Ôlivơ Tuýt - Chương 12

CHƯƠNG XII

ÔLIVƠ ĐƯỢC CHĂM SÓC CẨN THẬN CHƯA TỪNG THẤY, CÂU CHUYỆN LẠI QUAY TRỞ VỀ ÔNG GIÀ VUI TÍNH CÙNG VỚI ĐÁM BẠN TRẺ CỦA ÔNG TA

Chiếc xe ngựa lạch cạch chạy, cũng theo gần đúng con đường mà Ôlivơ đã đi qua khi lần đầu tiên cùng với Cáo đến Luân Đôn; và khi đến Enjơn ở Ailinhtơn xe rẽ sang một đường khác, và cuối cùng dừng lại trước một ngôi nhà xinh xắn tại một đường phố vắng lặng, đầy bóng mát gần Pentânvin. Ở đây một chiếc giường được nhanh chóng dọn ra, và cụ Braolâu sai đưa thằng bé cẩn thận và âu yếm đặt lên đấy. Và ở đây nó được chăm sóc hết sức ân cần và chu đáo. Nhưng suốt mấy ngày liền nó vẫn nằm mê man bất tỉnh trên giường, không biết đến tất cả lòng tốt của những người bạn mới của nó. Mặt trời mọc và lặn, rồi lại mọc và lặn, và cứ nhiều lần như vậy, nhưng thằng bé vẫn nằm sóng soài trên giường, người gầy tọp vì bị cơn sốt li bì làm kiệt sức. Sâu bọ cũng không có thể làm cho một xác chết gầy đi nhanh chóng hơn là ngọn lửa âm ỉ này đối với một cơ thể sống.

Yếu đuối, gày gò và xanh xao, cuối cùng nó tỉnh dậy sau một giấc mơ dài và xáo động. Nó yếu ớt ngồi dậy ở trên giường, đầu chống lên cánh tay run lẩy bẩy, nó lo lắng nhìn quanh.

"Phòng này là phòng nào? Người ta đem tôi đến đâu thế này?", Ôlivơ nói. "Đây không phải là nơi tôi vẫn ngủ”. Những lời nói này được thốt lên một cách yếu ớt, vì thằng bé rất yếu và kiệt sức, nhưng chúng lập tức được người ta nghe. Màn ở đầu giường được kéo đi vội vàng, và một bà cụ ăn mặc gọn gàng và trau chuốt, âu yếm rời khỏi ghế bành, nơi bà vẫn ngồi may.

"Cháu ạ, cháu im nhé", bà cụ già nói nhẹ nhàng. "Cháu phải rất yên lặng, nếu không cháu sẽ lại ốm đấy; và cháu đã ốm rất nặng, cháu đã ốm hết sức nặng đấy. Cháu nằm xuống đi, ngoan nào”. Nói đoạn bà cụ rất dịu dàng đặt đầu Ôlivơ lên gối, và vuốt tóc để lộ trán của nó, bà nhìn dịu dàng và âu yếm vào gương mặt nó đến nỗi nó phải đặt bàn tay khô héo của mình vào bàn tay bà, và kéo bàn tay bà ôm lấy cổ nó.

"Lạy Chúa!", bà cụ nói, nước mắt rưng rưng. "Thằng bé này ân nghĩa lắm. Thằng bé xinh quá! Bà mẹ nó sẽ nghĩ gì nếu như đã ngồi cạnh nó như ta và có thể nhìn thấy nó như bây giờ!"

"Có lẽ mẹ cháu không nhìn thấy cháu”, Ôlivơ thì thầm và chắp hai tay lại: "có lẽ mẹ cháu vẫn ngồi cạnh cháu. Cháu gần như cảm thấy mẹ cháu đã ngồi đấy".

"Đó là vì cơn sốt đấy, cháu ạ", bà cụ già dịu dàng nói.

