Ôlivơ Tuýt - Chương 31

CHƯƠNG XXXI

TÌNH HÌNH TRỞ THÀNH NGUY KỊCH

“Ai đấy?”, Brittân hé mở cửa và hỏi, cái xích cửa vẫn để nguyên và lấy tay che ngọn nến, nhìn ra ngoài.

“Mở cửa ra”, một người bên ngoài nói, “cảnh sát ở Bao Xtrit mà hôm nay nhà cho người đến gọi”.

Hoàn toàn yên tâm trước câu trả lời này, Brittân mở toang cửa và đứng trước một ông bệ vệ mặc áo khoác rộng. Ông này bước vào; chẳng nói chẳng rằng, di di giày lên thảm chùi chân, vẻ thản nhiên dường như đây là nhà ông ta.

“Cho một người nào ra thay chân ông bạn của tôi, được không anh bạn trẻ?”. Người cảnh sát nói. “Ông ta đang ngồi trên xe độc mã, trông coi ngựa. Ở đây có nhà để xe để gửi nhờ xe trong năm mười phút không?”.

Brittân đáp có và chỉ một ngôi nhà. Rồi ông bệ vệ quay lui lại về phía cổng vườn và giúp anh bạn đưa chiếc xe vào nhà để xe; trong lúc đó, Brittân hết sức thích thú cầm đèn dẫn đường. Cất xe xong, họ quay về ngôi nhà và được dẫn vào phòng khách, rồi cởi áo khoác rộng và bỏ mũ ra, họ xuất hiện với hình thức thực tế của mình.

Ông đã gõ cửa là một người tầm thước, béo mập, tuổi khoảng chừng năm mươi: tóc đen láy, cắt rất sát, ria mép để mảnh, mặt tròn, mắt tinh anh. Người thứ hai xương xương, tóc đỏ, đi giày ống, vẻ mặt hơi khó chịu, cái mũi hếch lên, nom dễ sợ.

“Bảo với ông chủ là Blethơ và Đơp đã tới, nghe chưa?”. Ông béo mập vừa nói vừa vuốt tóc và đặt đôi khóa tay lên bàn. “Ô! Chào ông chủ. Tôi có thể nói vài lời riêng với ông được không ạ!”.

Câu này là nói với ông Lôxbơcnơ vừa mới xuất hiện, bác sĩ ra hiệu cho Brittân ra ngoài, đưa bà Mâyli và cô Rôdơ đến, và đóng cửa lại.

“Đây là bà chủ”, ông Lôxbơcnơ chỉ về phía bà Mâyli, rồi bảo.

Ông Blethơ cúi chào. Đang muốn được ngồi, ông đặt mũ lên sàn, và vừa ngồi xuống ghế vừa ra hiệu cho Đơp cũng làm như vậy. Xem ra ông Đơp không quen sống trong xã hội lịch sự hoặc thấy không hoàn toàn thoải mái trong xã hội ấy - dầu sao thì cũng là do một trong hai điều này, ông ngồi nhưng chân tay cứ cựa quậy và hơi lúng túng nhét đầu gậy vào miệng.

“Bây giờ về vụ trộm ở đây, thưa bà chủ”, Blethơ nói. “Trường hợp này xảy ra như thế nào?”.

Ông Lôxbơcnơ hình như muốn tranh thủ thời gian, kể lại câu chuyện dài dòng và rất nhiều chi tiết, trong lúc đó, các ông Blethơ và Đơp tỏ ra rất am hiểu và chốc chốc lại gật đầu với nhau.

“Cố nhiên là tôi không thể khẳng định điều gì trước khi xem xét nơi xảy ra sự cố”, Blethơ nói, “nhưng tôi có ý kiến ngay là - tôi cho rằng nói thế này chưa phải là đi quá xa - vố này không phải do dân ngờ nghệch làm, anh Đơp thấy thế nào?”.

“Cố nhiên là không”, Đơp đáp.

“Để diễn lại chữ ngờ nghệch cho bà và cô hiểu, theo tôi hình như ông muốn nói vụ ăn trộm này không phải là do một người ở nông thôn làm chứ gì?”. Ông Lôxbơcnơ mỉm cười, nói.

