Ôlivơ Tuýt - Chương 10

CHƯƠNG X

ÔLIVƠ QUEN BIẾT THÊM NHỮNG TÍNH CÁCH CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN MỚI CỦA MÌNH VÀ CÓ ĐƯỢC KINH NGHIỆM VỚI MỘT GIÁ RẤT ĐẮT. MỘT CHƯƠNG NGẮN, NHƯNG RẤT QUAN TRỌNG TRONG CÂU CHUYỆN NÀY

Suốt mấy ngày liền, Ôlivơ ở trong phòng của lão Do Thái lo xóa những dấu vết ở trên các khăn tay (người ta đem về nhà rất nhiều khăn tay) và thỉnh thoảng lại tham dự trò chơi đã miêu tả trên đây; trò chơi này sáng nào hai thằng bé và lão Do Thái cũng chơi một cách đều đặn. Cuối cùng, nó bắt đầu thèm khát khí trời và nhiều lần khẩn khoản yêu cầu lão già cho phép nó ra ngoài làm việc với hai ông bạn của nó.

Ôlivơ càng băn khoăn muốn làm việc tích cực bởi vì nó đã có dịp nhận thấy cái đạo đức nghiêm khắc trong tính cách lão già. Mỗi khi Cáo hay Sacli Bâytit ban đê trở về nhà tay không là lão hăng hái thuyết một bài học dài về sự hèn hạ của lối sống lười biếng và ăn không ngồi rồi, và để làm cho chúng càng thấy rõ sự cần thiết phải sống một cuộc sống tích cực, đã cho chúng đi ngủ không ăn tối. Có một lần lão đánh chúng ngã lăn xuống cầu thang, nhưng làm như thế là thi hành những nguyên tắc đạo đức của lão một cách khác thường.

Cuối cùng, một buổi sáng, Ôlivơ được phép làm điều nó vẫn thiết tha yêu cầu. Từ ba ngày nay không có khăn tay nào để xóa dấu vết, và những bữa ăn đã trở thành đạm bạc. Có lẽ đó là những lý do khiến lão già đồng ý, nhưng dù cho có lý do hay không, lão bảo Ôlivơ rằng nó có thể đi và giao nó cho Sacli Bâytit, và ông bạn của cậu ta là Cáo trông nom Ôlivơ.

Ba thằng bé ra đi, Cáo mặc áo ngoài xắn tay lên, đội mũ cụp xuống như mọi ngày, cậu Bâytit hai tay đút túi quần đi thơ thẩn; còn Ôlivơ ở giữa hai người băn khoăn không biết chúng đi đâu, và không biết trước hết nó phải được giáo dục nghề nghiệp gì.

Chúng bước rất uể oải, lười biếng, đến nỗi chẳng bao lâu Ôlivơ bắt đầu nghĩ rằng mấy ông bạn của nó ra đi để đánh lừa lão già chứ không phải để làm công việc gì hết. Cáo có cái thói quen không tốt là vớ ngay những chiếc mũ cát két trên đầu của những đứa trẻ nhỏ nó gặp, ném vào bất cứ nơi nào; trong lúc đó Sacli Bâytit tỏ ra có một khái niệm rất mơ hồ về quyền tư hữu bằng cách đánh cắp táo và hành ở các quầy hàng bầy bên bờ các cống, nhét vào túi, túi của cậu thì rộng không chê được đến nỗi hình như là chiếm tất cả quần áo của cậu ở tất cả mọi phía. Những công việc ấy tỏ ra không hay đến nỗi Ôlivơ suýt nữa tuyên bố ý định nó muốn quay trở về, theo cách tốt nhất mà nó có thể làm được. Bỗng sự chú ý của nó đột nhiên chuyển theo một hướng khác vì hành vi của Cáo thay đổi một cách bí mật.

Ba đứa vừa bước ra khỏi một cái sân chật hẹp gần quảng trường để ngỏ ở Klacơnoen, còn được gọi là "Bãi cỏ xanh", không hiểu tại sao lại gọi như vậy thì Cáo đột nhiên dừng lại, và giơ ngón tay lên môi, hắn kéo hai ông bạn lùi lại với cử chỉ hết sức cẩn thận và trang trọng.

"Có việc gì thế?”, Ôlivơ hỏi.

"Im!" Cáo đáp. "Đằng ấy có thấy bố già ở cửa hàng sách không?".

"Cụ già ở bên kia đường ấy à?", Ôlivơ nói, "Có, có thấy".

"Xơi được đấy”, Cáo nói.

"Món hời đấy", Sacli Bâytit nhận xét.

Ôlivơ hết nhìn đứa này lại nhìn đứa kia vô cùng kinh ngạc, nhưng người ta không cho phép nó đưa ra câu hỏi gì, bởi vì hai thằng bé đã nhẹ nhàng bước qua bên kia đường và lén lút đứng bên cạnh cụ già mà nó vừa chú ý đến. Ôlivơ bước sau chúng vài bước, và không biết nên tiến hay nên lùi, cứ đứng nhìn, im lặng ngơ ngác.