"Có lẽ thế”, Ôlivơ đáp, "bởi vì thiên đường ở rất xa, và ở đấy người ta sung sướng lắm nên không ai xuống ngồi bên cạnh giường một thằng bé tội nghiệp. Nhưng nếu như mẹ cháu biết là cháu ốm thì thể nào mẹ cháu cũng thương hại cháu, ngay dù có ở trên thiên đường, vì mẹ cháu ốm rất nặng trước khi chết. Mẹ cháu không biết gì về cháu cả". Ôlivơ nói thêm sau khi im lặng một lát. "Nếu mẹ cháu thấy cháu bị thương, mẹ cháu sẽ buồn; và khi cháu nằm mơ thấy mẹ cháu mặt mẹ cháu bao giờ cũng có vẻ dịu dàng và sung sướng”.

Bà cụ nghe vậy không nói gì, nhưng trước hết bà lau đôi mắt và sau đó lau cặp kính đang đặt trên chiếc khăn phủ giường, tựa hồ như nó là một bộ phận của đôi mắt bà, bà đem đến một ít thức uống nguội cho Ôlivơ. Sau đó bà vỗ vỗ lên má nó, bảo phải nằm thực yên, nếu không sẽ ốm lại đấy.

Vì vậy, Ôlivơ nằm rất yên, một phần vì nó lo lắng muốn vâng theo lời bà cụ hiền từ trong tất cả mọi việc, và một phần thực ra vì nó hoàn tòan kiệt sức sau khi đã nói những lời hồi nãy. Chẳng bao lâu nó rơi vào một giấc ngủ dịu dàng, và tỉnh dậy trước ánh sáng một ngọn nến: ngọn nến được mang đến gần giường, nó thấy một ông cầm cái đồng hồ rất lớn và kêu tích tắc ở trong tay, đang bắt mạch nó và nói nó đã đỡ nhiều.

"Cháu đã đỡ nhiều, phải không nào?", ông ta nói.

"Thưa ông, vâng ạ, cảm ơn ông", Ôlivơ đáp.

"Đúng thế, bác biết là cháu đỡ rồi", ông ta bảo. "Cháu cũng đói nữa phải không nào?"

"Thưa ông, không ạ", Ôlivơ đáp.

"Hèm!". Ông ta nói. "Không, bác biết là cháu không đói. Nó không đói, bà Betuyn ạ", ông ta nói, vẻ rất sâu sắc.

Bà cụ kính cẩn cúi đầu, dường như muốn nói rằng bà ta cho rằng ông thầy thuốc là một con người rất thành thạo. Bản thân ông thầy thuốc cũng có vẻ có ý nghĩ như vậy.

"Cháu cảm thấy buồn ngủ, có phải không nào?". Ông thầy thuốc nói.

"Thưa ông không ạ", Ôlivơ đáp.

"Không”, ông thầy thuốc nói, vẻ rất ranh mãnh và hài lòng. "Cháu không buồn ngủ. Cháu không khát chứ?".

"Thưa bác, có ạ, cháu khát lắm", Ôlivơ đáp.

"Đúng như tôi vẫn nghĩ, bà Betuyn ạ”, ông thầy thuốc nói. "Cố nhiên là nó phải rất khát. Bà có thể cho nó một ít chè, một ít bánh mì nướng, nhưng không có bơ biếc gì hết. Đừng giữ cháu quá ấm, bà nhé; nhưng cẩn thận cũng đừng để cho cháu quá lạnh, bà chịu khó một chút nhé!"

Bà già cúi chào ông thầy thuốc sau khi nếm thức uống mát, và tán thành phẩm chất của nó, vội vàng đi ra. Đôi giày của ông cọt kẹt có vẻ rất quan trọng và rất thoải mái trong khi ông đi xuống cầu thang gác. Ôlivơ lại ngủ gà ngủ gật, ngay sau đó. Khi nó tỉnh dậy, đã gần mười hai giờ đêm. Bà cụ dịu dàng ngay sau đó chúc nó ngủ ngon, và để cho một bà cụ đẫy đà vừa mới đến trông nom nó, bà cụ này mang theo một quyển sách kinh cầu nguyện và một cái mũ chụp lớn đội ban đêm trong một cái gói nhỏ. Đặt chiếc mũ lên đầu, và đặt quyển kinh lên bàn, bà cụ sau khi bảo Ôlivơ rằng bà đến để ngồi với nó, kéo cái ghế bành lại gần ngọn lửa và ngủ gà ngủ gật, chốc chốc lại giật nảy mình rên rỉ và nghẹt thở. Nhưng những điều này sau đó cũng chẳng gây nên ảnh hưởng gì tai hại ngoài việc nó khiến bà xoa mũi thật mạnh, rồi lại ngủ tiếp.