“Đúng thế đấy, ông chủ ạ”, Blethơ đáp. “Về chuyện ăn trộm chỉ có thế thôi phải không ạ?”.

“Chỉ có thế”, bác sĩ đáp.

“Còn cái thằng bé mà bọn đầy tớ ở đây nói đến có dính líu gì trong vụ này nhỉ, Blethơ hỏi.

“Có gì đâu”, bác sĩ đáp. “Một anh đầy tớ hoảng sợ cứ yên trí là thằng bé đã tham dự vào việc chui vào nhà. Nhưng cái đó là vô nghĩa: hoàn toàn vô lý”.

“Nói thế đến dễ”, Đơp nhận xét.

“Anh Đơp nói thế là rất đúng đấy”, Blethơ gật gù nhận xét vẻ xác nhận và thẫn thờ mân mê đôi khóa tay tựa như chúng là hai miếng gỗ để gõ nhịp. “Thằng bé là ai? Nó nói cái gì về bản thân nó? Nó từ đâu đến? Nó không phải là từ trên trời rơi xuống chứ ông?”.

“Cố nhiên là không”, bác sĩ liếc mắt nhìn hai người đàn bà, vẻ bồn chồn, rồi đáp. “Tôi đã biết rõ về nó, nhưng lát nữa chúng ta sẽ nói đến điều đó. Trước hết, chắc các ông muốn xem xét nơi bọn ăn trộm tìm cách đột nhập vào nhà chứ?”.

“Có chứ!”. ông Blethơ đáp. “Chúng tôi trước hết phải xem xét nhà cửa đã, sau đó, mới khảo sát bọn đầy tớ. Thủ tục làm việc là như thế”.

Những ngọn đèn được đem đến, các ông Blethơ và Đơp cùng với người cảnh sát địa phương, Brittân, Jailit và tóm lại tất cả mọi người bước vào căn phòng nhỏ cuối hành lang và nhìn ra ngoài cửa sổ, sau đó, họ đi vòng theo bồn cỏ và nhìn vào cửa sổ. Rồi sau đấy, họ cầm một ngọn nến khảo sát cửa chớp, và cầm một chiếc đèn xách xem xét các vết chân, rồi cầm một cái chĩa sục sạo các bụi cây. Sau khi làm xong những việc này, họ lại bước vào giữa sự nín thở chú ý của tất cả những người xem. Sau đó, Jailit và Brittân được mời trình bày một cách đầy kịch tính sự tham dự của họ vào những biến cố tối hôm qua, hai người làm thủ tục đó sáu lần; họ chỉ mâu thuẫn nhau ở một điểm quan trọng trong lúc kể lần đầu, và ở mươi mười hai điểm trong lúc kể lần cuối. Sau khi đã làm xong những thủ tục này, Blethơ và Đơp mời tất cả mọi người ra khỏi phòng, và họp bàn với nhau rất lâu, bí mật và long trọng đến nỗi việc bàn bạc giữa những bác sĩ vĩ đại về một điểm hóc búa nhất của y học so với nó chỉ là trò trẻ con.

Trong lúc đó, bác sĩ đi đi lại lại rất bực bội trong căn phòng bên cạnh, bà Mâyli và cô Rôdơ đăm chiêu nhìn ông ta.

“Thú thực, “ ông Lôxbơcnơ nói, và dừng lại sau khi đã đi quanh phòng nhiều lần, “tôi không biết nên làm gì?”.

“Chắc chắn”, cô Rôdơ nói, “câu chuyện kể của thằng bé tội nghiệp, nếu đem kể lại trung thành cho mấy ông này là đủ để chứng minh rằng nó vô tội”.

“Cô ơi tôi ngờ lắm”, bác sĩ lắc đầu nói. “Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ chứng minh là nó vô tội trước mắt họ cũng như trước mắt các viên chức pháp luật cao cấp hơn. Họ sẽ nói, xét cho cùng là cái thá gì? Một thằng ma cà bông. Nếu xét theo những nhận xét và những khả năng thông thường thì câu chuyện kể của nó là rất đáng ngờ”.

