Ôlivơ Tuýt - Chương 05

CHƯƠNG V

ÔLIVƠ QUEN VỚI NHỮNG BẠN ĐỒNG NGHIỆP MỚI, LẦN ĐẦU TIÊN ĐI DỰ MỘT ĐÁM MA, NÓ CÓ MỘT KHÁI NIỆM KHÔNG HAY VỀ CÔNG VIỆC CỦA ÔNG CHỦ

Ôlivơ còn lại một mình trong cửa hiệu của ông kinh doanh đám ma, đặt chiếc đèn trên ghế bào, và len lét nhìn quanh vừa khiếp vừa sợ điều mà những người lớn tuổi hơn nó nhiều sẽ hiểu không khó khăn gì. Một chiếc quan tài chưa đóng xong đặt trên những cái mễ đen ngòm, nằm lù lù giữa phòng trông dễ sợ và chết khiếp đến nỗi mỗi khi mắt nó nhìn về hướng cái vật quái ác kia thì nó lại rùng mình lạnh toát cả người. Nó cứ tưởng thấy một bóng người dễ sợ từ từ thò đầu ra, làm cho nó sợ chết khiếp. Một dãy dài những tấm gỗ có hình dáng như nhau được dựng bằng bặn vào tường dưới ánh đèn lù mù, trông cứ như một lũ ma to, hai tay đút túi quần. Những ván quan tài, những vỏ bào gỗ du, những cái đinh có đầu sáng loáng, và những mảnh vải đen nằm rải rác trên sàn. Bức tường đằng sau quầy lại được trang trí bằng một bức tranh sinh động miêu tả hai người khóc mướn mang khăn quàng cứng đờ đứng ở cửa ra vào của một nhà tư nhân và gần đấy là một chiếc xe tang do bốn con ngựa đen kéo. Cửa hiệu ngột ngạt và nóng. Bầu không khí hình như nhuốm mìn quan tài. Cái hốc dưới quầy trong đó người ta nhét nệm bông của nó trông như một cái huyệt.

Nhưng không phải đó là những cảm giác buồn bã duy nhất làm Ôlivơ nản chí. Nó cô độc ở một nơi kỳ quặc, và tất cả chúng ta đều biết trong những tình cảnh như thế, những người ưu tú nhất trong chúng ta đôi khi cũng cảm thấy bơ vơ và bất hạnh như thế nào. Thằng bé không có bạn bè để săn sóc hay để chăm nom nó. Nó thấy vấn vương nuối tiếc cuộc chia ly vừa qua, tim nó nhói đau khi không hề thấy lưu lại một gương mặt thân thương và khắc sâu ghi nhớ. Lòng nó nặng trĩu, và khi bò vào cái giường chật hẹp, nó mong ước rằng đây là quan tài của nó, rằng nó có thể nằm ngủ một giấc yên tĩnh và vĩnh viễn ở ngoài nghĩa địa, giữa đám cỏ cao phe phẩy dịu dàng ở trên đầu và tiếng trầm trầm của cái chuông đã cũ ru nó trong giấc ngủ.

Buổi sáng, một cái đá dữ dội ở ngoài cửa hiệu làm Ôlivơ bừng tỉnh dậy. Trước khi nó kịp hối hả mặc quần áo thì những cái đá lại lặp lại, hung tợn và dữ dội khoảng hai mươi lăm lần. Khi nó bắt đầu cất cái xích thì cái chân ngừng đá, và một giọng nói bắt đầu lên tiếng.

“Có mở cửa không nào?” Tiếng nói của bộ giò đã đá ở ngoài cửa quát lên.

“Thưa ông, con mở cửa ngay đây ạ”, Ôlivơ vừa đáp vừa tháo cái xích và vặn chìa khoá.

“Mày là thằng bé mới đến có phải không nào?” Tiếng nói vang lên qua lỗ khoá.

“Thưa ô, vâng ạ”, Ôlivơ đáp.

“Mày mấy tuổi?”, tiếng nói hỏi.

“Thưa ông, mười tuổi ạ”, Ôlivơ đáp.

“Thế thì tao sẽ nện mày khi tao bước vào”, tiếng nói quát “mày chờ xem có đúng không, có thế thôi, thằng nhóc ở nhà tế bần kia”.