Và đêm cứ trôi qua nhẹ nhàng như vậy, Ôlivơ tỉnh dậy một lát, đếm những vòng ánh sáng nhỏ mà chao đèn bằng lõi bấc đã hắt lên trần; hay theo dõi với đôi mắt thẫn thờ những hình trang trí phức tạp trên giấy bồi tường. Bóng tối và cảnh im lặng của căn phòng rất trang trọng, và những điều đó làm cho đứa bé nghĩ rằng thần chết đang lang thang ở đây suốt mấy ngày đêm, và có lẽ hiện nay trong phòng còn để lại dấu vết của sự có mặt dễ sợ và rùng rợn của nó, Ôlivơ quay mặt úp xuống gối, và thiết tha cầu nguyện Chúa.

Dần dần nó rơi vào giấc ngủ êm đềm và lặng lẽ mà chỉ có những người vừa mới khỏi bệnh mới cảm thấy, một giấc ngủ bình thản và yên lành mà người ta nuối tiếc khi phải rời bỏ. Giá cái chết là như thế thì ai lại muốn tỉnh dậy để đương đầu với những vật lộn và những xáo động của cuộc sống, với tất cả những lo lắng cho hiện tại, những băn khoăn cho tương lai, và nhất là những hồi tưởng nặng nề về quá khứ!

Khi Ôlivơ mở mắt, trời đã sáng bạch từ lâu. Cơn bệnh đã trôi qua yên ổn. Nó lại thuộc về thế giới như cũ. Sau ba ngày, nó đã có thể ngồi trong một chiếc ghế bành, chung quanh được gối che chở, và vì nó còn quá yếu chưa thể đi được, bà Betuyn sai người đưa nó xuống tầng dưới vào căn phòng nhỏ bé của người coi nhà là căn phòng của bà. Sau khi đã đặt nó ngồi đấy, cạnh ngọn lửa, bà cụ quý hóa cũng ngồi xuống, và vì cảm thấy rất sung sướng thấy nó đã đỡ nhiều, bà bỗng khóc rưng rức.

"Cháu đừng để ý đến bà, cháu ạ", bà cụ nói. "Bà khóc vì sung sướng đấy thôi. Bây giờ xong xuôi rồi và bà hoàn tòan mạnh khoẻ".

"Bà ơi, bà tử tế, tử tế với cháu quá", Ôlivơ nói.

"Có gì đâu, cháu ạ, cháu đừng để ý đến điều đó", bà cụ nói, "điều này không liên quan gì tới món cháo của cháu; và đã đến lúc cháu phải ăn cháo đấy, bởi vì thầy thuốc bảo rằng cụ Braolâu sáng nay có thể đến thăm cháu đấy, và chúng ta phải giữ mặt mày thực tươi tỉnh, vì chúng ta càng tươi tỉnh thì cụ ấy sẽ càng hài lòng". Nói đoạn, bà cụ loay hoay nấu một bát cháo thịt ở trong một cái xoong nhỏ, số cháo này đủ để làm thành bữa ăn dồi dào cho ít nhất là ba trăm năm mươi người nghèo ở nhà tế bần theo cách tính khiêm tốn nhất.

"Cháu có thích tranh không?" Bà cụ hỏi vì thấy Ôlivơ ngắm nhìn chăm chú một bức chân dung treo ở trên tường đúng là đối diện với cái ghế của nó.