“Ông tin câu chuyện ấy chứ?”, cô Rôdơ ngắt lời...

“Tôi tin, dù cho nó là kỳ quặc, và có lẽ khi làm như thế tôi là một thằng ngốc”, bác sĩ đáp, “nhưng tôi không tin nó có giá trị như vậy đối với một viên chức cảnh sát dày kinh nghiệm”.

“Tại sao lại không?”, cô Rôdơ hỏi.

“Bởi vì, cô bé xinh đẹp ơi”, bác sĩ nói, “nhìn theo con mắt của họ, câu chuyện này có nhiều điểm không hay: nó chỉ có thể chứng minh những phần bất lợi mà không chứng minh được những phần có lợi. Những cái ông khỉ gió kia, họ chỉ muốn biết tại sao và thế nào chứ không tin cái gì hết. Theo chính những lời thú nhận của nó, như cô thấy đấy, trước đây ít lâu nó đã từng là bạn bè của bọn trộm cắp, nó đã bị lôi ra trước sở cảnh sát về tội móc túi một cụ già, nó đã bị người ta dùng võ lực lôi khỏi nhà cụ già này, rồi đem đến một nơi mà nó không thể miêu tả hay chỉ rõ ra được và nó không hề có mảy may khái niệm gì về nơi ấy. Dù nó muốn hay không, những con người có vẻ rất thích nó đã mang nó đến Secxi, và đẩy nó qua một cửa sổ để ăn trộm một nhà nào đấy, và vào đúng lúc nó định đánh động những người trong nhà - sự kiện duy nhất có thể bào chữa cho nó - thì một thằng quản gia chó má thiếu giáo dục bắn nó! Hóa ra là anh ta không cho nó làm bất kỳ điều gì tốt cho bản thân nó! Cô có thấy tất cả những điều đó không?”.

“Cố nhiên tôi thấy, cô Rôdơ đáp và mỉm cười trước thái độ hăng bốc của bác sĩ, “nhưng tôi vẫn không thấy ở đấy có điều gì chứng minh thằng bé tội nghiệp có lỗi”.

“Phải rồi, cố nhiên là không có gì”. Bác sĩ đáp. “Quý hóa thay đôi mắt sáng của giới cô! Dù là tốt hay xấu họ chỉ nhìn thấy một khía cạnh của vấn đề mà thôi và bao giờ đó cũng là cái khía cạnh họ nhìn thấy lần đầu tiên”.

Sau khi đã trình bày kết quả này của kinh nghiệm, bác sĩ thọc hai tay vào túi, đi bách bộ trong phòng thậm chí còn nhanh hơn trước.

“Tôi càng nghĩ đến điều này”, bác sĩ nói, “tôi càng thấy rằng nó sẽ gây nên những khó khăn rắc rối không bao giờ hết nếu như chúng ta để cho hai ông này nắm được câu chuyện kể thời sự của thằng bé. Tôi biết chắc là người ta sẽ không tin nó, và ngay dù cho cuối cùng họ không làm cho nó bị thiệt hại gì, thì việc kéo dài câu chuyện và công bố cho mọi người biết những điều ngờ vực mà nó gây nên thế nào cũng cản trở thực tế cái ý định cao quý của cô là cứu nó khỏi cảnh nghèo khổ”.

“Ôi chao! Bây giờ phải làm gì đây?”. Cô Rôdơ kêu lên. “Trời ơi! Tại sao người ta lại cho gọi họ đến?”.

“Tại sao nhỉ!”. Bà Mâyli kêu lên. “Cho tôi tiền, tôi cũng không muốn có họ ở đây?”.

“Tôi chỉ biết một điều”, ông Lôxbơcnơ nói và cuối cùng, ngồi xuống với vẻ bình thản tuyệt vọng, “đó là chúng ta phải cố hết sức hành động táo bạo. Mục đích là cao quý. Và đó là điều bào chữa cho chúng ta. Thằng bé có những triệu chứng lên cơn sốt, và không có khả năng nói gì nữa, đó là một điều có lợi. Chúng ta phải tận dụng điều đó, nếu như chúng ta không đạt đến kết quả thì đó không phải là lỗi của chúng ta. Mời các ông vào!”.