Sau khi hứa hẹn tử tế như thế, hắn bắt đầu huýt sáo.

Ôlivơ đã quá quen với cái quá trình được gọi bằng chữ nện ngắn ngủi rất gợi cảm kia, nên nó không mảy may ngờ vực về chỗ người nói nó, bất kỳ anh ta là ai, cũng sẽ thực hiện lời đe dọa của mình. Tay run run nó kéo then và mở cửa.

Trong một hai giây, Ôlivơ đưa mắt nhìn ra ngoài đường, hết liếc đằng này, đằng kia đường, lại nhìn qua bên kia đường: nó tưởng chừng con người lạ mặt, vừa nói với nó qua lỗ khoá, đã bước đi vài bước để sưởi ấm. Bởi vì nó quả thực chẳng thấy ai ngoài một thằng bé đẫy người ở nhà bố thí, đang ngồi trên một cái cột trụ ở trước mặt nhà, miệng nhai một khoanh bánh mì phết bơ. Hắn lấy một con dao nhíp cắt miếng bánh mì ra thành những hình tam giác, vừa với cái miệng của hắn, rồi hắn ngấu nghiến.

“Tôi xin lỗi ông”, cuối cùng Ôlivơ nói, khi nhìn thấy không có ông khách nào khác xuất hiện, “có phải ông gõ cửa đấy không?”

“Tao đá đấy”, thằng bé ở nhà bố thí nói.

“Thưa ông, có phải ông cần một cỗ quan tài không ạ?”, Ôlivơ hỏi, ngây thơ. Nghe nói thế thằng bé ở nhà bố thí tỏ ra hung tợn và nói rằng nếu như nó dám đùa nghịch với bề trên như thế thì chẳng bao lâu nữa Ôlivơ sẽ được một cỗ quan tài.

“Chắc mày không biết tao là ai, đồ con hoang kia?”

Thằng bé ở nhà bố thí vừa nói tiếp vừa oai nghiêm bệ vệ rời khỏi cái cột trụ.

“Thưa ông, không ạ”, Ôlivơ nói.

“Tao là Cậu Nâu Klâypâulơ”, thằng bé ở nhà bố thí nói, “còn mày thì ở dưới quyền tao. Mở những cánh cửa chớp ra đồ trẻ lưu manh lười biếng kia”.

Nói đoạn Cậu Klâypâulơ cho Ôlivơ một đá và bước vào cửa hiệu với dáng điệu bệ vệ, và điều đó làm vinh dự cho hắn. Một thằng bé đầu to, mắt ti hí, người thô và mặt thộn thì khó lòng tỏ ra bệ vệ trọng bất cứ trường hợp nào; và lại càng thế khi thêm vào những vẻ hấp dẫn cá nhân này còn có một cái mũi đỏ và cái quần bó ống màu vàng.

Ôlivơ sau khi tháo các cánh cửa mặt hàng xuống để khiêng đến một cái sân nhỏ cạnh nhà, nơi để những cánh cửa này ban ngày, đã đánh vỡ một tấm kính khi loạng choạng khiêng chiếc cánh cửa nặng trĩu đầu tiên. Nâu đã có lòng tốt giúp đỡ nó: sau khi an ủi nó bằng cách nói rằng nó nhất định sẽ phải “ăn đòn”, Nâu đã hạ cố giúp đỡ Ôlivơ.

Sau đó một lát, ông Xaoơberi đến. Mấy phút sau bà Xaoơberi xuất hiện. Ôlivơ đã “ăn đòn”, đúng như lời tiên đoán của Nâu, sau đó đã đi theo hắn xuống bếp để ăn sáng.

“Anh Nâu, anh hãy đến gần bếp”, Saclôt nói. “Em đã dành một khoanh thịt mỡ lấữa ăn sáng của ông chủ cho anh đấy, Ôlivơ, đóng cửa ở phía sau lưng cậu Nâu lại và ăn những mẩu thức ăn thừa tao để trên nắp xuống đi. Có nước chè của mày đấy. Mang nó đến cái hòm đằng kia rồi ngồi đấy mà uống. Và nhanh nhanh lên vì người ta còn cần mày trông cửa hiệu. Nhớ chưa?”.