"Thưa bà, cháu cũng không biết nữa", Ôlivơ nói, mắt vẫn không rời khỏi bức tranh, "cháu xưa nay ít thấy tranh vẽ nên cũng không biết nữa. Bà ấy có gương mặt xinh đẹp, dịu dàng quá!"

"A!", bà cụ nói, "các ông họa sĩ bao giờ cũng vẽ các cô đẹp hơn là trong thực tế, nếu không họ sẽ không kiếm được tiền đâu cháu ạ. Con người nghĩ ra cái máy để chụp những bức ảnh giống thực có thể đoán biết là máy này sẽ chẳng bao giờ được người ta thích; vì bức ảnh trung thực quá”, bà cụ nói, rồi vui vẻ cười vì thấy mình sâu sắc.

"Thưa bà, đây có phải là một bức chân dung không ạ?", Ôlivơ hỏi.

"Đúng thế”, bà cụ nói và ngước mắt rời khỏi nồi cháo một lát, "đó là một bức chân dung đấy”.

"Thưa bà chân dung của ai đấy ạ?", Ôlivơ hỏi.

"Cháu ạ, thực ra bà cũng không biết nữa", bà cụ trả lời vui vẻ "Theo như bà biết, nó không giống bất kỳ người nào mà bà quen. Hình như bức chân dung này làm cháu để ý có phải không?"

"Nó đẹp lắm", Ôlivơ đáp.

"A này, chắc chắn là cháu không sợ bức chân dung ấy chứ?”. Bà cụ hỏi vì ngạc nhiên nhận thấy đứa trẻ nhìn bức tranh có vẻ sợ hãi.

"Ô không đâu, không đâu”, Ôlivơ trả lời ngay, "nhưng đôi mắt có vẻ buồn lắm, và cháu ngồi ở đây, đôi mắt ấy hình như nhìn đăm đăm vào mặt cháu. Nó làm tim cháu đập mạnh", Ôlivơ hạ thấp giọng nói, "như là nó đang còn sống, và muốn nói với cháu, nhưng không nói được".

"Lạy Chúa”, bà cụ giật mình thốt lên, "cháu đừng nói thế, cháu. Sau khi bị bệnh, cháu yếu đi và dễ bị kích thích. Để bà đẩy cái ghế của cháu qua cái góc bên kia, và thế là cháu sẽ không thấy bức chân dung. Thế này nhé!". Bà cụ miệng làm luôn. "Bây giờ dứt khoát là cháu không nhìn thấy nó nữa".

Trong óc mình, Ôlivơ vẫn nhìn thấy bức chân dung rõ nét chẳng khác gì lúc nó chưa thay đổi vị trí, nhưng nó nghĩ rằng tốt hơn hết là đừng làm phiền bà cụ tốt bụng vì vậy nó mỉm cười dịu dàng khi bà nhìn nó. Và bà Betuyn hài lòng vì thấy nó thoải mái hơn, bà bỏ muối và bẻ thêm một ít mảnh bánh mì nướng vào cháo, vẻ tất bật bận rộn thích hợp với một công việc trang trọng như thế. Ôlivơ nhanh chóng ăn hết bát cháo. Nó chưa kịp nuốt thìa cuối cùng thì có tiếng gõ khe khẽ ở ngoài cửa. "Mời cụ vào”, bà cụ nói, và cụ Braolâu bước vào.

Lúc này, cụ già bước vào hết sức nhanh nhẹn, nhưng cụ vừa đưa kính lên trán và chắp tay sau tà áo của mình để ngắm nhìn Ôlivơ thì vẻ mặt cụ bỗng thay đổi rất kỳ lạ. Ôlivơ rất mệt mỏi vì bị bệnh, nó cố đứng lên để tỏ lòng tôn kính người ân nhân của mình, nhưng lại ngã giúi giụi xuống ghế bành. Và sự thực là con tim của cụ Braolâu vốn giàu lòng nhân từ hơn sáu cụ già bình thường có bụng thương người, đã khiến đôi mắt của cụ tràn đầy nước mắt, do một quá trình mà chúng ta không thể giải thích được bởi vì chúng ta không phải là những nhà triết học.