“Thưa ông chủ”, Blethơ nói - anh bạn đồng nghiệp cùng bước theo vào phòng - và đóng cửa lại trước khi nói năng gì thêm. “Vụ này không phải là một chuyện dựng lên”.

“Chuyện dựng lên là cái quái gì?”, bác sĩ sốt ruột hỏi.

“Thưa bà và cô, chúng tôi muốn nói một vụ ăn cắp được dựng lên, Blethơ nói và quay về phía hai người đàn bà, như thương hại về chỗ họ ngu dốt, nhưng lại khinh thường ông bác sĩ, “nghĩa là bọn đầy tớ có nhúng tay vào”.

“Chẳng ai ngờ vực họ trong trường hợp này, bà Mâyli đáp.

“Thưa bà, rất có thể là không”, Blethơ đáp, “nhưng mặc dầu thế, họ vẫn cứ có thể bị liên can”.

“Điều này càng có thể xảy ra khi chẳng ai ngờ vực họ”, Đơp nói.

“Chúng tôi thấy rằng đây là dân thành phố”, Blethơ tiếp tục trình bày, “vì phong cách làm ăn là thuộc hạng cừ”.

“Thực là rất cừ đấy ạ”, Đơp hạ thấp giọng, nhận xét.

“Chúng nó có hai người”, Blethơ nói tiếp, “và chúng mang theo một thằng bé, điều này là rõ, xét theo kích thước của cửa sổ. Bây giờ chỉ có thể nói thế. Bây giờ các vị cho phép chúng tôi lên ngay trên gác, gặp thằng bé kia”.

“Có lẽ trước đó, phải mời các ông uống cái gì đã chứ, bà Mâyli!”, Bác sĩ nói. Gương mặt ông sáng lên như nảy ra một ý nghĩ gì.

“Ồ, cố nhiên!”. Cô Rôdơ sốt sắng kêu lên. “Nếu các ông muốn thì có ngay đây ạ”.

“Tuyệt, cám ơn cô!”, Belthơ đáp, rồi lấy ống tay chùi miệng, “cái trò công việc này háo lắm. Thưa cô, một cái gì dễ kiếm thôi. Xin cô đừng vất vả vì chúng tôi”.

“Thứ gì nào?”, bác sĩ hỏi và đi theo cô Rôdơ đến tủ buýp phê.

“Ông chủ cho một ít rượu mạnh, nếu như ông thấy tiện”. Blethơ đáp. “Thưa bà, đi xe ngựa từ Luân Đôn đến lạnh lắm, và bao giờ tôi cũng thấy rượu mạnh làm cho con người ấm lên”.

Lời nói thú vị này là để nói với bà Mâyli và bà ta tiếp nhận nó rất lịch sự, trong khi đó bác sĩ lẻn ra khỏi phòng.

“À!”, ông Blethơ nói, rồi không cầm nơi chân cốc rượu mà giơ ngón tay cái và ngón tay trỏ của bàn tay trái tóm ngay cái cốc và để ở trước ngực mình. “Thưa bà và cô, trong đời tôi, tôi đã thấy nhiều vụ như thế này”.

“Chẳng hạn vụ ăn trộm ở đường hẻm Etmântân ấy, ông Blethơ ạ”, Đơp nhắc gợi ông bạn đồng nghiệp.

“Cái đó cũng đại khái theo lối này, có phải không nào?”, Blethơ nói. “Đó là vụ do Sicuyt Ranh Ma làm”.

“Bao giờ ông cũng gán điều đó cho anh ta”, Đơp đáp. “Vụ đó do gia đình Pet làm, Ranh Ma không liên can gì đến vụ đó cũng như tôi vậy”.

“Thôi đi!”. Blethơ phản đối. “Tôi biết hơn ông. Thế ông có nhớ cái lúc Ranh Ma bị ăn trộm tiền chứ? Thực là buồn cười. Còn hay hơn mọi quyển tiểu thuyết tôi đã đọc”.

