ôlivơ phải đến nhà ông ta “theo sở thích của mình”, câu này đối với trường hợp một anh học nghề ở địa phận, có nghĩa là nếu ông chủ sau khi thử thách một thời gian ngắn, thấy ông ta có thể bắt một thằng bé làm khá nhiều việc mà không phải nhét vào bụng nó nhiều thức ăn cho lắm thì ông ta sẽ giữ nó ở nhà mình trong một vài năm và muốn đối xử với nó như thế nào cũng được.

Chiều hôm ấy, Ôlivơ được đưa đến trước “các vị” và người ta tuyên bố là tối hôm đó nó phải đi làm đứa sai vặt của một người làm quan tài. Còn nếu nó than phiền về tình cảnh của mình hay lớ xớ quay trở lại địa phận, nó sẽ bị đưa ra biển để bị nhận chìm hay nện vào giữa đầu. Nghe vậy, Ôlivơ tỏ ra ít xúc động đến nỗi mọi người nhất trí gọi nó là một thằng bé mất dạy cứng cổ và ra lệnh cho ông Bâmbân lôi nó đi ngay lập tức.

Mặc dầu hoàn tòan tự nhiên hơn tất cả mọi người trên đời, ban quản trị phải cảm thấy sửng sốt và khủng khiếp khi có những dấu hiệu nhỏ nhất cho thấy một con người nào đó đã mất hết cảm xúc, nhưng trong trường hợp đặc biệt này, họ lại không làm thế. Sự thực là Ôlivơ không phải là đứa không biết cảm xúc, trái lại nó có quá nhiều cảm xúc, nhưng do kết quả của lối đối xử tàn tệ, nó đã rơi vào tình trạng ngốc nghếch đần độn và lầm lì cho đến suốt đời. Nó nghe báo tin về số phận mới của nó với thái độ hoàn tòan im lặng. Và sau khi cầm lấy gói hành lý của mình - gói này chẳng phải khó mang gì vì chỉ vẻn vẹn là một gói giấy vuông màu nâu mà thôi, rộng và dài độ nửa phút (7) và sâu ba insơ, nó kẻo cái mũ lưỡi trai che lấp đôi mắt; và một lần nữa nó lại bám lấy cổ tay áo của ông Bâmbân và được vị quan chức này dẫn đi tới một cảnh hành hạ mới.

(7) Đơn vị đo chiều dài của Anh, bằng 0,3048m.

Trong một thời gian, ông Bâmbân cứ lôi Ôlivơ đi không nói nửa lời, bởi vì ông tư tế ngẩng đầu rất cao - như một ông tư tế bao giờ cũng phải làm thế - và vì ngày hôm ấy lộng gió, cậu bé Ôlivơ hoàn tòan bị che phủ bởi tà áo của ông Bâmbân mỗi khi gió thổi tung tà áo lên để lộ một cách rất có lợi cho ông chiếc gilê có vạt thõng xuống và cái quần nhung tuyết dài màu nâu ngắn đến đầu gối. Tuy vậy, khi hai người đến gần địa điểm mới, ông Bâmbân thấy cũng nên cúi xuống nhìn để chú ý sao cho thằng bé trông tàm tạm một chút trước mắt ông chủ mới của nó. Và ông làm điều đó với vẻ mặt và dáng điệu bệ vệ của một người che chở nhân từ.

“Ôlivơ!”, ông Bâmbân nói.

“Dạ, thưa ông có gì ạ”, Ôlivơ đáp, giọng khe khẽ, run run.

“Kéo cái mũ lưỡi trai lên đừng để nó che mắt, và ngẩng đầu lên, ông ơi”.

Ôlivơ thực hiện điều yêu cầu ngay lập tức, và lấy cái sống bàn tay còn tự do đưa nhanh qua đôi mắt, nhưng khi nó ngẩng lên nhìn người dẫn đường, nó vẫn để một giọt nước mắt long lanh nơi khóe mắt. Khi ông Bâmbân nhìn nó trân trân, giọt nước mắt chảy xuống má. Tiếp theo là một giọt nước mắt nữa, và một giọt nước mắt nữa. Thằng bé cố hết sức nín khóc, nhưng không được. Rút bàn tay kia ra khỏi bàn tay ông Bâmbân, nó lấy hai tay che mặt, và khóc cho đến khi những giọt nước mắt tuôn trào từ giữa cái cằm và những ngón tay xương xẩu.

“Hay nhỉ!”, ông Bâmbân thốt lên, đứng phắt lại, và ném cho thằng bé ông trông coi một cái nhìn rất tàn nhẫn. “Hay nhỉ! Trong số tất cả những thằng bé vô ơn nhất, hư hỏng nhất mà tao biết được thì mày, Ôlivơ, mày là cái...”

“Thưa ông, không, không”, Ôlivơ khóc rưng rức, bám lấy bàn tay nắm cây gậy nổi tiếng. “Thưa ông, không đâu ạ. Con rất muốn làm một đứa bé ngoan, muốn lắm chứ, muốn lắm, con sẽ là đứa bé ngoan, thưa ông. Thưa ông, con là một đứa bé rất nhỏ, và bởi vì... vì...”

“Vì cái gì?”, ông Bâmbân sửng sốt hỏi.

“Ông ơi, cô độc thế này! Cô độc quá!” Thằng bé kêu lên. “Mọi người đều căm ghét con. Ôi chao! Ông đừng giận con!” Thằng bé lấy tay đập vào tim, và nhìn vào mặt của người bạn cùng đi, nước mắt nó giàn giụa trông rất thiểu não.