"Thằng bé tội nghiệp, thằng bé tội nghiệp"'. Cụ Braolâu dặng hắng nói. "Bà Betuyn ạ, sáng nay tôi hơi khản cổ. Tôi sợ là tôi bị cảm lạnh đấy".

"Thưa cụ, tôi hy vọng là không", bà Betuyn nói. "Tất cả quần áo của cụ đều khô ráo cả".

"Bà Betuyn ạ, tôi không hiểu sao. Tôi không hiểu sao”, cụ Braolâu nói, "tôi nghĩ rằng hôm qua vào lúc ăn tối, tôi mang một cái khăn ăn ẩm, nhưng bà đừng để ý đến điều đó. Này cháu, cháu cảm thấy thế nào? “Thưa cụ, rất sung sướng ạ", Ôlivơ đáp. "Và cháu rất cảm ơn lòng tốt của cụ đối với cháu”.

"Thằng bé này ngoan", cụ Braolâu dõng dạc nói. "Bà Betuyn, bà đã cho cháu ăn uống gì chưa? Ăn cháo loãng chứ?”

"Cháu nó vừa mới ăn một bát cháo thịt ngon lành đấy ạ”, bà Betuyn đáp, rồi đứng thẳng người và nhấn mạnh vào cháo thịt để cho biết rằng giữa cháo loãng với cháo thịt ngon lành không thể có sự gần gũi và không có mối quan hệ nào hết.

"Hèm!", cụ Braolâu khẽ nhún vai nói, "cho cháu nó hai cốc rượu vang thì sẽ còn tốt hơn nhiều. Có phải không, Tôm Oaitơ?"

"Thưa bác, tên cháu là Ôlivơ ạ", người bệnh nói, vẻ mặt ngơ ngác.

"Ôlivơ”, cụ Braolâu nói, "Ôlivơ gì? Ôlivơ Oaitơ có phải không?"

"Thưa bác không ạ, Tuýt, Ôlivơ Tuýt".

"Tên với tuổi!" Cụ già nói. "Tại sao cháu lại nói với ông quan tòa rằng tên cháu là Oaitơ?”

"Thưa bác, cháu không bao giờ bảo ông ta thế ạ", Ôlivơ sửng sốt đáp.

Điều này có vẻ là một điều giả dối đến nỗi cụ già hơi nghiêm nghị nhìn vào mặt Ôlivơ. Không thể nào ngờ vực nó, trong nét mặt gày gò và thanh tú của nó không có điều gì tỏ ra nó đã nói dối.

"Chắc có điều hiểu lầm gì đấy, cụ Braolâu nói. Nhưng dù cho cái lý do khiến cụ nhìn chằm chằm vào mặt Ôlivơ không còn nữa thì ý nghĩ trước đây về chỗ nét mặt của nó giống như một gương mặt quen thuộc lại xuất hiện trong óc cụ một cách mạnh mẽ đến nỗi cụ không thể không nhìn nó chăm chú.

"Thưa cụ, chắc cụ không giận cháu chứ?", Ôlivơ nói, rồi ngước mắt van lơn cầu khẩn.

"Không, không”, cụ già đáp. "A này! Cái này là cái gì? Bà Betuyn xem kìa!"

Trong khi nói cụ vội vàng chỉ vào bức tranh ở trên đầu Ôlivơ, rồi lại chỉ gương mặt thằng bé. Thực là giống nhau như đúc. Đôi mắt, cái đầu, cái miệng, nét nào cũng hệt nhau. Vẻ mặt hiện nay lại giống in đến nỗi cái nét nhỏ nhất cũng hình như được sao lại một cách đúng đắn khác thường!

Ôlivơ không hiểu tại sao cụ lại thốt kêu lên kinh ngạc và vì sức khỏe còn yếu nên nó ngất đi. Nhân dịp này, câu chuyện kể có thể làm bạn đọc đỡ phải chờ đợi bằng cách nhắc tới hai cậu học trò trẻ tuổi của cụ già vui tính.