“Thằng con hoang kia, mày nhớ chưa?”, Nâu Klâypâulơ nói.

“Trời ơi anh Nâu!”, Saclôt nói. “Anh kỳ thật! Tại sao anh không để cho thằng bé yên thân?”.

“Để cho nó yên thân à?”, Nâu nói. “Thì mọi người đã để cho nó yên thân rồi đấy chứ, đúng không nào? Cha nó, mẹ nó sẽ chẳng bao giờ đụng chạm đến nó. Bà con họ hàng để mặc xác nó. Đúng không nào, Saclôt? Hì, hì, hì”.

“Ôi chao, anh kỳ cục quái”, Saclôt nói, phá lên cười giòn giã, và Nâu cũng cười theo; sau đó hai người khinh bỉ nhìn Ôlivơ Tuýt tội nghiệp, trong khi nó đang ngồi run lẩy bẩy trên cái hòm trong góc nhà lạnh nhất, và ăn những máu bánh cũ để dành riêng cho nó.

Nâu là một thằng bé ở nhà bố thí, nhưng không phải là một đứa trẻ mồ côi. Hắn cũng không phải là một đứa bé nhặt được, vì có thể lần ra dòng dõi của nó; cha mẹ hắn ở cạnh ngay đấy, mẹ hắn là thợ giặt còn cha hắn là một người lính say rượu, bị thải với một cái chân gỗ, một số tiền lương hưu mỗi ngày hơn hai penni rưỡi một chút. Những thằng bé coi cửa hàng ở gần đấy bấy lâu vẫn quen mắng nhiếc Nâu ở ngoài đường nào là “đồ ăn bám”, “đồ bố thí”, vân vân và Nâu vẫn cắn răng chịu. Nhưng bây giờ, trên đường đi của hắn may sao cũng có thể chỉ trỏ khinh bỉ, nên hắn đắc chí dùng thằng bé để trả thù. Đây đúng là một dịp tốt để người ta suy nghĩ. Nó chứng tỏ cho chúng ta thấy bản tính con người có thể thành một vật đẹp đẽ như thế nào; và những phẩm chất quý hóa này phát triển ở vị hầu tước cao quý nhất cũng như ở thằng bé nhà bố thí bẩn thỉu nhất.

Ôlivơ sống ở nhà người kinh doanh đám ma độ ba tuần hay một tháng. Ông bà Xaoơberi đóng cửa hiệu xong, đang ngồi ăn tối tại phòng khách nhỏ phía sau. Bỗng ông Xaoơberi sau khi tôn kính liếc nhìn bà vợ mấy lần, bắt đầu nói:

“Bà mày ạ...”, ông đang định nói thêm nữa, nhưng thấy bà Xaoơberi ngước mắt lên, vẻ rất khó chịu, nên ông ngừng bặt.

“Việc gì thế?”, bà Xaoơberi nói gắt gỏng.

“Chẳng có gì cả, bà mày ạ, chẳng có gì cả”, ông Xaoơberi nói.

“Ngốc ơi là ngốc!”. Bà Xaoơberi nói.

“Bà mày ạ, có gì đâu”, ông Xaoơberi khiêm tốn nói. “Tôi cứ tưởng là bà mày muốn nghe. Tôi vừa định nói...”.

“Ôi chao, đừng bảo tôi những điều ông định nói nữa”, bà Xaoơberi nói xen vào. “Tôi có là cái thá gì đâu, xin ông đừng hỏi ý kiến tôi. Tôi không muốn xen vào những điều bí mật của ông”. Bà Xaoơberi vừa nói như vậy vừa buông ra một tiếng cười ghê rợn đe dọa dẫn tới những hậu quả quan trọng.

“Nhưng bà mày ạ, tôi muốn hỏi ý kiến bà”.

“Không, ông đừng có hỏi ý kiến tôi”, bà Xaoơberi đáp vẻ vờ vĩnh, “ông hãy hỏi ý kiến một người nào khác”. Đến đây, lại vang lên một tiếng cười cuồng loạn làm ông Xaoơberi hoảng hồn. Đây là một cách nói chuyện với chồng rất thông thường, rất được tán thưởng và thường là rất có hiệu quả. Nó lập tức biến ông Xaoơberi thành một kẻ để được đặc ân nói những điều mà bà Xaoơberi hết sức tò mò muốn nghe. Sau một cuộc cãi cọ ngắn không đầy bốn mươi lăm phút, bà hết sức ân cần cho phép ông nói.

