Ôlivơ Tuýt - Chương 28

CHƯƠNG XXVIII

ÔLIVƠ VÀ NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU

"Chó sói cắn cổ chúng mày!", Xaikit nghiến răng lẩm bẩm. "Mong sao một vài thằng chúng mày rơi vào tay tao, rồi sẽ tha hồ mà kêu gào".

Xaikit buông ra những lời nguyền rủa này với vẻ hung dữ tuyệt vọng nhất mà bản tính liều mạng của hắn có thể bộc lộ, rồi hắn đặt thằng bé bị thương lên đầu gối khuỳnh khuỳnh của hắn; và hắn quay đầu lại trong một lát để nhìn những người đuổi theo. Người ta không thấy được gì trong sương mù và trong bóng tối; tiếng reo hò dữ dội của những người đàn ông làm rung chuyển không trung, và chó quanh vùng - bị thức tỉnh bởi tiếng chuông báo động - đang sủa vang tứ phía.

"Đứng lại, đồ chó hèn nhát!". Tên ăn trộm réo theo Tôbi Krăckit đang tận dụng cặp chân dài, chạy ở phía trước. "Đứng lại!"

Tiếng gọi liên tiếp bắt Tôbi phải đứng phắt lại, vìoàn tòan yên tâm là đã ở ngoài tầm súng, và Xaikit không hề có vẻ đùa bỡn với hắn.

"Mang thằng bé giúp tao", Xaikit giận dữ ra lệnh cho tên đồng bọn. "Quay trở lại!".

Tôbi làm ra vẻ định quay trở lại; nhưng hắn đi chậm rãi và với giọng khe khẽ bị đứt quãng vì hết hơi, hắn bảo không muốn quay lại chút nào.

"Nhanh nhanh lên!". Xaikit bảo, và đặt thằng bé xuống một cái hố khô ở dưới chân, rồi rút khẩu súng ngắn ở trong túi ra. "Đừng hòng bịp tao!".

Ngay lúc đó, tiếng động nổi lên nghe rõ hơn. Xaikit đưa mắt nhìn quanh, nhận thấy những người đuổi theo giờ đã trèo qua cái cổng trông ra cánh đồng nơi hắn đang đứng, và hai con chó đã lao về phía trước họ được vài bước.

"Bin ơi, hỏng bét rồi!", Tôbi kêu lên, "bỏ thằng bé lại, và tháo chạy đi". Với lời khuyên này, Krăckit thà bị ông bạn của mình bắn còn hơn là chắc chắn bị kẻ thù tóm được, nên tháo chạy rất nhanh. Xaikit nghiến răng, đảo mắt nhìn thân hình Ôlivơ nằm sóng soài, nhìn cái áo choàng mà lúc ra đi người ta đã vội khoác cho nó; sau đó hắn chạy dọc theo hàng rào, đường như muốn để những người đuổi theo lạc hướng không tìm ra nơi thằng bé nằm, và dừng lại giây lát trước một hàng rào khác nối tiếp với hàng rào này theo góc vuông, hoa súng bắn doạ, rồi nhảy qua hàng rào và biến mất.

"Kìa kìa!", có tiếng kêu lanh lảnh phía sau. "Pinsơ! Neptuyn! Lại đây! Lại đây!".

Hai con chó cũng như các ông chủ của chúng, xem ra chẳng thích thú gì lắm mà chúng đang chơi này, sẵn sàng nghe theo mệnh lệnh. Ba người đàn ông lúc này đã tiến vào cánh đồng được một quãng, dừng lại để bàn bạc với nhau. Người béo nhất trong bọn nói:

“Ý kiến của tôi, hay nói đúng hơn, mệnh lệnh của tôi, là chúng ta phải quay về nhà ngay".

"Bác Jailit thích gì thì tôi cũng thấy thích theo", một người thấp hơn nói, người này thân hình chẳng mảnh khảnh, mặt tái xanh, đồng thời lại rất lịch sự; thường thường những con người hoảng sợ đều như vậy. Người thứ ba, đã gọi hai con chó quay trở lại, nói:

"Tôi không muốn là một người bất lịch sự, bác Jailit biết việc gì nên làm".

"Cố nhiên”, người thấp hơn trả lời, "và bất kỳ điều gì bác Jailit nói, chúng ta đều không nên phản đối. Không, không đâu, tôi hiểu tình thế của tôi lắm! Lạy Chúa! Tôi hiểu tình thế của tôi lắm!".