Khi Cáo và anh bạn cự phách của hắn là cậu Bâytit tham dự vào việc đuổi theo Ôlivơ và hò hét sau khi chúng đã xâm chiếm trái phép tài sản riêng của cụ Braolâu, như đã nói ở trên, chúng đã hành động theo một tình cảm đáng khen và xứng đáng, đối với chúng. Và bởi vì quyền tự do của người dân và quyền tự do cá nhân là thuộc về những điều mà một người Anh chân chính lấy làm kiêu hãnh nhất, cho nên tôi khỏi phải yêu cầu bạn đọc lưu lý tới chỗ hành động này hẳn sẽ đề cao những quyền tự do đó (trong quan niệm của tất cả các nhà hoạt động xã hội và tất cả những người yêu nước) tới chừng mực mà cái bằng chứng mạnh mẽ về sự quan tâm lo lắng của chúng (tới việc tự bảo vệ mình và tới sự yên ổn của mình hẳng định và xác nhận bộ luật nhỏ của một số những triết gia sâu sắc và khôn ngoan như là động cơ chính của mọi hành động và của mọi việc làm theo bản tính của con người. Các triết gia nói trên đã khéo léo quy mọi hành động của các bà vợ của họ thành châm ngôn và lý thuyết, và vì họ ca ngợi một cách hết sức ngắn gọn và lịch sự sự khôn ngoan và hiểu biết của các bà, nên đã hoàn tòan loại bỏ ra ngoài mọi suy xét của con tim, hay mọi sự thúc đẩy cao quý và mọi tình cảm. Bởi vì các phẩm chất kia đều hoàn tòan không xứng đáng với các bà vốn được mọi người thừa nhận là vượt lên trên tất cả mọi nhược điểm và thiếu sót nhỏ nhặt của nữ giới.

Nếu như tôi cần phải đưa thêm một bằng chứng về tính chất thuần túy triết học của hành vi những con người trẻ tuổi này trong tình trạng rất gay go của họ thì tôi thấy nó ngay ở trong câu chuyện (cũng được ghi lại ở trong một đoạn trước của chuyện kể này) chúng đã rời bỏ việc đuổi bắt khi sự chú ý của mọi người đều tập trung vào Ôlivơ, và lập tức trở về nhà theo con đường ngắn nhất. Mặc dầu tôi không muốn khẳng định rằng thói quen của những vị hiền triết nổi tiếng và thông thái là rút ngắn con đường đi đến một kết luận quan trọng (về thực chất cách làm của họ lại chính là kéo dài khoảng cách này bằng những lời nói quanh co và những suy luận bấp bênh, chẳng khác gì những lời mà những người say rượu thường vẫn nói dưới áp lực của một dòng tư tưởng quá mạnh mẽ). Tuy vậy, tôi muốn nói và tôi xin nói rõ rằng, nhiều nhà triết gia lớn trong khi phát triển những lý luận của mình thường có một thói quen không thay đổi là tỏ ra rất khôn ngoan và biết nhìn xa thấy rộng bằng cách thi hành mọi biện pháp chống lại mọi điều ngẫu nhiên có thể tỏ ra nguy hiểm cho họ. Do đó, để làm một việc rất đúng, người ta có thể phạm một sai lầm nhỏ, và người ta có thể sử dụng bất kỳ biện pháp gì, bởi vì những biện pháp này đều được cái mục đích cuối cùng biện hộ cho nó. Việc quy định trình độ đúng hay trình độ sai, cũng như sự phân biệt giữa hai cái này là hoàn tòan giao cho nhà triết gia đã nói trên giải quyết theo cách nhìn rõ ràng, dễ hiểu và vô tư của trường hợp riêng của mình.