“Bà mày ạ, đó là về thằng Tuýt ấy mà”, ông Xaoơberi nói. “Bà mày ạ, thằng bé mặt mày rất dễ coi đấy chứ?”

“Còn gì nữa, vì nó chén khá lắm”, bà chủ nhận xét.

“Bà mày ạ, mặt nó trông buồn buồn”, ông Xaoơberi nói tiếp “cái đó là rất hay. Nó sẽ đóng vai một người đưa ma rất tuyệt diệu, bà mày ạ”.

Bà Xaoơberi ngước mắt nhìn có vẻ hết sức sửng sốt. Ông Xaoơberi nhận thấy điều đó. Và không để cho bà vợ quý hóa có thì giờ đưa ra nhận xét gì, ông nói tiếp.

“Tôi không nói đến người khóc mướn thông thường vẫn đi theo sau chiếc xe tang của những người lớn đâu, bà mày ạ mà chỉ để đi đưa những đám ma trẻ con thôi. Có được một thằng bé đưa ma cùng tuổi với thằng bé chết thì thật là một điều rất mới mẻ, bà mày ạ. Bà mày cứ yên trí, kết quả sẽ không chê được”.

Bà Xaoơberi là người có sẵn một thị hiếu tuyệt diệu trong nghề kinh doanh đám ma, cho nên rất chú ý tới ý kiến mới mẻ này. Nhưng trong tình hình hiện nay, nếu tán thành ngay ý kiến của chồng thì sẽ hóa ra giảm mất uy tín của mình, do đó bà chỉ hỏi, giọng rất khó chịu, tại sao một điều hiển nhiên như thế mà trước đây ông chồng lại không nghĩ ra? Ông Xaoơberi căn cứ vào đó kết luận rất đúng rằng bà vợ đã đồng ý với đề nghị của mình. Và người ta quyết định nhanh chóng rằng thằng bé do đó sẽ được giới thiệu ngay lập tức về những điều bí mật của nghề nghiệp và để thực hiện ý định ấy, Ôlivơ sẽ phải đi theo ông chủ có dịp đầu tiên.

Cơ hội đến chẳng lâu la gì. Sáng hôm sau nửa giờ sau bữa ăn điểm tâm, ông Bâmbân bước vào hiệu; chống chiếc gậy vào quầy hàng, ông rút cái ví da to tướng ra và lôi ra một tờ giấy nhỏ, trao nó cho ông Xaoơberi.

“A!”, ông kinh doanh đám ma nói, và khi đưa mắt nhìn tờ giấy, vẻ mặt tươi hẳn lên, “mua một cỗ quan tài phải không?”

“Trước tiên là một cỗ quan tài, và sau đó là chôn cất, phí tổn do địa phận chịu”, ông Bâmbân đáp, rồi thắt lại dây cái ví, cũng phị như ông.

“Bâytân”, người kinh doanh đám ma nói, mắt rời khỏi mẫu giấy ngước nhìn ông Bâmbân. “Trước đây tôi chưa nghe nói đến cái tên này đấy”.

Ông Bâmbân lắc đầu trả lời: “Dân bướng đấy, ông Xaoơberi ạ, rất bướng. Tôi sợ lại kiêu hãnh nữa đấy, ông ạ”.

“Kiêu hãnh à?” Ông Xaoơberi kêu lên, cười khinh khỉnh. “Ôi chao, thế thì quá lắm”.

“Ô, thực đến là chán”, ông tư tế nói. “Chả ra sao cả, ông Xaoơberi ạ”.

“Chứ gì nữa”, ông kinh doanh đám ma tán thành.

“Tôi chỉ nghe nói đến gia đình này vào tối hôm kia thôi”, ông tư tế nói: “ngay lúc đó lẽ ra chúng tôi cũng không biết gì về họ nếu như không có một người đàn bà cũng ở trong nhà này đến nhờ ban quản trị địa phận cho ông thầy thuốc ở địa phận đến thăm một bà ốm nặng. Ông thầy thuốc đi ăn bữa chiều ở ngoài; nhưng người học nghề của ông ta (cậu ta là người rất nhanh nhẹn) gửi ngay cho họ một ít thuốc trong một chai gắxi”.