Cụ già là một người trông rất đáng kính, tóc rắc phấn, cụ đeo kính gọng vàng. Cụ mặc áo ngoài màu xanh lục, cổ áo bằng nhung đen, mặc chiếc quần trắng và cắp dưới nách một cây gậy trúc xinh xinh. Cụ đã cầm một quyển sách ở quầy hàng sách, và đứng đấy đọc say sưa, mê mải chẳng khác gì đang ngồi trong chiếc ghế bành ở nhà mình, trong phòng đọc sách của mình. Kể ra, rất có thể là cụ đang tưởng tượng mình ngồi ở đấy bởi vì rõ ràng cụ say sưa mê mải đến nỗi không nhìn thấy quầy hàng sách, đường cái, những thằng bé, bất cứ cái gì, chỉ trừ quyển sách mà cụ đang đọc liền một hơi. Cụ lật trang đã đọc đến cuối, bắt đầu đọc dòng đầu tiên của trang sau và cứ đọc như thế với thái độ hết sức chăm chú và say sưa.

Ôlivơ hoảng hốt và kinh ngạc khi nó đứng cách vài bước, mở tròn xoe đôi mắt để nhìn và thấy Cáo thọc tay vào túi cụ già rồi rút ra một chiếc khăn tay! Nó thấy Cáo trao chiếc khăn tay này cho Sacli Bâytit, và cuối cùng thấy cả hai ba chân bốn cẳng chạy biến sang góc bên kia đường.

Trong nháy mắt, tất cả những điều bí mật về những chiếc khăn tay và những chiếc đồng hồ, những đồ ngọc, và lão Do Thái đều hiện ra trong óc thằng bé. Nó đứng im lặng một lát, máu sôi sục trong tất cả huyết quản vì sợ hãi, và nó cảm thấy dường như người nó bốc lửa, sau đó hoảng hốt và sợ hãi nó ù té chạy, và không biết nó nên làm gì, nó chạy thật nhanh.

Tất cả điều đó chỉ xảy ra trong vòng một phút. Ngay lúc Ôlivơ bắt đầu chạy thì cụ già thọc tay vào túi của mình, và nhận thấy không có chiếc khăn tay, cụ liền quay ngoắt lại. Nhìn thấy thằng bé bỏ chạy nhanh chóng như vậy, dĩ nhiên cụ kết luận nó là thằng ăn cắp. Và cụ lớn tiếng cố hết sức mình kêu lên: "Thằng ăn cắp!" Và chạy theo nó, tay cầm quyển sách.

Nhưng cụ già không phải là con người duy nhất hét lên. Cáo và Bâytit, vì không muốn làm mọi người chú ý đến mình trong khi đang chạy trên con đường để ngỏ, đã rút vào cổng đầu tiên ở bên góc đường. Chúng vừa nghe tiếng kêu và thấy Ôlivơ bỏ chạy thì đoán biết tình hình cho nên chúng xông ra rất nhanh nhẹn và kêu lên. "Bắt thằng ăn cắp”, chúng cùng mọi người gia nhập vào việc đuổi bắt chẳng khác gì những người công dân lương thiện.

Mặc dầu Ôlivơ đã được những nhà triết gia giáo dục, nhưng về mặt lý thuyết vẫn chưa quen với câu châm ngôn đẹp đẽ cho rằng tự vệ là quy luật đầu tiên của bản tính con người. Giá nó biết như vậy thì có lẽ nó đã được chuẩn bị tốt hơn. Nhưng vì không biết chuẩn bị, cho nên điều đó càng làm cho nó sợ hãi hơn. Vì vậy nó bỏ chạy nhanh như gió, theo sau là một cụ già và hai đứa bé kêu gào và la hét.

"Bắt thằng ăn cắp! Bắt thằng ăn cắp!" Trong tiếng kêu này có cái gì thần bí. Người bán hàng rời bỏ quầy hàng, người đánh xe ngựa rời bỏ chiếc xe, anh hàng thịt vứt bỏ cửa hàng, thằng bé bán hàng rong vứt bỏ những gói hàng, cậu học sinh vứt bỏ những hòn bi, người làm đường vứt bỏ cuốc, đứa bé vứt bỏ cây vợt. Tất cả mọi người lao ra chạy, nhốn nháo, lộn xộn, vừa chạy vừa la, vấp phải những con người đang đi ngoài đường khi đi quanh những góc phố, làm chó thức dậy, và làm cho gà vịt nhốn nháo. Và đường phố, quảng trường, các sân đều vọng lên tiếng vang này.