Ông Bâmbân nhìn vẻ mặt thảm hại và tội nghiệp của Ôlivơ trong vài giây, hơi sửng sốt, dặng hắng hai ba tiếng với giọng khản đặc, rồi lẩm bẩm điều gì đó về “bệnh ho rắc rối”, ông bảo Ôlivơ lau mắt cho khô và cố mà làm một đứa bé ngoan. Sau đó, một lần nữa nắm lấy tay nó, ông lặng lẽ dắt nó bước đi.

Ông kinh doanh đám ma vừa đóng những cánh cửa chớp cửa hiệu, đang vào sổ chi thu hàng ngày dưới ánh ngọn nến rất bất tiện thì bỗng ông Bâmbân bước vào.

“À há!”, ông kinh doanh đám ma nói, ngước mắt khỏi quyển sổ, và dừng viết ở giữa chữ, “ông Bâmbân đấy à?”

“Còn ai nữa, ông Xaoơberi”, ông tư tế đáp. “Đây, tôi đã dẫn thằng bé đến cho ông”. Ôlivơ cúi chào.

“Ô, thằng bé ấy đấy à?”, ông kinh doanh đám ma nói, giơ cao ngọn nến quá đầu để nhìn Ôlivơ cho rõ hơn. “Bà Xaoơberi, bà chịu khó lại đây một lát nào”.

Bà Xaoơberi từ một phòng nhỏ đằng sau cửa hiệu bước ra, và đó là một người đàn bà thấp lùn, gày quắt lại, mặt mày đanh đá.

“Em ạ”, ông Xaoơberi kính cẩn nói, “đây là thằng bé ở nhà tế bần mà anh đã nói với em”.

Ôlivơ lại cúi chào.

“Trời ơi!”. Bà vợ ông kinh doanh đám ma nói. “Nó bé quá”.

“Phải đấy, nó cũng hơi bé”, ông Bâmbân đáp và nhìn Ôlivơ như thể thân hình không lớn được hơn cũng là lỗi của nó. “Nó bé nhỏ. Điều đó là hiển nhiên. Nhưng bà Xaoơberi ạ, nó sẽ lớn. Nó sẽ lớn thôi mà”.

“Ôi chao! Cố nhiên là nó sẽ lớn lên”, bà chủ nói, giọng cáu kỉnh, “bằng cách chén cơm của chúng ta. Tôi thấy những đứa trẻ ở địa phận không đem đến lợi lộc gì, bởi vì nuôi chúng thì tốn mà làm việc thì tồi. Nhưng đàn ông bao giờ cũng cho mình thông thạo hơn. Thôi, bước xuống cầu thang đi, đồ da bọc xương”.

Nói đoạn, bà vợ ông kinh doanh đám ma mở cánh cửa nách, và đẩy Ôlivơ xuống một cầu thang dốc đứng dẫn vào căn hầm đá, ẩm ướt và tối đen. Đó là một phòng nằm trước hầm than và được mệnh danh là “nhà bếp”; trong phòng có một cô gái đang ngồi, cô ta ăn mặc bẩn thỉu, đi đôi giày vẹt đế, đôi tất len màu xanh đã rách bươm.

“Saclôt, đây này”, bà Xaoơberi nói, bà đã đi theo Ôlivơ xuống bếp. “Cho thằng bé này một ít thịt nguội định dành cho T’rip. Anh ta đi suốt từ sáng mà không thấy về vì vậy có thể không ăn đâu. Thằng này chẳng phải loại khảnh ăn và sẽ ăn, có phải không nào, cậu kia?”.

Ôlivơ nghe nhắc đến thịt thì mắt sáng lên và đang run run vì nóng ruột muốn ăn ngấu nghiến, trả lời là không; và một đĩa đầy những thức ăn thừa nham nhở được đặt trước mặt nó.

Nếu có một nhà triết học nào mà thức ăn uống trong dạ dày của ông đã biến thành mật thực đắng, máu ông ta là băng giá, tim ông ta là sắt đá thì tôi mong ông ta có dịp ngắm nhìn Ôlivơ Tuýt đang vớ ăn ngấu nghiến những thức ăn tầm thường mà chó đã hờ hững không thèm đoái hoài. Tôi mong ông ta có dịp chứng kiến tình trạng háu đói khủng khiếp đã khiến Ôlivơ trong cơn đói hung dữ đã cắn những mẩu thịt. Lại có một điều mà tôi còn muốn nhìn hơn nữa đó là chính nhà triết học này cũng xơi một bữa ăn như thế với sự hào hứng như thế.

“Thế nào”, bà vợ ông kinh doanh đám ma nói, sau khi Ôlivơ đã chén xong bữa ăn tối, nãy giờ bà vẫn yên lặng và hoảng sợ, ngắm nhìn lối ăn uống ngon lành của nó sẽ gây cho bà những điều lo sợ trong tương lai: “Ăn xong chưa?” Thấy không còn gì có thể ăn được nữa, Ôlivơ trả lời là xong.

“Thế đi theo tao”, bà Xaoơberi bảo, và sau khi cầm một cái đèn mờ mờ và bẩn thỉu, bà dẫn nó lên gác và nói. “Giường này là ở dưới quầy hàng. Mày không sợ ngủ giữa các quan tài chứ? Nhưng dù muốn hay không cũng vô ích, mày không thể ngủ ở chỗ nào khác. Đi đi, đừng bắt tao phải ngồi đây suốt cả đêm”.

Ôlivơ không chần chừ nữa, nó ngoan ngoãn đi theo bà chủ mới.