Thực vậy, anh chàng thấp người quả thực xem ra hiểu tình thế của mình, và hiểu rất rõ rằng tình thế ấy không hay ho gì; bởi vì khi nói, hai hàm răng anh ta cứ run lập cập.

"Brittân, cậu sợ rồi", Jailit nói.

"Không đâu!", Brittân nói.

"Có mà”, Jailit nói.

"Bác nói không đúng, bác Jailit ạ", Brittân nói.

"Brittân, cậu nói dối", Jailit bảo.

Những nhận xét châm biếm của Jailit gây nên chuyện đôi co lời qua tiếng lại này. Những lời châm biếm của Jailit nảy sinh do chỗ bác phẫn nộ vì phải chịu trách nhiệm về việc phải quay trở về nhà, trách nhiệm này người ta bắt bác phải chịu dưới hình thức một lời khen ngợi. Người thứ ba chấm dứt cuộc thảo luận bằng một lời nhận xét sắc sảo, rất triết lý.

"Các ngài ơi, nếu các ngài muốn tôi nói thật thì tất cả chúng ta đều sợ hết", người kia nói.

"Anh nói về phần anh đấy chứ", Jailit, người mặt tái nhất trong bọn, nói.

"Tôi thế đấy", người kia nói. "Trong hoàn cảnh như thế này thì sợ hãi là tự nhiên mà thôi. Tôi sợ đấy!".

"Tôi cũng thế”, Brittân nói, "nhưng nói thẳng là bác ta sợ, như thế là không lịch sự".

Những lời thú nhận hết sức thành thực này làm cho Jailit dịu đi. Bác liền thú nhận bác cũng sợ. Lúc đó, cả ba mới quay lui và chạy về với thái độ nhất trí hoàn tòan cho đến khi Jailit (bác là người ngắn hơi nhất trong bọn, lại còn vướng cái chĩa để hất rơm) hết sức lịch sự yêu cầu dừng lại một lát để xin lỗi vì đã nói năng vội vàng.

"Có một điều kỳ lạ", Jailit giải thích, "là người ta có thể làm bất kỳ những gì khi nổi xung. Suýt nữa tôi phạm tội giết người, tôi biết chắc như vậy nếu như chúng mình vớ được một trong những thằng khốn kiếp ấy".

Vì hai người kia cũng có linh cảm như vậy, và vì bây giờ cũng như bác, tất cả mọi người đều đã bình tâm lại; họ bắt đầu tìm hiểu lý do gì làm nảy sinh một sự thay đổi đột ngột như vậy trong tính khí của họ, Jailit nói:

"Tôi biết đó là cái gì rồi, đó là cái hàng rào".

"Tôi sẽ không ngạc nhiên về điều đó", Brittân vớ ngay lấy ý nghĩ ấy.

"Yên tâm", Jailit nói, "cái hàng rào này chặn đứng tinh thần hăng hái của chúng ta. Tôi cảm thấy tất cả tinh thần hăng hái trong tôi tan biến mất khi trèo qua hàng rào".

Do một sự trùng hợp đáng chú ý, hai người kia cũng đều đã cảm thấy cái tình trạng khó chịu như thế đúng vào lúc ấy. Nhất là thời gian làm nảy sinh sự thay đổi này hoàn tòan hiển nhiên, vì cả ba đều nhớ là họ đã nhìn thấy bọn ăn trộm ngay đúng vào lúc trèo lên hàng rào.

Đây là cuộc trao đổi giữa hai người đàn ông đã phát hiện ra bọn ăn trộm và một anh thợ hàn rong ngủ trong nhà kho, và bị dựng dậy cùng với hai con chó lai để tham dự vào việc đuổi bắt. Jailit sắm vai quản gia kiêm người phục vụ của bà cụ chủ ngôi nhà; Brittân là một cậu bé để sai vặt, vào làm việc cho bà cụ khi chỉ mới là một cậu bé được đối xử như là một thằng bé có nhiều hứa hẹn, mặc dầu cậu đã quá ba mươi tuổi một chút.

Họ lời qua lời lại khuyến khích nhau, nhưng vẫn cứ đứng sát sạt bên nhau và mắt nhìn quanh lo lắng khi một cơn gió thì thào qua những lùm cây; cả ba vội quay trở về nơi gốc cây, đằng sau có đặt ngọn đèn để cho ánh sáng của nó cho biết bọn ăn trộm chạy theo hướng nào mà bắn. Nắm lấy cây đèn, họ nhanh chóng quay trở về nhà, bước đi nhanh nhẹn; và sau khi hình dáng mờ mờ của họ không còn có thể phân biệt được, người tạ vẫn còn thấy một lúc lâu ánh đèn thấp thoáng và nhảy múa ở xa tựa hồ như hơi bốc lên ẩm ướt và hôi hám từ đầm lầy mang ánh lửa đi.