“Các ông đang nói chuyện gì vậy?”. Cô Rôdơ hỏi, muốn làm cho những ông khách khó chịu này giữ được thái độ niềm nở.

“Thưa cô, đó là một vụ trộm khó ai có thể coi thường”, Blethơ nói, “Anh chàng Sicuyt Ranh Ma này...”

“Thưa bà, Ranh Ma nghĩa là ranh mãnh”, Đơp nói xen vào.

“Cố nhiên là cô biết rồi có phải không cô?” Blethơ nói. “Ông bạn cứ luôn luôn nói xen vào! Sicuyt Ranh Ma, thưa cô, coi một quán rượu ở đường Battânbrigiơ, và có một hầm rượu, nhiều vị công tử đến đấy để xem chọi gà, xua chó đi săn và vân vân... Những trò chơi này rất hấp dẫn, tôi đã có dịp được xem nhiều lần. Lúc bấy giờ anh ta chưa nhập bọn với bè lũ ăn trộm. Một đêm, người ta ăn trộm của anh ta ba trăm hai mươi bảy ghinê(26) trong một cái túi vải bạt. Một người đàn ông cao lớn có một vết đen ở trên con mắt đã kéo túi này ra khỏi phòng ngủ vào lúc đêm khuya. Người đàn ông nọ nằm nấp dưới gầm giường và sau khi ăn trộm liền nhảy ra ngoài cửa sổ ở tầng hai. Hắn đến là nhanh. Nhưng Ranh Ma ta cũng nhanh không kém, nghe thấy tiếng động, anh ta tỉnh dậy và lao ra khỏi giường, giơ súng bắn hắn và đánh thức những người chung quanh. Mọi người liền chạy đuổi theo, và khi xem xét, người ta thấy Ranh Ma đã bắn trúng tên ăn trộm, vì có những vết máu chạy suốt đến cái hàng rào cách một quãng xa và tới đấy dấu máu biến mất. Tuy nhiên, tên ăn trộm đã lấy mất tiền và chạy trốn do đó tên của Sicuyt - người được phép bán rượu mạnh - xuất hiện trong “Tạp chí Luân Đôn”(27), trong số những người vỡ nợ khác. Và lúc đó, người ta tổ chức mọi thứ quyên góp và trăm thứ linh tinh cho con người tội nghiệp. Anh ta rất buồn về sự tổn thất của mình và đi lang thang ngoài đường ba bốn ngày liền, bứt tóc bứt tai một cách tuyệt vọng, đến nỗi nhiều người sợ có thể anh ta sẽ tự sát. Một hôm, anh ta đến Tòa án rất vội vã, nói chuyện riêng với ông quan tòa, và sau khi bàn bạc hồi lâu, ông quan tòa rung chuông ra lệnh cho Jêm Xpaiơ (Jêm là một viên chức đắc lực) bảo ông này đi và giúp Sicuyt bắt con người đã vào nhà anh ta ăn trộm. “Hôm qua tôi đã thấy hắn đi qua nhà tôi anh Xpaiơ ạ”. Sicuyt nói. Spaiơ hỏi: “Thế tại sao anh không tóm cổ nó?”. Con người tội nghiệp nói: “Tôi đã mất hồn mất vía đến nỗi người ta có thể dùng một que tăm xỉa răng cũng đánh vỡ sọ tôi, nhưng thế nào chúng ta cũng tóm được hắn, vì hắn lại đi qua vào giữa mười giờ và mười một giờ đêm”. Vừa nghe nói thế, Xpaiơ liền nhét vào túi mình một bộ quần áo sạch và một cái lược để đề phòng phải ở lại một hay hai ngày. Anh ta ra đi và ngồi khuất sau một tấm rèm đỏ nhỏ nơi cửa sổ một quán ăn, đầu vẫn đội mũ, sẵn sàng xông ra ngoài vào bất cứ lúc nào. Anh ta đang ngồi hút tẩu ở đấy, lúc đêm khuya bỗng nhiên Sicuyt kêu lên: “Nó đây rồi! Bắt thằng ăn cắp! Thằng giết người!”. Jêm Xpaiơ xông ra, và thấy Sicuyt đang chạy như điên ở ngoài đường, miệng kêu thất thanh Xpaiơ lao theo Sicuyt chạy như bay; mọi người đuổi theo, ai nấy đều gào lên. “Ăn trộm!” và trong suốt thời gian đó Sicuyt vẫn cứ gào thét như điên. Xpaiơ mất hút anh ta trong một phút khi anh ta rẽ quanh một góc phố, liền chạy đuổi theo bắt kịp anh ta, khi anh ta nhìn thấy một đám nhỏ và xông vào giữa: “Thằng ấy là thằng nào?”. Sicuyt nói: “Mẹ kiếp! Tôi lại mất hút hắn rồi!”. Tuy điều đó là lạ lùng, nhưng thực tế là không nhìn thấy hắn ở đâu, cho nên hai người lại quay trở về quán rượu. Sáng hôm sau, Xpaiơ vẫn ngồi ở chỗ cũ, và qua tấm rèm, Xpaiơ nhìn ra ngoài để tìm con người cao lớn có một vết đen ở trên con mắt, cho đến khi mắt đau nhói. Cuối cùng Xpaiơ đành nhắm mắt lại để đỡ nhức trong vài phút và ngay vào lúc ấy Sicuyt lại gào lên: “Hắn đây rồi!”. Xpaiơ xông ra lần nữa, Sicuyt chạy phía trước cách nửa phố, và sau khi đuổi theo một quãng dấp hai lần tối qua, con người ấy lại mất hút! Điều này lại xảy ra một hai lần nữa cho đến khi một nửa những người lân cận tuyên bố rằng Sicuyt bị quỷ sứ ăn trộm, và sau đó nó trêu anh ta, còn nửa kia thì nói rằng Sicuyt tội nghiệp đã hóa điên vì buồn rầu”.