“Nhanh gọn quá”, người kinh doanh đám ma nói.

“Nhanh thì có nhanh!”, ông tư tế nói. “Nhưng ông có biết kết quả thế nào không; hành vi vô ơn của bọn ăn cướp kia là như thế nào không? Thằng chồng nhờ người nói lại là thứ thuốc này không hợp với bệnh của vợ mình và vì vậy vợ hắn sẽ không uống ông hiểu chưa, vợ hắn sẽ không uống đâu. Thuốc người ta tốt, bổ khoẻ, có công hiệu chỉ mới một tuần trước thôi đã đưa hai người lao công Airơlân, và một người khuân vác than đá uống rất có kết quả - lại cho không, đựng trong một cái chai gắn xi - thế mà hắn nói lại là vợ hắn sẽ không uống, ông nghe chưa!”

Vì thái độ quái gở của hành vi này đập mạnh vào óc ông Bâmbân, ông lấy gậy nện mạnh vào quầy hàng, mặt đỏ bừng vì phẫn nộ.

“Hừ”, người kinh doanh đám ma nói, “Tôi-không-bao- giờ-lại”.

“Vâng, không bao giờ lại...”, ông tư tế nói. “Mà cũng chẳng có ai lại làm thế, nhưng bây giờ, con mụ đã chết, chúng tôi phải chôn cất mụ; đây là mệnh lệnh và làm càng sớm càng hay”.

Nói đoạn, ông Bâmbân đội cái mũ ba góc không vành, nhưng trong cơn bực tức của một ông tư tế địa phận, ông đội ngược rồi lao ra ngoài cửa hiên.

“Ôi chao, Ôlivơ, ông ta giận quá đến nỗi quên cả hỏi thăm mày!” Ông Xaoơberi nói, đưa mắt nhìn theo ông tư tế khi ông này rảo bước đi nhanh ngoài đường.

“Thưa ông, đúng thế ạ”, Ôlivơ đáp, nãy giờ trong cuộc trao đổi nó đã khéo léo lánh mặt, và chỉ cần nhớ đến của ông Bâmbân người nó run lẩy bẩy từ đầu đến chân. Nhưng kể ra, nó chẳng cần gì phải lo sợ cái nhìn của ông Bâmbân; bởi vì lời tiên đoán của ông mặc gilê trắng đã có tác động mạnh đến ông viên chức này, nên cho rằng bây giờ khi ông kinh doanh đám ma đã đảm nhiệm việc thử thách Ôlivơ rồi, thì tốt nhất là tránh đừng nói đến câu chuyện này cho đến khi hết thời hạn giao kèo bảy năm, và đến lúc đó, về mặt pháp lý địa phận không phải lo lắng gì về chỗ người ta lại trao nó cho địa phận.

“Được thôi”, ông Xaoơberi vừa nói vừa cầm lấy cái mũ, “việc này càng làm sớm càng hay. Nâu, chú ý cẩn thận đến cửa hiệu đấy. Ôlivơ lấy mũ, đi với tao”. Ôlivơ vâng lời, và đi theo ông chủ để làm công việc nghề nghiệp của mình.