Sau khi hai cậu bé đã tháo chạy, thực nhanh, qua một cái lưới rắc rối những đường phố chật hẹp và những sân nhà, chúng dừng lại trước một lối đi có mái vòm vừa thấp vừa tối. Sau khi đứng yên lặng ở đấy, vừa đủ lấy hơi để nói, Bâytit thốt lên một tiếng kêu vui mừng và sung sướng, rồi phá lên cười không thể nào nhịn được, nó ngã lăn xuống ngưỡng cửa và nằm lăn ở đấy trong tình trạng thích thú say sưa.

"Việc gì thế?”, Cáo hỏi.

"Ha ha!", Sacli Bâytit gào tướng lên.

"Ngậm miệng lại”, Cáo phản đối và nhìn quanh có vẻ lo lắng. "Đồ ngốc, mày muốn bị tóm hay sao?"

"Tớ không sao nhịn cười được", Sacli nói, "tớ không sao nhịn cười được! Nhìn thấy cậu ta chạy bán sống bán chết, rẽ ngoặt vào các góc phố, rồi va đầu vào những cột đèn, rồi lại ù té chạy chẳng khác gì cậu ta cũng là bằng sắt như những cột đèn kia, còn tớ thì cái khăn tay nằm trong túi, hò hét tru tréo đuổi theo - trời ơi!". Trí tưởng tượng sinh động của Bâytit hình dung cảnh trước mắt nó với những màu sắc quá rõ rệt. Nói đến đây, hắn lại lăn mình ở ngưỡng cửa và phá lên cười còn to hơn trước.

"Bố Fâyjin sẽ nói thế nào đây?", Cáo hỏi, lợi dụng lúc anh bạn của nó hết hơi để nêu lên câu hỏi.

"Cái gì?”, Sacli Bâytit hỏi.

"Cái gì ”, Cáo nói.

"Ông ta sẽ nói gì à?" Sacli hỏi và đột nhiên dừng lại không cười nữa, bởi vì vẻ mặt của Cáo rất nghiêm trang.

"Ông ta sẽ nói gì à?"'

Đôkinx huýt sáo trong khoảng hai phút, sau đó cất mũ, gãi đầu, và gật đầu ba cái.

"Ý đằng ấy muốn nói gì?", Sacli nói.

"Nói gà nói vịt, nói vượn nói hươu, nói lăng nhăng lít nhít", Cáo nói, trên gương mặt thông minh lộ một nụ cười chế giễu.

Đây là một cách giải thích, nhưng không làm người ta thỏa mãn. Bâytit cảm thấy như vậy, cho nên lại hỏi: "Ý cậu muốn nói gì?".

Cáo không trả lời, nhưng lại đội mũ lên đầu, và kéo những tà áo của cái áo dài quá cỡ của cậu ở dưới tay, cậu lấy lưỡi làm cho má phồng lên, đập vào sống mũi mấy cái theo một lối làm quen thuộc nhưng đầy ý nghĩa, và quay ngoắt lẻn vào cái sân. Bâytit đi theo vẻ mặt tư lự.

Tiếng bước chân kêu cọt kẹt ở trên cầu thang ọp ẹp, một vài phút sau khi câu chuyện trao đổi này xảy ra, làm lão già vui tính thức tỉnh trong khi lão đang ngồi cạnh bếp lửa, tay trái cầm một mẩu xúc xích khô và một ổ bánh mì nhỏ; tay phải cầm một con dao nhíp, và một cái bình bằng sắt tây đặt trên kiềng. Khi lão quay mặt lại, trên bộ mặt trắng bệch của lão hằn một nụ cười đểu cáng, và ánh lên cặp mắt tinh khôn ẩn dưới đôi lông mày đỏ và dày, lão nghiêng tai về phía cửa và lắng nghe.

"Thế này là thế lão Do Thái lẩm bẩm, rồi thay đổi nét mặt, "chỉ có hai đứa thôi à? Đứa thứ ba đâu rồi? Chúng không thể nào lại gặp nguy hiểm được. Cẩn thận!"

Tiếng bước chân nghe gần hơn, chúng đã đến đầu cầu thang. Cánh cửa mở ra chậm rãi. Cáo và Sacli Bâytit bước vào, đóng cửa lại ở phía sau.