Không khí buốt thêm khi ban mai chầm chậm đến gần, và sương mù lan trên mặt đất như một đám khói dày đặc. Cỏ ẩm ướt, những lối đi và nơi thấp nhầy nhụa những bùn và nước; hơi thở ẩm ướt của một ngọn gió độc ảm đạm lướt qua với tiếng rền rĩ khẽ khẽ. Song, Ôlivơ vẫn nằm im lìm và bất động tại nơi Xaikit đã để nó lại.

Buổi sáng đến nhanh. Không khí trở nên lạnh hơn và tê buốt hơn, trong khi ánh sáng ban mai mờ mờ đầu tiên le lói trên bầu trời đánh dấu đêm đã chấm dứt hơn là ngày bắt đầu. Những vật trong bóng tối đêm qua trông có vẻ thấp thoáng và dễ sợ, ngày càng rõ nét hơn và dần dần mang những hình dáng quen thuộc của chúng. Mưa đổ xuống ào ào như trút, nước mưa chảy theo những bụi cây trụi lá nhỏ giọt kêu tí tách. Nhưng Ôlivơ vẫn không cảm thấy mưa xối lên người mình, vì nó vẫn nằm mê man, bất lực trên cái giường bằng đất sét của nó.

Cuối cùng, một tiếng kêu khe khẽ nổi lên vì đau đớn đã phá vỡ cảnh bốn bề yên tĩnh và khi thốt lên tiếng kêu này, thằng bé bừng tỉnh. Cánh tay trái nó được băng bó qua loa bằng chiếc khăn quàng, đu đưa nặng nề và vô dụng bên người; lớp băng đầy máu. Nó yếu đến nỗi phải vất vả lắm mới ngồi dậy được, nó rầu rĩ nhìn quanh để cầu cứu, rồi rên rỉ đau đớn. Người run bần bật vì lạnh và kiệt sức, Ôlivơ cố đứng lên, nhưng lẩy bẩy run, nó ngã sóng soài dưới đất.

Sau khi lại bị rơi trong giây lát vào tình trạng sững sờ đã làm nó mê man một thời gian dài như vậy, Ôlivơ cảm thấy tim đau nhói hình như nhắc nhở nó rằng nếu nằm đây thì thế nào cũng chết. Nó đứng dậy và bước thử. Đầu nó choáng váng, nó bước loạng choạng như mọt người say rượu. Nhưng nó vẫn cứ bước, đầu gục thiểu não xuống ngực, nó thất thểu bước đi, không biết đi đâu.

Và lúc này, vô vàn những ý nghĩ hoang mang và lộn xộn chen chúc nhau trong đầu óc nó. Nó cảm thấy hình như mình vẫn đang bước giữa Xaikit và Krăckit, hai tên đang cãi lộn nhau dữ dội, vì bên tai nó nghe văng vẳng chính những lời mà chúng đã nói; và khi nó tập trung chú ý, cố gắng hết sức để khỏi ngã, nó cảm thấy mình đang nói với chúng. Sau đó, nó lại đi một mình với Xaikit, thất thểu bước đi như ngày hôm qua, và khi những bóng người lờ mờ lướt qua trước mắt hai tên, nó có cảm giác tên ăn trộm nắm chặt lấy cổ tay nó. Đột nhiên, Ôlivơ giật nảy mình nghe tiếng súng nổ, những tiếng hò hét vang lên dữ dội trong bầu không khí, những ánh lửa lập lòe trước mắt nó, đâu đâu cũng ầm ĩ và nhốn nháo trong khi một bàn tay vô hình mang nó tháo chạy thật nhanh. Xuyên suốt qua những hình ảnh thay đổi nhanh chóng kia là một cảm giác đau đớn mơ hồ, khói chịu cứ luôn luôn dằn vặt và hành hạ nó.

Cứ thế, Ôlivơ bước loạng choạng, bò gần như vô ý thức qua các chấn song ở cổng, hay qua các lỗ hổng ở hàng rào mà nó bắt gặp trên đường đi, cho đến khi đến một con đường cái. Tới đây, mưa bắt đầu rơi nặng hạt làm cho nó tỉnh lại.