(26) Tiền vàng của nước Anh xưa, giá trị tương đương hai mươi mốt silinh.

(27) Tạp chí xuất bản từ thế kỷ XVII để công bố những quyết định của chính phủ, của tòa án, vân vân...

“Thế Jêm Xpaiơ nói gì?”. Bác sĩ hỏi, ông này đã quay trở lại căn phòng ngay sau khi câu chuyện kể bắt đầu.

“Jêm Xpaiơ”, người viên chức cảnh sát tiếp tục câu chuyện, “trong một thời gian dài không nói gì hết, nhưng lắng nghe tất cả mọi việc mà không tỏ cho người ta biết mình hiểu câu chuyện này như thế nào. Nhưng một buổi sáng, Xpaiơ bước vào quán rượu, lấy hộp thuốc lá hít ra và nói: “Sicuyt, tôi đã tìm ra kẻ nào thực hiện việc ăn cắp này”. Sicuyt nói: “Thực thế à? Ôi chao, anh Xpaiơ ơi, chỉ cần anh cho phép tôi được trả thù thì chết cũng hài lòng! Anh Xpaiơ ơi, cái thằng khốn kiếp ấy ở đâu?”. Xpaiơ mời Sicuyt hít thuốc lá và nói: “Được rồi! Thôi đừng có bịp nữa! Chính anh ăn trộm đấy!”. Và sự thực là thế; “anh ta cũng đã kiếm được khá nhiều tiền, và lẽ ra không ai có thể tìm ra điều đó nếu Sicuyt không quan tâm quá nhiều đến việc làm cho câu chuyện đáng tin!”. Ông Blethơ vừa nói vừa đặt cốc rượu xuống và đồng thời làm cho hai cái khóa tay kêu lạch cạch.

“Quả thực là kỳ lạ”, bác sĩ nhận xét. “Và bây giờ nếu ông muốn, mời ông lên gác”.

“Nếu ông vui lòng?”, Blethơ đáp. Theo sát ông Lôxbơcnơ, hai người cảnh sát lên phòng ngủ của Ôlivơ. Jailit cầm cây nến đi trước.