"Bắt thằng ăn cắp! Bắt thằng ăn cắp!” Tiếng kêu được hàng trăm người kêu theo, và đám đông cứ tăng lên ở mỗi khúc quanh. Tất cả chạy như bay, làm bùn tung tóe và nền đường vang lên tiếng bước chân rầm rập. Các cửa sổ mở toang, người ta chạy ra, đám đông lao tới, tất cả mọi người rời bỏ kịch múa rối ngay vào lúc vở kịch hay nhất và gia nhập đoàn người, làm cho tiếng kêu càng thêm dữ dội: "Bắt thằng ăn cắp! Bắt thằng ăn cắp!"

"Bắt thằng ăn cắp! Bắt thằng ăn cắp!" Trong bản tính con người có một sự ham mê sâu sắc muốn săn đuổi một cái gì đấy. Một thằng bé khổ sở hết hơi, thở hổn hển kiệt sức, mắt nhìn nhớn nha nhớn nhác, vẻ mặt thiểu não, mồ hôi nhỏ giọt chảy ròng ròng ở trên mặt, đang cố hết sức để dẫn đầu những con người đuổi theo nó. Trong lúc đó mọi người đuổi theo, ngày càng tiến đến gần, và họ reo hò trong khi sức khỏe của nó giảm dần với những tiếng kêu vang lên mạnh mẽ cùng với tiếng reo hò vui vẻ. "Bắt thằng ăn cắp!" Phải đấy, nếu không phải vì lòng từ bi thì cũng hãy vì Chúa mà bắt lấy nó.

Cuối cùng người ta đã bắt được nó. Một cú đấm tài tình! Nó nằm dài trên lề đường, và đám đông nhốn nháo tập trung chung quanh nó: mỗi người mới đến chen chúc nhau, xô đẩy những người khác để liếc nhìn nó. "Đứng xê ra!". "Để cho nó còn chỗ để thở!". "Nói bậy. Nó không đáng được hưởng điều đó". "Cụ già đâu rồi?". "Cụ đây rồi, đang đi từ đằng phố lại". "Nhường chỗ cho cụ!". “Thưa cụ có phải thằng bé này không ạ?". "Vâng."

Ôlivơ nằm dưới đất, bùn và bụi bặm đầy người, miệng máu chảy ròng ròng, nhớn nhác nhìn những gương mặt bao quanh nó, khi cụ già được long trọng kéo đến, đẩy vào giữa vòng tròn bởi người đầu tiên đuổi theo kịp nó.

"Đúng thế”, cụ già nói, "tôi sợ là thằng bé này."

“Sợ cái gì?”. Quần chúng thì thầm. "Thằng bé này khá đấy”.

"Tội nghiệp!". Cụ già nói. "Nó đã tự làm nó bị thương".

"Thưa cụ, không đâu ạ", một anh chàng lực lưỡng tiến lại nói. "Chính tôi đã nện cho nó một quả đấm vào giữa miệng đấy ạ. Tôi đã tóm lấy nó đấy ạ, thưa cụ”.

Đồng thời con người kia giơ tay lên mũ, mỉm cười nhăn nhở hy vọng nhận được một cái gì về sự khó nhọc của mình; nhưng cụ già nhìn anh ta với vẻ mặt khó chịu, lo lắng đưa mắt nhìn quanh, có vẻ như cụ đang tìmể chạy trốn, điều đó rất có thể xảy ra, và như vậy thì sẽ gây nên một dịp săn đuổi khác nữa, nếu như không có một viên cảnh sát (nói chung cảnh sát là người cuối cùng đến trong những trường hợp như thê) chính vào lúc này len vào đám đông và tóm lấy cổ áo Ôlivơ.

"Đứng dậy!" Người này nói, xẵng giọng.

"Thưa ông, không phải con đâu ạ. Đó là hai thằng kia", Ôlivơ nói, rồi lấy hai tay nắm lấy tay anh ta một cách tuyệt vọng và nhìn quanh. "Chúng đang ở gần đây".

"Không, chúng đã đi xa lắm rồi!", viên cảnh sát nói. Ý ông ta muốn nói thế để đùa cợt, nhưng đó lại là sự thực, bởi vì Cáo và Sacli Bâytit đã lợi dụng dịp thuận tiện đầu tiên để chạy đến cái sân ở gần đấy. "Đứng lên thôi”.

"Xin đừng làm nó bị thương", cụ già nói, vẻ ái ngại.

"Ồ không đâu, tôi không làm nó bị thương đâu”, viên cảnh sát nói và xé rách cái áo chẽn ở lưng của nó để chứng minh điều đó. "Đi đi, tao đã bảo mày, làm thế không được đâu. Nào, mày có đứng lên không, thằng ranh?".

Ôlivơ vất vả lắm mới đứng lên được, người cảnh sát liền túm ngay lấy cổ áo chẽn của nó và lôi đi xềnh xệch trên đường cái. Cụ già bước đi bên cạnh viên cảnh sát; và nhiều người trong đám đông cố gắng đi vượt quá họ rồi quay lại nhìn mặt Ôlivơ. Bọn trẻ vui vẻ reo lên đắc thắng. Và thế là họ tiếp tục đi.