Ôlivơ đưa mắt nhìn quanh và thấy cách đấy không xa có một ngôi nhà mà nó có thể lần đến được. Thấy tình cảnh của nó, hẳn người ta sẽ rủ lòng thương, nếu không thì, theo nó nghĩ, được chết cạnh con người vẫn còn hơn là ở ngoài đồng không mông quạnh. Nó thu hết sức lực để vượt qua thử thách cuối cùng, rồi bước loạng choạng về phía ấy. Đến sát bên ngôi nhà này, Ôlivơ bỗng có cảm giác hình như đã thấy ở đâu ấy. Ôlivơ không nhớ rõ chi tiết nào của ngôi nhà, nhưng hình dáng và quang cảnh xem ra quen quen.

Bức tường quanh vườn! Tối qua, Ôlivơ đã quỳ thụp trên bãi cỏ phía trong để cầu xin hai tên thương hại nó. Đó chính là cái ngôi nhà nó đã tìm cách ăn trộm.

Nhận ra nơi này, Ôlivơ thấy quá sợ hãi đến nỗi ngay lúc đó nó quên mất vết thương đau nhói mà chỉ nghĩ đến việc trốn chạy. Trốn chạy ư? Nó đứng còn chưa vững, và dù có làm chủ hoàn tòan tất cả sức lực trong cái thân hình trẻ trung và mảnh dẻ của mình thì nó cũng không biết chạy đi đâu? Nó đẩy cánh cổng, cổng không khóa và mở ra. Nó tập tễnh bước qua bồn cỏ, trèo lên các bậc thềm, gõ nhẹ cửa, thế rồi mọi sức lực biến mất, nó ngã gục vào một bên cột cổng xây nhỏ.

Lúc này Jailit, Brittân cùng anh thợ hàn đang uống trà và ăn linh tinh để lấy lại sức sau những vất vả và sợ hãi hồi đêm. Jailit không quen chấp nhận thái độ đối xử quá thân mật với những người đầy tớ thấp hèn hơn: trái lại bác thường tỏ vẻ ân cần chiếu cố và điều đó khi được ban cấp thế nào cũng phải làm cho họ nhớ tới cương vị cao hơn của bác trong xã hội. Nhưng cái chết, chuyện đốt nhà và trộm cắp làm cho mọi người thành bình đẳng. Vì vậy bác Jailit ngồi dạng hai chân trước cái lá chắn ở bếp, cánh tay trái chống lên bàn trong khi cánh tay phải minh họa cho việc kể lại tỉ mỉ và chi tiết vụ trộm và mọi người (nhưng nhất là anh bếp và cô hầu phòng ở trong bọn) đều mê mải lắng nghe.

"Lúc đó vào khoảng hai giờ rưỡi", Jailit nói, "nhưng tôi không dám cam đo không phải ba giờ, bỗng tôi tỉnh dậy, loay hoay trên giường, đại khái như thế này (đến đây Jaiht quay người trên chiếc ghế và kéo góc khăn bàn choàng lên mình như thể đó là cái chăn) và hình như nghe thấy có tiếng động.

Nghe kể đến đây, anh bếp mặt tái xanh bảo chị hầu phòng đóng cửa lại. Chị này nhờ Brittân, Brittân nhờ anh thợ hàn, nhưng anh thợ hàn giả vờ không nghe.

"Hình như thấy có tiếng động”, Jailit nói tiếp. "Lúc đầu, tôi nghĩ đây là một ảo tưởng", và định ngủ tiếp, bỗng tôi lại nghe thấy tiếng động, rõ rành rành”.

"Tiếng động như thế nào?", anh bếp hỏi.

"Tiếng sột soạt", Jailit đáp và đưa mắt nhìn quanh.

"Giống tiếng một thanh sắt đè lên những hạt nhục đậu khấu”, Brittân gợi ý.

"Đó là lúc cậu nghe thấy, cậu ạ", Jailit nói tiếp, "nhưng vào lúc ấy thì đó là tiếng sột soạt. Tôi hất chăn”, Jailit sửa lại khăn bàn, và nói tiếp, "ngồi phắt dậy ở trên giường và lắng nghe".

Anh bếp và chị hầu phòng đồng thanh kêu lên: "Trời ơi!” Rồi kéo ghế lại gần nhau hơn.