Ôlivơ vừa chợp ngủ lơ mơ xong, nhưng nó có vẻ mệt mỏi và run lẩy bẩy hơn trước. Được ông bác sĩ giúp đỡ, nó tìm cách ngồi dậy trên giường, khoảng trên dưới một phút và nhìn những người lạ mặt mà không hề hiểu gì về những việc đang diễn ra - thực vậy, hình như không nhớ rằng nó đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra.

“Đấy là thằng bé”, ông Lôxbơcnơ dịu dàng nói, nhưng vẫn rất sôi nổi, “ngẫu nhiên bị một phát súng bẫy bắn bị thương(28) khi nó lơ đễnh đi qua khu vực của ông Không Biết Tên Là Gì, ở phía sau, đằng này... rồi đến đây sáng nay xin cầu cứu, và liền lập tức bị con người khéo léo cầm ngọn nến kia tóm lấy và hành hạ, làm cho cuộc sống của nó rất nguy kịch như tôi có thể xác nhận về mặt nghề nghiệp”.

(28) Loại súng đặt làm bẫy, ai đụng phải thì bắn ngay. Pháp luật Anh không ngăn cản biện pháp tàn nhẫn này của các ông chủ điền trang để chống lại bọn ăn trộm trong điền trang của mình.

Các ông Blethơ và Đơp nhìn Jailit, người được giới thiệu theo lối như vậy. Người quản gia sửng sốt hết nhìn họ đến nhìn Ôlivơ, rồi nhìn Ôlivơ đến ông Lôxbơcnơ vừa sợ vừa lúng túng, rất buồn cười.

“Bác không có ý định phủ định điều đó chứ?”, bác sĩ nói và lại khẽ đặt Ôlivơ nằm xuống.

“Thưa ông, tôi cố gắng... làm hết sức mình”, Jailit đáp. “Tôi tin chắc rằng tôi tưởng nó là thằng bé ăn trộm, nếu không tôi đã chẳng quấy nhiễu nó làm gì. Thưa ông, tôi không phải là người tàn nhẫn”.

“Anh tưởng là thằng bé nào?”, viên cảnh sát lớn tuổi hơn hỏi.

“Thưa ông, thằng bé ăn trộm ấy mà!”, Jailit đáp. “Thế nào chúng cũng có một thằng bé”.

“Thế nào, anh nghĩ thế nào?”, Blethơ hỏi.

“Nghĩ thế nào bây giờ, thưa ông?”, Jailit đáp và sửng sốt nhìn người hỏi mình.

“Anh có cho rằng đó chính là thằng bé này không, đồ ngốc!”, Blethơ sốt ruột hỏi.

“Tôi không biết, quả thực tôi không biết”, Jailit nói, vẻ mặt thiểu não. “Tôi không dám chắc!”.

“Thế anh nghĩ gì?”, Blethơ hỏi.

“Tôi không biết nên nghĩ gì”, Jailit tội nghiệp đáp. “Tôi không nghĩ rằng đó là thằng bé này, cố nhiên, tôi gần như tin chắc không phải là nó. Không thể là nó”.

“Thưa ông, người này có phải đã uống rượu không?”, Blethơ quay về phía bác sĩ hỏi.

“Anh thật ngớ ngẩn đến kỳ quặc!”. Đơp bảo Jailit, giọng hết sức khinh bỉ.

Trong lúc mấy người lời qua tiếng lại như vậy thì ông Lôxbơcnơ đã bắt mạch người bệnh, lúc này, ông rời khỏi chiếc ghế ở cạnh giường và nhận xét rằng nếu như các ông cảnh sát có ngờ vực gì về việc này thì xin mời sang phòng bên cạnh và nói chuyện với Brittân.