Hai người bước đi một lát qua khu vực đông đúc nhất và có nhiều người ở nhất của thành phố, sau đó, họ rẽ sang một con đường chật hẹp bẩn thỉu và nghèo khổ hơn bất kỳ con đường nào họ đã đi qua, rồi dừng lại, hỏi thăm ngôi nhà mà họ phải tìm. Nhà hai bên đường đều cao lớn, nhưng rất cũ, do những người thuộc tầng lớp nghèo khổ nhất thuê; chỉ riêng vẻ bên ngoài không ai chú ý đến của nó cũng đủ chứng minh điều đó, không cần đến bằng chứng phụ thêm là vẻ mặt bẩn thỉu của mấy người đàn ông và đàn bà khoanh tay và người cúi gập xuống thỉnh thoảng đi qua. Nhiều nhà có cửa hiệu ở phía trước nhưng các cửa hiệu này đều đã đóng kín và đang mục nát, chỉ có các phòng ở tầng trên là có người ở mà thôi. Một vài ngôi nhà vì cũ quá và hư hỏng nên đã trở thành ọp ẹp, có những cột gỗ khổng lồ chống đỡ tường và cắm chặt xuống đất để cho nó khỏi đổ ra ngoài đường. Nhưng ngay cả những cái hang ọp ẹp này hình như cũng chỉ được chọn để làm nơi ẩn náu ban đêm của một vài người khốn khổ không nhà không cửa, bởi vì nhiều tấm gỗ mộc thay thế cửa lớn và cửa sổ đã được giật ra khỏi vị trí của chúng để cung cấp một lỗ hổng đủ rộng cho một người lọt qua. Cống hôi thối và đầy bùn. Ngay cả lũ chuột chết vì đói nằm thối rữa đây đó trông cũng rất khủng khiếp.

Ở cái cửa mở rộng mà Ôlivơ và chủ nó dừng lại không có chuông cũng như búa gõ cửa. Vì vậy, lần tìm đường đi cẩn thận qua hành lang tối om om và ra lệnh cho Ôlivơ đừng sợ hãi bám lấy mình, người kinh doanh đám ma bước lên đầu tầng hai. Vấp phải một cái cửa ở đầu cầu thang, ông dùng khuỷu tay gõ vào cửa.

Một cô gái trẻ trạc mười ba, mười bốn tuổi mở cửa. Chỉ liếc nhìn quang cảnh trong phòng, người kinh doanh đám ma đã hiểu ngay đó là căn nhà ông phải đến. Ông bước vào, Ôlivơ vào theo.

Trong phòng không có lửa, nhưng một người đàn ông đang ngồi thu mình theo thói quen ở bên lò sưởi trống không. Một bà cụ cũng đã kéo chiếc ghế đẩu thấp đến bên bếp lạnh lẽo và ngồi cạnh ông ta. Có vài đứa trẻ ăn mặc rách rưới ở một góc khác, và trong hốc nhỏ đối diện với cửa có một cái gì phủ chăn cũ đang nằm dưới đất. Ôlivơ rùng mình khi đưa mắt về phía này và bất giác, nó len lén nép sát gần ông chủ hơn, bởi vì mặc dầu vật ấy bị che đậy, thằng bé vẫn cảm thấy đó là một thây ma.

Mặt người đàn ông gầy và tái mét, tóc và râu đều bạc, mắt đỏ ngầu. Mặt bà cụ da nhăn nheo, hai răng còn lại chìa ra ở trên môi dưới, đôi mắt bà cụ sáng quắc và xoi mói. Ôlivơ sợ không dám nhìn cả hai người. Họ trông sao mà giống những con chuột nó đã nhìn thấy ở bên ngoài.

“Không ai được đến gần bà ta”, người đàn ông chồm dậy và nói khi người kinh doanh đám ma đến gần cái hốc. “Lùi lại ngay! Mẹ kiếp, lùi ngay lại nếu không thì mất mạng”. “Dở hơi lắm, ông bạn ạ”, người kinh doanh đám ma nói, ông ta vốn rất quen với sự nghèo khổ dưới mọi hình thức. “Dở hơi lắm!”

“Tôi bảo ông”, người đàn ông vừa nói vừa nắm chặt tay, giẫm thình thịch dữ dội trên sàn, “tôi bảo ông là tôi không muốn chôn cất gì hết. Bà ấy không thể nằm ở đấy. Sâu bọ sẽ quấy nhiễu bà ta... không phải là ăn bà ta... bà ta đã gầy rạc rồi”.

Người kinh doanh đám ma không nói nửa lời khi nghe những lời mê sảng như vậy, nhưng ông rút từ túi ra một cái thước cuộn, quỳ xuống một lát cạnh xác chết.