"Lúc này tôi nghe tiếng động hết sức rõ”, Jailit nói. "Có người", tôi nghĩ, "đang nậy cửa lớn hay cửa sổ. Phải làm gì đây? Tôi đánh thức anh chàng Brittân tội nghiệp này, và cứu cậu ta khỏi bị giết chết ở trên giường, nếu không thì anh chàng, tôi tự nhủ, có thể bị cắt đứt họng từ tai phải sang tai trái mà không hề hay biết".

Đến đây, mọi cặp mắt đều quay về phía Brittân, còn Brittân nhìn vào người đang nói, mắt trân trân, miệng há hốc, nét mặt đầy sợ hãi khủng khiếp.

"Tôi hất cái chăn ra", Jailit nói, rồi hất khăn trải bàn và nhìn chăm chú vào mặt anh bếp và chị hầu phòng, "khe khẽ bước khỏi giường, xỏ chân vào một...”.

"Bác Jailit ơi, đây có đàn bà", anh thợ hàn nói.

"... một đôi giày, ông ạ", Jailit nói, rồi quay về phía anh ta và nhấn rất mạnh vào những chữ này, "vớ lấy khẩu súng ngắn đã nạp đạn, bao giờ cũng ở trên gác cùng với cái rổ đựng những đĩa bạc, và rón rén bước vào phòng Brittân.

"Brittân", tôi gọi khi thức anh ta dậy, "cậu đừng sợ!".

"Đúng, bác có làm thế”, Brittân hạ thấp giọng nhận xét.

"Brittân, tao cho là chúng mình bỏ mạng mất, tôi bảo", Jailit nói tiếp, "nhưng cậu đừng sợ".

"Anh ấy có hoảng không?", anh bếp hỏi.

"Không hoảng chút nào", Jailit nói. "Anh ta cũng cứng bóng vía - à. Cũng gần như tôi".

"Nếu là trường hợp của tôi thì chắc chắn tôi chết ứ đừ đừ”, chị hầu phòng nhận xét.

"Chị là đàn bà", Brittân cố gượng cười đáp.

"Brittân nói đúng đấy", Jailit vừa nói vừa gật gật đầu ra vẻ tán thành, "không thể chờ đợi điều gì khác ở một người đàn bà. Còn chúng tôi, bọn đàn ông, chúng tôi cầm một chiếc đèn xách tay bịt kín đặt trên cái ngăn bên lò sưởi của Brittân và lần mò đi xuống cầu thang trong bóng tối dày đặc có thể nói như vậy".

Jailit đứng dậy, bước hai bước, hai mắt nhắm lại để miêu tả hành động bằng cử chỉ cho thích hợp thì bỗng giật nảy mình như tất cả những người khác và nhảy lùi về chiếc ghế. Anh bếp và chị hầu phòng thét lên.

"Có tiếng gõ cửa", Jaiht nói, làm ra vẻ hoàn tòan thản nhiên. "Ai ra mở cửa đi nào".

Không ai nhúc nhích.

"Quái thật, tiếng gõ cửa vào lúc sáng sớm như thế này”, Jailit nói và đưa mắt nhìn những gương mặt tái mét đang đứng quanh mình, bản thân bác cũng tái nhợt, "nhưng phải mở cửa. Các vị có ai nghe không đấy?".

Khi nói, Jailit đưa mắt nhìn Brittân, nhưng con người trẻ tuổi này bản tính khiêm tốn, chắc hẳn cho mình không có giá trị gì nên nghĩ rằng yêu cầu này không liên quan đến anh ta, dẫu sao, anh ta cũng không hề lên tiếng trả lời.

Jailit đưa mắt nhìn anh thợ hàn vẻ van lơn cầu khẩn, nhưng anh ta đột nhiên ngủ. Còn phụ nữ thì không nói làm gì. Sau một lát im lặng Jailit bèn bảo:

"Nếu Brittân muốn mở cửa trước mặt những người làm chứng thì tôi sẵn sàng đi cùng anh ta".

"Tôi cũng thế”, anh thợ hàn tỉnh dậy cũng đột ngột như anh ta ngủ và lên tiếng.

Trong những điều kiện như vậy, Brittân đầu hàng; và cả bọn phần nào yên tâm khi phát hiện (do mở toang cửa lá sách ra) rằng bây giờ là thanh thiên bạch nhật, nên bước lên cầu thang với đội tiền vệ là mấy con chó. Hai chị người hầu sợ phải ở lại dưới nhà, cũng bám theo làm thành hậu vệ. Theo lời khuyên của Jailit, họ nói rất to để cảnh cáo bất kỳ ai ở ngoài có ý định xấu rằng họ có số quân đông; và bằng một biện pháp cũng có tính chất bậc thầy như vậy của con người mưu trí kia, người ta cấu mạnh đuôi mấy con chó ở trong phòng để cho chúng sủa lên man rợ.