Nhận lời, hai người bước sang phòng bên cạnh, ở đây Brittân được gọi tới. Anh này khi bị hỏi đến liền lôi ông thượng cấp đáng kính của mình cũng như bản thân mình vào một tình trạng rối tinh rối mù đầy những mâu thuẫn mới và những điều không thể xảy ra, không nhằm soi sáng cái gì hết, chỉ trừ tình trạng anh ta hoàn toàn hoang mang; cố nhiên không kể đến việc anh ta tuyên bố rằng mình không nhận ra đích thị thằng bé ấy dù cho người ta có đặt nó ngay bây giờ trước mặt anh ta. Anh ta tưởng Ôlivơ là thằng bé ấy bởi vì Jailit bảo thế, nhưng cách đây năm phút, ở dưới bếp Jailit đã thú nhận là không phải, cho nên anh ta rất ngại rằng anh ta có hơi quá vội vàng.

Trong số các giả thiết khéo léo lúc đó, người ta nêu lên câu hỏi xem Jailit có thực sự làm ai bị thương không. Và khi xem xét khẩu súng ngắn mà Jailit đã dùng để bắn thì hóa ra nó không có tác dụng phá hoại gì hết, vì đầu đạn là bằng loại giấy nhàu nâu. Phát hiện này làm cho tất cả mọi người đều ngạc nhiên, trừ bác sĩ, vì khoảng trước đấy mươi phút ông đã rút viên đạn ra. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là Jailit, sau khi suốt mấy tiếng đồng hồ bác ta cứ băn khoăn lo lắng sợ mình đã làm một người nào đó bị thương, nên liền vội vàng tóm ngay lấy ý kiến mới này và ra sức tán thành nó. Cuối cùng, hai ông cảnh sát không băn khoăn về Ôlivơ nữa, để lại người cảnh sát ở Secxi trong nhà và tối hôm ấy họ ra nghỉ ngoài phố, sau khi hứa sáng hôm sau sẽ quay trở lại.

Sáng hôm sau, có tin đồn là hai người đàn ông và một thằng bé đã bị bắt ở Kinxtơn đêm trước trong những trường hợp đáng ngờ và các ông Blethơ và Đơp liền đến đấy. Nhưng sau khi điều tra, người ta thấy những trường hợp đáng ngờ chỉ thu hẹp vào một điểm: người ta đã bắt gặp họ ngủ dưới một đụn rơm. Đó tuy là một tội nặng nhưng chỉ có thể phạt tù, và trước con mắt nhân từ của pháp luật nước Anh cũng như tình thương vô hạn của nó đối với thần dân của đức vua, điều đó không phải là một bằng chứng đầy đủ, lại không có những bằng chứng cụ thể khác cho biết người ngủ hay những người ngủ đã phạm tội ăn trộm phá nhà, và vì vậy không thể nào khép họ vào tội tử hình. Các ông Blethơ và Đơp lại quay trở lại, đầu óc vẫn mù mờ không hơn gì so với lúc ra đi.

Tóm lại, sau khi đã xem xét cẩn thận hơn và bàn đi bàn lại khá sôi nổi người ta thỏa thuận rằng ông Lôxbơcnơ và bà Mâyli sẽ trả lời thay Ôlivơ, nếu cảnh sát hỏi và một ông quan tòa gần đấy sẵn sàng làm chứng cho họ. Blethơ và Đơp nhận được khoảng hai đồng ghinê, rồi quay trở về Luân Đôn với những ý kiến khác nhau về đối tượng chuyến đi của họ: người thứ nhất, sau khi suy nghĩ cẩn thận mọi trường hợp, đã cho rằng vụ ăn trộm này là do bọn Pet gây nên; còn người thứ hai thì cũng sẵn sàng dành tất cả thành tích của nó cho Cicuyt Ranh Ma lừng tiếng.

Trong lúc đó, được bà Mâyli, cô Rôdơ và bác sĩ Lôxbơcnơ tốt bụng phối hợp chăm sóc, Ôlivơ dần dần bình phục và khỏe mạnh. Nếu như những lời cầu nguyện thiết tha thốt ra từ những con tim tràn đầy lòng biết ơn được Thượng đế nghe tới - và nếu như chúng không được nghe thì đâu còn là lời cầu nguyện nữa! - những lời cầu phúc mà đứa trẻ mồ côi cầu nguyện Thượng đế đã ban cho họ, đã thấm vào tâm hồn họ, làm cho họ thảnh thơi và sung sướng.