“Ôi chao!” Người đàn ông nói, òa lên khóc và quỳ dưới chân người đàn bà đã chết, “quỳ xuống, quỳ xuống - tất cả các ông đều phải quỳ chung quanh bà ta và nhớ lấy những lời của tôi! Tôi nói là nhà tôi chết đói. Tôi chưa bao giờ thấy nhà tôi tệ hại như thế cho đến khi cơn sốt nổi lên và lúc đó xương bọc lấy da. Trong nhà không có lửa, không có nến, nhà tôi chết trong bóng tối... trong bóng tối! Nhà tôi thậm chí không thể nhìn được mặt các con, mặc dầu chúng tôi nghe miệng nhà tôi thều thào tên các con. Tôi đi ăn xin ngoài đường để nuôi nhà tôi, nhưng người ta lại cho tôi vào tù. Và khi tôi trở về, nhà tôi đang hấp hối; tất cả máu trong tim tôi đều khô cạn hết bởi vì chúng nó làm cho nhà tôi chết đói. Thề có Chúa chứng giám. Chúng nó làm nhà tôi chết đói!”. Ông ta bứt tóc bứt tai kêu thất thanh và nằm lăn ra sàn, mắt mở trừng trừng, môi sùi bọt mép.

Những đứa con hoảng sợ khóc lóc thảm thiết, nhưng bà cụ nãy giờ ngồi yên như không hề nghe thấy tất cả những gì xảy ra, nạt bắt chúng phải im ngay. Sau khi đã cởi cái cà vạt của người đàn ông đang nằm sóng soài dưới đất, bà cụ loạng choạng bước về phía người kinh doanh đám ma.

“Đó là con gái tôi”, bà cụ nói, vừa hất hàm về phía cái xác chết, vừa liếc mắt có vẻ ngớ ngẩn, thậm chí còn dễ sợ hơn sự có mặt của thần chết ở một nơi như thế này. “Trời ơi trời ơi! Lạ quá, làm sao tôi là người đã sinh ra nó và lúc sinh nó tôi đã là người lớn rồi, thế mà bây giờ tôi lại sống và vui vẻ, còn nó thì lại nằm đấy, cứng đờ và lạnh toát! Trời ơi! Trời ơi! Cứ nghĩ mà xem: đó là một tấn kịch, đúng là một tấn kịch!”.

Trong khi bà cụ khốn khổ thều thào và khúc khích trong mềm vui ghê rợn, người kinh doanh đám ma quay lưng để ra đi.

“Dừng lại, dừng lại!”. Bà cụ nói phều phào, nhưng nghe vang dội. “Khi nào thì chôn, tối nay, hay ngày mai, hay ngày kia? Tôi sẽ phải đưa nó đi chôn, tôi phải đi ra ngoài, ông biết đấy. Cho tôi một áo khoác lớn: một cái áo thực ấm, vì trời lạnh buốt. Trước khi chúng tôi đi phải có bánh và rượu nữa. Ông đừng lo, cho một ít bánh mì - chỉ một ổ bánh mì và một cốc nước thôi mà. Này ông, chúng tôi có được bánh mì không đấy?” Bà cụ vừa tóm lấy áo ngoài của ông kinh doanh đám ma vừa nói tha thiết, khi ông ta lại định đi về phía cửa.

“Có có”, ông kinh doanh đám ma nói, “cố nhiên là có. Bất kỳ cái gì bà muốn!”. Ông bứt ra khỏi bàn tay của bà cụ, và kéo Ôlivơ đi theo, rồi vội vã bước.

Hôm sau (lúc này gia đình đã được trợ cấp một phần tám ổ bánh mì và một miếng phomát do chính ông Bâmbân trao cho), Ôlivơ và ông chủ của nó quay trở lại ngôi nhà khốn khổ. Ông Bâmbân đã đến đấy trước, kèm theo bốn người đàn ông trong nhà tế bần để khiêng quan tài. Một chiếc áo choàng đen lớn đã cũ được khoác lên bộ quằn áo tả tơi của bà cụ và người đàn ông, quan tài đã đóng ván, được đặt lên vai của những người khiêng và đưa ra đường.

“Này, bà cụ ơi, bà phải rảo bước đi đấy”, ông Xaoơberi thì thầm bên tai bà, “chúng ta đã hơi muộn rồi đấy, và bắt ông mục sư đợi là không nên. Anh em, rảo bước nhanh nhanh cho!”