Sau khi đã tiến hành những công tác chuẩn bị như thế, Jailit nắm chặt cánh tay anh thợ hàn (để không cho anh ta bỏ chạy, như Jailit giải thích một cách vui vẻ), và ra lệnh mở cửa. Brittân vâng lời, và nhóm người - người này lo lắng nhìn trộm qua vai người kia - không thấy có vật gì dễ sợ ngoài Ôlivơ tội nghiệp, kiệt sức và không nói năng gì, gắng ngước đôi mắt nặng trĩu và câm lặng cầu khẩn họ thương hại mình.

"Một thằng bé!", Jailit kêu lên, dũng cảm đẩy lùi anh thợ hàn ra phía sau. "Có việc gì với... thế? Brittân... Cậu khống biết sao?".

Khi mở cửa, Brittân đã nép ngay phía sau cửa, nên thoạt nhìn thấy Ôlivơ liền thốt lên một tiếng kêu lớn. Jailit tóm lấy một chân và một cánh tay thằng bé (may không phải là cánh tay bị gãy) lôi tuột nó vào giữa phòng và đặt nó nằm sóng soài trên sàn.

"Nó đây rồi!", Jailit trong tình trạng kích động mạnh mẽ gào lên từ dưới chân cầu thang lên gác: "Thưa bà, đây là một trong những tên ăn trộm! Thưa cô đây là một thằng ăn trộm! Thưa cô, bị thương ạ! Tôi đã bắn nó, thưa cô, còn Brittân thì cầm đèn".

"Thưa cô, cầm đèn để soi ạ", Brittân kêu lên, một bàn tay đưa lên miệng để tiếng nói có thể vọng xa hơn.

Hai chị người hầu chạy lên cầu thang báo tin rằng Jailit đã bắt được một tên ăn trộm, và anh thợ hàn loay hoay tìm cách cho Ôlivơ ăn, sợ nó chết trước khi bị treo cổ. Giọng một người đàn bà nổi lên đã làm cho cảnh ồn ào nhốn nháo này yên lặng ngay lập tức.

"Bác Jailit!", có tiếng nói khẽ ở đầu cầu thang.

"Thưa cô, tôi đây", Jailit đáp. "Cô đừng sợ, tôi không hề bị thương. Nó không kháng cự lại quyết liệt, cô ạ! Tôi nhanh chóng trị được nó".

"Suỵt”. Cô gái đáp lại. "Bác làm dì tôi hoảng chẳng kém gì bọn ăn trộm. Con người tội nghiệp ấy có bị thương nặng lắm không?".

"Cô ơi, bị thương ra trò chứ lị", Jailit đáp, giọng vô cùng đắc chí.

"Cô ơi, nó xem ra sắp đi đứt rồi", Brittân rống lên, cũng với cái giọng như thế. “Cô có muốn đến xem nó không, nếu như cô...".

"Các anh làm ơn im lặng cho!". Cô gái đáp. "Cứ yên lặng đợi một lát để tôi nói với dì".

Người nói bước đi, bước chân cũng dịu dàng như giọng nói. Lát sau, cô quay lại, ra lệnh cẩn thận đưa người bị thương lên gác đến phòng Jailit, còn Brittân thì phải thắng ngựa đi ngay đến Secxi và phải lập tức đưa về bác sĩ và một người cảnh sát.

“Nhưng lẽ nào cô không ngó nó một chút sao?", Jailit hỏi, giọng hết sức kiêu hãnh chẳng khác gì Ôlivơ là một con chim có bộ lông hiếm mà bác đã khéo léo bắn được. "Ngó một tẹo thôi mà, cô ạ".

"Bây giờ thì dứt khoát là không", cô gái đáp. "Thằng bé tội nghiệp. Bác Jailit, bác phải đối xử tử tế với nó đấy, vì lòng kính yêu tôi!".

Bác đầy tớ già ngước mắt nhìn người nói khi cô ta quay lưng, với cái nhìn cũng kiêu hãnh và thán phục chẳng khác gì cô ta là con gái mình. Sau đó, Jailit cúi xuống giúp một tay đưa Ôlivơ lên gác vẻ ân cần săn sóc như một người đàn bà.