Được lệnh như vậy, những người khiêng bước nhanh dưới cái gánh nặng không đáng kể, và hai người đưa ma cố hết sức bám theo họ. Ông Bâmbân và ông Xaoơberi bước đàng hoàng phía trước, còn Ôlivơ vì chân không dài như ông chủ, lon ton cạnh ông ta.

Song không cần phải hối hả như ông Xaoơberi đã dự kiến, bởi vì khi họ đến cái góc tối tăm của nghĩa địa, nơi những cây tầm ma mọc dành cho những nấm mộ của địa phận thì ông mục sư vẫn chưa đến, và ông nhân viên đang ngồi cạnh ngọn lửa ở phòng thay quần áo cho rằng không thể nào lại sớm như thế và có thể là phải một giờ sau nữa ông ta mới đến. Vì vậy họ đặt quan tài lên bờ huyệt, và hai người đưa ma đứng trên đất sét ẩm ướt và dưới trời mưa phùn lạnh lẽo kiên nhẫn chờ đợi, trong khi những thằng bé quần áo rách rưới đã lọt vào nghĩa địa vì thích nhìn cảnh tượng này đang chơi trò ú tim ầm ĩ giữa những tấm mộ chí, hoặc thay đổi trò giải trí của chúng bằng cách nhảy qua nhảy lại quan tài. Ông Xaoơberi và ông Bâmbân vốn là chỗ quen biết với ông nhân viên địa phận, ngồi cạnh lửa với ông ta và đọc báo.

Cuối cùng, sau một thời gian khoảng trên một tiếng đồng hồ, người ta thấy ông Bâmbân, ông Xaoơberi và người nhân viên địa phận chạy đến bên huyệt. Ngay sau đó, ông mục sư xuất hiện, vừa đi vừa mặc áo tế. Ông Bâmbân đánh một hai đứa trẻ để chúng giữ lễ phép, và con người đáng kính sau khi đọc kinh mai táng cố nhồi nhét trong vòng bốn phút, liền trao áo tế cho người nhân viên, rồi lại bỏ đi.

“Nào, anh Bin!” Ông Xaoơberi nói với người đào huyệt. “Lấp đất đi!” Công việc này chẳng vất vả gì vì huyệt rất cạn đến nỗi nắp quan tài trồi lên mặt đất vài phút. Người đào huyệt lấy xẻng hất đất lên, lấy chân khẽ dận đất xuống. Rồi anh ta vác xẻng lên vai, bỏ đi, với những thằng bé chạy theo sau, than phiền ầm ĩ về chỗ trò giải trí ngắn quá.

“Nào, anh bạn”. Ông Bâmbân nói, vỗ vỗ lên lưng người đàn ông. “Người ta muốn đóng cửa nghĩa địa đấy”.

Người chồng từ khi đứng cạnh huyệt vẫn không hề cử động, lúc này giật mình, ngẩng đầu, trố mắt nhìn con người nói với ông ta, rồi bước lên vài bước và ngã vật bất tỉnh. Bà cụ dở hơi quá bận bịu trong việc than tiếc đã mất cái áo khoác (ông kinh doanh đám ma đã tước mất) nên không chú ý đến ông ta. Vì vậy, người ta trút một can nước lạnh lên người ông ta, và khi ông ta tỉnh lại, người ta đưa ông ta yên ổn ra khỏi nghĩa địa, khóa cổng lại và giải tán mỗi người đi một ngả.

“Thế nào, Ôlivơ”, ông Xaoơberi nói, khi hai người bước về nhà, “cháu thấy thế nào?”.

“Thưa ông, cũng hay hay ạ, cảm ơn ông”, Ôlivơ đáp, rất lưỡng lự. “Thưa ông cũng không thích lắm ạ”.

“Có gì đâu, dần dần rồi quen thôi, Ôlivơ ạ”. Ông Xaoơberi nói. “Cháu ạ, khi cháu quen chuyện này rồi thì chẳng sao hết”.

Trong lòng Ôlivơ tự hỏi không biết ông Xaoơberi có mất một thời gian rất dài để quen với việc này hay không. Nhưng nó nghĩ rằng không nên hỏi câu hỏi này thì hơn. Và nó quay trở về cửa hiệu, suy nghĩ về tất cả những điều nó đã nghe và đã thấy.